Tại sao những người hiếu thảo được Thượng Thiên bảo hộ

mot phan buc tranh tong cao tong thu hieu kinh do ma hoa chi ve thoi tong minh chan tuong
Một phần bức tranh “Tống Cao Tông thư hiếu kinh” do Mã Hòa Chi vẽ thời Tống (Ảnh: Tài sản công)

Một người con hiếu thảo không những được người đời kính phục ca ngợi mà còn được quỷ thần âm thầm bảo hộ giúp đỡ. Trong sách cổ không thiếu những ghi chép về việc Thượng Thiên bảo hộ người có hiếu.

Thề chết bảo hộ linh cữu của mẫu thân, được Thượng thiên bảo hộ

Trong Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của tác giả Kỉ Hiểu Lam thời nhà Thanh có kể lại một câu chuyện như vậy: Vào thời vua Càn Long năm Giáp Thìn (năm 1784), không biết vì lí do gì trong năm này ở Tế Nam tỉnh Sơn Đông thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Vào cuối tháng 4, cổng phía Nam phố Tây Hoành trong thành Tế Nam lại xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, ngọn lửa thiêu rụi từ Đông sang Tây, vì các hẻm ở phố Tây Hoành rất hẹp, cùng với gió to lửa lớn, trong chốc lát cả vùng đều chìm trong biển lửa.

Ở phía bắc của con hẻm này có căn nhà tranh ba gian của một người họ Trương. Khi ngọn lửa lớn chưa kịp lan đến, Trương mỗ vốn dĩ có thể đưa vợ và con cái chạy thoát, nhưng linh cữu của mẫu thân vừa mất vẫn còn nằm trong nhà, vì vậy anh định tìm người giúp đỡ đưa linh cữu ra ngoài. Không ngờ khi mọi việc chưa kịp xong thì ngọn lửa đã tràn đến, trong nháy mắt đã chặn đứng con đường thoát thân. Vợ chồng Trương mỗ cùng với 4 người con không cách nào chạy thoát, đành ôm quan tài mà khóc lớn, quyết định tuẫn táng cùng với mẫu thân.

Lúc này thuộc hạ của Tuần phủ Tế Nam là Mô tiêu tham tướng Phương đốc quân đang chỉ huy việc cứu hỏa, đột nhiên mơ hồ nghe thấy tiếng khóc, liền hạ lệnh cho quân sĩ trèo lên mái nhà ở con hẻm phía sau tìm kiếm tiếng khóc để cứu người. Quân sĩ theo tiếng khóc tìm được cả nhà họ Trương, sau đó từ trên nóc nhà buông xuống sợi dây thừng rồi bảo cả nhà buộc chặt để tiện bề kéo họ lên.

Tuy nhiên, vợ chồng Trương mỗ lại nói vọng lên với những người quân sĩ cứu viện rằng: “Linh cữu của mẫu thân vẫn chưa được di dời, chúng tôi sao có thể bỏ mặc chỉ lo nghĩ cho bản thân được chứ?” Quân sĩ bèn để 4 đứa trẻ chạy trước nhưng 4 đứa trẻ cũng lại nói vọng lên rằng: “Phụ mẫu tuẫn táng theo bà nội, chúng tôi nguyện cùng phụ mẫu chịu nạn” , giữa lúc do dự, ngọn lửa lại đang lao tới, quân sĩ nhanh chóng nhảy sang mái nhà của hàng xóm bên cạnh thì mới may mắn thoát được. Những người quân sĩ không ngừng than thở vì cho rằng có lẽ cả nhà họ sẽ chẳng thoát được nạn này…

Sau khi ngọn lửa được dập tắt, mọi người kiểm tra hiện trường trận hỏa hoạn thì không ngờ lại phát hiện căn nhà tranh của Trương gia vẫn còn nguyên vẹn. Thì ra lúc ngọn lửa lan đến Trương gia thì đột nhiên chuyển hướng sang phía Bắc, sau khi lướt qua căn nhà tranh của Trương gia thì lan sang thiêu rụi nhà kho của nhà hàng xóm, sau đó lại tiếp tục cháy lan sang hướng Tây. Nếu không có sự bảo hộ của quỷ thần thì sự việc kì lạ như vậy làm sao có thể xuất hiện được?

Kỉ Hiểu Lam đối với sự việc này đã cảm thán mà rằng: Có thể khiến vợ chồng con cái 6 người đồng tâm nhất trí, thề chết bảo hộ linh cữu của mẫu thân, điều này quả thật khó gặp. Người ta thường nói rằng hai người đồng lòng, sức mạnh ấy có thể làm gãy kim loại, huống hồ là 6 người bao gồm phụ mẫu con cái? Lòng chân thành có thể cảm động đến thiên địa thần linh. Mặc dù là vận mệnh vốn đã có định số, nhưng quỷ thần cũng không thể không vãn hồi cho họ.

tranh hieu kinh chuong thu dan ve boi ma chi hoa thu phap cua tong cao tong minh chan tuong
Ảnh minh họa, tranh Hiếu Kinh-chương Thứ dân, vẽ bởi Mã Chi Hòa, thư pháp của Tống Cao Tông (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trời xanh điểm hóa, Từ tử phụ cốt

Triều Thanh có một người tên gọi là Từ Húc Linh, người huyện Tiền Đường, phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Thuận Trị năm thứ 2 (năm 1655) ông đỗ Tiến sĩ vị trí thứ 22 khoa thi năm Ất Mùi, sau đó đảm nhiệm chức Hình Bộ Chủ Sự, sau đổi thành Bộ Lại. Từ Viên Ngoại Lang chuyển sang Lễ Bộ Lang Trung. Dưới triều vua Khang Hi, ông làm quan thanh liêm chính trực, trước sau lần lượt đảm nhiệm các chức quan như Hồ Quảng Đạo Ngự Sử, Thái Thường tự Thiếu Khanh, Thiêm Đô Ngự Sử, Công Bộ Thị Lang v.v…Năm 1687 ông bị bệnh qua đời, hưởng thọ 58 tuổi, sau khi mất được Thụy hiệu là “Thanh Hiến”.

Trong sử sách có ghi chép rằng, Từ Húc Linh là người con chí hiếu. Phụ thân của anh là Từ Nhất Hồng theo tổ tiên sống ở Ngọc Sơn, về sau mới chuyển đến huyện Tiền Đường, nhưng ông vẫn dạy học ở một trường tư thục tại quê nhà. Năm 1648, Từ Nhất Hồng đang trên đường đi dạy học thì bị sơn tặc sát hại, cả nhà không ai biết thi thể ông ở đâu.

3 năm trôi qua, Từ Húc Linh lúc này 21 tuổi lên đường đi tìm hài cốt của phụ thân. Anh đi khắp các đồng ruộng thị trấn nhưng vẫn không tìm thấy, do vậy mà khóc suốt cả chặng đường. Một hôm vào lúc chập tội, anh gặp một vị tiều phu và trú nhờ một đêm ở trong nhà của ông ấy. Tiều phu biết được ý định của Từ Húc Linh, liền nói rằng ông có quen biết với phụ thân của Từ Húc Linh, nếu muốn tìm được di hài của phụ thân thì tốt nhất tìm đến núi Bình Sơn ở thôn Tây để cầu xin giúp đỡ. Anh đi về hướng theo lời chỉ bảo của tiều phu. Tối hôm đó, anh nằm mộng thấy phụ thân xuất hiện báo cho biết vị trí của hài cốt, đồng thời còn nói rằng “phải hỏi Mao Nhập Bát” .

Từ Húc Linh sau khi tỉnh dậy thì lập tức theo ánh trăng đi về phía có di hài. Trên đường anh gặp một bà lão, bà lão nói với anh rằng: “Ngươi là con trai của Từ tiên sinh, Từ tiên sinh bị hại ở Lỗ Gia Thương”, Từ Húc Linh đến Lỗ Gia Thương, nhưng vì mưa to gió lớn, đành ngồi khóc thảm thiết trong khe núi.

Đột nhiên, trong khe núi xuất hiện một đứa trẻ đang ngồi ngân nga hát trên lưng trâu, Từ Húc Linh ngay lập tức hỏi nơi ở của Mao Nhập Bát, đứa trẻ liền dẫn anh đến một ngôi nhà tranh gặp một ông lão, đó chính là Mao Nhập Bát. Ông lão vô cùng ngạc nhiên, Từ Húc Linh đem những lời của phụ thân nói trong giấc mộng kể lại cho ông lão. Ông lão bỗng hiểu ra sự việc, liền chỉ cho anh nơi mai táng Từ Nhất Hồng, Từ Húc Linh cảm thấy y hệt như trong giấc mộng, sau khi nhỏ máu để xác định quan hệ huyết thống thì anh dùng áo ngoài của mình để gói di hài của phụ thân lại rồi đem về quê nhà.

Lòng hiếu thảo của Từ Húc Linh đã cảm động đến Trời xanh, do đó mà được điểm hóa. Người thời đó cảm thấy sự việc này rất kì lạ, có người còn vẽ một bức tranh, tựa đề là “Từ tử phụ cốt đồ”

mot phan tranh cuon chan trau cua tac gia mao ich thoi nam tong minh chan tuong
Một phần Tranh cuộn chăn trâu của tác giả Mao Ích thời Nam Tống
Đột nhiên trong khe núi xuất hiện một đứa trẻ đang ngồi trên lưng trâu ngân nga hát. Ảnh minh họa, một phần Tranh cuộn chăn trâu của tác giả Mao Ích thời Nam Tống

Lời của Thần “Đừng làm hiếu tử bị thương”

Vào thời nhà Minh, tại huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến có một người tên gọi là Trần Vinh, là một người con chí hiếu. Mẹ của anh hai mắt đều bị mù, đã uống rất nhiều thuốc nhưng đều không có tác dụng gì. Sau này anh nghe người ta nói rằng nếu dùng đầu lưỡi liếm vào hai mắt thì có thể trị khỏi bệnh, do đó mỗi ngày anh chia ra nhiều lần liếm mắt cho mẹ. Hơn 1 năm sau, mắt của mẹ anh đã có thể nhìn thấy ánh sáng, có lẽ hiếu hạnh của anh đã cảm động đến Thượng Thiên.

Một ngày nọ, nhà hàng xóm xảy ra hỏa hoạn, lửa lan đến nhà của Trần Vinh. Trần Vinh lao vào trong ngọn lửa để cứu mẹ, nhưng sau khi tìm được mẹ thì hai người không có cách nào thoát thân, anh ôm mẹ khóc lóc thảm thiết, dùng thân mình để che chắn cho mẹ, không nỡ nhìn thấy mẹ chịu nạn này. Đột nhiên, trên không trung truyền đến một giọng nói rằng:“Đừng làm hiếu tử bị thương”, lời nói vừa dứt thì ngọn lửa cũng tắt. Hai mẹ con Trần Vinh được thoát nạn. Hai nhà hàng xóm lân cận đều bị thiêu rụi không còn gì, nhưng nhà của Trần Vinh thì chỉ bị tổn hại một chút ít.

Vào năm Thiên Khải, huyện thành lại xảy ra nạn lụt, rất nhiều nhà đều bị ngập trong nước, nhiều người cũng bị trôi theo dòng nước. Trần Vinh và mẹ cũng bị tách rời, mỗi người ôm một cây gỗ nổi trên mặt nước.

Thái Thú lúc này đang ở trên thuyền tuần sát tình hình thiên tai, nửa đêm bỗng nằm mộng thấy Thần hiện ra nói với ông rằng: “Ngày mai sẽ cứu một hiếu tử”, Thái Thú liền cho thuyền dừng ngay bờ để chờ đợi. Trưa ngày hôm sau, quả nhiên trông thấy một người đang bám vào cây gỗ nổi trên mặt nước theo dòng nước mà trôi đến, Thái Thú lệnh cho người cứu lên, sau đó lại hỏi anh rằng rốt cuộc anh đã có những hiếu hạnh gì. Trần Vinh đáp: “Tôi làm gì biết hiếu hay không hiếu gì, tôi chỉ biết tôi có một mẹ già, và không bao giờ dám quên bà mà thôi” .

Trần Vinh nhanh chóng tìm được mẹ lúc này đã được cứu, về sau tiếp tục hết lòng phụng dưỡng bà.

Tư liệu tham khảo:

  • Phần Danh Thần trong Triết Giang thông chí
  • Duyệt vi thảo đường bút ký
  • Hoàn Cầu danh nhân đức dục bảo giám

Phụ trách biên tập: Lí Tinh Thành
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x