Nghiêu Thuấn Vũ – Chương 6: Thuấn kế vị nhất thống thiên hạ

Chân dung Nghiêu Thuấn Vũ
Chân dung Nghiêu Thuấn Vũ

Nhân vật anh hùng thiên cổ – Nghiêu Thuấn Vũ

Chương 6: Thuấn kế vị nhất thống thiên hạ

Thuấn được bổ nhiệm phụ trách chính sự trong hai mươi năm, vua Nghiêu để ông thay mặt Thiên tử điều hành chính sự, nhiếp chính trong tám năm.

Sau khi Nghiêu Đế băng hà, Thuấn thủ tang trong ba năm. Thuấn để lại ngôi vị cho con trai Nghiêu Đế là Đan Chu, rồi thóai về trú ở phía nam sông Nam. Nhưng các chư hầu trong thiên hạ đều triều kiến Thuấn, khi có việc họ tìm đến Thuấn chứ không gặp Đan Chu. Thuấn cảm thấy đó là ý Trời, vậy nên, vào ngày mồng một tháng Giêng, Thuấn làm lễ tế ở Văn Miếu lên ngôi Thiên tử, đóng đô ở Bồ Phản, quốc hiệu Hữu Ngu, sùng chuộng màu đỏ.

Theo “Trúc Thư Kỷ Niên”: “Thuấn kế ngôi vị, cỏ minh giáp mọc lên ở bậc thềm, phượng hoàng làm tổ ở sân, ông dùng đá tấu nhạc Cửu Thiều, trăm loài thú nhảy múa theo, sao Cảnh mọc từ chòm sao Phòng, mặt đất xuất hiện Thần mã thừa hoàng” thiên hạ thái bình, muôn ngàn điềm lành đều tụ hội”.

Khi Đế Thuấn mới bắt đầu kế vị, sao Cảnh mọc từ chòm sao Phòng. Chòm sao Phòng là một trong bảy chòm sao ứng với Thanh Long ở phương Đông. Sao Cảnh là ngôi sao báo điềm lành, hiển thị đế vương thụ Thiên mệnh, quân vương có Đạo, không có tư tâm.

Chân dung Đế Thuấn
Người nhà Thanh vẽ chân dung Đế Thuấn (Phạm vi công cộng)

1. Tây Vương Mẫu đến triều đình

Theo “Đế Vương Thế Kỷ”, khi Thuấn Đế đăng cơ, Tây Vương Mẫu đã đến chúc mừng, “Tây Vương Mẫu ngưỡng mộ đức của Thuấn, đến tặng vòng ngọc trắng và ngọc quyết, và tặng địa đồ rất hữu ích.”

Theo “Trúc Thư Kỷ Niên”: “Năm thứ 9, Tây Vương Mẫu đã đến triều đình.” “Tặng vòng ngọc trắng và ngọc quyết”.

Trước khi rời đi, Tây Vương Mẫu nói với Vua Thuấn rằng, chúng ta sau này còn gặp lại.

2. Hoạch định phương án nhất thống

Sau khi lên ngôi, vua Thuấn bổ nhiệm người tài, hoàn thiện chế độ quản lý. Bổ nhiệm Vũ làm chức Tư không, phụ trách bá quan; Tiết làm Tư đồ, quản lý giáo hóa, Hậu Tắc chủ quản nông nghiệp, Cao Đào quản lý tư pháp.

Lũ lụt bình ổn, Cửu Châu liên thông, việc thống nhất thiên hạ được lên chương trình nghị sự, tiếp tục hoàn thiện ngũ hình (năm hình phạt), phổ biến giáo hóa đạo đức và ngũ điển, khôi phục ngũ tín (tước Công cầm ngọc hoàn khuê, tước Hầu cầm ngọc thư khuê, tước Bá cầm ngọc cung khuê, tước Tử cầm ngọc cốc bích, tước Nam cầm ngọc bồ bích), chế định phép tắc giữa quân chủ và bề tôi, còn chế định sáu đại cương thống nhất thiên hạ, thống nhất lịch pháp và tứ thời tương ứng, thống nhất âm luật và đo lường.

3. Dùng đức giáo hóa tộc Hữu Miêu

Trong nháy mắt, Thuấn đã ngoài tám mươi tuổi, ngoài việc chính sự bận rộn, ông còn chuyên cần tu đạo, có chí tu thành Tiên. Nhưng vẫn còn hai việc vẫn chưa giải quyết.

Việc đầu tiên là truyền ngôi cho Vũ.

Việc thứ hai là nước Tam Miêu vẫn luôn không an định. Trước đây, cuộc nổi loạn của Tam Miêu vào thời vua Nghiêu đã được dẹp yên, nhưng hiện nay chúng lại quay lại thực hiện chính sách ngu dân, tàn bạo với dân và chống lại triều đình. Đế Thuấn không muốn đem một thiên hạ bất ổn như vậy giao cho Vũ, ông muốn muốn bình ổn rồi mới giao lại cho Vũ.

Trước sự nổi loạn của tộc Miêu, Vũ thỉnh cầu dẹp đánh nước này, Thuấn nói: “Ta đức không dày, mà cầm binh, thì không đúng với đạo.”…

4. Nhường ngôi cho Đại Vũ

Sau khi hàng phục Tam Miêu, việc quan trọng là nhường ngôi cho Đại Vũ.

Một hôm, Đế Thuấn thấy năm cụ già đi đi lại lại gần cửa thành, chỉ thấy họ mày râu trắng muốt, mũ áo đẹp khác thường. Đế Thuấn nhớ lại nói:Lần trước cùng Đế Nghiêu ở núi Thú Sơn, có năm ông lão du ngoạn bên sông nói với chúng ta rằng Hà Đồ sẽ đến, rồi bỗng nhiên biến thành sao băng bay lên cao, chẳng phải là họ sao? Giờ họ lại tới nhân gian dạo chơi. Ta không thể bỏ lỡ việc gặp mặt họ.” Rồi ông đi về phía họ cung kính nói: “Năm vị Tinh Quân, thật hiếm khi lại giáng lâm trần thế, được gặp mặt thật là vinh hạnh.”

Năm ông lão liền nhanh chóng phủ nhận.

Đế Thuấn thấy họ không thừa nhận, cũng không biết phải làm sao, đành mời họ đến nơi dưỡng lão của học đường để phụng dưỡng. Năm ông lão đồng ý. Đế Thuấn bái họ làm sư lễ nghi tôn kính đối với họ, thường xuyên tới thỉnh giáo họ.

Vào năm Đế Thuấn thứ mười bốn, một hôm, khi Đế Thuấn và bá quan chơi nhạc “Thiều”, đột nhiên, thời tiết thay đổi mạnh, sấm sét rung chuyển, mưa to như trút nước, cuồng phong nổi lên, cây lớn bật gốc. Trong cung điện, nhạc cụ rơi đổ vung vãi khắp nơi. Những nhạc công và vũ công không thể đứng vững, ngồi sụp xuống dưới đất. Đế Thuấn vẫn điềm nhiên ung dung ngồi đó, một tay giữ giá đỡ chuông khánh sắp rơi, một tay cầm cái hoành (dụng cụ xem thiên văn xưa), ngửa mặt lên trời nói: “Đúng, đúng, Thiên hạ này quả thực không phải là của một mình ta.” Nói rồi, ông từ từ đứng lên, chỉnh lại giá đỡ chuông khánh và đặt cái hoành xuống, chỉnh đốn mũ áo, hướng lên trời cao lễ bái, trong tâm cầu mong rằng: “Trời cao cảnh tỉnh, có lẽ là vì vấn đề thiên hạ này, ta quyết không dám tư hữu, nhất định chiểu theo Đế Nghiêu, chọn người hiền tài để truyền ngôi. Xem xét kỹ lưỡng trong quần thần, thì không có ai có công đức lớn vượt qua Vũ, nay xin kính cẩn tiến cử Vũ với Trời, cầu Trời xem xét. Nếu như Vũ không thể gánh vác, thì Trời hãy để mưa gió càng mạnh, sấm sét càng to, để cảnh báo con tiến cử không đúng. Còn nếu Vũ có thể gánh vác, thỉnh Trời nhanh ngưng mưa gió, giáng xuống lúa tốt, con đang rất cấp thiết chờ lệnh Trời.” (“Thượng cổ Thần thoại diễn nghĩa” của Chung Dục Long.) Lời cầu chưa dứt, sấm sét thu lại, mưa ngưng gió tạnh. Đến khi Đế Thuấn đứng dậy, thì mây đã dần dần tản, mặt trời ló ra, bầu trời xanh trở lại.

Không lâu sau, một bầu khí mịt mù, như mây mà không phải mây, như khói mà không phải khói tràn ngập khắp cung điện tản ra. Lại một lúc sau, bầu khí kia dần dần tụ lại, bay liên thiên không, tụ thành mây ngũ sắc, khi ánh mặt trời chiếu vào, hết sức tươi sáng, mỹ lệ không thể diễn tả. Nhìn thấy cảnh tượng này, hết thảy mọi người đều nói: “Đây là mây báo điềm lành.”

Đế Thuấn lúc đó thấy thiên nhân cảm ứng nhanh như thế, thì hết sức vui mừng, liền xuất khẩu thành một bài ca: “Mây lành xán lạn, kết tụ lượn quanh. Nhật nguyệt rực rỡ, sáng rồi lại sáng”. Sau khi hát xong, quần thần biết rằng loại điềm lành này là do công đức to lớn của Đế Thuấn, mọi người đều tiến lên dập đầu bái lạy, cùng nhau hát, lời hát rằng “Trời cao sáng tỏ, xán lạn trời sao. Nhật nguyệt rực rỡ, chúc mừng Thánh nhân”.

Đế Thuấn nghe bài hát này, biết được ý chí của quần thần là vẫn tín nhiệm mình, nên ông đã làm một bài hát khác để bày tỏ ý định thóai vị của mình, để quần thần hiểu ý mình. Ca từ như sau: “Nhật nguyệt trường tồn, tinh tú vận chuyển. Bốn mùa tuần hoàn, muôn dân thành tín. Tấu nhạc hài hòa, cầu chúc Thần linh. Nhường ngôi Thánh hiền, thiên hạ hoan hỉ. Gióng trống khua chiêng, nói cười nhảy múa. Tinh hoa đã hết, vén áo ra đi”.

Hát xong, Đế Thuấn nói: “Nay trẫm đã tuổi tám mươi, lưu luyến ngai vàng, mà không tìm người kế ngôi, chính là xem thiên hạ là của riêng mình, trẫm ăn nói thế nào với các vị tiên đế? Huống chi thiên hạ không phải là của một người, vừa rồi tất cả đã thấy chư Thần mách bảo rồi”.

Đế Thuấn cũng giống như Đế Nghiêu năm xưa đi đến sông Lạc để cầu Thần mách bảo. Sau khi trai giới tắm rửa, Đế Thuấn dẫn quần thần đăng đàn, mặc niệm cầu khấn. Cầu khấn xong, cung kính đứng trên đàn chờ lệnh.

Một lúc lâu sau, chợt thấy ở ngoài đàn có một vật chuyển động, nhìn kỹ thì thấy hóa ra là một con rồng vàng rực rỡ, trên lưng mang một bức vẽ, dài chừng 32 thước, rộng khoảng 9 thước. Con rồng này đến phía trên đàn, nghiêng lưng để bức vẽ rơi trước mặt Đế Thuấn, rồi lập tức nhảy xuống nước biến mất. Đế Thuấn và quần thần nhìn kỹ bức vẽ kia, nẹp bằng ngọc vàng, khung bằng ngọc trắng, kết bằng dây vàng, phết bằng tử chi, ở trên là một ấn chương đóng ngay ngắn với năm chữ lớn “Thiên Hoàng Đế phù tỷ” (Con dấu ngọc tỷ của Thiên Đế). Mở bức vẽ ra xem đại ý của văn tự viết trong đó là nên truyền thiên hạ lại cho Vũ.

Lúc này chợt thấy năm ông lão lại xuất hiện trước xe. Năm ông lão đồng thanh cười và nói: “Giờ biết vua thóai vị đã định được người kế ngôi, từ nay xin hãy nghỉ ngơi, sau này còn gặp lại”. Dứt lời, mỗi người đều lắc mình, rồi đột nhiên biến mất, một hồi lâu sau biến thành năm vì sao lớn, xếp thành hàng chỉnh tề trên bầu trời, kết thành một chuỗi ngọc châu, thường gọi là “Ngũ tinh liên châu”, là một thiên tượng rất hiếm gặp.

Chân dung Đế Thuấn, đời nhà Thanh
Chân dung Đế Thuấn, lấy từ bộ tranh các vị thánh quân và các hiền thần trong điện Nam Huân ở cố cung thời nhà Thanh.

Năm sau, có Thanh Long xuất hiện ở ngoại thành.

Mùa đông năm Đế Thuấn thứ 42, khi tiết trời sương xuống, cỏ cây vẫn xanh thẳm như cũ, không hề khô héo, mọi người rất ngạc nhiên. Vũ nói: “Đây là do Mộc khí quá cường.” 

Đế Thuấn nghe xong cười nói: “Đó là ứng với khanh đó. Khanh đức tại Mộc. Trước đây khi Thanh Long xuất hiện, màu xanh thuộc về Mộc, những năm sau cây cối rất tươi tốt, cũng là dấu hiệu của Mộc. Xem ra, khanh có thể kế ngôi vị thay cho trẫm.”

Một thời gian sau, lại có thần Chúc Dung  giáng xuống núi Sùng Sơn. Chúc Dung là vị Thần lửa, mọi người cho rằng chính nhờ khí Mộc thịnh mà khiến cho Hỏa thịnh.

Đế Thuấn biết rằng sự xuất hiện của loạt các sự kiện như vậy là điềm báo rằng Vũ sẽ hưng thịnh. Vua Thuấn nói với Vũ rằng: “Khanh trị thủy hoàn thành, có công lớn khắp thiên hạ. Có thể cần lao với tổ quốc mà buông bỏ hạnh phúc cá nhân, không tự mãn tự đại, đức hạnh mỹ hảo. Thượng Thiên đã giao phó sứ mệnh cho khanh”.

Nhưng Vũ vẫn muốn từ chối.

Đế Thuấn nói, ý Trời như vậy, đừng từ chối nữa.

Đế Thuấn đã chọn ngày đầu tiên của tháng giêng, tại miếu Thần Tông Đế Nghiêu nhường ngôi cho Vũ, tất cả nghi lễ đều giống như lúc Đế Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn trước đây.

Đế Thuấn ân cần dặn dò Vũ rằng: “Cần đối đãi thận trọng với ngôi vị của vua, làm việc theo nguyện ý của nhân dân.”

Sau khi nhiếp chính, Vũ bàn bạc để khôi phục quy chế Cửu Châu. Khi Đại Vũ trị thủy, đã lên kế hoạch triều cống của Cửu Châu một cách hợp lý, nay thụ mệnh nhiếp chính, đầu tiên khôi phục quy chế Cửu Châu, tiếp tục ban hành luật triều cống được quy định trước đó cho các chư hầu. Loại biện pháp này của Đại Vũ gần như là trung ương tập quyền. So với việc Đế Thuấn ban hành Ngũ khuê, bích, phù, tín… thì Vũ còn tiến hơn một bước, kia vẫn là thống nhất trên danh nghĩa, giờ đây không chỉ phải thực thi triều cống trên danh nghĩa, mà trên thực tế mỗi năm phải mang một số lượng nhất định vật phẩm tới cống nạp cho triều đình. Số lượng và chủng loại vật phẩm đều do triều đình chỉ định, không thể thóai thác. Chư hầu nếu không phục tùng triều đình, lúc trước có thể nhìn không thấu tỏ, giả như chư hầu đó tuy rằng trên thực tế đã làm phản, nhưng không biểu hiện ra mặt, cũng chỉ đành tùy hắn ta thôi. Nhưng nay mỗi năm phải cống nạp bao nhiêu vật phẩm, nếu vật phẩm không đến triều đình, thì cũng chính là phản bội.

5. “Thánh nhân tâm truyền” 16 chữ tâm pháp

Đế Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ, còn truyền lại cho Đại Vũ 16 chữ tâm pháp, được gọi là “Thánh nhân tâm truyền”,  là “nhân tâm duy nguy,  đạo tâm duy vi,  duy tinh duy nhất,  doãn chấp quyết trung” (Nhân tâm nguy hiểm khó lường, Đạo tâm vi diệu khó tỏ tường, chỉ có toàn tâm toàn ý chuyên nhất, thành tâm thự hành Đạo trung chính, thì mới tu thân trị quốc được).

Đây là nguyên tắc quản lý quốc gia và tu dưỡng đạo đức cá nhân được tương truyền muôn đời của Nghiêu – Thuấn – Vũ.

“Nhân tâm duy nguy” là chỉ nhân tâm có rất nhiều chủng loại, tham sân si ái, tình cảm nam nữ, hết thảy đều là nhân tâm. Dưới sự chi phối của sắc, danh lợi, đố kỵ; nhân tâm trở nên nguy hiểm nhất, vậy nên, nhất định phải cẩn trọng giữ vững tâm tính.

“Đạo tâm duy vi” là nói rằng tâm đạo là vô cùng vi diệu. Đạo tâm chính là tâm tự nhiên của trời đất, cũng chính là bản tính tiên thiên. Nhân tâm chiến thắng Đạo tâm, thì sẽ sa đọa mà thành kẻ tiểu nhân; nếu Đạo tâm chiến thắng nhân tâm, thì sẽ thăng hoa trở thành người quân tử, thậm chí xuất phàm nhập thánh.

“Duy tinh duy nhất” là nói rằng tập trung tinh thần để lĩnh ngộ tâm đạo, giữ tâm chuyên nhất, giữ vững bản tính tiên thiên (tức là đạo tâm).

“Doãn chấp quyết trung”, “Doãn chấp” chính là nói rằng bình tâm tĩnh khí, tĩnh quan chấp thủ, không xa rời bản tính tự nhiên, giữ vững đạo tâm, công bằng vô tư.

Mười sáu chữ này dường như chỉ là tâm pháp an bang trị quốc, trên thực tế cũng là tâm pháp tu luyện tu thân dưỡng tính.

6. Đế Thuấn thăng thiên

Trong những năm cuối đời, Đế Thuấn trong việc tu Đạo đã có căn cơ. Một lần, Thuấn đến tuần sát địa khu Vũ Di, gặp hai người con trai của Bành Tổ, họ đã nói chuyện rất nhiều về việc tu Đạo.

Một lần, Đế Thuấn gặp được Chân nhân Nguyên Tú ở núi Hoa Lâm, Chân nhân Nguyên Tú giảng giải tường tận cho ông làm sao để luyện công đạo dẫn dưỡng sinh và thuật thoát thai hóan cốt.

Năm thứ năm mươi, Đế Thuấn đến được Minh Điều. Vua Thuấn yêu thích cảnh núi non thanh tĩnh nơi đây, liền gọi người dựng mấy gian nhà, rồi từ đó ở lại đây, không trở về Bồ Phản nữa. Đó cũng là Đế Thuấn học theo Đế Nghiêu xây cung nghỉ dưỡng, tránh xa đô thành, để cho Bá Vũ độc lập làm theo ý chí của mình.

Khi Đế Thuấn đi cùng thị vệ ở Yến Long, đi tới chân núi Thương Ngô, trên đường gặp một người, người đó tự xưng là Hà Hầu, là một ẩn sĩ.

Đế Thuấn cùng tùy tùng đều lấy làm kinh hãi, Đế Thuấn thất kinh hỏi: “Ngài là ẩn sĩ ở Thương Ngô. Tôi theo học sư phụ Hứa Do, thật là thất kính, thất kính! Làm sao ngài biết chúng tôi hôm nay sẽ đi ngang qua nơi này?”

Hà Hầu nói: “Sư phụ của tôi là Xích Tùng Tử hôm trước nói, thời điểm Thánh thiên tử thăng thiên sẽ nhanh đến thôi, vậy nên tôi tới dưới núi này nghênh đón Thánh giá”.

Thế rồi Đế Thuấn cùng tùy tùng đi vào nhà mái lợp tranh của Hà Hầu. Hà Hầu ghé vào bên tai Đế Thuấn khe khẽ nói điều gì đó. Cuối cùng chỉ nghe Đế Thuấn nói: “Có thể! được!” Hà Hầu nói: “Ngày mai đại cát, đến ban đêm là có thể đi.” Đế Thuấn liên tục gật đầu.

Ngày hôm sau, Đế Thuấn cầm mấy thẻ tre, nhấc bút lên, viết mấy câu lên trên, rồi đặt trên bàn.

Đế Thuấn gọi tùy tùng chuẩn bị nước tắm, tắm rửa xong, thay bộ đồ mới. Chờ đến khi gần khuya, Đế Thuấn gọi tùy tùng đến dặn bảo: “Đêm nay trẫm sẽ thăng thiên, thường hằng tu luyện cuối cùng cũng đắc chính quả. Đợi sau khi trẫm thăng thiên, các ngươi có thể lập tức về đế đô thông báo. Trẫm còn để lại mấy bức di thư, có thể mang đi làm bằng chứng, tất cả lời nói đều viết rõ trên đó.” Ngoài ra ông không nói gì nữa. Tùy tùng đành phải đáp lại vâng vâng.

Một lúc sau thì đến hoàng hôn, trên bầu trời hiện lên những ráng mây đỏ rực rỡ, tiếng nhạc vang lên, hương thơm kỳ lạ tỏa ra. Chỉ thấy những đám mây đầy màu sắc lượn lờ ở phía tây bắc, dường như có vô số Tiên nhân, mỗi người cầm một loại nhạc khí đến, phía sau còn có xe ngọc dao, càng ngọc, tinh kỳ cầu vồng, lọng lông vũ, Tiên nhân bao quanh tứ phía, từ từ hạ xuống. Đế Thuấn và Hà Hầu cũng bước ra khỏi nhà tranh, chắp tay chào nhau. Các vị Thần Tiên đến trên mặt đất, trong đó có một vị chắp tay về phía Đế Thuấn nói: “Ta phụng mệnh Thiên Hoàng, vì công đức của ông ở nhân gian đã tròn đầy, được thoát khỏi trần thế, nên đến để nghênh đón ông trở về thiên giới Côn Luân” Đế Thuấn lập tức lên xe. Xe ngọc dao, càng ngọc dần dần thăng thiên, Đế Thuấn vẫy tay tùy tùng ra đi.

Thuấn kế Nghiêu đăng ngôi thiên tử khi 61 tuổi, hưởng thọ 110 tuổi, tại vị 50 năm.

Mộ y quan của Thuấn được chôn ở núi Cửu Nghi ở bờ nam sông Trường Giang, chính là Linh Lăng.

Đế Thuấn ở vào thời kỳ quá độ quan trọng giữa Nghiêu và Vũ, ông chủ trương lấy đức trị dân, lấy nhân thi hành chính sự, lấy lễ quản giáo con người, lấy thiện hội tụ lòng dân. Phẩm đức cao thượng, hiếu đễ trung tín mà ông thể hiện ra được hậu thế tôn sùng. Luân lí đạo đức mà ông khởi xướng trở thành quy phạm đạo đức và chuẩn tắc hành vi của con người. Văn hóa truyền thống lấy đạo đức làm hạch tâm mà ông đặt định, trải qua hơn 4000 năm bãi bể nương dâu vẫn lấp lánh ánh hào quang, như vầng nhật nguyệt, đồng tồn với trời đất.

Lòng hiếu kính của Ngu Thuấn làm cảm động trời xanh
Tranh vẽ của Vương Tố thời nhà Thanh (bức vẽ về lòng hiếu thảo thứ 14) Lòng hiếu kính của Ngu Thuấn cảm động trời xanh.

Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Xem tiếp Chương 7: Khai sáng Hoa Hạ tân kỷ nguyên

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x