Chúng ta biết rằng nền văn minh Trung Hoa bắt đầu từ thời Hiên Viên Hoàng Đế. Dân tộc Trung Hoa cũng được gọi là con cháu của Viêm Hoàng (Viêm Đế và Hoàng Đế). Năm vị gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn được xưng là Ngũ Đế. Những sự tích về họ được ghi chép lại trong phần “Ngũ Đế bản kỷ” của cuốn “Sử ký.”
Xem lại “Tiếu đàm phong vân”: Tập 1; Phong vân khó lường [Phần 4]
Chúng ta biết các vị Ngũ Đế là nhường ngôi, Đế Nghiêu nhường ngôi cho Đế Thuấn, Đế Thuấn nhường ngôi cho Vũ. Vũ không có nhường ngôi nữa. Vũ đem ngôi vị của mình truyền lại cho con trai là Khải. Từ đó bắt đầu xuất hiện vương triều đầu tiên truyền ngôi trong gia đình ở Trung Quốc, chính là vương triều nhà Hạ. Thế cho nên người đời sau cho rằng đạo đức của Vũ không sánh bằng Nghiêu Thuấn, mặc dù Vũ cũng được xưng là Đế Vũ, nhưng mọi người cũng gọi ông là Đại Vũ Vương. Chính là đem Đế hiệu đổi thành Vương hiệu.
Quốc tộ của triều Hạ tồn tại tổng cộng 400 năm. Đến những năm cuối triều Hạ xuất ra một vị vua gọi là Kiệt. Kiệt là một vị quân chủ vô cùng bạo ngược, về sau triều Hạ bị Thang Vương đánh đổ. Sau khi lật đổ Hạ Kiệt. Thang Vương lập nên triều Thương. Quốc tộ của triều Thương tồn tại tổng cộng 600 năm. Những năm cuối của triều Thương lại xuất ra một vị Đế vương vô cùng bạo ngược, chính là Trụ. Chúng ta biết rằng có một số thành ngữ, ví như “trợ Trụ vi ngược,” đều có liên quan đến Trụ, bao gồm cả truyện “Phong Thần diễn nghĩa” đều kể về một số cuộc chiến vào những năm cuối cùng của triều Thương và vào thời điểm triều Chu đang lập quốc lúc bấy giờ.
Sau khi Vũ Vương phạt Trụ đã lập nên triều Chu. Triều Chu là một triều đại có quốc tộ tồn tại thời gian dài nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian tồn tại kéo dài đạt tới 800 năm. Trong 800 năm này lại chia thành hai phần, một phần là hơn 200 năm đầu, về niên đại cụ thể chúng ta đã rất khó thống kê. Khoảng hơn 200 năm đầu này được gọi là Tây Chu; khoảng hơn 500 năm về sau đó được xưng là Đông Chu.
Kỳ thực, triều Chu là một vương triều phong kiến. Sau khi Vũ Vương phạt Trụ thắng lợi, đã chia thiên hạ của ông thành rất nhiều quốc gia, sau đó phân ra ba nhóm người, phân đất và phong hầu rồi đưa họ đến các quốc gia khác nhau để quản lý. Theo truyền thuyết thì Chu Vũ Vương phân phong tổng cộng cho 800 chư hầu. Trong đó có một nhóm là con em Hoàng thân quốc thích của chính ông, tỷ như em trai của ông là Chu Công Đán được phong đến nước Lỗ. Tuy nhiên Chu Công Đán cũng không đến nước Lỗ, mà phái con trai của mình là Bá Cầm đến nước Lỗ. Chu Công Đán ở lại kinh thành chính, phụ trách chế định lễ nhạc cho triều Chu, bao gồm cả việc phụ tá Thành Vương.
Còn một nhóm chư hầu được phân phong là những người lập được rất nhiều công lao to lớn trong chiến tranh, chính là lấy công huân để phong quốc. Tỷ như nói chúng ta biết Khương Tử Nha, ông được phong đến nước Tề, là tỉnh Sơn Đông ngày nay. Chúng ta nói Tề Lỗ đại địa, chính là vùng đất tỉnh Sơn Đông ấy, toàn bộ cả một khu vực vô cùng rộng lớn này được phong cho Khương Tử Nha.
Còn có một nhóm, chính là những hạ thần của tiền triều lưu lại, tỷ như nói Cơ Tử. Có người nói Cơ Tử là anh họ của Trụ Vương, có người nói ông là chú ruột của Trụ Vương, ông được phong đến Triều Tiên, chính là bán đảo Triều Tiên hiện nay. Cơ Tử là người thứ nhất lập quốc ở vùng đó.
Triều Chu đã phân đất phong hầu cho 800 chư hầu, được phân thành ba nhóm: một nhóm là con em hoàng thân quốc thích; một nhóm là những công thần lập được công huân trong thời kỳ thay đổi triều đại; còn một nhóm là hạ thần của tiền triều lưu lại.
Cho nên trên thực tế triều Chu là một quốc gia phong kiến. Những người này sau khi đã được phong đến các bang quốc của họ, phải đến đất biên giới của nước mình xới đất lên, tiếp sau đó trồng một cây tùng lên vị trí ấy. Động tác này gọi là “phong.” Hai chữ “phong kiến,” thì “phong” là chỉ việc xới đất của lãnh thổ nước mình ở biên giới lên, sau đó trồng cây tùng vào; vậy còn “kiến” thì có ý gì đây? “Kiến” chính là một quốc quân do Thiên tử chỉ định, làm người thống trị bang quốc, động tác này được gọi là “kiến.” Thế nên “phong kiến” trên thực tế là “phong thổ kiến quốc.”
Chúng ta biết triều đại nhà Chu, trải qua thời kỳ Tây Chu, Đông Chu, cuối cùng thống nhất bởi nhà Tần. Triều Tần chưa từng làm việc ‘phong kiến.’ Có nghĩa là đến triều Tần, chế độ mà Trung Quốc bắt đầu thực thi chính là chế độ quận huyện, cũng không phân phong người đến một vùng nào đó tạo lập một quốc gia, lãnh thổ, chủ quyền, thu thuế, tài chính và quyền bổ nhiệm nhân sự, hết thảy đều không có. Cho nên đến triều Tần trở về sau, Trung Quốc trên thực tế là một quốc gia trung ương tập quyền.
Khi chúng ta học lịch sử ở Trung Quốc đại lục, mọi người thường nói bắt đầu từ thời nhà Tần, Trung Quốc là quốc gia phong kiến. Khái niệm này không đúng. Triều Chu mới là chế độ phong kiến, đã phân phong cho 800 chư hầu, kiến lập lên 800 nước chư hầu.
Chúng ta nhất định phải nói một chút về khái niệm quốc gia ở thời nhà Chu. Nó không giống với quốc gia về mặt ý nghĩa như hiện nay. Quốc gia của thời đó là bang quốc, cũng chính là nói, mặc dù những chư hầu ở trong bang quốc của chính họ có quân đội và chủ quyền riêng, nhưng trên thực tế họ lấy Thiên tử của triều Chu làm đối tượng để tiến cống. Chư hầu cũng cần phải nhận được lệnh phong tước vị của Thiên Tử triều Chu. Cho nên khái niệm quốc gia này, nó cũng không phải thực sự là quốc gia độc lập về mặt ý nghĩa, nó chỉ là một khái niệm bang quốc.
Sau triều đại nhà Tần, có một số triều đại ở Trung Quốc cũng cố gắng khôi phục lại một phần chế độ phân đất phong hầu. Ví như nói Lưu Bang, sau khi kiến lập triều nhà Hán, lúc ấy liền phong Vương cho rất nhiều người khác họ, như Hàn Tín được phong làm Sở Vương. Nhưng sau khi Lưu Bang xưng Đế, cả một đời ông đều tranh đấu để trừ khử những vị Vương khác họ này, ông loại bỏ những vị Vương khác họ. Về sau, Lưu Bang cảm thấy những vị Vương khác họ không đáng tin nên ông lại phong Vương cho rất nhiều người cùng họ Lưu, con em của chính nhà ông, như con trai của anh trai ông v.v. Ông đã phong cho một số người họ Lưu làm Vương như vậy. Nhưng những vị Vương cùng họ Lưu này sau cũng lần lượt làm loạn.
Chúng ta biết vào thời Hán Cảnh Đế có Ngô Sở thất quốc chi loạn (loạn bảy nước và do Ngô Sở dẫn đầu). Chính là từ triều nhà Tần, bình thường mà nói, nếu kiến lập một triều đại mà thực hiện phân phong, hoặc là nói có một số phiên trấn giống như ở triều Đường, khi thực lực của nó quá lớn mạnh, cuối cùng sẽ tạo thành một cục diện chiến loạn. Cho nên nói từ triều nhà Tần về sau, trên cơ bản Trung Quốc là một quốc gia có chế độ trung ương tập quyền.
Triều đại nhà Chu kéo dài 800 năm được chia làm hai phần, khoảng 250 năm đầu gọi là Tây Chu, 550 năm về sau được gọi là Đông Chu. Vì sao khoảng thời gian đầu lại gọi là Tây Chu? Là bởi vì đô thành của nó được xây dựng tại Hạo Kinh. Vị trí của Hạo Kinh chính là huyện Kỳ Sơn, tỉnh Thiểm Tây ngày nay, tại vùng phụ cận Tây An, là ở về phía tây. Về sau đến thời của Bình Vương, thì dời đô về phía đông ở Lạc Ấp, chính là thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam ngày nay. Cho nên nói đô thành của nó từ vùng phụ cận Tây An dời đến Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Bởi vì một cái có đô thành ở phía tây, cho nên gọi là Tây Chu; một cái đô thành ở phía đông, cho nên gọi là Đông Chu.
Thời Đông Chu tồn tại khoảng 550 năm. Từ năm 770 TCN đến năm 475 TCN, khoảng thời gian 300 năm này được gọi là thời kỳ Xuân Thu. Từ năm 475 TCN đến năm 221 TCN, được gọi là thời kỳ Chiến Quốc. Đến thời điểm năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất Trung Quốc.
Thời kỳ Xuân Thu và thời kỳ Chiến Quốc là một thời kỳ biến động lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Các phương thức chính trị, kinh tế, văn học, triết học, quản lý quốc gia, hệ thống pháp luật … của Trung Quốc đều xuất hiện và được định hình vào thời này. Cho nên nói thời gian này là một thời kỳ các loại tư tưởng học thuật và các loại văn thần võ tướng vô cùng phát triển trong lịch sử Trung Quốc, cũng là một thời đại mà các cá tính được bộc lộ mạnh mẽ.
Lời bạch: Lịch sử Trung Quốc được ghi chép bắt đầu từ thời Ngũ Đế, Ngũ Đế là chỉ Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Sau thời Ngũ Đế có thuyết “Tam Vương,” Tam Vương này là chỉ Đại Vũ Vương thành lập triều Hạ, Thang Vương thành lập triều Thương và Chu Vũ Vương thành lập triều Chu. Triều Chu là một quốc gia phong kiến “phong thổ kiến quốc,” kiến lập lên hơn 800 nước chư hầu với quân chủ là tông thất của Chu Thiên tử, các công thần khai quốc và các hạ thần của tiền triều lưu lại. Triều đại nhà Chu tồn tại qua 800 năm, khoảng 250 năm đầu định đô ở Tây Kinh, nên gọi là “Tây Chu”; khoảng 550 năm về sau được gọi là “Đông Chu.” Thời Đông Chu lại phân chia thành thời kỳ Xuân Thu vào 300 năm đầu, và thời kỳ Chiến Quốc vào 250 năm cuối. Xuân Thu, Chiến Quốc là thời kỳ biến động lớn trong lịch sử Trung Quốc. Hình thái quốc gia của Trung Quốc cũng từ thể chế phân phong của triều đại nhà Chu chuyển sang thể chế quốc gia trung ương tập quyền từ triều đại nhà Tần và kéo dài đến 2,000 năm sau. Câu chuyện của chúng ta chính là xảy ra vào những năm cuối thời kỳ Xuân Thu.
Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta có tên là Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư có sức ảnh hưởng hết sức to lớn trong lịch sử Trung Quốc. Loại ảnh hưởng này có thể chia làm hai phương diện, một là ảnh hưởng đối với dân gian. Chúng ta biết trong dân gian, có rất nhiều ngành nghề đều phải tìm cho mình một vị Tổ sư (ông tổ của nghề). Tỷ như nói về nghề đồ tể (mổ heo) thì lấy Trương Phi làm Tổ sư, những người làm nghề này cho rằng Trương Phi làm nghề giết heo. Trên thực tế trong “Tam quốc chí” không có ghi lại điều này, mà đây chỉ là một loại truyền thuyết trong dân gian. Nghề dệt thì lấy Lưu Bị làm Tổ sư, chúng ta đều biết Lưu Bị bán chiếu dệt và giày, ông dệt chiếu rơm, bện giày cỏ. Nghề hý kịch, họ lấy Đường Huyền Tông là Tổ sư, bởi vì Đường Huyền Tông vô cũng tinh thông âm luật. Vậy Ngũ Tử Tư là Tổ sư của nghề nào? Ông được những người ăn mày ở một số vùng tôn là Tổ sư, bởi vì Ngũ Tử Tư đã từng đi xin ăn.
Trong “Sử ký” có ghi chép lại một việc. Ngũ Tử Tư trên đường chạy trốn, trên đường chạy trốn từ nước Sở sang nước Ngô, ông đã từng đi xin ăn. “Sử ký” nói về Ngũ Tử Tư rằng “chưa đến Ngô thì ngã bệnh, nửa đường dừng lại, ăn xin.” Chính là nói Ngũ Tử Tư đang trên đường chạy trốn, khi còn chưa đến được nước Ngô, thì ông đã ngã bệnh, nửa đường dừng lại xin người khác cơm ăn. Còn có một số truyền thuyết cho rằng, Ngũ Tử Tư ở trong đô thành của nước Ngô cũng đã từng thổi tiêu xin ăn. Cho nên nói những người ăn mày đều coi Ngũ Tử Tư là Tổ sư của họ.
Đương nhiên ảnh hưởng của Ngũ Tử Tư đối với xã hội Trung Quốc không chỉ là ăn xin. Khoảng vào năm 500 trước công nguyên, Ngũ Tử Tư đã giúp đỡ nước Ngô lúc ấy xây dựng đô thành Cô Tô, cũng chính là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay. Thành phố Tô Châu ngày nay chính là do Ngũ Tử Tư lúc đó xây dựng, đã tồn tại 2,500 năm. Ngũ Tử Tư văn võ toàn tài, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với lịch sử Trung Quốc. Ông lẫy lừng oanh liệt trong gần 30 năm, có rất nhiều chuyện kể và thành ngữ đều liên quan đến Ngũ Tử Tư. Trong hý kịch có “Văn chiêu quan”, chính là kể về câu chuyện Ngũ Tử Tư qua Chiêu Quan; còn có một số thành ngữ như quật mộ tiên thi (đào mộ quất roi vào thi thể), nhật mộ đồ viễn (mặt trời sắp lặn đường lại còn dài), đảo hành nghịch thi (đi ngược dòng nước, hoặc làm điều ngang ngược), ngọa tân thường đảm (nằm gai nếm mật) v.v. đều có liên quan với Ngũ Tử Tư.
Ngũ Tử Tư lẫy lừng oanh liệt trong 30 năm, ông văn thao vũ lược ảnh hưởng vô cùng lớn đối với hậu thế, cả đời của ông lại mang sắc thái vô cùng bi kịch. Cha và anh trai của ông đều bị chết oan uổng, chính bản thân ông cũng đã trải qua một khoảng thời gian chạy trốn cực kỳ khó khăn. Cha và anh trai của ông là bị giết chết như thế nào đây? Cái này chúng ta phải kể từ đầu.
Ngũ Tử Tư vốn là người nước Sở. Sở là một quốc gia vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng Hồ Bắc, Hồ Nam của Trung Quốc, từ Hồ Nam đi về phía tây nam và đông nam đều là lãnh thổ của nước Sở lúc bấy giờ. Lưu vực sông Trường Giang đi về phía nam, trừ vùng Giang Tô và Chiết Giang ra, thì trên cơ bản đều là địa bàn thuộc về nước Sở, hơn nữa nó còn bao gồm cả một phần vùng phía bắc lưu vực sông Trường Giang, như Hàn Nam, An Huy còn có một phần của vùng Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu v.v. Cho nên có người khảo cứu nói nước Sở là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn nhất trên thế giới vào thời đó, có hơn 1 triệu km2, nó cũng là một quốc gia rất lớn mạnh.
(Còn nữa)
Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ.
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!