Trương Tam Phong – Chương 1: Chân nhân đến thế gian

Trương Tam Phong (ảnh Epoch Times)
Trương Tam Phong (ảnh Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

CHÂN NHÂN CÁI THẾ TRƯƠNG TAM PHONG

TRƯƠNG TAM PHONG (1) – Chân Nhân Lâm Thế

Lời nói đầu

Đãng đãng Thiên môn vạn cổ khai, kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai? (Tạm dịch: Cổng trời mở rộng từ vạn cổ, mấy ai trở lại ai đến nơi?)

Kể từ thuở Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa đội đá vá trời, dùng đất bùn tạo con người, Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời… trong dòng sông sinh mệnh hàng ức vạn kiếp đó, những Thần thoại cổ xưa vẫn được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Vậy khi tiến vào trang cuối cùng của lịch sử, trong nền văn minh năm nghìn năm huy hoàng, con đường quay trở về cội nguồn chân thật của sinh mệnh nằm ở đâu?

Hoàng Đế, vị vua khởi lập nên nền văn minh nhân loại, sau khi hoàn thành sứ mệnh ở nhân gian, ông đã cưỡi lưng rồng bay đi… Hai nghìn năm sau Lão Tử lưu lại Ngũ Thiên Ngôn đi qua Hàm Cốc Quan về phía Tây, vội vã ẩn mình… Năm trăm năm sau, Phật giáo truyền nhập vào Trung Thổ, tư tưởng Nho, Thích, Đạo huy hoàng tương giao, xen kẽ là những cuộc luận bàn tri thức về Phật giáo và Đạo giáo ngàn năm không dừng…

Tích cũ kể rằng, năm Nguyên Hiến Tông thứ 8 [năm 1258], Hốt Tất Liệt (sau là Nguyên Thế Tổ) chủ trì cuộc tranh luận với quy mô lớn nhất về Phật giáo và Đạo giáo, có hơn 500 minh Tăng cao Đạo đã đến tham gia, lần đó Đạo giáo đã thất bại, các Đạo sĩ phải xuống tóc làm Tăng. Kinh sách chỉ được bảo lưu cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử để làm gốc chính nguồn trong, còn các sách khác của Đạo giáo đều bị đốt cháy, hai gia Phật và Đạo cứ cái này thịnh thì cái kia suy.

Qua một thời gian lâu dài đằng đẵng, những kinh điển tinh hoa của hai gia Phật và Đạo cũng ngày càng bị mai một và thất truyền…

“Khước bệnh diên niên tắc hữu, bạch nhật phi thăng tắc vô
Dưỡng sinh chi thuật tắc hữu, Thần Tiên chi sự tắc vô”…

Tạm dịch:

“Trừ bệnh trường sinh thì còn, bạch nhật phi thăng thì mất!
Thuật dưỡng sinh thì còn, chuyện Thần Tiên thì mất”…

Chính vào thời khắc đó của lịch sử đã xuất hiện Thiên cổ Chân nhân Trương Tam Phong. Ông đắc được huyền cơ của tạo hoá, thoắt đến thoắt đi; Lĩnh ngộ được sự huyền diệu của càn khôn, lúc ẩn lúc hiện; Giảng thuật chân cơ của Tam giáo (Nho, Thích, Đạo), thức tỉnh trăm ức vạn người trầm mê; Ẩn cư sâu trong núi Võ Đang, khai mở Đạo tràng ngàn thu; Sáng tạo ra Thái cực Thần quyền, tiếp duyên hàng ức vạn người hậu thế tập luyện. Đại đạo vô địch, duy chỉ có một người trong trời đất!

Chương 1: Chân nhân giáng thế, triển hiện huyền cơ

1. Chân nhân giáng thế

Huyền, hiệu là Tam Phong. Tổ tiên ông là người Long Hổ Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, tổ phụ (Ông cố nội) của Trương Tam Phong tinh thông thuật chiêm tinh, vào những năm cuối thời Nam Tống, nhận thấy vương khí tràn tới phương Bắc, vậy nên tổ phụ ông đã đưa người nhà đến Ý Châu thuộc Liêu Dương.

Trương Tam Phong sinh vào giờ Tý ngày 9 tháng 4 mùa hè năm Đinh Mùi – năm Nguyên Định Tông thứ 2 (năm 1247 sau Công nguyên (SCN). Theo ghi chép từ những sách cổ, vào đêm trước khi sinh hạ Trương Tam Phong, mẫu thân của ông là Lâm Thị đã mơ thấy “Đẩu Mẫu Nguyên Quân tay cầm trượng, chỉ thẳng vào nhà và hét lên ba tiếng” (Theo “Hoài Hải Tạp Ký” của Lục Tây Tinh đời Minh). Đẩu Mẫu Nguyên Quân là Vương mẫu của các vì sao Bắc Đẩu. Khi Trương Tam Phong sinh ra còn có Tiên nhân hiển hiện và bảo hộ ông, quả đúng là lai lịch phi phàm.

Trong cuốn Cửu Canh Đạo Tình, Trương Tam Phong thuật rõ nguồn gốc của sinh mệnh con người là đến từ các tầng thứ cao hơn nữa trong vũ trụ, từ thời khai thiên tịch địa, hạ thế tiến nhập vào Đông thổ Thần châu, vào cõi mê tam giới.

“Tự tống lý liễu cổ Linh Sơn
Hỗn độn sơ phân hạ thế gian
Tây phương hữu bản
Tiêu hạ căn nguyên
Lai tại Đông thổ
Tính mệnh lạc phàm
Thất mê liễu
Lão mẫu đương sơ vị sinh tiền”.

Tạm dịch:

“Từ lúc rời khỏi Linh Sơn cổ
Hỗn độn phân chia xuống thế gian
Tây phương có cội
Trút bỏ căn nguyên
Đến vùng Đông thổ
Tính mệnh nơi cõi phàm
Mê mất đời trước khi mẹ sinh”.

2. Thoát trần tục bái Đạo

Trương Tam Phong thần thái tinh anh, tuấn tú, tướng mặt thần kỳ, xương hạc hình rùa, tai to mắt tròn, quả là bậc Tiên phong Đạo cốt. Khi năm tuổi ông mắc một loại bệnh kỳ quái về mắt, thị lực ngày càng kém. Lúc đó có một vị đạo sĩ từ phương xa đến nhà Trương Tam Phong, tự xưng là Trương Vân Am, trụ trì Cung Bích Lạc, hiệu là Bạch Vân Thiền Lão, nói với cha mẹ của Trương Tam Phong rằng:

“Đứa trẻ này có phong thái Tiên phong Đạo cốt, tự có khí chất phi phàm, nhưng hiện tại gặp phải ma chướng này, cần bái bần Đạo làm Sư phụ, thoát khỏi trần tục, mắt sáng liền đưa về trả lại”.

(Trích “Tam Phong Tiên Sinh Bản Truyện” của Uông Tích Linh đời Thanh).

Chân dung Trương Tam Phong của Minh Nhân Hội (Phạm vi công cộng)
Chân dung Trương Tam Phong của Minh Nhân Hội (Phạm vi công cộng)

Kể từ đó, Trương Tam Phong đến Cung Bích Lạc theo Trương Vân Am đạo trưởng học Đạo, nửa năm sau mắt của Trương Tam Phong đã được phục hồi, nhưng ông không sốt sắng trở về nhà, mà ở lại Cung Bích Lạc tu tập thêm bảy năm. Thời niên thiếu của Trương Tam Phong đã gắn liền với Đạo quán. Từ nhỏ thiên chất thông minh, trí huệ, kinh điển của Đạo gia ông học đâu nhớ đó, thời gian rảnh còn nghiên cứu thêm các sách của hai gia Nho, Thích.

Khi đọc sách, Trương Tam Phong thường có thói quen là dùng tay lật qua cuốn sách, biết được đại khái nội dung ý nghĩa là được, không cần đào sâu vào câu chữ. Bảy năm trời đằng đẵng, mẹ ông nhớ con da diết, vậy nên Đạo trưởng đưa Trương Tam Phong về nhà, sau khi trở về ông chuyên tâm nghiên cứu Nho học.

Bảy năm sinh sống trong Cung Bích Lạc, Đạo trưởng vì để đặt định cơ sở tu Đạo thâm hậu cho Trương Tam Phong trong những ngày tháng về sau, nên từ thời niên thiếu ông đã được Sư tôn ân cần dạy dỗ, định hướng lập chí tu Đạo.

“Thiếu niên lập chí Đạo tâm kiên,
Khiêu xuất phàn lung xuất thuỷ liên.
Tản tận cẩm vân không tự tẩy,
Nhất luân minh nguyệt quải trường thiên”.

Tạm dịch:

“Thiếu niên lập chí kiên tu Đạo,
Thoát khỏi lồng con mọc đoá sen
Mây gấm tiêu tan bầu không tịnh,
Một vầng nguyệt trong giữa trời cao”.

(Theo “Quý Châu thông chí”: Quyển thứ 12 “Tiên thích”, những năm Vạn Lịch đời Minh).

3. Cắt đứt duyên trần

Năm Trung Thống thứ nhất (năm 1260), Nguyên triều tiến hành cuộc thi tuyển “Cử mậu tài dị” – Tuyển chọn nhân tài, khi đó Trương Tam Phong mới chỉ 13 tuổi nhưng nổi bật xuất chúng, được Hoàng thượng phong làm tú tài. Sang năm thứ hai ông được tiến cử làm “Văn học tài thức”.

Đến mùa thu năm Giáp Tý niên hiệu Chí Nguyên (năm 1264), Trương Tam Phong đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), gặp Bình chương Chính sự Liêm Hy Hiến để thương lượng xử lý các việc triều chính. Liêm Hy Hiến thấy Trương Tam Phong là một bậc dị năng kỳ tài, giỏi tam giáo, thấu cổ kim, liền lập tức viết tấu chương bổ nhiệm ông làm Trung Sơn Bác Lăng Lệnh (nay thuộc Bảo Định, tỉnh Hà Bắc).

Vinh hoa ở thế gian, càng khiến cho người không mê danh lợi như Trương Tam Phong cảm thấy cô đơn khôn thấu. Ông ôm chí lớn rời khỏi cõi phàm trần, tuy nhiên tri âm khó gặp, như hồng nhạn bay trên không, “Cao xứ bất thắng hàn”. Mùa thu năm Giáp Tý, khi du ngoạn Yên Kinh ông đã viết:

“Ngã bất nguyện đăng hoàng kim đài
Ngã chỉ nguyện ấm hoàng hoa bôi
Tuý lí hôn hôn vong thiên địa
Cổ kim danh lợi tổng trần ai”

Tạm dịch:

“Ta không cần đăng đài hoàng kim
Ta chỉ nguyện uống nước hoàng hoa
Trong cơn say mơ màng quên trời đất
Danh lợi cổ kim cát bụi mờ”.

Trong tập Hữu Cảm ông cũng viết:

“Gia quốc y nhân nhậm
Cô ai độc ngã đơn
San nhiên song lệ lạc
Phi nhạn ảnh cao hàn”.

Tạm dịch:

“Quan tước người ta thích
Cô đơn mình buồn thênh
Bất giác tuôn dòng lệ
Lạnh lùng bóng nhạn cao”.

Đài hoàng kim (Bục vàng) là câu nói xuất phát từ chuyện Quách Hoè dùng ngàn vàng mua xương ngựa, Yên Chiêu Tương vương về sau cảm khái với chuyện xưa mà dùng “Đài hoàng kim” với ý nghĩa là “Chiêu mộ hiền sĩ”.

Trương Tam Phong nhàn du đến núi tu đạo của Cát Hồng (Thời triều Tấn dân gian còn gọi là Cát Tiên Ông) được mệnh danh là Cát Hồng Sơn, nhìn thấy nơi động thiên phúc địa, cảnh tượng đó đã thôi thúc ông đi tìm thi tiên Lý Bạch để ngâm thơ luận Đạo, hy vọng “Tuổi còn tráng niên sớm dứt duyên trần” vào núi tu Đạo.

Mao Nghĩa đây quy ẩn
Cát Hồng chẳng thích quan
Muốn tìm Lý Thái Bạch
Cùng luận Đạo luyện đan
(Hữu cảm)

Tráng niên sớm dứt duyên trần
Ngũ Nhạc Tam Sơn bạn phong vân
(Viết khi du ngoạn Yên Kinh)

Trương Tam Phong được Liêm Hy Hiến giới thiệu cho tể tướng khai quốc của triều Nguyên là Lưu Bỉnh Trung. Khi vừa gặp Trương Tam Phong, Lưu Bỉnh Trung liền thốt lên: “Đúng là vị Chân Tiên”.

Nhận thấy Trương Tam Phong tinh thông hết kinh điển của tam giáo (Nho, Thích, Đạo), Lưu Bỉnh Trung như gặp được tri kỷ, liền muốn đề bạt Trương Tam Phong lên Hoàng thượng. Tuy nhiên khi vừa nhận được thư hàm của Lưu Bỉnh Trung, thì cũng là lúc hai vị song thân của Trương Tam Phong lần lượt tạ thế. Ông từ nhỏ vốn đã lập chí tu Đạo, chỉ đợi cạn duyên trần, vậy nên nhân cơ sự này đã viết một bức thư gửi lại cho Lưu Bỉnh Trung, biểu đạt tâm ý thoát phàm tu Đạo, quyết không thay đổi.

Chân dung Lưu Bỉnh Trung (Ảnh nguồn cộng đồng)
Chân dung Lưu Bỉnh Trung (Ảnh nguồn cộng đồng)

“Thái bình tể tướng giỏi, vạn cổ được bao người! Phong thủy còn dư sức, chẳng thẹn kẻ bề tôi. Một lời tiên sinh ngàn vàng trọng, tiên sinh tặng sách cảm động lòng. Luận về địa lý không ai hiểu, riêng tôi lặng lẽ tín bội phần. May được tiên sinh yêu tiến cử, ơn này đức ấy mãi ghi lòng. Tiên sinh thư tới hận đã muộn, song thân an táng đã xong rồi.

Trường Bạch Thiên Long hàng ngàn dặm, từ nhỏ thảo dân đã ẩn cư. Chẳng ham lợi, chẳng màng danh, chỉ mong song thân được an nghỉ. Huyệt núi Đại Thành cung núi nhỏ, cổng có cầu Tiên như bổn ý. Vài dòng đáp tạ xin lượng thứ, đừng trách thảo dân nói nhiều lời. Ngày sau thăm ngài Hình Châu Đạo, dưới núi Bát Bàn hẹn tiên sinh”. (“Đáp Lưu tướng công thư” của Trương Tam Phong).

Trương Tam Phong vốn định an táng xong xuôi cho hai vị song thân sẽ qua ghé thăm Lưu Bỉnh Trung, nhưng không ngờ ý nguyện chẳng thành, Tể tướng cũng đã qua đời trước khi hai người kịp gặp mặt. Trương Tam Phong đã để lại một bài thơ tưởng niệm về Lưu Bỉnh Trung:

 “Bác học kỳ dư sự, kim chi cổ đại thần. Đạm nhiên vong thị dục, cao hỹ thoát phong trần. Cử thế thùy tri ngã, đăng triều lũ tiến nhân. Bát bàn tha nhật quá, thanh tửu điện công thần”.

Tạm dịch:

“Học rộng hành đại sự, bậc đại thần cổ kim. Thanh đạm quên ham dục, cao khiết thoát phong trần. Thế nhân đều biết tiếng, lên triều tiến cử hiền. Bát Bàn sau này qua, rượu nhạt tế tiên sinh”.

Vậy là Trương Tam Phong đành trở về quê nhà ở Liêu Dương để làm tròn đạo hiếu với cha mẹ, hết kỳ hạn ba năm, cũng là lúc có vị Đạo nhân họ Khâu đến gõ cửa tìm gặp, đàm Đạo huyền cơ. Khi đạo nhân đi khỏi, cũng chính là lúc Trương Tam Phong cáo biệt vợ con xách hành lý ra đi. Khi đó ông đã 32 tuổi. Hành trình đi tìm Đại Đạo khởi đầu từ khi đó.

Nhiều năm sau đó, Trương Tam Phong lại gặp lại Đạo nhân họ Khâu, họ cùng nhau đi Tây Sơn, biết được Khâu Đạo nhân tên thật là Khâu Xứ Cơ.

“Mặt trời nhàn nhạt U Châu, chợ Yên tìm lại cựu tửu lâu. Kẻ mới ngông cuồng say túy lúy, thâm giao hào kiệt đã xanh gò. Bóng câu chẳng giống ngày bầu rượu, mạng kiến khác nào bóng nước đâu. Ta gặp cao nhân đàm Đại Đạo, Tây Sơn tuyết sáng cùng ngao du.”

(“Yên Triệu nhàn du ngộ Khâu Trường Xuân toại đồng du Tây Sơn” của Trương Tam Phong)

Trương Tam Phong lại gặp lại Đạo nhân họ Khâu, họ cùng nhau đến núi phía Tây. (Ảnh miền cộng đồng)
Trương Tam Phong lại gặp lại Đạo nhân họ Khâu, họ cùng nhau đến núi phía Tây. (Ảnh miền cộng đồng)

Khâu Xứ Cơ là Tổ sư Toàn Chân Long Môn phái – thuộc Đạo giáo, ông từ phía Tây đi vạn dặm đến bái kiến Thành Cát Tư Hãn, nói rằng “Trường Sinh Thiên” của người Mông Cổ chính là “Đạo” được nói đến ở Trung Nguyên, Trung Nguyên được Thần định là cửa thông với Trời.

Về sau Thành Cát Tư Hãn ra chiếu chỉ lệnh cho Khâu Xứ Cơ làm chưởng quản Đạo giáo thiên hạ, trong chiếu vị Hoàng thượng này còn ghi rằng: “Trẫm thường niệm Thần Tiên, Thần Tiên mưu vong Trẫm dã” (Trẫm thường kính niệm Thần Tiên, mong Thần Tiên sẽ không quên Trẫm), Thành Cát Tư Hãn đối đãi với Khâu Xứ Cơ vô cùng cung kính.


Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Xem tiếp: Trương Tam Phong – Chương 1: Đi tìm Chân Đạo (phần 2)

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

3.7 3 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
3 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Nguyễn Duy tùng
Nguyễn Duy tùng
2 years ago

hay quá

Shinnn
Shinnn
1 year ago

Hay qá!!! Mong rằng minhchantuong ra nhiều bài viết hay và ý nghĩa thêm nữa nhé!!
Thank so much

Liễu Minh
Liễu Minh
8 months ago

Thường nghe chuyện cổ về thần tiên, nay đọc lại cổ kim lòng khuây khỏa. Biết rằng hôm nay đắc Pháp thành, chỉ chờ ngày buông bỏ hết bụi đen. Lòng hiềm chỉ nỗi, ngộ tính chưa đủ đầy, mãi vẫn lặng đặng còn giải đãi. Xét thấu, các bạn đồng tu sao lại vậy ? Phải chăng là tại ta cứ ngóng trông ?

Kẻ sĩ tráng niên tham danh vọng, tâm khởi hư vinh đăng đài cao. Nay đã đắc Pháp sao vẫn đặng; nghe chuyện Chân nhân, thẹn đỏ mặt.

3
0
Bình luậnx
()
x