Truyền kỳ Thủy Hử: Ai hiểu được điềm báo của Thiên Thượng

Thủy Hử
Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm, bắt Phương Lạp lập đại công. (Tranh Winnie Wang – Epoch Times Hong Kong)

Trong tiểu thuyết cổ điển “Thủy Hử truyện”, trưởng lão Trí Chân là một vị cao tăng đại đức ở Văn Thù Viện, Ngũ Đài Sơn. Ông là bậc chân tu, có công năng túc mệnh thông, có thể thấy rõ sự việc trong quá khứ, tương lai. Ông cho Lỗ Trí Thâm, Tống Giang mỗi người một bài kệ, đó là những lời răn dạy, điểm hóa cho vận mệnh của họ sau này. Nhưng họ đã lựa chọn ra sao? Ngoài lời khuyên răn ra, ai là người hiểu được điềm báo của Thượng Thiên?

Lần thứ nhất Lỗ Trí Thâm lên Ngũ Đài Sơn, mang theo thư tay của Triệu Viên Ngoại nói muốn xuất gia. Nhưng chúng tăng thấy ông tướng mạo hung ác, chẳng giống người tụng kinh niệm Phật chút nào, nên không đồng ý, sợ ông sau này náo loạn liên lụy chúng tăng. Trưởng lão Trí Chân liền đả tọa nhập định để xem tương lai của Lỗ Trí Thâm. Qua thời gian khoảng một nén hương, sau khi xuất định ông nói với chúng tăng, Lỗ Trí Thâm là người có lai lịch, có đối ứng với tinh tú trên Thiên thượng, tâm địa cương cường chính trực, nay nhìn thì thấy hung bạo thô lỗ, vận mệnh cũng hỗn tạp bất thuần, nhưng sau này sẽ đạt tới cảnh giới thanh tịnh đại tự tại, thành tựu chính quả phi phàm, các vị không thể sánh được!

Say loạn Ngũ Đài Sơn, Hoa Hòa Thượng lên Lương Sơn

Trong thời gian một nén hương, trưởng lão Trí Chân thấy rõ nguyên lai sinh mệnh của Lỗ Trí Thâm, thấu tỏ bẩm tính phẩm hạnh của ông, cũng thấy rõ công quả sau này. Cho nên cao tăng kiên trì xuống tóc cho ông, đồng thời ban pháp danh ‘Trí Thâm’. Nhưng người ta đều không tin, một kẻ đánh giết hung hãn vậy, sao có thể thành tựu chính quả sau này?

Tại Ngũ Đài Sơn, Lỗ Trí Thâm nhiều lần say rượu, loạn đả chúng tăng, náo loạn Phật đường. Tuy nhiên, Trí Chân trưởng lão biết Lỗ Trí Thâm là người mang sứ mệnh, rất có căn khí, rất có đạo tâm, chỉ là do duyên trần chưa hết, còn cần lưu lại trần thế bôn ba để trả nợ sát sinh. Thế nên an bài cho ông đi nơi khác.

Trưởng lão Trí Chân viết một phong thư, để Lỗ Trí Thâm đi đến chùa Đại Tướng Quốc ở Đông Kinh nương nhờ trưởng lão Trí Thanh. Trí Thanh cho ông trông coi vườn rau. Sau này, Lỗ Trí Thâm vì để cứu huynh đệ kết nghĩa Lâm Xung mà đắc tội với Cao Cầu, bị quan sai truy bắt, chạy khỏi Đông Kinh, kinh qua nhiều sóng gió, cuối cùng tới Lương Sơn. Bởi trên lưng ông xăm hình hoa lá, nên chúng nhân gọi ông là ‘Hoa Hòa Thượng’.

Sau khi Tống Giang dẫn quần hùng tiếp nhận chiêu an, phụng thánh chỉ chinh thảo các tộc di biên giới cùng dẹp loạn giặc cướp trong nước. Lỗ Trí Thâm luôn cùng đại quân Lương Sơn đánh đông dẹp bắc, lập những chiến công hiển hách. Sau khi chinh phạt quân Liêu thắng lợi, Lỗ Trí Thâm cùng Tống Giang lên Ngũ Đài Sơn, tham bái trưởng lão Trí Chân.

Bốn câu kệ ngữ, tiết lộ vận mệnh Lương Sơn

Thủy Hử
Trưởng lão Trí Chân cảnh báo, khi Tống Giang thấy đại nhạn theo đàn mà hướng về đông, cũng là lúc quần hùng Lương Sơn tan tác. Tranh Uẩn Thọ Bình “Hồ sơn tiểu cảnh. Lư ninh nhạn ảnh” (Bảo tàng cố cung tặng)

Tống Giang hỏi trưởng lão về tiền trình của các huynh đệ Lương Sơn, trưởng lão Trí Chân viết ra bốn câu kệ ngữ: ‘Đương phong nhạn ảnh phiên, đông khuyết bất đoàn viên. Chích nhãn công lao túc, song lâm phúc thọ toàn.’

Tạm dịch: Gió nổi cánh nhạn bay, cổng Đông không đoàn viên. Mắt thấy công lao đủ, Song Lâm phúc thọ đầy.

Tiếp đó ông cho Lỗ Trí Thâm bốn câu kệ ngữ: ‘Phùng hạ nhi cầm, ngộ lạp nhi chấp. Thính triều nhi viên, kiến tín nhi tịch.’

Tạm dịch: Gặp Hạ thì bắt, gặp Lạp thì tóm. Nghe sóng thì viên, thấy tín thì tịch.

Bài kệ cho Tống Giang là dự ngôn về vận mệnh, cũng điểm hóa đường thoát. ‘Đương phong nhạn ảnh phiên, đông khuyết bất đoàn viên’ – đây là lời cảnh báo của trưởng lão Trí Chân, khi Tống Giang thấy đại nhạn bay đầy, lại theo hướng đông đi, thì quần hùng Lương Sơn sẽ không còn thời gian đoàn viên bên nhau nữa.

Chích nhãn công lao túc, song lâm phúc thọ toàn.’ Hai câu này là chỉ điểm lối thoát cho Tống Giang. Khi Tống Giang dẫn quân qua trấn Song Lâm, tới đây mà biết dừng bước, trong mắt biết đã đủ công lao, thì cuộc đời sẽ có phúc thọ song toàn!

Tại bến Thu Lâm, Tống Giang thấy hồng nhạn bay loạn trên trời, không theo trật tự thông thường, điềm báo này mang ý tứ kinh động. Lãng Tử Yến Thanh bắn rơi hồng nhạn, Tống Giang cảm động trong tâm, một cảm xúc thê thảm bi ai tràn ngập. Kỳ thực, đây chính là cảnh báo của trưởng lão Trí Chân đang ứng nghiệm, Trí Chân là vị cao tăng đại đức, lòng đầy từ bi, điểm hóa cho Tống Giang lối thoát phúc thọ song toàn.

Chỉ là do Tống Giang không buông xả được công danh vinh hoa, cùng tâm niệm làm rạng danh tông tổ, cuối cùng thì phúc không thọ tận ôm hận lìa đời. Thật ứng với câu nói: “Thời nhân khổ bả công danh luyến, chỉ phạ công danh bất đáo đầu”, ý tứ muốn nói người ta luôn khổ sở vì lưu luyến công danh, lúc nào cũng sợ không đạt được mục tiêu danh vọng.

Linh quang chợt hiện, Hoa Hòa Thượng nghe tiếng sóng triều mà viên tịch

Cao tăng Trí Chân nói cho Lỗ Trí Thâm câu kệ ‘Phùng Hạ nhi cầm, ngộ Lạp nhi chấp’, điểm hóa cho Lỗ Trí Thâm lập được hai công lớn, bắt trói Hạ Hầu Thành ở rừng Vạn Tùng, và bắt sống Phương Lạp. Lỗ Trí Thâm truy đuổi Hạ Hầu Thành ở Ô Long Lĩnh, bị lạc trong rừng rậm, bỗng nhiên gặp một tăng nhân, may nhờ có tăng nhân chỉ lối, ngày hôm sau ông bắt ngay được Phương Lạp. Ông lập được đại công, nhưng không muốn làm quan, chỉ mong tìm một nơi thanh tịnh, an thân lập mệnh.

Tống Giang sau khi tiễu trừ Phương Lạp, dẫn quân hồi kinh. Các tướng lĩnh tiên phong của Lương Sơn nghỉ ngơi tại chùa Lục Hòa ở Hàng Châu. Đêm trung thu tháng tám, nước sông Tiền Đường dâng lên, Lỗ Trí Thâm nghe tiếng sóng triều vang vọng, ngỡ tiếng trống trận rền vang, chuẩn bị xông ra nghênh chiến. Tăng chúng bảo ông rằng đó là ‘triều tín’(nước triều giữ tín, dâng lên đúng ngày ấy, giờ ấy). Lỗ Trí Thâm hốt nhiên đại ngộ, nghĩ ngay ra câu kệ của sư phụ: ‘Thính triều nhi viên, văn tín nhi tịch.’ Cũng đêm ấy, ông tọa hóa viên tịch.

Lỗ Trí Thân xuất thân từ lục lâm, là vị anh hùng hào kiệt một thời, chữ nghĩa văn chương không hay biết, nhưng luôn khắc ghi trong tâm những lời dạy và lời kệ của sư phụ Trí Chân. Điểm linh quang đó lóe sáng, ông liền đốn ngộ, thành tựu chính quả.

Nhìn nhạn bay loạn lối, Lãng Tử Yến Thanh cảnh giác trong tâm

yen thanh la mot hao han co tri tue hon nguoi
Yến Thanh là một hảo hán có trí tuệ hơn người, hiểu được đạo lý tiến thoái tồn vong mà đưa ra lựa chọn công thành thân thoái. (Vương Gia Ích/ Epoch Times)

Tống Giang có lòng trung nghĩa, nhiều lần được Thần linh bảo hộ. Trước khi kiếp nạn cuối cùng tới, Thần Phật từ bi đã cho ông cơ hội, để ông tự mình lý giải, tự mình lựa chọn. Tuy nhiên, đối mặt với cảnh báo của Thiên Thượng, Tống Giang nhìn không ra. Ngoài lời khuyên răn của trưởng lão Trí Chân, còn có một người hiểu được điềm báo của Thiên Thượng, đó chính là Lãng Tử Yến Thanh.

Khi Yến Thanh trông thấy đại nhạn bay loạn bầu không, lòng liền sinh cảnh giác. Ông lấy sử làm gương, hiểu được đạo lý tiến thoái tồn vong. Lúc chư tướng đang hưởng thụ vinh diệu chiến công thì Yến Thanh đã cảm thấy đại họa đang đến rất gần, nếu không rời đi sẽ không kịp nữa. Thế là cấp tốc khuyên chủ nhân Lư Tuấn Nghĩa mau chóng rời đi. Lư Tuấn Nghĩa vẫn cố giữ không buông, muốn có ngày áo gấm về làng, hưởng phúc cùng vợ con, không muốn từ quan ở ẩn. Yến Thanh lại lấy việc xưa Lưu Bang sát hại công thần ra khuyên can, nhưng Lư Tuấn Nghĩa vẫn khăng khăng cự tuyệt. Yến Thanh đành bái biệt chủ nhân, đồng thời lưu lại bốn câu thơ cho Tống Giang:

Nhạn tự phân phi tự khả kinh
Nạp hoàn cung cáo bất cầu vinh.
Thân biên tự hữu quân vương xá
Sái thoát phong trần quá thử sinh.

Tạm dịch:

Thấy nhạn bay loạn lòng rối bời
Về triều cầu vinh chẳng chuyện chơi
Đã có chiếu vua ban đại xá
Thoát chốn phong trần sống thảnh thơi

Yến Thanh, vị hảo hán trí tuệ này, đã nhìn ra được Thiên tượng ‘Nhạn tự phân phi’ (nhạn bay loạn lối), để lại vài câu, rồi vội vàng rời đi. Ông lựa chọn công thành thân thoái, sống nốt quãng đời trong tự tại tiêu dao. Còn Lư Tuấn Nghĩa có đạt nguyện áo gấm về làng không? Gian thần đầy rẫy trong triều, những Cao Cầu, Dương Tiễn tật đố người hiền đức, ghen ghét kẻ tài năng, bọn họ lén bỏ thủy ngân vào trong vật phẩm vua ban để đầu độc Lư Tuấn Nghĩa, dẫn đến cái chết thương tâm của ông trong dòng nước sông Hoài.

Đối với lời răn của trưởng lão, trước điềm báo của Thiên Thượng, các anh hùng Lương Sơn có những lựa chọn khác nhau, nên dẫn đến những kết cục khác nhau, nhưng dù thế nào đi nữa, lòng trung nghĩa của các vị anh hùng hảo hán vẫn mãi trường tồn cùng năm tháng.

Theo Đỗ Nhược – Epoch Times

Thái Bình biên dịch

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x