Câu chuyện thành ngữ Tam Quốc Diễn Nghĩa

ntdvn mot phan cua 22ba bua tiec cua cac anh hung dao vien luu bi quan vu truong phi minh chan tuong
Tam quốc diễn nghĩa như một bản hùng ca tráng lệ họa trọn nên nội hàm của chữ “Nghĩa”. (Ảnh miền công cộng)

Những mẩu chuyện thú vị sinh động và đầy sức cuốn hút, với những câu văn cô đọng, súc tích, giàu hình tượng, đã từ Tam Quốc Diễn Nghĩa đi vào cuộc sống, trở thành những câu thành ngữ thú vị.

Siêu quần tuyệt luân

Quan Vũ, tự Vân Trường, người Uyên Giải, Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây), là một trong Ngũ Hổ Tướng của nước Thục thời Tam Quốc (4 Hổ tướng còn lại là Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu). Người đời sau cho rằng sau khi ông chết đã thành Thần, và tôn kính gọi ông là Quan Công, Quan Đế.

Quan Vũ anh dũng thiện chiến, võ nghệ siêu quần, lập rất nhiều chiến công. Ông từng trảm những đại tướng của Viên Thiệu như Nhan Lương, Văn Sửu; qua 6 ải của Tào Tháo, trảm 6 viên tướng của Tào Tháo. Quan Vũ một lòng trung thành với Lưu Bị, và được Lưu Bị tín nhiệm. Tuy nhiên, nhược điểm chí mạng của Quan Vũ là kiêu ngạo tự đại, coi thường người khác.

Năm 214, Lưu Bị dẫn quân đánh Tứ Xuyên, phái Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu. Quan Vũ nghe nói Gia Cát Lượng ở Tứ Xuyên đã dùng kế thu phục được dũng tướng Mã Siêu, bèn viết thư cho Gia Cát Lượng rằng, hỏi tài năng của Mã Siêu có thể sánh ngang với ai. Gia Cát Lượng biết Quan Vũ có lòng không phục, bèn viết thư trả lời rằng: “Mã Siêu văn võ song toàn, dũng mãnh hơn người, là anh hùng hào kiệt một đời, có thể sánh với Kình Bố, Bành Việt thời Sơ Hán, có thể ngang với Trương Phi, nhưng không thể luận đàm ngang với ngài được, không siêu xuất chúng nhân, không ai sánh nổi như ngài”.

Quan Vũ sau khi xem thư phúc đáp của Gia Cát Lượng thì vô cùng cao hứng, liền đưa thư cho các tân khách có mặt lúc đó xem.

Tài chiếm bát đấu (tài chiếm 8 đấu)
Tào Thực nổi tiếng văn tài. Có lần Tào Phi muốn trị tội Tào Thực, nên đã chỉ bức tranh hai con trâu húc nhau bên bức tường đất, một con rơi xuống giếng chết, và bảo Tào Thực rằng: “Khanh hãy làm thơ vịnh 2 con trâu này, nhưng không được dùng những từ như: trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết. Hạn trong 7 bước chân phải làm xong, nếu không sẽ phải chịu tội”.

Tào Thực khoan thai đi chưa hết 7 bước chân đã ngâm bài thơ rằng:

Hai tấm thân đi đường
Trên đầu bốn khúc xương
Gặp nhau tựa sườn núi
Bỗng đâu nổi chiến trường

Đôi bên đua sức mạnh
Một địch lăn xuống hang
Đâu phải thua kém sức
Chẳng qua sự lỡ làng

Tào Phi cùng quần thần kinh ngạc tán thưởng, và Tào Thực được tha tội.

Tạ Linh Vận đời Nam Tống đã đánh giá Tào Thực rằng: “Văn tài trong thiên hạ tổng cộng có 1 thạch, mà Tử Kiến (Tào Thực) chiếm 8 đấu”.

Có nghĩa là, tài văn thiên hạ có 10 phần thì riêng Thào Thực đã chiếm 8 phần rồi.

chuyen tao phi muon di tao thuc loi canh tinh noi da nau thit con luu truyen hau the minh chan tuong
Phi nói: “Ta với ngươi là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm được dùng hai chữ Huynh, Đệ”. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Như ngư đắc thủy (như cá được nước)

Những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Lưu Bị muốn thực hiện chí lớn thống nhất thiên ha, nên đã đến bái kiến Gia Cát Lượng đang ẩn cư, mời ông xuống núi trợ giúp. Lưu Bị đi 2 lần liền đều không gặp được Gia Cát Lượng, đến lần thứ 3 mới gặp.

Lưu Bị nói rõ lý do tìm đến, đàm đạo về chí lớn của mình. Gia Cát Lượng suy tính và đưa ra phương châm chiến lược đoạt lấy Kinh Châu, Ích Châu, phía đông thì liên minh với Tôn Quyền, phía bắc thì chinh phạt Tào Tháo. Lưu Bị nghe xong vô cùng vui mừng, bèn bái Gia Cát Khổng Minh làm quân sư.

Khổng Minh dốc hết sức phò tá Lưu Bị, Lưu Bị cũng vô cùng tín nhiệm và trọng dụng Khổng Minh, khiến các tướng lĩnh như Quan Vũ và Trương Phi không vui. Họ thường biểu hiện dáng vẻ bất mãn trước mặt Lưu Bị. Trương Phi bẩm tính cương trực, càng khó chịu trong lòng. Lưu Bị nhẫn nại giảng giải, ông dùng hình ảnh ví mình với cá, ví Khổng Minh với nước, liên tục giải thích rằng, tài năng và đảm lược của Khổng Minh là vô cùng quan trọng để ông hoàn thành đại nghiệp giành thiên hạ. Ông nói: “Lưu Bị ta có Khổng Minh thì giống như cá có được nước, ta mong muốn mọi người chớ nói nhiều nữa”.

Sau này, dưới sự phò tá của Khổng Minh, Lưu Bị đã liên minh với Tôn Quyền phía đông và tiến hành bắc phạt, chiếm Kinh Châu, giành Ích Câu, liên tiếp giành được những thắng lợi quân sự, thế lực không ngừng mở rộng, cuối cùng hình thành thế chân vạc Ngụy – Thục – Ngô.

Lục xuất Kỳ Sơn (6 lần xuất quân đánh Kỳ Sơn)

Kỳ Sơn là vùng đất rộng, trải từ Diêm Quan phía đông đến núi Đại Bảo Tử phía tây, kiểm soát những chỗ trọng yếu của hai miền Nam Bắc, là chiến trường mà 2 nước Thục – Ngụy thời Tam Quốc tranh đoạt. Đền Bảo Vũ Hầu Kỳ Sơn cách huyện thành Huyên Lễ 25 km, có tượng Thần Gia Cát Vũ Hầu. Các danh nhân đề chữ trên các tấm biển có khí thế hùng tráng, với những câu văn khiến mọi người yêu thích, và cũng là những tác phẩm thư pháp tinh mỹ.

Thời Tam Quốc, Ngụy – Thục tranh đoạt dân số Lũng Nam. Tào Tháo lần lượt đoạt được và di dời hơn 30 vạn dân đến Quan Trung định cư, sinh sống ở quận Vũ Đô và quận Phù Phong, sau đó lại chuyển đến Tiểu Hòe huyện Hưng Bình. Gia Cát Lượng cũng chuyển hơn 1.000 hộ gia đình đến định cư ở Hán Trung. Về sau Vũ Đô Vương Phù Kiện dẫn theo dân chúng nhập vào đất Thục, tướng Thục là Trương Úy tiếp đón và cho định cư ở Bạch Thủy, Chiêu Hóa. Thế là Lũng Nam thuộc sở hữu của nước Thục, hai quận Vũ Đô, Âm Bình vẫn tồn tại, nhưng thuộc Ích Châu. Do đó thời Tam Quốc, hai nước Ngụy – Thục đều có quận Vũ Đô. Vũ Đô của Ngụy ở Tiểu Hòe, Quan Trung. Vũ Đô của Thục ở Hạ Biện.

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng vì để đoạt được Quan Trung nhằm tiến vào Trung Nguyên, nên đã nhiều lần tiến công tác chiến với quân Ngụy ở lưu vực sông Vị. Mùa xuân năm 227, Gia Cát Lượng dẫn 10 vạn quân tiến vào đồn trú ở Hán Trung, mưu đồ tấn công nước Ngụy. Mùa xuân năm sau, Gia Cát Lượng dẫn quân đánh Kỳ Sơn (khu vực đông nam Cam Túc ngày nay). Ba quận Thiên Thủy, Nam An, An Định đều phản lại Ngụy, quy thuận Thục. Ngụy Minh Đế kinh sợ, đích thân đến Trường An (Tây An ngày nay) để đốc chiến. Khi quân Thục giao chiến với quân Ngụy ở Nhai Đình, tiên phong Mã Tốc tự tiện thay đổi bố trí, bỏ thành giữ núi, bị Trương Cáp thừa thế bao vây đánh bại, khiến quân Thục mất đi vị trí trọng yếu. Trận đầu đã thất bại, mất đi vị trí điểm tựa, Gia Cát Lượng đành phải rút quân về Hán Trung và trảm Mã Tốc, chỉnh sửa quân Thục.

Tháng 12 năm đó, Gia Cát Lượng lại dẫn mấy vạn quân Thục tấn công quân Ngụy một lần nữa, vượt qua Tán Quan tiến đánh Trần Thương (Bảo Kê, Thiểm Tây ngày nay), tấn công hơn 20 ngày vẫn không hạ nổi, hết lương thực đành phải rút quân.

Để cô lập quân Ngụy ở Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng khai mở nguồn cung cấp lương thực cho quân đội. Mùa xuân năm 229, Gia Cát Lượng lần thứ 3 xuất quân đánh Kỳ Sơn, đoạt lại hai quận Vũ Đô và Âm Bình. Mùa xuân năm 231, Gia Cát Lượng dẫn quân tấn công Kỳ Sơn lần thứ 4, đại tướng Ngụy là Tư Mã Ý dẫn quân nghênh chiến. Gia Cát Lượng đánh bại quân Ngụy ở Thượng Khuê.

Sau đó, Gia Cát Lượng lại phái quân tiến vào đất Khương, vỗ yên người Khương. Gia Cát Lượng đánh bại quân Ngụy ở Thượng Khuê, gặt lúa tiểu mạch làm lương thực rồi rút khỏi Kỳ Sơn. Tướng Ngụy sốt sắng dẫn quân đuổi theo truy kích. Đợi quân Ngụy đến gần, Gia Cát Lượng xuất quân Kỳ Sơn lần thứ 5, tiêu diệt 3.000 quân địch. Tư Mã Ý đành phải chịu thảm bại chạy về Thượng Khuê. Đúng lúc Gia Cát Lượng dẫn quân thừa thắng truy kích quân Ngụy, Trung đô hộ Ký Nghiêm giả truyền Thánh chỉ rút quân, đành phải lui binh. Sau khi đặt phục binh mai phục Trương Cáp ở Mộc Môn, Gia Cát Lượng hành quân về Hán Trung.

Trải qua 3 năm nghỉ ngơi nuôi dưỡng, Gia Cát Lượng lại xuất quân Kỳ Sơn lần thứ 6 vào mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 12, dẫn 10 vạn quân đối đầu với 20 vạn quân Ngụy ở phía Nam sông Vị. Gia Cát Lượng mấy lần khiêu chiến, nhưng Tư Mã Ý lại dẫn quân vượt qua sông Vị, xây dựng lũy phòng ngự. Gia Cát Lượng biết rõ Tư Mã Ý âm mưu dĩ dật đãi lao, nên đã tiến quân đóng ở gò Ngũ Trượng. Như thế, quân Ngụy và quân Thục giằng co nhau hơn 4 tháng.

Đến tháng 8, Gia Cát Lượng bệnh chết ở trong quân, cuối cùng quân Thục phải rút khỏi Hán Trung. Gia Cát Lượng 6 lần xuất quân Kỳ Sơn, kéo dài 7 năm, tuy khổ tâm mưu tính, nhưng cuối cùng do quốc lực không đủ, khiến quân đội mệt nhọc mà công lao rất nhỏ bé.

gia cat luong minh chan tuong
Gia Cát Lượng, thân phận không chỉ là quân sư, mà còn là thừa tướng của một quốc gia, trụ cột của đất nước. (Ảnh tổng hợp)

Ngô hạ A Mông (Cu Mông đất Ngô)

Thời Tam Quốc, nước Ngô có một viên tướng tên là Lã Mông. Ông luôn theo Tôn Quyền nam chinh bắc chiến, lập được rất nhiều chiến công cho Đông Ngô.

Lã Mông quả không hổ danh là chiến tướng anh dũng, nhưng từ nhỏ chưa từng đọc sách, do đó không có văn hóa, hành sự lỗ mãng, hoàn toàn không hiểu lễ nghi văn chương. Mọi người đều gọi vui ông là “Ngô hạ a Mông” (Cu Mông đất Ngô).

Một lần, khi Tôn Quyền và Lã Mông ở cùng nhau, Tôn Quyền nói: “Lã tướng quân, hiện nay khanh đã cùng ta cai quản chính sự quốc gia, cần phải đọc nhiều sách một chút, học chút lịch sử và văn hóa, như thế mới làm tốt được”.

Lã Mông vừa nghe xong vội vàng nói: “Thần ngày ngày bận quân vụ, đâu có thời gian đọc sách? Trước đây, thần không đọc sách, chẳng phải vẫn dẫn quân đánh trận được đó sao?”

Tôn Quyền cười và nói: “Nếu nói bận, khanh không bận hơn ta chứ? Ta từ khi vượt sông đến nay, đã tranh thủ thời gian đọc Sử Ký, Hán Thư và các loại sách binh thư”.

“Khanh càng không bận hơn Tào Tháo chứ? Tào Tháo dẫn quân đánh trận, thường không quên đọc sách, càng già càng thích đọc sách. Lưu Tú, quân vương khai quốc Đông Hán, thường đọc sách không rời tay. Đây đều là những việc mà mọi người đều biết”.

“Nếu nói đọc sách và không đọc sách, thì khác biệt rất lớn. Trong sách có rất nhiều đạo lý, có thể khiến người ta thông minh. Những kinh nghiệm, bài học lịch sử trong sách rất nhiều, có thể giúp người ta gợi mở, cảnh giác. Ta trị sửa quốc gia triều chính, rất nhiều đều là nhận được giáo dục và gợi mở từ trong sách”.

Nghe Tôn Quyền nói những lời này, Lã Mông mới biết tầm quan trọng của việc đọc sách. Từ đó, ngày ngày dù quân vụ bận rộn đến đâu, ông cũng để dành chút thời gian đọc sách. Ông còn tuyển 2 vị văn sĩ đến để dạy ông đọc sách.

Khi bắt đầu đọc sách, Lã Mông không có cảm thụ gì đặc biệt. Dần dần, Lã Mông thấy được sự thú vị trong đó, tầm mắt không ngừng mở rộng, tư duy ngày càng rộng lớn, lúc đó mới phát hiện ra rằng trước đây mình quả là ngu muội vô tri biết bao. Thế là, càng đọc càng hứng thú, say này, ông trở thành viên tướng có học thức uyên bác.

Sau khi Chu Du qua đời, Tôn Quyền bổ nhiệm Lã Mông làm đại đô đốc. Lỗ Túc là một danh sĩ của Đông Ngô, học thức uyên bác, đã đọc hàng vạn cuốn sách. Ông và Lã Mông đều đã làm việc dưới trướng của Chu Du, thường hay trêu đùa Lã Mông. “Ngô hạ A Mông” chính là do Lỗ Túc gọi mà ra.

Một lần, Lỗ Túc đến nơi Lã Mông đồn trú tuần tra. Trong lúc trò chuyện, Lã Mông đã chủ động đàm đạo về học vấn với Lỗ Túc. Lỗ Túc vô cùng bất ngờ. Ban đầu, Lã Mông dùng thân phận xin thỉnh giáo để đàm đạo với Lỗ Túc. Một lúc sau, Lã Mông đưa ra mấy vấn đề, Lỗ Túc đều không trả lời được. Sau đó, Lỗ Túc đành phải ngôi yên nghe Lã Mông luận giải.

Sau khi nghe Lã Mông đàm luận cao xa rộng lớn, viện dẫn kinh điển, Lỗ Túc vô cùng kinh ngạc thán thán: “Không ngờ ngày xưa kia là A Mông, mà nay lại có học vấn uyên bác như thế này. Bản quan xin kính phục”.

Trước khi Lỗ Túc qua đời, ông đã tiến cử Lã Mông thay chức vụ của ông. Lã Mông được Tôn Quyền rất coi trọng.

Từ sau khi lập quốc, Đông Ngô luôn muốn đoạt lại Kinh Châu, nơi Quan Vũ trấn thủ, nhưng luôn không thành công. Mà một ngày Kinh Châu còn chưa đoạt lại được thì còn một ngày uy hiếp đến Đông Ngô.

Sau khi Lã Mông làm thống soái, một mặt ông áp dụng các bước quân sự, một mặt liên hợp với nước Ngụy, cuối cùng đã khiến danh tướng Quan Vũ phải thất bại chạy về Mạch Thành, Lã Mông đã đoạt lại được Kinh Châu.

Tướng quân chặt đầu

Những năm cuối thời Đông Hán, Lưu Bị lựa chọn sách lược của Gia Cát Lượng chia 3 thiên hạ, thế là phái Quan Vũ đến trấn thủ Kinh Châu, còn tất cả nhân mã còn lại hành quân về Tây Xuyên.

Gia Cát Lượng lệnh cho Trương Phi dẫn 1 vạn tinh binh từ đại lộ đánh vào Hùng Thành, Ba Châu. Trước khi khởi hành, Gia Cát Lượng căn dặn Trương Phi: “Tây Xuyên hào kiệt như mây trời, ngài nhất định không được khinh địch. Hơn nữa, trên đường đi phải ước thúc binh sĩ, không được sách nhiễu bách tính”.

Trương Phi lĩnh mệnh dẫn quân tiến về phía Hùng Thành. Trương Phi dũng mãnh thiện chiến, trên đường tiến đâu thắng đó, không gặp chút khó khăn lớn nào, tiến thẳng đến Ba Quận.

Thái thú Ba Quận là một lão tướng nhiều năm chinh chiến sa trường, tên là Nghiêm Nhan. Người này võ nghệ cao cường, dũng mãnh thiện chiến. Tuy hiện nay tuổi tác đã cao, nhưng tinh lực vẫn hơn người. Ông biết Trương Phi rất lợi hại, mà binh mã của bản thân lại rất thiếu. Thế là ông buộc phải hạ lệnh cho binh sĩ kiên thủ thành trì, không ra ứng chiến.

truong phi minh chan tuong 2
Trương Phi (Ảnh: Một phần của tác phẩm của Nhật Bản vào khoảng năm 1816)

Trương Phi tuy là mãnh tướng nổi tiếng, nhưng xưa nay ít mưu kế, nhưng cũng có lúc lại rất tinh tế. Trương Phi thấy Nhan Nghiêm tử thủ thành trì, không ra ứng chiến, thế là linh cơ máy động, nảy sinh ra mưu kế. Ông để cho một binh sĩ giả dạng hình dáng bản thân, dẫn một nhóm nhân mã ban đêm đi theo con đường nhỏ công thành, và cố ý để thông tin này bị rò lọt ra ngoài, để Nghiêm Nhan biết được. Còn bản thân Trương Phi thì ở trong trại, bố trí sẵn mai phục, đợi Nghiêm Nhan đến cướp trại.

Nghiêm Nhan quả nhiên mắc lừa. Sau khi nhận được tin tức, Nghiêm Nhan dẫn nhân mã đến trại của Trương Phi cướp trại. Kết quả bị Trương Phi bắt sống.

Trương Phi chiếm được Ba Quận, lệnh cho thuộc hạ áp giải Nghiêm Nhan lên. Trương Phi lớn tiếng quát: “Đại tướng quân đến, sao ngươi không đầu hàng, còn dám chống cự?”

Nghiêm Nhan không hề sợ hãi, nghiêm giọng nói: “Các ngươi không có đạo lý chút nào, xâm chiếm châu quận của chúng tôi, còn muốn chúng tôi đầu hàng. Không có cửa đó đâu. Ba Quận chúng tôi chỉ có tướng quân chặt đầu chứ không có tướng quân đầu hàng”.

Trương Phi nghe vậy càng nổi giận, bèn lệnh cho binh sĩ kéo Nghiêm Nhan ra chặt đầu. Trước cái chết, Nghiêm Nhan không hề biến sắc, lạnh lùng cười với Trương Phi và nói: “Chặt đầu thì cứ chặt đi, nổi giận nỗi gì”.

Trương Phi thấy Nghiêm Nhan coi cái chết nhẹ như không, quả là bậc anh hùng thực sự, trong tâm bỗng nảy sinh lòng kính phục, cơn giận dữ cũng tiêu tan. Trương Phi vội chạy đến trước mặt Nghiêm Nhan, đích thân cởi dây thừng trói trên thân Nghiêm Nhan, và đỡ Nghiêm Nhan lên ghế ngồi, còn Trương Phi quỳ xuống bái lạy, rồi nói: “Lão anh hùng quả là kẻ sĩ hào kiệt. Vừa rồi, tôi mạo phạm ngài, xin lão anh hùng thứ tội”.

Nghiêm Nhan thấy Trương Phi cũng là một hảo hán chính trực coi trọng nghĩa khí, thì cũng rất cảm động, bèn quy thuận Trương Phi.

Trung Dung
Theo lizhigushi

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x