Cảm ngộ Tây Du Ký (P.13): Nhân vật bí ẩn – Thiền sư Ô Sào

Tranh vẽ Tây Du Ký thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)
Tranh vẽ Tây Du Ký thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Trong “Tây Du Ký” xuất hiện rất nhiều Phật, Đạo, Thần, và Thiền sư Ô Sào là một trong số đó. Ông xuất hiện trong thời gian rất ngắn, vừa diện kiến với Đường Tăng, Ngộ Không và Bát Giới, ông lập tức hiểu rõ hết thảy về Đường Tăng, cũng như bản lĩnh và lộ trình của Ngộ Không. 

Và một điều không ngờ là vị Thiền sư này đã truyền cho Đường Tăng một bộ Kinh quý báu, hướng dẫn ông tu hành. Giống như Bồ Đề Tổ Sư, Thiền sư Ô Sào cũng là một nhân vật rất thần bí.

Trong “Tây Du Ký” hồi thứ 19, Đường Tăng và Ngộ Không chào đón một thành viên mới – Bát Giới, ba thầy trò một đường đi về phía Tây suốt hơn một tháng, hành trình rất suôn sẻ. Khi đi qua địa giới nước Ô Tư Tạng, mọi người ngẩng đầu, chợt thấy một ngọn núi cao nguy nga hùng vĩ.

Đường Tăng ngồi trên ngựa, dặn dò hai đồ đệ cẩn thận nhìn đường. Bát Giới ngược lại thấy rất quen thuộc đối với vùng này, cao hứng nói với Đường Tăng: “Không sao, núi này là núi Phù Đồ, trên núi có vị Thiền sư Ô Sào đang tu hành, lão Trư đã từng biết ông ấy.”

Tây Du Ký
Thiền sư Ô Sào – Tranh vẽ Tây Du Ký thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Trong “Tây Du Ký”, Thiền sư Ô Sào cũng bí ẩn như sư phụ Bồ Đề Tổ Sư của Ngộ Không vậy. Ông gặp thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh Kinh, sau đó thì biến mất hoàn toàn, mãi cho đến khi Ngộ Không và Đường Tăng tu thành chính quả, vẫn không thấy xuất hiện lại.

Như chúng ta đã biết, Như Lai định ra việc đi Thỉnh Kinh, sau đó Quan Âm Bồ Tát thực hiện việc đi xem xét con đường lấy Kinh, và an bài Thần Hộ Pháp bảo hộ người đi lấy Kinh. Về việc này, cần phải bắt đầu từ việc Ngộ Không đại náo Thiên cung.

duong tang gap kho khan trung diep quan am bo tat nhieu lan xuat thu cuu giup
Trên đường thỉnh Kinh, Đường Tăng gặp khó khăn trùng điệp, Quan Âm Bồ Tát nhiều lần xuất thủ cứu giúp. Tranh Tây Du Ký thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Quá khứ, Ngộ Không ở trên Thiên cung đã đại động binh qua, cuối cùng bị Như Lai giam dưới núi Ngũ Hành. Ngọc Đế để đáp tạ Như Lai đã cho mở cung Kim Khuyết Dao, long trọng tổ chức An Thiên đại hội. Yến hội vừa kết thúc, Như Lai liền trở về Linh Sơn Đại Lôi Âm Bảo tự.

 “Một ngày trên trời, ngàn năm mặt đất”. Như Lai ở tại Lôi Âm tự không bao lâu, không ngờ rằng thế gian đã trôi qua 500 năm. Ngài quan sát thấy Tứ Đại Bộ Châu dưới hạ giới, phát hiện thấy chúng sinh ở Nam Thiệm Bộ Châu tham dâm hưởng lạc, sát sinh tranh đoạt, chém giết hung ác, Nam Thiệm Bộ Châu đã trở thành cái biển của thị phi, miệng lưỡi hung tàn. Để khuyên con người hướng thiện, Ngài quyết định truyền Chân Kinh xuống Nam Thiệm Bộ Châu. Vì vậy, Như Lai đã quyết định việc đi lấy Chân Kinh, phái Quan Âm Bồ Tát tiến về Đông thổ, tìm người đi lấy Kinh.

Trong toàn bộ tiểu thuyết không hề nói đến việc Như Lai và Bồ Tát đã truyền lại những giáo lý gì cho Đường Tăng và chúng đệ tử của ông để chỉ đạo họ tu luyện. Thầy trò Đường tăng trên con đường đi lấy Kinh còn chưa đến được Tây Thiên, cho nên dĩ nhiên không biết Phật Pháp do Như Lai truyền dạy. Ngược lại, trên con đường thỉnh Kinh, thầy trò Đường Tăng lại thường lấy cẩm nang Bảo Điển mà Thiền sư Ô Sào đã truyền cho họ để tu tâm, lĩnh hội trong suốt cuộc hành trình.

Trong hồi thứ 32, Đường Tăng và các đệ tử tiến đến địa giới của núi Bình Đính, Đường Tăng căn dặn các đệ tử: “Trước mặt có núi cao, e rằng có hổ báo chặn đường đấy”. Lúc này Ngộ Không dùng lời của Ô Sào thiền sư trấn an Đường Tăng: “Thầy còn nhớ câu trong tâm kinh của Ô Sào hòa thượng có câu: ‘Tâm không có vướng ngại, thì sẽ không lo ngại, không sợ hãi, rời xa mộng tưởng đảo điên’. Nhưng chỉ là: Quét sạch bẩn trong tâm, rửa sạch bụi bên tai. Không nhận điều đau khổ, khó làm bậc thượng nhân”. Ngộ Không hy vọng Đường Tăng không nên u sầu và lo lắng .

Trong hồi thứ 43, thầy trò Đường Tăng đã đến địa giới của sông Hắc Thủy, Đường Tăng nghe thấy tiếng nước réo chói tai, nhất thời chấn động. Ngộ Không thấy sư phụ quá đa nghi, bèn cười nhắc nhở đừng quên niệm “Đa Tâm Kinh”. Trên đường đi, Đường Tăng mỗi ngày đều niệm, cho nên đã rất thuộc bộ Bảo Điển của Thiền sư Ô Sào, “tổng cộng năm mươi bốn câu, hai trăm bảy mươi chữ”. Đường Tăng hỏi Ngộ Không: “Từ trước tới nay ta thường niệm, con có biết ta quên câu nào không?” Ngộ Không nói: “Sư phụ, thầy đã quên mất câu ‘không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý’ rồi.”

Trong “Tây Du Ký” có rất nhiều cảnh Ngộ Không hàng yêu trừ ma, nhưng không mô tả Ngộ Không niệm Kinh như thế nào và ở đâu. Nhưng từ chi tiết trong chương hồi này, có thể thấy Ngộ Không không chỉ thông thuộc Bảo điển do Thiền sư để lại, hơn nữa còn lĩnh hội hàm ý trong đó. 

ngo khong noi voi duong tang minhchantuong
Ngộ Không nói với Đường Tăng: Chúng ta là những người xuất gia, mắt không nhìn sắc, tai không nghe thanh, mũi không ngửi hương, lưỡi không nếm vị, thân không biết nóng lạnh, ý không còn vọng tưởng.  (Ảnh: shizhao /Wikimedia Commons)

Ngộ Không nói với Đường Tăng: “Chúng ta là những người xuất gia, mắt không nhìn sắc, tai không nghe thanh, mũi không ngửi hương, lưỡi không nếm vị, thân không biết nóng lạnh, ý không còn vọng tưởng. Như vậy mới gọi là cởi bỏ lục tặc. Sư Phụ hôm nay vì lo lắng sợ hãi, miệng niệm kinh cầu cho qua, không chịu xả thân, lưỡi muốn ăn bữa chay, mũi thích ngửi mùi thơm ngọt, tai ưa nghe âm thanh, mắt ngắm nhìn sự vật, lục tặc nhao nhao kéo đến, thì làm sao mà sang phương Tây lễ Phật đây?”

Mỹ Hầu Vương chưa một ngày đi học, nhưng từ ngày bước vào con đường tu hành thì bản lĩnh ngày càng thâm sâu, thuận theo thời gian trí tuệ ngày một khai mở, rất nhiều thứ cũng “vô sư tự thông” (không có thầy cũng tự thông tỏ), không chỉ có thể ngâm thơ, mà đối với chuyện tu hành cũng có thể tự mình lý giải.

Hồi thứ 85, thầy trò Đường Tăng gấp rút rời khỏi Pháp quốc và tiếp tục lên đường, ngẩng đầu nhìn lên lại là một tòa núi cao. Đường Tăng vội ghìm ngựa, quay lại dặn dò các đệ tử phải cẩn thận. Ngộ Không cười nói: “Sư phụ yên tâm, yên tâm, con sẽ bảo vệ sư phụ an toàn.”

Tam Tạng không tin, luôn cảm thấy có hung khí bao trùm, bởi vậy tinh thần có chút bất an. Ngộ Không vẫn cười và nói: “Sư phụ đã quên ‘Đa Tâm Kinh’ do Thiền sư Ô Sào viết rồi sao?” Mặc dù Đường Tăng tuy đã nhớ ra, nhưng lại quên bốn câu kinh: “Phật tại Linh Sơn chẳng đâu xa, Linh Sơn chính là ở trong tâm, Mỗi người đều có Linh Sơn tháp, Hướng đến Linh Sơn tu hành tốt biết bao”.

Tam Tạng hiểu ra và nói: “Như bốn câu này, ngàn vạn cuốn kinh sách, cũng chỉ là tu tâm.” Ngộ Không vừa đi vừa nói tiếp, xuất khẩu thành thơ: “Tâm kiền tịnh, vạn sự hanh thông, Vài lỗi lầm thành biếng nhác trễ, ngàn vạn năm chẳng thành. Nhưng chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt.”

Một lần nữa Ngộ Không lại an ủi Đường Tăng buông bỏ tâm lo nghĩ và hoảng sợ. Lúc này Ngộ Không đã khác xưa rất nhiều, lời nói có hàm nghĩa rất sâu sắc, dường như điểm trúng vào tâm: “Cứ như sư phụ sợ hãi kinh hoàng, tinh thần bất an, thì Đại Đạo còn xa lắm, Lôi Âm cũng còn xa.”

Đường Tăng nghe xong chợt cảm thấy thần thanh khí sảng, hàng ngàn hàng vạn lo nghĩ đều tan biến như mây khói. Lúc này Đường Tăng và Ngộ Không đều đã hiểu được tầm quan trọng của việc tu tâm.

thay tro duong tang mot duong treo non loi suoi
Thầy trò Đường Tăng một đường trèo non lội suối, màn trời chiếu đất, sắp đến cõi Phật. (Ảnh: shizhao /Wikimedia Commons)

Thầy trò Đường Tăng một đường trèo non lội suối, màn trời chiếu đất, cuối cùng cũng sắp đến cõi Phật. Hồi thứ 93 viết rằng, trên đường đi, một ngày nọ, Đường Tăng nhìn lên lại thấy một ngọn núi cao, lần nữa hoảng sợ quay lại dặn chúng đệ tử cẩn thận.

Trong “Tây Du Ký”, mỗi khi Đường Tăng nhìn thấy núi non và lộ vẻ sợ hãi, Ngộ Không luôn mỉm cười an ủi. Nói cũng lạ, tại sao mỗi khi nhìn thấy núi cao, Đường Tăng luôn sợ hãi? Còn Ngộ Không lại luôn cười? Có lẽ, cái núi cao kia chính là do nhân tâm đối ứng mà ra. Nỗi sợ hãi của Đường Tăng chỉ là cảm xúc và tâm lý tiêu cực của con người, có lẽ tương ứng với ngọn núi lớn ở một không gian khác, đang chờ ông nhanh chóng buông bỏ chấp chước, vượt qua rào cản ý nghĩ về ngọn núi đó. Còn Ngộ Không có thể là nhìn thấy cơ hội đề cao của Đường Tăng đã đến, cho nên luôn cười và mừng thay cho Đường Tăng.

Khi gần tới đất Phật Thiên Trúc, Ngộ Không lần nữa nhắc nhở Đường Tăng đừng quên tụng niệm Kinh của Ô Sào thiền sư. Cứ như vậy, Bảo điển của Ô Sào thiền sư đã luôn dẫn dắt Đường Tăng và Ngộ Không tu hành. Cuối cùng, Đường Tăng tu thành Chiên Đàn Công Đức Phật, còn Ngộ Không tu thành Đấu Chiến Thắng Phật.

Như vậy pháp lực của Ô Sào thiền sư rốt cuộc cao như thế nào? Cho dù Ngộ Không có thể dời sông lấp biển, lộn nhào một cái là cách xa vạn dặm, nhưng trước mặt Thiền sư, thì lại như không có đất dụng võ vậy.

Ngộ Không nhìn thấy Thiền sư hóa thành Kim quang, chuẩn bị trở về Ô sào, lập tức lấy cây Kim Cô Bổng ra, nhưng thấy trên không thoáng chốc xuất ra hàng vạn đóa hoa sen, hàng ngàn tầng mây lành. Ngộ Không thậm chí ngay cả một dây leo của Ô Sào cũng không với tới được, uổng phí một phen ra sức nỗ lực.

Xem thêm Loạt bài “Cảm ngộ Tây Du Ký
Vương Cận biên tập
Tâm Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x