Cổ nhân trải qua tết Thanh Minh như thế nào?

co nhan thanh minh minh chan tuong
Bức tranh “Sĩ nữ đồ – Xúc cúc” do Đỗ Cận, người thời Minh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Thanh Minh vừa là một tiết khí, vừa là một tiết nhật, “vạn vật vào lúc này đều thanh khiết, trong sáng.” Tục cúng tế tổ tiên trong dịp Thanh Minh bắt đầu từ thời nhà Chu. Đến thời nhà Đường, Thanh Minh trở thành một tết chính thức và phát triển cực thịnh vào thời nhà Tống.

Thời nhà Nguyên, các phong tục trong ngày này hầu hết đều tuân theo nếp cũ lúc đầu. Nhà Minh xem Thanh Minh là một “dịp để cúng tế.” Trải qua thời nhà Thanh, thời Trung Hoa Dân Quốc cho đến ngày nay, trong tết Thanh Minh vẫn luôn bảo lưu truyền thống tế bái, tảo mộ và nhớ về tổ tiên.

Tết Thanh Minh thời nhà Đường

Vào dịp Thanh Minh, mọi người sẽ tế bái tổ tiên, nghiêm cẩn truy sùng, bái vọng cội nguồn. Đối với người Trung Quốc luôn xem trọng lòng hiếu thảo thì “lập lễ về tang tế là để bày tỏ lòng hiếu thuận, kính yêu.” Trong Kinh “Truyện” viết: “Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Lễ là trật tự của trời đất).

Vào thời trị vì của Đường Huyền Tông, việc tế tổ vào dịp Thanh Minh chính thức trở thành một trong ngũ lễ: “Nhà của hai hạng sĩ, thứ nên lấy việc tảo mộ đưa vào ngũ lễ, vĩnh viễn làm quy tắc.” “Trong thứ tự của ngũ lễ, cát lễ đứng đầu. Các nghi thức tế lễ của tết Thanh Minh thuộc về cát lễ. Trong “Lễ” nói rằng: “Đạo giáo hóa con người, lễ không thể vội vàng hấp tấp. Lễ có ngũ kinh, quy định chú trọng về tế bái.”

Trước thời Đường Đại Tông, tết Thanh Minh và tết Hàn Thực được liên kết với nhau. Sau tết Hàn Thực ba ngày là tiết Thanh Minh. Hoàng đế Đường Đại Tông quy định rằng “từ nay trở về sau, Hàn Thực đồng nhất với Thanh Minh.” Tết Hàn Thực hợp làm một với tết Thanh Minh và dần dần được thay thế bằng tết Thanh Minh. Điều này được ghi lại trong “Đường hội yếu.”

Lúc tế tổ trong dịp tết Thanh Minh còn có tập tục đội cành liễu. Tập tục này được lưu truyền từ thời Đường Cao Tông. Trong “Tuế thời bách vấn” ghi chép: “Đến tết Thanh Minh, mọi người sẽ đội cành liễu. Vào ngày mùng ba tháng Ba, Đường Cao Tông đến Vị Dương làm lễ tế trừ tà ma. Ông ban cho quần thần mỗi người một vòng liễu và nói rằng đeo nó vào sẽ tránh được độc trùng. Cho đến nay, ý nghĩa của tập tục này vẫn còn lưu lại.”

Sau khi tế tự tổ tiên, còn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong tết Thanh Minh.

Vào tết Thanh Minh, mọi người thường đạp thanh và du xuân. Đỗ Phủ trong bài thơ “Thanh Minh thi” đã miêu tả chuyến du xuân sôi động trong tết Thanh Minh ở Trường Sa của Đường Đại Tông vào năm Đại Lịch thứ năm như sau:

“Trước xứ phồn hoa căng thị nhật,
Trường Sa thiên nhân vạn nhân xuất,
Độ đầu thúy liễu diễm minh mị,
Tranh đạo chu đề kiêu giảo tất. ”

(Tạm dịch:

Nơi phồn hoa mong chờ ngày này,
Ngàn vạn người ở Trường Sa nối gót nhau.
Những hàng liễu xanh đầu bến đò xanh sắc đẹp đẽ,
Chen lối đi, vó ngựa đỏ ngạo nghễ bước sát gối.)

‘Thúc cúc’ trong tết Thanh Minh chính là trò chơi đá bóng. Nhà thơ Vương Duy đã miêu tả trận đấu bóng đá trong bài thơ “Hàn Thực thành đông tức sự” rằng: “Thúc cúc lũ quá phi điểu thượng, Thu thiên cạnh xuất thùy dương lý” (Tạm dịch: Bóng bay cao quá đàn chim, Xích đu thi rủ hàng dương trĩu cành).

Bầu không khí xã hội dưới thời nhà Đường được khai phóng nên nữ tử cũng chơi đá bóng. “Nội cung sơ tứ Thanh Minh hỏa, Thượng tướng nhàn phân bạch đả tiền” của Vi Trang (Tạm dịch: Lửa Thanh Minh nội cung ban trước, Tiền cược chia mọi người chung phần), và “Điện tiền phô thiết lưỡng biên lâu, Hàn Thực cung nhân bộ đả cầu” của Vương Kiện (Tạm dịch: Trước điện phô bày hai lầu bên, Các cung nhân đá bóng vào ngày Hàn Thực), cả hai đều mô tả cảnh các cung nữ chơi đá bóng.

Trò chơi thú vị nhất trong tết Thanh Minh có thể tìm thấy trong tư liệu là trò kéo co trong cung đình. Trong “Đường ngữ lâm” ghi lại một cuộc thi kéo co như vậy. Có bảy quan Tể tướng và hai Phò mã ở phía đông, ba quan Tể tướng và Khâu tướng quân ở phía tây. Tám người đọ sức với bốn người, dĩ nhiên nhóm phía đông đã thắng như mong đợi.

Khán giả do Hoàng đế hạ chiếu mời đến xem: “Lệnh cho Trung thư môn hạ cung phụng các quan từ ngũ phẩm trở lên. Các quan văn võ từ tam phẩm trở lên và tất cả các học sĩ .v.v, đi vào từ cổng Phương Lâm và tập trung tại trường đấu Lệ Viên.” Bản thân Hoàng đế cũng đưa Hoàng hậu và Công chúa đến xem trận đấu.

Nhóm phía tây thua cuộc nên rất không phục. Họ tâu lên Hoàng thượng, nói cuộc thi đấu này rất không công bằng, cần thay đổi lại. Nhưng Hoàng thượng không đồng ý và nhóm phía tây vẫn là bên thua cuộc. Một trận thi đấu kéo co cũng phải tâu xin Hoàng thượng xác định lại, cho dù làm quan đến chức Tể tướng vẫn có sự hồn nhiên như trẻ thơ.

Trong tết Thanh Minh, mọi người còn chơi xích đu. Đường Huyền Tông gọi xích đu là “trò chơi nửa tiên.” Bởi vì trong tết Thanh Minh, khắp mọi nơi đều có người chơi xích đu, nên nó còn được gọi là tết xích đu.

Trong bức tranh “Thanh Minh thượng hà đồ” thời nhà Thanh, có thể thấy “xích đu” trong đình viện của nhà mọi người. “Trò chơi nửa tiên” tiếp tục kéo dài cho đến thời nhà Minh. Nhưng “kể từ thời tiền Minh, trò chơi nửa tiên đã tồn tại từ lâu ấy nay không còn nữa.”

Trong những bài thơ, bài từ nói về tết Thanh Minh cũng biểu đại nỗi bi thương trong lúc tảo mộ và tế tự, nhưng thực tế lại có nhiều bài thơ thể hiện tâm trạng vui vẻ thanh khiết và trong sáng .

Trong những năm đầu của triều đại nhà Đường, tết Hàn Thực và tết Thanh Minh có kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày. Giữa những năm niên hiệu Trinh Nguyên tăng lên bảy ngày. Đến thời nhà Tống, tết Thanh Minh về cơ bản đã thay thế tết Hàn Thực và vẫn giữ kỳ nghỉ bảy ngày. Đây là tết có ngày nghỉ dài nhất trong xã hội truyền thống.

Tết Thanh Minh thời nhà Tống

Thanh Minh là tết long trọng nhất thời nhà Tống. Bức tranh “Thanh Minh thượng hà đồ” đã tả thực một cách chi tiết và tinh tế về sự nhộn nhịp của tết này. Vào thời Bắc Tống, Thanh Minh là tết lớn diễn ra sau ngày Đông Chí 105 ngày.

Trong “Đông Kinh mộng hoa lục” ghi lại rằng, hồ Nghênh Tường ở phía đông, gần bên ngoài cổng Chu Tước của cung thành Đông Kinh “những cây dương rủ chen bờ, các loại cây niễng, cây hương bồ và hoa sen mọc ở trong hồ, chim nhạn, vịt trời bơi lội trong đó. Còn có cầu, đình, đài, tạ, cờ xí được sắp xếp đối diện nhau.” Vào dịp tết Thanh Minh hàng năm, triều đình cho phép người dân được đến đây để thắp hương và du ngoạn một ngày.

Một ngày trước tết Hàn Thực được gọi là “xuy thục” (nấu chín.) Người ta dùng bột mì làm thành những con én trong tư thế bay lượn, dùng cành liễu xâu chuỗi lại và cắm vào khung cửa, gọi là “Tử thôi yến.”

Khi một cô gái tròn mười lăm tuổi, gia đình sẽ cử hành nghi thức “cập kê lễ” vào ngày Thanh Minh để biểu thị cô gái đó đã trưởng thành. Vì vậy, Thanh Minh cũng là ngày lễ trưởng thành của nữ tử.

Ba ngày tiếp theo kể từ tết Thanh Minh là ngày mọi người rời thành thị đi viếng mộ, nhưng lấy ngày Thanh Minh là ngày chính.

Vào ngày này, tất cả các ngôi mộ mới đều được cúng tế và quét dọn. “Phụ nữ trang điểm nhẹ, mặc y phục đơn giản, mộc mạc, dắt theo con cháu, mang theo bình rượu, chén rượu và thức ăn.”

Người dân bình thường dùng táo tàu, gừng và đậu đen khi đi tảo mộ. Người kinh thành tiện thể sau khi cúng tế và tảo mộ, sẽ đi đến vùng ngoại ô dạo chơi. Đi dã ngoại cũng sôi động giống như ở kinh thành, dưới tán cây xanh và trong lâm viên mọi người bày biện cỗ chén, cùng nhau dùng bữa. Đâu đâu cũng đều là những người nam, nữ, già, trẻ, đến từ kinh thành.

Người ta mang theo chà là, bánh hấp, búp bê đất sét, dao xếp, hoa đẹp quả lạ, đồ chơi dành cho các trò chơi dã ngoại, trứng vịt, gà con, những thứ này được gọi là “cây nhà lá vườn ở ngoài.” Phần trên của các chiếc kiệu được trang trí bằng hoa dương liễu và treo khắp mọi phía.

Dã ngoại cần đi nguyên một ngày, tối mới trở về: “Từ từ tiến vào cửa kinh thành, hoàng hôn ngự trên rặng liễu, về sân đã say khướt, trăng sáng hoa lê nở.” Cảnh dân sinh no đủ, thư thái chậm rãi, người dân có đủ thời gian để tận hưởng cuộc sống.

Trong tết Thanh Minh, tất nhiên có rất nhiều món ăn. Ở chợ bắt đầu bán kẹo dày, bánh mì, phô mai, bánh sữa và những thứ tương tự.

Hoành tráng nhất là lễ tế bái vào tết Thanh Minh của hoàng thất. Trước lễ tế năm ngày, trong cung phái người đến tế tự lăng mộ các vị Hoàng đế. Những người được phái đi đều mặc áo tím, lụa trắng, xà cạp quấn chân hình tam giác màu xanh lam, toàn bộ y phục đều được cung cấp chính thức.

Áo đơn tím, lụa trắng và vải xanh, đây là sự kết hợp màu sắc trang nhã. Thức ăn dùng trong tế lễ là bánh mì và kẹo dày. Những người ‘cận thân’ trong hoàng thất cũng đi tế tự hoàng lăng. Lăng mộ các vua nhà Tống nằm ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam, cách kinh thành Khai Phong hàng trăm dặm. Thế nên, lễ hội Thanh Minh của hoàng thất phải kéo dài hơn một tháng.

Trong cung còn phái người đến các tự viện, đạo quán để tế tự mộ của các cung nhân. Những người tham gia tế lễ đều mặc trang phục tết. Xe ngựa và kiệu được trang trí bằng trang sức lộng lẫy, quạt thêu đôi và có lộng che bằng lụa dẫn đường. Nghi thức diễn ra rất long trọng, những thư sinh và bá tính đều đến tận cửa để xem. Cửa hàng ngựa giấy dùng giấy gấp thành lầu gác và đặt trên đường phố.

Ngoài ra, trong cung còn có buổi biểu diễn quân nhạc của đội quân thị vệ mang tên “suất cước.” “Các quân cấm vệ sắp thành đội ngũ, cưỡi ngựa chơi nhạc vòng quanh bốn phía, gọi là “suất cước.” Tinh kỳ của họ tươi mới, tác phong nhà binh hùng tráng, cả người và ngựa đều tinh nhuệ, thực là một cảnh tượng độc đáo.”

Bấy giờ, phong tục của Trung Nguyên cũng ảnh hưởng đến nước Liêu: “Phong tục quan trọng nhất ở nước Liêu là tết Thanh Minh. Trên từ nội uyển, dưới đến sĩ thứ, tất cả đều dựng xích đu và vui chơi suốt ngày hôm đó.”

Liên quan đến tết Thanh Minh, còn có câu chuyện Tô Đông Pha đắc được một bài thơ trong giấc mộng. Khi Tô Đông Pha ở Hàng Châu, ông có mối giao hảo với hòa thượng Đạo Tiềm. Một đêm nọ, ông nằm mộng thấy Đạo Tiềm hòa thượng mang bài thơ “ẩm trà” đến tặng.

Sau khi tỉnh dậy, ông chỉ nhớ được hai câu: “Hàn Thực Thanh Minh đô quá liễu, Thạch tuyền hòe hỏa nhất thời tân” (Tạm dịch: Hàn Thực Thanh Minh đều đã qua, Nước đá lửa hỏe thảy đổi mới.) Tô Đông Pha trong mộng hỏi hòa thượng Đạo Tiềm rằng, ngọn lửa trong tết Thanh Minh tất nhiên là mới, nhưng tại sao nước cũng mới? Đạo Tiềm hòa thượng trả lời: “Vào tiết Thanh Minh, trong dân gian có tục đào giếng, nên nước cũng mới.”

Tết Thanh Minh thời nhà Tống kế thừa tập tục đội nhành liễu từ thời nhà Đường. Mỗi gia đình sẽ cắm những cành liễu lên cửa gọi là “liễu nhãn” (mắt liễu.) Có câu thơ rằng: “Mạc bả thanh thanh đô chiết tận, minh triều cánh hữu xuất thành nhân” (Tạm dịch: Chớ bẻ hết lá xanh, sớm mai sẽ có nhiều người rời thành.) Trên cành liễu còn để thêm cành táo. Có lẽ táo có thể trừ tà ma, “khói táo đốt dưới gầm giường có thể xua đuổi côn trùng.”

Vào ngày này, xe ngựa ra vào cổng thành gần như chặn hết cả lối đi. Các vườn hoa nổi tiếng ở ngoại ô, những thuyền bè đủ màu sắc trong hồ, còn có thuyền rồng có thể ngắm cảnh, đâu đâu cũng có từng tốp người đang vui chơi.

Mây đỏ soi bóng nước, trăng treo trên cành liễu, tiếng ca trong trẻo tròn trịa, tiếng nhạc lảnh lót, đến đêm vẫn chưa kết thúc. Đàn ông cưỡi trên những chiếc yên ngựa chạm trổ hoa văn, phụ nữ ngồi trên những chiếc kiệu hoa, nối nhau vào thành. Có người còn sai gia nhân chở theo đồ về nhà như cá gỗ, thuyền rồng, lẵng hoa, sào tre để làm quà tặng cho người thân, bạn bè và hàng xóm.

Tết Thanh Minh thời nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh

Vào thời nhà Nguyên, Thanh Minh là dịp tế lễ quan trọng của triều đình, dùng các loài động vật để tế tự. Trong “Nguyên sử” ghi chép: “Tiết tế gồm ngày đầu năm mới, Thanh Minh, Nhuy Tân, Trùng Dương, Đông Chí và ngày kị giỗ. Phẩm vật tế thường là trái cây và rau quả, ngày giỗ dùng động vật để tế.”

Vào thời nhà Minh, ngoài tục tế tự ở tông miếu tông tộc, trong tết Thanh Minh, người ta còn lập lệ đàn để tế tự những quỷ hồn không có người tế tự, để họ có nơi nương tựa và không trở thành ác quỷ gây bệnh cho mọi người. Trong “Xuân Thu truyện” viết: “Quỷ có nơi để về nên sẽ không gây dịch bệnh.” Khi lệ quỷ hoành hành, con người sẽ bị bệnh. Trong “Sĩ tang lễ” ghi: “Bệnh có thể cầu cúng là bệnh dịch.”

Vào năm Hồng Vũ thứ hai, khi nhà Minh mới kiến lập, Chu Nguyên Chương đã tiếp nhận những lời của nhóm học sĩ Đào An, chế định thêm chế độ và thời gian tế tại tông miếu. “Mùa xuân lấy lễ Thanh Minh, mùa hè lấy lễ Đoan Ngọ, mùa thu lấy lễ Trung Nguyên, mùa đông lấy lễ Đông Chí, còn Trừ Tịch vẫn như cũ.” Trong “Tế pháp” phân biệt các cấp tế lễ: vua tế Thái lệ, chư hầu tế Công lệ, đại phu tế Tộc lệ.

Trong “Trịnh chú” ghi, thời nhà Hán trong dân gian có tục cúng tế lệ quỷ, về sau dần dần không còn tục này nữa. Vào năm Hồng Vũ thứ ba, bắt đầu thiết lập lệ đàn tế tự những quỷ Thần không có nơi thờ cúng. Thái lệ được tổ chức ở kinh thành, hàng năm vào dịp tết Thanh Minh và ngày đầu tiên của tháng 10, các quan lại được phái đến cúng tế.

Trước ngày cúng tế bảy ngày, họ sẽ cáo rõ với Thành Hoàng của kinh thành. Đúng vào ngày tế lễ, thần vị của Thành Hoàng được thiết bày trên lệ đàn, còn thần vị của những quỷ Thần không có người cúng tế thì đặt ở hai bên đông, tây dưới lệ đàn. Lễ tế dùng ba con cừu, ba con lợn và ba thạch gạo.

Chư hầu tế quốc lệ, phủ châu tế quận lệ, huyện tế ấp lệ. Họ đều lập đàn tế ở phía bắc thành, mỗi năm hai lần, giống như kinh thành. Làng xã thì tế hương lệ. Về sau, còn tăng thêm lễ tế tự vào ngày 15 tháng 7.

Sách “Đế kinh cảnh vật lược” thời Minh ghi lại: Trong tết Thanh Minh, nam nữ đều ra khỏi thành để tảo mộ, mang vác các thứ dùng cho tế tự, trên kiệu và ngựa đều chất đầy phẩm vật tế tự. Trên đường tấp nập người, kiệu và ngựa đi bái tế.

Trong những người đi tế bái, người đổ rượu lên mộ, người khóc lóc, người làm cỏ, bồi đất vào mộ, người đốt tiền giấy. Khóc xong, họ đi đến một nơi có phong cảnh đẹp, tìm một gốc cây để dừng chân nghỉ, rồi trở về nhà sau khi hoàn tất mọi việc.

Tết Thanh Minh của nhà Thanh kế thừa truyền thống của các triều đại trước. Hoàng thất theo đúng thời gian đến tế tự hoàng lăng.

Sách “Thanh gia lục” biên soạn vào giữa thời Đạo Quang ghi lại phong tục tết Thanh Minh ở khu vực phụ cận Tô Châu. Vào thời nhà Thanh, tục cắm cành liễu trước cửa và đội trên đầu vẫn còn tồn tại. Khi tảo mộ, mọi người thường dùng cây cọ xanh, ngó sen chín và đốt giấy gửi cho người thân đã khuất. Quận Hổ Khâu thiết lập lệ đàn vừa cúng tế Thành Hoàng, vừa cúng tế các vị Thần ngụ ở các hang sâu và đường đi, cùng các vị Thần Tiên khác. Người đi chơi tụ tập đông đúc, gọi là xem hội.

Trẻ con nấu cơm đặt trước tổ chim khách, gọi là cơm lửa ngoài đồng nội. Đây cũng là kế thừa truyền thống dùi cây tạo lửa thời nhà Tống.

Sau khi viếng mộ, mọi người đi du xuân thưởng hoa, khiến tết Thanh Minh trở nên náo nhiệt sôi động.

Ngoài tế lệ đàn, sách “Đế kinh tuế thời kỉ thắng” được viết vào giữa thời Càn Long còn ghi lại các hoạt động từ thiện về cứu giúp những người cô quả trong Thanh Minh. Phổ Tế đường bên ngoài Quảng Ninh môn tiếp nhận những người già cô đơn, những người bệnh đến từ địa phương khác.

Nhà Dục Anh Đường nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Vào tết Thanh Minh, Thiên Lưỡng Đường thu thập thi thể ngoài đồng, di thể trẻ sơ sinh để chôn cất hoặc hỏa táng, và mời người đến cầu siêu cho họ, gọi là xá cô. Lúc này vẫn phỏng theo lệ đàn của triều đại trước để tế dịch quỷ. Nhiều cô hồn đứng bên cạnh thần vị, được gọi là hội tế cô hồn.

“Thanh gia lục” ghi lại trò chơi thả diều trong tết Thanh Minh vào thời điểm đó. “Gió xuân thổi từ dưới lên trên, khiến diều bay lên, nên có câu tục ngữ ‘Thanh Minh phóng đoạn diều’.” Sau tết Thanh Minh, gió đông không còn nữa nên diều cũng không thể bay theo gió được.

Người từ kinh thành mang theo diều khi đi cúng tế và tảo mộ. Sau khi tảo mộ, họ liền thả diều phía trước mộ. Họ viết những tai họa, bệnh tật lên trên cánh diều, đợi khi diều bay lên trời thì cắt dây, mong diều sẽ cuốn đi mọi uế khí trong ngày thanh khiết này. Việc chế tạo diều cực kỳ tinh xảo.

Những con diều loại tốt nhất của xưởng Lưu Ly có giá vài lượng bạc mỗi con. Vào thời điểm này, trong số các trò chơi vào dịp lễ Thanh Minh, thì diều chiếm ưu thế vượt qua cả trò chơi xích đu.

Mặc dù sự náo nhiệt được mô tả trong bức tranh “Thanh Minh thượng hà đồ” không còn nữa, nhưng truyền thống tế tổ và du xuân trong tết Thanh Minh vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Tiết Thanh Minh đến cũng là lúc mùa xuân thực sự đã đến.

Vu Hải Tâm thực hiện

Tịnh Tâm biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x