Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.8): Tào Thừa Tướng bại trận Xích Bích

Ngụy Vũ Đại Đế Tào Tháo (ảnh Epoch Times)
Ngụy Vũ Đại Đế Tào Tháo (ảnh Epoch Times)

Tào Thừa Tướng bại trận Xích Bích, sự thật nguyên bản 

Tháng Giêng, năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo về Nghiệp Thành, xây hồ Huyền Vũ, huấn luyện thủy quân. Mùa hạ, tháng 6, nhà Hán bãi bỏ Tam công, đặt ra chức Thừa tướng, Ngự sử đại phu, Tào Tháo được phong làm Thừa tướng. Tào Tháo cấp phong Biệt giá tòng sự Ký Châu là Thôi Diễm làm Tây tào duyện, Trần Lưu làm Tư không Đông tào duyện, Mao Giới làm Đông tào duyện, Nguyên thành lệnh Hà Nội Tư Mã Lãng làm Chủ bạ. Em trai Tư Mã Ý là Tư Mã Phu cũng được phong làm Văn học duyện. Ký Châu chủ bạ Lư Dục làm Pháp tào nghị lệnh sử. Diễn, Giới cũng đều được đề cử. Những nhân sĩ thanh chính được đề bạt tuy cũng có lúc đắc ý mà làm ra điều trái với bản thân nhưng sau cùng vẫn trung hậu, thành thật, khiêm nhường, làm quan thanh liêm tạo phúc cho dân. Tả hữu dưới trướng Tào Tháo ai nấy cũng đều liêm khiết, cần kiệm, tự quản bản thân. Tuy các quan được sủng ái nhưng ai nấy đều không phóng túng, hưởng thụ quá độ. Ngay cả quan Trưởng lại cũng mặc quần áo cũ sờn, ngồi xe củi. Quan lại vào phủ, lên triều đều phải đi bộ. Cuối cùng, Tào Tháo phải thốt lên rằng: “Dùng những người như vậy có thể khiến cho người trong thiên hạ tự trị lấy mình, ta biết phải báo đáp thế nào đây?”. Tào Tháo dùng người, tín nhiệm hiền tài, trong triều được thanh minh, Trung Nguyên đại trị.

Tháng 7, Tào Tháo thống lĩnh ba quân Nam hạ tiến đánh Lưu Biểu ở Kinh Châu. 

Tháng 8, đại quân Tào Tháo chưa đến Kinh Châu, Lưu Biểu bệnh nặng qua đời.Thái thú Chương Lăng là Khoái Việt (tự là Dị Độ) và Đông tào duyện là Phó Tốn khuyên Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo: “Thuận hay nghịch đều phải theo tình hình chung. Mạnh hay yếu đều có thế hẳn hoi. Lấy thân phận bề tôi mà cự tuyệt lại chúa công, thì là ngược lại với đạo vậy; Lấy nền tảng mới thành lập mà cai trị cả Trung Quốc, tất nguy rồi; Lấy Lưu Bị mà đối địch lại Tào Công, thì không thỏa đáng lắm. 3 điều đó đều không được, vậy đem cái gì để đối lại quân địch? Hơn nữa Tướng quân tự tính toán xem Lưu Bị sẽ như thế nào? Nếu như Lưu Bị không đủ sức chế ngự được Tào Công, thì chúng ta rồi cũng không thể tồn tại được. Nếu Lưu Bị đủ sức chế ngự Tào Công thì Lưu Bị cũng không cam chịu ở dưới trướng Tướng quân đâu.” Tông đã nghe theo lời khuyên của Khoái Việt và Phó Tốn.

Tháng 9, Tào Tháo đến Tân Dã, Lưu Tông hàng Tào, mang ấn Kinh Châu ra nghênh đón. Lấy được Kinh Châu, Tào Tháo phong Lưu Tông làm Thứ sử Thanh Châu, cho Khoái Việt làm liệt hầu. Có được Kinh Châu nhưng Tào Tháo nói với Tuân Úc rằng: “Được Kinh Châu còn không mừng bằng có được Khoái Việt”. 

Tào Tháo nhận định Giang Lăng có quân lương đầy đủ, e rằng Lưu Bị cứ đóng ở đó sẽ củng cố lại được lực lượng, bèn vứt hết quân trang nặng nề để quân lính nhẹ nhàng đến Tương Dương. Tào Tháo nghe tin Lưu Bị đã đi qua chổ này, Tháo bèn đem 5,000 kỵ binh tinh nhuệ mau chóng đuổi theo Lưu Bị, ngày đêm truy đuổi hơn 300 dặm đến Trường Bản của Đương Dương. Lưu Bị bỏ lại vợ con cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi và kỵ binh, rời bỏ Tân Dã tháo chạy về Giang Hạ. Tào Tháo thắng trận, thu rất nhiều quân nhu khí giới.

Tào Tháo “cưỡi ngựa làm văn, múa kiếm đề thơ”, đại khí ngút trời, chấn động thiên cổ, được danh sĩ hậu thế nhiều đời ca tụng. Tô Đông Pha viết trong “Tiền Xích Bích phú” như sau: “Si tửu lâm giang, hoành sóc phú thi, cố nhất thế chi hùng dã” (rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, thực là một đời anh hùng). Thẩm Đức Tiềm có lời rằng: “Âm điệu chữ Hán trong thơ của Tào Mạnh Đức, cùng với thơ của Tào Phi mang âm hưởng thuần chất của nước Ngụy, trầm hùng sảng khoái, có lúc còn toát lên khí chất bá vương”. Trong quyển 5 – Cổ thi nguyên cũng khen thơ Tào Tháo: “Thơ của Tào Mạnh Đức cuồn cuộn hào sảng trùng điệp tầng tầng mây, chí hướng cao xa, không gian thoáng đãng, ý tứ ngay thẳng, không hề bi quan, có cái thế trầm bổng khí khái.”

Ảnh: Tào Tháo làm thi phú, bản in thời nhà Thanh trong Tam quốc chí (bản in được lưu giữ bởi Đại Khôi Đường. Tranh minh hoạ. (Ảnh: phạm vi công cộng)
Ảnh: Tào Tháo làm thi phú, bản in thời nhà Thanh trong Tam quốc chí (bản in được lưu giữ bởi Đại Khôi Đường. Tranh minh hoạ. (Ảnh: phạm vi công cộng)

Năm Kiến An thứ 13 (tức CN năm 208), mùa đông, ngày 15/11, khí trời quang đãng, sóng gió êm lặng, Tào Tháo sai mở một tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng. Trời tối dần, vầng trăng hiện trên đỉnh núi phía Đông, vằng vặc như ban ngày. Dải sông Trường Giang nằm vắt ngang như tấm lụa. Tả hữu tướng quân trên thuyền ai nấy đều uy phong lẫm liệt. Tào Tháo đứng ngắm bốn phương trời mênh mông, bát ngát, rồi lấy rượu tế sông Trường Giang, sau uống liền ba ly lớn, nói rằng: “Từ khi ta cầm ngọn giáo này, phá Khăn Vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, thọc sâu vào Tái Bắc, xuôi thẳng đến Liêu Đông, tung hoành bốn bể, thật không phụ ý chí của kẻ đại trượng phu!”. Sau đề bài “Đoản ca hành”:

Đoản ca hành
Đối tửu đương ca, Nhân sinh kỷ hà?
Thí như triêu lộ, Khứ nhật khổ đa.
Khái đương dĩ khảng, Ưu tư nan vong.
Hà dĩ giải ưu? Duy hữu đỗ khang
Thanh thanh tử khâm, Du du ngã tâm
Đãn vị quân cố, Trầm ngâm chí câm.
Ao ao lộc minh, Thực dã chi bình.
Ngã hữu gia tân, Cổ sắt xuy sinh.
Minh minh như nguyệt, Hà thời khả xuyết?
Ưu tùng trung lai, Bất khả đoạn tuyệt.
Việt mạch độ thiên, Uổng dụng tương tồn.
Khế khoát đàm yến, Tâm niệm cựu ân.
Nguyệt minh tinh hy, Ô thước nam phi.
Nhiễu thụ tam táp, Vô chi khả y?
Sơn bất yếm cao, Thủy bất yếm thâm.
Chu Công thổ bộ, Thiên hạ quy tâm.

Dịch nghĩa:

Trước chén rượu nên hát ca, bởi vì đời người có được bao lâu.
Tựa như sương sớm, những ngày đã qua sầu khổ biết bao nhiêu.
Khẳng khái phấn chấn, nhưng vẫn không quên được nỗi ưu sầu.
Muốn giải sầu, chỉ có chén rượu (Đỗ Khang).
Tuổi học trò cổ áo xanh, rầu rầu lòng ta.
Chính vì mi, mà ta trầm ngâm cho đến hôm nay.
Tiếng tác tác hươu kêu, nó đang ăn cỏ ngoài đồng.
Ta có khách quý, đàn ca sáo phách.
Trăng sáng vằng vặc, bao giờ mới hết?
Nỗi buồn từ trong lòng, không thể nào dứt.
Từng băng đồng vượt khắp nẻo đường, dày công tận tình thăm hỏi.
Những lần gặp gỡ trò chuyện, cùng nhau ôn lại, trong lòng vẫn nhớ ân nghĩa cũ.
Trăng sáng sao thưa, Quạ bay về nam,
Liệng quanh cây cao ba vòng, Không cành nào đậu được,
Núi không ngại cao, biển không ngại sâu.
Ta giống như Chu công tiếp đãi hiền tài, thiên hạ sẽ quy thuận về ta.

Dịch thơ:

Trước ly rượu ta nên ca hát
Một đời người thấm thoát là bao?
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn?
Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha
Giải sầu chỉ một chăng là
Mượn đôi ba chén cửa nhà Đỗ Khang
Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn
Con hươu lạc kêu trên đồng vắng
Chân ngẩn ngơ mồm gặm cỏ non
Nhà ta khách quý rộn ràng
Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm
Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây?
Nỗi buồn ập đến ai hay
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi
Xông pha mãi một đời gió bụi
Uổng công ta lui tới đeo đai
Bi hoan ly hợp một đời
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an
Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt
Quạ về nam thảng thốt kêu thương
Liệng quanh cây những mấy vòng
Mà không tìm được một cành nương thân
Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ
Dù núi cao, biển cả sâu nông
Một đời nghiền ngẫm Chu công
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.

Kỳ nhị
Chu Tây Bá Xương, hoài thử thánh đức.
Tam phân thiên hạ, nhi hữu kỳ nhị.
Tu phụng cống hiến, thần tiết bất long.
Sùng hầu sàm chi, thị dĩ câu hệ.
Hậu kiến xá nguyên, tứ chi phủ việt, đắc sử chinh phạt.
Vy trọng ni sở xưng, đạt cập đức hành,
Do phụng sự ân, luận tự kỳ mỹ.
Tề hoàn chi công, vy bá chi thủ.
Cửu hợp chư hầu, nhất khuông thiên hạ.
Nhất khuông thiên hạ, bất dĩ binh xa.
Chính nhi bất quyệt, kỳ đức truyện xưng.
Khổng tử sở thán, tịnh xưng di ngô, dân thâu kỳ ân.
Tứ dữ miếu tạc, mệnh vô hạ bái.
Tiểu bạch bất cảm nhĩ, thiên uy tại nhan chỉ xích.
Tấn văn diệc bá, cung phụng thiên vương.
Thâu tứ khuê toản, cự sưởng đồng cung.
Lô cung thi thiên, hổ bí tam bách nhân.
Uy phục chư hầu, sư chi sở tôn.
Bát phương văn chi, danh á tề hoàn.
Hà dương chi hội, trá xưng chu vương, thị kỳ danh phân ba.

Dịch nghĩa:

Kỳ 2
Chu Tây Bá Xương, lòng ôm thánh đức.
Thiên hạ chia ba, mà có được hai.
Nên phụng cống hiến, thần tiết chẳng đủ.
Sùng Hầu gièm pha, vậy nên bị bắt.
Sau thấy Xá Nguyên, ban cho búa rìu, cử đi chinh phạt.
Vì Trọng Ni xưng, đức hạnh thâu đủ,
Do phụng sự ân, luận bàn điều tốt.
Công của Tề Hoàn, đứng đầu bá chủ.
Hợp chín chư hầu, nhất thống thiên hạ.
Nhất thống thiên hạ, chẳng cần binh xa.
Chính chẳng dối lừa, đức ấy truyền xưng.
Ngợi khen Khổng Tử, đều xưng di ngô, dân nhờ ân ấy.
Ban thịt tế miếu, lệnh không hạ bái.
Tiểu Bạch không dám, thiên uy trước mặt.
Tấn Văn xưng bá, cung phụng Thiên vương.
Nhận ơn ngọc quý, rượu nếp cung đỏ
Cung đen ngàn mũi, mãnh hổ ba trăm người.
Uy phục chư hầu, cao quý đứng đầu.
Bát phương nghe đến, tiếng ác Tề Hoàn.
Hội gặp ở Hà Dương, dối xưng Chu Vương, danh ấy đẹp đẽ.

Bài Đoản ca hành này của Tào Tháo tự thuật lại việc mình đã thu phục được hiền tài trong thiên hạ, dùng lễ hiền của mình để cầu hiền tài như nắng hạ cầu mưa. Câu văn tự nhiên, hào khí ngút trời, ngàn năm truyền tụng.

Bức tranh về “Thơ phú của Tào Tháo” trong câu chuyện Tam Quốc tại hành lang của Di Hòa Viên (Ảnh: Shizhao/Wikimedia Commons)
Bức tranh về “Thơ phú của Tào Tháo” trong câu chuyện Tam Quốc tại hành lang của Di Hòa Viên (Ảnh: Shizhao/Wikimedia Commons)

Tôn Quyền của Đông Ngô lúc này đã sai Lỗ Túc đi gặp mặt Lưu Bị, Lỗ Túc hiến cho Tôn Quyền sách lược “Dùng thế chân vạc, Giang Đông ẩn mình quan sát thiên hạ đua tranh”. Kế ấy rất được Tôn Quyền hưởng ứng. Lỗ Túc khi đến Hạ Khẩu thì nghe tin Tào Tháo đang đến Kinh Châu Tôn Quyền lập tức sai Lỗ Túc đi bái kiến Lưu Bị để dò la tình hình Tào Tháo, cũng lại muốn thăm dò chủ trương của Lưu Bị. Lúc này Lưu Bị cũng đang cùng Gia Cát Lượng bàn bạc kế sách kháng Tào. Gia Cát Lượng hiến kế liên minh với Đông Ngô. Nhưng Lưu Bị sợ Đông Ngô hùng mạnh, không chịu kết minh với mình. Giữa lúc ấy thì được tin Lỗ Túc đến cầu kiến. Lỗ Túc theo lệnh Tôn Quyền đến, luận thế sự thiên hạ, ngỏ ý khuyên Lưu Bị cử người tâm phúc sang phía Đông Ngô kết giao hai nhà, đồng lòng nhất ý liên kết đánh Tào Tháo. Gia Cát Lượng đoán biết được Lỗ Túc là phái chủ chiến phía Đông Ngô nên lợi dụng cơ hội Lỗ Túc đến bái kiến Lưu Bị, thuyết phục Lỗ Túc, thông qua ông mà khiến Tôn Quyền kiên định với chủ trương liên minh kháng Tào. 

Lúc này, Tào Tháo từ Giang Lăng thuận buồm tiến xuống Giang Đông. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị: “Việc quân cấp bách, xin được phụng mệnh đi cầu cứu Tôn tướng quân”, sau đó cùng Lỗ Túc đi bái kiến Tôn Quyền. Đến nơi, Gia Cát Lượng phân tích tình thế hai bên: “Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh. Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cả cũng mỏi mệt. Mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương bắc không quen đánh thuỷ, đây chính là điều tối kỵ trong binh pháp. Hơn nữa quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào Tháo, chứ không phải là tự nguyện. Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về Bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội thành hay bại, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kĩ mà quyết đi kẻo muộn!”. 

Tôn Quyền nghe phân tích của Gia Cát Lượng xong thì hết sức mừng rỡ, cùng với chúng tướng bàn mưu lược kháng quân Tào.

Lúc này, Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền nói: “Ta phụng mệnh vua, đánh kẻ có tội. Cờ trỏ về nam, Lưu Tông phải bó tay, dân Kinh Tương nghe thấy tin răm rắp hàng phục. Nay thống lĩnh trăm vạn hùng binh, nghìn viên thượng tướng, muốn cùng với tướng quân họp săn ở Giang Hạ”.

Tôn Quyền hỏi ý quần thần, thấy ai nấy đều thất kinh sợ hãi. Trưởng sử Trương Chiêu thì chủ trương xin hàng. Duy chỉ có Lỗ Túc trầm ngâm một hồi rồi nói với Tôn Quyền: “Vừa rồi, bọn họ nói như thế, là không hiểu bụng chủ công. Không đủ để mưu bàn đại sự. Nay Túc này có thể đầu hàng Tào Tháo được, nhưng chúa công thì không thể. Chúa công mà hàng Tào Tháo thì về đâu? Mong sớm quyết định đại kế,chớ có bàn luận quá nhiều ”.Tôn Quyền than rằng: “Ta nghe họ nghị luận thật là thất vọng. Tử Kính mới ngỏ kế lớn, chính hợp ý với ta. Quả thật trời đem Tử Kính cho ta đó!”, nói đoạn Tôn Quyền vui mừng sai người đến Phiên Dương mời Chu Du về bàn việc. 

Chu Du trở về phân tích thực lực của Đông Ngô và thế lực phía Tào Tháo,Tôn tướng quân là bậc thần võ hùng tài, nhờ cơ nghiệp của cha anh, binh giỏi lương nhiều, sao lại phải hàng giặc? Vả lại, Tào Tháo đi chuyến này mắc phải nhiều điều kỵ trong binh pháp. Đất Bắc chưa yên, còn cái hoạ Mã Đằng, Hàn Toại sau lưng, mà Tào Tháo dám ở lâu để đánh phương Nam. Quân Bắc không quen đánh dưới nước, mà Tào Tháo dám bỏ yên ngựa dùng thuyền bè, tranh giành với Đông Ngô, điều đó vốn không phải sở trường của quân Tào. Đang mùa đông rét mướt, ngựa không có cỏ khô ăn, mà dám khởi binh. Đem quân ở lục địa tiến sâu vào chỗ sông hồ, không quen thuỷ thổ, nhiều người đau ốm. Quân Tào Tháo phạm bốn điều kỵ ấy, dẫu nhiều cũng phải thua. Tướng quân bắt được Tào Tháo ở chính lúc này. Chu Du chỉ xin ba vạn quân lính, đến đóng ở Hạ Khẩu, đủ phá được Tào Tháo cho tướng quân xem”. Tôn Quyền nghe xong vui mừng nói: “Ông trời đã ban ngươi cho ta vậy” rồi lập tức tấn phong cho Chu Du, Trình Phổ làm tả hữu đô đốc, thống lĩnh quân đội cùng với Lưu Bị hợp sức đánh Tào Tháo; còn Lỗ Túc được phong làm Tán quân hiệu úy, trợ giúp Chu Du vạch ra sách lược.

Chu Du, Trình Phổ, Lỗ Túc, thống lĩnh 3 vạn thủy quân ngược dòng Trường Giang cùng với Lưu Bị hợp sức đánh Tào Tháo, hai bên đối mặt tại Xích Bích. Lại nói về đại quân của Tào Tháo lúc này dịch bệnh hoành hành, lính chết vô số, mới đầu giao chiến quân Tào Tháo bại trận rút về Ô Lâm bờ Bắc Trường Giang, còn khu vực chiến thuyền của Chu Du lại ở bờ Nam, Xích Bích. Đại quân Tào Tháo không quen thủy chiến, lại trúng mưu Bàng Thống nên cho quân dùng dây buộc ghép các chiến thuyền lớn nhỏ lại với nhau nhằm tránh thuyền nhỏ sóng to để người và ngựa đỡ say sóng. Ai ngờ gặp ngay Chu Du cùng Hoàng Cái hợp mưu lấy khổ nhục kế dùng hỏa công đánh liên hoàn. Hôm ấy nổi gió Tây Bắc, buồm vải kéo lên, các thuyền xông pha sóng gió vững chắc như đi trên mặt đất. Khi đoàn thuyền ra giữa sông Trường Giang thì nhất loạt căng buồm nổi lửa, thuyền theo gió Đông đi như tên bắn áp sát đại trại quân Tào, thiêu trụi đội chiến thuyền của Tào Tháo. Cùng lúc đó, Lưu Bị, Chu Du thủy bộ cùng công đánh, đẩy quân Tào về Nam Quận. Tào Tháo thất thế cho quân thiêu trụi toàn bộ chiến thuyền còn sót lại, dùng đường bộ lui binh, giữ Chinh nam tướng quân Tào Nhân lại, cho Hoành dã tướng quân Từ Hoảng trấn thủ Giang Lăng, Chiết xung tướng quân Lạc Tiến trấn giữ Tương Dương, còn Tào Tháo rút quân về phương Bắc.

Trận chiến Xích Bích, quân Tào Tháo bị đại dịch hoành hành, chiến lực hao tổn, thiên tượng đột nhiên thay đổi, gió Đông xuất hiện, trợ lực cho quân Chu Du tăng thêm thế lực hỏa công hùng mạnh. Trời không toại lòng người, không cho Tào Tháo tiến thêm một bước, vượt sông Trường Giang mà thống nhất Trung Hoa. Tào Tháo từng có lần viết thư nói chuyện với Tôn Quyền rằng: “Trong chiến dịch Xích Bích,dịch bệnh hoành hành quân lính chết vô số,Ta đã phải tự đốt rất nhiều thuyền rồi mới thoái lui, Vô tình đã cho Hoành sử Chu Du có được danh tiếng đại phá Xích Bích.” Nhưng người anh hùng ấy vẫn nói cười ngạo nghễ, binh tướng trăm vạn, hô mưa gọi gió, chí khí ngút trời thật không thể không khiến cho đời sau thán phục.

Đá khắc ở Ma Nhai tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: wikipedia)
Đá khắc ở Ma Nhai tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: wikipedia)

Năm vị nhân vật Thiên cổ anh hùng Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Chu Du, Lưu Bị và Tôn Quyền cùng nhau diễn một vở kịch lớn, trận chiến kịch liệt – Xích Bích, là một trang sử đặc sắc nhất được viết vào thời Tam Quốc. Văn nhân mặc khách hậu thế quen với chủ đề Xích Bích, và đã lưu lại vô số cảm khái, vịnh ngâm. Thi tiên Lý Thái Bạch đã miêu tả trận chiến Xích Bích như sau:

Nhị long tranh chiến quyết thư hùng
Xích Bích lâu thuyền tảo địa không
Liệt hoả trương thiên chiếu vân hải
Chu Du ư thử phá Tào Công

Dịch thơ:

Hai rồng giao chiến quyết thư hùng
Xích Bích thuyền lầu đất sạch không
Lửa dữ xông trời chiếu mây biển
Chu Du nơi ấy phá Tào công.

Tô Thức thời Tống viết bài Tiền Xích Bích phú (cục bộ), bản được lưu giữ tại Viện bảo tàng cố cung quốc lập ở Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Tô Thức thời Tống viết bài Tiền Xích Bích phú (cục bộ), bản được lưu giữ tại Viện bảo tàng cố cung quốc lập ở Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Tác phẩm Xích Bích đồ, Quyển của Vũ Nguyên Trực thời Kim, Bản được lưu giữ tại Viện bảo tàng cố cung quốc lập ở Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Tác phẩm Xích Bích đồ, Quyển của Vũ Nguyên Trực thời Kim, Bản được lưu giữ tại Viện bảo tàng cố cung quốc lập ở Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Xem tiếp: Phần 9: Xây đài Đồng Tước – Hưng thịnh Kiến An 

Tổ nghiên cứu nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa huy hoàng 5000 năm.
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x