Câu chuyện thành ngữ: Ngu Công dời núi

Ngu Công dời núi

Đây là bộ tài liệu về văn hóa truyền thống Trung Quốc do Ban biên tập trang web Chánh Kiến biên soạn nhằm hồng dương và lan toả văn hóa Thần truyền Trung Quốc. Ban biên tập chuyên mục Giáo dục của Epoch Times Hoa ngữ cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ đời sau, nên đã chuyển tiếp toàn bộ tập tài liệu này để chia sẻ cùng các bạn đọc.

Ngu Công dời núi

Chuyện được ghi chép trong cuốn sách “Liệt Tử” do nhà triết học Liệt Ngự Khấu viết vào thế kỷ thứ 4 – 5 TCN.

Nội dung câu chuyện:

Chuyện kể rằng, rất lâu về trước, có hai ngọn núi lớn ở phía Nam của Ký Châu và phía Bắc của Hà Dương, tên là Thái Hành Sơn và Vương Ốc Sơn. Hai ngọn núi này có bán kính 700 dặm, cao hàng vạn thước.

Ở phía Bắc của ngọn núi có một ông lão đã gần 90 tuổi tên là Ngu Công. Cửa chính của nhà ông nằm ngay đối diện với hai ngọn núi cao lớn ấy. Mỗi lần có công việc ra ngoài đều phải đi đường vòng vừa xa vừa bất tiện, điều ấy khiến Ngu Công cảm thấy rất phiền não.

Một hôm, Ngu Công gọi cả nhà lại bàn bạc, nói: “Hai ngọn núi trước nhà này thật cản đường, chi bằng cả nhà chúng ta ra sức, san bằng hai ngọn núi này, mở đường thông thẳng đến phía nam Dự Châu và bờ nam sông Hàn Thuỷ. Mọi người thấy thế nào?”

Ngu Công dời núi
Ngu Công dời nói ( Ảnh: Epoch Times)

Các con cháu của Ngu Công nghe vậy đều rất đồng tình, nhưng vợ của ông lại giội thẳng “một gáo nước lạnh” nói: “Tôi thấy với sức lực của ông, ngay cả ngọn núi nhỏ xíu như Khôi Phụ còn chẳng làm gì được. Thế mà ông lại đòi đọ sức với hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc? Hơn nữa, bao nhiêu đất đá như vậy ông định đổ đi đâu cho hết?”

Khi vợ Ngu Công nói xong, cả nhà lập tức xôn xao bàn luận. Sau cùng họ quyết định đổ đá xuống biển Bột Hải, chuyển đất lên phía Bắc.

Ngu Công đã chọn ra ba thanh niên khoẻ mạnh, dẫn họ đi xẻo đất đục đá, sau đó lại dùng cái gầu chở số đất đá đào được đến bờ biển Bột Hải. Láng giếng của ông là một bà góa, có đứa con trai mới bảy, tám tuổi, nghe nói Ngu Công muốn dời núi thì cũng xông xáo tham gia. Họ làm việc miệt mài, thường chỉ nghỉ đông hoặc nghỉ hè mới về nhà.

Thấy Ngu Công và những người khác cắm đầu làm việc, ông lão Trí Tẩu ở Hà Khúc thấy thật nực cười nên buông lời nhạo báng: “Ông đúng là không biết tự lượng sức mình, chuốc khổ vào thân. Ông đã chừng này tuổi rồi, sức lực lại yếu ớt như vậy. Ngay cả một cọng cỏ trên núi còn chẳng diệt được, làm sao di dời nổi bao nhiêu đất đá thế này?”

Ngu Công thở dài với ông, cười đáp: “Ôi, suy nghĩ của ông sao mà hạn hẹp thế. Tôi thấy ông còn không bằng bà quả phụ hay đứa con nít này. Dù tôi sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Còn hai ngọn núi này cũng không cao không lớn thêm được, tôi hà cớ gì phải lo lắng chuyện không dọn nổi chúng đi chứ?” Ông lão Trí Tẩu nghe vậy như bị mắc nghẹn, không nói thêm được lời nào.

Thần Núi nghe được chuyện này, ngài thực sự rất lo lắng Ngu Công sẽ dẫn dắt con cháu hết đời này qua đời khác đi đục đá dời núi, nên đã bẩm lên Thiên Đình. Thiên Đế nghe chuyện, cảm động trước nghị lực phi thường của Ngu Công, bèn lệnh hai người con trai Khoa và Nga, mỗi người cõng một ngọn núi trên lưng. Một ngọn dời sang phía Đông của Sóc Phương (nay thuộc phía đông Sơn Tây), một ngọn dời đến phía nam Vĩnh Châu (nay là các tỉnh thuộc Thiểm Tây và Cam Túc). Kể từ đó, phần phía nam của Ký Châu, và bờ nam của sông Hàn Thuỷ không còn bị hai ngọn núi cao chặn lối nữa.

Dù đã 90 tuổi, nhưng Ngu Công vẫn ôm hoài bão cao cả và nghị lực phi thường, làm những điều tưởng chừng như không thể. Do đó, hiện nay khi động viên ai đó cần dũng cảm đối mặt với thử thách khó khăn, cần vững tâm kiên trì, thì đều nói rằng họ nên học hỏi tinh thần “Ngu Công dời núi”.

Thảo luận:

  1. Vì sao Ngu Công dời núi?
  2. Vì sao Ngu Công tin chắc rằng mình có thể di dời được ngọn núi cao lớn như vậy?
  3. Có thật là Ngu Công là kẻ “ngu ngốc”, còn Trí Tẩu là kẻ “cơ trí” không?
  4. Cách mà “Ngu Công dời núi” có đáng được ca ngợi và học hỏi không? Tại sao?

Thực hành đặt câu:

Ví dụ: Giáo viên thường động viên rằng, khi thực hiện bất kể công việc gì thì chúng ta đều nên có tinh thần “Ngu Công dời núi”, chứ không nên bị cản trở bởi một chút thất bại.

Thành ngữ tương tự:

Có chí thì nên; Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; Lửa thử vàng, gian nan thử sức; Nước chảy đá mòn; Có công mài sắt, có ngày nên kim, v.v.

Ban biên tập tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

Minh Phương biên dịch theo Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x