Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.2): Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện

Tào Tháo (Ảnh: Epoch Times)
Tào Tháo (Ảnh: Epoch Times)

Năm 221 TCN, “thiên cổ nhất đế” Tần Thủy Hoàng san bằng sáu nước, thống nhất Trung Nguyên, kiến lập nên hoàng triều chính thống đầu tiên – Đại Tần. Nhưng chỉ 15 năm ngắn ngủi sau đó, nhà Tần mau chóng sụp đổ, huy hoàng mười mấy năm bỗng chốc vùi lấp dưới tro tàn.

Phần 1: Phong lưu thiên cổ ẩn giấu thiên cơ

Phong vân lại nổi lên, chiến hỏa một lần nữa cháy đỏ rực trời, mở ra thời đại mới. Hán – Sở giao tranh, quần hùng đồng khởi, cuối cùng Hàn Tín phò tá Lưu Bang đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ mà khép lại bức màn sân khấu, mở ra cơ nghiệp hơn 400 năm cho nhà Hán. Những gì còn lại của Hạng Vũ bại vong đều chuyển hết cho Hàn Bang, nay thuộc đất nước Hàn khi xưa. 

“Hậu Hán thư – Đông Di liệt truyện – Thần Hàn” và “Tam Quốc Chí” có ghi chép: “Thần Hàn… kỳ ngữ ngôn bất dữ Mã Hàn đồng… hữu tự Tần nhân, phi đán Yên Tề chi danh vật dã”, nghĩa là: Người nước Hàn của Thần Hàn tuy là người của nước Tần, nhưng không phải là người nước Yên hoặc nước Tề vùng duyên hải biển Bột Hải, bởi vì ngôn ngữ người ấy sử dụng không phải của vùng nước Tề, nước Yên. Các nhà nghiên cứu nhân loại học cận đại đã phát hiện: Nhân chủng của dân tộc Hàn và vùng duyên hải đông nam Trung Quốc – Chiết Giang (nước Sở) khá giống nhau. Hiện nay, rất nhiều thành thị của Hàn Quốc ở các vị trí quanh vùng sông Hán Hàn Quốc và các thành thị ở quanh sông Hán của thời đại nước Sở là cùng một vùng. Ví dụ, các vùng Đan Dương, Tương Dương, Hán Dương (nay là Seoul), hồ Động Đình và thượng nguồn của sông mẹ Hàn Quốc với sông Hán, sông mẹ của nước Sở năm đó có cùng một tên gọi – Thái Bạch Sơn.

Hoàng đế của triều đại mới là Lưu Bang cùng Lữ Hậu mưu tính hại Hàn Tín, cùng Vị Ương tắm máu anh hùng, để lại một nỗi oan thiên cổ. Sau đó, Hán Vũ Đế nắm trong tay thiên hạ mà kế tục uy vũ của Tần Thủy Hoàng, khai mở triều cương, mở rộng lãnh thổ, nam chinh bắc chiến, uy vũ hùng phong, thống nhất Tây Vực. Đó cũng là đỉnh cao của nhà Hán.

Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện

Năm 106 TCN, vào niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 5, Hán Vũ Đế viết bài “Thu Phong từ” nói rằng: “Con cháu tông thất, ai có thể ứng với điều này: Trong sáu bảy bốn mươi hai đời sau, thay thế nhà Hán trở thành đường cao?”. 

Trong sách “Thái bình ngự lãm”, quyển 88 “Hoàng Vương”, bộ 13 “Sấm Xuân Thu” có câu: “Đại hán giả, đương đồ cao dã” (thay thế nhà Hán là chỗ cao ở trên đường). Đến thời mạt triều Đông Hán, danh sĩ Chu Thư đến từ vùng Ba Tây, Lãng Trung, đã nghiên cứu lời sấm truyền này. Lúc đó có người hỏi: “Sấm Xuân Thu viết có người thay thế triều Hán là chỗ cao ở trên đường, nghĩa là gì?“. Chu Thư trả lời: “Chỗ cao ở trên đường chính là Ngụy vậy”. Kiến An năm thứ 18 (năm 213), Tào Tháo được tấn phong làm Ngụy công, sau lại thăng làm Ngụy vương. Kiến An năm thứ 25 (năm 220), Ngụy vương băng hà, Thế tử Tào Phi lên nối ngôi. Tháng 10 năm 220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, xưng làm Ngụy đế, lại truy phong cho cha mình là Tào Tháo làm Ngụy Võ Đế. Những sự kiện ấy hoàn toàn ứng nghiệm với các câu sấm truyền “Đại Hán giả đương đồ cao dã”, “đương đồ cao dã, Ngụy dã”.

Nhưng chưa hết, trước đó vào thời Hán Hoàn Đế, trên trời có ngôi sao Hoàng Tinh (sao Đế Vương) chiếu xuống vùng đất giữa biên giới nước Sở và Tống. Liêu Đông Ân Qùy viết: “Năm mươi năm sau sẽ có vị chân nhân nổi lên giữa vùng Tiều, Phái, khí thế mạnh mẽ không gì cản nổi“. “Tống thư” quyển 27 chép rằng: Sau này, khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, phàm là trong vòng năm mươi năm thiên hạ thực sự không có kẻ địch. 

Năm 176, dưới thời Hán Linh Đế, năm Hi Bình thứ 5, sao Hoàng Long xuất hiện tại huyện Tiều, đại phu quang lộc Kiều Huyền hỏi Thái sử lệnh Đan Dương: “Điềm này là cát tường ư?“. Đan Dương trả lời: “Ở nơi ấy sẽ có vị vương giả chấn hưng đất nước. Không đến 50 năm sau là lúc rồng phục sinh lần nữa, những sự việc này của thiên tượng là vĩnh hằng không đổi, đây chính là điềm báo“ – (Trích từ “Mật Ký” – bản ghi chép bí mật của Ân Đăng, người quận Ngụy). 

Đến năm Kiến An thứ 25 (năm 220) Hoàng Long lại xuất hiện. Tào Thực sáng tác bài “Long kiến biểu”, viết rằng: “Thần nghe nói rằng phượng hoàng xuất hiện trở lại ở Nghiệp Nam và đôi Hoàng Long xuất hiện ở Thanh Tuyền. Thánh đức chí lý. Phượng hoàng sống trong rừng và rồng sống trong ao hồ là những gì người bình thường có thể quan sát được.” (“Tào Tử kiến tập” do Tào Thực viết, Tống biên tập) .

Năm 196, Kiến An năm đầu tiên, Thái sử lệnh thị trung Vương Lập quan sát thiên tượng mà biết việc hưng suy, nói rằng: “Trước đây sao Thái Bạch đóng ở Thiên Quan, gặp sao Huỳnh Hoặc. Kim, Hoả giao nhau, tượng trời ắt đổi. Vận Hán cáo chung rồi, đất Tấn, Ngụy tất có người nổi lên vậy”. Bùi Tùng Chi trong “Tam Quốc Chí” viết: Vương Lập sau này nói với Hoàng đế rằng: “Mệnh trời lúc đến lúc đi, ngũ hành không thịnh mãi, thay hành Hoả là hành Thổ, kế thừa vận Hán là nhà Ngụy vậy, người có thể yên thiên hạ chính là họ Tào vậy“. 

Tháng Hai năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Đường Thái Tông Lý Thế Dân thảo phạt Cao Ly, ông đã đi qua vùng An Dương và đích thân viết một bài văn tế để tỏ lòng thành kính với Ngụy Vũ Đế: “Vũ Đế đã lấy cái thế hùng vũ trong thời thế gian nan, là bậc rường cột vững chãi, tạo lập thời cơ, có công khuông phù chính nghĩa, xưa nay hiếm thấy”, “Chẳng bao lâu triều đại nhà Hán chia thành Tam Quốc. Sự khởi đầu xuất hiện của Hoàng Tinh cho thấy đây là mệnh của hoàng đế, chân nhân tái xuất, cũng là Thiên ý sắp đặt để con người hành theo”. (Trích trong “Toàn Đường văn”, quyển 10 – Văn tế của Đường Thái Tông tế Ngụy Thái Tổ Vũ Hoàng Đế).

Thiên triều Đại Hán trải qua hơn 300 năm, đặt định nền tảng căn bản, truyền rộng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa “nội Đạo ngoại Nho”, ”thiên nhân hợp nhất” ra bên ngoài. Sáng Thế Chủ đã an bài hoàn thành sứ mệnh, vở kịch lớn sắp sửa hạ màn, nhà Hán giờ như nỏ mạnh hết đà, cực thịnh rồi suy, triều chính không thể chấn chỉnh, mối họa hoạn quan, quyền thần làm loạn, thiên tai nhân họa, dân chúng lầm than. Đến đây, thiên triều nhà Hán khí số đã tận rồi.

Tào Tháo (Ảnh: Epochtimes)
Tào Tháo (Ảnh: Epochtimes)

Lúc này, Thiên ý an bài xuất hiện một vị anh hùng cái thế chuyển sinh đến thế gian, người ấy mang sứ mệnh lớn, tiếp tục thành tựu nên đại nghiệp. Tào Tháo, tự Mạnh Đức, là người nước Bái huyện Tiêu (hiện nay là đất Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc), sinh năm 155 trong một gia đình hoạn quan, cận thần hiển hách vào những năm cuối thời Đông Hán. Tổ phụ Tào Đằng lúc còn trẻ làm Hoàng Môn thị lang, vào thời Hán Thuận Đế thì được thăng lên chức Đại trường thu, vốn là chức vị hoạn quan lớn nhất trong hậu cung. Thuận Đế băng hà, Xung Đế, Chất Đế tại vị đều không đến một năm, Tào Đằng thuyết phục Lương Ký nghênh đón Lưu Chí đang sống bên ngoài lập làm Hoàn Đế, nhờ vậy ông được phong làm Phí Đình Hầu. Tào Tung được Tào Đằng nhận làm con nuôi, ban đầu làm Tư lệ hiệu úy, lại được đề bạt làm Đại tư nông, Đại hồng lư, về sau làm quan tới Thái uý. 

Tào Tháo là con trai trưởng của Tào Tung, thời niên thiếu vô cùng lanh lợi, thích hành hiệp trượng nghĩa, tinh thông cưỡi ngựa, bắn cung, kết làm bằng hữu với Viên Thiệu, Trương Mạc… Thuở thiếu niên ông đã từng hành thích kẻ ác, nhưng việc không thành. Lớn lên ông am hiểu kinh sách, yêu thích binh pháp, sau đó còn chú thích 13 quyển binh thư của Tôn Vũ, lấy tên là “Năng minh cổ học” (có thể thông hiểu tri thức xưa).

Khi Tào Tháo 12 tuổi, Trưởng sử Hà Ngung nói: “Nhà Hán sắp diệt vong, người có thể an định thiên hạ ắt hẳn là vị này”. Thái uý Kiều Huyền nổi tiếng là biết nhìn người, rất nhiều người khi ấy đều đến bái yết ông để được chỉ giáo. Năm Tào Tháo 15 tuổi, Kiều Huyền nói với ông rằng: “Hiện nay thiên hạ sắp loạn, chỉ có cậu với tài năng xuất thế mang theo thiên mệnh mới có thể cứu vãn được. Có thể bình định thiên hạ, e rằng chỉ có cậu. Ta già rồi, xin đem vợ con phó thác lại cho cậu”. Kiều Huyền sau đó đem vợ con, thân nhân của mình giao phó cho Tào Tháo. Thanh danh Tào Tháo ngày càng nổi hơn. Con trai của Tư lệ hiệu úy Lý Ưng, Đông Bình tướng Lý Toản trước khi lâm chung cũng nói: “Thời cuộc sắp xảy ra chiến loạn, anh hùng trong thiên hạ không ai vượt qua Tào Tháo“. 

Triều đình từng phong Tào Tháo làm Đông Quận thái thú. Tuy nhiên khi ấy quyền thần chuyên quyền, triều chính đảo lộn, hoàng tộc buông thả, phóng túng. Tào Tháo xét rằng không thể nhìn sắc mặt người khác mà hành xử, lại càng không thể vứt bỏ nguyên tắc bản thân để lấy lòng người. Ông mấy lần làm trái lệnh triều đình, lo sợ bị giá họa, bèn không tiếp nhận chức Thái thú, chỉ lui về làm Túc vệ. Về sau, Tào Tháo được phong làm Nghị Lang, song vẫn thường lấy lý do bệnh tật mà thoái thác. Chẳng bao lâu, ông cáo biệt về quê, xây nhà bên ngoài thành. Mùa xuân, mùa hạ luyện tập võ nghệ, đọc kinh thư. Mùa thu, mùa đông đi săn bắn, lấy những việc ấy làm vui, thực giống như rồng ẩn náu bên trong sóng cả nhưng vẫn nuôi chí lớn vậy.

Trong thời gian này, Tào Tháo sáng tác hai bài thơ bày tỏ lý tưởng kinh bang tế thế của mình. Trong đó, bài “Độ Quan Sơn” ngôn từ thẳng thắn, xem trọng nhân tài, coi con người là trân quý nhất giữa trời đất, lại đưa ra kiến giải hết sức mới mẻ: Vua chúa, quân chủ được lập nên là để phục vụ cho nhân dân, vì nhân dân. Ông cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới các vị minh quân cổ đại như Nghiêu, Thuấn, Vũ, không muốn làm dân lao lực, khổ sở vì các cuộc chiến chinh, muốn giảm bớt hình phạt, cắt giảm thuế, xem trọng việc tiết kiệm.

Dưới đây là hai bài “Độ Quan Sơn” và “Đối tửu”:

Độ Quan Sơn

Thiên địa gian, nhân vi quý
Lập quân mục dân, vi chi quỹ tắc
Xa triệt mã tích, kinh vĩ tứ cực
Truất trắc u minh, lê thứ phồn tức
Ư thước hiền thánh, tổng thống bang vực
Phong kiến ngũ tước, tỉnh điền hình ngục
Hữu phiền đan thư, vô phổ xá thục
Hiêu đào phủ hầu, hà hữu thất chức
Ta tai hậu thế, cải chế dịch luật
Lao dân vi quân, dịch phú kỳ lực
Thuấn tất thực khí, bạn giả thập quốc
Bất cập Đường Nghiêu, thái chuyên bất chước
Thế thán Bá Di, dục dĩ lệ tục
Xỉ ác chi đại, kiệm vi cộng đức
Hứa Do Thôi Nhượng, khải hữu tụng khúc
Kiêm ái thượng đồng, sơ giả vi thích.

Diễn nghĩa:

Vượt qua Quan Sơn

Vạn vật sinh ra trong trời đất, con người là quý giá không gì so sánh được.
Thiết lập quân chủ để quản lý bách tính, trở thành quy tắc quy củ chính thường cho xã hội.
Quy chuẩn giao thông xe cộ, mở mang quốc thổ đi khắp mọi nơi.
Quyết định tài vận tốt hay xấu, nắm được vượng khí của con người.
Ca ngợi các bậc hiền triết và các bậc quân vương cai quản đất nước.
Phân phong chức tước cho các chư hầu, xây dựng chế độ “tỉnh điền” ban hành luật pháp.
Đốt bỏ sách vở ghi chép để xóa bỏ hình phạt, và không truy cứu các tiền án tiền sự.
Cao Đào thời vua Thuấn, Phủ Hầu thời nhà Chu, làm quản ngục sai ở chỗ nào?
Thật đáng tiếc khi hậu thế đã thay đổi tất cả các hệ thống và phương pháp.
Thúc đẩy dân chúng ra sức phục vụ hoàng đế, lao dịch khổ sở bắt dân chúng phải chịu.
Ngu Thuấn ra lệnh cho đồ dùng sơn mài, điều này làm dấy lên cuộc nổi dậy của các nước.
Không giống như sự tiết kiệm và đơn giản của Đường Nghiêu, sử dụng cây Tạc để làm xà nhà và không cần chạm trổ.
Khi người người ngưỡng mộ Bá Di và hy vọng sẽ cải thiện chính khí xã hội.
Xa xỉ là tội ác lớn nhất, và đức tính tiết kiệm là điều không thể mong mỏi.
Hứa Do từ chối thụ nhận thiên hạ, lẽ nào cần làm ra đạo lý?
Chỉ cần thực hành bác ái và sự hòa hợp, thì dù xa lạ đến đâu cũng sẽ hòa mục và thân thiết.


Bài thứ hai là “Đối tửu”, ý tứ trong thơ vẽ nên một bức tranh thời thái bình đẹp đẽ. Đó là một xã hội lý tưởng mà Tào Tháo theo đuổi: Bậc vua chúa hiền minh, bề tôi trung lương, nhân dân có lễ nghĩa, lương thực sung túc, hình pháp nghiêm minh, mưa thuận gió hoà, nhà tù bỏ không, ân huệ thấm nhuần khắp nơi, người người hưởng phúc thọ dài lâu. 

Đối tửu

Đối tửu ca, thái bình thời, lại bất hô môn
Vương giả hiền thả minh, Tể tướng cổ quăng giai trung lương
Hàm lễ nhượng, dân vô sở tranh tụng
Tam niên canh hữu cửu niên trữ, thương cốc mãn doanh
Ban bạch bất phụ đới
Vũ trạch như thử, bách cốc dụng thành
Khước tẩu mã, dĩ phẫn kỳ thổ điền
Tước Công Hầu Bá Tử Nam, hàm ái kỳ dân, dĩ truất trắc u minh
Tử dưỡng hữu nhược phụ dữ huynh
Phạm lễ pháp, khinh trọng tùy kỳ hình
Lộ vô thập di chi tư
Linh ngữ không hư, đông tiết bất đoạn
Nhân hào điệt, giai đắc dĩ thọ chung
Ân trạch quảng cập thảo mộc côn trùng.

Diễn nghĩa:

Hát về rượu

Hát về rượu, khi thiên hạ thái bình, quan lại sẽ không đến trước cửa nhà dân mà lớn tiếng đòi địa tô, thuế má.
Vua tài đức, sáng suốt, tể tướng và các quan phụ tá đều là bậc lương trung.
Mọi người đều lễ phép và nhường nhịn lẫn nhau, giữa người với người sẽ không có tranh chấp kiện tụng.
Ba năm trồng trọt có thể tích trữ lương thực chín năm; chín năm tiết kiệm, thóc lúa có thể trữ đầy vựa, đó là biểu hiện cho dân giàu nước mạnh.
Người già cả tóc bạc không cần xách vác đồ nặng, mưa thuận gió hòa nên mùa màng bội thu.
Chiến mã không cần ra chiến trường nữa, mà ra đồng vận chuyển phân bón.
Những người được phong Tước, Công, Hầu, Bá… có thể quý trọng người của mình, trừ bỏ tà ma, ban thưởng và tuyển chọn những người tài đức.
Các chư hầu và quan lại đều yêu quý dân chúng như cha và anh em.
Nếu ai đó vi phạm lễ nghi và luật pháp, thì hình phạt được xác định tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
Bằng cách này không có hành vi trộm cắp hay nhặt của rơi, nhà tù sẽ trống không, không cần xử tử tù khi mùa đông đến.
Con người có thể sống lâu trường thọ, đức độ của bậc quân vương là vô biên, có thể lan khắp các loài cây cỏ và côn trùng.

Tào Tháo một mình gánh vác làm chính trị trong thời đại loạn, chỉnh đốn ngay chính lại thói đời. Năm 177, tức Hi Bình năm thứ ba, Tào Tháo 20 tuổi, được đề cử làm Hiếu liêm, phong làm Bộ uý ở bắc Lạc Dương. “Tào Man truyện” chép rằng Tào Tháo khi mới nhậm chức đã cho sửa sang nha huyện, làm roi ngũ sắc, treo ngoài cửa chừng hơn mười cây. Ai dám phạm vào cấm lệnh, bất kể là cường hào, đều dùng gậy đánh đến chết không tha. Kiển Thạc là hoạn quan được Linh Đế cưng chiều, có người chú phạm lệnh cấm, giữa đêm đi lại ngoài đường. Tào Tháo hạ lệnh lập tức xử tử. Kinh sư chấn động, không còn người nào dám tái phạm, danh tiếng họ Tào vang xa. 

Năm 185, tức năm Trung Bình thứ hai, Tào Tháo được phong làm Tế Nam tướng quốc  (ngày nay là khu vực Sơn Đông). Xứ này có khoảng hơn mười huyện. Trưởng sử trong huyện đều dựa dẫm vào giới quyền quý, tham ô hối lộ, xem thường luật pháp. Trước đó, nhiều tướng đến nhậm chức nhưng đều bỏ ngoài tai không tra hỏi. Duy chỉ có Tào Tháo vừa cầm quyền liền như sấm lôi gió giật, tức thì khởi tấu triều đình, xin cách chức tám vị Trưởng sử, lại cấm tuyệt việc tế lễ nhảm nhí. Cả vùng Tế Nam chấn động, tham quan ô lại rối rít chạy trốn sang các quận khác.  

Chính tà phân minh, ở Tế Nam khi ấy rất thịnh hành những chuyện thờ cúng các loại ô uế, loạn bát nháo. Trước đó Thành Dương Cảnh vương là Lưu Chương vì có công lao nên được vua cho lập đền thờ. Ở Tế Nam khi ấy có tới hơn 600 đền miếu thờ. Các thứ ô uế xuất hiện tràn lan trong miếu đền, tà linh phụ thể chiếm cứ các loại tượng thần bằng đất, gây hoạ loạn thế gian. Tào Tháo vừa đến liền cho đập huỷ tượng thần đã bị ô uế trong miếu, phá hết các đền thờ loạn bậy, trừ bỏ các loại cúng tế và hành vi gây loạn đi ngược lại với chính đạo trong dân chúng, tiêu huỷ các loại tà linh loạn quỷ. Chính giáo lại hưng thịnh, cả quận lại được thanh bình. 

Khi còn rất trẻ tuổi, trong buổi mới nhập quan trường Tào Tháo đã có được phong độ và khí chất mạnh mẽ, dũng cảm, quả quyết của bậc vương giả trị thế. Sau đó khi nắm giữ chức Thừa tướng triều Hán, Tào Tháo lại diệt trừ hết những loại thờ cúng ô uế dâm tự.

Xem tiếp: Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.3): Giương cờ nghĩa tiêu diệt bạo loạn

Tổ nghiên cứu Nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm.
Mạnh Hải biên dịch

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 3 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments
Tư Thâu
Tư Thâu
2 years ago

Nên có phần kế tiếp để không phải lùi lại tìm kiếm…

1
0
Bình luậnx
()
x