Đại thần nhà Trần Trần Nguyên Đán tại sao phải hổ thẹn với người này?

dai than minh chan tuong
Tiền Nhược Thủy tiếp tục được Tống Chân Tông trọng dụng. (Tranh minh họa Thanh Phong – NTDVN).

Một vị đại thần chính trực, trí tuệ, luôn tận lực cứu giúp, minh oan người vô tội. Ông là người như thế nào mà khiến Đại thần nhà TrầnTrần Nguyên Đán phải hổ thẹn, nói rằng mình không thể nào sánh được.

Tiền Nhược Thủy (960 – 1003), tự Đạm Thành, tên tự khác là Trường Khanh, người Tân An, Hà Nam. Ông từ nhỏ đã thông minh dĩnh ngộ, mười tuổi đã bộc lộ tài văn chương. Trần Đoàn lão tổ có lần gặp Tiền Nhược Thủy, đánh giá rằng “thần khí thanh cao, có thể học đạo; nếu không học đạo, thì nhân sinh cũng có phú quý”. Tiền Nhược Thủy đỗ tiến sĩ năm Ung Hi thời Tống Thái Tông, nhậm chức thôi quan (chủ quản tư pháp) ở Đồng Châu.

Tri châu Đồng Châu, thượng cấp của Tiền Nhược Thủy, là người chủ quan võ đoán, hơn nữa tính tình nóng nảy thường hay phạm sai lầm. Mỗi lần gặp phải tình huống như vậy, Tiền Nhược Thủy đều thảo luận với quan trên, nhưng tri châu thường không tiếp nhận ý kiến chính xác của ông. Mặc dù khi chân tướng hiển lộ, tri châu thường cảm thấy xấu hổ vì sai sót của bản thân mình, nhưng sau đó mọi chuyện vẫn lặp lại như cũ.

Có lần, nha hoàn của một nhà giàu nọ không biết đi đâu mất tích. Cha mẹ cô tới nha môn báo án, tri châu lệnh cho quan lục sự tham quân thẩm tra thụ lý vụ án. Viên lục sự tham quân này từng mượn tiền của nhà giàu nọ nhưng bị từ chối, trong lòng bèn nảy sinh oán hận. Trong quá trình xét xử vụ án ông ta đã võ đoán rằng nhà giàu đó đã hại chết nha hoàn, rồi quăng thi thể xuống sông. Cha con nhà giàu bị dùng hình ép cung nên phải nhận tội.

Sau khi điều tra hoàn tất, viên lục sự tham quân báo án lên tri châu, tri châu triệu tập quan viên tiến hành phúc thẩm, một số người cho rằng án này đã được xử lý một cách chính xác, còn thể hiện sự đồng tình, chỉ có Tiền Nhược Thủy tỏ vẻ nghi ngờ vụ án, ông cho rằng khi xét xử nên thẩm vấn kỹ lưỡng, nếu không có chứng cứ xác thực mà định tội mưu sát chẳng khác gì coi rẻ mạng người.

Viên lục sự tham quân thẹn quá hóa giận nói vu cho Tiền Nhược Thủy rằng: “Phải chăng ông đã nhận hối lộ của nhà giàu đó nên muốn giúp cho họ thoát tội chết?”

Tiền Nhược Thủy nói: “Án này liên quan tính mạng cả mấy con người, không nhân chứng vật chứng sao có thể kết án được?”

Tri châu nghe theo ý kiến của Tiền Nhược Thủy, để ông tái phúc tra cho ra manh mối. Đến 10 ngày sau, vụ án cơ hồ không tiến triển. Nha môn nghị luận ầm ĩ, đủ loại ngôn luận, mỉa mai, châm chọc, đến vu cáo, hãm hại, khiến tri châu cũng bắt đầu dao động. Tiền Nhược Thủy không bận tâm lời ra tiếng vào, vẫn sớm khuya tiến hành điều tra. Chẳng bao lâu, Tiền Nhược Thủy tới gặp tri châu nói rằng: “Sở dĩ thuộc hạ kéo dài vụ án này là vì muốn do thám tung tích của nha hoàn, hiện nay nha hoàn đã được tìm thấy”.

Tri châu hỏi: “Người hiện đang ở nơi đâu?”

Tiền Nhược Thủy liền đưa nha hoàn đến.

Tri châu gọi cha mẹ nha hoàn lại hỏi: “Nếu giờ con gái xuất hiện, các người có nhận ra không?”

Cha mẹ nha hoàn nói: “Sao có thể không nhận ra.”

Tri châu liền vén rèm, lộ ra nha hoàn, cha mẹ cô khóc mừng nói: “Đúng là con gái chúng tôi.”

Người mất tích đã tìm lại được rồi, cha con nhà giàu nọ cũng được phóng thích.

Cha con nhà giàu khóc mà nói với tri châu rằng: “Nếu không nhờ ơn giúp đỡ của ngài thì cả nhà chúng tôi đã chết hết rồi”.

Tri châu nói với họ: “Không phải là ta, đều là công lao của thôi quan Tiền Nhược Thủy”.

Cha con nhà giàu tìm Tiền Nhược Thủy muốn gặp ông để cảm tạ nhưng Tiền Nhược Thủy đóng cửa không tiếp. Cha con nhà giàu đi quanh tường bao mà khóc, sau khi về nhà họ đã mang gia sản của mình quyên góp cúng dường cơm chay cho hơn vạn hòa thượng để cầu phúc cho Tiền Nhược Thủy, chuyện này đã gây chấn động cả một vùng.

Vì vụ án oan mấy mạng người đã được làm sáng tỏ, tri châu chuẩn bị trình báo việc này lên triều đình để luận công xin ban thưởng cho Tiền Nhược Thủy. Tiền Nhược Thủy kiên quyết chối từ mà rằng: “Thuộc hạ làm việc cốt vì không để xảy ra oan sai, không cầu ban thưởng. Ngoài ra việc này đối với thuộc hạ thì có chỗ tốt, nhưng đối với lục sự tham quân thì sao đây.”

Tri châu nghe vậy càng thêm kính trọng ông.

Không bao lâu sau, Tống Thái Tông biết chuyện đã cấp tốc thăng chức cho Tiền Nhược Thủy, chưa đầy nửa năm từ chức quan nhỏ tại địa phương ông đã được đề bạt làm chức tri chế cáo, chuyên giúp vua khởi thảo chiếu lệnh, ngoài ra ông còn là gián nghị đại phu, đồng tri xu mật viện sự.

Thái Tông có ngoại thích là Lý Kế Long, vì mâu thuẫn với viên quan chuyển vận sứ Lô Chi Hàn mà bày mưu hãm hại. Lý Kế Long gửi công văn đến chuyển vận ti, nói rằng tháng 8 sẽ có xuất chinh ngoài quan ải, ra lệnh cho bọn họ đặt mua tích trữ lương thảo. Chuyển vận ti vừa mới chuẩn bị xong, Lý Kế Long lại phát công văn nói rằng: “Quan xem bói nói rằng tháng 8 xuất binh đối với quốc gia là tối bất lợi, phải đổi thành tháng 10.” Chuyển vận ti không thể làm gì khác hơn là trả lại toàn bộ lương thảo.

Không ngờ, Lý Kế Long lại gửi công văn nói dối quân tình: “Trinh sát biên ải báo lại, quân địch sắp nhập quan, ta cần phải xuất binh, lương thảo hiện tại cần đưa đến, để kịp nhu cầu.”

Xe chuyển vận vừa mới rời đi, lương thảo nhất thời khó có thể chuẩn bị đầy đủ. Lý Kế Long lập tức tố cáo lên Tống Thái Tông rằng chuyển vận ti không cung ứng quân nhu. Tống Thái Tông giận dữ, lập tức ra lệnh cho người đi chém đầu ba viên quan phụ trách chuyển vận ti trong đó có Lô Chi Hàn.

Các quan đều không nói năng gì, duy có Tiền Nhược Thủy đứng ra nói: “Thỉnh hoàng thượng trước tiên thẩm vấn để kiểm tra thực hư, nếu thật có chuyện như vậy, chấp pháp cũng không muộn.”

Tống Thái Tông nghe vậy chỉ tức giận đứng dậy phất tay áo bỏ đi.

Lúc này, tất cả các quan đều lui hết, chỉ có Tiền Nhược Thủy một mình ở lại trên đại điện không đi.

Qua hồi lâu, Tống Thái Tông sai người đi xem trong đại điện còn có ai. Người về báo lại rằng: “Chỉ còn một vị già cả gầy gò đứng đó.”

Thái Tông biết đó là Tiền Nhược Thủy, bèn đi hỏi ông: “Ngươi làm thôi quan ở Đồng Châu trong khoảng thời gian ngắn thăng làm xu mật phó sứ, trẫm sở dĩ đề bạt ngươi tới đảm nhiệm chức vị này, là nghĩ đến ngươi rất hiền năng, không nghĩ ngươi bất tài như thế! Ngươi còn không đi, ở tại chỗ này chờ gì nữa?”

Tiền Nhược Thủy trả lời: “Bệ hạ không biết thần bất tài mà đề bạt nhậm chức xu mật viện, thế thì thần ngay cả phải chết cũng đem hết khả năng phụ giúp bệ hạ, báo đáp hoằng ân.

Lý Kế Long là ngoại thích, quyền cao chức trọng không người nào có thể bì, nhưng bệ hạ chỉ căn cứ một lời tấu của ông ta, mà giết chết ba vị chuyển vận sứ, giả như ba người họ thật sự có tội, nhưng xử tử kiểu như vậy, người trong thiên hạ cũng không biết họ phạm vào tội gì. Tra rõ sự tình, nếu họ thật sự có tội thì xử tử, cũng không muộn! Lời can gián này của thần, dù đánh đổi bằng tính mạng cũng phải giữ, đây là bổn phận của thần. Thần nếu chưa chết, quyết không rời đi.”

Tống Thái Tông nghĩ Tiền Nhược Thủy nói có lý, liền triệu các quan viên đến thương nghị. Các quan cũng tấu thỉnh hoàng đế, thỉnh cầu tiếp thu Tiền Nhược Thủy kiến nghị, sai người điều tra ba người chịu tội cũng như chân tướng sự tình, Tống Thái Tông liền đồng ý.

Sau khi điều tra, ba viên quan kia không bị xử tử mà chỉ bị giáng chức làm hành quân phó sứ. Lại tra ra Lý Kế Long bịa đặt tin giả, nên giáng chức ông ta làm chiêu thảo sứ, biếm làm tri phủ Tần Châu.

Tiền Nhược Thủy tiếp tục được Tống Chân Tông trọng dụng, thường tham gia sách lược bảo vệ biên ải, làm đến chức Kinh lược sứ. Ông mất khi 44 tuổi, được ban thụy Tuyên Tĩnh, truy tặng Hộ bộ thượng thư.

dai than minh chan tuong 1
Tiền Nhược Thủy tiếp tục được Tống Chân Tông trọng dụng. (Tranh minh họa Thanh Phong – NTDVN).

Danh tiếng của Tiền Nhược Thủy đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc mà đến lân bang, trong đó có Việt Nam.

Trần Nguyên Đán từng làm chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián dưới thời vua Trần Dụ Tông. Nhưng vua càng về sau càng sa đọa, ông bèn từ quan về quê. Ông có bài thơ “Mậu Thân chính nguyệt tác” bày tỏ lòng mình:

Tam phần đầu bạch thốn tâm đan
Thế thượng phân phân vạn sự nan
Bạch tiếu bất như Tiền Nhược Thủy
Niên tài tứ thập tiện hưu quan

Dịch:

Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son,
Sự đời bối rối, muôn việc khó khăn.
Tự cười mình không bằng ông Tiền Nhược Thủy,
Tuổi mới bốn mươi đã cáo quan về hưu.

Trong bài thơ này, Trần Nguyên Đán so sánh ở độ tuổi 40 như mình mà Tiền Nhược Thủy vẫn có thái độ thà chết không lui, bảo vệ lẽ phải đến cùng, còn bản thân thì không chịu nổi áp lực, phải rời đi. Âu đó cũng là sự khiêm tốn của bậc quân tử.

Hữu Đức

Nguồn: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x