Cội nguồn của cái đẹp

Cội nguồn của cái đẹp
Văn hóa truyền thống nói với chúng ta rằng, cái đẹp của con người đến từ cái đẹp nội tâm. Tâm là cội nguồn của cái đẹp. Những sự tích về mỹ nhân và liệt nữ trong lịch sử nói với chúng ta rằng, lòng dũng cảm và sức mạnh nội tâm là cội nguồn sâu xa hơn của cái đẹp. (Ảnh: Fotolia)

“Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu” của Kỷ nguyên mới

Văn minh Trung Hoa đã trải qua lịch sử đằng đẵng 5,000 năm, bao nhiêu sinh mệnh đặc sắc đã xuất hiện theo dòng thời gian, bao nhiêu sắc đẹp mê hồn vụt tỏa sáng trong đêm dài lịch sử.

Từ cổ đại đến hiện đại, tiêu chuẩn thẩm mỹ của con người không ngừng thay đổi. Tiêu chuẩn thẩm mỹ của con người ẩn giấu trong thẩm mỹ quan của con người đối với con người, con người đối với cuộc sống, cũng ẩn giấu trong giá trị quan của mỗi người. Theo đà biến đổi của văn minh nhân loại, từ cổ chí kim, thẩm mỹ quan của nhân loại cũng trải qua sự biến đổi ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Vẻ đẹp toàn diện

Trong văn hóa Thần truyền Trung Hoa, vẻ đẹp nữ tính thường không chỉ chú trọng đến vẻ đẹp dung mạo, mà còn chú trọng hơn về vẻ đẹp tổng thể của hình thể và khí chất. Người Trung Quốc xưa khi xem xét nhận định một người, thì đặc biệt chú trọng về “khí chất.” Cái khí chất khó diễn tả bằng lời này có chút giống với “khí vận sinh động” khi bàn luận về tranh vẽ của Trung Quốc. Và khái niệm “tổng thể” trong truyền thống Trung Hoa cũng bao gồm sự thưởng thức toàn diện về “cái đẹp.” “Đẹp” là chỉnh thể, vào thời cổ đại, con người từ trong ra ngoài, từ thân hình đến tư thế, dáng đi, lời nói cử chỉ, thậm chí “miệng tỏa hương thơm,” “nụ cười duyên dáng, đôi mắt long lanh”, đều là một phần của cái đẹp.

Khát vọng của con người đối với cái đẹp là trời sinh, đôi khi sẽ đạt tới cao độ về hình thể. Trong văn học truyền thống Trung Hoa, miêu tả về người đẹp thường có một loại cảm giác khoảng cách mông lung, hoặc lấy hoa cỏ ví von với người đẹp, hoặc có chỗ gửi gắm, như người đẹp ngắm hoa, người đẹp dưới ánh trăng. Cảm giác khoảng cách này cùng với sự ví von với hoa cỏ, trăng hoa… làm cho cái đẹp có bối cảnh rộng lớn hơn, nội hàm phong phú hơn.

Ví như bài “Giai Nhân” của Đỗ Phủ: “Tuyệt đại hữu giai nhân, u cư tại không cốc.” (Tạm dịch: Có tuyệt thế giai nhân, sống trong hang động vắng).

Lại như trong “Kiêm gia – Kinh Thi”: “Kiêm gia thương thương, bạch lộ vi sương. Sở vị y nhân, tại thủy nhất phương. Tố hồi tòng chi, đạo trở thả trường. Tố du tòng chi, uyển tại thủy trung ương.” (Tạm dịch: Cỏ lau xanh tốt, Bạch lộ mờ sương. Người mình nói đến, ở phía sông nào. Nhớ muốn theo người, đường dài ngăn trở. Bơi ngược tìm người, giữa sông cách trở.)

Trong “Lạc Thần phú” của Tào Thực miêu tả nữ thần Lạc Thủy càng là sự độc đáo của văn học cổ điển Trung Quốc: “Kỳ hình dã, phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long. Vinh diệu thu cúc, hoa mậu xuân tùng. Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt, phiêu diêu hề nhược lưu phong chi hồi tuyết.” (Tạm dịch: Hình dáng của nàng, nhẹ như chim hồng, uyển chuyển như rồng. Cúc thu rực rỡ, tùng xuân tốt tươi. Phảng phất như làn mây nhẹ che trăng, nhẹ nhàng như tuyết bay trong gió).

Bức “Lạc Thần” do danh họa nổi tiếng Cố Khải Chi thời Đông Tấn vẽ tương ứng với bài phú của Tào Thực. Trong tranh, Lạc Thần trong bộ áo bào tao nhã có một vẻ phiêu dật cách biệt với thế gian trần tục, vẻ đẹp khó tả này của các vị Thần cổ đại chỉ có thể được thấy trong các cổ quốc của văn minh phương Đông. Dáng điệu uyển chuyển tinh tế của Lạc Thần, hết sức yêu kiều, ống tay áo tung bay trong gió, dường như sắp bay theo gió, càng làm cho người ta thêm tình lưu luyến. Loại vẻ đẹp tổng thể này đã vượt xa cái đẹp về hình thể, làm cho mỹ nhân có một vẻ đẹp càng thêm sâu xa và khó nắm bắt hơn. Cảm xúc thẩm mĩ này là đến từ nội hàm đặc biệt của bản thân sinh mệnh con người.

Trong việc thưởng thức cái đẹp của Trung Quốc cổ đại, cũng bao hàm sự tán thưởng đối với hình thể con người. Tuy nhiên, sự tán thưởng này lại có sự biến đổi thần kỳ, đem cơ thể vật chất chuyển hóa thành một bản thể kỳ diệu hợp nhất với thiên nhiên. Trong “Thi Kinh – Vệ Phong – Thạc Nhân” miêu tả Trang Khương là một điển hình: “Thủ như nhu đề, phu như ngưng chi, lĩnh như tù tề, xỉ như hồ tê, tần thủ nga mi, xảo tiếu thiến hề, mỹ mục phán hề.” (Tạm dịch: Bàn tay như cỏ mềm, da trắng như mỡ đặc, cổ cao mà trắng như mọt gỗ, răng như ngà voi, vầng trán mày ngài, nụ cười duyên dáng, đôi mắt long lanh).

Lại như trong “Bồ Tát Man – Nhân nhân tẫn thuyết Giang Nam hảo” của Vi Trang: “Lư biên nhân tự nguyệt, hạo oản ngưng sương tuyết”, nghĩa là “Người bên cái lư tựa như trăng, cổ tay trắng như sương tuyết ngưng đọng.” Dùng nhân cách hóa thiên nhiên, càng tôn lên vẻ diễm lệ của mỹ nhân, giống như trời ban cho vậy. Mà lấy trăng, sương tuyết để miêu tả mỹ nhân, càng thể hiện sự trong trắng lay động lòng người. Cách miêu tả hình dáng người phụ nữ cũng giống như vạn vật trong tự nhiên đã mang lại cho phụ nữ một sức hấp dẫn kỳ diệu bắt nguồn từ thiên nhiên, không rơi vào khuôn mẫu cứng nhắc.

Nhạc vũ hun đúc vẻ đẹp

Vào thời cổ đại, nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo và ca hát là một phần trong cuộc sống của người xưa. “Quân tử dĩ chung cổ đạo chí, dĩ cầm sắt nhạc tâm” (“Nhạc luận” của Tuân Tử). Ý rằng, bậc quân tử dùng chuông và trống để dẫn đường chí hướng, dùng đàn cầm sắt khiến mọi người vui vẻ. Trong cuộc sống của văn nhân, Cầm, Kỳ, Thư, Họa là để tu tâm dưỡng tính. Lấy nghệ thuật âm nhạc tuyệt diệu để tu sửa tâm tính, vô hình trung đã thay đổi khí chất của con người và tạo hình lại diện mạo của người ấy.

Khổng Tử chế định “Lục nghệ”, bao gồm: Lễ (lễ tiết), Nhạc (âm nhạc), Xạ (bắn cung), Ngự (đánh xe), Thư (thư pháp) và Số (toán số), trong đó “Nhạc” là một phần trọng yếu. Hầu hết các văn nhân cổ đại đều giỏi Cổ cầm, cho nên nói rằng “cầm, thư bất ly thân.” Các sĩ tử đến kinh đô để dự thi đều cưỡi lừa hoặc đi bộ, họ mặc áo dài và đeo chéo một cây cầm trên lưng, đây là một hình ảnh thường thấy vào thời xưa.

Trong một nền tảng văn hóa như vậy, những mỹ nhân cổ đại của Trung Quốc thường có tài năng thiên phú về âm nhạc, vũ đạo hoặc văn học. Khi Chiêu Quân cống Hồ, nàng đã chơi đàn tỳ bà trên lưng ngựa; Tây Thi làm say mê lòng người với điệu múa “Guốc chuông ở hành lang”, với hàng trăm quả chuông nhỏ kêu leng keng khi nàng nhảy múa; Dương Ngọc Hoàn thời Đường uyển chuyển nhảy múa điệu “Nghê thường vũ y” trong cung điện Hưng Khánh… Những mỹ nhân thời cổ đại không chỉ có dung mạo tuyệt đẹp, mà tài nghệ cũng siêu quần. Có thể nói, tài năng nghệ thuật của họ đã làm cho vẻ đẹp của họ càng tỏa sáng lung linh.

vuong chieu quan
Vương Chiêu Quân. (Ảnh: Epoch Times)

Thời cổ đại, những người phụ nữ giỏi làm thơ viết văn cũng thường được ghi nhận là nổi tiếng xinh đẹp. Ví dụ như Ban Chiêu, tác giả của cuốn “Nữ giới” được gọi là “Tào đại gia” (bà lấy chồng họ Tào), Lý Thanh Chiếu – nữ tác gia chuyên sáng tác Từ nổi tiếng thời nhà Tống, Trác Văn Quân thời Tây Hán… Họ đều là những phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Bên cạnh đó, phi tần của Hán Thành Đế là Ban Tiệp Dư cũng được ca ngợi là người phụ nữ tài đức, trong cuốn “Tùy thư – Kinh tịch chí” ghi chép về các tác phẩm của Ban Tiệp Dư, đáng tiếc đã bị thất truyền. Vào cuối thời Đông Hán, Thái Diễm (còn được gọi là Văn Cơ) là người học rộng đa tài, giỏi về văn học, âm nhạc và thư pháp. Theo ghi chép của “Cổ kim truyền thụ bút pháp,” thư pháp của cha nàng là Thái Ung đã được một vị Thần Tiên truyền thụ, sau đó truyền lại cho Văn Cơ. Khi Thái Diễm quay về đất Hán, tình cảm mẫu tử không nỡ chia ly, và kiệt tác “Hồ già thập bát phách” đã nói lên tình cảm cách biệt thê lương khiến người ta cảm động đến tận đáy lòng.

Dù là tiếng đàn tỳ bà thánh thót như tiếng ngọc trai rơi trên mâm ngọc, hay những bài thơ ca dạt dào cảm xúc, thì những điệu nhạc, lời thơ ấy đều như suối nguồn trong vắt, thấm đẫm và tuôn trào những tình cảm chất chứa từ nội tâm của các nàng, càng điểm tô thêm những dư vị vô cùng đẹp của mỹ nhân.

Đến nay, những tuyệt thế giai nhân xưa thì chúng ta không thể gặp lại. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã mang vẻ đẹp cổ điển vốn đã bị biến mất từ ​​​​lâu, một lần nữa trở lại sân khấu thế giới. Trong các tiết mục của Shen Yun, mọi người ngạc nhiên và vui mừng khi được chứng kiến âm nhạc và vũ đạo thuần chính cổ xưa. Theo cách nói của một vị khán giả, đó là một loại “vẻ đẹp truyền thống mà người hiện đại chưa từng được trải nghiệm.”

Trong những màn vũ đạo cổ điển siêu phàm nhập thánh này, hình ảnh triển hiện ra là những nữ tử thời cổ đại với xiêm y tay dài bay bổng, khác biệt với cảm thụ về cái đẹp của nhân gian, khiến cho người hiện đại như được mở mang và khai sáng. Trong âm nhạc và vũ đạo thuần thiện thuần mỹ của Shen Yun, chúng ta như được siêu việt thời gian, nhìn thấy vẻ đẹp tổng thể của hình thể, trí huệ và tâm hồn của những người phụ nữ thời cổ đại. Âm nhạc và vũ đạo của Shen Yun đã khiến chúng ta chắc chắn rằng: Vẻ đẹp cổ điển Trung Quốc khiến tâm trí người ta bay bổng, không chỉ được thấy trong văn học và hội họa, mà nó thực sự tồn tại.

Vẻ đẹp và sức mạnh

Tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về vẻ đẹp của phụ nữ từ nhiều góc độ khác nhau.

Trong văn học nghệ thuật của văn hóa Thần truyền Trung Quốc, vẻ đẹp nữ tính thường có một loại cảm giác xa cách thần bí. Tuy nhiên, trong đời sống văn hóa truyền thống, vẻ đẹp nữ tính thường kết hợp với phẩm đức và tài năng của người phụ nữ làm một. Ngoài dung mạo, thì đức hạnh, và tài hoa đều là cán cân để đo lường phái nữ, khí chất của người phụ nữ có sự hun đúc của tài, đức và tâm tính, mới có thể thăng hoa lên một mức. Ở đây, đức tính (chứ không phải vẻ ngoài) mới mang lại cho phụ nữ một vẻ đẹp bền vững.

Tại cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trong lịch sử, ba thí sinh dự thi là Nữ Thần hôn nhân Hera, Nữ Thần trí tuệ Athena, và Nữ Thần tình yêu Aphrodite; trọng tài là Hoàng tử Paris của thành Troy. Cuộc thi sắc đẹp được đánh giá qua ngoại hình và những món quà hối lộ này đã dẫn đến một thảm họa, đó là cuộc chiến thành Troy nổi tiếng. Cuộc thi sắc đẹp này lấy nhân vật thần thoại làm nhân vật, chính là một câu chuyện ngụ ngôn, nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của việc quá coi trọng vẻ đẹp hình thể và ngoại hình của phụ nữ.

Chỉ có siêu vượt qua vẻ đẹp bên ngoài, chạm đến chỗ sâu xa của cái đẹp – cho dù đó là mỹ đức, tài hoa, hoặc là sự thiện lương thuần túy, mới có thể có cái hiểu hoàn chỉnh về cái đẹp tổng thể, mới có thể chân chính thưởng thức cái đẹp. Vẻ đẹp sở dĩ được cho là đẹp, cũng không phải là thứ tồn tại độc lập. Rất nhiều tầng cơ lý hỗ trợ cho vẻ đẹp được đan xen với nhau, mới thành tựu và thâm nhập vào vẻ đẹp tâm hồn.

Trong triết học, cũng có một cách giải thích về cái đẹp vượt ra ngoài thế tục và không rơi vào thuyết giải suông.

Con người ngày nay có những suy diễn vô tận về các mỹ nhân thời cổ đại. Truyền kỳ về ‘Tứ đại mỹ nhân’ mà người đời ngưỡng mộ đã được lưu truyền từ xa xưa, người ta thường lấy “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (Chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn) để hình dung vẻ đẹp của các nàng. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào điển cố về tám chữ này, chúng ta sẽ phát hiện, đối với vẻ đẹp của người phụ nữ, lý giải của triết học Trung Quốc đã vượt xuất về ngoại hình, đánh đổ quan niệm của mọi người về xấu và đẹp.

“Mao Tường và Lệ Cơ được người đời khen là đẹp; cá thấy họ thì lặn sâu, chim thấy họ thì bay cao, con nai thấy thì chạy dài. Mấy con vật đó nào biết được cái đẹp của con người? (“Trang Tử – Tề vật luận”)

“Chim sa cá lặn” ở đây hoàn toàn trái ngược với nhận thức của chúng ta ngày nay. Trước mặt “mỹ nhân,” chim cá bay cao, nai rừng bỏ chạy, nhưng đây không phải là phản ứng trước “sắc đẹp” của mỹ nhân như mọi người vẫn nghĩ. Bởi vì đối với động vật, con người chính là con người, chúng không có sự phân biệt giữa đẹp và xấu. Trước mặt người phụ nữ xinh đẹp hay không, chúng cũng đều sẽ vội vàng chạy trốn. Ở đây, “Tề vật luận” của Trang Tử đã phá vỡ quan niệm về cái đẹp hiện có, mang đến cho cái đẹp một loại hình tượng siêu nhiên, đến từ tầm nhìn vô cùng rộng lớn của thiên nhiên.

Ngay cả trong một số điển tịch truyền thống, việc miêu tả đức hạnh của phụ nữ đôi khi vượt ra ngoài khuôn mẫu cố hữu như luân lý làm người, làm vợ và làm mẹ, v.v, mà đi vào những mỹ đức có tính phổ biến, trừu tượng, rộng rãi vốn có trong cuộc sống. Những câu chuyện này không chỉ giới hạn ở những phẩm đức quen thuộc của người phụ nữ, mà còn cho chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt bay bổng của người phụ nữ thời xưa.

Trang Tử đã vượt qua sự phán xét về xấu-đẹp từ quan điểm triết học, còn những câu chuyện về một số kỳ nữ (người phụ nữ kỳ lạ) cổ đại trong “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng thời Đông Hán, chẳng hạn như “Lỗ Tất Thất Nữ”, “Sở Xử Trang Điệt”, “Tề Chung Ly Xuân”…, thì từ góc độ đức hạnh, trí tuệ, dũng khí, chí hướng đã siêu vượt qua những phán xét thế tục định ra về phụ nữ, mang đến cho sinh mệnh phụ nữ một bầu trời rộng mở và không gian tưởng tượng rộng lớn hơn.

Trong “Lỗ Tất Thất Nữ”, một nữ tử chưa xuất giá ở ấp Lỗ Tất Thất dựa vào cột mà kêu gào, mọi người nghe thấy cho rằng nàng ấy đang đau buồn. Một người phụ nữ hàng xóm hỏi: “Sao cô buồn thế? Cô muốn xuất giá à? Để tôi làm mối cho.” Nàng ấy than thở đáp: “Đáng tiếc làm sao! Tôi tưởng bà là người có hiểu biết, hôm nay mới thấy là không. Tôi lẽ nào lại vì chưa được gả chồng mà buồn khổ chứ. Tôi là lo lắng Lỗ Quốc Quân già rồi mà Thái tử còn nhỏ.” Người hàng xóm cười nói: “Đây là chuyện mà đại phu nước Lỗ phải lo lắng, liên quan gì đến phận nữ nhân!” Nàng ấy đáp: “Nếu như nước Lỗ gặp nạn, quân thần phụ tử đều chịu nhục, họa đến bách tính, thì nữ nhân có thể trốn vào đâu? Bà lại nói không liên quan gì đến nữ nhân, làm sao có thể chứ?”

Tâm hồn tự do không bị giới hạn của những người phụ nữ cổ đại này, chí hướng và hành động táo bạo quả cảm của họ, là cội nguồn cho vẻ đẹp của các nàng. Chỉ khi chúng ta đưa điều này vào để đánh giá về vẻ đẹp của phụ nữ, mới không phụ lòng hàng ngàn vạn những tuyệt sắc giai nhân thời Trung Quốc cổ đại.

Thế nào là đẹp, thẩm mỹ học cổ điển có lý luận triết học sâu xa đối với cái đẹp, mà đối với vẻ đẹp của con người, trong văn hóa phương Đông và phương Tây cũng có rất nhiều cách nói. Văn hóa truyền thống Nhật Bản cho rằng, cái đẹp của một người đến từ phúc đức mà người đó tích lũy từ kiếp trước. Trong văn hóa Thần truyền Trung Quốc, Mỹ và Thiện là hợp nhất, vẻ đẹp dung mạo bên ngoài của một người bắt nguồn từ nội tâm của người đó. Có câu nói rằng “Tướng do tâm sinh”: Nội tâm của một người quyết định cảnh ngộ của người đó, cũng quyết định dung mạo của một người. Thời gian sẽ điêu khắc lên nét mặt của con người, đồng thời, con người cũng lấy sự tu dưỡng và tâm chí của mình mà điêu khắc ra nét mặt của chính mình.

Ở đây, chúng ta đề cập đến chủ thể là người phụ nữ. Cũng chính là nói, vẻ đẹp nữ tính đến từ việc nàng ấy hành động và nỗ lực như thế nào trong cuộc sống. Nó đến từ tâm trí của nàng.

Trong nền văn minh hiện đại, vai trò mà người phụ nữ đảm nhận, vị trí mà họ tự xác định đã trải qua những thay đổi chấn động. Đối với vẻ đẹp phụ nữ, con người hiện đại cũng có những quan điểm và góc nhìn hoàn toàn khác. Trong xã hội hiện đại, tính độc lập tự chủ trong cuộc sống của người phụ nữ càng được đề cao. Thời xưa, người phụ nữ chú trọng Công, Dung, Ngôn, Hạnh, còn hiện nay vẻ đẹp phụ nữ được con người hiện đại chú trọng là vẻ đẹp cá tính.

Những câu chuyện trong “Liệt nữ truyện” nêu trên đã nói rõ về “vẻ đẹp cá tính” của người phụ nữ xưa. Trong thời hiện đại, vẻ đẹp cá tính của phụ nữ càng nổi bật hơn, và thể hiện cũng đa dạng phong phú hơn. Ở đây, người hiện đại đề cao thể hiện bản thân, hoặc thiếu tiết chế, bởi vậy cái gọi là “cá tính” này, không phải là điều mà chúng ta theo đuổi. Đằng sau một vẻ đẹp cá tính thực sự là có sự hậu thuẫn của sự kiên cường và trung thực, nó không phải là điều dễ dàng có được.

Ở đây nêu ra một tấm gương điển hình. Trên vũ đài của cuộc thi Hoa hậu Canada năm 2013, Lâm Gia Phàm (Anastasia Lin) đến từ Trung Quốc đã thể hiện một sức mạnh không thể coi thường của vẻ đẹp đan xen giữa sắc đẹp và chính khí, khiến mọi người phải cảm phục trước vẻ đẹp của cô. Trên vũ đài năm đó, cô đã lưu lại vẻ đẹp của chính nghĩa và sự cương nghị cùng tài hùng biện thuyết phục lòng người. Ngoài ra, Anastasia Lin đã từ chối tham gia phần thi trang phục áo tắm, vì thế cô chỉ đạt được vị trí Á hậu 2. Lý do cô từ chối phần thi này không phải vì bản thân, mà là vì cô không muốn những người phụ nữ từng bị xâm hại không bị tổn thương thêm lần nữa vì bộ đồ áo tắm của cô.

Hành động dũng cảm của Anastasia Lin đã mở ra tiền lệ cho việc bãi bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp, thể hiện được sức mạnh từ hành động dũng cảm của người phụ nữ. Chúng ta đã nhìn thấy vẻ đẹp rực rỡ và tự tin của Anastasia Lin sau khi bỏ xuống chiếc vương miện trên sân khấu, nhưng đằng sau đó là trái tim thiện lương dám hy sinh bản thân để bảo vệ người khác. Đó là sự can đảm dám nghĩ dám làm không lùi bước trước khó khăn. Vẻ đẹp của cô ấy có nguồn gốc sâu xa, có một sức mạnh vững vàng, và như suối nguồn không bao giờ cạn.

cp 0356
Anastasia Lin được vinh danh là Hoa hậu Thế giới Canada tại buổi lễ ở Vancouver vào ngày 16 tháng 5 năm 2015. (Ảnh: Andrew Chin)

Lời kết

Hiện nay, Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) đang tổ chức một cuộc thi sắc đẹp trong khi thế giới hiện đại đang thay đổi chóng mặt, và các thí sinh đang đối mặt với những thay đổi lịch sử phi thường. Trong thời khắc lịch sử đặc biệt này, phụ nữ hiểu về thế giới như thế nào, định vị bản thân ra sao, và nên hành động như thế nào, đều là để đo lường sự cân bằng trong tâm của họ. Văn hóa truyền thống nói với chúng ta rằng, vẻ đẹp của con người là đến từ vẻ đẹp nội tâm. Tâm là cội nguồn của cái đẹp. Những câu chuyện về mỹ nhân và liệt nữ trong lịch sử nói với chúng ta rằng, lòng dũng cảm và sức mạnh nội tâm càng là cội nguồn sâu xa của cái đẹp.

Cuộc thi sắc đẹp độc đáo này sắp bắt đầu. Sau cuộc thi, người đẹp nào sẽ có được chiếc vương miện hoa hậu trên vũ đài sân khấu để hoàn thành sứ mệnh của mình? Chúng ta sẽ được chứng kiến kiểu phụ nữ trẻ hiện đại nào, đẹp cả trong lẫn ngoài, sẽ bước ra và thể hiện vẻ đẹp của mình trước công chúng? Thể hiện vẻ đẹp đến từ suối nguồn thanh mát của nàng?

Người phụ nữ đẹp nhất trong những người đẹp, chúng tôi mong chờ bạn bước ra, để thực hiện sứ mệnh mà Thượng Thiên đã ban tặng cho bạn.

Mời quý vị ghé thăm trang web “Cuộc thi Sắc đẹp Trung Hoa Toàn cầu của Tân Đường Nhân”: MissNTD.org

Hạ Đảo thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x