Thôi Huyền Vĩ (năm 639-706), người thời nhà Đường, từ nhỏ đã có đức hạnh. Vào những năm Long Sóc (năm 661-663) thời vua Đường Cao Tông Lý Trị, ông thi đỗ tiến sỹ khoa Minh Kinh, vào triều làm quan, từng bước làm quan đến chức Viên ngoại lang của Khố bộ.
Mẫu thân của ông là Lư thị. Bà từng có những lời sâu sắc thấm thía để giáo dục con trai khi ông làm quan cho triều đình. Bà nói: “Ta nghe di huynh Tân Huyền Ngự nói: ‘Khi có con làm quan trong triều, nếu có người nói nhà đó nghèo túng đến nổi cuộc sống khó khăn, thì đó mới là tin tốt.
Nếu nghe người ta nói trong nhà của người đó chất đầy tiền bạc, y phục hoa lệ, ngồi xe đẹp đẽ, như thế ngược lại là tin xấu.’ Ta cho rằng câu nói này rất có đạo lý, cho nên hết sức coi trọng nó. Ta thường thấy trong số những người thân bạn bè làm quan, đa số đều dâng tặng tiền tài, vật phẩm cho phụ mẫu. Phụ mẫu họ chỉ biết vui vẻ nhận lấy, thế nhưng không hề hỏi xem những tài vật đó là từ đâu mà có.
Nếu như số tài vật đó là do con trai họ tiết kiệm từ bổng lộc của mình, thì vẫn có thể xem là việc tốt. Nếu như tài vật đó đến từ nguồn bất chính, thì nào có khác gì với việc trộm cắp, cướp giật mà có được đâu? Cho dù việc này không đưa tới tai họa, chẳng lẽ bản thân không cảm thấy hổ thẹn hay sao? Mẫu thân của Mạnh Nhân thời Tam Quốc, không chịu nhận cá khô do con trai gửi tặng [*], cũng là vì điều này.
Hiện giờ con nhận bổng lộc của triều đình là đã vô cùng vinh hạnh rồi. Nếu không trung trinh, thanh liêm, làm sao xứng đáng với lương tâm của trời đất đây? Hy vọng con có thể ghi nhớ lấy những lời nói của mẫu thân hôm nay.”
Thôi Huyền Vĩ khắc ghi trong lòng những lời dạy dỗ của mẫu thân Lư thị, nên trọn đời thọ ích. Ông luôn nhớ lời giáo huấn của mẫu thân, và là vị quan nổi tiếng thanh liêm, cần mẫn. Về sau, chức quan của ông liên tiếp được thăng cao. Năm Trường An thứ nhất (năm 701) dưới thời Võ Tắc Thiên, ông làm đến chức Thiên quan Thị lang.
Tuy nhiên, vì ông giữ mình trong sạch, thanh liêm, không kết giao qua lại với người quyền quý, cho nên bị giới quyền quý kiêng kỵ. Vì vậy, sau này, chức quan của ông bị đổi thành Văn Xương Tả thừa. Hơn một tháng sau, Võ Tắc Thiên nói với ông rằng: “Từ sau khi ngươi đổi chức quan, ở nha môn thường phạm phải sơ suất.
Ta còn nghe nói có người mở tiệc ăn mừng vì chuyện ngươi đổi chức quan. Những người đó cho rằng từ nay họ đã có thể thỏa lòng tham, tùy ý làm việc xấu rồi. Bây giờ, ta sẽ khôi phục nguyên chức cho ngươi.” Thế là, Thôi Huyền Vĩ lại tiếp tục giữ chức Thiên quan Thị lang như trước.
Thôi Huyền Vĩ không chỉ làm quan thanh liêm, cần mẫn, mà còn chính trực có tiết tháo. Trong thời kỳ Võ Tắc Thiên, một số quan lại tàn ác như Lai Tuấn Thần, Chu Hưng cấu kết vu cáo hãm hại người lương thiện, dùng điều này để tranh công. Hàng trăm triều thần bị họ ngông cuồng áp đặt tội danh, tịch thu gia sản. Vì chuyện này mà Thôi Huyền Vĩ đã nhiều lần dâng tấu thư lên Võ Tắc Thiên, trình bày nỗi oan tình, cuối cùng đã rửa sạch tội danh cho mấy trăm gia đình quan lại kia.
Một lần, Tống Cảnh dâng tấu luận tội Trương Xương Tông có mưu đồ bất chính. Được sự trợ giúp của Thôi Huyền Vĩ, cuối cùng Võ Tắc Thiên đã xử tội Trương Xương Tông. Em trai của Thôi Huyền Vĩ là Thôi Huyền Thăng, giữ chức Thiếu khanh Ty hình, cũng là người cương trực công chính không kém huynh trưởng.
Thôi Huyền Thăng hết lòng khuyên can Võ Tắc Thiên xử chém Trương Xương Tông. Sau đó, Thôi Huyền Vĩ còn tham gia xử tội nịnh thần Trương Dịch Chi. Vì có công diệt trừ “nhị Trương” (Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi) nên ông được triều đình thăng làm Trung thư lệnh.
Dưới thời Võ Tắc Thiên trị vì, Thôi Huyền Vĩ làm quan thanh liêm chính trực, không khuất phục trước thế lực tà ác trong triều đình, không a dua với giới quyền quý. Sở dĩ ông làm được như vậy là nhờ sự dạy bảo của mẫu thân Lư thị. Quả thật hiền mẫu dạy nên trung thần! (Theo “Cựu Đường Thư – Thôi Huyền Vĩ truyện”).
Vương mẫu khuyên dạy con phò trợ chính nghĩa, mẫu tử đều khẳng khái
Vương Nghĩa Phương (năm 615-669) là người vùng Liên Thủy (nay thuộc về Giang Tô) sống vào thời nhà Đường. Ông mồ côi cha từ khi còn nhỏ, gia cảnh nghèo túng, song ông vô cùng hiếu thảo phụng dưỡng mẫu thân. Ông còn rất hiếu học, thông thạo Ngũ Kinh, là người có phẩm hạnh.
Năm đó, khi Vương Nghĩa Phương lên đường đến kinh thành tham dự khảo thí khoa cử. Trên đường đi, ông tình cờ gặp một người đi bộ. Sau khi trò chuyện với nhau mới biết được phụ thân của người này là Huyện lệnh huyện Dĩnh Thượng, đang bệnh rất nặng sắp qua đời.
Cho nên, người này vội vàng đi bộ đến đó, nhưng không biết mình phải đi đến lúc nào mới có thể đến được nơi phụ thân đang ở. Vương Nghĩa Phương nghe vậy, lập tức tặng con ngựa mình đang cưỡi cho người đó, cũng không hề nói ra tên họ của mình rồi tạm biệt nhau. Chỉ cần qua sự việc này đã có thể nhìn ra được phẩm hạnh của ông.
Vào năm Hiển Khánh thứ nhất (656) thời vua Đường Cao Tông, Vương Nghĩa Phương được bổ nhiệm làm Ngự sử. Ông chính trực, can đảm dám nói thẳng. Khi đó, Lý Nghĩa Phủ đang giữ chức Trung thư lệnh, lại được triều đình phong tước hầu. Lý Nghĩa Phủ bề ngoài ôn hòa khiêm cung, khi nói chuyện với người khác, vẻ mặt của ông luôn mỉm cười, giọng điệu nhẹ nhàng, hài hước.
Nhưng nội tâm lại rất gian xảo dối trá, hay đố kỵ ghen ghét. Chức quan của Lý Nghĩa Phủ nắm nhiều quyền lực quan trọng, nhưng ông luôn muốn người khác tâng bốc, nịnh nọt mình. Nếu có ai biểu lộ ra không tuân theo, không thuận theo một chút, liền nhất định bị ông ta hãm hại. Người thời đó gọi ông là “Tiếu trung hữu đao” (trong nụ cười có chứa dao), còn đặt cho ông biệt hiệu “Lý miêu”, mỉa mai ông thâm độc, nham hiểm.
Lúc ấy, có một người phụ nữ xinh đẹp mang họ Thuần Vu, vì phạm tội nên bị giam trong đại lao. Lý Nghĩa Phủ mê luyến sắc đẹp của người này nên đã mượn việc công làm việc tư. Ông ta lệnh cho Đại lý thừa là Tất Chính Nghĩa xóa bỏ tội danh và thả người này ra khỏi ngục. Sau đó, ông thu nhận Thuần Vu thị làm thiếp. Sự việc bị người khác tố giác, triều đình phái đại thần điều tra sự chuyện này. Tất Chính Nghĩa sợ tội nên tự sát.
Vương Nghĩa Phương là một quan Ngự sử, ông rất bất mãn với Lý Nghĩa Phủ. Ông muốn dâng tấu vạch tội Lý Nghĩa Phủ gian ác, hủ bại làm tổn hại triều chính. Tuy nhiên, ông cho rằng làm như vậy nếu không cẩn thận sẽ đưa tới tai họa. Vậy chắc chắn sẽ liên lụy đến mẫu thân của mình.
Ông ấy rất do dự, khó hạ quyết tâm. Nên ông đã nói chuyện này với mẫu thân, nói với bà rằng: “Hiện giờ kẻ gian thần lộng hành vô pháp như vậy. Nếu con không làm tròn trách nhiệm của mình, không luận tội ông ta, thì chính là bất trung với triều đình. Nhưng nếu vì luận tội ông ta mà đưa tới tai họa, thì sẽ làm liên lụy đến mẫu thân, đó là việc vô cùng bất hiếu. Vì vậy, con vẫn không quyết định được.”
Vương mẫu nghe con trai nói xong, bà nghiêm sắc mặt nói với Vương Nghĩa Phương rằng: “Mẫu thân của Vương Lăng thời Hán (thế kỷ thứ 3 TCN – năm 180 TCN) tự nguyện bỏ mình dưới lưỡi kiếm để con trai có thể tận nghĩa trung thành. Hôm nay, con có thể tỏ được tấm lòng tận trung với triều đình này, đây chính là nguyện vọng của mẫu thân. Cho dù vì vậy mà hy sinh mình, mẫu thân cũng cam tâm tình nguyện!”
Sau khi nghe những lời đầy chính khí của mẫu thân, Vương Nghĩa Phương liền hạ quyết tâm, lập tức dâng tấu hạch tội Lý Nghĩa Phủ. Quả nhiên, triều đình không trừng trị tên gian thần Lý Nghĩa Phủ, mà lại vạch tìm lỗi trong tấu chương của Vương Nghĩa Phương, gán ghép tội danh cho ông, rồi giáng chức ông xuống làm Tư mã Lai Châu.
Chuyện xảy ra sau đó cũng rất thú vị: Vương Nghĩa Phương bị giáng xuống làm Tư mã Lai Châu, không bị xử chém. Đó xem như là ân điển của triều đình. Về sau, khi Lý Nghĩa Phủ gặp Vương Nghĩa Phương và hỏi: “Vương Ngự sử tùy tiện luận tội ta, chẳng lẽ không cảm thấy hổ thẹn ư?” Vương Nghĩa Phương nghiêm nghị chính trực trả lời: “Thời xưa, Khổng phu tử giữ chức Tư Khấu nước Lỗ bảy ngày, đã xử chém Thiếu Chính Mão.
Nếu so sánh, Vương Nghĩa Phương tôi đây giữ chức Ngự sử mười sáu ngày, không thể trừ bỏ gian thần cho triều đình, đây mới là điều làm cho tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn!” Điều này đã thể hiện đầy đủ tinh thần cao thượng làm việc nghĩa không chùn bước của ông.
(Dựa theo “Cựu Đường thư – Vương Nghĩa Phương truyện”, “Cựu Đường thư – Lý Nghĩa Phủ truyện”, “Đại Đường tân ngữ”, “Uyên giám loại hàm – Nhân bộ – Hiền mẫu tứ”)
Chú thích của người biên dịch:
[*] Mạnh Nhân vốn có tên là Mạnh Tông, tự là Cung Vũ, người huyện Giang Hạ, sống thời Tam Quốc. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo trong lịch sử Trung Hoa. Thời ông làm Giám trì Tư mã (một chức quan nhỏ quản lý ngư nghiệp), ông đã gửi tặng mẫu thân một số cá khô do ông tự tay đánh bắt được rồi đem phơi.Tuy nhiên, sau khi mẫu thân của ông nhận được thì đem gửi trả lại ngay kèm theo một bức thư trách cứ con trai, rằng: “Con thân là ngư quan, lại gửi cá khô cho ta, lẽ nào con không biết cần phải tránh bị hiềm nghi sao?” Nhờ có sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẫu thân, Mạnh Nhân đã trở thành một con người hiền đức, một người con hiếu thảo, một vị quan thanh liêm chính trực.
Bài viết được đăng lại từ trang web Chánh Kiến Net.
Tần Như Sơ thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
- Xem thêm:
- Khám phá “Tây Du Ký” (8): Lục tặc chặn đường
- Khám phá “Tây Du Ký” (7): Pháp hiệu của ba đồ đệ
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!