Chuỗi bài viết về “Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân”
Trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều mỹ nữ giai nhân xinh đẹp, các nàng không chỉ là mỹ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mà còn là những nhân vật truyền kỳ với cả phẩm hạnh lẫn tài hoa. Chúng ta hãy cùng mở lại cuộn tranh lịch sử, để khám phá những phong thái tài hoa tao nhã đã được lưu truyền thiên cổ đó.
Vương Chiêu Quân “hòa mỹ”
Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại. Vào năm 51 trước Công nguyên, Vương Chiêu Quân đã được sinh ra bên bờ sông Hương Khê xinh đẹp dưới chân núi Kinh Sở. Tương truyền, Vương phu nhân nằm mơ thấy trăng sáng rơi vào lòng mình, không lâu sau thì hạ sinh Chiêu Quân, vậy nên nàng còn có nhũ danh là Hạo Nguyệt. Sơn xanh thủy tú đã dưỡng dục nàng trở nên xinh đẹp và thiện lương như Tiên nữ cung trăng. Dưới sự hun đúc của văn hóa Hán Sở, từ năm 10 tuổi nàng đã có thể ngâm thơ đánh đàn, tướng mạo và trí tuệ nổi danh khắp quê hương.
Vào năm 38 trước Công nguyên, Chiêu Quân được chọn làm cung nữ tiến cung, từ bờ sông Dương Tử – mảnh đất sinh hiền tài – nàng đến kim phủ Trường An phồn hoa. Thời đó các cung nữ sẽ đem tranh chân dung dâng cho Hoàng Đế để được tuyển chọn. Chiêu Quân như phượng hoàng bay ra khỏi linh sơn, cao quý và tự tôn, không muốn mua chuộc họa sĩ Mao Diên Thọ. Họa sĩ liền cố ý vẽ nàng không xinh đẹp, bởi vậy nàng phải làm một cung nữ bình thường, được giao làm việc vặt trong một góc hẻo lánh của Hoàng cung. Nghịch cảnh và sự khổ cực của một người cung nữ làm tạp vụ trong suốt mấy năm, đối với nàng chính là sự tôi luyện thân tâm. Có lẽ trong chốn u minh tự đã có ý Trời, duyên phận của nàng vẫn chưa tới.
Vào năm 33 trước Công Nguyên, trải qua hơn 100 năm chiến tranh giữa nhà Hán với Hung Nô ở phương Bắc, đến thời Hán Nguyên Đế, quốc lực nhà Hán ngày càng lớn mạnh, Nam Hung Nô cũng ngày một suy yếu, dân chúng càng hy vọng được sống yên ổn. Thế là Thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà đã đến Trường An gặp Hán Nguyên Đế để thỉnh cầu hòa thân kết duyên (“hòa thân” là một chính sách chính trị của các quân vương Đông Á, khi quyết định gả con gái mình hoặc nội tộc cho quân chủ nước khác đổi lấy mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước).
Là một cung nữ, Vương Chiêu Quân đã được chọn để hòa thân. Khi Vương Chiêu Quân xuất hiện ở đại điện, vẻ mỹ lệ đoan trang của nàng đã khiến Hoàng Đế, Thiền vu và các đại thần kinh ngạc sửng sốt. Thiền vu Hô Hàn Tà vô cùng vui mừng, biểu thị nguyện ý rằng biên cương sẽ yên bình mãi mãi.
Vương Chiêu Quân phụng chỉ hòa thân với Hung Nô, được phong làm “Ninh Hồ Át Thị”, ý tứ là Vương hậu có thể mang lại hòa bình cho Hung Nô. Người phụ nữ kiều mỹ này đã nhận sứ mệnh gìn giữ hòa bình của biên giới Hán-Hung, đồng thời truyền bá văn hóa của Đại Hán.
Sa mạc phương Bắc hai ngàn năm trước là nơi hoang vu lạnh lẽo, lúc bấy giờ người Hung Nô sống cuộc sống du mục, gió bắc cuộn đất, cỏ trắng khô héo, cát bay che khuất mặt trời, hoàn toàn khác xa với thành Trường An phồn hoa tấp nập. Quê hương Kinh Sở và Hán cung Trường An đều đã cách xa hàng ngàn con núi con sông, hết thảy những điều này khiến Chiêu Quân nhớ nhung quê hương và người thân da diết. Quê hương từ nay đã cách xa ngàn dặm, giọng nói quê hương chỉ có thể nghe được trong mộng mà thôi. Chiêu Quân tấu lên một khúc tỳ bà cảm động lòng người, những con đại nhạn (ngỗng trời) bay qua nghe thấy tiếng đàn du dương, nhìn thấy mỹ nữ ngồi đàn trên lưng ngựa, quên cả vỗ cánh bay mà rơi xuống đất, vì thế Chiêu Quân còn có mỹ danh là “Lạc Nhạn”.
Khi đến Hung Nô, Chiêu Quân phải đối mặt với hoàn cảnh sinh sống gian nan vất vả, phong tục sinh hoạt khác biệt rất lớn. Thế nhưng Chiêu Quân lòng ôm đại nghĩa, kiên định với sứ mệnh của mình, nàng buông bỏ tình cảm cá nhân nhung nhớ quê hương sang một bên. Với dũng khí phi phàm, nghị lực và tấm lòng nhân hậu, nàng đã hòa nhập vào cuộc sống của người Hung Nô. Từ một cung nữ nhà Hán bình thường, nàng đã trở thành vị Vương Hậu thiện lương hiền thục của người Hung Nô, phò tá hai đời Thiền Vu.
Nàng khuyên nhủ Thiền Vu ngừng chiến tranh, đồng thời còn đem các nghi lễ văn hóa của triều Hán truyền thụ cho người Hung nô. Nàng giáo hóa dân chúng gieo trồng, chăn nuôi lục súc, dệt vải, đào giếng…, khiến nơi biên cương đồn lũy bấy giờ không còn khói lửa chiến tranh, chỉ là một cảnh thanh bình “gió thổi cỏ rạp thấy bò dê”, người dân an định, kinh tế phồn vinh.
Vương Chiêu Quân hòa thân với Hung Nô, biên cảnh hòa thuận, đều là hiện thân của chữ “hòa” trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Vương Chiêu Quân xinh đẹp như tiên nữ, không cô phụ sự ủy thác của nhà Hán, nàng nhẫn nhục thực hiện trọng trách, dập tắt ngọn lửa nơi biên giới, hóa giải cuộc chiến Hán-Hung và truyền bá văn hóa Đại Hán, công đức chói lọi nghìn thu.
Chiêu Quân đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự yên bình của biên giới Hán-Hung và sự phát triển của dân tộc Hung Nô, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho biên giới Hán-Hung trong nửa thế kỷ. Vì vậy, nàng được người dân thời bấy giờ vô cùng tôn kính và yêu mến, người Hung Nô thậm chí đã xây dựng lăng mộ “Thanh Trủng” cho Chiêu Quân bên bờ sông Đại Hắc. Ở sa mạc phương Bắc, nàng được xem là nữ Thần mà Thượng thiên phái đến để trợ giúp Hung Nô, tương truyền những nơi nàng đi qua đều sẽ có đồng cỏ và nguồn nước tốt tươi.
Hoa Mộc Lan trung hiếu dũng cảm
Khoảng 1,500 năm trước, vào thời Bắc Ngụy có một nữ tử dũng cảm tên là Mộc Lan, nàng là nữ giả nam trang thay cha tòng quân, diễn dịch một đoạn lịch sử huyền thoại lưu truyền thiên cổ.
Mộc Lan là một cô bé thông minh hoạt bát, từ khi còn nhỏ đã theo cha học các môn võ thuật như thương, kiếm, cưỡi ngựa, bắn cung v.v. Nhờ chăm chỉ khổ luyện, ở tuổi 16-17, Mộc Lan đã là một cô nương khỏe mạnh thông minh, có thể cưỡi ngựa bắn cung, thông thạo thập bát ban võ nghệ (mười tám loại binh khí). Những ngày bình thường, thời gian rảnh rỗi nàng đều ở nhà phụ giúp cha mẹ làm các việc nữ công.
Vào mùa thu một năm nọ, bộ tộc Nhu Nhiên ở phương Bắc lại lần nữa xâm chiếm biên giới của Bắc Ngụy. Biên giới nguy cấp, triều đình ban chỉ dụ chiêu mộ nam giới các nhà các hộ xuất binh chống lại quân Nhu Nhiên xâm lược, và đương nhiên cha của Mộc Lan cũng có tên trong danh sách nhập ngũ. Mộc Lan thấy cha tuổi tác đã cao, thật khó để có thể xuất binh chinh chiến. Theo quy định của triều đình, có thể thay thế bằng nam đinh khác trong nhà, nhưng em trai của Mộc Lan lại còn quá nhỏ, không thể nào ra trận, trong tâm nàng vô cùng âu sầu lo lắng. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Mộc Lan quyết định nữ giả nam trang, thay cha xuất chinh nơi sa trường. Mộc Lan kiên trì thuyết phục, cha mẹ cuối cùng cũng phải đồng ý thỉnh cầu của nàng.
Mộc Lan mua về một con bạch mã và một chiếc yên ngựa mới, đồng thời mua cho mình một bộ áo giáp. Nàng tháo xuống bông tai và chuỗi hạt, cởi bỏ xiêm y, buộc mái tóc dài, khoác lên mình bộ quân trang và áo giáp, cưỡi bạch mã, tay cầm cây thương dài màu bạc lóng lánh, trông nàng chẳng khác nào một chàng lính trẻ anh tuấn tràn đầy sức sống.
Trong gió thu hiu hiu, Mộc Lan lưu luyến từ biệt cha mẹ và người thân, cưỡi chiến mã dũng mãnh xông pha ra tiền tuyến. Mộc Lan quất roi thúc ngựa theo đại quân tiến đến sông Hoàng Hà, nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, nàng lần đầu tiên xa nhà viễn chinh, trong tâm cũng rất nhớ cha mẹ và người thân. Thế nhưng, vì bình an của đất nước và gia đình, tâm nàng trở nên kiên cường và mạnh mẽ. Vượt qua Hoàng Hà, xuyên qua Hắc Sơn, đội quân Bắc Ngụy gấp rút hành quân cả ngày lẫn đêm để đến chiến trường Yến Sơn Sóc Bắc gió lạnh gào thét.
Trong những năm chiến tranh liên tiếp giữa quân Bắc Ngụy và tộc Nhu Nhiên, Mộc Lan võ nghệ cao cường, dũng cảm thiện chiến, nàng chưa từng bị đồng đội phát hiện bản thân mình là nữ nhi. Chẳng mấy chốc, sự anh dũng và thông minh của nàng đã được đồng đội ghi nhận và tướng lĩnh cấp trên đánh giá cao, dần dần nàng được thăng làm Tướng quân.
Trong 12 năm chinh chiến nơi biên cương, Mộc Lan không chỉ dũng cảm thiện chiến mà còn vận dụng binh pháp, trảm tướng đoạt quan, công thành phá địch, lập được chiến công hiển hách. Quân Bắc Ngụy cuối cùng đã thu phục được vùng đất bị đánh mất, ổn định biên cương và giành thắng lợi. Tinh kỳ tung bay, ngựa hí vang trời, Mộc Lan và đồng đội khải hoàn thắng lợi trở về. Mộc Lan dẫu nhiều lần lập công, nhưng nàng đã từ chối việc thăng quan tiến chức mà triều đình ban thưởng, chỉ một mực xin về quê phụng dưỡng cha mẹ già.
Mộc Lan trở về quê hương, bước vào khuê phòng, nàng cởi bỏ chiến bào, lại khoác lên mình bộ y phục nữ nhi năm xưa, cài trâm đeo chuỗi hạt, xõa mái tóc dài, trang điểm nhẹ nhàng, bước ra gặp lại những người đồng đội đã cùng nhau chinh chiến mười năm. Mộc Lan trong trang phục nữ nhi đã khiến tất cả đồng đội của nàng ngây người kinh ngạc. Họ không thể ngờ rằng, người huynh đệ dũng cảm thiện chiến đã từng cùng sinh ra tử nơi chiến trường mười năm qua, hóa ra lại là một nữ nhân vô cùng xinh đẹp.
Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân
“Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân” là một phần trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật quốc tế do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) tổ chức nhằm hoằng dương nền văn hóa Trung Hoa chính thống. Với sứ mệnh tái hiện lại các giá trị thẩm mỹ và vẻ đẹp nội tại của phụ nữ Trung Hoa, chấn hưng những nét đẹp ‘thuần Chân, thuần Thiện, thuần Mỹ’ trong văn hóa truyền thống, cuộc thi sẽ đánh giá các ứng viên dựa trên năm “mỹ đức” được xem trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đó là Đức – Nghĩa – Lễ – Nhân – Tín. Cuộc thi sắc đẹp này dành cho các cô gái trong độ tuổi từ 18 đến 30, chưa kết hôn hoặc sinh con, và mang trong mình ít nhất một phần ba dòng máu Trung Hoa. Những thí sinh đủ điều kiện có thể ghi danh dự thi tại trang MissNTD.org. Hạn chót là ngày 01/05/2023.
Trang web chính thức của cuộc thi: MissNTD.org
Thời gian ghi danh: 01/02 – 01/05/2023
Tuần chung kết: 24/09 – 01/10/2023
Trác Di thực hiện
Tôn Vân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Hành trình tìm kiếm sự thật
- Con người gặp nhau trên thế gian, phần lớn là sau khi cách biệt trùng trùng
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!