NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ
HÁN VŨ ĐẾ LƯU TRIỆT
Hán Vũ Đế (Chương 8): Thống nhất Hoa Hạ – Uy chấn tứ Di
Hán Vũ Đế đã khai sáng ra một triều đại Tây Hán cường thịnh phồn vinh nhất, lịch sử gọi “Tần Hoàng Hán Vũ” cũng minh chứng cho công tích vĩ đại đó.
Khi Hán Vũ Đế bắc chinh Hung Nô, liên thông Tây Vực, thì cũng mở rộng cương vực phía nam, phía tây cho đến vùng đông bắc, làm cương vực nhà Hán về sau này trở lên cực kỳ rộng lớn. Khi ấy, cương vực Tây Hán ở phía tây bắc bao gồm cả địa khu Tân Cương và Cam Túc ngày nay, phía tây nam kéo dài suốt dải núi Cao Lê Cống và núi Ai Lao Vân Nam ngày nay, phía nam đến Phúc Kiến, đảo Hải Nam, bản đồ hướng đông bắc mở rộng tới tận bán đảo Triều Tiên, Đại Hải. Ngoại trừ một số vùng cục bộ bị thu nhỏ, cương vực rộng lớn đó được duy trì đến tận những năm cuối Tây Hán. Hán Vũ Đế có cống hiến lớn nhất trong việc mở rộng biên cương nhà Hán.
Thống nhất hai nước Việt
Trong “Hán thư – Thực hóa chí” có ghi: “Vì sự việc gia súc thời Văn Đế, Cảnh Đế bị cướp, nên Vũ Đế tức giận người Hồ và người Việt”. Hồ là chỉ dân tộc thiểu số phương bắc, khi ấy chủ yếu là Hung Nô. Việt là chỉ Bách Việt, là dân tộc cổ ở phương nam, sống phân bố ở phía nam trung hạ du sông Trường Giang. Câu chuyện “Nếm mật nằm gai” của Việt vương Câu Tiễn thời Xuân Thu được nhiều người biết. Đến thời Tây Hán, tộc Việt chủ yếu phân làm hai nhánh, nhánh Nam Việt quốc là dải Quảng Đông, Quảng Tây, nhánh Đông Việt quốc là dải Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tây, nội bộ Đông Việt quốc lại phân thành Mân Việt quốc và Đông Âu quốc, đều nhận sách phong của nhà Hán.
Thời Vũ Đế, người Hung Nô cực kỳ cuồng bạo, người Bách Việt dựa vào nhà Hán, nhưng vẫn chưa an phận. Phần trước đã nói, năm Kiến Nguyên thứ 3 (năm 136 TCN), Mân Việt quốc bao vây đánh Đông Âu quốc, Đông Âu quốc cầu cứu Hán triều. Hán Vũ Đế lập tức phái binh vượt biển cứu viện, buộc Mân Việt lui quân. Dân Đông Âu sợ sau khi quân Hán rút thì Mân Việt lại tiến đánh, nên di dời đến địa khu Trường Giang và sông Hoài. Dần dần tộc Đông Âu dung hợp vào tộc Hán.
Năm Kiến Nguyên thứ 4 (năm 135 TCN), Mân Việt vương là Dĩnh lại xuất binh đánh Nam Việt. Khi ấy Nam Việt Vương Triệu Hồ (cũng gọi là Triệu Mạt, Triệu Muội, tức Triệu Văn Đế, cháu Triệu Đà) cầu cứu Hán Vũ Đế, nói hai nước đều là phiên thuộc của Đại Hán, không thể đánh lẫn nhau, hy vọng Thiên tử xuống chiếu xử lý. Hán Vũ Đế thấy Nam Việt Vương có lòng trung nghĩa, nên lập tức phái binh đánh Mân Việt. Khi đó, em Mân Việt Vương là Dư Thiện đã giết Dĩnh rồi đầu hàng nhà Hán. Hán Vũ Đế tiếp tục duy trì Mân Việt quốc, lập vua mới, gọi là Lựu vương.
Để đáp tạ Hán Vũ Đế, Nam Việt Vương cho Thái tử Triệu Anh Tề đến Trường An, một mặt là học điển chương chế độ Hán triều, sau này dùng trị lý Nam Việt, mặt khác cũng là biểu hiện lòng thần phục vĩnh viễn nhà Hán. Triệu Anh Tề khi ở Trường An, lấy một người Hán họ Cù làm vợ, sinh được con trai tên là Triệu Hưng.
Năm Nguyên Thú thứ nhất (năm 122 TCN), Nam Việt Vương lâm bệnh nặng, Triệu Anh Tề phải về nước, đồng thời kế thừa vương vị, ông dâng thư cho Hán Vũ Đế thỉnh cầu lập Cù Thị làm hoàng hậu, Triệu Hưng làm Thái tử, được Hán Vũ Đế chấp thuận. Theo ghi chép sử thư, Triệu Anh Tề là một bạo chúa, do vậy mà Hán Vũ Đế nhiều lần phái sứ giả đến Nam Việt quốc, dùng lời nhẹ nhàng khuyên Triệu Anh Tề đi Trường An triều bái Hán Vũ Đế. Triệu Anh Tề lo rằng sau khi vào kinh, Hán Vũ Đế sẽ cho làm chư hầu nội địa, chấp hành pháp lệnh Hán triều, nên lấy cớ bị bệnh không đi, chỉ cho con trai là Triệu Tư Công đến Trường An làm thị vệ.
Năm Nguyên Đỉnh thứ 2 (năm 115 TCN), Triệu Anh Tề bị bệnh qua đời, Thái tử Triệu Hưng kế vị, Cù Thị trở thành Vương Thái hậu. Lúc này, Hán Vũ Đế cơ bản đã bình định Hung Nô, chuấn bị thu nạp Nam Việt vào bản đồ. Thế là ông phái sứ thần đi Nam Việt, mục đích khuyên Nam Việt Vương và Cù Thị đồng ý làm chư hầu, đồng thời xóa bỏ biên giới của Nam Việt. Nhưng việc này bị Thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia phản đối. Lữ Gia là lão thần ba đời, có địa vị tôn quý, ông cực lực phản đối việc quy thuộc nhà Hán, rồi làm phản giết cả Thái hậu cùng Nam Việt Vương.
Hán Vũ Đế liền quyết định đánh Nam Việt, năm Nguyên Đỉnh thứ 5 (năm 112 TCN), ông xuất quân hai nghìn binh, kết quả thất bại. Sau đó Hán Vũ Đế phái 10 vạn đại quân, phân làm 5 đường, trong vòng một năm đã bình định xong phản loạn Lữ Gia. Sau này, Hán Vũ Đế thiết lập ở Nam Việt 9 quận: Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Giao chỉ…ngày nay là Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, bắc bộ Việt Nam, trong đó hai quận Đam Nhĩ, Châu Nhai là ở trên đảo Hải Nam. Nam Việt đã hoàn toàn nằm trong bản đồ nhà Hán.
Khi Lữ Gia tạo phản, Dư Thiện bên tông thất Mân Việt cũng muốn tạo phản. Dư Thiện cho là có công lao cao hơn Lựu Vương, được quốc dân quy phục, nên tự lập mình làm vương. Hán Vũ Đế nghe tin, cho là việc này không đáng phải động binh, chỉ cần khuyên bảo vỗ về, phong Dư Thiện làm Đông Việt Vương, ngang hàng Lựu Vương.
Nhưng Dư Thiện vẫn chưa vừa ý. Nhân Lữ Gia tạo phản, hai người liền câu kết đối phó nhà Hán. Dư Thiện dâng thư Hán Vũ Đế, thỉnh cầu xin 8 nghìn binh sĩ, giả ý là theo quân thủy Hán triều đi đánh Lữ Gia. Đợi quân Hán đến Khế Dương, Dư Thiện lấy cớ sóng to gió lớn nên không tiến tiếp, đồng thời báo tin cho Lữ Gia. Khi quân Hán đánh đến Phiên Ngu, quân Dư Thiện cũng vẫn chưa tới.
Tướng Hán là Dương Bộc thỉnh cầu thừa thắng bình định luôn Mân Việt, nhưng Hán Vũ Đế suy xét quân binh đã mệt, nên không đồng ý, cho hạ trại đợi lệnh. Ai ngờ Dư Thiện nghe được việc này, công khai tạo phản. Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (năm 111 TCN), Dư Thiện dẫn quân đánh quân Hán. Hán Vũ Đế bèn hạ lệnh 4 lộ đại quân tiến vào Mân Việt, chiến sự có thắng có thua, sau này Việt Diễn Hầu Ngô Dương khuyên hàng Dư Thiện không thành, liền cùng 7 trăm người khởi nghĩa, đồng thời câu kết với Lựu Vương, cho là quân Hán quá mạnh, mà Dư Thiện là ác đồ, chi bằng giết Dư Thiện quy thuận Hán, làm vậy tránh được tội. Thế là Dư Thiện chết trong nội loạn, Đông Việt bình định xong.
Sau đó, Hán Vũ Đế phong cho Lựu Vương hàng Hán làm Chư Hầu Vương, các tướng sĩ khác cũng luận công ban thưởng. Còn đối với Mân Việt quốc, Hán Vũ Đế nhận định, Mân Việt đất rộng hiểm trở, dễ thủ khó công, Việt nhân lại hay tạo phản, do vậy hạ lệnh di dân phần lớn đến vùng Trường Giang, Hoài Thủy. Cả vùng hầu như hoang vắng, quy về Kê quận quản hạt.
Từ đây, Hán Vũ Đế kết thúc việc mở rộng về nam, xác lập lại cương vực nam bộ của nhà Hán, biểu thị uy quyền Thiên tử.
Mở rộng tây nam
Nhiều người đã biết thành ngữ “Dạ Lang tự đại”, chỉ kẻ cuồng vọng vô tri, tự phụ tự đại, câu đó xuất xứ từ “Sử ký – Tây nam Di liệt truyện”. Năm Nguyên Thú thứ nhất (năm 122 TCN), Hán Vũ Đế muốn tìm đường đến Thân Độc (nay là Ấn Độ ), phái sứ giả đến Điền quốc nay là Vân Nam. Điền Vương hỏi Hán sứ: “Nước ta và nước Hán, ai lớn?”. Sau này khi Hán sứ trên đường qua Dạ Lang quốc nay là Quý Châu, Dạ Lang Hầu cũng nêu ra câu hỏi tương tự. Khi ấy Dạ Lang quốc ở phía tây nam, cũng được xem là nước lớn, nước giàu binh mạnh. Hán sứ nói, nhà Hán rộng hơn Dạ Lang quốc vài chục lần, quốc lực cực kỳ hùng mạnh, dân chúng giàu có. Dạ Lang Hầu nghe xong tròn mắt cứng hàm.
Vậy tây nam Di ở đâu? Vào thời Tần Hán, tây nam Di là chỉ các vùng dân tộc thiểu số dọc dải Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam ngày nay. Các nước Dạ Lang, Bặc phía nam Ba Thục gọi là “Nam Di”; các nước Cung, Tạc, Nhiễm, Mang phía tây Ba Thục gọi là “Tây Di”. Tần Thủy Hoàng từng thiết lập quận huyện ở địa khu Tứ Xuyên, nhưng tới thời sơ Hán, triều đình không ngó ngàng đến tây nam Di, tận đến thời Hán Vũ Đế năm thứ 6 mới bắt đầu khai thông tây nam.
Có điểm giống với việc đả thông Tây Vực là Hán Vũ Đế ban đầu với mục đích bình định phản loạn Nam Việt mà đả thông tây nam Di. Năm Kiến Nguyên thứ 6 (năm 135 TCN), sau khi Mân Việt Vương Dư Thiện sát hại quốc vương Dĩnh, đầu hàng nhà Hán, Đại tướng Hán triều Vương Khôi cho Đường Mông đi khuyên dụ Nam Việt, nói cho họ biết ý đồ xuất binh của nhà Hán. Người Nam Việt mang tương Câu Kỷ, là đặc sản của Thục quận ra chiêu đãi, còn nói rằng: “Tương này lấy từ vùng tây bắc sông Tang Kha (nay là vùng Vũ Ninh, Thủy Thành, Quan Lĩnh thuộc Quý Châu), sông Tang Kha rộng vài dặm, chảy qua chân thành Phiên Ngu”.
Sau khi Đường Mông về đến Trường An, hỏi thăm thương nhân Thục quận. Thương nhân đáp: “Chỉ có Thục quận sản xuất tương Câu Kỷ, người bản địa mang trộm đi bán ở Dạ Lang. Dạ Lang dựa sát sông Tang Kha, sông rộng trăm thước, có thể đi thuyền. Nam Việt muốn dùng tài vật làm Dạ Lang quy phục, họ cũng có thế lực mạnh nhưng vẫn không làm Dạ Lang thần phục nô dịch”.
Thế nên Đường Mông dâng thư Hán Vũ Đế, kiến nghị thông qua Dạ Lang quốc, đưa chiến thuyền theo sông Tang Kha để chế phục Nam Việt. Hán Vũ Đế chấp thuận, lệnh cho Đường Mông lĩnh nghìn đại quân cùng nhiều tài vật ban thưởng, để thuyết phục Dạ Lang. Cuối cùng Dạ Lang Hầu chấp nhận kết liên minh. Hán Vũ Đế đặt Dạ Lang làm Kiền Vi quận, đồng thời điều động binh sĩ từ hai quận Ba, Thục làm đường từ Bặc (nay là Nghi Tân, Tứ Xuyên) một mạch đến tận sông Tang Kha. Do công trình khó khăn lao khổ, nên bách tính Ba Thục oán trách. Hán Vũ Đế phái đặc sứ đến trách vấn Đường Mông, đồng thời an ủi bách tính, vị đặc sứ này chính là vị đại văn hào nổi danh Tây Hán Tư Mã Tương Như.
Nói đến Tư Mã Tương Như, mọi người đều biết văn phong ưu nhã của ông, hạ bút thành thơ, những bài phú ông viết đã trở thành thành tựu văn học lớn nhất thời Hán. Chuyện tình của ông với Trác Văn Quân cũng làm hậu thế tấm tắc. Nhưng thực ra ông còn có một cống hiến lớn khác, đó là giúp Hán Vũ Đế đả thông tây nam.
Năm Nguyên Quang thứ 5 (năm 130 TCN), Tư Mã Tương Như về đến đất Thục, đây cũng là cố hương của ông. Biết rằng dân chúng chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đả thông tây nam Di của Hán triều, ông viết hai bài hịch để hiểu dụ dân chúng “Dụ Ba Thục hịch”, “Nan Thục phụ lão”. Trong đó “Nan Thục phụ lão” dùng lối văn biện luận, lấy lời của sứ giả để giải thích mối quan hệ tương hỗ của Ba Thục, Tây Nam Di và Trung Nguyên, đồng thời biểu thị sự đồng tình thấu hiểu với bách tính đất Thục. Ngày nay đọc lại, chúng ta vẫn cảm nhận được sức mạnh “Văn hiểu nhi dụ bác, hữu di dịch chi cốt yên” (Tạm dịch: Lời văn trong sáng mà uyên thâm, mang hồn cốt của bài hịch). (Trích: Văn tâm điêu long)
Sau khi Tư Mã Tương Như về tới Trường An, các thủ lĩnh bộ tộc Cung, Tạc cũng muốn được Hán triều ban thưởng, thỉnh cầu quy phục. Hán Vũ Đế hỏi ý kiến Tư Mã Tương Như, ông chỉ ra, địa khu Tây Di gần đất Thục, thời Tần chưa đặt quận huyện, nếu nay khai thông lần nữa, sẽ thuận lợi hơn nhiều so với việc khai thông Nam Di. Hán Vũ Đế rất đồng tình, phong ông làm Trung Lang tướng, cho đi sứ Tây Di. Quy mô sứ đoàn đi Tây Di rất lớn, có 4 vị phó sứ với 4 cỗ xe tứ mã, cùng nhiều tài vật ban thưởng Tây Di chư quân. Sau này khi về tới đất Thục, quan Thái thú ra tận ngoài thành nghênh đón. Nhạc phụ của ông là Trác Vương Tôn cùng nhiều danh sĩ cũng đến chào hỏi. Trác Vương Tôn cũng tặng ông nhiều tài vật, biểu thị sự tôn trọng đối với con rể.
Thông qua lần đi sứ này của Tư Mã Tương Như, các nước tây Di đã trở thành thuộc quốc Hán triều. Hán Vũ Đế rất vui mừng, cho đặt hơn 10 huyện, đều thuộc về quản hạt của Thục quận. Nhưng về sau nhà Hán bận đánh Hung Nô phía bắc, nên Hán Vũ Đế tạm buông tiến trình tây nam Di, dừng các công trình đường xá, bỏ các huyện vừa thiết lập. Dạ Lang quốc cũng dần dần ngả về Nam Việt, các bộ lạc Cung, Tạc cũng bắt đầu nổi loạn.
Năm Nguyên Thú thứ 3 (năm 120 TCN), việc đánh Hung Nô phía bắc kết thúc, Hán Vũ Đế cho khôi phục lại khai thác tây nam Di. Vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (năm 111 TCN), Nam Việt đã hoàn toàn nằm trong bản đồ nhà Hán, Dạ Lang Hầu cũng thần phục Hán Vũ Đế, được phong làm “Dạ Lang Vương”, Hán triều đã khống chế toàn bộ địa khu Dạ Lang.
Sau đó, nhà Hán chuẩn bị bình định bộ lạc Cung, Tạc. Các bộ lạc đó rất sợ hãi, đều biểu thị thần phục, đồng thời thỉnh cầu Hán triều cho đặt chức lại. Hán Vũ Đế cho đặt 4 quận, lấy Cung đô là Việt Tây quận, Tạc đô là Trầm Lê quận, Nhiễm, Mang là Văn Sơn quận, Quảng Hán Tây Bạch Mã là Vũ Đô quận.
Đồng thời, Hán Vũ Đế muốn chiêu hàng Điền Vương, nhưng lại bị các bộ tộc liên minh là Lao Thâm, Ma Mạc phản đối. Năm Nguyên Phong thứ 2 (109 TCN), Hán triều cất quân thảo phạt Lao Thâm, Ma Mạc, làm Điền Vương hoàn toàn thần phục, thỉnh cầu đặt chức lại triều đình. Hán Vũ Đế đặt Điền quốc làm Ích Châu quận (Trị sở ở nay là huyện Phổ Ninh, Vân Nam), ban ấn tín cho Điền Vương, tiếp tục quản lý bách tính.
Tới lúc này, về cơ bản là địa khu tây nam Di đã nhập vào bản đồ thống trị của nhà Hán, biên giới Hán triều mở rộng ra tới vùng nay là núi Cao Lê Cống Vân Nam và núi Ai Lao. Bình định cả lưỡng Việt và tây nam Di, cùng với việc mở rộng biên cương, đồng thời cũng xúc tiến giao lưu kinh tế, văn hóa, thêm một bước dung hợp các dân tộc.
Bình định Triều Tiên
Triều Tiên là thuộc địa của Trung Quốc thời Chiến Quốc. Đến năm đầu Tây Hán, triều đình cho là Triều Tiên xa xôi khó phòng vệ, nên cho nhập vào quản hạt của Yên quốc. Sau này Yên Vương Lư Oản phản loạn, chạy tới địa khu Hung Nô, người Yên tên là Vệ Mãn tụ tập hơn nghìn người, tiến vào bán đảo Triều Tiên. Vệ Mãn được Triều Tiên Vương Cơ Chuẩn đãi ngộ, không những phong làm Bác sĩ, ban ngọc Khuê, mà còn phong đất phía tây rộng hàng trăm dặm. Mục đích của Cơ Chuẩn là hy vọng Vệ Mãn giúp mình trấn thủ phía tây, đối phó quân Hán.
Tuy nhiên, Vệ Mãn có dã tâm chính trị, không ngừng chiêu nạp người Hán, tích tụ lực lượng chính trị, kinh tế, khi đủ lông đủ cánh liền đánh chiếm vương đô, tự lập làm Vương, quốc hiệu vẫn gọi là “ Triều Tiên”, sử gọi là “Vệ thị Triều Tiên”. Lúc này Vệ thị khống chế bắc bán đảo Triều Tiên, cạnh nước Yên Tây Hán.
Lúc ấy Hán triều vừa lập, chọn chính sách nghỉ ngơi dưỡng sức, vô vi nhi trị. Thái thú Liêu Đông từng chủ động ký cam kết với Vệ Mãn: Vệ Mãn là phiên thuộc của nhà Hán, bảo vệ cho biên cương nhà Hán khỏi bị xâm phạm, không được can nhiễu việc thông thương của các nước với Hán triều, việc các thủ lĩnh bộ tộc tới bái kiến Thiên Tử. Hán triều còn cung cấp thêm cho binh lực, vật tư chi viện.
Có ước định như vậy rồi, Vệ Mãn bắt đầu khuếch trương thế lực, không ngừng thu phục các bang nhỏ lân cận, cương vực lên tới vài nghìn dặm.
Khi vương vị Vệ Mãn truyền đến đời cháu là Vệ Hữu Cừ, thực lực Triều Tiên cũng ngày càng hùng hậu, nên không tôn trọng Hán triều. Hữu Cừ không chỉ không thông thương triều cống, mà còn cản trở ngoại giao của các nước nhỏ với Hán triều. Nhưng ý tưởng của Hữu Cừ không thành, vì khi ấy Hán Vũ Đế không thực thi chính sách của Hoàng Lão mà bắt đầu tiến trình đại thống nhất thiên hạ, cũng là kết thúc vận mệnh của Hữu Cừ.
Năm Nguyên Phong thứ 2 (năm 109 TCN), Hán Vũ Đế muốn tăng cường quan hệ với phiên thuộc Vệ Thị Triều Tiên, phái sứ giả Thiệp Hà đi sứ Triều Tiên, khuyên dụ Hữu Cừ thay đổi chính sách đối đầu nhà Hán, nhưng không thành. Thiệp Hà tức giận, trên đường về đã sát hại tướng Triều Tiên hộ tống là Tỳ Vương Trưởng, đồng thời cấp báo tình hình cho Hán Vũ Đế. Thế là, Hán Vũ Đế bổ nhiệm Thiệp Hà làm Đô úy Liêu Đông quận. Hữu Cừ bất mãn với sự an bài đó, phát binh tập kích Liêu Đông, sát hại Thiệp Hà, châm ngòi cho Hán Vũ Đế phát binh chinh phạt Triều Tiên.
Cùng năm ấy, Hán Vũ Đế phái Lâu Thuyền tướng quân Dương Bộc suất lĩnh 5 vạn binh mã, cưỡi chiến thuyền qua biển Bột Hải đánh Triều Tiên, Tả tướng quân Tuân Trệ xuất quân đường bộ qua Liêu Đông, liên hiệp đánh Triều Tiên. Vệ Hữu Cừ lập tức điều binh khiển tướng, trấn giữ nơi hiểm yếu. Thủy quân Dương Bộc đến Triều Tiên Liệt Khẩu (nay là phụ cận sông Đại Đồng), không đợi lục quân của Tuân Trệ, Dương Bộc tấn công ngay Vương Hiểm thành (Đô thành cổ Triều Tiên), kết quả bại trận. Đồng thời, lục quân Tuân Trệ gặp đại quân Triều Tiên phía tây cũng không thắng lợi.
Hai lộ đại quân đều bất lợi, Hán Vũ Đế phái sứ thần Vệ Sơn đi hiểu dụ Vệ Hữu Cừ. Dưới áp lực lớn, Vệ Hữu Cừ nguyện ý hàng phục, phái Thái tử đến triều đình nhà Hán tạ ân, đồng thời hiến lượng lớn lương thực, ngựa xe. Nhưng khi Thái tử dẫn theo cả vạn binh sĩ sang Hán triều, sứ thần Vệ Sơn và tướng quân Tuân Trệ hoài nghi Thái tử có âm mưu, nên yêu cầu quân đội Thái tử không mang theo vũ khí, Thái tử lại nghi ngờ sứ thần và tướng quân mưu hại, nên kéo quân quay về Vương Hiểm thành.
Hán Vũ Đế rất giận dữ, hạ lệnh cho hai đạo quân ở Triều Tiên tiếp tục đánh thành Vương Hiểm. Dưới áp lực quân Hán, nội bộ Triều Tiên phát sinh chia rẽ, Vệ Hữu Cừ bị phe chủ hòa sát hại, thành Vương Hiểm bị vây hãm, dòng tộc Vệ Thị bị diệt vong từ đây.
Sau này, Hán Vũ Đế cho đặt 4 quận ở Triều Tiên là Huyền Thố, Nhạc Lãng, Lâm Đồn, Chân Phiên, kéo dài về phía nam lưu vực sông Hán Giang ngày nay.
Thời kỳ Hán Vũ Đế, bắc kích Hung Nô, đông chiếm Triều Tiên, nam diệt Bách Việt, tây bắc vượt Thông Lĩnh, tây nam thông Vân Quý, chinh phục Đại Uyên, đặt định bản đồ biên cương Trung Hoa. Hán Vũ Đế đã khai sáng ra một triều đại Tây Hán cường thịnh phồn vinh nhất, lịch sử gọi “Tần Hoàng Hán Vũ” cũng minh chứng cho công tích vĩ đại đó.
(Còn tiếp)
Thái Bình
Theo Epoch Times
Link bài dịch: NTD Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.32): Bảo toàn Nhật Bản
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!