Hán Vũ Đế (Chương 1): Quân vương anh minh, đương triều thịnh thế

Hán Vũ Đế (Epoch Times)
Hán Vũ Đế (Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

HÁN VŨ ĐẾ LƯU TRIỆT

Chương 1: Quân vương anh minh, đương triều thịnh thế

Nền văn minh Trung Hoa 5000 năm mênh mông, Đế quốc nhà Hán cường thịnh 400 năm. Tên triều Hán là có từ thời Hoàng đế khai quốc Hán Cao Tổ Lưu Bang, khi Sở Bá Vương Hạng Vũ phân phong 18 lộ chư hầu đã ban cho Lưu Bang danh hiệu Hán Vương. Nhưng thực sự để triều Hán trở thành Đế quốc mang tầm vóc thế giới thì lại là nhờ một vị đế vương vĩ đại hùng tài đại lược khác: Hán Vũ Đế…

Hán Vũ Đế thừa Thiên mệnh giáng hạ nhân gian, kế thừa đại nghiệp của 6 đời tiên vương, sáng tạo ra thời thịnh thế cổ kim hiếm có. Ông đối nội tu lễ nhạc, thay đổi sáng tạo, xây dựng chế độ rực rỡ mà các đời sau đều noi theo. Về đối ngoại, ông mở mang bờ cõi, đồng thời thi hành ân đức và uy vũ, thành tựu võ công hiển hách rực rỡ ngàn năm.

Ông làm lễ tế Phong thiện Trời đất, liên tiếp thấy điềm lành, trở thành thiên tử triều Đại Hán công tích vượt trăm vua. Ông chính là thiên cổ nhất đế (vị đế vương vĩ đại nhất), cùng Tần Thủy Hoàng được xưng tụng là “Tần Hoàng Hán Vũ”, cùng Đường Thái Tông khai mở ra thời kỳ “Hán Đường Thịnh Thế” (Thời thịnh vượng nhà Đường và nhà Hán).

Hơn 2000 năm đã trôi qua, các triều đại nối tiếp nhau lên xuống giống như thủy triều. Hán Vũ Đế cũng đã ly thế nhiều năm, nhưng những sự tích và truyền thuyết về ông vẫn luôn được hậu thế truyền tụng. Chúng ta không có duyên phận được sống ở triều đại của ông, nhưng vẫn có thể ở trên mảnh đất lịch sử lâu đời này, hồi tưởng về sự oai nghiêm hào hùng và những thành tựu bất hủ thời xưa của ông.

Hán Vũ Đế,
Mậu Lăng của Hán Vũ Đế (Acstar/Wikimedia Commons)

Đế lăng đồ sộ uy nghi

Trên vùng đất Thần Châu cổ xưa, có một cố đô của 13 triều đại danh tiếng lẫy lừng – Tây An. Nơi đây đã chứng kiến lịch sử huy hoàng của các vương triều hiển hách như nhà Chu, Tần, Hán, Đường, và trải qua thời kỳ vàng son nhất của văn minh Trung Hoa hơn ngàn năm. Đây là một thành cổ của văn hóa lịch sử, cũng là thành phố mai táng nhiều bậc đế vương cổ đại nhất.

Cách nội thị Tây An vài chục cây số là Hàm Dương Nguyên, nằm ở bờ bắc của sông Vị (hay còn gọi là Vị Hà), có một mảnh đất quý có phong thủy tuyệt đẹp. Đây là nơi yên nghỉ của chín vị Hoàng đế của vương triều Tây Hán. Lúc còn tại vị, họ đều cho đào huyệt xây mộ phần của mình tại mảnh đất bằng phẳng này. Nơi đây vẫn còn đủ chín lăng viên, chúng được bố trí thành một hàng, tạo nên một quần thể lăng viên hoàng gia hùng vĩ, đồ sộ, khí thế hào hùng, và được ví von là “Quần thể kim tự tháp của Trung Quốc”.

Trong đó, ở gần lăng viên của năm vị hoàng đế đã thiết lập nên các huyện ấp, nên Hàm Dương Nguyên còn được gọi là “Ngũ Lăng Nguyên”. Quần thể kiến trúc lăng viên đế vương đồ sộ nguy nga này đã và đang lặng lẽ biểu dương sự vinh diệu và tôn nghiêm dưới thời trị vì của các bậc đế vương thiên cổ, cùng sự phồn hoa tráng lệ của một đại vương triều thống nhất. Cảnh tượng này khiến người ta không thể không hình dung rằng thời đại nhà Hán những năm đó, nhất định đã phồn vinh thịnh vượng gấp trăm ngàn lần.

Mạn tây của Ngũ Lăng Nguyên có một lăng viên ở vị trí trung tâm và nổi bật nhất. Thoạt nhìn, tưởng chừng nó không có gì khác biệt so với tám lăng viên còn lại, nhưng trên thực tế nó lại có phong cách độc đáo riêng. Đây là tòa lăng viên có kích thước lớn nhất và cao nhất trong các lăng viên của các vương đế nhà Hán. Nó cũng có thời gian xây dựng dài nhất, tiêu hao nhiều tài vật nhất, đồ tùy táng (đồ vật chôn theo người chết) cũng nhiều nhất.

Lăng viên có chiều dài 9,5 km hướng từ đông sang tây, bề rộng ước chừng 7 km hướng từ nam chí bắc. Ở phía nam của của lăng mộ sừng sững một tấm bia đá có khắc dòng chữ “Hán Hiếu Vũ Đế Mậu Lăng” (Lăng mộ của Hán Hiếu Vũ Đế). Sáu chữ cỡ lớn này được viết theo kiểu chữ cổ cứng cáp. Đây chính là lăng viên của Hán Vũ Đế, và được gọi là Mậu Lăng.

Trong lăng viên Mậu Lăng, lăng mộ của Vũ Đế nổi bật ở vị trí trung tâm, bao quanh là 400 ngôi mộ nhỏ hình chữ nhật, được bố trí rải rác tạo nên một kết cấu phóng xạ “chúng tinh phủng nguyệt” (những vì sao bao quanh mặt trăng), tượng trưng cho bối cảnh bốn bể rộng lớn quy thuận dưới vương triều Đại Hán thành một thể thống nhất.

Trong “Tân Đường Thư” có ghi: “Vũ Đế lịch niên trường cửu, bỉ táng, phương (lăng) trung bất phục dung vật”. Tức là: lúc hạ táng Hán Vũ Đế, những vật phẩm chôn theo ông nhiều đến mức lăng tẩm không thể chứa hết. Điều này cũng đủ để hình dung tòa cung điện dưới lòng đất này tráng lệ đến mức nào.  

han vu de 3
Lăng viên của Hán Vũ Đến, hay còn gọi là Mậu Lăng. (Ảnh: baike.baidu.com)

Ngoài ra, ở gần Mậu Lăng còn có hai ngôi mộ bồi táng chôn cất hai danh tướng thời Tây Hán là Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh. Càng đặc biệt hơn là các ngôi mộ có tạo hình khác nhau, mô phỏng theo hình dáng của Kỳ Liên Sơn và Âm Sơn, nhằm hiển dương những chiến công huy hoàng của chủ nhân chúng lúc sinh thời; đồng thời, thể hiện rằng những tướng lĩnh này vẫn đang ở sau lưng để phò tá vị quân vương vĩ đại của mình.

Ngôi mộ to nhất trong số mộ bồi táng là của Lý phu nhân. Bà chính là tuyệt đại giai nhân có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành từng được ca tụng trong thi ca, cũng là phi tử mà Hán Vũ Đế sủng ái nhất khi còn sống. Nhưng điểm kỳ lạ là không tìm thấy di chỉ mộ phần của Hoàng hậu, Lý phu nhân cũng là sau khi quy tiên mới được truy phong ngôi vị Hoàng hậu.

Đế lăng (lăng mộ của các Hoàng đế) thường được xây dựng ngay từ khi Hoàng đế vừa đăng cơ cho đến lúc băng hà. Hình dáng, cấu tạo, quy cách, của nó phản ánh ra lý niệm, công trạng và chiến tích một đời của bậc đế vương đó khi còn chấp chính. Hán Vũ Đế tại vị 54 năm, trong thời gian trị vì, ông đã nắm trong tay một phần tư Tây Hán, và còn có hùng tài đại lược hiếm có xưa nay, sáng lập nên một thời đại giàu mạnh hưng thịnh.

Thế nhưng, tại sao sau lưng ông lại không có một vị Hoàng hậu bầu bạn? Một thời đại đế vương có sự nghiệp vĩ đại ngàn đời, một thời đại huyền thoại và hoàng kim trong lịch sử, rốt cuộc còn có bao nhiêu chuyện xưa hùng tráng ly kỳ, kinh tâm động phách đang chưa được vén màn, và còn có bao nhiêu sự thần bí và nuối tiếc? Hết thảy những điều này đều nên bắt đầu giảng từ thân thế của Hán Vũ Đế.

han vu de 5
Ngọc Trư Long (heo và rồng), thời kỳ đồ đá mới ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, Văn hóa Hồng Sơn (3500-3000 năm trước Công nguyên). (Ảnh do Viện  bảo tàng Guimet cung cấp)

Dị tượng trước lúc chào đời

Hán Vũ Đế Lưu Triệt, là vị Hoàng đế thứ bảy của Tây Hán. Trị vì trước ông có Hán Cao Tổ, Huệ Đế, hai vị Thiểu Đế, Văn Đế, đến phụ thân của ông là Hán Cảnh Đế. Thời thơ ấu và tuổi trẻ của Hán Vũ Đế chính là thời đại hoàng kim của “Văn cảnh chi trị” – thời kỳ sơ Hán (thời kỳ đầu của nhà Hán).

Theo ghi chép trong “Sử Ký” và “Hán Thư”, Hán Vũ Đế xuất sinh vào năm mà phụ thân của ông là Hán Cảnh Đế đăng cơ. Tiểu thuyết chí quái “Hán Vũ cố sự”, có nói chính xác rằng ông sinh vào sáng ngày mùng 7, tháng 7 năm Ất Dậu – tức rạng sáng của đêm Thất tịch ngày 7 tháng 7 Hoàng Lịch năm 156 [Trước Công nguyên].

Việc một hoàng đế mới đăng cơ là một sự kiện lớn, khắp chốn ăn mừng, một triều Thiên tử một triều thần, vương triều sẽ có sự đổi mới về phương diện làm lịch, chế độ, quân sự, văn hóa. Tại thời điểm Hoàng tử đản sinh, dường như cũng có những điềm lành báo trước vận mệnh cao quý của ngài. Trên thực tế, trước lúc Hán Vũ Đế chào đời, cũng đã có những câu chuyện truyền kỳ về ông.

Chính sử đều ghi, lúc Vương Mỹ Nhân – thân mẫu của Hán Vũ Đế mang thai, đã mộng thấy mặt trời rơi xuống bụng bà. Bà kể lại chuyện này với chồng mình là Hán Cảnh Đế (lúc ấy vẫn còn là Thái tử). Nghe xong, Hán Cảnh Đế liền cao hứng nói: “Đây là điềm báo hiển quý” (ý rằng con của họ sau này sẽ là người có ngôi vị cao). Kỳ thực, lai lịch của Vương Mỹ Nhân cũng rất ly kỳ. Tên thật của bà là Vương Chí, cũng được gọi là Vương Thù Nhi, còn Mỹ Nhân là phẩm cấp của bà ở chốn hậu cung.

Mẫu thân của bà là Tang Nhi, là cháu gái của Tang Đồ, ông được phong làm Yến Vương khi Hạng Vũ phong chư hầu. Vương Mỹ Nhân vốn là thê tử của một thường dân tên gọi Kim Vương Tôn. Bởi có người toán mệnh cho Vương Mỹ Nhân và em gái, nói rằng cả hai người đều sẽ giàu sang phú quý, nên Tang Nhi bèn đề nghị Vương Mỹ Nhân và Kim Vương Tôn ly hôn, nhằm dễ bề kết giao với những gia đình có quyền thế.

Kim gia đương nhiên tức giận không muốn để Vương Thù Nhi đi, nên Tang Nhi đã nghĩ cách mau chóng tiếp cận phú quý, liền đưa con gái trực tiếp tiến cung, trở thành thiếp của Thái tử.

han vu de 6
Vương Mỹ Nhân. (Ảnh: baike.baidu.com)

May mắn thay, lúc đó Hán Cảnh Đế rất sủng ái Vương Mỹ Nhân. Vương Mỹ Nhân cũng sinh hạ cho ông ba nữ một nam, đứa trẻ này đã khiến bà ôm mộng, và đúng là sau này con trai bà đã trở thành Hán Vũ Đế. Những điềm lành xuất hiện trước sự ra đời của Hán Vũ Đế cũng được báo mộng cho Hán Cảnh Đế. Trong “Hán Vũ Đế nội truyện” có ghi, khi Vương Mỹ Nhân mang thai, Hán Cảnh Đế mộng thấy một con hồng trư (heo đỏ) sẫm màu từ trên những đụn mây hạ xuống, tiến thẳng vào trong Sùng Phương Các.

Hán Cảnh Đế giật mình tỉnh giấc, vội đến Sùng Phương Các xem sự thể thế nào, nhưng lại nhìn thấy một con xích long (rồng đỏ) khổng lồ cưỡi mây lướt gió, lượn qua lượn lại, không rời đi. Mây mù trên thân rồng còn che khuất cả cửa sổ cung điện, các phi tần cũng thấy các gian phòng phát ra hào quang sắc đỏ. Khi hào quang tắt đi, hiện ra một con xích long bay lượn trong cung.

Thời cổ đại, heo là một loài động vật vô cùng tôn quý, được cho là hóa thân của rồng. Vào thời kỳ đồ đá mới, trong các văn vật được khai quật có một món đồ trang sức là một chiếc vòng ngọc khuyết hình chữ C có hình mình rồng đầu heo, được gọi với mỹ từ là “Hoa Hạ đệ nhất long” (con rồng số một của Hoa Hạ), và được xem là mẫu hình sớm nhất của rồng.

Chứng kiến điềm lành từ Thiên thượng hiển uy như vậy, Hán Cảnh Đế vội vàng đến thỉnh giáo Diêu Ông, một người tinh thông toán mệnh. Diêu Ông nói: “Đây là điềm báo đại cát đại lợi, dự triệu trong Sùng Phương Các nhất định sẽ xuất sinh một người nắm giữ vận mệnh quốc gia. Người này tương lai sẽ bình định các dị tộc như dân tộc Di, Địch ở phương Bắc, khiến vận nước hưng vượng, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều Lưu Thị”. 

Bởi vậy, Hán Cảnh Đế đã đổi tên Sùng Phương Các thành Y Lan Điện, để Vương Mỹ Nhân vào ở. Vương Mỹ Nhân mang thai mười bốn tháng mới hạ sinh Hán Vũ Đế ở trong điện.

“Hán Vũ cố sự” còn ghi, Hán Cảnh Đế mơ thấy Hán Cao Tổ báo mộng. Hán Cao Tổ Lưu Bang nói với ông: “Đứa trẻ do Vương Mỹ Nhân sinh hạ, có thể lấy tên là ‘Trệ’ (heo)”. Tên của Hán Vũ Đế hồi nhỏ trước bảy tuổi là “Trệ”, có lẽ chính là xuất phát từ hai giấc mơ này của Hán Cảnh Đế.

Vị tiểu Hoàng tử gắn với nhiều điềm lành này, mới lên bốn đã được phong làm Giao Đông Vương, bảy tuổi được sắc lập làm Thái tử, mười sáu tuổi chính thức lên ngôi Hoàng đế, trở thành Thiên tử trẻ tuổi nhất. Vương Mỹ Nhân cũng đã ấn chứng cho lời nói của thầy toán mệnh, sau đó lần lượt lên làm Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ, rồi Thái hậu. Thoạt nhìn, những năm đầu đời của Hán Vũ Đế vô cùng thông thuận, nhưng trên thực tế, ban đầu ngôi vị Hoàng đế dường như là vô duyên với ông, vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?

Chuyện phế, lập đầy sóng gió

Từ thời Tây Chu, Chu Công chế Lễ tác Nhạc cho đến nay, các đế vương cổ đại thường xác lập quy tắc “đích trưởng tử”, theo đó: con trai trưởng được coi là chính thất thừa kế, ngai vàng là do con trưởng, tức là con trai lớn nhất của Hoàng hậu kế thừa. Nếu như chính thất không có con trai, thì mới lập con của phi tần có thân phận tôn quý nhất lên ngôi. Trong “Công Dương Truyện” cũng có nói: “Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng” (Tạm dịch: Lập người kế vị thì lập người con trưởng – nhiều tuổi, dù không phải là người hiền tài; lập con [thứ] thì lập người mẹ có địa vị cao quý hơn chứ không phải là người có tuổi đời lớn hơn).

Bạc Hoàng hậu của Hán Cảnh Đế không có con, vì vậy ngôi vị Thái tử sẽ dành cho một trong mười bốn vị thứ tử, là các con trai của sáu phi tần. Hán Vũ Đế xếp thứ mười, trước ông còn có chín anh trai, hơn nữa người anh Lưu Vinh của ông, là con trai của Lật Cơ, là phi tần mà Hán Cảnh Để sủng ái nhất. Do đó, sau khi Hán Cảnh Đế đăng cơ, liền lập Lưu Vinh làm Thái tử, phong Vũ Đế làm Giao Đông Vương.

Nhưng sự sắp đặt của số phận luôn đầy kịch tính. Chị gái của Hán Cảnh Đế là Công chúa Quán Đào có một người con gái tên Trần Thị, cũng chính là Trần A Kiều mà người đời sau nói tới trong truyền thuyết. Công chúa vì muốn gả con gái cho Thái tử, nên tìm cách lấy lòng Lật Cơ. Lật Cơ là người hay ghen tuông, nhưng công chúa Quán Đào lại luôn tiến cử những mỹ nữ trẻ trung cho Hán Cảnh Đế, và những người này sau đó đều được sủng ái. Bởi vậy Lật Cơ rất oán hận công chúa Quán Đào và một mực từ chối hôn sự. 

Công chúa Quán Đào là viên minh châu của Đậu Thái hậu , hơn nữa lại có quan hệ vô cùng thân thiết với Hán Cảnh Đế, là người có ảnh hưởng rất lớn trong hậu cung. Thế nhưng Lật Cơ lòng dạ hẹp hòi, vì tư lợi mà đắc tội với Công chúa. Công chúa Quán Đào trong cơn nóng giận, đã trước mặt Hán Cảnh Đế nói lời không hay về Lật Cơ. Hán Cảnh Đế cũng vì vậy mà dần xa cách Lật Cơ. Ngoài ra, vì cầu thân không thành, nên Công chúa Quán Đào chuyển mục tiêu sang Vương Mỹ Nhân, và kết quả là Vương Mỹ Nhân liền nhanh chóng chấp thuận. Vận mệnh của Giao Đông Vương cũng từ đó mà dần biến chuyển. 

Trong “Hán Vũ Cố Sự” còn ghi chép một câu chuyện, rằng một ngày nọ Công chúa Quán Đào bế tiểu Lưu Triệt trên đùi và nói: “Cháu có muốn lấy vợ không?”. Lưu Triệt đáp: “Muốn ạ”. Công chúa liền chỉ tay về phía hơn một trăm thị nữ và hỏi ý Lưu Triệt, nhưng Lưu Triệt đều không ưng thuận. Cuối cùng, Công chúa Quán Đào chỉ con gái mình hỏi: “A Kiều thì sao?”. Lưu Triệt vừa cười vừa nói: “Thật tốt quá, nếu như có thể cưới được A Kiều, cháu sẽ xây một ngôi nhà bằng vàng cho nàng ở”. Đây chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “Kim ốc tàng Kiều”.

Công chúa Quán Đào nghe xong mừng rỡ khôn xiết, rồi lên đề nghị Hán Cảnh Đế chỉ định hôn sự cho hai người, hơn nữa còn khen ngợi tài năng và đức độ của Lưu Triệt trước mặt Hán Cảnh Đế. Tâm ý của Hán Cảnh Đế cũng dần ngả về phía Lưu Triệt và Vương Mỹ Nhân. Lật Cơ mất đi đồng minh quyền thế là Công chúa Quán Đào, mà vẫn hồn nhiên không biết bản thân đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm, vẫn ỷ mình là thân mẫu của Thái tử, luôn đố kỵ và oán hận, không chú ý mà đã bị tiền triều làm hại. Trong một lần thiết triều, sau khi Lễ Quan hoàn tất dâng tấu đại sự đã bẩm: “Tử dĩ mẫu quý, mẫu dĩ tử quý; hiện tại sinh mẫu của hoàng tử không có phong hiệu, nên phải lập làm Hoàng hậu”. Sau khi Bạc Thái hoàng thái hậu qua đời, Bạc Hoàng hậu liền bị phế truất, ngôi vị Hoàng hậu vẫn luôn bỏ trống. Nào ngờ Hán Cảnh Đế nghe xong liền nổi cơn thịnh nộ: “Điều này đến lượt ngươi nói sao!” và bèn sai giết Lễ Quan. Tiếp đó, Hán Cảnh Đế phế Thái tử, cải lập Giao Đông Vương Lưu Triệt bảy tuổi làm Thái tử, phong Vương Mỹ Nhân làm Hoàng hậu.

Lật Cơ thất sủng, không cách nào biện bạch trước Hán Cảnh Đế, đành ôm uất ức sầu não mà chết. Trong chuyện lập hậu này, Lật Cơ là kẻ bị hãm hại, nhưng công bằng mà nói bi kịch này cũng do Lật Cơ tự mình chuốc lấy. Lúc trước Hán Cảnh Đế sức khỏe không tốt, có ý phong Lật Cơ làm Hoàng hậu, còn muốn để các Hoàng tử của mình cho Lật Cơ chăm sóc, và nói: “Sau khi trẫm qua đời, nàng phải đối đãi tốt với chúng”. Ý tứ gửi gắm của Hán Cảnh Đế đã rõ ràng đến vậy, nhưng Lật Cơ nghe mà không hiểu, còn oán hận sinh mẫu của các Hoàng tử đã cướp mất của nàng ta sự ân sủng của hoàng thượng, miệng nói ra những ác ngôn và không nhận lời với Hán Cảnh Đế. Hán Cảnh Đế lúc ấy vô cùng phẫn nộ, chỉ là không có biểu hiện ra bên ngoài mà thôi. Sự thay đổi Thái tử lần này của Hán Cảnh Đế đã đặt nền móng cho con đường tiến đến ngôi vị Hoàng đế của Hán Vũ Đế.

han vu de 1 1
Tranh Hán Cảnh Đế, lấy từ Đại Minh Kỳ Vương kỳ tập, thời Vạn Lịch. (Tam tài đồ hội)

Cậu bé thiên tài

Thời gian này, em trai của Hán Cảnh Đế là Lương Hiếu Vương lại nhận được sự hậu thuẫn của mẫu thân là Đậu Thái hậu, cũng cực lực mưu cầu ngôi vị Thái tử. Các đại thần đã khuyên Đậu Thái hậu nên từ bỏ suy nghĩ này, nhưng thay vào đó Lương Vương đã phái sát thủ sát hại mười mấy vị đại thần đã khuyên can này. Nể mặt Đậu Thái hậu, Hán Cảnh Đế chỉ lệnh cho Lương Vương trở về thái ấp, không được phép tùy ý ra vào kinh thành. Đến đây, những chướng ngại trên con đường xưng vương của Hán Vũ Đế đã bị thanh từ triệt để. 

Có thể có người cảm thấy việc Hán Vũ Đế lên ngôi vua có phần kịch tính và thú vị như “Cung đấu kịch” (vở kịch/tuồng về sự đấu đá trong cung). Nhưng kỳ thực, Hán Vũ Đế là người được Thiên tuyển. Không chỉ những điềm lành liên quan đến ông triển hiện không ngớt, mà từ nhỏ Hán Vũ Đế đã bộc lộ tài năng, đức hạnh, thông minh, trí tuệ, biết chừng mực trên dưới, không ít lần khiến những người trong hoàng cung phải nhìn ông bằng con mắt khác. Tất cả những điều này cho thấy ông đã được định trước là người xứng đáng nhất để lựa chọn kế vị ngai vàng. 

Trong “Hán Vũ cố sự” có viết lời ca ngợi ông như sau: “Tuổi nhỏ mà thông minh, trí thuật, chơi với huynh đệ, cung nhân luôn biết lựa ý mà hành, lớn nhỏ đều vui lòng. Với bề trên cung kính ứng đối, như người trưởng thành, những người theo Thái hậu và văn võ bá quan đều ủng hộ.” 

Hán Vũ Đế từ nhỏ đã thông minh mưu trí, khi giao thiệp cùng người trong cung và các huynh đệ có thể hiểu được điều trong lòng họ mà điềm tĩnh ứng đối, được lòng hết thảy mọi người trên dưới trong cung. Trước mặt phụ hoàng Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế luôn cung kính lễ độ, cử chỉ ngôn hành nhất mực đều như người trưởng thành, ngay cả Đậu Thái hậu cũng chú ý tới vị tiểu hoàng tôn đặc biệt này.

han vu de 10
Hán Vũ Đế từ nhỏ đã thông minh mưu trí, biết cách giao thiệp, cho nên được lòng hết thảy mọi người trên dưới trong cung. (Ảnh minh họa: Miền công cộng)

“Hán Vũ Đế nội truyện” còn ghi chép vài câu chuyện khác về thuở thiếu thời của Hán Vũ Đế. Ví như khi Hán Vũ Đế lên ba, Hán Cảnh Đế bế cậu bé vào lòng và hỏi: “Hài nhi của ta có muốn làm Thiên tử không?”. Cậu bé Lưu Triệt liền đáp: “Việc này là do thượng Thiên an bài, đâu do con muốn hay không mà được. Nhưng con hy vọng mỗi ngày đều được sống trong hoàng cung, được chơi đùa bên phụ thân, nhất định không dám láo xược vô lễ, trái bổn phận làm con”.

Hán Cảnh Đế không khỏi ngạc nhiên khi con nhỏ có thể dõng dạc nói ra những lời hiểu biết sâu sắc như vậy. Về sau, ông đặc biệt chú ý dạy dỗ và bồi dưỡng cho cậu bé này. Vài ngày sau, Hán Cảnh Đế lại bế con trai đến trước bàn đọc sách, hỏi cậu bé đọc sách gì, và nói về chúng một chút.

Tiểu Lưu Triệt liền đọc to các tác phẩm từ thời Phục Hy cho đến các sách Thánh hiền mà cậu đã học thuộc lòng, trong đó có cả luận thuật về âm dương ngũ hành, các bài luận văn quốc sách trứ danh trong lịch sử, và những bài văn dài mấy vạn chữ mà không sót một từ nào. 

Hán Cảnh Đế cũng là người có khả năng ghi nhớ tài tình. Không lẽ hoàng tử nhỏ của ông cũng có siêu năng lực, xem qua một lần liền nhớ? Hán Cảnh Đế cũng không đối xử với cậu bé này như những đứa trẻ bình thường khác. Lúc Hán Vũ Đế lên bảy, thì chính thức đổi tên cậu bé thành Lưu Triệt.

Trong “Trang Tử” có câu: “Mắt nhìn thông tỏ gọi là mắt sáng; tai nghe thấu suốt thì gọi là tai thính; mũi mà đánh hơi mau thì là mũi thính; miệng mà biết được các vị thì gọi là miệng ngọt; tâm mà thấu triệt được lý lẽ thì gọi là trí tuệ; trí tuệ thấu triệt hết thảy gọi là đức”. Từ “Triệt” ở đây có nghĩa là người tài ba hiểu biết hơn người. Cái tên này gửi gắm rất nhiều kỳ vọng lớn lao và lời ngợi khen của Hán Cảnh Đế dành cho người con trai này.

han vu de 11
Lúc Hán Vũ Đế lên bảy, thì chính thức đổi tên thành Lưu Triệt. Từ “Triệt” có nghĩa là người tài ba hiểu biết hơn người. Cái tên này gửi gắm rất nhiều kỳ vọng lớn lao và lời ngợi khen của Hán Cảnh Đế dành cho người con trai này. (Tranh: Epoch Times)

Sau khi Lưu Triệt lên làm Thái tử lại càng siêng năng học tập. Lưu Triệt học rộng, gồm cả cưỡi ngựa, bắn cung, Nho học, văn học, v.v. cũng vì thế mà càng được Hán Cảnh Đế yêu quý.

“Hán Vũ cố sự” còn ghi chép: khi Lưu Triệt 14 tuổi, Đình Úy thỉnh Hán Cảnh Đế phê chuẩn một vụ án giết người. Kẻ sát nhân tên Phòng Niên, người bị sát hại là mẹ kế của anh ta. Vì mẹ kế sát hại cha của Phòng Niên, nên anh ta đã giết bà mẹ kế đó. Đình Úy tính phán Phòng Niên tội đại nghịch, nhưng Hán Cảnh Đế cảm thấy có phần không thỏa đáng, liền hỏi Lưu Triệt đưa ra quan điểm của mình.

Lưu Triệt phân tích: “Người ta thường nói mẹ kế giống như mẹ ruột, lời này cho thấy mẹ kế và mẹ ruột là khác nhau, chẳng qua là người cha đã cưới bà ấy về làm vợ, nên mới có địa vị giống như mẹ đẻ mà thôi. Hiện tại, mẹ kế của Phòng Niên đã sát hại cha đẻ của anh ta, nên anh ta với mẹ kế cũng có thể tính là đã đoạn tình tuyệt nghĩa, quan hệ mẫu-tử đã không còn tồn tại, nên phán xử tội sát nhân thông thường, không nên phán tội đại nghịch”.

Hán Cảnh Đế đồng tình với ý kiến này. Bình thường thì tội sát nhân sẽ bị “khí thị”, tức là xử tử phạm nhân tại một khu phố náo nhiệt. Các đại thần cũng đều cho rằng Lưu Triệt phân tích rất thỏa đáng. Từ đó về sau Hán Cảnh Đế càng xem trọng Lưu Triệt. 

Năm 140 trước Công nguyên, Hán Cảnh Đế băng hà, hưởng dương 48 tuổi. Cùng ngày, Lưu Triệt 16 tuổi chính thức thừa kế ngai vàng, lấy hiệu là Hán Vũ Đế, vén tấm màn lớn mở đường cho sự cường thịnh của vương triều nhà Hán. 

Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch từ: NTD Việt Nam

Xem tiếp:

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x