Lý Bạch – Chương 2: Gió xuân đưa mộng đến Trường An

Lý Bạch (ảnh Epoch Times)
Lý Bạch (ảnh Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

THI TIÊN LÝ BẠCH

LÝ BẠCH (2) – Gió Xuân Đưa Mộng Đến Trường An

Hoàng đế ca ngợi Lý Bạch, xuống xe đi bộ nghênh đón, ban cho Lý Bạch Thất Bảo Sàng ăn trước bệ rồng, đích thân Hoàng đế múc canh và nói: “Khanh là người áo vải, danh tiếng nổi đến tai trẫm, nếu không phải thường ngày tích dưỡng đạo nghĩa thì sao có thể đạt đến được!”…

Lời dẫn

Đây là một bức tranh mộc bản thế kỷ 17 đời Thanh. Trong bức họa, Đường Huyền Tông ngồi ngay ngắn trong chiếc ghế, Lý Bạch phụng chiếu vào cung, Ông đang dùng bút lông viết chữ trên giấy. Nội thị giáo Cao Lực Sĩ đang tháo giày cho Ông, còn Dương Quý Phi tay bưng nghiên mực đứng ở phía sau. Lúc đó, đại thi nhân đang thảo bức thư chữ Phiên trả lời nước Bột Hải hay là đang sáng tác thơ theo yêu cầu? Sử sách cũng không xác định rõ về việc này. Tuy nhiên nó cũng không ảnh hưởng đến câu chuyện được lan truyền. Cao nhân Thánh triều danh chấn kinh thành, phong thái không ai có thể sánh nổi. 

Mùa thu năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742), Đường Huyền Tông xuống chiếu triệu Lý Bạch vào kinh thành. Thi nhân nghe được tin này vui mừng phấn chấn, vung bút viết bài thơ: “Nam Lăng biệt nhi đồng nhập kinh” (Từ biệt trẻ ở Nam Lăng để vào kinh đô):

Cất cao giọng ngâm nga an ủi
Rút kiếm ra múa với mặt trời
Trăm ngàn mong đợi vua vời
Cầm roi lên ngựa chân trời ruổi rong

Mãi Thần vợ khinh trong huyện Cối
Ta cũng đi vào cõi Tần tây
Cả cười ngửa mặt trông trời
Đời ta há chẳng vốn người phiêu lưu!
(Bản dịch của Nguyễn Minh)

Ngày hôm đó đã cách ngày “Đại bằng phú” ra đời là 17 năm rồi. Lý Bạch đã tửu ẩn – ẩn mình trong rượu, chỉ yết kiến quyền thế và ngao du, không đi theo con đường khoa cử, cuối cùng cũng đã có cơ hội có thể đại triển hồng đồ (thi triển tài năng và hoài bão lớn). Lòng bừng bừng chí lớn, Ông lên ngựa rời xa gia đình, bước vào trung tâm chính trị Trường An: Đại Minh Cung – cung điện hoành tráng quy mô lớn nhất thế giới đương thời.

Đường Huyền Tông xuống chiếu triệu Lý Bạch vào kinh thành. (Ảnh miền công cộng)
Đường Huyền Tông xuống chiếu triệu Lý Bạch vào kinh thành. (Ảnh miền công cộng)

Trường An

Thế kỷ thứ 7, thứ 8, đô thành Trường An triều Tùy Đường là đô thị lớn nhất thế giới, cũng là trung tâm văn hóa Á Đông. Đô thị quốc tế phồn hoa đô hội này đã thu hút lượng lớn các sứ tiết, thương nhân và tăng lữ nước ngoài. Vào thời kỳ cực thịnh triều Đường, dân số thường trú của Trường An là hơn một triệu người, trong đó có chừng 10 vạn “người Hồ” (tên gọi người Tây Vực và người phương Bắc). Thi nhân Vương Duy đã miêu tả cảnh tượng kinh thành Tràng An tráng lệ vạn bang đến triều bái như sau:

Chín tầng trời thẳm bày cung điện
Muôn nước cân đai vái ngự rồng.
(Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn)

Triều Đường là thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử Á Đông cũng như lịch sử nhân loại. Từ thời “Trinh Quán chi trị” của Đường Thái Tông đến “Khai Nguyên thịnh thế” của Huyền Tông, vương triều Lý Đường đã trải qua hơn trăm năm phát triển, chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa đều đạt đến đỉnh cao tột bậc, cương thổ vững vàng, quốc thái dân an. Các bậc quốc quân lễ hiền đãi sĩ áp dụng chính sách dung nạp đối với Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Chính cái khí độ “biển dung nạp trăm sông” này đã thúc tiến sự giao hòa và giao lưu văn hóa Nam – Bắc, khiến văn nhân trong nước tích cực tiến thủ, khát vọng kiến công lập nghiệp, xã hội phát triển phồn vinh, bừng bừng sức sống.

Khí tượng và tinh thần Thịnh Đường phồn hoa, tự tin, bao dung và khí thế to lớn khiến Lý Bạch tràn trề tình cảm xúc động. Ông khát vọng được thi triển hoài bão, kiến công lập nghiệp.

Phụng sự hàn lâm

Lần đầu tiên Lý Bạch và thiên tử Đại Đường gặp nhau thì tình cảnh như thế nào? Trong “Thảo đường tập tự” của Lý Dương Băng có viết rằng: 

“Hoàng đế ca ngợi Lý Bạch, xuống xe đi bộ nghênh đón, ban cho Lý Bạch Thất Bảo Sàng ăn trước bệ rồng, đích thân Hoàng đế múc canh và nói: “Khanh là người áo vải, danh tiếng nổi danh đến tai trẫm, nếu không phải thường ngày tích dưỡng đạo nghĩa thì sao có thể đạt đến được!”

Đãi ngộ mà Lý Bạch nhận được là cực kỳ cao cấp: Đường Huyền Tông xuống xe đi bộ nghênh đón, nói với Lý Bạch: “Khanh là một người áo vải (tức dân thường), trẫm đã nghe đại danh của khanh từ lâu, nếu không phải là khanh xưa nay đã tích được danh vọng rất cao, thì sao có vinh dự đặc biệt ngày hôm nay?”. Đường Minh Hoàng ban cho Lý Bạch Thất Bảo Sàng, còn đích thân múc canh cho Ông. Ân Hoàng đế to lớn, đủ thấy Lý Bạch có duyên phận sâu dày với vị Quân Vương đời thịnh thế này. 

Đường Huyền Tông tại vị 44 năm, là vị Hoàng đế trị vì triều Đường lâu nhất. Ông đăng cơ năm 27 tuổi, ra sức trị quốc, đã tạo dựng được thời thịnh trị gọi là “Khai Nguyên thịnh thế”. Ngoài ra, ông còn là âm nhạc gia, thư pháp gia và thi nhân có thành tựu lớn với hơn 72 bài thơ truyền thế. Trong thời gian ông tại vị, triều Đường xuất hiện rất nhiều những tác phẩm văn nghệ đỉnh cao.

Lần này Lý Bạch vào kinh là do Đạo sĩ Ngô Quân, Ngọc Chân Công chúa và Hạ Tri Chương tiến cử. Huyền Tông vô cùng tán thưởng tài học của Lý Bạch, bổ nhiệm Ông phụng sự Viện hàn lâm, chức danh là Hàn lâm Đãi chiếu.

Viện hàn lâm bắt đầu được sáng lập vào triều Đường, hội tụ những văn nhân xuất sắc bậc nhất đương triều. Lý Bạch làm chức gì ở đó? “Thảo đường tập tự” có viết rằng: “Bố trí ở điện Kim Loan, ra vào trong hàn lâm, được hỏi về quốc chính, thảo chiếu, cáo giúp vua, người khác không biết”. Hoàng đế yến tiệc hoặc ngao du, Lý Bạch đều tùy tùng ở bên, ngoài ra Ông còn thảo văn cáo cho Thánh thượng, nhưng theo như Lý Dương Băng viết thì người khác đều không biết sự việc này.

Loạt bài thơ “Thanh bình điệu”

Vào một ngày xuân tươi đẹp, Đường Huyền Tông cưỡi ngựa quý màu trắng “Chiếu dạ bạch”, Dương Quý Phi ngồi xe kéo, hai người đến thưởng hoa ở đình Trầm Hương trong cung Hưng Khánh. Mẫu đơn nở rộ khắp vườn, tía, đỏ, hồng, trắng đua nhau khoe sắc. Huyền Tông ngồi trong đình, ngắm quốc sắc thiên hương, “tâm ý có cảm hứng”. Những nghệ nhân của lê viên (đoàn nhạc vũ) đang chuẩn bị ca hát và múa để trợ hứng. Huyền Tông nói: “Thưởng danh hoa cùng quý phi, sao có thể dùng nhạc từ cũ được?”.

Thế là Huyền Tông phái nhạc sư nổi tiếng Lý Quy Niên cầm ngự dụng kim hoa tiên tuyên triệu Lý Bạch vào cung, để Ông lập tức viết 3 chương “Thanh bình điệu”.

Lý Bạch ngà ngà say, tiếp chỉ đến, dùng nước vã hai má cho tỉnh rượu, cầm bút lên, vung tay viết lên giấy kim hoa tiên liền 3 bài thơ, rồi Lý Quy Niên dâng lên. Đường Huyền Tông xem rồi vô cùng hài lòng và thổi sáo ngọc hòa tấu cùng Lý Quy Niên, vua tôi cùng diễn dịch lời mới, quý phi cười uống rượu “bồ đào mỹ tửu”, mọi người đều vô cùng hưng phấn. Từ đó, Hoàng đế càng tán thưởng tài năng Lý Bạch hơn nữa.

Ba bài “Thanh bình điệu” này được lưu truyền rất rộng, người đời sau đánh giá rất cao, đặc biệt là bài thứ nhất được ca ngợi nhiều nhất:

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng…

Dịch thơ (Ngô Tất Tố)

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông…

Hình: Tranh "Lý Bạch sáng tác Thanh Bình Điệu" do Tô Lục Bằng đời Thanh vẽ, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Quảng Châu. (Ảnh miền công cộng)
Hình: Tranh “Lý Bạch sáng tác Thanh Bình Điệu” do Tô Lục Bằng đời Thanh vẽ, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Quảng Châu. (Ảnh miền công cộng)

Phụng hòa ứng làm thơ

Lý Bạch còn sáng tác thơ ứng chiếu (theo chiếu của vua) khi Hoàng đế vui chơi ở trong cung. Những tác phẩm này có văn từ hoa lệ, miêu tả sinh động, làm nổi bật phong thái ung dung của thời Thịnh Đường. 

Mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 2 (năm 743), ở vườn Nghi Xuân Uyển, Lý Bạch tháp tùng Đường Huyền Tông du ngoạn, phụng chiếu làm thơ “Thị tòng Nghi Xuân Uyển phụng chiếu phú Long Trì liễu sắc sơ thanh thính oanh bách chuyển ca”:

Gió xuân nhuốm biếc cỏ Doanh Châu
Xuân tươi điện tía lẫn hồng lâu

Hồ nam thúy liễu nửa xanh xanh
Khói nhạt vờn quanh lụa vương thành
Tơ rũ trăm thước tranh treo cột
Trên tầng chim hót rộn hoàng oanh
Gió xuân cuốn nhập tận mây xanh
Líu lo chào đón tiết xuân lành

Quân vương ngự giá tại Cảo Kinh
Nhà nhà nô nức tết thanh bình
Nghi trượng cung vàng theo trời chuyển
Mây màu ngũ sắc sáng lung linh

Vua về xe ngọc hoa chạy quanh
Đi qua Kỳ Chỉ thưởng tiếng oanh
Trông về Bồng Lai xem hạc múa
Xe hồi lâm uyển chim vờn quanh

Ngày xuân oanh hót, mây màu, gió xuân ấm áp trong lành tạo nên bức tranh đầy nét họa ý thơ, làm rung động lòng người.

10 bài thơ trong “Cung trung hành lạc từ” cũng là những tác phẩm ra đời cùng năm đó, hiện nay còn lưu lại 8 bài.

Theo ghi chép của Mạnh Khể trong “Bản sự thi – Cao dật”, đương thời Đường Huyền Tông vui chơi du ngoạn trong cung, nói với Cao Lực Sĩ rằng: “Trước cảnh đẹp giờ tốt thế này, sao chỉ có tấu nhạc vui chơi thôi? Nếu có thi nhân thiên tài ngâm thơ ca vịnh thì mới hay chứ”

Thế là Huyền Tông hạ lệnh triệu Lý Bạch đến, sai người trải “Chu ti lan” – tờ giấy vẽ những ô đỏ – trước mặt Ông. Rồi Huyền Tông lệnh cho Lý Bạch làm 10 bài thơ Đường luật ngay tại chỗ.

Lý Bạch tài hoa, tư duy như nguồn suối trào, 10 bài thơ ngũ ngôn Đường luật lập tức hoàn thành, luật đối tinh tế tuyệt diệu, nét chữ hùng tráng mạnh mẽ như rồng bay phượng múa, cả thi tác và thư pháp đều thuộc hàng tuyệt phẩm, trong đó bài thứ 7 viết rằng:

Hàn mai tuyết trung tận
Xuân phong liễu thượng quy
Cung oanh kiều dục tuý,
Thiềm yến ngữ hoàn phi.
Trì nhật minh ca tịch,
Tân hoa diễm vũ y.
Vãn lai di thái trượng,
Hành lạc nê quang huy

Dịch thơ:

Khóm mai, tuyết lạnh đã tan,
Gió xuân đã đến với tàn liễu xanh.
Trong cung say đắm, chim oanh,
Ngoài thềm, chim én bay quanh hót đều.
Tiệc, ca, rọi ánh nắng chiều,
Điểm trang áo múa, cài nhiều hoa tươi.
Chiều về, nghi trượng đã rời,
Vui chơi thỏa thích kẻo thời gian qua…
(Bản dịch của Anh Nguyên)

Bốn câu đầu miêu tả cảnh tượng đông qua xuân đến, lại dùng thủ pháp nhân cách hóa miêu tả thần thái của hoàng oanh và chim én, có đủ vẻ hoành tráng và tinh tế. Bốn câu sau miêu tả cảnh vui chơi trong cung hoa lệ, bày tỏ ý tán tụng.

Hình: Bức tranh "Ẩm trung Bát Tiên" của Nhậm Nhân Phát đời Nguyên. (Ảnh miền công cộng)
Hình: Bức tranh “Ẩm trung Bát Tiên” của Nhậm Nhân Phát đời Nguyên. (Ảnh miền công cộng)

Ẩm trung Bát Tiên

Lý Bạch thích uống rượu, trong thời gian phụng sự tại Viện hàn lâm, Ông đã kết giao với rất nhiều danh sĩ sành uống rượu, trong đó có Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Lý Thích Chi, Lý Tấn, Trương Húc, Tô Tấn, Tiêu Toại cùng với Lý Bạch xưng là “Ẩm trung Bát Tiên” (8 vị Tiên thích uống rượu). Trong bài thơ “Ẩm trung Bát Tiên ca”, Đỗ Phủ đã khắc họa cảnh say của Bát Tiên, trong đó vẻ đẹp phóng khoáng của Lý Bạch và phong cách tài hoa của Ông được miêu tả như sau:

Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên
Trường An thị thượng tửu gia miên
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền
Tự xưng thần thị tửu trung Tiên

Tạm dịch:

Lý Bạch một đấu thơ bách thiên
Quán rượu Trường An ngủ liên miên
Thuyền vua tới đón không chịu đến
Uống rượu thần đây đích thị Tiên

Nhà bình luận thơ đời Thanh là Diệp Tiếp viết trong tác phẩm “Nguyên thi” rằng: “Lý Bạch thiên tài tự nhiên, xuất chúng siêu quần, cùng Đỗ Phủ nổi danh thiên cổ, vẫn còn có phần hơn. Lý Bạch sở dĩ được như vậy không phải chỉ dựa vào tài năng, mà còn là do khí phách… Nhìn Lý Bạch phóng khoáng trước mặt Hoàng đế, không khác gì lúc ngủ say ở quán rượu Trường An, mới khí phách làm sao”.

Lý Bạch đã từng cùng với Thôi Tông Chi –  một trong Ẩm trung Bát Tiên, đi thuyền từ Thái Thạch Cơ, An Huy đến Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay). Khi Lý Bạch mặc cẩm bào trong cung, ngồi trên thuyền, như không có ai. Sách “Cựu Đường thư” có viết:

Thưởng nguyệt đêm đi thuyền
Thái Thạch đến Giang Lăng
Lý Bạch mặc cẩm bào
Trên thuyền nói nói cười cười
Thản nhiên phóng khoáng như người tiêu dao

Trong cung khó tránh bị đồng liêu ngấm ngầm ghét ghen

Lý Bạch được Hoàng thượng sủng ái tín nhiệm, khiến trong đồng liêu có những người đố kỵ. Huyền Tông 3 lần muốn bổ nhiệm Ông làm quan, nhưng đều bị gian thần phỉ báng, đố kỵ ngăn cản nên chưa thể thực hiện được. Những ngày Lý Bạch trong Viện hàn lâm tuy nhàn nhã, nhưng lý tưởng của Ông không được thực hiện, khiến Ông sầu muộn. Trong 2 tác phẩm của mình, Ông đã bộc bạch rõ về điều này. 

Trong thi phẩm “Hàn lâm độc thư ngôn hoài trình tập hiền chư học sĩ”, Lý Bạch dùng ngôn từ trong sáng miêu tả sự hài lòng và phiền não đối với cuộc sống hàn lâm. Thi nhân nhiều lần bị những người hẹp hòi cười chê, bất giác nhớ lại những ngày xưa ngao du, tự do thả câu giữa nơi khói sóng:

Sáng vào trong Tử Cấm
Đêm chờ chiếu Kim Môn
Xem sách tìm khuyết thiếu
Tìm cổ đến chí diệu
Chỉ đôi lời tâm đắc
Gấp sách bỗng mỉm cười
Ruồi đen thường vấy bẩn
Khó cùng tuyết một lòng
Vốn là người biếng nhác
Luôn bị kẻ cười chê
Trời mây trong và sáng
Nhớ rừng núi ngao du
Đôi lúc cơn gió mát
Dựa lan can thổi tiêu
Nghiêm Quang suối Đồng Lư
Họ Tạ du chân trời
Công thành rời nhân gian
Nhàn nhã thả dây câu…

Bài “Ngọc hồ ngâm” được Lý Bạch sáng tác vào khoảng thời kỳ cuối ở Viện hàn lâm. Ngọc hồ (ấm ngọc) tượng trưng cho phong thái cao khiết. Khi đó Lý Bạch đã bị tiểu nhân sàm ngôn phỉ báng, Đế vương xa lánh. Bài thơ này từ cao nhìn xuống, đầy tình cảm bi phẫn trong lòng. Tác giả tuy được ân sủng siêu thường “mấy độ phi long mã”, nhưng trước sau không thể thi triển chí hướng cao xa phò tá Quân Vương, khiến người người cảm thán, nuối tiếc:

Kẻ sĩ cương gõ bầu rượu ngọc
Tâm anh hùng còn tiếc lúc già
Uống ba chén rút kiếm ra
Dưới trăng múa kiếm, khóc oà vịnh xưa
Chiếu phụng hoàng ấn vua mực tía
Dự tiệc hoa thết phía hoàng cung
Ngợi ca thiên tử chín tầng
Chủ xe sang trọng, bỡn cùng đồng liêu
Cưỡi Phi long nhập triều yên gấm
Vua còn ban roi cẩn san hô
Đông Phương Sóc, ai biết cho
Cùng tiên đất trích chỉ là một ta
Tây Thi lúc chau mi lại đẹp
Người xấu rồi bắt chước luỵ thân
Nhưng dù vua có ban ân
Trong cung khó tránh được ngầm ghét ghen.
(Bản dịch của Nguyễn Minh)

Hình: Ẩm trung Bát Tiên trong tranh "Cổ hiền thi ý đồ" của Đỗ Cẩn đời Minh. (Ảnh: miền công cộng)
Hình: Ẩm trung Bát Tiên trong tranh “Cổ hiền thi ý đồ” của Đỗ Cẩn đời Minh. (Ảnh: miền công cộng)

Trường An chẳng gặp khiến người sầu

Mùa xuân năm 744, Lý Bạch “khẩn cầu về núi, Hoàng đế ban vàng cho về“. Tuy Lý Bạch đã rời xa kinh thành, nhưng lòng nhớ nhung còn đó.

Từ năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744) đến năm Thiên Bảo thứ 5 (năm 746), sau khi rời Trường An trở về đất Lỗ, nhân dịp tiễn hai em họ lên kinh đô dự thi, Lý Bạch đã biểu lộ niềm nhớ nhung tha thiết đối với kinh đô:

Lỗ khách hướng tây tiếu
Quân môn nhược mộng trung
Sương điêu trục thần pháo
Hồi ức Minh Quang cung…

Tạm dịch:

Thân tại đất Lỗ tâm kinh đô
Vẫn thấy Quân Vương trong mộng mơ
Trở về mái tóc nhiều sương tuyết
Minh Quang chốn cũ vẫn ngóng chờ…

Tình cảnh bên Quân Vương năm xưa luôn xuất hiện trong giấc mộng. Tóc đã bạc nhuốm màu sương tuyết, đó là do ngày ngày nhớ cung đình.

Mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 8 (năm 749), trong bài thơ “Kim hương tống Vi Bát chi Tây Kinh”, Lý Bạch viết:

Khách từ Trường An đến
Lại từ Trường An đi
Cuồng phong cuốn tâm ta
Treo cây thành Hàm Dương…

Câu cuối trong bài thơ “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài”, Lý Bạch viết:

Chỉ bởi mặt trời mây che phủ
Trường An chẳng thấy khiến tâm sầu…

Bài thơ “Quan Hồ nhân suy địch” sáng tác năm Thiên Bảo thứ 12 càng thê lương, xuất thần ở hai chữ Mãn (đầy) và Không (trống rỗng):

Hồ nhân xuy ngọc địch
Nhất bán thị Tần thanh
Thập nguyệt Ngô sơn hiểu
“Mai hoa” lạc Kính Đình
Sầu văn “Xuất tái” khúc
Lệ mãn trục thần anh
Khước vọng Trường An đạo
Không hoài luyến cựu tình

Dịch thơ: (bản dịch của Nguyễn Minh)

Người Hồ mải mê thổi sáo ngọc
Nửa âm thanh như học đời Tần
Tháng mười buổi sáng thanh tân
Bài “Mai hoa” núi Kính Đình đất Ngô
Lòng buồn nghe bài ca “Xuất tái”
Kẻ đi đày lệ chảy quai thao
Trường An hướng vọng lối vào
Nhớ suông tình cảm đã trao ngày nào
(Bản dịch của Nguyễn Minh)

Năm 758, thi nhân trên đường đi đày qua Giang Hạ (Vũ Xương ngày nay), đã làm bài thơ “Dữ Sử Lang trung khâm thính Hoàng Hạc Lâu thượng xuy địch”. Thi nhân mượn chuyện xưa nói đời nay, dùng hình tượng Giả Nghi – một viên quan đời Hán bị đi đày để ngầm nói về cảnh ngộ của mình, ý thơ thê lương:

Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang Thành ngũ nguyệt “Lạc mai hoa”

Tạm dịch:

Thân khách lưu đày đến Trường Sa
Ngoảnh lại Trường An chẳng thấy nhà
Trên lầu Hoàng Hạc nghe sáo ngọc
Tháng năm Giang Hạ rụng mai hoa

Bài thơ “Trường tương tư” trông có vẻ như tả tình cảm nam nữ, nhưng thực tế đa phần đều có ý gửi tình:

Trường tương tư
Tại Trường An
Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan
Vi sương thê thê điệm sắc hàn
Cô đăng bất minh tứ dục tuyệt
Quyển duy vọng nguyệt không trường thán
Mỹ nhân như hoa cách vân đoan
Thượng hữu thanh minh chi cao thiên
Hạ hữu lục thuỷ chi ba lan
Thiên trường địa viễn hồn phi khổ
Mộng hồn bất đáo quan san nan
Trường tương tư
Tồi tâm can

Dịch thơ:

Trường An dằng dặc nhớ nhau
Giếng vàng vọng tiếng dế sầu kêu thu
Lung linh sắc lạnh sương mù
Nhớ nhung da diết đèn lu mờ dần

Cuốn rèm ngắm nguyệt thở than
Người thương ẩn hiện sau tàn mây trôi
Trên cao xanh thắm khung trời
Dưới con nước biếc chơi vơi sóng sầu

Trời cao đất rộng hồn đau
Mộng hồn khó đến dãi dầu quan san
Tương tư hoài… đứt ruột gan…

(Bản dịch của Hải Đà)

“Mỹ nhân như hoa cách vân đoan” rất có thể là đặc tả nỗi lòng thi nhân rời xa Trường An, ngoảnh đầu nhìn lại cảm thán. Một câu thơ hay “Thiên trường địa viễn hồn phi khổ” đã khắc họa tinh tế nỗi cô tịch và sầu khổ trong nội tâm của thi nhân.

Năm 759, Lý Bạch trên đường đi lưu đày Dạ Lang thì được đặc xá, gặp được bạn thân ở Giang Hạ là Vi Băng, huyện lệnh huyện Giang Lăng. Ông vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, liền làm bài thơ than rằng:

Ngựa phi đại uyển hôm nào
Nay an hưởng chút lương bèo người cho

Nhờ Nam Bình nói lời ngay thật
Lại được ông phân tích rõ ràng
Như non vạn dặm mây giăng
Nhìn trời xanh phía tây phương tan sầu

Nhưng người luôn luôn buồn trở lại
Cay đắng rồi lại mãi đắng cay
Hai ngàn thạch uống cho say
Khi say tro lạnh ấm tầy nắng xuân…

(Trích: Giang Hạ tặng Vi Nam Lăng Băng – bản dịch Nguyễn Minh)

Lý Bạch có duyên với Trường An, từng được ân sủng to lớn của Hoàng đế, quân thần quý tiếc nhau. Có lẽ sứ mệnh của Trích Tiên không phải ở trong Hoàng cung, mà là chú định trên đường đời phiêu bạt nổi chìm, gập ghềnh trắc trở viết lên những vần thơ đẹp kỳ vĩ khiến người ta kinh ngạc tán thán.

Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Xem tiếp: Lý Bạch – Chương 3:

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x