Tuyệt thế giai nhân trong lịch sử (Phần 2)

mot phan buc tranh ve tay thi cua hoa si hach dat tu thoi nha thanh
Một phần bức tranh vẽ Tây Thi của họa sĩ Hách Đạt Tư thời nhà Thanh, hiện đang lưu giữ ở Viện Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

Chuỗi bài viết về “Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân”

Trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều mỹ nữ giai nhân xinh đẹp, các nàng không chỉ là mỹ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mà còn là những nhân vật truyền kỳ với cả phẩm hạnh lẫn tài hoa. Chúng ta hãy cùng mở lại cuộn tranh lịch sử, để khám phá những phong thái tài hoa tao nhã đã được lưu truyền thiên cổ đó.

Tiếp theo Phần 1.

Người đẹp Tây Thi nhẫn nhục mang trọng trách

Tây Thi là một trong Tứ đại mỹ nhân thời Trung Quốc cổ đại, còn được gọi là Tây Tử. Trong bài thơ “Mẫu Đơn” của Bạch Cư Di có câu “Tuyệt đại chỉ Tây Tử, chúng phương duy Mẫu Đơn”, ý rằng tuyệt thế giai nhân chỉ có Tây Tử, hoa đẹp trong thiên hạ duy chỉ có Mẫu Đơn, từ đó có thể thấy được sự nổi tiếng về dung mạo xinh đẹp của nàng. Tuy nhiên, điều thực sự khiến cho danh tiếng người đẹp Tây Thi được vinh danh hàng ngàn năm qua, chính là nghĩa cử đại trung đại nghĩa, chịu nhục cứu quốc bằng mạng sống của chính mình.

Tây Thi được sinh ra cách đây 2,500 năm tại một ngôi làng dưới chân núi Trữ La của nước Việt vào cuối thời Xuân Thu, cha mẹ nàng đều là thường dân, tương truyền tên thật của nàng là Thi Di Quang. Dưới núi Trữ La có hai ngôi làng, hầu hết người dân ở đó đều mang họ Thi. Thi Di Quang sống ở ngôi làng phía Tây, sắc đẹp trời phú của nàng xa gần đều nghe tiếng, vì vậy nàng được gọi là “Tây Thi.”

Tương truyền khi Tây Thi đang giặt vải bên sông, dòng sông phản chiếu khuôn mặt xinh đẹp của nàng, khiến cho đàn cá quên bơi mà chìm xuống đáy nước. Đây cũng chính là điển cố về “Cá lặn” trong câu “Chim sa cá lặn.”

Câu thành ngữ “Đông Thi hiệu tần” nghĩa là Đông Thi bắt chước chau mày, cũng xuất phát từ Tây Thi. Một lần nọ, Tây Thi bị đau nơi ngực, nàng dùng tay ôm lấy ngực, chau mày từ từ bước đi. Thế nhưng, dáng vẻ chau mày của nàng cũng làm say đắm lòng người. Ở thôn Đông có một cô gái cũng mang họ Thi, gọi là Đông Thi, ngoại hình nàng ta vốn không xinh đẹp nhưng cứ nghĩ rằng bắt chước điệu bộ của Tây Thi thì sẽ đẹp. Vì vậy Đông Thi cũng bắt chước Tây Thi ôm ngực chau mày, nhưng dáng vẻ ấy càng khiến nàng ta trở nên xấu hơn. Thực ra, câu chuyện thành ngữ “Đông Thi hiệu tần” muốn nói với chúng ta rằng, mọi người phải tự biết mình, không nên bắt chước người khác một cách mù quáng, một tấm lòng thiện lương cùng với sự tự tin và bản sắc riêng của chính mình mới là vẻ đẹp thực sự.

Năm 494 trước Công Nguyên, hai nước Ngô – Việt giao chiến, nước Việt bị đánh bại, Việt Vương Câu Tiễn buộc phải đầu hàng cầu hòa với Ngô Vương Phù Sai, và phải tự mình đến nước Ngô làm con tin trong ba năm. Khi đó, nước Việt bị thua trận, thần dân trên dưới một lòng quyết tâm phục quốc rửa nhục. Họ hết lòng chăm lo việc nước, chấn hưng nước Việt để chuẩn bị đánh nước Ngô.

Vào thời khắc quốc gia nguy nan, mỹ nhân quốc sắc thiên hương Tây Thi được tuyển chọn để chuẩn bị đưa đến cung điện Ngô quốc. Thôn nữ giặt vải xinh đẹp Tây Thi đã không chút do dự tiếp nhận sứ mệnh lịch sử này, nàng chăm chỉ học tập các lễ nghi cung đình, ca hát, âm nhạc và vũ đạo. Trải qua hơn ba năm tập luyện, từ một thôn nữ mộc mạc xinh đẹp, Tây Thi đã trở thành một cung nữ hội tụ đủ mọi tiêu chuẩn ca hay múa giỏi, điêu luyện trong từng động tác. Nàng khi đó không chỉ có dung mạo nghiêng nước nghiêng thành, mà còn có dáng múa uyển chuyển thướt tha rung động lòng người. Tây Thi chân đi guốc gỗ, xiêm áo bồng bềnh, nhẹ nhàng nhảy múa trên hành lang gỗ. Những tà áo phấp phới, tiếng nhạc cùng tiếng guốc và tiếng chuông được thắt bên eo làm say đắm tất cả những người có mặt. Ngô Vương Phù Sai cũng vì thế mà bị mê hoặc, chìm đắm trong ca múa vui đùa. Vì để đền đáp nước nhà, Tây Thi chịu nhục tiến vào cung điện của Ngô Vương, nàng không dám quên nhiệm vụ và sứ mệnh của mình khi đến nước Ngô, cũng không màng hưởng thụ vinh hoa phú quý chốn cung đình, tất cả là vì để kéo dài thời gian cho công việc chuẩn bị của nước Việt.

Năm 482 TCN, hai nước Ngô – Việt lại tiếp tục giao chiến, nước Việt cuối cùng đã đánh bại nước Ngô. Tây Thi đã có cống hiến to lớn trong việc trợ giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, diễn dịch một giai đoạn lịch sử mang đầy sắc thái truyền kỳ.

Tây Thi vốn chỉ là một thiếu nữ giặt vải bình thường ở vùng sông nước Giang Nam, nhưng nàng xinh đẹp thiện lương, hơn nữa còn thông minh và không màng danh lợi, trung thành nghĩa hiệp. Con người nàng mang theo một ý chí rộng lớn và tinh thần dũng cảm đảm đương trách nhiệm. Ở bước ngoặt quan trọng quyết định sự hưng vong của đất nước, nàng đã hy sinh cá nhân, lấy thân báo quốc, bất chấp nguy hiểm gánh vác sứ mệnh trọng đại cứu nước Việt. Tây Thi là đại biểu cho vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Bởi vì có dung mạo xinh đẹp như Tiên nữ, nàng đã bị đẩy lên vũ đài lịch sử trong cuộc chiến tranh Ngô Việt vào thời Xuân Thu tranh bá. Nhưng cũng vì nàng nhẫn nhục gánh vác đại sự, cùng tinh thần ái quốc và dũng cảm hiệp nghĩa, đã thành tựu nên mỹ danh thiên cổ, trở thành một hóa thân cho cái đẹp được giới văn nhân mặc khách hết lời ca tụng, nhà nhà đều biết đến trong suốt mấy ngàn năm qua.

Điêu Thuyền với tấm lòng đại nghĩa

Thời kỳ Tam Quốc, Điêu Thuyền không chỉ là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc cổ đại, mà còn là một nữ anh hùng hết lòng vì nước vì dân, hiểu rõ đại nghĩa, dũng cảm tài trí. “Bế nguyệt” (nguyệt thẹn) trong “Tu hoa bế nguyệt” (hoa nhường nguyệt thẹn) chính nói về việc Điêu Thuyền bái nguyệt, vầng trăng khi nhìn thấy vẻ đẹp của Điêu Thuyền mà tự cảm thấy hổ thẹn, chỉ biết ẩn mình vào trong đám mây.

giai nhân
Điêu Thuyền đã dùng một phương thức khác để diễn giải một câu chuyện trung nghĩa rung động lòng người. (Ảnh: Shutterstock)

Truyền thuyết kể rằng vào cuối thời Đông Hán, Điêu Thuyền được sinh ra trong một gia đình thường dân tại một ngôi làng miền núi ở Sơn Tây. Năm Điêu Thuyền khoảng 13, 14 tuổi (ngày xưa gọi là tuổi Đậu khấu) nàng không chỉ vô cùng xinh đẹp mà còn rất giỏi ca hát nhảy múa, khiến ai cũng đều yêu mến.

Khi đó, Đổng Trác là Thái sư – trọng thần của nhà Hán, ông ta hống hách tàn bạo, khống chế triều đình, dám phế bỏ Thiếu Đế Lưu Biện, lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp làm tân Hoàng đế. Ở trong cung, Đổng Trác tùy ý làm nhục và giết các hậu phi và cung nữ của Hoàng đế, trên triều đình thì tùy ý tàn sát các quan đại thần bất đồng ý kiến của mình. Ông ta sát hại trung lương, phá hoại lễ nghĩa cương thường, còn ra lệnh dời đô về Tràng An, phóng hỏa thiêu rụi thành Lạc Dương, khiến cho bách tính thương vong vô số. Bởi vì đất nước hỗn loạn, Điêu Thuyền cũng lưu lạc đến kinh thành và trở thành ca nữ của gia đình quan Tư đồ Vương Doãn. Vương triều Hán thất rơi vào cảnh rối loạn nguy nan, trong ngoài triều chính ai nấy đều thống hận Đổng Trác, nhưng bởi một lẽ ông ta nắm giữ quân đội hùng mạnh, lại có con nuôi là Lã Bố dũng mãnh hơn người luôn đi theo bên cạnh hộ vệ. Mặc dù các anh hùng hào kiệt bốn phương dấy binh thảo phạt Đổng Trác, nhưng đều bại dưới tay hắn. Hổ sói đang lộng quyền, nhưng văn võ bá quan trong triều đều không có kế khả thi.

Tư Đồ Vương Doãn mắt thấy đất nước nguy nan, dân chúng cực khổ, cho nên quyết tâm muốn diệt trừ gian thần Đổng Trác. Vào đêm khuya nọ, Vương Doãn vì lo lắng cho vận nước mà không ngủ được, một mình khắc khoải trong hoa viên, bỗng nghe thấy có tiếng thở dài dưới ánh trăng trong đình Mẫu Đơn, bèn qua đó xem sao. Thì ra là ca nữ Điêu Thuyền 16 tuổi ở trong nhà. Ông bèn hỏi nàng vì sao lại thở dài. Điêu Thuyền trả lời: “Từ khi đại nhân thu nhận tiện nữ vào phủ, đối đãi với tiện nữ ơn nặng như núi. Tiện nữ không biết phải báo đáp đại nhân như thế nào. Gần đây, tiện nữ thấy đại nhân luôn chau mày buồn phiền, nhất định là có chuyện lớn khó xử, nhưng lại không dám hỏi, cho nên mới thở dài. Nếu như tiện nữ có thể chia sẻ nỗi lo lắng của đại nhân thì quá tốt rồi.”

Vương Doãn nhìn thấy vẻ đẹp phi phàm mà thông minh kiên cường của Điêu Thuyền, đột nhiên trong lòng chợt nảy ra một chủ ý – ông nghĩ ra một liên hoàn kế để trừ ác. Thế là Vương Doãn nhận Điêu Thuyền làm nghĩa nữ, và bàn với Điêu Thuyền cách thực hiện liên hoàn kế này. Điêu Thuyền trong lòng hiểu rõ rằng: Nếu tiến vào phủ Đổng Trác, đối diện với Đổng Trác tính tình tàn bạo, chẳng khác nào dê vào miệng hổ, có thể gặp nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào. Thế nhưng, vì quốc gia và bách tính, Điêu Thuyền vẫn dũng cảm tiếp nhận nhiệm vụ từ nghĩa phụ Vương Doãn.

Vương Doãn theo kế đưa Điêu Thuyền vào làm ca nữ trong phủ Đổng Trác. Sau khi vào phủ, Điêu Thuyền ở giữa hai người Đổng Trác và Lã Bố, cẩn thận xoay vòng đối phó, cũng tùy cơ hành sự, gây ra mâu thuẫn giữa hai cha con này, khiến hai người họ căm hận lẫn nhau. Cuối cùng nàng lại nghĩ cách mượn tay Lã Bố giết Đổng Trác, kết thúc sự chuyên quyền thống trị bạo tàn nhà Hán của ông ta, trong thời khắc quan trọng của lịch sử, cứu vãn được vận mệnh của nước nhà. Có thể nói, trong tình huống lúc đó, công lao của Điêu Thuyền không thua kém gì thiên binh vạn mã, tấm lòng hiệp nghĩa cũng không hề thua kém đông đảo anh hùng hào kiệt đương triều.

Điêu Thuyền đã kiên định với tư tưởng trung nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Là một tuyệt sắc giai nhân liễu yếu đào tơ, nhưng khi quốc gia gặp nguy nan, vì để cứu vãn quốc gia và bách tính, nàng đã lấy đại nghĩa làm đầu, mạo hiểm thân mình chẳng tiếc. Nhờ lòng dũng cảm nghĩa hiệp và sự thông minh tài trí của nàng, cuối cùng đã tiêu trừ được tên quốc tặc Đổng Trác. Dám xả thân vì chính nghĩa, không ngần ngại hy sinh bản thân vì nhân dân xã tắc, nghĩa cử đại nhân đại nghĩa này của nàng khiến người đời không khỏi xúc động. Mấy ngàn năm qua, sự mỹ lệ và câu chuyện về nàng vẫn luôn được người đời ca tụng, lưu danh thiên cổ.

Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân

“Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân” là một phần trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật quốc tế do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) tổ chức nhằm hoằng dương nền văn hóa Trung Hoa chính thống. Với sứ mệnh tái hiện lại các giá trị thẩm mỹ và vẻ đẹp nội tại của phụ nữ Trung Hoa, chấn hưng những nét đẹp ‘thuần Chân, thuần Thiện, thuần Mỹ’ trong văn hóa truyền thống, cuộc thi sẽ đánh giá các ứng viên dựa trên năm “mỹ đức” được xem trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đó là Đức – Nghĩa – Lễ – Nhân – Tín. Cuộc thi sắc đẹp này dành cho các cô gái trong độ tuổi từ 18 đến 30, chưa kết hôn hoặc sinh con, và mang trong mình ít nhất một phần ba dòng máu Trung Hoa. Những thí sinh đủ điều kiện có thể ghi danh dự thi tại trang MissNTD.org. Hạn chót là ngày 01/05/2023.

Trang web chính thức của cuộc thi: MissNTD.org

Thời gian ghi danh: 01/02 – 01/05/2023

Tuần chung kết: 24/09 – 01/10/2023

Trác Di thực hiện
Tôn Vân biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x