Thành Cát Tư Hãn (Chương 9): Trận đầu thắng Kim, vui mừng được mãnh tướng người Hán

Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (Epoch Times)

Sau khi được thuộc hạ và các đồng minh ủng hộ cùng sự phù hộ của Trường Sinh Thiên, cuộc chiến chinh phạt nước Kim của Thành Cát Tư Hãn như tên đã lắp vào cung. Khi đó không ai nghĩ được rằng, kể từ lúc mở đầu cuộc chiến với người Nữ Chân, đại quân Mông Cổ không chỉ tiến ra thảo nguyên, mà còn rong ruổi khắp một vùng rộng lớn từ lưu vực sông Ấn (Indus hay còn gọi Sindhu) của Ấn Độ đến lưu vực sông Đa Nuýp, từ Thái Bình Dương đến phía đông Địa Trung Hải. Trong khoảng thời gian ba mươi năm sau đó, người Mông Cổ đã đánh bại bất kỳ đội quân nào mà họ đụng phải, giành được tất cả các pháo đài, và công hãm được tất cả các thành trì.

Người Mông cổ có thể bước ra ngoài thảo nguyên, đến những vùng đất cách xa quê hương của mình. Ngoại trừ việc toàn bộ người dân đều biên chế làm binh lính, thuở nhỏ đã thành thạo cưỡi ngựa bắn tên, còn có hai nguyên nhân không thể coi thường. Một là họ rất thích hợp hành quân quãng đường dài, họ mang theo bên mình những đồ vật hữu dụng, ví dụ như y phục cần thiết khi thời tiết quá khắc nghiệt, đá đánh lửa, bình đựng nước cùng túi da đựng sữa bò, cái giũa, thòng lọng, kim may, tiểu đao cùng rìu chuôi ngắn v.v. mỗi nhóm mười người còn mang theo một cái lều nhỏ.

Một lý do khác nữa, bọn họ về phương diện ăn uống rất đơn giản, chủ yếu là thịt, thịt khô, sữa, pho mát. Họ có thể di chuyển liên tục mười ngày mà không cần dừng lại nhóm lửa nấu cơm, khát có thể uống máu ngựa. Điều này khiến họ không cần mang lương thảo đi theo hoặc đường dây tiếp tế hậu cần khổng lồ, chỉ cần có đầy đủ ngựa đi theo bọn họ. Việc này dễ hành quân thần tốc hơn hẳn cách hành quân của quân đội truyền thống, và càng có tính cơ động hơn.

Tính cơ động của đội quân Mông Cổ còn thể hiện ở chỗ hoàn toàn là kỵ binh, không hề có một bộ binh. Chủ lực của các đội quân mà người Mông Cổ phải đối mặt đều là bộ binh. Ngoài các phương pháp tác chiến tích lũy được trên thảo nguyên như chiến thuật hành động nhanh chóng tiêu diệt kẻ địch, như đã nói ở trên, giao chiến với Tây Hạ, cũng khiến cho Thành Cát Tư Hãn có rất nhiều những người thợ thủ công dân tộc Hán, nắm vững cách đánh nhắm vào các thành trì kiên cố.

Trong cuộc chiến tranh với nước Kim sau này, đặc tính của đội quân Mông Cổ và tài năng thống soái trác việt của Thành Cát Tư Hãn đã được thể hiện rõ hơn nữa.

Thành Cát Tư Hãn
Kỵ binh Mông Cổ. (Ảnh: Shuttrstock)

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi cuộc chiến

Có người từng nói “Triều Kim như biển cả, còn Mông Cổ như một vốc cát nhỏ”, cho nên người nước Kim không sợ người Mông Cổ tấn công. Nhưng kết quả sau cùng lại là “Vốc cát” lấp đầy “Biển cả”. Đây không chỉ là sự dũng mãnh thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn và người Mông Cổ cùng với tính độc đáo đặc biệt của họ, mà do họ đã làm tốt công việc chuẩn bị trước khi chiến đấu, đúng là biết mình biết người.

Sau khi diệt được nước Liêu, cương thổ Nước Kim bao la, phía nam tới sông Hoài và dãy Tần Lĩnh, phía Tây dựa vào phía Đông của Lục Bàn Sơn thuộc Tần An Lũng Tây, phía Bắc từ sườn dãy núi Đại Hưng An hướng đến thượng du của Hắc Long Giang (sông Amur), phía Đông trải rộng tới sông Tùng Hoa, rồi cho tới cửa sông Amur gần eo biển TaTary thuộc miền viễn đông nước Nga ngày nay, diện tích quốc thổ lên tới 3.61 km2. Diện tích theo ngày nay bao gồm các tỉnh Đông Bắc, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây cùng An Huy và một phần địa khu của Hồ Bắc. Tại phương bắc, vì đề phòng người Mông Cổ tập kích quấy rối, nước Kim đã tu sửa và xây dựng một Trường Thành dài hơn ba ngàn dặm tại chỗ giao giới giữa Mông Cổ và nước Kim. Đây là thách thức mà Thành Cát Tư Hãn phải đối mặt.

Để tấn công nước Kim, Thành Cát Tư Hãn về đối nội đã thu nạp và trọng dụng nhiều hiền tài, chuyên cần việc quân. Về đối ngoại, ngoài việc chinh phục Tây Hạ, thu phục các thế lực xung quanh Mông Cổ, cắt đứt chi viện từ bên ngoài của nước Kim, bảo đảm an toàn cho hậu phương, mở một khoảng trống ở phía tây Trường Thành của nước Kim, Thành Cát Tư Hãn còn chiêu nạp bộ lạc Uông Cổ Dịch là thủ vệ đường hào biên giới của nước Kim, liên kết hôn nhân với họ, khiến cho khu vực từ Âm Sơn trở về phía Bắc thành căn cứ địa tấn công nước Kim.

Ông cũng chiêu nạp tướng lĩnh trấn thủ biên cương của nước Kim làm nội ứng, lợi dụng mọi ngả đường, thu thập tình báo chính trị, quân sự của triều Kim, chặn các tin tình báo bên trong Mông Cổ, giấu kín ý đồ xuất binh, v.v. Trước khi xuất binh, Thành Cát Tư Hãn còn phái một nhóm nhỏ quân đội tiến hành thâm nhập dò xét nguồn nước, nơi đóng quân và môi trường xung quanh. 

Bước đi mỹ mãn nhất của Thành Cát Tư Hãn là chia rẽ được người Khiết Đan và người Kim. Ông công khai tuyên bố phạt Kim cũng là báo thù cho người Khiết Đan. Sau khi những người họ hàng Khiết Đan, vốn được coi là có cùng ngôn ngữ với người Mông Cổ, bị người Nữ Chân diệt quốc, tất nhiên họ không cam tâm phục tùng. Vì thế, hành động chinh phục nước Kim của Thành Cát Tư Hãn giành được sự ủng hộ của người Khiết Đan, không ít người Khiết Đan tìm đến nương tựa vào người Mông Cổ. Từ đó về sau, người Khiết Đan trở thành trợ lực cho Mông Cổ phạt Kim.

Trước khi tấn công nước Kim, Thành Cát Tư Hãn đã hàng phục Tây Hạ, cắt đứt một cánh tay của nước Kim, lại chiêu hàng bộ tộc Uông Cổ Dịch, cho họ trở thành người dẫn đường xuống phía nam, liên lạc với người Khiết Đan, khiến cho nội bộ nước Kim sinh biến. Đủ các động tác chuẩn bị, thể hiện rõ ràng Thành Cát Tư Hãn là vị chiến lược gia vĩ đại 

Ngược lại, Vệ Thiệu Vương vô năng của nước Kim tuy biết Thành Cát Tư Hãn có lòng không thần phục, nhưng ỷ vào lực lượng của mình vượt xa Mông Cổ và có Trường Thành, trước giờ chưa từng để mắt đến người Mông Cổ, nên chỉ phòng bị sơ sài. Vệ Thiệu Vượng lại cho bắt nhốt các đại thần nhắc nhở mình. Trong nước quân sự yếu kém, kinh tế suy tàn, tài chính khó khăn lại không tự biết, binh lực chủ yếu đều bố trí tại biên giới Kim-Tống. Nước Tống phái binh tiến đánh nước Kim vào năm 1206, nhưng thua trận, đến năm 1208 hai bên ký kết “đàm phán hòa bình Gia Định”.

Căn cứ theo ghi chép của “Kim sử”, sau khi Vệ Thiệu Vương kế vị, trong nước nhiều lần xảy ra dị tượng, có động đất, sao băng, xuất hiện hắc khí, đại hạn, nhật thực, v.v., đây tựa hồ như điềm báo rằng chính quyền nước Kim đang bị Thiên Thượng vứt bỏ.

Thành Cát Tư Hãn
Bức tranh về người đàn ông tộc Nữ Chân đi săn. Tác phẩm hội họa thế kỷ 15. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trận đầu ở pháo đài Ô Sa, bước đầu đánh bại nước Kim

Mùa xuân năm 1211, Thành Cát Tư Hãn dẫn bốn con trai Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, Đà Lôi chỉ huy mười mấy vạn quân xuất binh phạt Kim. Vệ Thiệu Vương của nước Kim biết được Thành Cát Tư Hãn đem quân tiến đánh nước Kim thấy hết sức bất ngờ, lập tức phái Niêm Hợp Hợp là Chiêu thảo sứ lộ Tây Bắc thương lượng nghị hòa, nhưng bị Thành Cát Tư Hãn từ chối. Vệ Thiệu Vương khẩn cấp triệu tập các đại thần thương thảo đối sách. Lúc này phòng thủ Tây Bắc có Bình chương Chính sự Độc Cát Tư Trung (tên gốc là Thiên Gia Nô) và Tham tri Chính sự Hoàn Nhan Thừa Dụ. Địa vị của hai người này cũng ngang với Tể tướng.

Ngay lúc này, Thành Cát Tư Hãn cùng đại quân Mông Cổ dưới sự dẫn đường của bộ tộc Uông Cổ Dịch, người đang trấn giữ pháo đài bên ngoài đèo Cư Dung Quan, đi vòng qua đầu tây của Trường Thành, chuyển hướng Đông Nam, thẳng đến pháo đài Ô Sa thuộc huyện Hưng Hòa, thành phố Ô Lan Sát Bố (Ulanqab) khu tự trị Nội Mông Cổ ngày nay. Tòa pháo đài này do Bình Chương chính sự Độc Cát Tư Trung của nước Kim cho xây dựng vào năm 1210, để phòng ngừa người Mông Cổ đột phá Trường Thành, và tập kết binh lực ở doanh trại Ô Nguyệt phía sau pháo đài Ô Sa. Lúc ấy, Thành Cát Tư Hãn từng mệnh lệnh cho Triết Biệt tập kích tiêu diệt quân Kim đi xây dựng pháo đài Ô Sa.

Sau khi quân Mông Cổ rút lui, người Kim xây dựng lại pháo đài Ô Sa. Pháo đài Ô Sa dễ thủ khó công, có đường ngầm thông với doanh trại Ô Nguyệt, được Độc Cát Tư Trung đích thân cầm binh phòng thủ, nên quân Mông Cổ tiến đánh hơn một trăm ngày mà không đánh hạ được. Trong lo lắng Thành Cát Tư Hãn leo lên ngọn núi nhỏ bên cạnh, hướng lên trời cầu khẩn: “Trường Sinh Thiên, nước Kim giết dòng họ của ta, nếu như ông trời cho ta báo thù, xin Thần giúp ta”. Sau khi cầu nguyện xong, ông mơ hồ thấy được khói bếp ở doanh trại Ô Nguyệt, lập tức biết được nó ở đâu.

Thành Cát Tư Hãn phái đại tướng Triết Biệt vòng ra phía sau pháo đài Ô Sa, thẳng đến doanh trại Ô Nguyệt. Lúc này là tháng bảy, không lâu doanh trại Ô Nguyệt bị Triết Biệt công phá. Bởi vì doanh trại Ô Nguyệt thất thủ, nên pháo đài Ô Sa đã mất đi tác dụng phòng ngự, Thống soái Độc Cát Tư Trung của nước Kim đành phải dẫn binh rút về hướng đông. Thành Cát Tư Hãn chiếm lĩnh được pháo đài Ô Sa, lệnh phá hủy nó. Thắng lợi đầu tiên của trận đánh pháo đài Ô Sa khiến cho sĩ khí của người Mông Cổ lên rất cao, họ chỉnh đốn lực lượng một tháng sau tiếp tục thẳng tiến phía trước.

Từ đó, quân Mông Cổ chia thành hai cánh: Cánh đông do Thành Cát Tư Hãn thân chinh dẫn quân, hướng đến Trung Đô; Cánh tây do các con trai của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài suất lĩnh, hướng đến Tây Kinh của nước Kim (nay là thành phố Đại Đồng tỉnh Sơn Tây). Lúc đó nước Kim học theo nước Liêu thực hiện chế độ năm kinh đô, tức Liêu Dương Phủ Đông Kinh (nay là thành phố Liêu Dương tỉnh Liêu Ninh), Đại Đồng Phủ Tây Kinh (nay là Đại Đồng Sơn Tây), Đại Định Phủ Bắc Kinh (nay là Ninh Thành Nội Mông Cổ), Biện Kinh Phủ Nam Kinh (nay là Khai Phong tỉnh Hà Nam) cùng  Đại Hưng Phủ Trung Kinh (nay là Bắc Kinh).

Tái chiến pháo đài Hội Hà – Kim binh đại bại

Pháo đài Ô Sa và doanh trại Ô Nguyệt thất thủ, Thống soái Độc Cát Tư Trung bị bãi chức, Hoàn Nhan Thừa Dụ khi đó đóng quân ở Dã Hồ Lĩnh được phái đến thống lĩnh việc quân ở Tây Bắc. Hoàn Nhan Thừa Dụ lúc ấy đóng quân tại Dã Hồ Lĩnh (nay là tây bắc huyện Vạn Toàn tỉnh Hà Bắc). Lúc ấy, thổ hào ở bên trong huyện thành thỉnh cầu lấy binh lính địa phương nơi đó làm quân tiên phong, lấy binh lính Hành Tỉnh làm quân chi viện để giao chiến với người Mông Cổ. Hoàn Nhan Thừa Dụ lo lắng thiếu sự viện trợ, nên không dám dùng biện pháp này, chỉ  hỏi thăm đường đi Tuyên Đức (nay là Tuyên Hoá). Thổ hào đều chê cười ông ta rằng: “Khe suối quanh co, tôi ở đây cả đời đã biết rất rõ. Hành Tỉnh (Hoàn Nhan Thừa Dụ) không biết dùng sức mạnh của địa lợi mà đánh trận, mưu để ngoài tai rồi, nay bại vậy”.

Đêm đó, Hoàn Nhan Thừa Dụ dẫn binh đi về phía nam tiến về Tuyên Bình (huyện thuộc sự quản lý của Tuyên Đức, thành phố Trương Gia Khẩu ngày nay), quân đội Mông Cổ lập tức đến theo. Quân Mông Cổ tại đây đã gặp bảy ngàn tinh binh của tướng trấn thủ Tây Kinh Hồ Sa Hổ đến tiếp viện từ trước. Bảy ngàn người này sau một ngày kịch chiến với gần mười vạn đại quân Mông Cổ tại Dã Hồ Lĩnh, đến chạng vạng tối mới bị đánh bại. Người Mông Cổ đã chiếm được Dã Hồ Lĩnh, cướp tài vật rồi rời đi. Tiếp sau đó, quân Mông Cổ lại giành được các huyện Đại Thủy Lạc, Phong Lợi.

Hoàn Nhan Thừa Dụ tập kết 30 vạn đại quân (nói quá lên thành 40 vạn) tại khu vực sông Hội Hà của Tuyên Bình (nay là phía tây Vạn Toàn, Hà Bắc), để chống lại sự tấn công của người Mông Cổ. Trước khi khai hỏa chiến dịch, nước Kim cử Thạch Mạt Minh An đi đàm phán với Thành Cát Tư Hãn. Nhưng Thạch Mạt Minh An là người Khiết Đan, nên với sự khuyên bảo của Thành Cát Tư Hãn, ông đã đầu hàng, cũng  cung cấp tin tức tình báo bố trí canh phòng của quân Kim.

Sau khi phân tích tình hình quân địch, Thành Cát Tư Hãn quyết định áp dụng chiến thuật tập trung đột phá. Ông đích thân dẫn quân tấn công các trại ở trong thành Hội Hà (nay là Hoài An thuộc tỉnh Hà Bắc), lệnh cho Mộc Hoa Lê dẫn đội quân cánh tả mở cuộc đột kích từ đường thông Hoan Nhi Chủy (nay là một vùng Sơn Chủy ở phía bắc Đắc Thắng Khẩu). Giao tranh cả ngày từ sáng đến tối, quân Kim chiến đấu ngoan cường, quân Mông Cổ không có tiến triển gì.

Ngày hôm sau, trước khi tấn công, Mộc Hoa Lê trước mặt ba quân hướng về Thành Cát Tư Hãn xin thề: “Bọn giặc đông chúng ta ít, không quyết tử, không thể thắng được!” Đội cảm tử của quân Mông Cổ với chí sĩ cao ngất dưới sự dẫn đầu xung phong của Mộc Hoa Lê, giết một mạch hướng đến đại bản doanh trung tâm của Hoàn Nhan Thừa Dụ. Thành Cát Tư Hãn chỉ huy đại quân theo sau tiến vào trận địa của địch. Quân Kim vì chỉ huy điều động không giỏi, lòng người tan rã, chạy trốn tứ phía, tướng quân Hoàn Nhan Cửu Quân tử trận.

Hoàn Nhan Thừa Dụ chạy về pháo đài Hội Hà, vẫn còn chưa kịp nghỉ lấy sức, đã bị đội quân Mông Cổ bao vây. Sau một hồi kịch chiến, quân Kim gần như đã bị tiêu diệt, Hoàn Nhan Thừa Dụ một mình chạy trốn. Chiến dịch này người Mông Cổ lấy 10 vạn binh mã chiến thắng được ít nhất 30 vạn tinh binh của quân Kim, sức chiến đấu dũng mạnh của họ đã chấn động cả nước Kim. Hoàn Nhan Thừa Dụ bị miễn chức vụ tể tướng, thay bằng Đồ Đơn Dật được coi là đa mưu hơn phụ trách chiến sự Mông-Kim. Sự khác biệt với việc Độc Cát Tư Trung bại trận bị miễn chức quan ở chỗ, Hoàn Nhan Thừa Dụ thua trận thê thảm như vậy, trái lại chỉ bị giáng chức làm Tổng quản binh mã lộ Hàm Bình. Vua Kim thưởng phạt không rõ ràng, cũng khiến chí khí toàn quân sa sút.

https://img.etviet.com/2021/11/20-2.jpeg
Chiến tranh Mông Kim năm 1211, chiến dịch tiêu diệt 40 vạn quân kim của quân Mông Cổ ở Dã Hồ Lĩnh. Hình ảnh từ “Sử tập”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Chiếm được Tây Kinh và Đông Kinh

Sau thắng lợi giành được pháo đài Hội Hà vào tháng tám, tháng chín quân Mông cổ cánh đông lại chiếm được Đức Hưng Phủ (nay là Trác Lộc tỉnh Hà Bắc), tướng trấn thủ Cư Dung Quan bỏ trốn. Triết Biệt dẫn quân tiến vào Cư Dung Quan, tiến đến dưới thành Trung Đô của nước Kim (nay là Bắc Kinh). Trung Đô ra lệnh giới nghiêm, Đồ Đơn Dật phái 2 vạn viện binh đến từ đông bắc và ba ngàn binh mã của Thuật Hổ Cao Kỳ ở Hà Bắc, từ đó có thể thấy được phần nào sự trống không của nước Kim ở phía Bắc sông Hoàng Hà. Thành lũy của Trung Đô kiên cố, lại có trọng binh phòng thủ, quân Mông Cổ đánh thành không được phải bỏ vây thành, cũng chỉ cướp đoạt ở mấy vùng lân cận rồi rời đi.

Trong “Kim sử” có nói, “Khi đó, Đức Hưng Phủ, Hoằng Châu, Xương Bình, Hoài Lai, Tấn Sơn, Phong Nhuận, Mật Vân, Phủ Ninh, Tập Ninh, phía đông đến Bình, Loan, phía nam đến Thanh, Thương, từ Lâm Hoàng qua Liêu Hà, tây nam đến Hân, Đại, đều quy về Đại Nguyên.” Đại quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thống soái dũng mãnh như thế.

Còn cánh quân phía tây dưới sự thống lĩnh của các con trai Thành Cát Tư Hãn lần lượt đánh chiếm các vùng đất như Vân Nội (nay thuộc đông nam Thổ Đặc Mặc Đả Kỳ khu nội Mông Cổ), Đông Thắng (nay là TogToh thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ), Sóc Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), trong tháng 11 đánh chiếm Đại Đồng Tây Kinh. Tướng trấn giữ Tây Kinh của nước Kim là Hồ Sa Hổ nghe tin quân Mông Cổ đến, vứt thành bỏ chạy vào Trung Đô.

Hai cánh quân Mông Cổ đã bắt và cướp được số lượng lớn người, gia súc và của cải ở vùng đất ngày nay thuộc Hà Bắc và phía bắc của Sơn Tây rồi rút về phía bắc biên giới nước Kim. Trong những người bị bắt bao gồm cả những nhân tài người Hán về các phương diện mà người Mông Cổ có nhu cầu cấp thiết. 

Lúc đó, Thư Mục Lỗ Ngạch Sâm người Khiết Đan ở Bá Châu vì báo thù nhà Kim diệt nước Liêu, dẫn hơn 100 người đầu hàng Thành Cát Tư Hãn, hiến kế tiến Đông Kinh (nay là Liêu Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh), nơi gốc rễ của nước Kim. Thành Cát Tư Hãn theo kế đó, phái Triết Biệt thống soái quân cánh trái tiến công Đông Kinh. Tháng 12, Triết Biệt tiến đánh Đông Kinh, lần đầu đánh không được, bèn giả vờ lùi 500 dặm, sau thừa cơ quân canh giữ lơ là, lấy kỵ binh nhẹ phi suốt ngày đêm quay trở lại, đánh một trận tập kích xong, cướp bóc lớn một tháng rồi thu quân về.

Cuộc tấn công năm 1211 của Thành Cát Tư Hãn vào nước Kim đã kết thúc với thắng lợi của đội quân Mông Cổ. Có điều, khi đó người Mông Cổ phạt Kim vẫn là tiêu diệt kẻ địch, hủy hoại thành trì, sau đó cướp đoạt tài vật và con người rồi trở về. Do vậy, sau khi quân Mông Cổ đi rồi, thành trì tan nát lại được người Kim chiếm lĩnh xây dựng lại. Còn những quan binh của quân Kim bị người Mông Cổ bắt làm tù binh, được sắp xếp lại biên chế, bảo lưu chức vụ cho họ, phụ trách các công việc như áp tải vận chuyển tài vật, v.v. Người trung thành được phân đến các đội chiến đấu của quân đội Mông Cổ.

Do Mông Cổ thiếu thợ thủ công kỹ thuật, nên trong số tù binh phàm là thành thạo một nghề gì, thì người Mông Cổ đều cho họ mang theo gia đình, sắp xếp ổn thỏa cho họ. Những thợ thủ công người Hán bắt được trong cuộc chiến với Tây Hạ lần trước cùng những người thủ công trong đội quân Mông Cổ đã tạo ra ngày càng nhiều các loại dụng cụ dùng trong cuộc sống và trong chiến đấu, tăng cường thêm sức chiến đấu của đội quân Mông Cổ một bước nữa.

Mãnh tướng giỏi binh pháp Quách Bảo Ngọc

Trong năm đầu tiên phát động cuộc tấn công vào nước Kim, Thành Cát Tư Hãn còn vui mừng bắt được một viên mãnh tướng người Hán. Ông ta là Quách Bảo Ngọc thông hiểu thiên văn, binh pháp, giỏi cưỡi ngựa bắn tên. Ông là hậu duệ của danh tướng đời Đường Quách Tử Nghi. Những năm cuối triều Kim, ông được phong làm “Quận công Phần Dương” kiêm Mãnh An (Mãnh An: là tên gọi tổ chức quân đội thời kỳ đầu nhà Kim, cai quản ba ngàn hộ. Khi quân Kim xuôi hướng nam xuống Trung Nguyên, có một số binh lính Mãnh An di chuyển về vùng đất Hà Bắc, Sơn Đông, nhận ruộng định cư, tương đương với tổ chức ở địa phương. Ông lãnh binh đóng quân ở Định Châu (nay là huyện Định ở Hà Bắc). Năm 1211, Mộc Hoa Lê đánh bại tướng Độc Cát Tư Trung của nước Kim, Quách Bảo Ngọc dẫn binh lính dưới trướng của mình đầu hàng quân Mông Cổ.

Mộc Hoa Lê đưa Quách Bảo Ngọc vừa thông hiểu binh pháp lại vừa hiểu biết tình hình Trung Nguyên tiến cử với Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn hỏi ông ta về kế sách lấy Trung Nguyên. Quách Ngọc Bảo tâu, thế lực của nước Kim ở Trung Nguyên vẫn còn rất lớn, không thể xem nhẹ, nên chinh phục Thổ Phiên nước Nam Chiếu ở khu vực tây nam trước, sau đó lợi dụng các lực lượng này tấn công nước Kim, nhất định có thể thống nhất Trung Nguyên.

Ông còn hiến kế cho Thái Tổ: “Vào thời kỳ đầu xây dựng quốc gia, nên ban những mệnh lệnh mới.” Thành Cát Tư Hãn nghe theo đề nghị của ông, ban hành năm điều lệnh mới như hành quân tác chiến không được giết người vô tội; ngoại trừ tù nhân mang trọng tội có thể bị xử tử hình ra, những phạm nhân khác có thể xem xét và xử bị đánh trượng; về chế độ tuyển quân theo hộ, người Mông Cổ, người Sắc Mục mỗi đinh là một quân, người Hán có bốn khoảnh [1] ruộng, ba người đinh thì đăng ký một người xung quân; thanh niên mười lăm tuổi trở lên được tính là đinh, sáu mươi tuổi phá lão, hộ trạm và hộ quân giống nhau, dân làm nghề thủ công giới hạn một khoảnh ruộng; nghiêm cấm các tăng đạo gây bất lợi cho quốc gia và gây hại với dân.

Quách Bảo Ngọc là người túc trí đa mưu, được Thành Cát Tư Hãn coi trọng xem là tâm phúc. Ông theo Mộc Hoa Lê dẫn quân xuống phía nam, lại theo Thành Cát Tư Hãn tây chinh, đã đưa ra nhiều mưu kế cho Thành Cát Tư Hãn. Nhiều lần lập chiến công nên ông được làm chức Đoạn Sự Quan. Năm 1226 trên đường quân đội Mông Cổ quay trở về phía đông, ông chết vì bệnh trong doanh trại ở Hạ Lan Sơn. 

 [1] Khoảnh: tương đương 100 mẫu Trung Quốc, khoảng 6.67 hecta.

Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x