Hồng Lâu Mộng: Vì sao Bảo Ngọc xuất gia là trái với nguyên tác của Tào Tuyết Cần?

97 700x366 1

Hai hồi cuối của Hồng Lâu Mộng kể rằng, Bảo Ngọc và cháu trai là Giả Lan cùng tham gia thi Hương Khôi, hai chú cháu nộp xong bài đi ra thì không may lạc mất nhau. Người nhà đi tìm khắp nơi cũng không hỏi được tin tức, chỉ riêng cha của Bảo Ngọc là Giả Chính mới là người duy nhất gặp lại chàng.

Hồng Lâu Mộng
Trên bến đò Côn Lăng, Bảo Ngọc cúi lạy cha rồi khoác lên mình chiếc áo choàng đỏ đi vào trong mưa tuyết.
Tranh màu minh họa “Hồng Lâu Mộng” của Tôn Ôn đời nhà Thanh (Ảnh Internet).

Trong truyện viết:

Một hôm đi đến trạm Côn Lăng, trời rét, tuyết xuống, thuyền đậu ở chỗ vắng vẻ. Giả Chính sai người lên bộ, đưa danh thiếp đi từ tạ bầu bạn, nói thuyền sẽ đi ngay, không dám phiền ai đến thăm hỏi. Khi ấy đầu thuyền chỉ để lại một đứa nhỏ để hầu. Giả Chính ở trong thuyền viết thư, định cho người đi bộ đem về nhà trước. Khi viết đến việc Bảo Ngọc, liền dừng bút lại, ngẩng đầu lên, bỗng thấy đầu thuyền lờ mờ có dáng một người trong bóng tuyết, đầu trọc chân trần, mình khoác chiếc áo đi mưa bằng lông vượn màu đại hồng, ngoảnh vào Giả Chính và sụp xuống lạy. Giả Chính chưa nhìn được rõ, vội ra đầu thuyền, muốn đến đỡ dậy để hỏi. Người ấy lạy bốn lạy, rồi đứng dậy chào theo lối nhà Phật. Giả Chính còn muốn vái đáp, chợt nhìn thấy trước mặt mình không phải ai lạ mà chính là Bảo Ngọc. Giả Chính kinh ngạc vô cùng, vội hỏi:

– Có phải Bảo Ngọc không?

Người ấy không nói gì, như mừng như tủi. Giả Chính lại hỏi:

– Nếu là Bảo Ngọc, thì sao lại ăn mặc như thế mà đến chỗ này?

Bảo Ngọc chưa kịp trả lời, bỗng thấy một nhà sư, một đạo sĩ đến đầu thuyền. Hai người nắm tay Bảo Ngọc nói:

– Tục duyên đã hết, không đi nhanh lên à?

Nói rồi, ba người vùn vụt lên bờ đi. Giả Chính không kể đất trơn, vội vàng chạy theo. Thấy ba người đi trước, nhưng không sao theo kịp. Chỉ nghe một người nào trong họ hát:

Chỗ ta ở chừ, đỉnh núi thanh u,
Chỗ ta chơi chừ, cõi không mịt mù;
Ai đi cùng ta chừ, ta đi theo với?
Mênh mông mù mịt chừ, về nơi Đại Hoang!

Khung cảnh được miêu tả rất đẹp: Trên con sông dài, bên bến phà cổ, giữa tuyết trắng mênh mông mịt mù, Bảo Ngọc đột nhiên xuất hiện trong chiếc áo choàng đỏ, bái tạ cha rồi đi theo hai vị tăng nhân và đạo sĩ. Hình ảnh này nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ những nhà nghiên cứu và độc giả yêu thích bộ tiểu thuyết, trong đó có nhà văn Trương Ái Linh.

Người ta nói rằng 40 hồi viết tiếp của Cao Ngạc có ngàn vạn sai lầm, nhưng cảnh này miêu tả lại đẹp như tranh, làm tăng thêm chất họa chất thơ cho Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên, màn kịch Bảo Ngọc xuất gia mặc áo choàng đỏ cũng như việc viết tiếp tu sửa này lại trái với tinh thần trong nguyên tác của Tào Tuyết Cần.

***

Tào Tuyết Cần miêu tả Thiên giới triển hiện tại thế gian con người được phân thành nhiều tầng

Qua đó có thể thấy sự lĩnh ngộ của tác giả với Thiên ý là vô cùng thâm hậu. Trong trận đại hồng thủy, Nữ Oa vá trời là một tầng Thiên ý. Dưới đỉnh Thanh Ngạnh trên núi Đại Hoang là nơi dài đằng đẵng, không sinh không diệt ở Thiên giới.

Một vị tăng nhân một vị đạo sĩ kia lại là một tầng Thiên ý, họ là sứ giả kết nối tiên giới với phàm trần, không nơi nào không có mặt. Còn chủ quản trăng gió thế gian và nam nữ si tình – Cảnh Ảo tiên tử – lại là một tầng Thiên ý khác. Đến tầng cách con người gần nhất là Vinh Quốc Công và Ninh Quốc Công đã quá cố, hai vị tổ tông này còn có quan hệ mật thiết với con cháu đời sau.

Mỗi một tầng thiên giới đều đối ứng với một tầng diện này của nhân loại, theo đó sẽ có các loại biến đổi và thể hiện cụ thể. Tuy nhiên, tầng càng cao cách nơi nhân loại càng xa, ví như Nữ Oa vá trời, kỳ thực lại liên quan tới chúng sinh trong tam giới. Bởi nếu không có Nữ Oa vá trời thì cũng giống như trên đỉnh đầu không có ngói che. Vì hồng thủy là sự chấm dứt cho một thời kỳ văn minh, trời cũng bị rò rỉ, vá xong rồi mới có thể bắt đầu một nền văn minh khác.  

Hồng Lâu Mộng
Tào Tuyết Cần miêu tả Thiên giới triển hiện tại thế gian con người được phân thành nhiều tầng (Hình minh họa “Hồng lâu mộng” do Qing Sun Wen vẽ/ Wikipedia/ Phạm vi công cộng)

Tuy nhiên theo thời gian, nguồn gốc của những nền văn minh này cũng dần dần bị lãng quên, hậu thế chỉ coi đó như một loại truyền thuyết xa vời gọi là “Thần thoại”, cho rằng không liên quan đến hiện thực của nhân loại ngày nay. Kiếp nhân sinh chỉ ngắn ngủi trong mấy chục năm, khiến người ta không có cơ hội nhìn thấy sự biến đổi của thiên địa. Hơn nữa trí tuệ con người lại bị giới hạn trong những gì tai nghe mắt thấy, nên những kỳ tích trong quá khứ dễ dàng trở thành thần thoại và truyền thuyết.

Tại một tầng Thiên ý, hai vị Không Không đạo nhân và Diểu Diểu chân nhân dưới chân núi Thanh Ngạnh, sau khi vân du bốn cõi hồng trần rồi lại quay về tiên giới, họ lại lần nữa mang theo Thông Linh Bảo Ngọc hạ thế. Màn kịch này cũng không phải chỉ có một mình Bảo Ngọc.

Ngay từ đầu tác phẩm đã nói rõ có một bản án phong lưu cần chấm dứt, sẽ có “bọn oan gia phong lưu” đổi kiếp đầu thai xuống trần. Đó không phải chỉ là những nam thanh nữ tú ở Đại Quan viên, mà trên mảnh đất trung nguyên phồn hoa cũng không biết có bao nhiêu nơi như vậy. 

Một tăng nhân, một đạo sĩ an bài cho Thông Linh Bảo Ngọc hạ thế, đi giữa cõi hồng trần không nơi nào không tới, khi thì đưa ra lời cảnh báo, khi lại cứu khổ cứu nạn. Họ đã an bài trọn vẹn cho viên Thông Linh Bảo Ngọc, ví như: đầu thai vào nhà ai, sẽ gặp gỡ những ai trong cuộc sống, mỗi quyết định trong cuộc đời đều phù hợp với sự hưng thịnh thăng trầm của gia tộc, phù hợp với những bình sinh đời người tại thế gian, gặp phải những cảnh ngộ để có thể cảm thụ, cuối cùng mới có được nguyện vọng muốn phản bổn quy chân…

Tất cả đều nhịp nhàng ăn khớp. Điều này cũng giống như một thiết bị chính xác được tạo ra chỉ bởi một ý nghĩ. Trong không gian này, trong trường thời gian đặc định này mà khởi tác dụng, tất cả các bánh răng đều có thể ăn khớp với nhau và hoạt động bình thường. 

***

Cảnh Ảo tiên tử nắm giữ chuyện tình duyên tại đây cũng là một trong những tầng thứ đó, cô chỉ quản nam nữ si tình tại thế gian, điều chỉnh nhân duyên này dệt thành tình thiên hận hải. 

Tình duyên dù chỉ như gió xuân thổi hoa, như cỏ cây đua nhau khoe sắc, nhưng phải chính xác đến từng người, từng giọt lệ. Cũng giống như Đại Ngọc hoàn trả hết món nợ nước mắt cho Bảo Ngọc rồi sớm ra đi khi vẫn còn xuân trẻ, nhìn từ một phương diện thì chính là “kim thiền thoát xác” mà rời khỏi thế gian. Nước mắt bao nhiêu, khi nào rơi lệ, có lẽ đều có một sự sắp đặt bài bản từ trước rồi.

Trong cõi phàm trần, xuân hoa thu nguyệt nơi Đại Quan viên, một niệm của người con gái khi suy nghĩ tới tâm can đầu óc, ý muốn nhất thời có thể khóc một trận. Trên thực tế, thúc đẩy cơ duyên của một trận nước mắt đều là những sự việc đã an bài từ trước.

Vì vậy, thoáng nhìn thì tưởng chừng như tản mạn vụn vặt, mỗi ngày dài như vô biên vô tận, nhỏ tới những giọt nước mắt rơi vì tình lang dưới giàn cây tường vi, lớn đến sự hưng suy của một triều đại, một tòa vương phủ thịnh vượng 500 năm cuối cùng cũng tan thành mây khói… hết thảy đều là tiền duyên thiên định. 

Hồng Lâu Mộng
Tình duyên dù chỉ như gió xuân thổi hoa, như cỏ cây đua nhau khoe sắc, nhưng phải chính xác đến từng người, từng giọt lệ. (Hình minh họa “Hồng lâu mộng” do Qing Sun Wen vẽ/ Wikipedia/ Phạm vi công cộng)

Thế hệ đầu tiên của hai phủ Ninh và phủ Vinh đều mang theo mong muốn đơn giản chất phác, mang theo nguyện vọng tốt đẹp cho gia tộc họ Giả, đó chính là Vinh Quốc Công và Ninh Quốc Công. Họ dù đã khuất nhưng anh linh vẫn còn, và đều nhìn thấy kết cục hoại diệt của gia tộc mình. Vì vậy, trong cảnh giới Thiên – Nhân này, họ đã nhờ Cảnh Ảo tiên tử dẫn dắt chỉ bảo cho Bảo Ngọc, bởi theo nhìn nhận của họ thì trong rất nhiều con cháu ở phủ Ninh Vinh chỉ có Bảo Ngọc là nhân tài duy nhất có thể đào tạo. 

Điều mà Ninh Công và Vinh Công nhìn thấy là vận số Giả phủ đã tận. Điều họ kỳ vọng không phải là Bảo Ngọc có thể cố gắng xoay chuyển tình thế, làm hưng thịnh gia nghiệp của tổ tiên. Vậy điều họ mong đợi là gì? Ninh Công và Vinh Công từng nói với Cảnh Ảo tiên tử: “Nhà chúng tôi từ đầu quốc triều, đời đời công danh phú quý đã trăm năm nay. Bây giờ số vận đã hết, không thể kéo lại được nữa. Con cháu chúng tôi tuy nhiều, nhưng chẳng có đứa nào nối nghiệp.

Chỉ có cháu đích tôn là Bảo Ngọc, có chút thông minh đĩnh ngộ, may ra có thể thành đạt được. Nhưng vì tính nó ngang trái kỳ quặc, sợ không ai dìu dắt vào đường chính. May gặp tiên cô đến đây, xin nhờ lấy những việc tình dục thanh sắc dạy bảo bệnh si ngoan của nó, họa chăng nó có thể thoát vòng mê muội, đi vào đường chính, thì rất may cho anh em chúng tôi”. 

Vậy đường chính đạo đó là gì? Phương thức là gì? Chính là vén bức màn bí mật chuyện tình cảm nam nữ, cũng đồng nghĩa với việc để một người có cơ hội phản bổn quy chân quay trở về. Tiền đề là để anh ta trải nghiệm, chìm đắm, thậm chí lạc lối mất phương hướng, những con đường này thực sự có điểm kết.

Cuối cùng, sau khi trải qua tất cả, anh ta mới thực sự cảm thụ được dư vị trong những trải nghiệm đó, nhận ra mọi thứ chỉ là hư không, nhìn rõ tình cảm nơi thế tục mới có thể thực sự lĩnh ngộ. Đây cũng là kỳ vọng của tổ tiên Giả phủ với Bảo Ngọc: Chỉ có nhìn thấu quan tình mới có thể lĩnh ngộ được nhân quả, có được trí tuệ, quy về với chính đạo của trời đất.

Sử Tương Vân và Tiết Bảo Thoa từng khuyên nhủ Bảo Ngọc theo con đường “kinh tế văn chương, thế gia tiền đồ”, nhưng những thứ vinh hoa phú quý này đều là ngắn ngủi, tạm thời. Cổ nhân từng khuyên nhủ: Phú quý là ngắn ngủi, giàu có không quá ba đời. Mạnh Tử cũng tổng kết: “Quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm; tiểu nhân chi trạch, ngũ thế nhi trảm; tiểu nhân chi trạch, ngũ thế nhi trảm” (Đức nghiệp của người quân tử đến năm đời là hết, đức nghiệp của kẻ tiểu nhân cũng năm đời là đoạn). 

Bắt đầu từ đời Giả Diễn đến Giả Chân của Ninh Quốc phủ là đời thứ tư, đến Giả Bảo Ngọc, Giả Liễn, đến Giả Dung và Giả Lan của Vinh Quốc phủ vừa đúng lúc là đời thứ năm, vận mệnh đã tận. Người có trí huệ của tổ tiên Giả phủ biết rằng đường đời là Thiên mệnh an bài. Điều họ quan tâm không phải là làm thế nào để giữ được sự vinh hoa phú quý mãi mãi, mà là thực sự để sinh mệnh quay về, trở về với chính đạo.

Cổ ngữ có câu: “Nhất nhân đắc đạo, cử gia thăng thiên” (Một người đắc đạo, cả nhà thăng thiên). Nếu Giả Bảo Ngọc hiểu rõ được quan tình cảm, đắc được chính quả, vậy tổ tiên của họ đều có thể đắc được phúc báo. Đây là điều kỳ vọng của Vinh Quốc Công với thế hệ con cháu sau này. 

***

Vậy vị tiên Cảnh Ảo giúp Bảo Ngọc thế nào?

Cảnh Ảo định nghĩa chuyện thế gian tình sự như thế nào? Dưới trần bao nhiêu nhà phú quý, những nơi gió trăng trước cửa sổ, khói mây trong buồng thêu, đều bị bọn trai hư gái hỏng làm nhơ bẩn. Đáng giận hơn nữa là xưa nay bọn con nhà khinh bạc hay biện bạch rằng “hiếu sắc mà không dâm”, lại bảo “tình mà không dâm”, đó chỉ là lời che lấp thói xấu mà thôi. Biết đâu “hiếu sắc tức là dâm”, “biết tình lại càng dâm”.

Bảo Ngọc trong mắt vị tiên Cảnh Ảo là “người dâm nhất thiên hạ xưa nay”, tại sao như vậy? Trong Hồng Lâu mộng có nói: Như anh, khi mới sinh ra đã mang một mối si tình, chúng ta gọi thế là “ý dâm”. Hai chữ “ý dâm” chỉ có thể hiểu trong lòng, chứ không thể nói ra miệng, đối với mọi người đều tỉ mỉ chu đáo quan tâm, tình cảm lưu luyến. “Người dâm nhất thiên hạ xưa nay”, câu nói này là tương đối mạnh dạn, ở vào bất cứ thời đại nào, ngữ cảnh nào, đều có thể khiến người ta giật mình sửng sốt.

Đây cũng là chỗ hạ bút bất phàm của Hồng Lâu Mộng: Không lặp lại những chuyện cũ với lời lẽ nhạt nhẽo, không theo kiểu cũ, mỗi một sự vật liên quan đến tác phẩm đều có tên gọi khác nhau, định nghĩa khác nhau, mang tới cho người đọc sự mới mẻ. 

Vị tiên Cảnh Ảo để Bảo Ngọc mơ thấy được gả cho một cô gái tên gọi Kiêm Mỹ, tên chữ là Khả Khanh và trải qua vài ngày tình cảm lưu luyến như vợ chồng. Trong mộng trụy lạc sai lầm, khi tỉnh lại, cùng người hầu Tập Nhân diễn lại những cảnh trong mơ, từ đó rơi vào trầm luân ‘Thiên cổ tình nhân chỉ có ta si tình”.

Nói cách khác, Bảo Ngọc ở nơi phồn hoa dịu dàng, là công hầu thế gia của đại quan viên, kỳ thực đã đạt được những điều cực hạn nơi nhân gian mà khi sinh ra làm kiếp người chúng ta có thể cảm nhận. Vậy sau khi đắc được những gì tốt đẹp nhất trên thế giới này, sinh mệnh mỗi người còn đang tìm kiếm điều gì? Chúng ta thể ngộ được gì sau những trầm luân nơi hồng trần? 

Hồng Lâu Mộng
Bảo Ngọc đã đạt được những điều cực hạn nơi nhân gian mà khi sinh ra làm kiếp người chúng ta có thể cảm nhận. Vậy sau khi đắc được những gì tốt đẹp nhất trên thế giới này, sinh mệnh mỗi người còn đang tìm kiếm điều gì? Chúng ta thể ngộ được gì sau những trầm luân nơi hồng trần? (Hình minh họa “Hồng lâu mộng” do Qing Sun Wen vẽ/ Wikipedia/ Phạm vi công cộng)

Dưới ngòi bút của Cao Ngạc, sau khi Bảo Ngọc và Bảo Thoa thành thân, Bảo Thoa và Tập Nhân thay nhau khuyên Bảo Ngọc nên chuyên tâm đọc sách. Anh đã thực sự tham gia khoa cử và còn đắc được công danh, nhưng chính lúc này anh lại biến mất và xuất gia.

Trong gió tuyết dữ dội, Bảo Ngọc từ biệt cha ở bến đò, cảm ơn công dưỡng dục của ông, rồi khoác lên mình chiếc áo choàng đỏ, đi vào trong mưa tuyết. Cá nhân tôi cảm thấy việc Cao Ngạc bổ sung viết tiếp việc Bảo Ngọc xuất gia cũng tựa như chiếc áo choàng đỏ này, tất cả đều là hình thức tươi đẹp, là một biểu tượng đẹp đẽ, nhưng không chút chân thành. Đây cũng chính là lý giải của ông về tu luyện.

***

Trước hết, từ góc độ luân lý làm người mà giảng, khi đó Giả phủ mất đi một chi là Ninh Quốc phủ, Vinh Quốc phủ toàn phụ nữ, người già, và trẻ em, nam giới chỉ có một vài người, Bảo Thoa còn đang mang thai. Bảo Ngọc xuất gia như vậy là có sự buông bỏ sau khi đau lòng thất vọng, sự giận dỗi bốc đồng, kỳ thực vẫn chạy không thoát khỏi chữ “Tư”, cũng chính là anh đang đặt sự cảm nhận của mình lên hàng đầu, lại bỏ quên trách nhiệm trong hiện thực.

Đương nhiên, trong lịch sử có nhiều người đang thanh xuân tuổi trẻ lại buông bỏ những điều tốt đẹp, hoa mỹ danh quyền mà đi tu. Nhưng trong câu chuyện này, tình tiết Bảo Ngọc xuất gia không nên xử lý như vậy, câu chuyện không nên kể tiếp như vậy. 

Cuối cùng chỉ có nhìn thấu quan tình mới có thể lĩnh ngộ được nhân quả, có được trí tuệ, quy về với chính đạo của trời đất.
Cuối cùng chỉ có nhìn thấu quan tình mới có thể lĩnh ngộ được nhân quả, có được trí tuệ, quy về với chính đạo của trời đất. (Hình minh họa “Hồng lâu mộng” do Qing Sun Wen vẽ/ Wikipedia/ Phạm vi công cộng)

Bởi những người từng trải nơi thế gian này đều hiểu: Điều khốn khổ nhất nơi thế gian không phải chết, cũng không phải xuất gia, mà là sống. Trong khi số mệnh bị trừng phạt nghiêm khắc, mất đi mọi thứ từng có, bạn phải dẫn dắt người thân và gia đình để có thể sinh tồn.

Cũng giống như sau khi gia đình Lý Hú làm thợ dệt ở Tô Châu bị tịch biên tài sản, Hợp tộc Hợp phủ đều bị vào tù, thân nhân ly tán, gia đình giàu có được hoàng tộc sủng ái đã bị xóa sổ chỉ sau một đêm. Khi Tào Phủ người thợ dệt cuối cùng ở Giang Ninh bị cách chức, trên bản tấu chương cũng viết rất rõ ràng rằng những người sống sót không còn lại gì cả.

Vậy Bảo Ngọc ở trong hoàn cảnh như vậy, Đại Quan viên không còn, chị em họ hàng thì tiêu tán, người thì chết, người trung thành nhất là Tập Nhân cũng tái hôn với kẻ khác, Bảo Ngọc lại chưa từng chăm chỉ đèn sách, lúc này chỉ có con đường khoa cử là cách duy nhất để vựng dậy gia tộc, nhưng điều này đối với Bảo Ngọc khó càng thêm khó. 

***

97 700x366 1
Ảnh chụp phim Hồng Lâu Mộng 1987. (Ảnh:internet)

Khi Bảo Ngọc đến thăm Tình Văn bị đuổi khỏi Giả phủ, anh rót một bát trà đặc “trông chẳng giống nước trà chút nào” từ một cái bình “chẳng giống ấm trà chút nào” đưa cho Tình Văn uống. Chi Nghiễn Trai có nhận xét về đoạn này: Bảo Ngọc khóc không chỉ cho Tình Văn mà còn cho bản thân anh. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, sau khi Giả phủ bị kê biên tài sản thì tình cảnh nghèo khổ như vậy chính là cuộc sống thường ngày của Bảo Ngọc. 

Còn Bảo Ngọc, một quý công tử giàu có với sắc như hoa xuân rạng đông, mặt như trăng rằm mùa thu, đi đến đâu cũng như trăng tỏa sáng. Khi đi ra khỏi sân thường bị người nhà và môn khách chặn lại hỏi thăm. Bài thơ viết tay hay bút pháp của anh đều được mọi người chạy theo xin chữ. Vậy sau khi mất đi địa vị thế gia giàu có, mọi người liệu còn đối đãi với anh như vậy nữa không? Trong lúc khốn cùng, chàng thanh niên giàu có không còn phong độ tư thái như xưa, không biết kiếm sống, thì một thanh niên đẹp như trăng rằm cũng trở thành kẻ tầm thường không ai để ý. 

Hãy tưởng tượng một người không biết gì về cuộc sống như vậy, ở trong tình cảnh phải đi tìm kiếm sự giúp đỡ của thân nhân, bạn bè, kẻ hầu người hạ… hẳn nhất định sẽ càng khó chịu hơn nếu phải đi ăn xin dọc đường, phải chịu sự đối xử lạnh nhạt và khinh nhờn, vậy mà cuối cùng vẫn bị từ chối. Cao Ngạc viết tiếp những hồi sau này nhưng lại lược bớt tất cả những tình cảnh khốn khổ túng quẫn mà Bảo Ngọc phải trải qua. 

Hẳn độc giả vẫn còn nhớ nhân vật Chân Sĩ Ẩn trong những hồi đầu truyện – một người trung niên không còn nơi nào để đi và gặp nhiều bất hạnh liên tiếp. Một ngày nọ, ông nghe thấy bài “Hảo Liễu Ca” của một đạo sĩ điên trên phố mà đột nhiên đại ngộ, từ đó giải nghĩa một hồi.

Kỳ thực đoạn chú giải này có thể coi như là tổng kết của Bảo Ngọc đối với những gì anh nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy trong cuộc đời mình, sau đó anh đỡ lấy tay nải của đạo sĩ rồi khoác lên vai và cất bước đi theo. Có lẽ đây mới là tình huống khi Bảo Ngọc rời khỏi Đại Quan viên, cuối cùng được độ thoát bởi một tăng nhân và một đạo sĩ, cũng giống như Chân Sĩ Ẩn – một người trung niên phong sương, tâm tàn ý lạnh, hai bàn tay trắng, không còn gì để mất. 

So sánh với những hồi sách bổ sung viết về Bảo Ngọc, vốn là người nông cạn, trốn tránh, hành động bồng bột khi đang giận dỗi, bực tức, có thể thấy chiếc áo choàng đỏ mang tính biểu tượng mà anh mặc là sự hiểu lầm của Cao Ngạc khi đọc Hồng Lâu Mộng, cũng như hiểu lầm ý của Tào Tuyết Cần.

Màu đỏ tượng trưng cho điều gì? Là cung Xích Hà nơi Thiên giới, là nơi Thần Anh thị giả tự mình muốn đi chăm bón tưới nước cho một gốc cây Giáng Châu sinh trưởng, nơi rước lấy món nợ nước mắt, đến nhân gian Di Hồng Viện một lần. Màu đỏ trong bộ sách này là một loại biểu tượng, màu đỏ là khát vọng sinh ra từ hư vô. Thiết nghĩ, trong nguyên tác của Tào Tuyết Cần, một Bảo Ngọc xuất gia rời xa thế tục nhất định sớm đã cởi bỏ chiếc áo choàng đỏ này từ lâu rồi…

Tác giả: Lâm Phương Vũ
Biên dịch: Thanh Mai
từ EPOCH TIMES TIẾNG VIỆT

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x