“Nhân ái hiếu đễ, khiêm hòa lễ nhượng” là truyền thống mỹ đức Á Đông. Hiếu đứng đầu trong các đức tính của con người, là phẩm đức căn bản cho các loại đạo đức, bởi vậy mới có câu “Bách thiện hiếu vi tiên”, ý là trong trăm loại thiện thì Hiếu đứng đầu.
Qua các triều đại đổi thay, những tấm gương “Hiếu đễ” (Hiếu thuận và Kính nhường) xuất hiện tầng tầng lớp lớp, nhiều không kể xiết.
Vào thời kỳ Quang Vũ của nhà Đông Hán, thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Có người tên là Hứa Vũ, quê ở Dương Tiễn, quận Hội Kê (Cối Kê), năm 15 tuổi thì cha mẹ đều mất, có hai người em trai là Hứa Yến 9 tuổi, Hứa Phổ 7 tuổi.
Hứa Vũ hiếu đễ
Hứa Vũ ngày thì cày ruộng rau, tối đến thì chong đèn đọc sách, khi đọc sách thì gọi hai người em đến, đem những gì mình học được tự mình dạy lại cho hai người em, giảng dạy tỉ mỉ, dạy lễ tiết khiêm nhường, dạy đạo làm người. Em trai gây lỗi, trước tiên Hứa Vũ luôn là quỳ gối trước Từ đường, đau đớn tự trách, nước mắt không dứt, cho đến khi em trai cũng tự khóc theo và nhận lỗi mới đứng dậy, huynh đệ chưa từng nói lời trách móc hay khó nghe với nhau.
Như thế qua vài năm, hai người em cũng đã trưởng thành, gia nghiệp cũng dần giàu có. Người trong thôn vô cùng khen ngợi phẩm hạnh của Hứa Vũ, cũng dần truyền ra mỹ danh “Hứa Vũ hiếu đễ”.
Đương thời, triều Hán xem hai chữ “Hiếu Liêm” (Hiếu thuận và Liêm khiết) là phẩm hạnh quan trọng nhất, bèn lấy đó làm tiêu chuẩn để chọn người tài đức để dùng. Phàm là người được khen là Hiếu Liêm, liền dễ được ra làm quan. Lúc ấy cả Châu Mục (là quan Thứ sử) và Quận Thủ (là Thái thú) đều nghe được danh tiếng của Hứa Vũ, nên cùng nhau tiến cử, được triều đình cử làm Nghị Lang, Thái Thú phụng chỉ, truyền hạ cho Huyện lệnh, hạn định ngày đi nhậm chức.
Tuân theo lệnh Vua, Hứa Vũ vội vàng lên đường, mặc dù khởi hành đi nhận chức, nhưng vẫn dặn dò hai người em: “Ở nhà tự mình nỗ lực học tập, cũng giống như lúc ta ở nhà vậy, không được trễ nải biếng nhác mà bỏ việc học”. Đồng thời dặn dò người trong nhà và người hầu đều phải an phận thủ thường. Sau đó thu xếp hành trang, tự mình đến kinh thành vào triều nhậm chức.
Trong thành Trường An, mọi người nghe được danh tiếng Hiếu đễ của Hứa Vũ, sôi nổi đến bái phỏng. Các đại thần trong triều biết được Hứa Vũ vẫn chưa lập thất, đều muốn gả con gái của mình cho Hứa Vũ. Hứa Vũ thầm nghĩ: “Ba anh em trong nhà đều đang tuổi trẻ, đều chưa lấy vợ. Nếu mình lấy vợ trước, thì không đúng với đạo làm anh”. Vậy nên liền nhã nhặn chối từ. Khi mọi người biết được nguyên do, càng thêm kính trọng.
Hứa Vũ đọc nhiều kinh sử, cho nên mỗi khi triều đình có việc quan trọng mà các quan đại thần không thể quyết định, thường thường đến tìm ông xin thỉnh giáo, ông lấy chuyện cổ để nói việc ngày nay, rồi đưa ra kiến nghị, các đại thần rất coi trọng kiến nghị của ông, vài năm sau Hứa Vũ được thăng đến chức Ngự sử Đại phu.
Một ngày, Hứa Vũ nghĩ đến hai người em trai ở quê nhà, đã khổ học nhiều năm mà không thấy Châu Quận tiến cử, chỉ sợ lười biếng bỏ lỡ sự nghiệp, bèn có ý muốn về quê nhà thăm viếng. Thế là ông dâng tấu sớ xin Vua cho nghỉ để về thăm quê nhà. Vua xem xong tấu rồi đồng ý, lệnh ông áo gấm về quê. Hứa Vũ tạ ơn rồi từ biệt triều đình, các quan trong triều đi đưa tiễn ông ra tận vùng ngoại ô.
Sau khi Hứa Vũ về quê, trước đi thăm viếng mồ mả xong, không muốn làm quan nữa, liền cáo mệnh từ quan. Hứa Vũ cho gọi hai người em đến, dò hỏi việc học, Hứa Yến, Hứa Phổ đều ứng đáp trôi chảy, lý lẽ rõ ràng, lời văn thông suốt. Hứa Vũ vui mừng trong lòng, lại tra xét đến số lượng ruộng vườn, thấy nhiều hơn lúc trước gấp mấy lần, đây đều là nhờ hai người em cần kiệm mà có được.
Hứa Vũ tìm hiểu các cô gái con nhà đàng hoàng ở trong vùng, trước chọn ra để đính hôn cho hai người em của mình, sau đó bản thân mới cưới vợ. Mấy tháng sau, Hứa Vũ đột nhiên nói với hai em rằng: “Ta nghe nói có đạo lý anh em phân nhà ra sinh sống. Nay ta và các em đều đã cưới vợ, điền sản không ít, theo lý nên tự lập môn hộ”. Hai người em vâng dạ nghe theo ý của anh.
Phân chia gia sản
Hứa Vũ chọn ngày mở yến tiệc, mời những người lớn tuổi trong vùng đến dự, rồi thông báo việc phân nhà ra ở riêng. Đem tất cả gia tài từng món, từng món ra phân chia, Hứa Vũ tự chọn gian nhà rộng nhất cho mình, và nói: “Ta là trọng thần, thể diện phải trang nghiêm. Hai em làm ruộng, ở nhà tranh nhà tre là được rồi”.
Lại xem sổ sách ruộng đất, phàm là ruộng tốt đều lấy về cho mình, đem ruộng đất cằn cỗi chia cho hai người em, đồng thời cũng chọn lấy phần lớn những kẻ hầu người hạ khỏe mạnh, nói rằng: “Tùy tùng theo ta, không phải nhiêu đây là không đủ sai khiến. Hai em là người làm ruộng, không cần phải có nhiều người hầu, chỉ phí cơm phí áo”.
Những gì hai người em được chia không bằng một nửa của Hứa Vũ. Nhìn ngoài thì thấy Hứa Vũ hoàn toàn không có lòng khiêm nhượng, lại rất có ý ức hiếp; nên những người chứng kiến đều rất bất bình trong lòng.
Trong số những người chứng kiến sự việc, có một người tính tình thẳng thắng, muốn mở miệng nói lời công bằng, bị một người già đứng bên cạnh lặng lẽ ngăn cản và nói: “Hứa Vũ giờ đã làm quan lớn, không như trước đây nữa. Người ta thường có câu: Sơ bất gian thân. Tôi và ông cũng chỉ là người ngoài, sao quản được việc trong nhà của ông ta. Ngay cả dùng lý lẽ khuyên bảo, người ta còn chưa hẳn nghe theo, nói uổng tốn nước bọt, ngược lại là châm ngòi khiến anh em họ bất hòa”.
Hiếu Liêm thật – giả
Nguyên lai Hứa Yến, Hứa Phổ từ khi được anh trai dạy bảo, tri thư đạt lễ toàn lấy hiếu đễ làm trọng, nghe anh trai phân tích như thế, cho rằng đó là lẽ đương nhiên, tuyệt nhiên không có chút ý tứ bất bình nào. Hứa Vũ phân chia gia sản xong, mọi người cũng ra về. Hứa Vũ ở gian nhà chính, hai gian nhà nhỏ bên trái và bên phải cho Hứa Yến và Hứa Phổ ở.
Mỗi ngày hai người em xuống ruộng trồng trọt, lúc rảnh rỗi thì đọc sách, khi gặp điều nghi vấn, không hiểu thường đến hỏi ý anh trai, xem đây là việc bình thường. Các chị em dâu cũng sống hòa thuận cùng với ba anh em.
Từ đó, những người lớn tuổi trong vùng, người người đều khinh thường việc làm của Hứa Vũ, thương hại hai người em, họ nghị luận rằng: “Hứa Vũ là người Hiếu liêm giả, Hứa Yến, Hứa Phổ mới thật là Hiếu liêm. Hai người họ đều vì tưởng nhớ cha mẹ, đoàn kết với nhau, vâng theo lời dạy bảo, như vậy chẳng phải là Hiếu sao? Trọng nghĩa khinh tài, mặc kệ được phân cho bao nhiêu gia sản, đều không tranh giành, như vậy chẳng phải là Liêm sao?
Ban đầu, trong vùng truyền ra danh tiếng “Hứa Vũ hiếu đễ”, đến hiện tại thì bỏ mất chữ Vũ, danh tiếng đó đổi thành “Hứa gia hiếu đễ”, mỹ danh của Hứa Yến và Hứa Phổ được truyền rộng khắp nơi.
Sau khi Hán Minh Đế lên ngôi, hạ chiếu cầu người hiền tài, lệnh cho các quan lại điều tra tìm hiểu những người có học thức, có phẩm hạnh, đến nhà tặng lễ. Huyện lệnh đã biết sự việc Hứa Yến, Hứa Phổ nhường gia sản không hề tranh chấp trước đây, nên đem nhân phẩm của hai người bẩm báo lên cấp Quận. Huyện lệnh tự thân đến nhà chào hỏi, nói rõ tâm ý cầu người hiền của Thiên Tử. Hứa Yến, Hứa Phổ khiêm nhượng mãi.
Thế là hai người em tạm biệt vợ chồng Hứa Vũ, đến Trường An bái kiến Thiên Tử. Thiên Tử hỏi rằng: “Hai khanh là em trai của Hứa Vũ ư?” Hứa Yến, Hứa Phổ dập đầu đáp vâng. Thiên Tử lại nói: “Nghe nói nhà khanh nổi danh là Hiếu đễ. Liêm nhượng của khanh còn vượt qua cả anh trai, lòng Trẫm càng thêm vui mừng”.
Hứa Yến, Hứa Phổ nói: “Vận nước hưng thịnh, mở cửa tuyển quan, đây là bởi mẫu mực của bậc Đế Vương. Quận huyện không dùng thần là vì chúng thần bất tài, làm phiền Thánh tông. Thần từ nhỏ mất nơi cậy nhờ, may được bào huynh Hứa Vũ dạy dỗ, cẩn thận giữ mình, ngoài cày cấy và đọc sách ra, không còn biết thứ khác. Chúng đệ sao có thể bằng một phần vạn của huynh Vũ”.
Thiên Tử nghe thấy đúng, khen ngợi hai người khiêm đức, ngay hôm đó tấn phong hai người làm Nội sử.
Mấy năm sau, Hứa Yến, Hứa Phổ người đạt đến chức vị Cửu khanh. Làm quan mặc dù danh tiếng không hiển hách bằng anh trai, nhưng đều được cả triều xưng tụng là Liêm nhượng.
Tĩnh Viễn (Jing Yuan)
Tiểu Minh biên dịch
Xem tiếp: Nhân ái – Hiếu đễ (P2): Hứa Vũ tiết lộ nguyên do giành tài sản của hai em
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!