Tất cả những thứ lúc sống, đều không mang theo đi được, ngay cả ân nghĩa mẹ cha, huynh đệ, phu thê, con cái, đều vĩnh viễn rời xa. Đến ngay thân thể này cũng thối rữa, giòi bọ bu vào ăn, còn lại nắm xương tàn, người ta tham lam dục vọng nên trầm luân bể khổ, mà chẳng biết rằng có hợp thì có tan, có sinh tất có tử, thế gian nào ai sống mãi. Ta tuy thân phận Thái tử, cũng không tránh được chết…
Thái tử lâu ngày ở trong cung, rất muốn ra bên ngoài du lãm phong cảnh thiên nhiên, phụ vương lập tức dặn dò văn võ đại thần, chuẩn bị 7 cỗ xe, trăm quan theo hầu, tiền hô hậu ủng bảo vệ, ra khỏi cửa Đông thành. Dân ven đường nghe tin thái tử du ngoạn, đều đến chiêm ngưỡng; Thái tử nhìn thấy một cụ già trong dân chúng đứng xem, tóc bạc da nhăn, lưng còng tay gậy, suy nhược đi không nổi, liền hỏi quan tùy tùng, đó là người thế nào? Quan tùy tùng trả lời đó là người già.
Thái tử trầm tư: “Thời gian trôi như nước, đời người từ lúc oa oa đến khi vùi đất, bất tri bất giác năm tháng hư không, mấy chốc già đến lão suy. Ta nay tuy đang hưởng thụ phú quý vinh hoa, nhưng thân này không tránh được suy lão, rồi đến lúc mắt hoa tai nghễnh, tinh suy lực kiệt, còn chút sức tàn mà đi về chốn tận”.
Nghĩ đến đây, Thái tử tâm sinh buồn khổ, hạ lệnh hồi cung.
Quốc vương nghe nói Thái tử du ngoạn cửa Đông không vui, vài ngày sau khuyên Thái tử đi chơi ở cửa Nam. Vừa ra khỏi thành thì thấy một người bệnh, mặt vàng thân gầy, hình dung khô đét, hơi thở khò khè, đổ gục bên đường. Thái tử thở dài nói với tùy tùng: “Thân thể này, chính là căn nguyên của khổ não. Khi mắc bệnh là thống khổ nhất, sống trên đời khác gì bóng trăng trên sóng nước, chẳng có được một chốc bình an.”
Thái tử thương xót người bệnh, trong tâm lo lắng, không muốn du ngoạn nữa, liền bảo người quay xe hồi cung.
Phụ vương biết tin này, sợ Thái tử xuất gia, nên sắp xếp con của người Bà La Môn là Ưu Đà Di làm bạn với Thái tử, an ủi Thái tử, lại còn thêm nhiều trò vui để Thái tử an định. Ưu Đà Di là một người thông minh, có tài hùng biện, nhưng chẳng thể làm chuyển biến tâm niệm xuất thế của Thái tử. Sau đó Thái tử lại muốn du ngoạn, quốc vương nghĩ hai cửa Đông, Nam khi trước chẳng gặp cát tường, nay sang cửa Tây, cho Ưu Đà Di đi cùng.
Ai ngờ vừa ra khỏi cửa Tây thì gặp một người chết, thân thể cứng đờ ra đó, máu tanh chảy ra, hôi thối khó ngửi. Thái tử liền hỏi Ưu Đà Di, cậu ta không dám trả lời; Thái tử phải giục đến lần thứ ba Ưu Đà Di mới trả lời: “Đây là tử thi, người ta tham luyến ngũ dục, không biết vô thường đang đến, thoảng cái là đi, chết khổ thế này, là người thật khổ.”
Thái tử vốn điềm tĩnh, nghe câu này, bất giác lo sợ muôn phần, nói với Ưu Đà Di: “Ôi! một người lúc sống, tham danh, tham lợi, tham nữ sắc, tham ăn… không biết rằng một khi chết đi sẽ như thế này đây”.
“Tất cả những thứ lúc sống, đều không mang theo đi được, ngay cả ân nghĩa mẹ cha, huynh đệ, phu thê, con cái, đều vĩnh viễn rời xa. Đến ngay thân thể này cũng thối rữa, giòi bọ bu vào ăn, còn lại nắm xương tàn, người ta tham lam dục vọng nên trầm luân bể khổ, mà chẳng biết rằng có hợp thì có tan, có sinh tất có tử, thế gian nào ai sống mãi. Ta tuy thân phận Thái tử, cũng không tránh được chết; nên mau tìm cầu phương pháp thoát ly khỏi Lão, Bệnh, Tử mới được.”
Thái tử càng nghĩ càng sầu muộn, lại thôi du ngoạn, quay về cung. Nhưng tùy tùng lần này theo ý chỉ của Quốc vương, không dám nửa đường quay về, nên khởi kiệu đưa Thái tử vào hoa viên. Một đàn cung nữ rực rỡ như hoa như ngọc, thấy Thái tử quay về, chạy ra vây quanh Thái tử, thể hiện chiều chuộng chăm sóc, những mong được Thái tử sủng ái, nhưng họ có quấn quýt thế nào đi nữa, Thái tử cũng chẳng để tâm, mà ung dung nói chuyện về nỗi khổ của Lão, Bệnh, Tử với họ. Qua một thời gian, Thái tử lại muốn du ngoạn cửa Bắc.
Phụ vương nghe tin, lệnh tu bổ đường sá, sắp đặt thắng cảnh. Văn võ bá quan tháp tùng Thái tử cưỡi ngựa ra ngoài, suốt đường đi, non xanh nước biếc, hoa cỏ tốt tươi, cảm thấy mười phần sảng khoái dễ chịu. Đi được một lúc, thì nhìn thấy một người, đầu trọc khoác áo choàng đen, thần thái uy nghi, một tay cầm bát, một tay cầm tích trượng, từ từ bước đến. Thái tử trông thấy, khởi lòng tôn trọng, vội vàng xuống ngựa cung kính hỏi: “Ông là ai vậy?”
Người đó đáp: “Tôi là tỳ kheo, là hòa thượng. Do sợ Lão, Bệnh, Tử mà xuất gia tu hành. Hiểu được rằng thế gian này tất cả đều không thực, đều là vô thường. Tôi dựa vào ‘Chân Như’ mà phá sinh tử, chăm tu Giới, Định, Huệ, hàng phục Tham, Sân, Si; không tham nhiễm Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, thoát ly Lão, Bệnh, Tử các loại khổ não. An trú thanh tịnh, tu tập pháp môn giải thoát, tới bờ bên kia, gọi là tỳ kheo.”
Nói xong, tỳ kheo đó nhẹ bay lên không xa dần.
Thái tử nghe được khai thị, mừng vui vô cùng, tự nói với mình: “Lành thay! lành thay! Trong cõi người, đây chính là Pháp môn cứu cánh, mình phải tu học.” Về đến cung liền kể rõ với phụ vương, yêu cầu xuất gia. Quốc vương nghe Thái tử đột nhiên muốn xuất gia, thấy vô cùng buồn bã, ôm Thái tử vào lòng, dùng nhiều lời khuyên nhủ, bảo Thái tử mau bỏ ý định này đi, sau này còn kế thừa ngôi vị, làm chủ nhân của núi sông rộng lớn.
(Còn tiếp)
Thái Bình
Theo Vision Times
- Xem thêm:
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
- Cuộc đối thoại giữa hai nhà sư
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!