Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.14): Bút pháp như Thần

tao thao minh chan tuong
Nhân vật anh hùng thời đại – Ngụy Vũ Đại Đế Tào Tháo. (Ảnh: The Epoch Times chế tác)

Chương 4 : Bút pháp như Thần

Tào Tháo là một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, xuất chúng, thống lĩnh quân đội hơn ba mươi năm, sách chưa từng rời tay; ban ngày xem binh thư sách lược, ban đêm suy ngẫm Kinh sách, Tả Truyện. Ông leo núi ắt sáng tác thi phú, múa giáo liền ngâm thơ, chơi đàn thổi sáo đều ngẫu hứng thành nhạc khúc. Rất nhiều thơ ca của Tào Tháo đã thất lạc, duy còn lưu lại 18 thiên thơ Nhạc phủ, tổng cộng có 26 bài.

Lưu Hi Tải thời nhà Thanh từng nói: “Thơ của Tào Công, luôn thể hiện hùng khí kiên định, đủ để bao phủ hết thảy.”

Đông Phương Thụ từng nói: “Đại khái thơ Vũ Đế trầm uất, mộc mạc, có những đoạn khí phách trập trùng tầng tầng lớp lớp, chứ không hề bình phẳng đồng đều. Thường thường mỗi khi nâng bút ông đều chuyển đổi khí thế; tìm kiếm ý tự, không gì không minh bạch; bút pháp văn chương thường hay chơi chữ, hàm ý lắng đọng súc tích, khiến người đọc luôn thỏa mãn”. (“Chiêu Muội Chiêm Ngôn” – Quyển 2).

Thơ văn của Tào Tháo được lưu truyền cho đến ngày nay, có rất nhiều câu đã trở thành danh ngôn thiên cổ: “Thiên địa gian, nhân vi quý” (Trong trời đất, con người là đáng trân quý), “Đối tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà?” (Trước chén rượu nên hát ca, bởi vì đời người có được bao lâu?), “Hà dĩ giải ưu? Duy hữu Đỗ Khang” (Muốn giải nỗi ưu sầu? Chỉ có rượu Đỗ Khang), “Sơn bất yếm cao, hải bất yếm thâm” (Núi chẳng ngại cao, biển chẳng ngại sâu), “Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý; liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ” (Ngựa già bên máng cỏ, Chí tại ngàn dặm xa, Tráng sĩ tuổi đã già, Hùng tâm còn nung nấu) .v.v.

Vào thời kỳ thơ ngũ ngôn thịnh hành, Tào Tháo lại viết thơ tứ ngôn, đồng thời đưa thể thơ này trở thành tuyệt tác. Ông chính là người sáng lập phong cách thơ văn Kiến An, ảnh hưởng rất lớn đến đương đại và hậu thế, được người đời sau gọi là “Phong cốt Kiến An” (Nghiêm Vũ thời Nam Tống), “Văn chương Bồng Lai, cốt cách Kiến An” (Lý Bạch), “Phong cốt Hán Ngụy” (Trần Tử Ngang triều Đường).

Thơ ngũ ngôn của Tào Tháo thâm trầm bao nhiêu thì hùng tráng bấy nhiêu, lúc khẳng khái, chính trực, lúc bi thương, cô tịch. Ví như “Hao lý”, “Giới lộ” được xưng là “Đệ nhất cao thủ”, “Lão luyện vô địch”, đã thể hiện một mặt xúc động nhất trong thơ ca Kiến An. Tào Tháo đã dẫn dắt ca từ Nhạc phủ hướng đến một con đường hoàn toàn mới mẻ. Ông được ngợi khen là “Đệ nhất cao nhân” về thơ ngũ ngôn, “Ông tổ đầu tiên của thiên cổ thi nhân”, “Phong cách cổ phác, khai mở con đường cho thơ ngũ ngôn thời nhà Đường.”

Tào Tháo đã sử dụng thơ ca như một cách thuật lại những thể ngộ và điều nhìn thấy trong quá trình tu luyện của mình, mở ra một làn gió mới trong thời đại của ông. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm khiến Tào Thực và lớp người hậu thế thời kỳ Lục triều phải xưng tụng là thơ du Tiên (thơ ca cổ mượn cảnh Tiên để gửi gắm hoài bão của mình), trở thành một đóa hoa quý của nền văn hóa Thần truyền Trung Hoa.

Những bài thơ ca này phần lớn là thơ ca vịnh Tiên nhân, đề cao tu luyện, đa phần sáng tác dành cho những người tu Đạo. Tào Tháo và Lý Bạch là những nhân vật xuất sắc nhất về thể loại thơ du Tiên này. Trong số hơn hai mươi bài thơ hiện còn của Tào Tháo, có bảy bài thuộc loại thơ du Tiên: ba bài “Khí xuất xướng”, một bài “Tinh liệt”, một bài “Mạch thượng tang”, hai bài “Thu hồ hành”. Những bài thơ này thuật lại việc thi nhân bước vào Tiên cảnh, ngao du cùng Thần Tiên và tu Đạo dưỡng sinh.

Thơ du Tiên gợi mở cho thế nhân biết kính Thần tín Phật, hướng đạo tu thành Thần Tiên, phản bổn quy chân. Thế nhưng, ngày nay có rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần, cho rằng thơ du Tiên là do các nhà thơ đã huyễn hóa và tưởng tượng ra cảnh giới mờ mịt, kỳ ảo, thậm chí còn cho rằng thi nhân sử dụng cả thủ pháp lãng mạn trong thơ ca, vì vậy họ không thể chân chính lý giải được hàm nghĩa trong thơ du Tiên.

Tào Tháo ứng với Hoàng Tinh, thuận theo vận mà sinh. Ông chính là Chân nhân hạ phàm, tu đạo và dưỡng sinh. Vậy nên thơ du Tiên của ông dĩ nhiên chủ yếu đều ghi chép về những trải nghiệm và lĩnh hội trong quá trình tu luyện, mang khí phách phi phàm của Thần Tiên lưu lại cho người đời sau. Thơ du Tiên của Tào Tháo có khí thế khoáng đạt, ngôn từ giản dị, lưu loát, ẩn chứa nội hàm phong phú, khi đọc lên mỗi âm tiết đều vang vọng và trôi chảy.

“Khí xuất xướng” Kỳ 1

Giá lục long, thừa phong nhi hành.
Hành tứ hải, lộ hạ chi bát bang.
Lịch đăng cao sơn lâm khê cốc, thừa vân nhi hành.
Hành tứ hải ngoại, đông đáo Thái sơn.
Tiên nhân ngọc nữ, hạ lai cao du.
Tham giá lục long ẩm ngọc tương.
Hà thủy tận, bất đông lưu.
Giải sầu phúc, ẩm ngọc tương.
Phụng trì hành, đông đáo Bồng Lai sơn, thượng chí thiên chi môn.
Ngọc khuyết hạ, dẫn kiến đắc nhập,
Xích Tùng tương đối, tứ diện cố vọng, thị chính hỗn hoàng.
Khai ngọc tâm chính hưng, kỳ khí bách đạo chí.
Truyền cáo vô cùng bế kỳ khẩu, đãn đương ái khí thọ vạn niên.
Đông đáo hải, dữ thiên liên.
Thần Tiên chi đạo, xuất yểu nhập minh, thường đương chuyên chi.
Tâm điềm đạm, vô sở khái dục.
Dục bế môn tọa tự thủ, thiên dữ kỳ khí.
Nguyện đắc Thần chi nhân, thừa giá vân xa,
Tham giá bạch lộc, thượng đáo thiên chi môn, lai tứ thần chi dược.
Quỵ thụ chi, kính Thần tề.
Đương như thử, đạo tự lai.

Tạm diễn nghĩa:

Cưỡi lục long, lướt gió mà đi.
Đi khắp bốn bể, ngang qua tám bang
Vượt núi cao vực sâu, cưỡi mây đi.
Dạo chơi bốn bể, đến núi Thái Sơn phía đông.
Tiên nhân ngọc nữ, giáng hạ ngao du.
Cưỡi lục long, uống ngọc tương.
Nước sông cạn, chẳng xuôi về đông.
Trút lòng sầu muộn, uống ngọc tương.
Tín phụng hành, đến núi Bồng Lai phía đông, thẳng lên cổng Thiên cung.
Cung ngọc đó, dẫn người vào tương kiến.
Cùng Xích Tùng, trông vợi bốn phương, rực rỡ huy hoàng.
Tâm ngọc rộng mở, trăm khí đều thông.
Truyền bảo muôn phần an tĩnh, nhưng lúc ấy ái khí thọ vạn năm.
Đông đến tận biển, nối liền chân trời.
Đạo Thần Tiên, ra vào nơi huyền ảo, cần chuyên tâm bền lòng.
Tâm điềm tĩnh, không khởi dục vọng.
Đóng cửa ngồi yên giữ mình, chờ đợi khí lành trời ban.
Nguyện thành Thần Tiên, cưỡi mây bay xa.
Cưỡi bạch lộc đến cổng trời, được ban Thần dược.
Quỳ gối nhận lễ, kính bậc Thần Tiên.
Được như thế, Đạo sẽ tự đến.

“Khí xuất xướng” Kỳ 2:

Hoa âm sơn, tự dĩ vi đại.
Cao bách trượng, phù vân vi chi cái.
Tiên nhân dục lai, xuất tùy phong, liệt chi vũ.
Xuy ngã động tiêu, cổ sắt cầm, hà ngân diêm ngân!
Tửu dữ ca hý, kim nhật tương nhạc thành vi nhạc.
Ngọc nữ khởi, khởi vũ di sổ thời.
Cổ xuy nhất hà tào tào.
Tòng tây bắc lai thời, Tiên đạo đa giá yên,
Thừa vân giá long, uất hà vụ vụ.
Ngao du bát cực, nãi đáo Côn Luân chi sơn,
Tây Vương Mẫu trắc, Thần Tiên kim chỉ ngọc đình.
Lai giả vi thùy? Xích tùng vương kiều, nãi đức toàn chi môn.
Nhạc cộng ẩm thực đáo hoàng hôn.
Đa giá hợp tọa, vạn tuế trưởng, nghi tử tôn.

Tạm diễn nghĩa:

Núi Hoa âm, cao lớn trường tồn .
Cao trăm trượng, mây giăng phủ kín.
Tiên nhân muốn đến, thuận gió tùy mưa.
Thổi sáo, tiêu, đánh đàn cầm đàn sắt, réo rắt thay!
Uống rượu cùng ca hát, hôm nay tụ họp thật là vui.
Ngọc nữ đứng lên, nhảy múa chẳng để ý thời gian.
Tiếng trống huyên náo.
Từ Tây Bắc đến, nhiều vị Đạo Tiên cưỡi khói mờ ảo.
Người cưỡi mây, người ngự long, rực rỡ đông đúc.
Ngao du Bát Cực, hướng đến núi Côn Luân.
Bên cạnh Tây Vương Mẫu, Thần Tiên dừng bước nơi ngọc đình.
Người đến là vì ai? Xích Tùng với Vương Kiều, bước vào cửa công đức viên mãn.
Cùng nhau tiệc tùng đến hoàng hôn.
Ngồi với nhau, thọ đến muôn tuổi, con cháu thụ ích.

“Khí xuất xướng” Kỳ 3:

Du Quân Sơn, thậm vi chân.
Thôi ngôi tạc các, nhĩ tự vi Thần.
Nãi đáo Vương Mẫu đài, kim giai ngọc vi đường, chi thảo sinh điện bàng.
Đông tây sương, khách mãn đường.
Chủ nhân đương hành trường, tọa giả trường thọ cự hà ương.
Trưởng nhạc phủ thủy nghi tôn tử.
Thường nguyện chủ nhân tăng niên, dữ thiên tương thủ.

Tạm diễn nghĩa:

Ngao du Quân Sơn, quá chân thật.
Đỉnh núi cao ngất, cảm giác như Thần.
Đến đài Vương Mẫu, vàng kim ngọc quý họa khắc, linh chi mọc đầy cạnh bên.
Nhà đông nhà tây, khách tấp nập.
Rót rượu kính Thần, cầu chúc được trường thọ.
Niềm vui lâu dài, nên để cho con cháu.
Mãi mong chủ nhân trường thọ, sánh cùng Trời.

Trong “Khí xuất xướng” Kỳ 1 có ghi lại Tào Tháo cưỡi lục long, lướt gió mà đi, đến Thái Sơn ở phía Đông. Thái Sơn là ngọn núi đứng đầu trong năm ngọn núi tiêu biểu ở Trung Quốc, là nơi Thần tiên hay lui tới tụ họp, thường có Tiên nhân và Ngọc nữ hạ phàm gặp gỡ. Tiếp tục đi về hướng Đông đến núi Bồng Lai. Núi Bồng Lai hướng lên thông với trời, chính là thông thẳng đến cổng Thiên Chi Môn.

Đứng trước Cung ngọc, được dẫn vào trong gặp gỡ Xích Tùng Tử, ngoảnh nhìn khắp nơi, thấy Thần Tiên đàm đạo, “Tâm ngọc rộng mở, trăm khí đều thông”. “Đạo của Thần Tiên, ra vào nơi huyền ảo, cần chuyên tâm bền lòng. Tâm điềm tĩnh, không khởi dục vọng. Đóng cửa ngồi yên giữ mình, chờ đợi khí lành trời ban.” Tào Tháo chuyên tâm tu luyện.

Trong “Khí xuất xướng” Kỳ 2, nhà thơ nhớ lại cảnh tượng hội hợp cùng Tiên nhân trên núi Hoa Âm, thổi sáo, đánh trống, gảy đàn, uống rượu hát vang, sau đó là ngao du Bát Cực, đến núi Côn Luân, sẽ gặp Tây Vương Mẫu, được thấy Xích Tùng Tử, Vương Tử Kiều, “Cùng nhau ăn uống đến buổi hoàng hôn”. Xích Tùng Tử còn có tên là Xích Tụng Tử, hiệu là Tả Thánh Nam Cực Nam Nhạc Chân nhân, Tả Tiên Thái Hư Chân nhân. Ông là vị Thần trông coi làm mưa thời Thần Nông.

Vương Kiều cũng gọi là Vương Tử Kiều, là Thái tử Tấn của Chu Linh Vương đời Đông Chu, từng làm Bách Nhân lệnh, đắc Đạo ở núi Tuyên Vụ vùng Đông bắc. Thời Hán Hoàn Đế, trong thành Bách Nhân còn có người dân huyện Bách Nhân lập bia cho huyện lệnh Vương Kiều, trên đó có khắc: “Núi có Quán Mao (Tuyên Vụ), nơi Vương Kiều đắc Đạo thành Tiên”, ấn chứng Vương Kiều cưỡi hạc bay lên trời ở núi Tuyên Vụ.

Trong “Khí xuất xướng” Kỳ 3 ghi chép chuyện Tào Tháo gặp gỡ các vị Thần Tiên trong một dịp khác tại núi Quân Sơn. Trong núi Quân Sơn có hồ Động Đình, là nơi ở của vị phi tần thứ hai của vua Thuấn. Ngoài ra trong núi còn có đài Vương Mẫu, nơi đó “vàng kim ngọc quý họa khắc, linh chi mọc đầy cạnh bên”. “Nhà đông nhà tây, khách tấp nập”, kết thúc bài thơ thi nhân cuối cùng chúc nguyện “Chủ nhân tăng thọ, sánh cùng với Trời”.

“Thu hồ hành” Kỳ 1:

Thần thượng tán quan sơn, thử đạo đương hà nan. Thần thượng tán quan sơn, thử đạo đương hà nan. Ngưu đốn bất khởi, xa đọa cốc gian. Tọa bàn thạch chi thượng, đàn ngũ huyền chi cầm. Tác vi thanh giác vận, ý trung mê phiền. Ca dĩ ngôn chí, thần thượng tán quan sơn.

Hữu hà tam lão công, tốt lai tại ngã bàng. Hữu hà tam lão công, tốt lai tại ngã bàng. Phụ yểm bị cầu, tự phi hằng nhân. Vị khanh vân hà khốn khổ dĩ tự oán, hoàng hoàng sở dục, lai đáo thử gian? Ca dĩ ngôn chí, hữu hà tam lão công.

Ngã cư Côn Luân sơn, sở vị giả Chân nhân. Ngã cư Côn Luân sơn, sở vị giả Chân nhân. Đạo thâm hữu hà đắc. Danh sơn lịch quán, yêu du bát cực, chẩm thạch sấu lưu ẩm tuyền. Trầm ngâm bất quyết, toại thượng thăng thiên. Ca dĩ ngôn chí, ngã cư Côn Luân sơn.

Khứ khứ bất khả truy, trường hận tương khiên phàn. Khứ khứ bất khả truy, trường hận tương khiên phàn. Dạ dạ an đắc mị, trù trướng dĩ tự lân. Chính nhi bất quyệt, nãi phú y nhân. Kinh truyện sở quá, tây lai sở truyền. Ca dĩ ngôn chí, khứ khứ bất khả truy.

Tạm dịch:

Sáng đi trên núi Tản Quan, đường đi xiết đỗi gian nan trập trùng
Sáng đi trên núi Tản Quan, đường đi xiết đỗi gian nan trập trùng
Trâu mệt dốc sức khôn cùng, xe rơi xuống dưới tận vùng vực sâu
Ngồi trên hòn đá lúc lâu, gảy lên khúc nhạc lắng sâu huyền cầm
Khúc Thanh Giác chốn sơn lâm, phá tan bao nỗi thương tâm ưu phiền
Đàn thay ý nguyện vô biên, Tản Quan núi hiểm một miền núi sông

Bỗng đâu ba lão tam công, chẳng hay tên tuổi đến bên cạnh mình
Bỗng đâu ba lão tam công, chẳng hay tên tuổi đến bên cạnh mình
Ba ông khoác áo hồ cừu, xem ra cũng giống như là thường dân
Hỏi khanh sao lại thảm thương, sầu bi oán trách lòng vương vấn gì, đến đây là có việc chi?
Lời ca bày tỏ chí nguyện, bỗng đâu ba lão tam công

Ta ngự ở núi Côn Luân, người thường gọi là Chân nhân
Đạo lý sâu thăm thẳm có thể đắc được chăng
Danh sơn muôn thuở, ngao du Bát Cực, gối đầu lên đá, súc miệng uống dòng suối mát lành
Trầm ngâm suy tính, liền thăng lên trời
Lời ca bày tỏ chí nguyện, ta ngự núi Côn Luân

Đến đi không thể cưỡng cầu, oán hận lẫn nhau níu lấy không buông
Đến đi không thể cưỡng cầu, oán hận lẫn nhau níu lấy không buông
Đêm ngủ an nhiên, phiền muộn tự nuối tiếc
Chân chính không dối lừa, bèn nương theo làm bài phú
Kinh điển đã từng nhắc, truyền lại từ phương Tây
Lời ca bày tỏ chí nguyện, đến đi không cưỡng cầu.

“Thu hồ hành” Kỳ 2

Nguyện đăng Thái Hoa sơn, Thần nhân cộng viễn du. Nguyện đăng Thái Hoa sơn, Thần nhân cộng viễn du. Kinh lịch Côn Luân sơn, đáo Bồng Lai. Phiêu diêu bát cực, dữ Thần nhân cụ. Tư đắc Thần dược, vạn tuế vi kỳ. Ca dĩ ngôn chí, nguyện đăng Thái Hoa sơn.

Thiên địa hà trường cửu, nhân đạo cư chi đoản. Thiên địa hà trường cửu, nhân đạo cư chi đoản. Thế ngôn bá dương, thù bất tri lão. Xích Công Vương Kiều, diệc vân đắc đạo. Đắc chi mạt văn, thứ dĩ thọ khảo. Ca dĩ ngôn chí, thiên địa hà trường cửu.

Minh minh nhật nguyệt quang, hà sở bất quang chiếu. Minh minh nhật nguyệt quang, hà sở bất quang chiếu. Nhị nghi hợp thánh hóa, quý giả độc nhân bất? Vạn quốc sất thổ, mạc phi vương thân. Nhân nghĩa vi danh, lễ nhạc vi vinh. Ca dĩ ngôn chí, minh minh nhật nguyệt quang.

Tứ thời cánh thệ khứ, trú dạ dĩ thành tuế. Tứ thời cánh thệ khứ, trú dạ dĩ thành tuế. Đại nhân tiên thiên nhi thiên phất vi, bất thích niên vãng, ưu thế bất trị. Tồn vong hữu mệnh, lự chi vi si. Ca dĩ ngôn chí, tứ thời cánh thệ khứ.

Thích thích dục hà niệm, hoan tiếu ý sở chi. Thích thích dục hà niệm, hoan tiếu ý sở chi. Tráng thịnh trí tuệ, thù bất tái lai. Ái thời tiến thú, tương dĩ huệ thùy, phiếm phiếm phóng dật, diệc đồng hà vi! Ca dĩ ngôn chí, thích thích dục hà niệm.

Tạm diễn nghĩa:

Nguyện lên núi Thái Sơn, cùng Thần Tiên ngao du.
Nguyện lên ngọn Thái Sơn, cùng Thần Tiên ngao du.
Vượt dãy Côn Luân, đến núi Bồng Lai.
Phiêu diêu Bát Cực, dạo cùng Thần Tiên.
Muốn đắc Thần dược, sống lâu muôn tuổi.
Lời ca là chí nguyện, nguyện đến Thái Hoa Sơn.

Thiên địa nào có dài lâu, đời người vốn ngắn ngủi.
Thiên địa nào có dài lâu, đời người vốn ngắn ngủi.
Thế gian nói Bá Dương, chẳng già đi chút nào.
Xích Tùng, Vương Kiều cũng đều đắc Đạo.
Chẳng là đắc điều chi, đó chính là thọ mệnh
Lời ca bày tỏ chí nguyện, thiên địa nào có dài lâu

Nhật nguyệt sáng tỏ, rạng chiếu muôn nơi.
Nhật nguyệt sáng tỏ, rạng chiếu muôn nơi.
Trời Đất sinh vạn vật, tôn quý chỉ riêng người?
Vạn nước quản đất riêng, đều xưng Vương xưng Thần.
Lấy nhân nghĩa làm danh, lấy lễ nhạc làm vinh.
Lời ca bày tỏ chí nguyện, nhật nguyệt sáng tỏ.

Bốn mùa đổi thay trôi qua, ngày đến đêm đi trọn một năm
Bốn mùa đổi thay trôi qua, ngày đến đêm đi trọn một năm
Bậc đại nhân trước tiên không trái mệnh Trời, không ưu tư quá khứ, chẳng sầu muộn thế gian.
Tồn vong có mệnh, lo sinh tử ấy là kẻ ngu si.
Lời ca bày tỏ chí nguyện, bốn mùa đổi thay trôi qua.

Vì cầu dục vọng mà sầu bi, hay đạt được ước nguyện mà hoan hỉ
Vì cầu dục vọng mà sầu bi, hay đạt được ước nguyện mà hoan hỉ
Tuổi tráng niên trí tuệ, đã qua thì không trở lại.
Quý tiếc thời gian mà tiến thủ, sẽ đem lại lợi ích cho ai?
Hời hợt phóng túng an nhàn, cũng sẽ như thế thôi!
Lời ca bày tỏ chí nguyện, vì cầu dục vọng mà sầu bi.

“Thu hồ hành” được sáng tác vào năm Kiến An thứ 20 (năm 215). Tào Tháo Tây chinh thảo phạt Trương Lỗ, vào mùa hạ tháng Tư, từ Trần Thương đi qua núi Tản Quan. Vào lúc bình minh đi lên núi Tản Quan, đường đi hiểm trở, “Trâu mệt chẳng đi nổi, xe rơi xuống vực sâu”. Thi nhân “ngồi nghỉ trên tảng đá, gảy ngũ huyền cầm. Vọng lên khúc Thanh giác, ý chừng mệt muộn phiền”.

Trong tác phẩm “Lễ ký – Nhạc ký”, “Vua Thuấn tạo tác ngũ huyền cầm, để tấu lên bài ca ‘Nam Phong’”. “Thanh giác”, tương truyền là do chính Hoàng Đế sở tác, nếu không phải kẻ sĩ đại đức thì không được tấu nghe. Chính lúc ấy ở núi Côn Luân, có ba vị Tiên đến bên cạnh thi nhân, hỏi: “Hỏi khanh sao lại thảm thương, sầu bi oán trách lòng vương vấn gì, đến đây là có việc chi?” Sau khi trò chuyện, nhà thơ nhớ rằng bản thân mình đã từng: “Ta ngự ở núi Côn Luân, người thường gọi là Chân nhân, Đạo lý sâu thăm thẳm có thể đắc được chăng.

Danh sơn muôn thuở, ngao du Bát Cực, gối đầu lên đá, súc miệng uống dòng suối mát lành”. Cuối cùng, Tào Tháo giải thích rõ nguyên do làm bài phú này, ghi chép và lưu truyền lại những nơi đã đi qua, và nhấn mạnh những nơi này là chân chính tồn tại chứ không hề giả dối. “Chân chính không dối lừa, bèn nương theo làm bài phú. Kinh điển đã từng nhắc, truyền lại từ phương Tây”.

Trong “Thu hồ hành” Kỳ 2, Tào Tháo phát nguyện trèo lên núi Thái Hoa, ngao du cùng Thần Tiên. Tiếp đến “Vượt dãy Côn Luân, đến Bồng Lai. Phiêu diêu Bát Cực, dạo cùng Thần Tiên”. Khi trở về lại nhân gian, thi nhân cảm khái: “Thiên địa nào có dài lâu, đời người vốn ngắn ngủi”.

Nhân gian lưu truyền Bá Dương, Xích Tùng Tử, Vương Tử Kiều đều là người đắc Đạo. Tào Tháo “Chẳng là đắc điều chi, đó chính là thọ mệnh”. Nhà thơ đều thấy được họ chẳng hề hỏi đến tuổi thọ. Trên nhân gian có nhật nguyệt sáng tỏ, không chỗ nào là không chiếu đến, “Vạn nước quản đất riêng, đều xưng Vương xưng Thần. Lấy nhân nghĩa làm danh, lấy lễ nhạc làm vinh”.

Tào Tháo đang thực thi sứ mệnh của bản thân khi chuyển sinh đến nhân gian, cũng là nói cho người đương thời và người đời sau biết, “bậc đại nhân trước tiên không trái mệnh Trời, không ưu tư quá khứ, chẳng sầu muộn thế gian. Tồn vong có mệnh, lo sinh tử ấy là kẻ si ngốc”. Nói cách khác, thuận theo Thiên mệnh mà hành sự thì mọi việc sẽ thành, tồn vong đều có mệnh, không cần phải quá lo lắng.

“Mạch thượng tang”

Giá hồng nghê, thừa xích vân, đăng bỉ Cửu Nghi lịch ngọc môn.
Tề thiên Hán, chí Côn Luân, kiến Tây Vương Mẫu yết Đông Quân.
Giao Xích Tùng, cập Tiễn Môn, thụ yếu bí đạo ái tinh thần.
Thực chi anh, ẩm lễ tuyền, trụ trượng quyết chi bội thu lan.
Tuyệt nhân sự, du hồn nguyên, nhược tật phong du huất phiêu phiên.
Cảnh vị di, hành số thiên, thọ như Nam Sơn bất vong khiên.

Tạm diễn nghĩa

Cưỡi cầu vồng, đạp mây đỏ, lên đỉnh Cửu Nghi, nhập Thiên cung.
Qua Thiên Hán, đến Côn Luân, gặp Tây Vương Mẫu, yết kiến Đông Quân.
Làm bạn với Xích Tùng, Tiễn Môn, tiếp nhận bí đạo, dưỡng tinh thần.
Ăn linh chi, uống cam tuyền, chống gậy quế, treo thu lan.
Dứt mọi chuyện đời, ngao du khắp chốn, như gió lốc bay nhảy muôn nơi.
Cảnh chẳng đổi, băng ngàn dặm, thọ như Nam Sơn, không quên lỗi lầm.

Trong tác phẩm “Mạch thượng tang”, Tào Tháo lại đến Côn Luân, yết kiến Tây Vương Mẫu cùng Đông Quân, kết giao với Xích Tùng Tử, Tiễn Môn (cũng gọi là Tiễn Môn Cao, là Tiên nhân, khi Tần Thủy Hoàng đến Kệ Thạch từng phái người đi tìm cầu), được truyền thụ “bí đạo”, ăn linh chi, uống cam tuyền, cùng Thần tiên ngao du trong vũ trụ.

“Tinh liệt”

Quyết sơ sinh, tạo hoạch chi đào vật, mạc bất hữu chung kỳ.
Mạc bất hữu chung kỳ.
Thánh hiền bất năng miễn, hà vi hoài thử ưu?
Nguyện ly long chi giá, tư tưởng Côn Luân cư.
Tư tưởng Côn Luân cư.
Kiến kỳ ư vu quái, chí ý tại Bồng Lai.
Chí ý tại Bồng Lai.
Chu lễ thánh tồ lạc, Cối Kê dĩ phần khâu.
Cối Kê dĩ phần khâu.
Đào đào thùy năng độ? Quân tử dĩ phất ưu.
Niên chi mộ nại hà, thời quá thời lai vi.

Tạm diễn nghĩa:

Thuở ban đầu, tạo hóa sinh vạn sự vạn vật, đều có an bài vận mệnh.
Đều có an bài vận mệnh.
Thánh hiền cũng không thể miễn, làm sao có thể hoài nghi điều này?
Nguyện cưỡi ly, long, lòng muốn đến sống ở Côn Luân.
Lòng muốn đến sống ở Côn Luân.
Gặp điều cổ quái, chí nguyện đến chốn Bồng Lai.
Chí nguyện đến chốn Bồng Lai.
Chu Lễ, Thánh nhân đã mất, Cối Kê là nơi có mộ phần.
Cối Kê là nơi có mộ phần.
Ai có thể vượt qua tháng năm dằng dặc, vạn thế trường tồn? Kẻ quân tử không sầu lo
Cuối đời không biết làm sao đây, thời gian trôi qua, tháng ngày còn lại không nhiều.

Tào Tháo lấy thơ để nói lên chí nguyện, “Lòng muốn đến sống ở Côn Luân”, “Chí nguyện ở chốn Bồng Lai”. Làm người trên thế gian, vô luận là Thánh nhân hay người phàm, đến lúc đều có mộ phần, không cần phải âu lo khi lâm chung.

Lý Bạch rất am hiểu văn học Kiến An, đặc biệt đối với thơ văn của Tào Tháo có thể nói là thông tỏ rõ ràng, ông đã dùng “Bồng Lai văn chương Kiến An cốt” để đánh giá. Cái gọi là “Bồng Lai văn chương”, chính là chỉ nội hàm tu Tiên đắc Đạo phong phú, là phong cốt của văn học Kiến An.

Tào Tháo cùng con trai ông là Tào Phi, Tào Thực đều là các thi nhân trứ danh của nền văn học sử Trung Quốc, được tôn xưng là “Tam Tào”. “Ngụy Vũ được tôn xưng Tướng Vương, yêu thích thơ ca thanh cao”. Ở ông hội tụ rất nhiều văn nhân học sĩ, trong đó, Kiến An Thất Tử nổi bật hơn cả: “Khổng Dung tự Văn Cử người nước Lỗ, Trần Lâm tự Khổng Chương người Quảng Lăng, Vương Xán Trọng Tuyên người Sơn Dương, Từ Cán Vỹ Trường người Bắc Hải, Nguyễn Vũ Nguyên Du người Trần Lưu, Ứng Sướng Đức Liễn người Nhữ Nam, Lưu Trinh Công Cán người Đông Bình. Bảy tài tử này học vấn không thiếu sót điểm nào, ngôn từ không vay mượn người nào” (Tào Phi, “Điển luận – luận văn”)Tào Thực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Tào Tháo, từ hoài nghi Thần cho đến về sau tín Thần, cũng sáng tác rất nhiều thơ phú du Tiên.

Tào Thực sáng tác “Bảo đao phú”, thuật lại rằng, Tào Tháo khi chế tạo bảo đao có cầu cúng Thái Ất. Thời nhà Hán, Thái Ất là vị Thần tôn quý nhất, Hán Vũ Đế từng sùng kính Thái Ất là Thiên Đế. Tào Tháo cầu nguyện Thái Ất, trong giấc mộng được thông linh, chế ra bảo đao.

“Bảo đao phú” (cùng lời tựa)

Trong thời Kiến An, gia phụ Ngụy Vương có lệnh cho Hữu ti tạo năm cây bảo đao, trong ba năm thì thành, đặt tên là Long, Hổ, Hùng, Minh, Tước. Thái tử giữ một cây, ta và đệ đệ ta Nhiêu Dương Hầu mỗi người giữ một cây. Còn lại hai cây, do Vương nhà ta sử dụng.

Phú viết: Hữu Hoàng Hán chi minh hậu, tư minh đạt nhị huyền thông. Phi văn tảo dĩ bác trí, dương võ bị dĩ ngự hung. Nãi sí hỏa viêm lô, dung thiết đĩnh anh. Ô Hoạch phấn chuy, Âu Dã thị dinh. Phiến cảnh phong dĩ kích khí, phi quang giám ư Thiên đình. Viên cáo từ ư Thái Ất, nãi cảm mộng nhi thông linh. Nhiên hậu lệ dĩ ngũ phương chi thạch, giám dĩ trung hoàng chi nhưỡng.

Quy viên cảnh dĩ định hoàn, sư thần tư nhi tạo tượng. Thùy hoa phân chi uy nhuy, lưu thúy thái chi hoàng dưỡng. Cố kỳ lợi lục đoạn tê cách, thủy đoạn long giác. Khinh chế phù tiệt, đao bất tiêm lưu. Du Nam Việt chi cự khuyết, siêu Tây Sở chi Thái a. Thực Chân nhân chi du ngự, vĩnh thiên lộc nhi thị hà.

Đại ý là: Đại Hán thánh minh Ngụy Vương, suy nghĩ thông suốt thấu đáo. Gửi bài văn chiêu hiền tài trong thiên hạ, rèn luyện võ nghệ đầy đủ, trừ bạo diệt kẻ hung ác. Đốt cháy lò lửa, hóa sắt luyện tinh. Tựa như Ô Hoạch vung búa, giống như Âu Dã rèn gươm. Lửa hừng hực tăng khí thế, ánh lửa sáng xung đến Thiên đình. Cầu nguyện Thái Ất, trong mộng hiển linh.

Sau đó hướng ngũ phương mài đao, dùng đất hoàng thổ mà lau lưỡi đao. Đong đo độ tròn mà chế vòng đao, phát xuất thần thông vẽ tạo nên đồ hình. Hoa văn rực rỡ vô cùng, lưỡi đao lấp lánh quang huy. Vì thế nó là bảo đao sắc bén nhất trên đời có thể trảm cả tê giác, trong nước có thể chặt đứt giao long. Nhẹ nhàng mà dứt khoát, lưỡi đao không hao tổn gì. Hơn cả Cự Khuyết của Việt Vương Câu Tiễn, vượt qua Thái A của Sở Vương. Xứng đáng được Chân nhân đeo dùng, vương vị vĩnh cửu kiên cố.

(Còn tiếp)

Xem thêm: Loạt bài Thiên cổ anh hùng Tào Tháo

Tổ nghiên cứu Nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.

Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x