Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.1): Khởi nguồn của lịch sử và ước mơ

Đôn Hoàng
Vào năm Kiến Nguyên thứ hai, Trương Khiên, cận thần của Hán Vũ Đế, bắt đầu hành trình đầy mạo hiểm đến Tây Vực. (Ảnh: Epoch Times)

Đôn Hoàng, thế giới Phật quốc nguy nga tráng lệ: Nơi có Đức Phật từ bi đang ngồi thiền định, các vị Bồ Tát trang nghiêm thoát tục, các phi thiên uyển chuyển bay lượn, những thánh đồ kính cẩn lặng im. Tất cả họ đã dùng những phương thức khác nhau để bảo vệ miền tịnh thổ giữa lòng sa mạc hoang vu.

Nơi đây còn tái hiện một các sống động bức tranh lịch sử các triều đại xa xưa: Bắc Triều hào hùng với thương vàng ngựa sắt, Tuỳ Đường giàu có thịnh vượng, Ngũ đại Thập quốc chiến sự rối ren, Tống Nguyên ôn hoà cần kiệm. Các vương triều tiếp nối nhau xuyên suốt chiều dài hơn 1,000 năm lịch sử, lưu lại nhiều ấn ký từ thời đại xa xưa.

Đôn Hoàng cũng là kho tàng văn hoá vô cùng uyên bác và đồ sộ: nơi lưu giữ những tượng màu sống động như thật, những bức bích hoạ với bút pháp tinh tế, những kinh văn phong phú đồ sộ, những kiến trúc cổ đại tinh tế, khéo léo. Tất cả đã thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa tín ngưỡng và nghệ thuật, kết tinh nên một nền văn minh truyền thống Trung Hoa đỉnh cao vĩnh hằng.

Lời tựa

Vào thời kỳ đầu khi Phật giáo đang rất hưng thịnh, chùa hang đá là một trong những nơi quan trọng để các tăng đồ tu hành và người dân chiêm bái. Khi Phật Pháp truyền đến phương Đông, dưới sự chỉ dẫn của Thần, Phật Pháp đã tìm được thắng địa thanh tịnh trên mảnh đất Trung Quốc Thần Châu, đó chính là Đôn Hoàng.

Kể từ đó, trên mảnh đất này bắt đầu xuất hiện những tiếng rìu đục đá mở ra một phương trời mới, những nét khắc hoạ uốn lượn vẽ lên thế giới cực lạc vô cùng sống động. Những hang đá tại Đôn Hoàng giống như vô số viên ngọc quý được trạm khắc lên hàng dài các vách đá.

Hang động Đôn Hoàng là một trong những kỳ quan văn minh lớn trong lịch sử nhân loại. Nó là tổ hợp của các hang đá lớn như Hang Mạc Cao, hang Du Lâm, Đông Thiên Phật động, Tây Thiên Phật động, năm ngôi chùa hang đá, v.v. Trong số đó, Hang Mạc Cao có quy mô lớn nhất và đạt thành tựu nghệ thuật cao nhất.

Đôn Hoàng, thế giới Phật quốc ,
Bức tranh phi thiên cầm chuỗi anh lạc trên bức tường phía tây của Hang động số 158 thuộc Hang Mạc Cao vào thời kỳ nhà Đường. (Ảnh: Tài sản công).

Đến nay, Hang Mạc Cao có tổng cộng 735 hang động nằm rải rác ở các độ cao khác nhau, với 45,000 mét vuông tranh tường và 2,415 pho tượng màu bằng đất sét. Đây cũng là thánh địa của nghệ thuật Phật giáo với quy mô lớn nhất, nội dung phong phú nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nay.

Bởi vì trong những thập niên gần đây, Hang 17, Tàng Kinh Động và hơn 50,000 văn vật mới được khai quật, cho nên đã sinh ra một chuyên ngành nghiên cứu quốc tế mới là Nghiên cứu Đôn Hoàng.

Có người nói, đây là một hang động huyền bí khiến Alibaba và 40 tên cướp ra sức tìm kiếm. Cũng có người cho rằng, những bức bích hoạ ở đây không thua kém các bức bích họa trong nhà thờ của thời kỳ Phục hưng phương Tây vào 700 năm sau. Lại có người bày tỏ, Đôn Hoàng là lịch sử đáng buồn của giới học thuật Trung hoa… Đôn Hoàng và văn hoá Phật giáo ẩn giấu trong mảnh đất này chính là một kho báu vô tận và là một chủ đề bàn luận kéo dài mãi mãi.

Đều nói nghệ thuật của nhân loại phản ánh thế giới. Vậy nếu như thế giới đẹp nhất là ở trên thiên thượng, vậy nghệ thuật đẹp nhất nên được dâng tặng cho các vị Thần trên đó. Đôn Hoàng là màu sắc đa dạng, là âm nhạc bất tận, là tín ngưỡng bền vững, và còn là giấc mơ về chân lý và đích đến của sinh mệnh con người.

Đôn Hoàng dù nằm ở phía Tây nơi biên cương cằn cỗi, trải qua biết bao bãi bể nương dâu, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghệ thuật mà nó lưu lại vẫn huy hoàng tráng lệ và lay động lòng người.

Nguồn gốc của Đôn Hoàng

Đôn cũng là rộng lớn, Hoàng trong huy hoàng, cũng chính là hưng thịnh vậy. Từ Đôn Hoàng xuất hiện sớm nhất vào thời Hán Vũ thịnh thế. Bắt đầu từ năm 121 TCN, Hán Vũ Đế đã thiết lập bốn quận, hai quan ải ở khu vực Hà Tây, trong đó có một quận đặt là Đôn Hoàng, bởi người dân vùng này đã có công khai phá Tây Vực. Mà Hà Tây lại nằm phía tây sông Hoàng Hà, nằm giữa Kỳ Liên Sơn và dãy núi phía bắc, là một dải hẹp từ tây bắc xuống Đông nam, còn được gọi là Hành lang Hà Tây.

Hành lang này giống như yết hầu, kéo dài khoảng 1,200 km từ Đông sang Tây, chiều rộng từ vài km đến vài trăm km. Hai phía Nam – Bắc nối lền với cao nguyên Thanh Tạng và cao nguyên Mông Cổ, hai phía đông tây nối liên với cao nguyên Hoàng Thổ và lòng chảo Tháp Lý Mộc bồn địa (lòng chảo Tarim), tạo thành một tuyến đường địa lý tự nhiên.

Đôn Hoàng nằm ở cuối phía tây của Hành lang Hà Tây, trở thành điểm đầu thông hành từ Trung Nguyên đi Tây Vực hoặc đến các nước chư hầu ở Trung Á và Tây Á. Nó cũng là trạm đầu tiên trong hành trình giao lưu văn hoá giữa phương Đông và phương Tây.

Đôn hoàng,
Bức tranh “Dực Sư Phật thuyết pháp” trên bức tường phía nam
trong hang động số 220 thuộc Hang Mạc Cao. (Ảnh: Tài sản
công)

Hành lang Hà Tây là thắng địa khéo léo được thiên nhiên ban tặng và có vị trí địa lý rất đặc biệt, nên đã trở thành một trong những vùng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là con đường duy nhất để giúp các triều đại Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, buôn bán thông thương, giao lưu văn hoá với phương Tây.

Hành lang Hà Tây mang trên mình ý chí và mộng ước của các bậc Đế vương, quần thần trong triều và nhân dân bá tánh. Mà mộng cảnh đẹp nhất của Hành lang này chính là nghệ thuật hang đá trên ốc đảo Đôn Hoàng.

Lịch sử của Đôn Hoàng bắt đầu từ thời cổ đại khi con người và các vị Thần cùng tồn tại. Trong cuốn “Sơn Hải Kinh” có chép, ở dãy núi phía Tây có ngọn núi Tam Nguy dài trăm dặm. Trên núi có rất nhiều muông thú quý hiếm như Tam Thanh Điểu của Tây Vương mẫu, trâu bốn sừng, chim ba thân, v.v. Trong cuốn “Thượng Thư” ghi lại, vào thời Nghiêu Thuấn, bộ lạc Tam Miêu ở phía Nam làm loạn, vua Thuấn đã lưu đày họ đến vùng đất Tam Nguy.

Tam Nguy là những ghi chép sớm nhất về Đôn Hoàng xuất hiện trong sách cổ. Ở đây chính là chỉ núi Tam Nguy ở phía đông nam của Đôn Hoàng. Núi này từ xa xưa đã nổi tiếng là đệ nhất thắng cảnh, còn được mệnh danh là “Nguy phong đông ngật”.

Núi Tam Nguy kéo dài mấy chục dặm từ Đông sang Tây, có ba đỉnh cao sừng sững, nếu không cẩn thận rơi xuống núi thì vô cùng nguy hiểm, nên mới được gọi là Tam Nguy. Đỉnh núi chính đối diện với núi Minh Sa, ở giữa có một con sông lớn ngăn cách. Hang Mạc Cao nhờ được nước sông quanh năm gột rửa, lại được xây dựng trên vách đá núi Minh Sa, đến nay đã trở thành công trình nổi tiếng hàng đầu thế giới.

han vu de hang mac cao minh chan tuong
Bức ảnh Hán Vũ Đế quỳ trước Kim Phật trong sử tích Phật Giáo được vẽ trên bức tường phía bắc của hang 323 thuộc Hang Mạc Cao. (Ảnh: Tài sản công)

Bấy lâu nay, ở Hành lang Hà Tây, bao gồm cả ở Đôn Hoàng, người Khương đã an cư lạc nghiệp, sống bằng nghề du mục trong suốt nhiều thế hệ. Kể từ thời chiến quốc, nơi này là nông trại rộng lớn được Nguyệt Thị tộc và Ô Tôn tộc cai quản. Sau này, Nguyệt Thị tộc đã đánh đuổi Ô Tôn tộc và nắm toàn quyền cai quản Hà Tây.

Đến cuối thời nhà Tần, quân Hung Nô bắt đầu hoành hành, chúng cướp bóc, phá hoại vùng biên giới của vương triều Trung Nguyên, còn hung hãn thôn tính luôn các bộ tộc xung quanh. Không lâu sau, Hung Nô thống nhất Đại Mạc, xây dựng vương triều, lấy hiệu là “Khống Huyền Chi Sĩ Tam Thập Dư Vạn” (tức là có thể đánh bại hơn 30 vạn quân nhà Hán), xưng bá ở Hành lang Hà Tây.

Vào những năm đầu thời Tây Hán, người Hung Nô tấn công thành Mã Ấp (nay là Sóc Thành – Sơn Tây), Hán Cao Tổ Lưu Bang đích thân thống lĩnh đại quân đến cứu viện, không ngờ bị bao vây trên núi Bạch Đăng bảy ngày bảy đêm. Hán – Hung lần thứ nhất giao phong, quân Hán thất bại nặng nề suýt nữa diệt vong.

Lưu Bang vì muốn luyện binh dưỡng sức nên đã dàn xếp việc giảng hoà, đồng thời hàng năm liên tục gửi một lượng lớn tơ lụa, lương thực, v.v cho Hung Nô để giữ gìn hoà bình nơi biên cảnh. Tuy nhiên, đám người Hung Nô hung hăng bạo ngược đã bội ước, liên tục quấy rối và lấn chiếm vùng Tây Bắc của Hán triều, trở thành kẻ địch mạnh nhất của nhà Hán lúc bấy giờ.

Sau hơn 60 năm nhà Tây Hán thành lập, Hán Vũ Đế mưu lược tài trí đã đăng cơ. Ôm chí lớn thống nhất thiên hạ, ông hùng dũng thiện chí, tuyển chọn hiền tài, quyết tâm xây dựng một đất nước thịnh thế chưa từng có trong lịch sử. Hán Vũ Đế nhắm đến sa mạc Tây Bắc, chuẩn bị ra tay đánh cược một lần, thay đổi mối kết giao bấp bênh Hán triều và Hung Nô trong nhiều thập kỷ qua. Kể từ đó, vở kịch hấp dẫn liên quan đến Hành lang Hà Tây và Đôn Hoàng dần được hé lộ…

Ôm sứ mệnh đến Tây Vực

Không lâu sau khi Hán Vũ Đế đăng cơ, thì xuất hiện một cơ hội tuyệt vời. Quân Hán vô tình bắt được một tướng quân Hung Nô, thông qua tra khảo, tên tướng này đã khai báo thông tin tình báo quan trọng cho Hán Vũ Đế biết. Thì ra Thiền Vu của Hung Nô đã sát hại thủ lĩnh của Nguyệt Thị tộc, tàn nhẫn dùng xương sọ của ông làm thành đồ đựng rượu. Tân vương của Nguyệt Thị không có khả năng báo thù, nên bị ép phải di dời đến phía Tây.

Nhờ mật báo này, Hán Vũ Đế đã nghĩ ra kế sách, ông muốn liên hiệp với Nguyệt Thị tộc, hình thành thế gọng kìm tấn công hai mặt đông tây, thì sẽ có cơ hội tiêu diệt mối đe doạ của Hung Nô ở Tây Bắc. Tuy chiến lược này vô cùng anh minh cơ trí nhưng ông cũng gặp phải khó khăn trăm bề.

Đầu tiên, người Hán triều không biết tung tích của tộc Nguyệt Thị và vùng đất họ sinh sống quá xa xôi hẻo lánh. Hơn nữa, nếu quân Hán muốn đi về phía Tây, cần phải đi qua Hành lang Hà Tây do Hưu Đồ Vương và Hồn Tà Vương của Hung Nô cùng nhau cai quản.

truong khien di su tay vuc minh chan tuong
Hình ảnh “Trương Khiên Đi Sứ Tây Vực” trong tích đồ Phật giáo trên bức tường
phía bắc trong hang 323 thuộc Hang Mạc Cao. Hình ảnh miêu tả Hán Vũ Đế
đang cưỡi ngựa, còn Trương Khiên cầm hốt quỳ gối từ biệt hoàng đế để đi xứ
Tây Vực. (Ảnh: Tái sản công).

Đây là một nhiệm vụ gần như không thể hoàn thành. Tuy nhiên vị hoàng đế nhà Hán trẻ tuổi đã kiên quyết chiêu mộ những dũng sĩ gan dạ dám đến Tây Vực để tìm Nguyệt Thị. Cuối cùng, phó quan Trương Khiên đã đứng ra đảm nhận trọng trách này, ông bắt đầu hành trình mạo hiểm này vào năm Kiến Nguyên thứ 2 (năm 139 TCN). Trước khi đi, Hán Vũ Đế đã tuyển chọn một trăm tráng sĩ hộ tống ông, lại phái thêm trung phó người Hồ tên là Đường Ấp Phụ đảm nhận trọng trách dẫn đường và phiên dịch.

Rời xa Trường An phồn hoa đô hội, đoàn sứ thần của Trương Khiên dần dần bước vào một thế giới hoàn toàn khác: tiếng gió rít gào, sa mạc Gobi mênh mông biển cát, nắng nóng như thiêu như đốt, hiếm hoi lắm mới có một ốc đảo.

Nhưng môi trường tự nhiên khắc nghiệt này chưa phải là điều đáng sợ nhất, nguy hiểm hơn cả là họ rất có thể bị người Hung Nô bắt giữ hoặc sát hại bất cứ lúc nào. Đoàn người Trương Khiên vừa mới đi qua sông Hoàng Hà, tiến vào Hành lang Hà Tây đã bị người Hung Nô mai phục, cả nhóm bị bắt và áp giải đến lều của vua Hung Nô. Lúc đó, Thiền Vu muốn hàng phục Trương Khiên nên đã giam lỏng ông.

Thoáng chốc Trương Khiên đã ở lại Hung Nô được 10 năm, cũng cưới vợ sinh con. Dù cuộc sống bị giam cầm, nhưng ý chí và ước mơ của ông không hề bị mai một. Ông sống trong doanh trại của giặc nhưng tâm luôn hướng về Hán triều, vì vậy ông đã nhân cơ hội tìm hiểu tình hình quân sự và sinh hoạt của người Hung Nô.

Một ngày nọ, nhân lúc người Hung Nô giám sát lỏng lẻo, Trương Khiên đã trốn thoát thành công khỏi lãnh địa của Hung Nô. Sau đó, ông đã dẫn theo Đường Ấp Phụ và những người còn lại tiếp tục đi về phía Tây.

Thời điểm đó, tộc Nguyệt Thị đã tách ra làm hai: những người từ phía tây đến Y Lê (Ili) thành lập nước Đại Nguyệt Thị, còn những người khác ở Cam Túc, Thanh Đảo chung sống với người Khương thì thành lập nước Tiểu Nguyệt Thị.

Sau một hành trình dài đằng đẵng và gian nan, vượt qua sa mạc Tháp Khắc Lạp Mã Can (Taklamakan) và dãy núi Mạt Mễ Nhĩ (Pamir), cuối cùng đoàn người Trương Khiên đã tìm được vị trí của Đại Nguyệt Thị. Nào ngờ, những người Nguyệt Thị đã sống yên ổn trong thời gian dài nên không còn nhiệt huyết trả mối thù năm xưa. Mặc dù vua Nguyệt Thị vô cùng khâm phục nghị lực của Trương Khiên, nhưng lại không hứng thú với chiến lược vây đánh Hung Nô của Hán Vũ Đế.

bich hoa hang 45 hang mac cao don hoang minh chan tuong
Hình ảnh bức bích hoạ trong hang 45 thuộc Hang Mạc Cao ở
Đôn hoàng, miêu tả tình tiết “Hồ Thương ngộ tặc”. (Ảnh: Tài sản
công)

Trương Khiên ở lại Nguyệt Thị tộc hơn một năm, rồi khởi hành quay về Hán triều vào năm Nguyên Sóc thứ nhất (năm 1228 TCN). Trên đường trở về, họ không may lại bị Hung Nô bắt được và giam giữ hơn một năm.

Lợi dụng tình hình Hung Nô xảy ra nội loạn, Trương Khiên một lần nữa thoát khỏi giam cầm. Toàn bộ quá trình xa xứ của ông kéo dài tổng cộng 13 năm, đoàn sứ thần ban đầu có 100 người, nay chỉ còn lại Trương Khiên cùng vợ con ông và trung phó Đường Ấp Phụ.

Năm Nguyên Sóc thứ ba (năm 126 TCN), Trương Khiên mất tích suốt mười mấy năm qua đột nhiên xuất hiện trước mặt Hán Vũ Đế như một kỳ tích. Tuy ông không thể hoàn thành sứ mệnh liên kết với Nguyệt Thị tộc, nhưng sự trở về của ông đủ để khiến tất cả mọi người vui mừng khôn xiết.

Trong mười mấy năm qua, ông đã trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh, ông đã đi qua các nước Hung Nô, Nguyệt Thị, Đại Uyển, Khang Cư, Đại Hạ. Ông còn mang về bản đồ Tây Vực cho nhà Hán, nắm được thông tin toàn diện về địa lý, sản vật, phong tục, dân tình… ở Tây Vực.

Khi Trương Khiên kể lại tất cả những gì mình chứng kiến và trải nghiệm ở Tây Vực suốt mười mấy năm qua, tất cả mọi người đều say sưa lắng nghe. Họ như thể đích thân được đi qua Hành lang Hà Tây, trông thấy sa mạc mênh mông bất tận, những con tuấn mã oai vệ, rau quả ngon ngọt nơi vùng đất xa xôi.

Hán Vũ Đế ban thưởng công lao đi xứ của Trương Khiên, phong cho ông làm Thái trung đại phu, về sau phong tước Bác Vọng Hầu, với ý nghĩa là nhìn xa trông rộng. Hành trình về phía Tây của Trương Khiên đã cung cấp nhiều thông tin quý giá giúp khai mở một con đường thông thương giữa Trung Quốc và phương Tây, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho lý tưởng kinh lược phương Tây của quân thần triều Hán.

Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x