‘Tiếu Đàm Phong Vân’ – Tập 15: Hợp tung liên hoành [P2]

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Biện Hòa dâng Ngọc 

Lời bạch: Ở nước Triệu, Tô Tần lần thứ nhất trình bày và phân tích hoàn chỉnh chủ trương hợp tung của mình, ông đã thuyết phục được Triệu Túc Hầu, được Triệu Túc Hầu thưởng rất nhiều hoàng kim và bạch ngọc để ông đi du thuyết các Quốc Quân khác. Nhưng chủ trương hợp tung còn chưa bắt đầu tiến hành thì gặp phải thách thức đầu tiên.

Ngay tại thời điểm Tô Tần chuẩn bị rời nước Triệu đi đến nước khác du thuyết, giữa nước Tần và nước Ngụy phát sinh một cuộc chiến tranh, đại tướng Công Tôn Diễn của nước Tần đã đánh hạ một tòa thành Điêu Âm của nước Ngụy (phía nam Cam Tuyền, tỉnh Thiểm Tây ngày nay).

Tiếp đó, nước Tần chuẩn bị tấn công nước Triệu vì cho rằng sau khi nước Ngụy thua trận, trong thời gian ngắn nước Ngụy sẽ không dám xuất binh giao tranh với nước Tần nữa. Khi Công Tôn Diễn chuẩn bị tấn công nước Triệu, Triệu Túc Hầu rất lo lắng.

Ông nói với Tô Tần rằng, trừ khi ngươi có thể bảo đảm nước Tần không lập tức tấn công nước Triệu, nếu không xin ngươi đừng nghĩ tới chuyện rời khỏi nước Triệu. Tô Tần nghĩ, ta làm thế nào mới có thể khiến cho nước Tần không tấn công nước Triệu đây? Ông nghĩ đến một vị bằng hữu của mình, người bạn đồng môn, Trương Nghi.

Tô Tần và Trương Nghi cùng nhau xuống núi, sau khi xuống núi, Trương Nghi đi đến nước Sở và ở trong nhà của tướng quốc nước Sở. Có một lần tướng quốc nước Sở tổ chức một buổi yến hội rất lớn và long trọng, Trương Nghi cũng tham dự.

Trong lần yến hội này tướng quốc làm rơi mất một miếng ngọc, miếng ngọc rất quý được gọi là Hòa Thị Bích (Ngọc bích họ Hòa). Trong truyền thuyết, miếng ngọc này đã được nhiều người nhắc đến.

Ngọc bích họ Hòa có lai lịch như thế nào? Vào thời kỳ Xuân Thu, có một người tên là Biện Hòa ở nước Sở, ông phát hiện được một tảng đá đặc biệt bóng nhẵn dưới chân núi Kinh. Khi trời mưa, nước mưa rơi trên tảng đá, tảng đá này không bị ướt.

Sau đó, có con chim Phượng Hoàng bay đến đậu xuống tảng đá, Biện Hòa biết bên trong tảng đá này là một khối ngọc quý. Ông đào tảng đá mang về, dâng cho Quốc Quân của nước Sở lúc bấy giờ là Sở Lệ Vương.

Sở Lệ Vương tìm một thợ ngọc đến xem tảng đá xem rốt cuộc bên trong nó có bảo bối hay không, người thợ ngọc kia nhìn thoáng qua rồi tâu, đây chỉ là một tảng đá. Sở Lệ Vương rất tức giận, bị một tên dân thường nghèo túng mang một tảng đá đến lừa gạt, nói đây là một khối ngọc. Sở Lệ Vương liền ra lệnh chặt đứt một chân của Biện Hòa.

Sau khi Sở Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương lên kế vị, Biện Hòa với một chân còn lại tiếp tục mang tảng đá kia đến dâng ngọc. Sở Vũ Vương lại cho người thợ ngọc đến xem, người thợ ngọc kia vừa nhìn một cái, nói đây vẫn là một tảng đá. Kết quả Sở Vũ Vương lại ra lệnh chặt đứt một chân còn lại của Biện Hòa.

Sau khi Sở Vũ Vương qua đời, Sở Văn Vương kế vị, Biện Hòa nghe nói Quốc Quân mới lên ngôi, ông lại muốn đi hiến ngọc, thế nhưng ông đã không còn chân nữa rồi.

Ông ôm khối ngọc kia ngồi khóc trong nhà, khóc đến mức nước mắt đều cạn, khóc cho đến khi máu chảy thành lệ. Những người xung quanh đều không hiểu được, hỏi ông rằng, ông mỗi lần đi dâng ngọc đều bị chặt một cái chân, đã bị chặt mất hai chân rồi, chẳng lẽ ông còn muốn hiến ngọc thêm một lần nữa hay sao? Đi hiến ngọc lần này, có thể ngay cả mạng ông cũng không giữ nổi.

Biện Hòa đáp, tôi không phải khóc cho bản thân, tôi khóc vì rõ ràng đây là một khối ngọc quý, lại bị nói thành là một tảng đá.

Sở Văn Vương biết được tin này, lập tức cho mời Biện Hòa vào cung, sau đó lệnh thợ ngọc mang tảng đá kia xẻ ra. Sau khi xẻ ra thì được một khối ngọc đẹp không chút tì vết. Đây là nguồn gốc của viên ngọc mang tên Hòa Thị Bích.

Sau này, khi Tần Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ đã lệnh cho thừa tướng Lý Tư viết xuống tám chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” lên viên ngọc bích học Hòa, nghĩa là “Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi”, trở thành ngọc tỷ truyền quốc của các triều đại Hoàng Đế.

Lúc ấy, tướng quốc nước Sở vừa mới diệt được nước Việt, lập được công lao lớn. Quốc Quân nước Sở đã đem khối ngọc Hòa Thị Bích này thưởng cho ông, kết quả lại bị đánh mất ở lần yến hội kia. Đương nhiên mọi người đều muốn tìm ra người nào lấy mất khối ngọc này.

Có người nói trong nhà Trương Nghi rất nghèo, hơn nữa thanh danh không tốt, nghèo mà không có đức hạnh, đạo đức phẩm hạnh không tốt, nhất định là Trương Nghi lấy trộm nó.

Vị tướng quốc của nước Sở này cũng là một người lỗ mãng, lập tức hỏi Trương Nghi có lấy trộm không? Trương Nghi nói không lấy, cũng không thừa nhận, kết quả ông bị đánh cho một trận dữ dội, sống dở chết dở. Mọi người cũng không tìm ra khối ngọc kia, bèn khiêng Trương Nghi đưa về nhà.

Sau khi bị khiêng về nhà, thê tử của Trương Nghi nhìn thấy phu quân bị đánh thành bộ dạng này, tất nhiên nàng rất đau lòng. Trong “Trương Nghi liệt truyện” có ghi lại đoạn đối thoại rất thú vị giữa hai phu thê họ. Nàng nói với Trương Nghi: “Ôi chao, nếu như phu quân chịu ở nhà trồng trọt, thì hôm nay đâu đến nỗi gặp phải kết cục như vậy”.

Trương Nghi há miệng hỏi thê tử mình: “Nàng nhìn xem đầu lưỡi của ta còn ở đó không?”. Phu nhân trả lời: “Đầu lưỡi vẫn còn đó”. Trương Nghi liền nói: “Chỉ cần đầu lưỡi của ta còn, thì đây chính là tiền vốn của chúng ta, tương lai chúng ta nhất định sẽ không gặp cảnh nghèo túng nữa”.

Trương Nghi dưỡng bệnh ở ngay nước Sở, đại khái dưỡng được mấy tháng. Sau khi dưỡng tốt thương tích trên người, ông cũng cảm thấy ở nước Sở thực sự không sống được nữa, ông trở về quê nhà của mình ở nước Ngụy. Sau khi về đến Ngụy, ông vẫn nghĩ làm thế nào có thể ra làm quan.

Một hôm, trước cửa nhà ông xuất hiện một người sửa xe, người này nói chuyện phiếm cùng với Trương Nghi, tự giới thiệu mình họ Giả, là Giả Xá Nhân. Giả Xá Nhân nói mình làm ăn buôn bán như thế nào như thế nào, ông nói với Trương Nghi rằng: “Tôi nghe nói vị bằng hữu Tô Tần của ông hiện nay đang ở nước Triệu rất đắc ý, vì sao ông không tìm đến nhờ vả ông ta?”.

Trương Nghi nói: “Đúng vậy, tôi muốn đi nhưng lại không có tiền”. Giả Xá Nhân nói: “Vừa lúc tôi phải đến nước Triệu để buôn bán, ông hãy cùng tôi đến nước Triệu”. Trương Nghi rất vui mừng, đi theo Giả Xá Nhân tới nước Triệu.

Đến nước Triệu, Giả Xá Nhân nói với Trương Nghi: “Tôi có mấy bằng hữu gần đây, muốn đến thăm họ một chút, ông hãy nghỉ ở quán trọ trước”. Ông ấy sắp xếp cho Trương Nghi ở trong quán trọ rồi đi. Trương Nghi muốn tự mình đi bái kiến Tô Tần, ông cầm danh thiếp đưa đến phủ tướng quốc. Tô Tần từ chối gặp ông, người gác cổng đã gây rất nhiều khó dễ, rất nhiều khó chịu với ông.

Trương Nghi lúc ấy cảm thấy không chịu đựng được, muốn dứt khoát bỏ đi cho rồi, nhưng chủ quán trọ không để cho ông đi, nói rằng: “Ông đã đưa danh thiếp trình lên phủ tướng quốc rồi, nếu như tướng quốc đến tìm ông, tôi biết tìm ông ở đâu”. Chủ quán trọ không cho ông đi.

Qua vài ngày sau, quả thật có người của phủ tướng quốc đến, nói với Trương Nghi hai ngày nữa tướng quốc có thời gian gặp ông. Đến ngày hẹn, Trương Nghi cố ý mượn chủ quán trọ một bộ y phục tươm tất và một cái khăn chít đầu rất đẹp, đến gặp Tô Tần.

Đến phủ tướng quốc, người giữ cửa không cho ông đi vào bằng cửa chính, nói ông chỉ có thể đi vào từ cửa ngách bên cạnh, Trương Nghi đành phải đi vào từ cửa ngách. Sau khi đi vào, ông nghĩ gặp được Tô Tần ngay, kết quả người hầu ngoài phòng khách báo: “Tướng quốc bây giờ đang bận công việc chưa rảnh để nói chuyện với ngài, ngài chờ một chút”.

Trương Nghi đứng đợi ở bên ngoài phòng khách, người tới bẩm báo công việc nườm nượp không dứt, Tô Tần đang giải quyết công việc.

Giải quyết xong, khi Trương Nghi lại muốn gặp Tô Tần, người hầu báo: “Vẫn chưa được, đại nhân nhà chúng tôi vẫn còn một số việc nhà cần phải giải quyết”, thế là để Trương Nghi đứng bên kia đợi. Tô Tần giải quyết việc nhà mãi đến giữa trưa, lúc này Trương Nghi đã rất đói bụng.

Đột nhiên từ phòng khách truyền lời xuống nói tướng quốc triệu kiến, Trương Nghi mang theo bụng rỗng đến phòng khách gặp Tô Tần. Trương Nghi khom người thi lễ với Tô Tần, người xưa đều rất coi trọng lễ nghi. Tô Tần đang ngồi ở phòng khách, cũng không đứng lên chào đón, chỉ nhấc tay lên và hỏi: “Dư Tử từ khi chia tay đến giờ có khỏe hay không”. Dư Tử là tên tự của Trương Nghi.

Trương Nghi nhẫn nhịn đầy một bụng tức giận, đứng cả một buổi sáng, lại rất đói. Tô Tần nói: “Bây giờ đã là giữa trưa rồi, chúng ta hãy dùng cơm”. Tô Tần sai người bày một bàn nhỏ gồm hai món ăn, một món là thịt, một món là đồ chay, ở bên ngoài phòng khách, để Trương Nghi đến đó ngồi ăn.

Trương Nghi ngẩng đầu nhìn vào phòng khách, các món sơn hào hải vị bày đầy một bàn, Tô Tần đang ngồi ở đó. Trương Nghi không muốn ăn nhưng thực sự quá đói, không còn cách nào, chỉ đành cúi đầu dùng bữa. Ông thấy Tô Tần chỉ ăn một chút xíu những món ăn mỹ vị kia, rồi đem toàn bộ thức ăn còn lại phân cho tôi tớ. Tôi tớ của Tô Tần ăn còn ngon hơn Trương Nghi. Trương Nghi thật tức giận vô cùng.

(Còn tiếp)

Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x