Đế Thuấn dùng Hiếu đễ trị thiên hạ, khai nguồn luân lý đạo đức Trung Hoa

Đế Thuấn
Đế Thuấn trong “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do Cừu Anh thời nhà Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Đế Thuấn là một trong Ngũ Đế thời thượng cổ. Tương truyền mắt ông có hai đồng tử nên lấy tên là “Trọng Hoa”, ông thuộc tộc Hữu Ngu, cho nên xưng là Ngu Thuấn.

Đế Thuấn được người đời sau tôn làm Thủy tổ của đạo đức văn hóa Trung Hoa. Những luân lý đạo đức mà ông khởi xướng đã trở thành tinh hoa văn hóa truyền thống của Trung Hoa, tuy đã trải qua 5,000 năm biến động của lịch sử, nhưng vẫn tiếp tục tỏa sáng rực rỡ. Đúng như “Sử ký” có viết: “Minh đức trong thiên hạ, đều là từ thời Ngu Đế mà bắt đầu”.

Đế Thuấn và Đế Nghiêu đều là các vị Thánh Vương cổ xưa mà Nho gia và Mặc gia tôn sùng vào thời kỳ Tiên Tần. Đế Thuấn có ý nghĩa đặc biệt đối với Nho gia. Học thuyết Nho gia coi trọng hiếu đạo, mà Đế Thuấn nổi tiếng hiếu đạo, cho nên nhân cách và hình tượng của ông trở thành hình mẫu chuẩn mực trong các học thuyết luân lý của Nho gia. Đúng như Khổng Tử nói trong “Luận Ngữ – Học nhi” rằng: “Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ” (Người quân tử cốt
lo tu giữ cái gốc, gốc vững thì đạo đức sẽ sinh. Hiếu đễ là cái gốc của đức nhân ấy vậy).

Hiếu cảm động trời, dùng đức hạnh thu phục lòng người

Lúc Thuấn còn rất nhỏ thì mẫu thân đã qua đời, phụ thân là Cổ Tẩu hai mắt bị mù lại cưới vợ khác, sinh được em trai là Tượng. Phụ thân của Thuấn là người không hiểu lý lẽ, lại thêm mẹ kế tính tình thô bạo hung ác, em trai ngang ngược vô lý. Mẹ kế và Tượng đều được Cổ Tẩu sủng ái, cho nên cả ba người đều chán ghét Thuấn do người vợ trước sinh ra, thường muốn giết chết Thuấn.

Có một lần Cổ Tẩu bảo Thuấn sửa lại kho thóc, chờ lúc Thuấn trèo lên tới đỉnh, Cổ Tẩu bèn phóng lửa đốt kho lúa. Thuấn bèn cầm hai cái nón rộng vành rồi như con chim nhỏ bay xuống, may mắn thoát chết. Sau đó Cổ Tẩu lại bảo Thuấn đi đào giếng, sau khi Thuấn trèo xuống trong giếng, Cổ Tẩu và Tượng cùng nhau dùng đất lấp giếng. Không ngờ Thuấn rất thông minh, khi đào giếng đã đào một thông đạo dự phòng bên cạnh, vì vậy mà lúc đó đã theo thông đạo đó thoát ra ngoài. Tượng vốn cho rằng lần này tuyệt đối không xảy ra sơ suất nữa, liền chiếm đoạt gia sản của Thuấn, khi nhìn thấy Thuấn trở về nhà, mọi người giật mình sợ hãi kêu lên. Tuy nhiên, Thuấn vẫn khoan dung độ lượng dùng đức để báo oán, sau này vẫn hiếu kính phụ mẫu, bảo vệ em trai như trước đây.

Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu). Khi Thuấn 20 tuổi đã nổi tiếng hiếu đễ, khi 30 tuổi thì Nghiêu Đế tìm cầu hiền tài, quần thần khắp nơi đều tiến cử Thuấn. Bởi vậy Nghiêu Đế đem gả hai nữ nhi là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời để cho chín người con trai của mình sống chung với Thuấn, nhằm quan sát phẩm đức của Thuấn. Bởi vì Thuấn dùng đức thu phục lòng người, Nga Hoàng và Nữ Anh đã được đức hạnh của Thuấn cảm hóa, cũng không dám vì thân phận tôn quý mà có thái độ kiêu căng, cho nên đối xử với mọi người rất khiêm tốn cung kính. Chín người con trai của Nghiêu Đế dưới sự ảnh hưởng mưa dầm thấm đất của Thuấn, cũng trở nên càng thêm nhân hậu cẩn thận.

Đế Thuấn
Đế Nghiêu hỏi Ngu Thuấn, tranh minh họa của Dương Khan từ tập “Ngự
thế nhân phong” vào năm Vạn Lịch thứ 48 Minh. (Ảnh: Tài sản công)

Thuấn đối xử với mọi người khiêm tốn, làm việc cần cù chăm chỉ, được mọi người khắp nơi hoan nghênh ủng hộ. Khi cày ruộng ở núi Lịch, Thuấn đem ruộng tốt nhường cho người khác, người dân ở núi Lịch đều được ông cảm hóa, vì vậy mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau mà không tranh giành, đều có thể nhường cho người khác. Khi đánh bắt cá ở sông Lôi, Thuấn nhường vùng có nhiều cá cho người khác. Dưới sức ảnh hưởng của ông, người dân vùng sông Lôi đều biết nhường nhịn, còn nguyện ý nhường nhà cửa cho ông ở lại. Khi nung gốm ở Hà Tân, Thuấn chế ra loại gốm chất lượng tốt, còn thường giảng đạo lý giải quyết mâu thuẫn giữa mọi người. Người dân làng gốm đều hợp tác với ông, bởi vậy sản phẩm gốm ở Hà Tân đặc biệt tinh tế. Mọi người đều nguyện ý ở cùng với ông, phàm là nơi nào ông từng đi qua, đều được ông cảm hóa. Sau thời gian một năm, nơi ông ở đã trở thành một thôn làng, sau hai năm thì trở thành một thị trấn nhỏ, sau ba năm đã trở thành một vùng đô thị lớn.

Nghiêu Đế thấy Thuấn trị gia và xử thế đều biểu hiện là một người hiền đức tài giỏi, cho nên rất coi trọng. Khi Thuấn 51 tuổi, Nghiêu Đế để Thuấn thay mặt Thiên Tử giải quyết quốc sự, quả nhiên thiên hạ thái bình, tứ phương ủng hộ. Đến năm Thuấn 61 tuổi, ông chính thức kế thừa ngôi vị Thiên Tử của Nghiêu. Sau khi lên ngôi, ông mang theo cờ xí Thiên Tử về quê thăm viếng, cung kính hiếu thuận đối với phụ mẫu, mọi việc đều chú ý cẩn thận, vẫn giống như trước đây khi còn nhỏ vậy. Vì vậy, Cổ Tẩu và Tượng đều bị cảm hóa. Ông phong Tượng làm Chư hầu. Thuấn tại vị được 39 năm, hưởng thọ 110 tuổi.

Dùng Hiếu đễ trị quốc, phổ biến Ngũ điển

Đế Thuấn dùng hiếu đễ làm quốc sách căn bản để trị quốc. Bởi vì bách tính lúc ấy kiến thức còn nông cạn, cho rằng chữ “Hiếu” là chuyên dùng đối với phụ mẫu, còn đối với người khác thì nên như thế nào thì họ cũng không biết. Vậy nên, Đế Thuấn thêm một chữ “Đễ” (kính nhường), vào sau chữ “Hiếu”, để cho bách tính hiểu rằng, đối với phụ mẫu tất nhiên phải hiếu, cho dù đối với người khác mà tuổi của họ lớn hơn ta, thì cũng phải cung kính. Như vậy không chỉ gia đình yên ổn, mà xã hội cũng sẽ không bị hỗn loạn.

Để đặt định nền tảng giáo hóa, Đế Thuấn lập ra “Ngũ điển”, cũng gọi là Ngũ giáo hay Ngũ phẩm, tức là: Quân thần tòng nghĩa, phụ từ tử hiếu, phu hòa thê nhu, huynh hữu đệ cung, bằng hữu thủ tín (Quân thần phải theo nghĩa, cha hiền con hiếu, chồng hòa nhã vợ mềm mỏng, làm anh gần gũi quan tâm làm em cung kính, bạn bè thì giữ chữ tín với nhau), từ các cấp quan lại mà thực thi. Thuấn lấy bản thân mình để làm gương cho việc giáo dục và phổ biến “Ngũ điển”.

Thuấn không chỉ là hóa thân của “Tử hiếu” mà còn là hình mẫu của “Huynh hữu”. Thuấn đối với người người em cùng cha khác mẹ đã từng hãm hại mình rất khoan dung rộng lượng, không mang thù hận, còn tiến hành phong thưởng. Trong “Hán Thư – Vũ Vương tử Xương Ấp Ai Vương truyện” nói: “Thuấn phong Tượng làm chư hầu ở Hữu Tị, Tượng sau khi mất không lập người thừa kế”.

Thuấn cũng là tấm gương “vợ chồng hòa thuận”. Trong khi xử lý mối quan hệ giữa vợ chồng, Đế Thuấn luôn chú trọng sự kính trọng và yêu mến lẫn nhau. Đối với sự hãm hại của phụ thân Cổ Tẩu, mẹ kế và em trai của Thuấn, hai người vợ của Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh không chỉ tích cực giúp đỡ Thuấn thoát khỏi nguy hiểm, tránh xa cái ác và hướng về điều tốt đẹp, mà còn không một câu oán hận, kiên trì cùng với Thuấn cung kính phụng dưỡng họ. Lúc tuổi đã già, Đế Thuấn đi tuần phương Nam thì băng hà, hai người vợ của ông ngàn dặm đi tìm chồng, nước mắt rơi loang khóm trúc, rồi chết theo phu quân, được chôn cất ở Quân Sơn. Câu chuyện làm xúc động lòng người, được người đời sau ca tụng mãi.

Trong thời gian Thuấn chấp chính, không chỉ bản thân ông thành tâm thật ý thực hiện năm chuẩn mực luân lý đạo đức này, mà còn đem “Ngũ điển” này kết hợp với quản lý quốc gia. Như trong “Thượng thư – Thuấn điển”, Thuấn nói với đại thần Khế rằng: “Bách tính không thân thiết, Ngũ phẩm càn rỡ, ngươi làm Tư Đồ, phải kính đủ Ngũ giáo, từ đó mới phổ biến rộng ra”. Thuấn dạy bảo Khế phải cung kính Ngũ phẩm mới truyền bá rộng rãi năm loại luân lý đạo đức này, từ đó cải biến hiện trạng giữa bách quan không tin tưởng lẫn nhau, giữa cha mẹ anh em con cái không hòa thuận với nhau.

Đế Thuấn
Đế Thuấn trong “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do Cừu Anh thời nhà Minh
vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Biết dùng người, dương thiện chế ác

Trước đây, một nhánh của bộ tộc Cao Dương tổ tiên của người Hoa Hạ, có tám người con trai tài năng, được gọi là “Bát Khải”, bộ tộc Cao Tân hậu duệ của Hoàng Đế, cũng có tám người con trai tài giỏi, được gọi là “Bát Nguyên”. Đế Vương trước kia bổ nhiệm 16 người này giúp đỡ cai quản quốc gia, bách tính và xã hội được lợi rất lớn. Đời sau của những người này đã kế thừa mỹ đức của tổ tiên.

Thời kỳ Đế Nghiêu tại vị, chưa kịp đề cử trọng dụng những hậu duệ của các hiền giả này. Mãi đến sau khi Ngu Thuấn thay mặt Thiên Tử giải quyết chính sự, lần nữa cất nhắc và dùng hậu duệ của “Bát Khải”, để cho họ chủ trì những công việc liên quan về mặt đất đai, những hiền tài này đều hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp. Ngu Thuấn lại trọng dụng hậu duệ của “Bát Nguyên”, để cho họ đi khắp nơi tuyên dương luân lý đạo đức, giáo hóa vạn dân. Kết quả, những người làm cha đều trở nên rất nhân nghĩa, những người làm mẹ đều trở nên vô cùng từ ái, những người làm anh đều trở nên thân thiện, những người làm em đều trở nên hết sức kính cẩn, những người làm con cũng đều trở nên rất hiếu thuận, gia đình hòa thuận, xã hội tường hòa.

Trước kia, một nhánh hậu duệ của bộ tộc Hoàng Đế – họ tộc Đế Hồng, có một người con trai không nên người, tính cách thô bạo tàn nhẫn, hung ác vô cùng, còn luôn tìm cách che giấu tội ác của mình. Vì vậy, người trong thiên hạ lúc ấy gọi hắn ta là “Hỗn Độn”. Ở họ tộc Thiếu Ngô của bộ lạc Đông Di, cũng có một người con trai, không hề có nhân nghĩa, chuyên làm những chuyện hại người, hắn ta hủy hoại tín nghĩa, căm ghét trung thực ngay thẳng, khi nói chuyện thì miệng đầy những lời ác độc, người trong thiên hạ gọi hắn ta là “Cùng Kỳ”. Họ tộc Chuyên Húc cũng xuất hiện một người con trai không ra gì, hắn ta ngu xuẩn mất khôn, không phân biệt được lời nói tốt xấu, cho nên người trong thiên hạ gọi hắn là “Đào Ngột”. Gia tộc của ba người này mấy đời như thế, gây nguy hại cho bách tính, bách tính cảm thấy vô cùng lo sợ đối với họ.

Thời Đế Nghiêu tại vị, không thể trừ bỏ họ. Về sau, họ tộc Tấn Vân là một chi hậu duệ khác của bộ tộc Hoàng Đế, cũng sinh ra một người con trai bại hoại, hắn ta ham mê ăn nhậu, thích tài vật, cho nên người trong thiên hạ gọi hắn ta là “Thao Thiết”. Mọi người rất căm ghét họ tộc Thao Thiết, đồng thời đánh đồng hắn ta với ba họ tộc hung ác ở trên. Sau khi Ngu Thuấn kế vị, thuận theo lòng dân, đem bốn gia tộc hung
ác này lưu đày đến vùng đất đai xa xôi của bốn phương, thực hiện giáo hóa với họ, đồng thời lợi dụng họ để chống lại những kẻ xấu hung tàn hơn. Vì bảo vệ gia tộc của chính mình, họ cũng nguyện ý giữ gìn đất đai bảo vệ biên cương. Từ đó về sau, thiên hạ thái bình, cũng không còn người hung ác nữa.

(Chú thích: Hỗn Độn, Đào Ngột, Cùng Kỳ và Thao Thiết là Tứ đại hung thú trong truyền thuyết thời Trung Quốc thượng cổ).

Đế Thuấn
Tượng Đế Thuấn minh họa hiếu cảm động trời của ông trong Nhị thập tứ hiếu.
(Ảnh: wikipedia)

Ngừng binh thúc đẩy giáo dục, dùng đức cảm hóa dị tộc

Sau khi Thuấn thay thế ngôi vị Thiên Tử, đối mặt với nhiều lần quấy rối và xâm phạm của dân tộc “Tam Miêu” ở phương Nam, Đại Vũ mang binh đi thảo phạt, nhưng dân tộc “Tam Miêu” vẫn luôn không phục. Về sau như trong “Thượng Thư – Đại Vũ mô” viết: “Đế nãi đản phu văn đức, vũ can vũ vu lưỡng giai, thất tuần hữu miêu cách” (Tạm dịch: Đế Thuấn bèn ban ra văn hóa và đạo đức giáo hóa khắp mọi nơi, cho múa can vũ [mộc và quạt lông] ở hai bên thềm, bảy mươi ngày thì Hữu Miêu đến quy phục). Ý chính là: Đế Thuấn bèn dùng văn hóa đạo đức giáo dục rộng khắp, lại cho người cầm cái khiên và quạt lông nhảy theo điệu múa ở giữa hai bên quân. Qua 70 ngày, người Miêu không đánh mà tự tìm tới quy phục. Bởi vì ông biết rõ, nếu như muốn cho Tam Miêu thành tâm khâm phục thực sự, thì chỉ có thể dùng đức cảm hóa, làm cho họ “bỏ ác theo thiện”, mà không thể dựa vào vũ lực để chinh phục. Ngu Thuấn ngừng dùng binh phát triển giáo dục văn hóa và chính sách tôn sùng đạo đức lâu dài, khiến Tam Miêu không chỉ không đến xâm phạm nữa, mà còn “thay đổi phong tục”. Bởi vậy có thể thấy, chinh phạt bằng vũ lực không thể thu phục được người khác, lấy đức để giáo hóa mới có thể cảm hóa được dân, xuất hiện cục diện quốc gia thống nhất, xã hội an định “Chín tộc thân thiết hòa thuận”, “Hòa hợp muôn nước”.

Về việc Đế Thuấn dùng đức cảm hóa người Miêu, trong dân gian có lưu truyền một truyền thuyết. Trong cuốn “Hồ Nam tỉnh chí – Địa lý chí” trích dẫn “Gia Khánh nhất thống chí”, nói rằng: “Núi Thiều, tương là khi Thuấn đi tuần sát phía nam, đã tấu Thiều nhạc ở đây, cho nên có tên là Thiều”. Tương truyền, sở dĩ núi Thiều có tên này, là bắt nguồn từ việc khi Đế Thuấn đi tuần sát phương Nam đã dùng Thiều nhạc (tên một khúc nhạc của Vua Thuấn) khiến cho người dân Miêu ở vùng này quy thuận. Truyền thuyết kể rằng chính Đế Thuấn đã sáng tác ra Thiều nhạc. Thiều nhạc này là âm thanh của Trời, mỹ diệu tuyệt luân, chín phần ngân vang tươi đẹp, rung động đến tâm can.

Thời kỳ Thượng Cổ, cả vùng Tương Hương là nơi cư ngụ của tộc Tam Miêu. Tương truyền rằng khi Đế Thuấn đi tuần sát phía Nam đến một thung lũng núi ở Tương Hương, khi leo lên một ngọn núi, chợt nghe trống trận rền vang, người Miêu tay cầm cung tên giáo mác gây loạn bao vây Đế Thuấn và những người đi theo lại, tình thế rất nguy cấp. Lúc này Đế Thuấn lệnh cho người tấu lên Thiều nhạc, trong chốc lát Bách điểu cùng hót lên, Phượng hoàng đến nghênh đón. Người Miêu đã bị Thiều nhạc tuyệt diệu cảm hóa, họ bỏ xuống vũ khí đang cầm trong tay, theo tiết tấu âm nhạc mà tự nhiên nhảy múa. Thế là một trận can qua hóa thành ngọc lụa. Từ đó, ngọn núi nơi Đế Thuấn diễn tấu Thiều nhạc được gọi là “núi Thiều”.

Mấy ngàn năm qua, luân lý đạo đức mà Đế Thuấn khởi xướng và phổ truyền, trải qua sự truyền thừa văn hóa Nho gia của Khổng Tử, đã giáo hóa con cháu đời đời của dân tộc Trung Hoa.

Chu Tuệ Tâm thực hiện
Lâm Nghiên biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa Ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x