‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 20: Viễn giao cận công (P.3)

tieudam minh chan tuong
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục ‘Tiếu Đàm Phong Vân’ của Đài truyền hình Tân Đường Nhân. (Ảnh: NTD)

Tu Giả nhìn Phạm Thư ăn mặc rất xuềnh xoàng, lúc ấy đang là mùa đông, nhìn Phạm Thư run lập cập. Ông ta liền nói với Phạm Thư: “Không ngờ một người tài hoa như chú lại đói khổ đến mức như vậy, rét run như thế”. Ông ta liền cầm chiếc áo mình đang mặc, cái áo đũi thô gọi là “đại bào” ra và nói: “Tôi tặng cái áo này cho chú, chú mặc vào đi.”

Phạm Thư làm bộ khách khí nói: “Quần áo đại phu, tôi làm sao có thể mặc chứ. Tôi chỉ là một thường dân.” Tu Giả nói: “Chúng ta đều là bạn cũ, bạn cũ không nên chối từ”. Sau đó ông ta còn mời Phạm Thư ăn cơm, hai người trò chuyện hồi lâu.

Phạm Thư nói với Tu Giả: “Để tôi đi nói với tướng quốc một tiếng giúp ông, hôm nay là thời điểm tốt để đi gặp tướng quốc”. Tu Giả nói: “Ta đi gặp tướng quốc của các ông, nhất định phải là cỗ xe tứ mã để thể hiện uy nghiêm của một quốc gia, là thể diện quốc gia, thế nhưng khi tôi đến đây, ngựa của ta bị gãy chân, trục của càng xe cũng bị gãy. Chú có thể mượn giúp ta một cỗ xe tứ mã hay không?” Việc này cũng giống như bây giờ chúng ta mượn một chiếc xe Mercedes-Benz 600 vậy.

Phạm Thư nói: “Không có vấn đề, chủ nhân của tôi có xe tứ mã, tôi có thể mượn giúp.” Thế là Phạm Thư từ biệt Tu Giả, về tướng phủ lôi chiếc xe của mình ra.

Kỳ thực Tu Giả nên suy nghĩ một chút, một người  ăn mặc xoàng xĩnh như vậy, vậy mà có thể mượn cỗ xe ngựa tứ mã, có thể chạy Mercedes-Benz 600, là khó có thể xảy ra. Nhưng ông ta cũng không nghi ngờ gì, liền lên xe mà Trương Lộc mượn.

Trương Lộc tự mình đánh xe, người đi trên đường ở Hàm Dương vừa nhìn thấy Tướng quốc tự mình đánh xe, đều hướng về chiếc  xe này cúi chào, rất là lễ phép. Tu Giả còn tưởng rằng là họ tôn kính mình, cho rằng họ tôn kính sứ thần nước Ngụy.

Xe đến cửa phủ Tướng quốc, Phạm Thư liền nói với Tu Giả: “Tôi thay ông vào trình báo trước một chút, ông chờ ở đây.” Sau khi Phạm Thư đi vào, Tu Giả đợi ở ngay kia, nhưng đợi mãi cũng không thấy Phạm Thư đi ra, ông ta liền hỏi người gác cổng: “Phạm thúc tại sao vẫn chưa ra nhỉ?” Người gác cổng nói: “Ai là Phạm thúc?” Ông ta nói: “Chính là người vừa rồi đánh xe cho ta đấy.”

Người gác cổng nói: “Đó là Tướng quốc Trương Lộc của chúng tôi, sao lại là Phạm thúc được?” Lúc này Tu Giả nghĩ, “hỏng rồi, đây là báo thù tới rồi, không có cách nào nữa, nàng dâu xấu cuối cùng cũng phải gặp cha mẹ chồng thôi.” Làm sao bây giờ? Ông ta lập tức cởi y phục của mình ra.

Thời xưa, cởi bỏ y phục là biểu thị nhận tội. Ông ta cởi quần áo ra, mũ cũng tháo xuống, giày tất đều cởi hết ra, sau đó chân trần quỳ tại cửa ra vào, nhờ người gác cổng thông báo giúp cho một tiếng, nói rằng tội nhân Tu Giả đang ở cửa nhận lãnh cái chết.

Người gác cổng bèn báo vào trong, nhưng sau khi báo xong, đến nửa ngày mà bên trong cũng không có động tĩnh gì. Tu Giả trong lòng bồn chồn, quỳ tại chỗ đó, quỳ trong thời gian rất lâu, sau đó bên trong mới truyền lời rằng Tướng quốc triệu kiến.

Tu Giả rất sợ hãi, ông ta vừa quỳ gối vừa tiến vào, dùng đầu gối đi về phía trước, đi đến dưới công đường. Lúc ấy Phạm Thư ngồi trên công đường uy phong lẫm liệt hỏi Tu Giả: “Ngươi có biết  ngươi phạm vào tội gì hay không?” Tu Giả nói: “Tôi phạm tội chết”. Phạm Thư nói: “Ngươi phạm vào bao nhiêu tội chết?” Tu Giả trả lời: “Nếu nói nhổ một sợi tóc của tôi, tính là một tội trạng, thì nhổ hết sạch tóc trên đầu, tội trạng của tôi vẫn không tính hết.”

Phạm Thư nói: “Ngươi có ba tội: Tội thứ nhất là tội vu khống. Ta căn bản không có cấu kết riêng tư với nước Tề, ta sở dĩ không làm quan nước Tề, là bởi vì phần mộ tổ tiên đều ở tại nước Ngụy, vì tận hiếu đạo mà quay về nước Ngụy; Tội thứ hai là, trong khi Ngụy Tề đánh ta, ta quằn quại kêu khóc, bị đánh thê thảm như vậy, ngươi không nói một câu nào khuyên bảo ông ta dừng tay; Tội thứ ba là, sau khi đánh cho ngất xỉu rồi, lại đem vứt ta vào trong nhà vệ sinh, ngươi cùng đám tân khách đi tiểu lên người ta. Đối nhân xử thế hay làm việc, có thể nào lại không chừa lối thoát cho mình chứ, ngươi có phải quá nhẫn tâm hay không.” Tu Giả lúc ấy không còn lời nào để nói.

Phạm Thư nói: “Ta vốn muốn giết ngươi, chặt đầu hút máu, lấy hết máu của ngươi ra, mới có thể hả được cơn giận trong lòng ta, nhưng vừa rồi khi ta đi gặp ngươi, ngươi nhìn thấy ta ăn mặc nghèo nàn, đã lấy đại bào tặng cho ta chống lạnh, còn mời ta ăn cơm, còn lưu luyến tình bạn cũ, đối với ta dường như vẫn giống như bạn cũ. Bởi vì điều này, ta sẽ không giết ngươi. Ngươi hãy trở về nói cho Ngụy Vương, nhanh chóng mang đầu của Ngụy Tề đến đây cho ta. Nếu như ông ta không đem đầu Ngụy Tề tới cho ta, ta sẽ tự mình lãnh binh đi tàn sát Đại Lương.”

Lúc ấy Tu Giả đã thoát chết, ông ta cảm thấy mình rất may mắn. Tác giả khi đang đọc câu chuyện này, liền cảm thấy rằng tâm đố kỵ của con người quả thật là vô cùng đáng sợ.

Chúng ta khi nói về chuyện Tôn Tẫn và Bàng Quyên đấu trí, đã từng nói đến chuyện Bàng Quyên bởi vì ghen tỵ với Tôn Tẫn, đem móc bỏ hết xương bánh chè của Tôn Tẫn, cuối cùng gặp bất lợi trong chiến tranh, tự sát mà chết. Nếu như ông ta không có tâm đố kỵ, tiến cử Tôn Tẫn cho Ngụy Vương, Tôn Tẫn nhất định sẽ làm Đại tướng, lập được rất nhiều công lao cho nước Ngụy.

Hơn nữa, Tôn Tẫn lại là một người không coi trọng danh lợi, tổ tiên của ông – Tôn Vũ chính là công thành thân thoái. Sau khi Tôn Tẫn công thành thân thoái, ông nhất định sẽ đem quân quyền của mình giao cho Bàng Quyên, nước Ngụy lại càng hùng mạnh, Bàng Quyên lại có thể nắm giữ binh quyền tối cao của nước Ngụy, đó không phải là chuyện tốt sao? Thế nhưng, Bàng Quyên bởi vì tâm đố kỵ mà hại Tôn Tẫn, tương đương với hại chết mình, đồng thời cũng hại nước Ngụy, làm cho nước Ngụy về sau không có đại tướng.

Tu Giả cũng là ghen tỵ với Phạm Thư vì được Tề Vương coi trọng, ông ta đi nói lời sàm ngôn. Chúng ta thấy rằng Phạm Thư là người ân oán tất báo, nếu như lúc ấy Tu Giả có thể tiến cử ông, ông cũng nhất định sẽ cho Tu Giả một an bài tốt. Tu Giả không tiến cử ông, cuối cùng dồn Phạm Thư đến nước Tần.

Có thể thấy rằng rất nhiều nhân tài đều là từ nước Ngụy chạy đến nước Tần, ví dụ như Trương Nghi, Thương Ưởng, Phạm Thư, còn có Tôn Tẫn, quá khứ đều là người nước Ngụy, về sau đều chạy tới nước Tần. Những người này sau khi rời khỏi nước Ngụy, nước Ngụy càng ngày càng suy yếu. Phạm Thư là nhân tài cuối cùng từ nước Ngụy chạy đến nước Tần. Hơn nữa Phạm Thư đến nước Tần đề xuất sách lược “viễn giao cận công”, và nước đầu tiên mà ông muốn thôn tính chính là nước Ngụy.

Lời bạch: Tần Vương tiếp thu sách lược viễn giao cận công của Phạm Thư, vào năm 268 TCN, tiến công Hoài Thành của nước Ngụy, nay là huyện Võ Trắc tỉnh Hà Nam; Vào năm 266 TCN lại tấn công Hình Khâu của nước Ngụy, nay là huyện Ôn tỉnh Hà Nam. Nước Ngụy vô cùng sợ hãi, phái Tu Giả đi sứ nước Tần du thuyết thừa tướng Trương Lộc.

Tu Giả không biết Trương Lộc chính là Phạm Thư. Bởi vì Tu Giả đem tặng đại bào cho Phạm Thư, nên Phạm Thư đã tha chết cho Tu Giả, nhưng ép cho Ngụy Tề tự sát. Kẻ thù đã chết, Phạm Thư tạm thời đình chỉ tấn công nước Ngụy, tập trung sự chú ý vào nước Hàn.

Phạm Thư nói với Tần Vương rằng, nước Tần và nước Hàn, quốc thổ hai nước giống như thêu thùa, đan xen vào nhau, nước Hàn là cái họa tâm phúc của nước Tần, cho nên nước Hàn là nhất định phải thu phục.

Tần Vương hỏi Phạm Thư: “Nếu như nước Hàn không nghe chúng ta thì phải làm thế nào?”

Phạm Thư nói: “Làm sao lại không nghe chứ? Đại Vương xem bản đồ thì sẽ biết, nếu như chúng ta tiến công Huỳnh Dương, chúng ta sẽ tách rời đô thành Tân Trịnh của nước Hàn (nay là một địa điểm ở phía nam của Trịnh Châu) với phía Bắc của nước Hàn.

Nếu như chúng ta phong tỏa Thái Hành sơn, sẽ có thể khiến Thượng Đảng góc Tây Bắc của nước Hàn (chính là nơi giao giới giữa Sơn Tây và Hà Bắc, nằm gần Trường Trị của Sơn Tây) cũng bị chia cắt với bản thổ nước Hàn. Như vậy sẽ chia cắt nước Hàn làm ba mảnh, nước Hàn sẽ không thể không nghe theo chúng ta.”

Trên thực tế, năm mà Phạm Thư cùng Tần Vương nói chuyện lần thứ nhất, là năm 270 TCN, nước Tần tấn công một nơi của nước Hàn gọi là Át Dữ (nay là huyện Hòa Thuận tỉnh Sơn Tây), là nơi giao giới giữa nước Hàn và nước Triệu. Nước Hàn cầu cứu nước Triệu, Triệu Vương hỏi các đại thần bên dưới, cứu hay không cứu nước Hàn? Liêm Pha nói “không cứu”. Triệu Xa nói “nên cứu”, ông nói: “Vùng đất Át Dữ này rất hiểm yếu, hai bên đối chọi tại nơi hiểm yếu, quân đội của quốc gia nào dũng cảm, thì quốc gia đó sẽ chiến thắng.”

Thế là Triệu Vương phái Triệu Xa đến Át Dữ cứu nước Hàn, trận này Triệu Xa đã đánh rất hay, đánh bại được nước Tần, còn bản thân ông ta cũng được phong làm Mã Phục Quân. Triệu Xa là danh tướng rất nổi tiếng thời kỳ hậu Chiến quốc. Thời kỳ hậu Chiến quốc có rất nhiều danh tướng, Liêm Pha chính là một trong số đó, nhưng khi đánh nhau với nước Tần, ông chỉ phòng thủ, không tiến công, chính là đánh trận kiểu phòng thủ với nước Tần.

Nước Triệu còn có hai tướng quân, về đánh trận so với Liêm Pha còn lợi hại hơn, họ có thể xuất kích tấn công nước Tần, và còn có thể đánh thắng. Một người trong đó là Triệu Xa, chính là Mã Phục Quân, còn có một người nữa là tướng quân cuối cùng trước khi nước Triệu bị diệt vong – Lý Mục, ông cũng đã có thể đánh bại nước Tần. Ngoài ra còn có một người nữa, công tử Tín Lăng Quân của nước Ngụy.

Thời kỳ hậu Chiến Quốc tổng cộng có bốn người có thể đánh nhau với nước Tần. Nhưng Tín Lăng Quân đánh nhau với nước Tần, là liên quân mấy nước cùng đánh, còn Triệu Xa và Lý Mục đánh nhau với nước Tần là chỉ dùng người ngựa nước Triệu. Cho nên Triệu Xa đánh trận rất lợi hại, ông đã đánh bại được quân Tần ngay tại Át Dữ này.

Vào năm 264 TCN, danh tướng Bạch Khởi của nước Tần tấn công một thành phố trọng yếu của nước Hàn gọi là Nam Dương, thẳng tiến Thái Hành Sơn. Sau hai năm, năm 262 TCN, Bạch Khởi lại tấn công Dã Vương tại huyện Thấm Dương tỉnh Hà Nam. Chúng ta nhìn bản đồ có thể thấy rằng, nếu như Dã Vương bị đánh hạ, tại phía Bắc nước Hàn có một quận Thượng Đảng, tất cả 17 tòa thành ở đây sẽ tách rời bản thổ, biến thành một mảnh đất cô lập.

Bọn họ căn bản không có sức ngăn cản nước Tần tấn công. Lúc ấy quận trưởng Thượng Đảng là Phùng Đình nhận được mệnh lệnh của Hàn Vương, Hàn Vương nói “ngươi không cần chống cự, cứ đầu hàng đi.” Nhưng Phùng Đình không nghe theo mệnh lệnh của Hàn Vương, quyết chơi đùa một phen. Ông ta cảm thấy nếu như đem đất này giao cho nước Tần, nước Hàn sẽ trở nên càng nhỏ yếu, đến khi nước Tần tiếp tục tiến công nước Hàn, thì việc nước Hàn vong quốc sẽ ngay ở trước mắt.

Ông ta nghĩ ra được một kế sách gọi là “thay mận đổi đào”. Ông ta không đem 17 tòa thành này cho nước Tần, mà muốn đem 17 tòa thành này tặng cho nước Triệu. Nếu như nước Triệu tiếp nhận 17 tòa thành này, thì nhất định sẽ chọc giận nước Tần. Bởi vì nước Tần quyết chiến, nhiều người chết như vậy, tiền tiêu nhiều như vậy, mảnh đất sắp rơi vào túi mình đột nhiên lại rơi vào nước Triệu, giữa nước Tần và nước Triệu tất nhiên sẽ phát sinh chiến tranh. Việc này giống như đem ngọn lửa này dẫn tới chỗ nước Triệu, như vậy nước Hàn sẽ được an toàn.

Thế là Phùng Đình viết một phong thư, và phong thư này được đưa đến tay Triệu Vương. Lúc ấy Triệu Huệ Văn Vương đã qua đời, người kế vị chính là Triệu Hiếu Thành Vương.

Triệu Hiếu Thành Vương tìm ba người đến thương lượng. Ba người này là Bình Dương Quân Triệu Báo, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng và Triệu Vũ. Ông ta hỏi  Bình Dương Quân Triệu Báo: “Mười bảy tòa thành này nên lấy hay không?” Triệu Báo nói: “Không thể nhận.

Thánh nhân dạy họa lớn là từ lợi vô cớ, chính là Thánh nhân cũng cho rằng, lợi ích vô duyên vô cớ từ trên trời rơi xuống là mối họa lớn nhất. Nước Tần hiện nay hao binh tổn tướng, chết nhiều người như vậy, tiêu nhiều tiền như vậy, thật vất vả muốn hạ được nơi này. Nay nếu như nước Triệu lấy về, nước Tần nhất định sẽ tấn công nước Triệu, cho nên đây là một cái củ khoai nóng bỏng tay.”

Triệu Hiếu Thành Vương nói: “Chúng ta tổn hao một trăm vạn binh sĩ, tiến đánh thời gian một năm, cũng chưa chắc hạ được mười bảy tòa thành. Nay chúng ta không phải mất một binh một tốt, lại có được lợi ích lớn như thế, không lấy thì phí.”

Triệu Hiếu Thành Vương lại cùng với Triệu Thắng và Triệu Vũ thương lượng, hai người này đều nói “nên nhận”. Thế là Triệu Vương phái Bình Nguyên Quân Triệu Thắng đi tiếp nhận mười bảy quận Thượng Đảng.

Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có một đánh giá về quyết định này, chính là câu thành ngữ “Thấy lợi tối mắt”. Chúng ta biết rằng, một người trong lúc quá vui mừng hoặc là quá giận dữ là không nên đưa ra quyết định, bởi vì lúc đó thứ chi phối người đó căn bản không phải là lý trí, mà là tình cảm.

Việc như thế nào có thể khiến cho người ta đại hỷ hay đại nộ đây? Đó chính là lợi ích. Lợi ích này, có thể là tiền tài, mỹ nữ, quyền lực, danh dự, thể diện…, rất nhiều thứ đều sẽ khiến cho người ta đại hỷ hoặc là đại nộ. Nếu quyết định được đưa ra vào thời điểm này, thì thông thường là không lý trí.

Điều mà Triệu Vương làm chính là một quyết định thấy lợi tối mắt như thế. Quyết định này chẳng những dẫn đến cả nước Triệu và nước Tần đều phải dốc hết binh lực để tiến hành quyết chiến, mà nước Triệu có rất nhiều quyết sách sai lầm trong trận chiến này, cuối cùng lâm vào thảm họa nước mất nhà tan. 

Vậy thảm họa này phát sinh như thế nào, cuộc chiến tranh này đã diễn ra như thế nào? Mời quý vị xem tập sau “Chỉ thượng đàm binh” – Đàm luận việc binh trên giấy.

(Còn tiếp)

Xem thêm Loạt bài “Tiếu đàm phong vân

Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x