Nhân vật phong vân thiên cổ Trung Hoa: Tôn Quyền giỏi đề bạt nhân tài (Phần 2)

Tôn Quyền
Tôn Quyền (Ảnh Epoch Times)

Coi trọng sở trường, xem nhẹ sở đoản

Về phương diện dùng người của Tôn Quyền, có một câu danh ngôn: “Quý sở trường, vong sở đoản” (coi trọng sở trường, xem nhẹ sở đoản). Ông cho rằng ngoài việc tán thưởng sở trường của người khác, cũng phải rộng rãi bao dung đối với khiếm khuyết của người khác, nếu không dễ rơi vào tình trạng phê phán không cần thiết, thậm chí khơi nguồn rắc rối.

Bởi vì ông khéo biết tán thưởng sở trường và bỏ qua khiếm khuyết của người khác, mà từ đó có thể không tiếc đề bạt nhân tài, giúp cho Đông Ngô có thể duy trì được tình hình kỷ cương nội chính, trạng thái dân giàu nước mạnh.

Tôn Quyền sáng suốt trong việc sử dụng nhân tài, trong lúc nguy cấp sinh tử, càng biểu hiện đặc biệt xuất sắc. Ông lần lượt trọng dụng những người như Chu Du, Lữ Mông, Lục Tốn làm thống lĩnh quân đội, đều là đề bạt thỏa đáng. Trong cuộc chiến Xích Bích, Chu Du liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo, lấy yếu chống mạnh, cuối cùng đánh bại quân Tào, củng cố cơ nghiệp Đông Ngô.

Tôn Quyền. Đường tiến quân của Tào Tháo và bản đồ trận Xích Bích. Điểm đánh dấu trên bản đồ nằm gần vị trí của thành phố Xích Bích ngày nay
Đường tiến quân của Tào Tháo và bản đồ trận Xích Bích. Điểm đánh dấu trên bản đồ nằm gần vị trí của thành phố Xích Bích ngày nay. (Ảnh: Rungbachduong/Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Lữ Mông không chỉ nhiều lần lập chiến công, mà còn phối hợp với Lục Tốn tập kích Kinh Châu, đánh bại Quan Vũ, mở rộng phạm vi thế lực Đông Ngô rộng lớn. Lục Tốn trong trận chiến Di Lăng đánh thắng quân Thục, còn nhiều lần đánh bại quân Ngụy, trở thành rường cột vững chắc của giang sơn Đông Ngô.

Đối với những nhân tài kiệt xuất này, Tôn Quyền đều vô cùng kính trọng. Đối với Chu Du, ông xem như huynh trưởng, lúc Chu Du qua đời, ông từng “mặc áo tang đến khóc tang, làm cảm động mọi người”, mãi cho đến khi xưng Đế, ông vẫn luôn cảm khái rằng: “Cô phi Chu Công Cẩn, bất đế hĩ!” (Không có Chu Công Cẩn, ta không xưng được Đế!)

Đối với Lữ Mông, ông cũng rất mực thưởng thức, cho rằng “mưu lược đến kinh ngạc”. Khi Lữ Mông bệnh nặng, ông vô cùng quan tâm lo lắng, chẳng những bỏ ra số tiền lớn mời đại phu khám chữa bệnh, mà còn luôn theo dõi bệnh tình, thấy Lữ Mông có thể ăn được chút gì thì vui mừng hớn hở, nếu Lữ Mông không ăn được gì thì đứng ngồi không yên. Lúc Lữ Mông bệnh chết, ông đã khóc lóc nghẹn ngào biểu lộ chân tình, khiến mọi người cảm động.

Đối với Lục Tốn, ông vô cùng tin cậy, đặc biệt ông còn giao cho Lục Tốn giữ một bản ấn giám của mình (ấn giám là bản lưu dấu gốc của ấn triện). Mỗi khi gửi thư trao đổi với Thục Hán, ông luôn giao cho Lục Tốn xem qua, nếu có chỗ không ổn thì Lục Tốn tự chỉnh sửa rồi đóng dấu gửi đi.

Vào năm Hoàng Vũ thứ 7, Đại Tư Mã Tào Hưu của nước Ngụy dẫn đại quân xâm chiếm đánh xuống phía nam, Lục Tốn thống lĩnh quân đội chặn đánh. Về sau, Tôn Quyền lại để cho Lục Tốn giúp đỡ Thái Tử Tôn Đăng trấn thủ Vũ Xương, đồng thời nắm giữ các chức vụ quan trọng như tổng đốc quân đội quốc gia, có thể nói là ân sủng có thừa.

Tuyên dương Phật pháp, tịnh hóa nhân tâm

Khang Tăng Hội là cao tăng Phật giáo nổi tiếng, từng đến Đông Ngô dựng lều tranh và dựng tượng Phật, bắt đầu truyền bá Phật Pháp. Thời đó, người dân Đông Ngô còn chưa biết đến Phật giáo, cảm thấy hết sức kỳ quái, quan viên ở vùng đó bèn bẩm báo việc này với Tôn Quyền.

Vì vậy, Tôn Quyền triệu kiến Khang Tăng Hội, đồng thời hỏi đạo của ông có gì là linh nghiệm. Khang Tăng Hội đáp: “Mặc dù Như Lai Phật Tổ niết bàn đã ngàn năm rồi, nhưng Xá Lợi di cốt của Phật Tổ thần diệu không gì sánh được.”

Bức tranh Phật Như Lai trong “Tây Du nguyên chỉ”
Bức tranh Phật Như Lai trong “Tây Du nguyên chỉ”. (Ảnh: Tài sản công)

Tôn Quyền cho rằng Khang Tăng Hội nói quá lên, nên nói: “Nếu như ông có thể có được Xá Lợi, thì ta sẽ tạo tháp cho ông, nếu không thì theo quốc pháp mà trừng trị”. Khang Tăng Hội xin hạn định 7 ngày, sau đó nói với các đệ tử rằng: “Phật pháp hưng hay phế là ở việc lần này, nếu như không thành tâm thành ý khẩn cầu Phật Tổ ban phúc, thì ngày sau làm sao lưu truyền Phật Pháp?”

Ngay sau đó Khang Tăng Hội cùng với nhóm đệ tử cùng nhau trai giới tắm rửa, đả tọa trong tịnh thất, đồng thời lấy bát đồng đặt trên bàn, bắt đầu thắp hương cầu nguyện. Đến ngày thứ 7, bát đồng vẫn im lìm không có tiếng động. Khang Tăng Hội thỉnh cầu thêm 7 ngày nữa, nhưng đến ngày thứ 7 tiếp theo, bát đồng vẫn như cũ không có gì thay đổi.

Tôn Quyền cho rằng Khang Tăng Hội lừa gạt mình nên dự định tăng thêm tội đối với ông, nhưng Khang Tăng Hội lại xin gia hạn thêm 7 ngày nữa. Đã đến chạng vạng tối ngày thứ 7 của lần thứ ba, vẫn là không nhìn thấy Xá Lợi hiển hiện, chúng đệ tử không ai là không hoảng hốt, sợ Tôn Quyền trách tội xuống thì sẽ gánh không nổi.

Nhưng đến canh năm, đột nhiên nghe có tiếng vang lên bên trong bát đồng, Khang Tăng Hội bèn đi đến nhìn vào bát, quả nhiên đạt được Xá Lợi. Sáng sớm ngày hôm sau, Khang Tăng Hội mang Xá Lợi trình dâng lên Tôn Quyền. Tôn Quyền triệu tập bách quan văn võ đến xem, chỉ thấy Xá Lợi tỏa ra ánh sáng ngũ sắc, rực rỡ chói mắt.

Tôn Quyền cầm bát đồng lên, nghiêng bát đổ Xá Lợi xuống khay đồng, Xá Lợi rơi xuống khay đồng thì khay đồng lập tức nứt vỡ. Tôn Quyền kinh hãi biến sắc, nói rằng: “Vật này thực sự là bảo vật quý hiếm trên đời”. Khang Tăng Hội nói: “Xá Lợi không chỉ tỏa ra hào quang tứ phía, mà liệt hỏa cũng không thể thiêu hủy, kim cương cũng không thể nghiền nát được”.

Tôn Quyền bèn sai người thử nghiệm. Khang Tăng Hội lại phát nguyện lần nữa: “Phật Pháp vừa mới truyền bá, muôn dân nương nhờ ân trạch của Phật Pháp, mong cầu Phật Tổ giáng lâm thần tích lần nữa, để hiển hiện uy linh”. Tôn Quyền lệnh cho người đặt Xá Lợi trên cái đe sắt, cho một đại lực sĩ dùng chùy sắt đập xuống.

Thế là chùy sắt và đe sắt đều bị đập bể, nhưng Xá Lợi vẫn còn hoàn hảo không có tổn hại gì. Tôn Quyền vô cùng thán phục, từ đó sai người xây dựng bảo tháp thờ Phật, từ đây Phật Pháp bắt đầu thịnh hành ở phía tây Trường Giang. 

Nhờ có Tôn Quyền ủng hộ, Phật Pháp được lưu truyền, trong thời chiến loạn bách tính có nơi gửi gắm niềm tin, ở vùng Giang Đông lòng người an định, đây là một sự giúp ích rất lớn.

***

Vào thời kỳ chiến loạn, sở dĩ Tôn Quyền có thể phía bắc chống Tào Tháo, phía tây đối kháng Lưu Bị, nguyên nhân thứ nhất là ở phương diện ngoại giao ông có thể dùng nhu thắng cương, thứ hai là ông khéo đề bạt nhân tài ra sức vì nước.

Trong thời tam quốc phân tranh, ông luôn hạ thấp thân phận nhẫn nhục hoặc là mượn sức của một bên, nhằm tránh hai mặt đều đối địch. Như vào thời đầu, ông từng chấp nhận các chức vị Thảo Lỗ tướng quân, Thái Thú Hội kê do Tào Tháo phong; trận chiến Xích Bích, ông liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo; trận chiến Kinh Châu, ông liên kết với Tào Tháo đánh bại Quan Vũ, đoạt lại Kinh Châu.

Ở cuộc chiến Di Lăng, vì để tránh nước Ngụy thừa cơ hội chiếm đánh. Ông đã dâng biểu xưng thần với Tào Tháo, được phong làm Ngô Vương; sau khi đại thắng ở Di Lăng, ông chủ động nhận lỗi với Lưu Bị, để khôi phục mối quan hệ Ngô – Thục, khiến Tào Ngụy không dám hành động liều lĩnh.

Ngoài ra, đúng như huynh trưởng Tôn Sách đã từng nói với ông: “Dẫn quân Giang Đông, quyết định giữa hai trận đánh, tranh giành thiên hạ, ngươi không bằng ta. Nhưng dùng người hiền tài có thể gánh vác, hết lòng tận sức bảo vệ Giang Đông, ta không bằng ngươi.” 

Trong thời gian 30 năm đầu Tôn Quyền tại vị, tình thế loạn trong giặc ngoài, ông hiểu rõ rằng nhân tài đáng trân quý. Vì thế ông không dựa vào một khuôn mẫu để tuyển chọn nhân tài, nhờ vậy Giang Đông nhân tài lớp lớp, hùng mạnh sánh với Thục, Ngụy. 

Tôn Quyền nhờ có ánh mắt tinh tường biết trọng dụng nhân tài, từ đó mỗi khi then chốt, đều có thể dùng yếu chống mạnh, lấy ít thắng nhiều, giúp cho Đông Ngô từ đầu đến cuối có thể đứng ở vị thế bất bại.

A Triết thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ 
Epoch Times Hoa ngữ

NguồnEpoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x