Câu chuyện luân hồi chuyển sinh của các danh nhân

luân hồi chuyển sinh ccura các danh nhân

Lịch sử nhân loại có ghi lại không ít những câu chuyện về luân hồi chuyển sinh. Đối với con người thời xưa kia, những câu chuyện như vậy lại rất đỗi bình thường, không phải chuyện hiếm, nhưng với con người ngày nay thì có vẻ rất mới lạ.

Sách “Đông Chu liệt quốc chí” có ghi chép, vào một ngày thời cuối nhà Đường, gió nhẹ hiu hiu, trời cao trong xanh không một gợn mây, bỗng nhiên sét đánh giữa trời quang làm chết một con trâu đang cày trên đồng ruộng. 

Dáng vẻ khi chết của nó cũng thật khó coi, bốn chân chổng thẳng lên trời, khi người ta tiến gần đến quan sát thì thấy trên bụng nó hiện rõ hai chữ “Bạch Khởi”.

Bạch Khởi (?–257 TCN) là một tướng lĩnh nước Tần thời Chiến Quốc. Ai cũng nói rằng vì “Bạch Khởi” giết quá nhiều người nên đã bị đầu thai vào đạo súc sinh, đời đời kiếp kiếp luân hồi làm súc sinh, phải chịu báo ứng, hơn nữa còn bị Thiên Lôi đánh chết.

luân hồi chuyển sinh của các danh nhân
Chân dung Bạch Khởi vẽ từ thời Minh. (Public Domain)

Giang Nam lại có Tiên giáng trần

Quách Tường Chính (1035–1113), tự Công Phủ, người huyện Đương Đồ (nay thuộc tỉnh An Huy), ông là một ngôi sao mới trong thi đàn thời Bắc Tống. Sách “Tống Sử” ghi chép, khi sinh Quách Tường Chính, mẹ của ông đã mơ thấy Lý Bạch. 

Khi mới 19 tuổi, Quách Tường Chính đã thi đỗ tiến sĩ. Ngay từ khi còn niên thiếu, Quách Tường Chính đã biểu lộ ra tính cách hào sảng, tự nhiên, không chịu bị trói buộc. Khi làm thơ văn, xuất khẩu là thành, lời văn ý thơ phong phú, ý cảnh kỳ diệu, như hiện lên trên từng trang giấy, mang dáng dấp của Thi Tiên Lý Bạch.

Lý Bạch (701–762), tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ. Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh của ông, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên hay Trích Tiên Nhân (tiên nhân giáng trần).

luân hồi chuyển sinh của các danh nhân
Nhà thơ Lý Bạch. (Ảnh do SOH tổng hợp)

Tổ sư sáng lập ra thi đàn Bắc Tống là Mai Nghiêu Thần (1002–1060) đã cảm thán về Quách Tường Chính như sau: “Hậu sinh khả úy, thiên tài là đây, đúng là Thanh Liên tái sinh, Thái Bạch tại thế”. Ông cũng quả quyết Quách Tường Chính là Lý Bạch chuyển sinh vào làm thi nhân ở đời Tống, ông viết:

Thải thạch nguyệt hạ văn trích tiên
Dạ phi cẩm bào tọa điếu thuyền
Thanh Sơn hữu trủng nhân mạn truyền
Khước lai nhân gian tri kỷ niên

Tạm dịch:

Nhặt đá dưới trăng hỏi Trích Tiên
Đêm khoác cẩm bào ngồi dưới thuyền
Thanh Sơn nấm mộ người truyền tụng
Lại đến nhân gian biết mấy năm

Khi đó, nhà thơ Trịnh Giải, vốn là một trạng nguyên, đã cùng một số bạn thơ viết thơ tán thưởng Quách Tường Chính: “Giang Nam hựu hữu trích tiên nhân, Nhân nghi Thái Bạch thị trùng sinh” (Giang Nam lại có Tiên giáng trần, nghi là Thái Bạch về chuyển sinh).

Đến cuối đời, Quách Tường Chính bắt đầu ẩn cư ở phía đông chân núi Thanh Sơn. Cả đời ông đã viết hơn 1.400 bài thơ, soạn ra 30 quyển “Thanh Sơn Tập”, trong đó có 41 bài thơ là viết về Lý Bạch. Ông sùng kính Lý Bạch, phong cách thơ hào phóng, bay bổng lại tự nhiên, rất giống với thơ Lý Bạch.

Cuối thời Nam Tống, nhà lý luận văn nghệ Hoàng Thăng đánh giá rất cao các tác phẩm của Quách Tường Chính. Ông nói: “Thơ của Công Phủ tuyệt vời như thế, đúng là đắc được thân Thái Bạch”.

Nhạc Phi chuyển sinh

Trong những năm Vạn Lịch (1572–1620) thời nhà Minh, ở Thừa Thiên phủ vốn có một ngôi miếu Nhạc Phi, bên trong cung phụng tượng Phạc Nhi. Do thời gian lâu dài không được tu sửa nên ngôi miếu đã bị hư hại. 

Viên quan địa phương là Đỗ Chính Mậu kiến nghị sửa lại miếu Nhạc Phi, nhưng lại không tìm được nơi cung cấp đá để xây tường bao quanh. Khi ông đang đau đầu về việc này thì vừa hay có người báo lên. Một công nhân đang đào đất và phát hiện ra dưới lòng đất có rất nhiều đá với kích thước to nhỏ khác nhau xếp chỉnh tề ngay ngắn. Mọi người vô cùng vui mừng, số đá đào ra được vừa đủ để xây tường bao. 

Cuối cùng còn đào được một tấm bia đá, sau khi lấy nước rửa sạch thì phát hiện bề mặt tấm bia bằng phẳng nhẵn nhụi như mặt gương, phát ra ánh sáng, dường như bên trong còn phảng phất bóng người. Khi mọi người đổ dồn vào nhìn thì thấy đó là một vị tướng quân có thân hình cao lớn rắn rỏi. Họ đồng thanh hô lên: Nhạc Vương hiển Thánh rồi!

Nhạc Phi (1103–1142) là Đại nguyên soái thời Nam Tống, một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1179, ông được vua ban thụy hiệu là Vũ Mục, đến năm 1211 được truy phong vương vị là Ngạc Vương (vì khi chết ông được chôn ở đất Ngạc, nhưng người đời quen gọi là Nhạc Vương).

Đỗ Chính Mậu biết rằng, tấm bia đá này có lai lịch không tầm thường, nên đã đặc biệt bố trí quân lính canh gác. 

Đến đêm, người lính kia bỗng nhiên trông thấy một vị đại trượng phu khôi ngô cường tráng cưỡi ngựa xông ra khỏi tấm bia, đằng sau còn có hàng trăm người đi theo, đạp tường vân (mây lành) từ từ bay lên trời. Đột nhiên, trên không trung đồng loạt vang lên tiếng chuông trống, sau đó cổng trời mở ra, xuất hiện một người cung kính đón đoàn người đi vào.

Người lính chứng kiến cảnh này thì quá đỗi kinh ngạc, vội vàng quỳ phục xuống không dám lên tiếng.

Khi trời sáng, mọi người tới xem tấm bia đá thì không còn thấy bóng người nữa, mà hiện ra một bài thơ:

Bắc phạt tùy minh chủ
Nam chinh bái thượng công
Hoàng long dĩ tận túy
Trường thị Đại Minh cung

Tạm dịch:

Bắc phạt theo Minh chủ
Nam chinh bái thượng công
Rồng vàng đã say khướt
Trấn giữ Đại Minh cung

Sau đó, trời giáng mưa lớn, tẩy đi bài thơ trên đá. May thay, khi đó trong đám đông có một vị tú tài đã nhanh chóng ghi chép lại.

Thời đầu nhà Minh có một vị đại tướng quân tên là Từ Đạt, tự Thiên Đức, là khai quốc công thần của triều đại nhà Minh. Ông dũng võ dị thường, đi theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc chiến, lập nhiều công lớn.

Thủ phụ (một chức quan cấp cao thời xưa có thực quyền ngang với Tể tướng) nội các triều Minh là Chu Quốc Trinh viết trong cuốn “Dũng trang tiểu phẩm” như sau: Khi Từ Đạt ra đời, người nhà mơ thấy Nhạc Phi tới nhà và nói: “Ta đồng ý tiếp nhận sự cung phụng của gia đình các vị”. Vì thế, cả nhà họ Từ đều cho rằng Từ Đạt là Nhạc Phi chuyển sinh.

nhac phi minhchantuong
Khi đặt chân dung Từ Đạt (trái) và Nhạc Phi (phải) cạnh nhau, chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng. (Ảnh NTD Việt Nam tổng hợp)

Từ Đạt là một người cẩn thận, giỏi việc điều binh khiển tướng, cả đời chinh chiến trên lưng ngựa, lập ra vô số công trạng. Ông đảm nhiệm chức Hựu thừa tướng, được phong là Ngụy Quốc Công. Chu Nguyên Chương gọi ông là “Vạn Lý Trường Thành”. Hậu thế cũng công nhận Từ Đạt là Đệ nhất công thần khai quốc của triều Minh.

Điều này cũng ứng với hai câu đầu trong bài thơ trên tấm bia đá ở miếu Nhạc Phi: “Bắc phạt tùy Minh chủ, Nam chinh bái thượng cung”. Tức là nam chinh bắc chiến cùng quân chủ nhà Minh, được phong tước bái làm thượng cung. Thượng cung là tên gọi chung cho ba chức quan cao nhất trong triều đình, ứng với chức Hựu thừa tướng của Từ Đạt.

Khi ấy, nhà Nguyên do người Mông Cổ sáng lập ra đã tận số, bị đánh cho tan tác. Từ Đạt dẫn đại quân đuổi theo tàn quân Mông Cổ, phò trợ Chu Nguyên Chương hoàn toàn lật đổ sự thống trị của nhà Nguyên, phục vụ Đại Minh đến cuối đời.

Các sự kiện này cũng ứng với hai câu thơ sau: “Hoàng long dĩ tận túy, Trường thị Đại Minh cung”. Ở đây, hoàng long (rồng vàng, một trong bốn Thần thú) tượng trưng cho vương quyền.

Từ Đạt khiêm nhường trung dũng, văn võ song toàn, công lao hiển hách, sánh ngang với Nhạc Phi. Một điều đáng ngạc nhiên là khi đặt chân dung Nhạc Phi và Từ Đạt cạnh nhau, chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng. Cho nên, Chu Quốc Trinh cho rằng: Dường như Nhạc Vũ Mục chuyển sinh ở triều ta.

Văn nhân Chử Nhân Hoạch (1635–1682) nhà Thanh cũng kể lại câu chuyện trên trong cuốn “Kiên Hoạch Tập”. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tùy Đường diễn nghĩa”.

Đại văn hào vốn là thân nữ nhi

Cuốn “Huyện Chí” của huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây có ghi lại câu chuyện Hoàng Đình Kiên là do một cô gái chuyển sinh thành.

Hoàng Đình Kiên (1045–1105), tự Lỗ Trực, biệt hiệu Sơn Cốc đạo nhân, người Phân Ninh, Hồng Châu (nay thuộc Giang Tây). Ông là một trong những đại văn hào thời Bắc Tống. 

hoang dinh kien minhchantuong
Đại văn hào Hoàng Đình Kiên. (Public Domain)

Tương truyền, khi Hoàng Đình Kiên 26 tuổi từng đến chùa Quảng Tế ở Vu Hồ (nay thuộc tỉnh An Huy). 

Một hôm, ông mơ thấy mình đi đến một nơi nào đó, trước mặt là một bà lão tóc bạc gần như trắng đầu, bà đang đứng ngoài cửa nhà sửa soạn hương án để cúng bái. Trên hương án còn có một bát mì rau cần. Bỗng nhiên Hoàng Đình Kiên thấy vô cùng đói bụng, liền thuận tay cầm bát mì lên ăn, đang lúc cao hứng thì ông tỉnh mộng.

Ông chép mồm chép miệng, dường như trong miệng vẫn còn lưu lại mùi vị rau cần. Ban đầu, Hoàng Đình Kiên nghĩ rằng do bản thân cả ngày bận rộn làm công vụ, không ăn nổi một bữa ngon miệng nên mới nằm mơ giữa ban ngày như vậy, nên cũng không nghĩ nhiều về việc này.

Nhưng ngày hôm sau ông lại ngủ trưa và mơ giấc mơ y hệt hôm qua. Khi tỉnh lại, Hoàng Đình Kiên quyết định dựa theo những gì nhớ được về đường đi trong giấc mộng và đã tìm đến một ngôi làng. 

Quả nhiên tìm thấy bà lão giống hệt trong giấc mơ, bà đang cầm ba nén nhang và lẩm nhẩm khấn vái. Trên hương án cũng có một bát mì rau cần nóng hổi còn đang bốc khói, mùi thơm giống hệt bát mì trong mơ.

minhchantuong1
Hoàng Đình Kiên tìm thấy bà lão giống hệt trong giấc mơ, bà đang cầm ba nén nhang và lẩm nhẩm khấn vái. (JOHANNES EISELE/AFP via Getty Images)

Trông thấy vậy, Hoàng Đình Kiên vội tiến đến hỏi: “Bà lão, bà đang làm gì vậy?”.

Bà đáp: “Hôm qua là ngày giỗ 26 năm của con gái lão, lão đang thắp hương cho nó”.

Hoàng Đình Kiên nghe xong thì rất kinh ngạc, vì đây vừa hay là số tuổi hiện tại của ông. Ông lại hỏi tiếp: “Bà lão, thường ngày con gái bà thích làm gì?”.

“Khi nó còn sống, thích ăn chay thờ Phật, thích đọc thơ, đọc sách, đọc kinh Phật, lập chí không lấy chồng, còn rất thích ăn mì rau cần. Cho nên hôm nay lão đặc biệt làm một bát mì cho con gái”, bà lão trả lời.

Hoàng Đình Kiên liền nói: “Vãn sinh to gan, xin hỏi có thể chiêm ngưỡng khuê phòng của cô ấy một lát hay không?”.

Bà lão vui vẻ đồng ý rồi đưa Hoàng Đình Kiên vào nhà. Ông quan sát thấy giá sách trong phòng chứa đầy những cuốn kinh thư cổ tịch mà bản thân từng đọc. Trong góc phòng còn có một cái tủ lớn bị khóa. Hoàng Đình Kiên chỉ tay vào và hiếu kỳ hỏi: “Không biết trong này đựng những thứ gì? Có thể mở ra xem không ạ?”.

Bà lão nói: “Có thể, nhưng thời gian lâu quá rồi, nhất thời lão không nhớ ra chìa khóa để đâu”.

Hoàng Đình Kiên nghĩ một lát, dường như ông nghĩ ra điều gì, rất nhanh sau đó ông đã tìm được chìa khóa. Khi mở chiếc tủ ra, Hoàng Đình Kiên kinh ngạc không nói nên lời. Bởi vì bên trong đựng đầy các bài văn mà ông viết mỗi khi tham dự các kỳ thi. 

minhchantuong2
Hoàng Đình Kiên dường như nghĩ ra điều gì, ông đã tìm thấy chìa khóa chiếc tủ gỗ. (Pixabay)

Cuối cùng, Hoàng Đình Kiên cũng hiểu ra, bà lão đứng trước mặt chính là người mẹ ở kiếp trước của mình. Ông quỳ sụp xuống nói: “Lão nhân, con chính là cô con gái đã qua đời của lão. Xin hãy theo con về để con phụng dưỡng lão”.

Hoàng Đình Kiên đưa mẹ về nhà phụng dưỡng báo hiếu. Trong hiên Tích Thúy ở chùa Quảng Tế, ông đã làm một bài thơ và khắc lên bia đá: 

Tự tăng hữu phát
Tự tục thoát trần
Tác mộng trung mộng
Ngộ thân ngoại thân

Nghĩa là: Tưởng như là hòa thượng xuất gia, mà lại có tóc, kỳ thực là một người để tóc tu hành. Thân sinh ra ở thế tục, một lòng hướng tới Phật Pháp, tránh xa những ồn ào nơi trần thế. Đời người như mộng, nằm mơ trong mơ, ngộ ra thân ở ngoài thân.

Người mở cửa chính là người bế quan

Vương Dương Minh (1472–1528), tên thật là Thủ Nhân, tự Bá An, là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người xây dựng ra Dương Minh phái, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

vuong duong minh minhchantuong
Chân dung Vương Dương Minh. (Public Domain)

Ông được thăng làm Sử bộ Thượng thư ở Nam Kinh lúc 50 tuổi. Sau khi được thăng chức, ông trở về quê thăm người cha bị bệnh đã lâu. Lúc đi qua Trấn Giang, ông đã tới lễ Phật ở chùa Kim Sơn.

Khi vừa bước vào Kim Sơn, ông bỗng có một cảm giác quen thuộc. Đôi chân cứ thế bước đi, qua những con đường quanh co dẫn tới một nơi rất sâu trong chùa, trước mặt ông là một căn phòng khóa kín. 

Đây là nơi hòa thượng bế quan tu luyện. Cửa phòng khóa chặt, căn phòng đã cũ kĩ vì trải qua bao nắng gió, tờ giấy niêm phong dán trên cửa cũng đã bạc màu.

Vương Dương Minh thấy rất kỳ lạ, muốn xé bỏ niêm phong mở cửa ra xem. Hòa thượng trụ trì vội ngăn ông lại và giải thích: 

“Vô cùng xin lỗi tôn giá (cách xưng hô tôn trọng người đối diện), không phải ta muốn cản ngài. Chỉ là căn phòng này là nơi một vị tổ sư của bản tự đã viên tịch từ 50 năm trước. Bên trong thờ cúng xá lị toàn thân của ngài ấy. Tổ sư từng dặn dò chúng tăng là không được tùy ý mở ra. Xin ngài lượng thứ, không thể mở được!”.

“Có cửa phòng lại có cả cửa sổ, lý nào lại không thể mở ra? Hôm nay bất luận thế nào, cũng xin ngài từ bi mở cửa, cho ra xem căn phòng một lát!” – Vương Dương Minh tiếp lời.

Với thanh danh và địa vị của Vương Dương Minh khi đó, trụ trì rất khó xử, nhưng cũng đành phải chấp nhận mở cửa phòng cho ông vào xem.

Ánh tịch dương chiếu hắt vào gian phòng, chỉ thấy một lão hòa thượng đã viên tịch đang ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn. Mặc dù đã trải qua 50 năm nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ trang nghiêm, thần thái uy nghi, trông như vẫn còn tại thế.

vien tich minhchantuong
Căn phòng này là nơi một vị tổ sư của bản tự đã viên tịch từ 50 năm trước. Bên trong thờ cúng xá lị toàn thân của ngài ấy. (Vườn văn sử tổng hợp/Ảnh chụp màn hình)

Vương Dương Minh quan sát kỹ liền nghĩ, sao lão tăng lại giống mình đến vậy? Khi ngẩng đầu lên, ông thấy trên tường dán một bài kệ:

Ngũ thập niên hậu Vương Dương Minh
Khai môn do thị bế môn nhân
Tinh linh Bác hậu hoàn quy Phục
Thủy tín Thiền môn bất hoại thân

Tạm dịch:

Năm mươi năm sau Vương Dương Minh
Mở cửa vẫn là người bế quan
Linh hồn âm hết lại hoàn dương
Mới tin Thiền môn thân bất hoại

Bác và Phục là hai quẻ tượng trưng cho Âm và Dương, đi tới cực Âm (Bác) rồi tất sẽ quay ngược trở lại Dương (Phục), là “Bác cực tất Phục”, cũng giống như “vật cực tất phản”. Khi một sự việc đi đến cực độ thì sẽ có thay đổi. 

Bài kệ trên nói về sự luân hồi chuyển sinh của linh hồn. Trước khi viên tịch, lão tăng đã nhìn thấy trước sự việc xảy ra ngày hôm nay, nên đã đặc biệt lưu lại lời kệ để nhắc nhở Vương Dương Minh đừng quên bản thân vốn là ai.

Vương Dương Minh ngộ ra, vị lão tăng này chính là kiếp trước của mình.

Khi Vương Dương Minh 57 tuổi, ông làm Tổng đốc Lưỡng Quảng (nay là Quảng Đông và Quảng Tây), bình định dẹp loạn. Khi này bệnh phổi của ông trở nặng. Trên đường về quê, khi đi qua bến đò Thanh Long ở chân núi Nha Sơn, ông đã lên núi thăm chùa cổ Linh Nham.

Vừa đúng lúc trong chùa có một vị cao tăng vừa tọa hóa (chết trong tư thế ngồi) vài ngày trước. Vương Dương Minh ở trong căn mật thất của chùa và lại thấy một bài kệ trên bàn:

Ngũ thập thất niên Vương Thủ Nhân
Khải ngô thược phất ngô trần
Vấn quân dục thức tiền trình sự
Khai môn tức thị bế môn nhân

Tạm dịch:

Vương Thủ Nhân năm mươi bảy tuổi
Mở khóa ta, phất trần ta
Hỏi người muốn biết chuyện tương lai
Mở cửa chính là người bế quan

Năm ấy đúng là lúc Vương Dương Minh 57 tuổi, ông không khỏi kinh ngạc khi thấy bài kệ. Khi xuống núi quay trở về thuyền, ông đã để lại câu nói “Thử tâm quang minh, diệc phục hà ngôn?” (Tâm đã sáng tỏ, còn nói chi đây?) rồi đột ngột qua đời.

minhchantuong3
Khi xuống núi quay trở về thuyền, Vương Dương Minh để lại câu nói “Tâm đã sáng tỏ, còn nói chi đây?” rồi đột ngột qua đời. (Shutterstock)

Đọc xong những câu chuyện luân hồi trên đây, chúng ta không khỏi cảm thán về sự huyền ảo của số mệnh. Phải chăng có một sinh mệnh cao cấp hơn đã an bài hết thảy sự việc ở nhân gian? 

Đời người như một vai diễn trong vở đại kịch kéo dài hàng ngàn năm, và trái đất như một sân khấu đồ sộ, diễn hết vai này cũng là lúc lìa đời, rồi lại chuyển sinh để đóng một vai khác. Nếu đúng là vậy, rốt cuộc mỗi một sinh mệnh trên địa cầu này đã từng sắm biết bao vai diễn? Và bao giờ thì vở đại kịch hạ màn?

Hạ màn rồi thế giới này sẽ ra sao? Đến đây, chúng ta lại quay trở về với ba câu hỏi lớn nhất đời người: Ta là ai? Từ đâu đến? Rồi sẽ đi về đâu?

Nam Phương theo NTDVN.net
Theo Vườn văn sử


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x