Mạn đàm về ‘hiếu đạo’ (2): Có thể bạn chưa biết ý nghĩa thực sự của chữ Hiếu

Hiếu đạo
“Hiếu đạo” là một trong những mỹ đức của văn hóa truyền thống. (Ảnh: Tài sản công)

“Hiếu đạo” là một trong những mỹ đức của văn hóa truyền thống, là pháp bảo quan trọng để giáo hóa dân chúng, trị vì đất nước, an định xã hội mà Nho gia đề xướng và tôn sùng.

Có câu nói rằng: “Quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử; Phụ yếu tử vong, tử bất đắc bất vong” (Vua muốn bề tôi chết, bề tôi không thể không chết; Cha muốn con chết, con không chết sao được), nói rằng đây mới là “trung”, mới là “hiếu”. Tuy nhiên, đây có phải là ý nghĩa thực sự của “trung hiếu” mà người xưa đề xướng hay không?

Theo “Tuân Tử – Tử Đạo” ghi chép, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: “Con vâng lệnh cha, có phải là hiếu không? Thần tử nghe lệnh của quân vương, có phải là trung không?”. Khổng Tử trả lời rằng: “Đối với lỗi lầm của phụ thân, nhất định cần khuyên can, khuyên mà không nghe thì cũng không thể phục tùng, bởi vì như thế sẽ hãm phụ thân vào chỗ bất nghĩa”. Chính là nói, mù quáng tuân theo mệnh lệnh sai lầm của cha thì cũng không phải là người con thực sự có hiếu.

Từ hiếu đạo “tòng nghĩa bất tòng phu” mà suy rộng ra, thì đối với mệnh lệnh bất nghĩa của quân vương, cũng không thể mù quáng chấp hành. Đối với sai lầm của quân vương, thần tử buộc phải khuyên can tu sửa. Cổ đại có câu “văn tử gián, vũ tử chiến”, cho rằng đối với sai lầm nghiêm trọng của quân vương, cần dũng cảm khuyên can, thậm chí lấy cái chết để can gián, tuân theo mệnh lệnh mà bất phân thị phi thì không phải là trung thần thực sự.

Cũng chính là nói, lòng trung hiếu vào thời xưa là do hai phương diện cấu thành: Hiếu thuận phục tùng mệnh lệnh nhân nghĩa và liều chết để khuyên can sửa sai, như thế mới đảm bảo được mọi việc trong gia đình có thể hợp nghĩa, tông miếu không bị phá hủy, biên giới quốc gia không bị chia cắt, và xã tắc không bị lâm nguy.

Ngu Thuấn không đẩy cha vào chỗ bất nghĩa

Vào thời Ngũ Đế, Ngu Thuấn nổi tiếng khắp thiên hạ về lòng hiếu thuận của mình. Trong “Trung Dung”, Khổng Tử có câu rằng “Thuấn kỳ đại hiếu dã dữ” (Hiếu của vua Thuấn lớn lắm thay). Chí hiếu cảm động trời của vua Thuấn cũng đứng đầu trong “Nhị thập tứ hiếu”. Có thể nói, lòng hiếu thuận của vua Thuấn là tấm gương tiêu biểu cho muôn người, vì vậy lấy chí hiếu của vua Thuấn để khám phá ý nghĩa và nội hàm đích thực của chữ Hiếu là không còn gì thích đáng hơn.

“Sử Ký” ghi chép rằng, mẹ ruột của Ngu Thuấn mất sớm, cha thì bị mù, thị phi bất phân, ngang ngược vô lý; mẹ kế thì độc ác, lời nói không thật, sinh hạ con trai tên Tượng, tính cách cuồng ngạo. Cả ba người họ đều ghét Thuấn, nghĩ hết biện pháp để giết Thuấn, nhưng lần nào Thuấn cũng thoát được. Theo “Thượng cổ thần thoại diễn nghĩa”, cha và mẹ kế của Thuấn đã tìm cách ngăn cản Thuấn tòng sư học đạo, kết hôn thành gia và giao lưu với bạn bè, thậm chí khi Thuấn kế vị ngai vàng họ vẫn ôm giữ thái độ thù địch.

Nhưng Thuấn vẫn có thể đi theo minh sư, có vợ và lên ngôi hoàng đế, giữ mối quan hệ tốt với bằng hữu. Về sau, ông kế thừa đế vị của vua Nghiêu, lấy Hiếu trị thiên hạ, cuối cùng cũng lấy hiếu cảm hóa được cha mẹ và em trai, không để cha mẹ trở thành người bất nghĩa.

Đế Thuấn
Đế Thuấn trong “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” do Cừu Anh thời nhà Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Chỗ “bất hiếu” của Tăng Tử

Tăng Tử là học trò của Khổng Tử, nổi tiếng là hiếu thuận. “Khổng tử gia ngữ -‧ Lục bản” ghi lại một câu chuyện, kể rằng: Một ngày nọ, khi Tăng Tử đang cắt tỉa ruộng dưa thì vô tình cắt đứt rễ của cây dưa. Cha của Tăng Tử là Tăng Tích đã rất tức giận, ông ta lấy một thanh gỗ lớn đánh vào lưng Tăng Tử cho đến khi Tăng Tử ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Một lúc lâu sau, Tăng Tử mới tỉnh lại, vẫn vui vẻ bò dậy nói với cha: “Vừa rồi không cẩn thận đã làm sai việc, đắc tội với phụ thân, khiến phụ thân phải ra sức giáo huấn, không mệt mỏi chứ ạ?”

Tăng Tử trở về phòng, chơi đàn và hát thật to, muốn cho cha nghe thấy để biết rằng con trai mình vẫn đang khỏe mạnh. Khi Khổng Tử nghe được chuyện này, ông rất tức giận và nói với các môn đệ: “Nếu như Tăng Sâm (tên thật của Tăng Tử) đến đừng để cho nó vào”. Tăng Tử tự cho rằng mình đâu có sai, phái người đi thỉnh giáo Khổng Tử.

Khổng Tử nói: “Ngươi chưa từng nghe qua sao? Cha của Ngu Thuấn trước kia tên là Cổ Tẩu, Thuấn hầu hạ cha mình cẩn thận, khi Cổ Tẩu muốn sai bảo, ông đều sẽ luôn xuất hiện ở bên cạnh. Nhưng khi Cổ Tẩu muốn giết ông, lại không thể tìm thấy ông đâu. Nếu cha ông đánh ông bằng một cây gậy nhỏ, ông sẽ im lặng chịu đựng. Nếu cha muốn đánh ông bằng một thanh gỗ lớn, ông sẽ bỏ chạy đi biệt tích.

Vì vậy Cổ Tẩu không có phạm phải sai lầm không đáng làm phụ thân, mà Thuấn cũng không đánh mất đạo hiếu thuần hậu của mình. Hôm nay Tăng Sâm hầu hạ phụ thân, bỏ cả thân thể cho phụ thân đánh đập, bị đánh chết cũng không tránh. Nếu Tăng Sâm bị đánh chết thì sẽ hãm phụ thân vào chỗ bất nghĩa, Tăng Sâm ngươi chẳng phải là con dân của Thiên tử sao? Cha ngươi giết con dân của Thiên tử, cái tội đó sẽ như thế nào?”.

Tăng Tử nghe được mấy câu này của Khổng Tử, liền nói: “Tội của Sâm lớn quá”. Thế là đến bái Khổng Tử để xin lỗi về lỗi lầm của mình.

Qua đó có thể thấy rằng, làm người thì nên tuân theo đạo hiếu, hiếu kính cha mẹ không chỉ là một mực thuận theo, mà khi thấy cha mẹ sai thì nên nhẹ nhàng khuyên giải. Khi cha mẹ tức giận muốn đánh con, dù không phải đánh mình mà đánh huynh muội của mình, thì cũng cần xem tình huống, phát hiện có thể sẽ có nguy hiểm thì trước tiên kéo huynh muội chạy trốn, chờ khi cha mẹ nguôi giận thì hẵng quay lại nhận tội, để tránh xuất hiện thương vong, hãm các bậc trưởng bối vào chỗ bất nghĩa.

Tú Trinh khuyên giải mẹ, cứu em gái

Trong “Đệ Tử Quy” ghi chép rằng: “Thân hữu quá, gián sử canh, di ngô sắc, nhu ngô thanh; gián bất nhập, duyệt phục gián, hào khấp tùy, thát vô oán”. Có nghĩa là: Nếu cha mẹ mắc lỗi thì cần thuyết phục họ sửa sai, nét mặt cần hòa nhã vui vẻ, giọng nói nhẹ nhàng; cha mẹ không nghe lời khuyên thì đợi đến khi họ vui vẻ rồi lại thuyết phục, nếu vẫn không được thì khóc lóc van xin, dù có bị đánh cũng không được oán hận.

Vào thời nhà Minh, mẹ của Dương Tú Trinh sinh được liên tiếp ba người con gái, nhưng không có con trai, người con thứ tư lại là một bé gái, bà tức giận đến mức muốn dìm chết đứa bé. Dương Tú Trinh khi đó 13 tuổi đã vội vàng bế em gái lên, quỳ xuống van xin mẹ: “Mẫu thân vì muốn có con trai mà giết con gái, sẽ càng không có con trai! Nếu mẫu thân phiền não vì của hồi môn về sau, thì hãy đem của hồi môn của con đưa cho muội ấy!”.

Bà nội Tú Trinh mắng cô không hiểu chuyện, Tú Trinh lại quỳ xuống nói với bà nội: “Bà nội mỗi ngày đều niệm Phật, hiện tại thấy chết cũng không cứu, niệm Phật có ích lợi gì?”. Bà nội cũng bị cảm động mà hiểu ra, thế là giữ đứa bé lại nuôi dưỡng. Hai năm sau, mẹ của Tú Trinh thật sự đã sinh được một người con trai.

Khi mẹ của Tú Trinh sinh được con trai, ba của Tú Trinh mơ thấy ông nội nói với mình rằng: “Nếu không giữ lại đứa con gái thứ tư, thì đứa con trai này nhất định không thể sinh được”. Bởi vì Tú Trinh lúc đó đã quỳ gối cầu xin, chí hiếu cảm động Thượng Thiên, cho nên nhà họ Dương mới có thể tiếp tục duy trì dòng dõi.

Kiến thức và khả năng của cha mẹ là hữu hạn, vì vậy cha mẹ mắc lỗi cũng là điều khó tránh khỏi. Nếu làm con biết sai mà không khuyên can, vẫn một mực đi thực hiện, thì sẽ hãm cha mẹ vào chỗ bất nghĩa, cũng là hành vi bất hiếu vậy.

Con dâu “uốn nắn” bố chồng

Lão Tử nói trong “Đạo đức kinh” rằng: “Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa” [Đại đạo mất mới có nhân nghĩa], “Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ” [Mất Đạo thì đến Đức, mất Đức thì đến Nhân, mất Nhân thì đến Nghĩa, mất Nghĩa thì đến Lễ].

Không phải nói rằng bạn nghe lời cha mẹ, vì cha mẹ mà làm bất cứ điều gì thì mới là hiếu, nếu không làm là bất hiếu. Để phụng dưỡng cha mẹ mà ăn trộm, cướp của, tham ô, hối lộ, không làm điều thiện, càng không phù hợp với đạo nghĩa, thì còn nói gì đến chữ hiếu nữa.

Dân gian lưu truyền một câu chuyện như thế này: Có hai tiệm gạo trên phố Nam của quận lỵ, một tiệm tên là Vĩnh Xương, tiệm kia tên là Phong Dụ. Ông chủ tiệm gạo Phong Dụ thấy việc kinh doanh không dễ dàng gì nên cố nghĩ ra nhiều sáng kiến kiếm thêm tiền. Có một hôm, ông ta mời thợ đúc cân tới nhà, tránh mặt mọi người, nói với thợ đúc cân rằng: “Xin ngài làm ra một cái cân mà 15 lạng rưỡi 1 cân, tôi sẽ thêm một xâu tiền” (thời đó 1 cân là 16 lạng).

Người thợ đúc vì một xâu tiền mà quên đức hạnh, gật đầu đồng ý. Ông chủ tiệm gạo phân phó xong thì rời đi, để lại người thợ ở trong sân đúc cái cân này.

Ông chủ tiệm gạo có bốn người con trai, tất cả đều giúp ông ở quán gạo. Người con trai út cách đó hai tháng đã cưới con gái của một thầy đồ làm dâu.

Cô con dâu mới đang may vá trong nhà thì nghe thấy chuyện bố chồng nói với người thợ đúc cân. Sau khi bố chồng đi khỏi, cô con dâu mới trầm ngâm một lúc rồi đi ra khỏi tân phòng, và nói với người thợ rằng: “Cha tôi tuổi đã lớn nên có chút đãng trí, vừa rồi chắc chắn là nói nhầm đó. Xin ông làm một cái cân 16 lạng rưỡi 1 cân, tôi sẽ gửi ông hai xâu tiền. Bất quá xin đừng để cha tôi biết”.

Người thợ đúc vì muốn có thêm 2 xâu tiền nên đã đồng ý. Chiếc cân 16 lạng rưỡi 1 cân rất nhanh đã được làm xong. Người thợ đúc cũng đã giữ lời hứa, không đem việc thay đổi chiếc cân nói cho ông chủ tiệm, vì vậy ông chủ tiệm ngày nào cũng đem cái cân mới này đến tiệm gạo dùng.

Sau đó một đoạn thời gian, tiệm gạo Phong Dụ làm ăn tốt trở lại, những khách quen của tiệm gạo Vĩnh Xương cũng lũ lượt chuyển sang mua ở Phong Dụ. Lại qua một đoạn thời gian nữa, người dân ở phố Đông, phố Tây quận lỵ cũng bỏ gần tìm xa, đi bộ qua các con phố để đến Phong Dụ mua gạo. Đến cuối năm, tiệm gạo Phong Dụ đã phát tài, Vĩnh Xương cũng bị nhượng lại cho Phong Dụ.

Vào tối giao thừa, gia đình tiệm gạo Phong Dụ quây quần bên nhau ăn sủi cảo. Ông chủ tiệm vui mừng bảo mọi người thử đoán, xem ai đoán được bí mật tại sao nhà mình năm nay phát tài. Mấy người con bàn tới bàn lui, có người cho rằng ông trời phù hộ, có người lại cho rằng nhờ cha có cách quản lý, vị trí của quán gạo tốt…

Ông chủ tiệm cười nói: “Những điều các con nói đều không đúng. Chúng ta vì sao mà phát tài? Là dựa vào cái cân của chúng ta! Cái cân 15 lạng rưỡi của chúng ta, mỗi khi bán một cân gạo là bớt đi nửa lạng, mỗi ngày bán ra mấy trăm mấy nghìn cân, là kiếm thêm được bằng ấy tiền, lâu ngày tích lũy, chúng ta phát tài rồi”.

Sau đó, ông kể lại quá trình mình chi một xâu tiền hồi đầu năm để làm ra cái cân 15 lạng rưỡi.

Mấy người con nghe xong đều khen ông lão cao minh. Ông chủ tiệm rất cao hứng, hồ hởi vuốt râu cười vui vẻ. Lúc này, cô con dâu mới từ từ đứng lên khỏi chỗ ngồi, nói với cha rằng: “Con có chuyện muốn nói với phụ thân. Trước khi nói với phụ thân, mong phụ thân hứa sẽ tha thứ cho lỗi lầm của con”.

Chờ sau khi cha gật đầu, cô con dâu mới bình tĩnh kể cho mọi người nghe về chuyện mình trả thêm hai xâu tiền để làm chiếc cân 16 lạng rưỡi 1 cân. Cô nói: “Phụ thân nói đúng, chúng ta đã dựa vào cái cân để phát tài. Chúng ta mỗi khi cân đều cân thêm nửa lạng, khách hàng biết chúng ta làm ăn buôn bán thật thà, liền muốn đến mua gạo của chúng ta. Mặc dù mỗi một cân gạo đều bớt đi một chút lợi, nhưng bán được càng nhiều thì sẽ thu được lợi lớn. Chúng ta là dựa vào buôn bán thành thực mà phát tài”.

Mọi người nghe xong, ai nấy đều kinh ngạc. Ông chủ tiệm không tin đây là thật, bèn lấy cái cân bán gạo hằng ngày ra kiểm tra, quả nhiên mỗi cân là 16 lạng rưỡi. Ông chủ tiệm sững sờ, không nói một lời nào, lặng lẽ đi vào trong phòng ngủ.

Ngày hôm sau, sau bữa ăn sáng đầu năm mới, ông chủ tiệm tập hợp cả gia đình, rút chìa khóa cửa hàng ở thắt lưng ra rồi nói: “Ta già rồi, vô dụng rồi. Ta hôm qua đã đắn đo cả đêm, quyết định từ hôm nay sẽ giao cửa tiệm cho cô con dâu thứ tư, từ nay về sau, mọi người hãy nghe lời nó!”.

Chu Tuệ Tâm, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x