Điềm báo Chu quốc diệt vong
Vào thời điểm đó, đã có điềm báo cho thấy Chu quốc sắp diệt vong, chính là Tam Xuyên xảy ra động đất. Thái sử Bá Dương Phủ đã lấy hiện tượng nước sông khô cạn trước khi nhà Hạ và nhà Thương diệt vong, so sánh với sự việc động đất ở Tam Xuyên, ông tiên đoán rằng khoảng mười năm sau Tây Chu sẽ diệt quốc.
Khi xảy ra động đất ở Tam Xuyên là năm 780 TCN, quả nhiên mười năm sau, Khuyển, Nhung chiếm đánh, Tây Chu diệt quốc. Vậy còn có điềm báo nào khác cho thấy sự diệt vong của nhà Tây Chu hay không?
Còn có một điềm báo khác, đó là vào năm 779 TCN. Chu U Vương lập Bao Tự làm Vương hậu, nàng sinh được một người con trai, gọi là Bá Phục. Sau khi Bá Phục ra đời, U Vương phế bỏ Thái tử Nghi Cữu vốn đã được lập từ trước, thay Bá Phục là người kế thừa ngôi vị.
Khi đó Quan thái sử nước Chu đang đọc sử ký (sử ký này không phải là “Sử ký” của Tư Mã Thiên, trước Tư Mã Thiên, sử của các nước đều gọi là sử ký). Lúc vị Thái sử này đọc sử ký, ông ta liền nói ra ba chữ: “Chu vong hĩ” (Chu mất thôi).
Tại sao lại như vậy? Bởi vì Thái sử nhìn thấy trong sử ký có ghi lại một câu chuyện, câu chuyện này ám chỉ Bao Tự mà Chu U Vương lấy là một yêu nữ. Câu chuyện này được ghi lại nguyên văn trong “Sử ký – Chu bản kỷ” của Tư Mã Thiên.
Chuyện kể rằng, khi đó Quốc quân đầu tiên của triều Hạ không gọi là Vương, mà gọi là Hậu, sau này mới gọi là Vương. Quốc quân cuối cùng của triều Hạ là Kiệt, một vị quân chủ vô cùng bạo ngược. Vào thời Hạ Kiệt, có hai con rồng nương náu trên bức tường trong cung điện. Vua Kiệt không biết đối phó với hai con rồng này như thế nào, nên giết hay đuổi chúng đi. Ông bèn mời Thái sử bốc quẻ, kết quả của quẻ là: Giết, đuổi, cấm chỉ nó đều không tốt lành.
Thái sử tâu, “Xin Quốc Quân thỉnh cầu hai con rồng, giữ lại nước bọt của hai con rồng này, nước trong miệng rồng gọi là Ly. Quẻ nói rằng xin Ly để cất giữ thì cát.” Thế là vua lệnh lấy ra cái hộp để đựng, thỉnh cầu hai con rồng cho nước bọt vào đó để giữ lại, sau đó hai con rồng này liền bay đi. Nước bọt của hai con rồng được niêm phong kín, từ triều Hạ truyền tới triều Thương, từ triều Thương lại truyền tới triều Chu, trong thời gian mấy trăm năm chưa từng mở ra.
Đến thời điểm những năm cuối thời Chu Lệ Vương, liền đem cái hộp đựng đó mở ra. Người mở hộp không giữ chắc, khiến chiếc hộp rơi xuống đất, nước bọt của rồng bị chảy ra. Sau khi nó chảy ra thì lau thế nào cũng không thể sạch. Nước bọt đó biến thành một vật nhỏ, trông giống như con rùa đen, bò đi khắp nơi trong cung, kết quả đụng vào một cung nữ trong cung.
Cung nữ này khi đó vẫn còn là một nữ hài vừa mới thay răng. Sau khi va chạm thì không thấy con rùa đen nhỏ kia đâu nữa. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, gọi là cập tráp, chính là lúc 15 tuổi, nàng chưa kết hôn mà đã mang thai. Lần mang thai này kéo dài tới hơn 40 năm mà vẫn chưa sinh. Đến thời con trai của Chu Lệ Vương là Chu Tuyên Vương, cung nữ này đã sinh hạ một bé gái.
Khi đó trong dân gian có một dự ngôn. Trong “Sử ký – Chu bản kỷ” có viết, vào thời Tuyên Vương, trẻ con thường đọc bài đồng dao rằng: “Yểm hồ cơ phục, thực vong Chu quốc.” “Yểm hồ” là chỉ cung, làm từ cây dâu núi, “cơ phục” là chỉ tiễn, được làm từ gỗ cơ.
Khi Chu Tuyên Vương nghe được câu đồng dao này liền cảm thấy quốc gia khả năng sẽ có binh biến. Bởi vì cung và tiễn được nói đến trong bài đồng dao sẽ tiêu diệt nước Chu, cho nên Chu Tuyên Vương đã ra một mệnh lệnh, từ đây về sau không được chế tạo cung tiễn, ai vi phạm sẽ bị chém đầu.
Có một đôi vợ chồng làm nghề chế tạo cung tiễn để bán, họ không biết đến lệnh cấm này, liền mang cung tiễn vào trong kinh thành bán. Vì vi phạm lệnh cấm, quan binh liền đi bắt họ. Cặp vợ chồng này bỏ chạy, khi chạy đến vùng ngoại ô, cũng chính là lúc người cung nữ trong cung sinh hạ một bé gái.
Người cung nữ cảm thấy mang thai 40 năm mới sinh là điềm xấu, liền đem đứa bé vứt xuống con sông bên cạnh. Bé gái này thuận theo dòng nước trôi ra vùng ngoại ô, đúng lúc vợ chồng người bán cung chạy đến. Họ nghe thấy bên bờ sông có tiếng trẻ con khóc, tiếng khóc nghe rất xót xa. Thế là họ vớt bé gái này từ dưới sông lên, đem về nuôi dưỡng.
Bé gái sau khi lớn lên thì vô cùng xinh đẹp, là một tuyệt sắc giai nhân, nàng ta chính là Bao Tự mà Chu U Vương cưới . Có Bao Tự, mới có chuyện đốt lửa giỡn chư hầu, dẫn đến Tây Chu diệt vong, ứng nghiệm với câu đồng dao “Yểm hồ cơ phục, thực vong Chu quốc” từ thời Chu Tuyên Vương.
Còn chuyện nước Tần diệt sáu nước, trong “Sử ký – Chu bản kỷ” cũng kể về một chuyện như vậy. Vào năm thứ hai đời Chu Liệt Vương, tức năm 374 TCN, một Thái sử nước Chu tên là Đam đến nước Tần gặp Tần Hiến Công. Ông ta nói rằng, nước Chu và nước Tần hợp nhất rồi lại chia ly, chia ly 500 năm rồi tái hợp, hợp nhất 17 năm sẽ xuất hiện Bá Vương.
Năm xảy ra chuyện đốt lửa giỡn chư hầu là năm 770 TCN, kể từ khi Chu Bình Vương dời đô về phía Đông, nước Chu và nước Tần cũng tách ra. Nhà Chu dời đô đến Lạc Dương, còn nhà Tần chiếm cứ khu vực Tây An, đây là điểm khác biệt giữa Chu và Tần, cũng chính là tách ra. Thái sử Đam nói, chia ly 500 năm rồi tái hợp, đây lại là sự kiện gì?
Năm 256 TCN, đã đến những năm cuối thời Chiến Quốc, Quốc Quân cuối cùng của nhà Chu là Chu Noãn Vương. Không hiểu sao ông đột nhiên có suy nghĩ khởi xướng hợp tung giữa các nước trong Liệt quốc, hy vọng Liệt quốc có thể một lần nữa liên hợp lại, để tiêu diệt nước Tần. Lần hợp tung này đã chọc giận nước Tần, Tần quốc lập tức xuất binh tiêu diệt Đông Chu. Khi đó Đông Chu có tổng cộng 36 thành trấn, còn có ba vạn nhân khẩu, toàn bộ đều thuộc về nước Tần.
Trong “Chu bản kỷ” viết là năm 256 TCN, còn trong niên biểu của sáu nước thì viết rằng nước Tần chiếm cứ đô thành của nước Chu là vào năm 255 TCN. Nói cách khác, có thể là vào năm 256 TCN Tần quốc diệt Chu quốc, nhưng đến năm 255 TCN mới chính thức tiếp quản nơi này của Chu quốc. Tần và Chu lại hợp nhất lại, từ năm 770 TCN đến năm 255 TCN, trải qua 515 năm. Thái sử Đam nói, chia ly 500 năm rồi lại tái hợp, nước Chu và Tần sau khi tách ra 500 năm, lại một lần nữa hợp lại, năm trăm năm này là một con số đại khái.
Thái sử Đam nói, “hợp nhất 17 năm sẽ xuất hiện Bá Vương,” ý rằng sau khi Tần quốc và Chu quốc hợp nhất 17 năm, thì sẽ có Bá Vương xuất hiện. Từ năm 255 TCN trải qua 17 năm, chính là năm 238 TCN, năm này chính là năm Tần Thủy Hoàng cử hành “quán lễ” (lễ đội mũ, lễ thành niên thời cổ đại). Đây là năm Tần Thủy Hoàng nắm toàn bộ quyền lực của Tần quốc, miễn chức tướng quốc của Lã Bất Vi, nắm trọn quyền hành. Đây có thể nói là điềm báo Bá Vương xuất hiện. Từ năm 238 TCN đến năm 221 TCN, lại qua 17 năm, toàn bộ sáu nước đều bị Tần Vương tiêu diệt.
“Sử ký – Chu bản kỷ” đã đưa ra những dự ngôn chính xác về quá trình diệt vong của Tây Chu, Chu Bình Vương dời đô về phía Đông, nước Tần quật khởi và cuối cùng thống nhất Trung Quốc. Nó không những dự ngôn sự phát sinh của những sự việc này, mà về thời gian cũng tương đối chính xác.
Điều này khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về lời kết của “Đông Chu liệt quốc chí”: “Bặc thế tuy nhiên bát bách niên, Bán do nhân sự bán do thiên” (Bốc quẻ tuy rằng tám trăm năm, Một nửa do người một nửa do trời).
Khi tôi đọc về lịch sử, thường xuyên nhìn thấy những dự ngôn như vậy, hoặc là sự ứng nghiệm của các dự ngôn. Có thể quý vị sẽ cho rằng đó là một loại túc mệnh thông, hoặc đó sự an bài của lịch sử, nhưng vấn đề này lại vượt qua phạm vi thảo luận của bài viết này. Cho nên, tôi chỉ trình bày những tư liệu lịch sử mang tính nghiêm túc, còn quan điểm cụ thể như thế nào thì để khán giả tự đánh giá.
Có thể rất nhiều bạn đọc đều biết rằng, do tôi tu luyện Pháp Luân Công, cho nên có rất nhiều tâm đắc thể hội trong quá trình tu luyện Phật Pháp sẽ vô tình được đưa vào trong cách nhìn hoặc đánh giá của tôi đối với lịch sử. Bởi vì cảnh giới tu luyện của tôi còn hạn chế, cho nên những gì tôi nói tới có thể tương đối thấp, không thể tránh khỏi những nhận thức còn thiếu sót. Vì vậy, những quan điểm này chỉ nên xem là “ngôn luận trong nhà,” chỉ đưa ra để mọi người tham khảo.
Đương nhiên, để trình bày rõ ràng các tư liệu lịch sử, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian, cố gắng hết sức trình bày những tư liệu lịch sử mang tính nghiêm túc. Phần lớn tư liệu lịch sử được lấy từ “Sử ký” và “Tư trị thông giám,” một số lấy từ “Chiến quốc sách,” bao gồm “Tả truyện,” “Quốc ngữ,” còn có một số lấy từ “Đông Chu liệt quốc chí.” Phần lấy từ “Đông Chu liệt quốc chí” là phần ít nhất trong số đó.
Sau khi Tần quốc tiêu diệt sáu nước, Tần Thủy Hoàng đã làm rất nhiều việc có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế, bao gồm cả việc ông xưng là Hoàng đế. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xưng Hoàng đế; bao gồm cả việc sau này ông ban hành một số pháp lệnh: Thư đồng văn, xa đồng quỹ (sách viết cùng loại chữ, xe có cùng cỡ trục), thống nhất tiền tệ, thống nhất đo lường, xây dựng rất nhiều con đường, giúp cho quân Tần nhanh chóng điều động, tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trung ương tới các vùng biên giới xa xôi.
Về mặt quân sự, phía Nam Tần Thủy Hoàng chinh phạt nước Việt, phía Bắc đánh Hung Nô, cơ bản đặt định bản đồ Trung Quốc cho đời sau. Đồng thời ông cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành để bảo vệ Trung Nguyên khỏi sự xâm lược của các dân tộc du mục. Vì vậy, những việc làm của Tần Thủy Hoàng thực sự có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với hậu thế.
Tôi cho rằng một quốc gia muốn ổn định lâu dài, nhất định phải có một giá trị quan đúng đắn mà cả người dân và chính phủ đều có thể tán thành, hoặc có thể gọi đó là hình thái ý thức của quốc gia. Thật không may, triều Tần đã chọn Pháp gia làm hình thái ý thức của quốc gia. Chúng ta biết rằng Pháp gia là một tà thuyết, cho nên triều Tần đã trở thành Vương triều tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, nó chỉ tồn tại trong 15 năm.
Liên quan đến phương diện này, nếu có cơ duyên trong tương lai, chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nó. Tần quốc thống nhất sáu nước đã đánh dấu sự kết thúc của Đông Chu liệt quốc. Chương “Đông Chu Liệt Quốc” của Chương trình “Tiếu đàm phong vân” của chúng ta cũng kết thúc ở đây.
(Hết)
(“Tiếu đàm phong vân” là phiên bản video về lịch sử Trung Quốc do NTDTV sản xuất. Hiện tại, năm bộ đã được phát hành: “Đông Chu liệt quốc,” “Tần Hoàng Hán Vũ,” “Tùy Đường thịnh thế,” “Lưỡng Tống phồn hoa,” và “Đại Minh vương triều.” Để mua và xem các bản ghi âm và ghi hình của Tiếu đàm phong vân,” vui lòng truy cập https://xtfy.ntdtv.com)
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!