Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.10): Trận chiến Đồng Quan tạo thành thế chân vạc

Tao Thao 1

Trận chiến Đồng Quan – sau đó được phong làm Ngụy Công – tạo thành thế chân vạc 

Đồng Quan đứng thứ hai trong mười cửa ải nổi danh thời cổ đại. Kiến An năm thứ nhất (năm 196), Tào Tháo bắt đầu xây dựng Đồng Quan, đồng thời cũng phế bỏ Hàm Cốc Quan. “Thủy Kinh Chú” ghi chép: “Hà tại quan nội nam lưu đồng kích Quan sơn, nhân vị chi Đồng Quan” (Tạm dịch: Dòng sông lưu thông về phía nam trong quan ải, thế nước tăng vọt ở vùng núi Quan Sơn, vì vậy đặt tên là Đồng Quan). 

Phía nam Đồng Quan có tấm bình phong tự nhiên là núi Tần Lĩnh, phía Bắc có con sông Hoàng Hà cuồn cuộn. Phía Đông có địa thế hiểm trở, phù hợp tác chiến, ở giữa là thung lũng Cấm Câu, các sông ngòi thông đến bên ngoài (ví như sông Mãn Lạc), nằm ngang hướng đông-tây, trở thành các phòng tuyến tự nhiên. Tất cả địa hình này cùng nhau tạo ra thế “quan môn ách cửu châu, phi điểu bất năng du” (cửa quan chống giữ chín châu, chim cũng không thể bay lọt qua).

Mùa xuân Kiến An năm thứ 16 (năm 211), Tào Tháo nhận thấy đã đến lúc phải giải quyết vấn đề Quan Tây (Tây Lương). Những thế lực mạnh nhất ở Quan Tây là Mã Siêu, Hàn Toại… đều vô cùng dũng mãnh. Hơn nữa, địa hình ở đây rất hiểm trở, phức tạp và rộng lớn, muốn bình định và mở rộng bờ cõi tuyệt không phải là một chuyện dễ dàng. Tháng Ba năm ấy, Tào Tháo trước lệnh cho Tư Lệ hiệu úy Chung Do tiến quân vào Quan Trung, sau lại sai Chinh Tây hộ quân Hạ Hầu Uyên ra Hà Đông, hội ngộ cùng Chung Do. Các tướng lĩnh cát cứ ở Quan Trung nghi ngờ Chung Do có lòng muốn tập kích, vì vậy Mã Siêu, Hàn Toại, Hầu Tuyển cùng với một số tướng lĩnh khác hợp lại tạo phản. Mã Siêu và Hàn Toại được đề cử làm thủ lĩnh, dẫn dắt hơn 10 vạn người phòng thủ Đồng Quan. Tào Tháo ra lệnh cho An Tây tướng quân Tào Nhân đốc suất chư tướng trấn thủ ở Đồng Quan, dặn: “Quân lính ở Quan Tây vô cùng tinh nhuệ dũng mãnh, chỉ cần cố thủ bản doanh, không nên giao chiến”.

Mùa thu tháng 7, Tào Tháo lệnh cho Tào Phi và Trình Dục ở lại bảo vệ Nghiệp Thành, sau đó đích thân thống lĩnh đại quân Tây chinh. Quân Tào và Mã Siêu đối đầu nhau ở Đồng Quan. Tả hữu đều nói: “Quân đội ở Quan Tây chuyên dùng trường mâu, vô cùng thuần thục, nếu như quân tiên phong không tuyển chọn kỹ càng chỉ sợ khó mà chống lại”. Tào Tháo nói: “Phương thức chiến đấu là do ta quyết định, không phải do địch. Mặc dù nghịch tặc đã luyện tập trường mâu tinh nhuệ, nhưng ta sẽ khiến cho chúng đâm không đến. Các vị hãy chờ xem”.

Tào Tháo ở chính diện giả vờ công đánh, mục đích là để dẫn dụ các tướng lĩnh ở Quan Trung kéo quân tập trung về Đồng Quan, khiến cho lực lượng ở Quan Trung bị phân tán, lơ là phòng thủ. Thực chất ông bí mật phái Từ Hoảng vượt sông Hoàng Hà ở bến Đồ Bản, lập trại ở bờ tây. Có một vị ẩn sĩ tên là Lâu Tử Bá hiến kế sách: “Hôm nay trời rét lạnh, có thể dùng cát xây thành, đổ thêm nước vào, chỉ cần một đêm là thành công”. Từ đó, Tào Tháo cho người làm nhiều túi vải để vận chuyển nước, ban đêm binh lính vượt sông xây thành, ngày kế tiếp thành được xây xong. Quân đội của Tào Tháo tận lực vượt sông xây thành, hơn nữa còn quyết liệt chống lại tập kích của Mã Siêu, đánh cho quân Tây Lương phải bỏ chạy.

Mã Siêu đóng quân ở Vị Nam, sai người đến gặp Tào Tháo xin hòa, hứa sẽ cắt đất dâng nạp, tuy nhiên Tào Tháo không đồng ý. Tháng chín, Tào Tháo dẫn binh tiến quân vượt sông. Ban đầu Tào Tháo dùng kế đánh nhẹ nhàng, giả vờ yếu thế, tác chiến trong một thời gian dài, sau đó bất ngờ chuyển sang tác chiến ở bên sườn, đánh bại quân Tây Lương. Hàn Toại và Mã Siêu bỏ chạy về hướng Lương Châu. Quan Trung được bình định.

ma sieu minhchantuong
Mã Siêu. (Ảnh: Tài sản công)

Sau khi trận chiến kết thúc, các tướng sĩ thỉnh giáo Tào Tháo: “Lúc đầu, giặc trấn thủ ở Đồng Quan, đường phía bắc Vị Hà bỏ trống, sao Thừa Tướng không từ Hà Đông (phía đông Hoàng Hà) công đánh Bằng Dực mà lại cầm cự ở Đồng Quan mãi, dây dưa nhiều ngày, sau đó mới vượt sông dựng trại?”. 

Tào Tháo đáp: “Khi giặc trấn thủ Đồng Quan, nếu ta vừa đến mà đã tiến ngay vào Hà Đông, giặc tất chia quân giữ các cửa bến, thì chúng ta sẽ không có cách nào vượt sông ở phía tây Hoàng Hà. Cho nên ta tập trung nhiều quân ở Đồng Quan, khiến giặc cũng phải cố thủ ở phía nam, mà lơ là cảnh giác ở phía tây, từ đó Từ Hoảng, Chu Linh mới có thể thành công vượt sông. Sau đó, ta dẫn quân sang phía bắc vượt sông dựng trại, như vậy giặc không thể cùng ta tranh đoạt Hoàng Hà nữa, bởi vì chúng ta đã có hai đạo quân do hai tướng dẫn đầu, ép giặc vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Sau khi vượt sông, quân ta giả vờ yếu thế, khiến giặc đắc ý mà lơ là phòng bị, ta lại bồi dưỡng tốt binh sĩ rồi tập kích, đây gọi là “Sét đánh không kịp bưng tai”! Phép binh biến hoá, không có một đường nào cố định”.

Trong thời gian đầu của trận chiến này, mỗi khi có một tướng của Quan Trung đến tiếp viện cho Đồng Quan, Tào Tháo đều lộ vẻ vui mừng ra mặt. Chư tướng không hiểu, bèn hỏi trực tiếp, Tào Tháo giải thích: “Quan Trung xa xôi nếu giặc phòng thủ khắp nơi và dựa vào địa hình hiểm trở, đánh nhau một hai năm chưa chắc thắng được. Nay chúng đều kéo về đây, số lượng tuy đông nhưng lòng người bất nhất, vừa hay để ta dễ dàng dùng kế ly gián và tiêu diệt, một trận là có thể ‘diệt cỏ tận gốc’, cho nên ta mới vui mừng”.

Tháng giêng Kiến An năm thứ 17 (năm 212), Tào Tháo trở về Nghiệp Thành. Thiên Tử không ngừng tán thưởng, cho phép ngài “triều bái không phải xưng danh”, “vào triều không cần phải bước nhanh” (theo lễ xưa, khi đi qua mặt ai đó mà muốn thể hiện lòng tôn kính thì phải đi những bước ngắn và nhanh), được “đeo kiếm lên điện”… Đãi ngộ ấy giống như Tiêu Hà năm xưa dưới triều Hán Cao Tổ Lưu Bang vậy.

Tháng giêng Kiến An năm thứ 18 (năm 213), Tào Tháo tiến quân về Nhu Tu Khẩu, thống lĩnh 40 vạn đại quân công đánh doanh trại Giang Tây của Tôn Quyền. Cuối cùng bắt giữ Đô đốc Công Tôn Dương. Tôn Quyền nghe tin vội vàng lĩnh bảy vạn quân nghênh chiến, hai bên cố thủ hơn một tháng. Tào Tháo nhìn thấy quân đội của Tôn Quyền chỉnh tề, chuẩn bị kỹ lưỡng không khỏi tán dương: “Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu”. 

Trận chiến bất phân thắng bại kéo dài, cuối cùng Tôn Quyền viết một lá thư khuyên Tào Tháo lui binh: “Mưa xuân đã về, các hạ hãy mau rút quân”. Hơn nữa, Tôn Quyền còn nhấn mạnh: “Các hạ không chết, ta khó yên lòng”. 

Tào Tháo xem xong thư, đã nói với các chư tướng của mình rằng: “Tôn Quyền không lừa ta”. Trong lá thư này đã thể hiện rất rõ sự thông minh và tôn trọng giữa hai bậc anh hùng với nhau. Trong quân trướng của mình, Tào Tháo mơ thấy hai mặt trời cùng nhau bay lên từ sông Trường Giang, biết được Tôn Quyền có mệnh đế vương. Sau đó Tào Tháo lại hai lần chinh phạt Giang Đông, nhưng đều không đạt được thành công mà quay về, không phải do bệnh dịch hoành hành thì là Tôn – Tào hòa giải. Tào Tháo không có cách nào tiến thêm một bước vượt qua Trường Giang để nam hạ. Cuối thời nhà Hán, thiên hạ phân làm ba, quả thật là ý Trời, dựa vào sức người không có cách nào thay đổi được.

Sau khi hạ chiếu thư ra lệnh gộp 14 châu trở về 9 châu, tháng Tư cùng năm, Tào Tháo trở lại Nghiệp Thành.

Tháng Năm, Thiên Tử phong Tào Tháo làm Ngụy Công, trong chiếu chỉ viết, đại ý là: 

“Khanh có công lao to lớn an định thiên hạ, đề cao các giá trị sáng suốt, quán xuyến trong ngoài, ban bố những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, ân cần giáo hoá, đối với tội phạm thì trừng trị đúng tội, không có kiểu quan lại hà khắc, dân chúng không chứa kẻ gian, tôn kính hoàng đế, khiến cho cháu con trong thiên hạ hiếu thuận cha mẹ, công đức to lớn, không gì so sánh được, tuy Y Doãn công cao uy danh thiên hạ, Chu Công chiếu sáng bốn biển, thì cũng không bằng Tào Tháo vậy!

Khanh có công cao như Y Doãn, Chu Công, nhưng vẫn coi trọng Tề, Tấn, trẫm lấy làm xấu hổ. Trẫm, thân thể suy yếu, còn phải gánh vác trăm họ, muôn ngàn gian nan, như rơi vào vực thẳm, như đi trên băng mỏng, nếu không có khanh, trẫm khó mà có được ngày hôm nay. Nay trẫm ban cho khanh mười quận huyện gồm có Hà Đông của Kỳ Châu, Hà Nội, Ngụy quận, Triệu Quốc, Trung Sơn, Thường Sơn, Cự Lộc, An Bình, Cam Lăng, Bình Nguyên, phong làm Ngụy Công. Đồng thời, khanh vẫn giữ chức Thừa Tướng, thống lĩnh cai trị Ký Châu, thưởng thêm Cửu Tích (chín loại lễ khí), nghe theo mệnh lệnh của trẫm”.

[Nguyên văn: “Quân hữu định thiên hạ chi công, trọng chi dĩ minh đức, ban tự hải nội, tuyên mỹ phong tục, bàng thi cần giáo, tuất thận hình ngục, lại vô hà chính, dân vô hoài thắc; đôn sùng đế tộc, biểu kế tuyệt thế, cựu đức tiền công, võng bất hàm trật; tuy Y Doãn cách vu hoàng thiên, Chu Công quang vu tứ hải, phương chi miệt như dã”.

“Công cao ư Y, Chu, nhi thưởng ty ư tề, tấn, trẫm thậm nục yên. Trẫm dĩ miễu miễu chi thân, thác ư triệu dân chi thượng, vĩnh tư quyết gian, nhược thiệp uyên băng, phi quân du tế, trẫm vô nhậm yên. Kim dĩ ký châu chi hà đông, hà nội, nguỵ quận, triệu quốc, trung sơn, thường sơn, cự lộc, an bình, cam lăng, bình nguyên phàm thập quận, phong quân vy nguỵ công. Tích quân huyền thổ, tư dĩ bạch mao; viên khế nhĩ quy, dụng kiến di xã. Kỳ dĩ thừa tương lĩnh ký châu mục như cố. Hựu gia quân cửu tích; đại lộ, nhung lộ các nhất, huyền mẫu nhị tứ; duyện miện chi phục, xích tích phó yên; hiên huyện chi nhạc, bát dật chi vũ; chu hộ dĩ cư; nạp bệ dĩ đăng; hổ bí chi sĩ tam bách nhân; phu, việt các nhất; đồng cung nhất, đồng thi bách, kỳ kính thính trẫm mệnh. Nguỵ quốc trí thừa tương dĩ hạ ngẫu khanh bách liêu, giai như hán sơ chư hầu vương chi chế. Vãng khâm tai, kính phục trẫm mệnh!”]

Tuy vậy, Tào Tháo khiêm nhường từ chối: “Những vị tiếp nhận Cửu Tích đều là những nhân tài mở rộng quốc thổ, khai khẩn biên cương, ví như Chu Công. Tám vị tiên đế khác họ của triều Hán cũng giống như Hán Cao Tổ đều là khởi nghiệp từ áo vải thường dân mà lập ra Vương triều, giang sơn. Tất cả những vị ấy đều có công lao to lớn, thần làm sao có thể sánh bằng?”. 

Tào Tháo trước sau khiêm nhường từ chối ba lần.

han hien de phong cho tao thao lam nguy cong minhchantuong
Hán Hiến Đế phong cho Tào Tháo làm Ngụy Công, Tào Tháo ba lần từ chối. Bức tranh chân dung Tào Tháo do người thời nhà Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Quân sư Tuân Du và hơn ba mươi vị tướng quân cùng nhau khuyên Tào Tháo đều bị ngài cảnh cáo, nhưng ngài vẫn tiếp nhận Ngụy quận. Tuân Úc lại tiếp tục khuyên nhủ, cuối cùng Tào Tháo nhận mệnh, dâng sớ tạ ơn: 

“Thần nhận nhiều ân huệ của tiên đế, làm đến chức quan Nghị Lang, sinh tính lười biếng, vốn dĩ đã mãn nguyện, không dám hy vọng đạt đến quan tước càng cao để thoả mãn danh vọng của bản thân. May mắn nhận được long ân của bệ hạ, ban cho chức vị Thừa Tướng, nhận nhiều bổng lộc và sủng ái, phong chức tước to, được thưởng hậu hĩnh, thoả mãn nguyện vọng khi còn sống, nhưng trước giờ không dám hy vọng xa vời. Luôn tự vấn lòng, sẵn sàng rời chức nhận tội, chỉ làm Liệt hầu, cố gắng xây dựng xã tắc hưng thịnh, tạo phúc cho hậu thế, vĩnh viễn không ưu lo. Không ngờ bệ hạ ban thịnh ý như vậy, ban thưởng Cửu Tích cho thần lập nước, ban đất cho thần có thể sánh ngang với Tề, Lỗ, lễ chế này ngay cả vương hầu cũng khó mà có được, nói chi đến thần không có công lao gì nhưng lại đạt được tất cả. Tuy thần có báo lên giãi bày và từ chối nhưng không được phê chuẩn, nghiêm chiếu một lần nữa ban xuống, thực khiến thần lo lắng bồn chồn vì thịnh tình này của bệ hạ. Tự thần phản tỉnh, thân là trọng thần triều đình, tính mệnh thuộc về vương thất, chứ không còn là của bản thân, vì vậy há dám ích kỉ, cứ mãi ngu muội, để tránh làm chậm trễ và gây nhiễu cho bệ hạ, thần xin được nghe chỉ tòng lệnh. Chấp nhận tứ thưởng, bảo vệ triều đình, không dám có tư tâm, một lòng vì giang sơn xã tắc, phụ tử thần xin thề suốt đời tận trung, báo đáp hậu ân. Thiên tử uy nghiêm, kính tiếp chiếu thư”.

[Nguyên văn: Quân sư Tuân Du, liệt hầu, tướng quân đẳng tam thập dư nhất đồng tiến khuyến, tào thao sắc ngoại vy chương, đãn thâu nguỵ quận. Tuân du đẳng phục khuyến, tào thao nãi thâu mệnh, thượng thư tạ viết: “Thần mông tiên đế hậu ân, trí vị lang thự, thâu tính bì đãi, ý vọng tất túc, phi cảm hy vọng cao vị, thứ kỷ hiển đạt… bệ hạ gia ân, thụ dĩ thượng tương, phong tước sủng lộc, phong đại hoằng hậu, sinh bình chi nguyện, thực bất vọng dã. Khẩu dữ tâm kế, hạnh thả đãi tội, bảo trì liệt hầu, di phó tử tôn, tự thác thánh thế, vĩnh vô ưu trách. Bất ý bệ hạ nãi phát thịnh ý, khai quốc bị tích, dĩ huống ngu thần, địa tỷ tề, lỗ, lễ đồng phiên vương, phi thần vô công sở nghi ưng cứ. Quy tình thượng văn, bất mông thính hứa, nghiêm chiếu thiết chí, thành sử thần tâm phủ ngưỡng bức bách. Phục tự duy tỉnh, liệt tại đại thần, mệnh chế vương thất, thân phi kỷ hữu, khởi cảm tự tư, toại kỳ ngu ý, diệc tướng truất thoái, linh tựu sơ phục. Kim phụng cương thổ, bị sổ phiên hàn, phi cảm viễn kỳ, lự hữu hậu thế; chí ư phụ tử tương thệ chung thân, hôi khu tận mệnh, báo tắc hậu ân. Thiên uy tại nhan, tủng cụ thâu chiếu”].

Mùa thu tháng Bảy, Tào Tháo bắt đầu xây dựng Tông Miếu, xã tắc nhà Ngụy.

Tháng ba Kiến An năm thứ 19 (năm 214), Tào Tháo chính thức nhận chức vị Ngụy Công – cao hơn cả chư vị hầu vương, Thiên Tử trao cho Tào Tháo Kim Tỷ, Xích Phất, và Viễn Du Quán.

Phục Hoàng hậu của Hiến Đế viết thư cho phụ thân của mình là Phục Hoàn, kể lại việc Hán Hiến Đế viết mật chiếu với nội dung lệnh cho Đổng Thừa giết Tào Tháo bị phát hiện, Đổng Thừa bị Tào Tháo tru di cả tộc, vì vậy vô cùng oán hận Tào Tháo nhưng không dám lên tiếng. Sau đó, âm mưu lật đổ Tào Tháo của cha con họ Phục bị bại lộ, Tào Tháo đại nộ, giết chết Phục Hoàn. Tháng 11, ngài sai Ngự Sử đại phu Si Lự thu lại tỷ thụ của hoàng hậu. Sau đó, Tào Tháo phái Hoa Hâm dẫn binh vào cung bắt giữ người. Hoàng hậu đóng chặt cửa cung lẩn trốn, nhưng Hoa Hâm cho người phá cửa, đào tường, cuối cùng Phục Hoàng hậu cũng bị kéo đi và giết chết.

buc chan dung cua hoang hau phuc tho cua han hien de minhchantuong
Bức chân dung của Hoàng hậu Phục Thọ của Hán Hiến Đế, được lấy từ bản hiệu đính “Hình ảnh của Tam Quốc chí” vào mùa đông năm Canh Dần đời vua Quang Tự  nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Cùng năm, Gia Cát Lượng để cho Quan Vũ ở lại trấn thủ Kinh Châu, còn mình đích thân dẫn theo Trương Phi và Triệu Vân cùng quân binh ngược dòng lên Ba Đông. Sau khi đến Giang Châu, lại cho công phá Ba Quận. Lưu Bị bao vây Lạc Thành một năm, Bàng Thống vì bị loạn tên bắn trúng mà tử trận. Phá vỡ được Lạc Thành, Lưu Bị tiếp tục tiến lên bao vây Thành Đô, sau đó Gia Cát Lượng, Trương Phi và Triệu Vân dẫn binh đến hội hợp cùng Lưu Bị.

Lưu Bị vây thành trong mười mấy ngày, để cho Giản Ung vào thành thuyết phục Lưu Chương. Lúc bấy giờ trong thành có ba vạn tinh binh, nhưng dân chúng hầu như đều chết vì chiến trận. Lưu Chương than thở: “Phụ tử ta ở đây đã hơn hai mươi năm, không có công đức gì cho bách tính. Bách tính đánh trận ba năm, máu thịt lẫn với cỏ khô, dân chúng lầm than, trong lòng khó mà an tâm”. 

Sau đó, Lưu Chương quyết định mở cổng thành, cùng Giản Ung đầu hàng, bầy tôi không ai cầm được nước mắt. Lưu Bị đưa Lưu Chương trở về thành Công An, cho Lưu Chương tiếp tục giữ nguyên ấn thụ Chấn Uy Tướng Quân.

Lưu Bị tiến vào Thành Đô, tự xưng là Ích Châu Mục, phong cho Quân sư trung lang tướng Gia Cát Lượng làm Quân sư tướng quân, Quan Vũ làm Đô đốc Kinh Châu, Trương Phi làm thái thú Ba Tây… Tình thế của Ích Châu hiểm cố, sản vật phong phú, cho dù là tấn công hay phòng thủ đều được. Lưu Bị thu phục được Ích Châu, đồng thời ba nước Ngụy, Thục, Ngô cũng cơ bản hình thành cục diện thế chân vạc. 

Xem tiếp: Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.11): Mất Hán Trung, bại Quan Vũ

Tổ nghiên cứu “Nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm”.
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x