Hàng ngàn năm qua đã lưu truyền không ít những bài thơ ca tụng cảnh người phụ nữ xuất giá bằng giọng điệu vừa mộc mạc, giản dị, vừa nên thơ, trữ tình. Trong đó phải kể đến bài thơ “Đào Yêu” trích trong “Kinh thi – Chu Nam”:
Đào Yêu
Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia.
Tạm dịch nghĩa
Cây đào tơ
Cây đào tơ xinh tươi,
Hoa nhiều rậm.
Nàng ấy đi lấy chồng,
Thì ắt thuận hòa êm ấm cảnh gia đình.
Sau khi thành gia lập thất, nam tử ở bên ngoài xã giao, xây dựng sự nghiệp, còn nữ tử ở nhà trông nom gia đình, dạy dỗ con cái, hai vợ chồng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, bên nhau suốt đời. Những người vợ trong gia đình truyền thống vốn dĩ có cuộc sống rất yên ấm, hạnh phúc là thế, nhưng lại bị bóp méo thành là nạn nhân của sự khinh rẻ, trọng nam khinh nữ, là cái bóng của chồng và không có tiếng nói trong gia đình.
Khá nhiều người có hình dung những người phụ nữ truyền thống là: không được bước chân ra khỏi cửa, nhất cử nhất động bị trói buộc bởi quy tắc truyền thống, lấy chồng thì phải theo chồng, như món đồ chơi của chồng. Họ không những phải vất vả lo toan cho nhà chồng, còn phải ngậm đắng nuốt cay nhìn chồng thu nạp năm thê bảy thiếp, bất cứ lúc nào cũng có thể bị ruồng bỏ, v.v.
Nhưng đây có thực sự là cuộc sống của những người vợ thời xưa? Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm lại, lật những trang sách cổ xưa đã ố vàng theo năm tháng và đi tìm lời giải cho câu hỏi này, khám phá mối quan hệ vợ chồng và địa vị thực sự của người phụ nữ trong gia đình truyền thống.
Người chồng gánh vác, người vợ phò tá, chăm nom cho gia đình
Trong nhiều kinh điển lịch sử, mối quan hệ vợ chồng được coi là mối quan hệ nhân luân quan trọng nhất trong các mối quan hệ của con người. Trong “Kinh Dịch” viết rằng, sau khi có trời đất thì sinh ra vạn vật, rồi hình thành thuyết âm dương, tiếp đó sinh ra nam nữ hữu biệt, tiếp đó sinh ra những mỗi quan hệ nhân luân như phu thê, cha con, quân thần,v.v. Dần dần lại hình thành các khái niệm về lễ nghi, tôn ti trật tự. Ngoài ra, mối quan hệ vợ chồng là ngọn nguồn của các mối quan hệ nhân luân. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên viết rằng: “Phu phụ chi tế, nhân đạo chi đại luân dã.” Ý tứ là, quan hệ vợ chồng là luân thường đạo lý to lớn trong đạo làm người.
Trong “Trung Dung” cũng viết: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kì chí dã, sát hồ Thiên Địa”, tức là đạo của người quân tử là bắt đầu từ đạo vợ chồng, khi hiểu được đạo ấy, thì có thể hiểu rõ ràng tường tận cái đạo của vạn sự vạn vật trong đất trời.
Cổ nhân coi mối quan hệ vợ chồng là nền tảng cơ bản nhất trên con đường tu dưỡng của người quân tử, khi đạt tới cảnh giới cao thâm nhất thì sẽ có thể tương thông với đạo của thiên địa. Vì từ mối quan hệ vợ chồng mới sản sinh ra những mối quan hệ khác như cha con, anh em, họ hàng thân tộc, v.v. cuối cùng mở rộng thành quan hệ toàn xã hội. Do đó, tình nghĩa vợ chồng có tầm quan trọng hàng đầu, hai người cần làm tròn bổn phận của mình, như thế gia đình mới hòa thuận, giữ gìn nề nếp gia phong.
Nói xa hơn nữa, đạo vợ chồng còn ảnh hưởng đến chuyện quốc gia đại sự, chuyện hưng suy của một đất nước. Trong “Chu Dịch” viết rằng: “Phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ, nhi gia đạo chính; chính gia nhi thiên hạ định hĩ”. Ý tứ là trong gia đình, nếu cha, con, huynh, đệ, chồng, vợ đều làm tròn đạo nghĩa và trách nghiệm của mình, thì đạo của nhà ấy mới ngay chính, xã hội cũng theo đó mà ổn định.
Theo văn hoá Nho gia, quan hệ vợ chồng nằm trong ngũ luân, và là nền tảng để một người “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Trong đó “tề gia” đứng trước “trị quốc”, muốn “tề gia” thì phải làm tốt đạo phu thê. Trong xã hội xưa, quan hệ vợ chồng được xem trọng nhường ấy, vậy cổ nhân làm sao có thể chỉ coi trọng người chồng mà hạ thấp vị thế của người vợ như xã hội hiện đại vẫn nhìn nhận?
Vậy cổ nhân nhìn nhận thế nào về bổn phận của người vợ và người chồng? Trong cuốn “Bạch Hổ Thông” viết: “Phu giả, phù dã; thê giả, tề dã”. Đại ý là người chồng là người gánh vác gia đình, người vợ là người chăm nom, vun vén cho gia đình. Người chồng là trụ cột của gia đình, có trách nhiệm chỉ đường dẫn lối, kiếm sống để chèo chống gia đình, đưa gia đình vào khuôn phép, trật tự. Còn người vợ là có trách nhiệm quán xuyến, lo liệu việc nhà, chăm lo cho gia đình.
Người phụ nữ là “nội tướng” trong nhà
Tuy vợ chồng vĩnh kết đồng tâm, nhưng giữa đàn ông và phụ nữ vẫn có chỗ khác biệt, về sở trường, tâm sinh lý cũng khác nhau. Đây chính là điều mà cổ nhân vẫn thường nói “âm dương chi đạo”. Người chồng là nam giới, đại biểu cho dương cương, rắn rỏi. Người vợ là nữ tử, đại biểu cho âm nhu, hiền thục.
Ngoài ra, cổ nhân còn căn cứ vào thuyết âm dương để xác lập luân lý trong gia đình. Ví như: “Nam tôn nữ ti”, “Nam chủ ngoại, nữ chủ nội.” Tôn và ti ở đây không định nghĩa cho cao quý và thấp hèn, mà là thể hiện trí tuệ sống thuận theo đạo lý của trời đất.
Trời là thuần dương, nằm ở phía trên, nên gọi là tôn. Ngụ ý rằng đàn ông xử sự phải cương nghị, không ngừng vươn lên như trời. Đất là thuần âm, nằm ở phía dưới, nên gọi là ti. Ngụ ý rằng, người phụ nữ xử sự phải giống như đất, khiêm tốn, bao dung hết thảy.
Còn trách nhiệm cụ thể trong cuộc sống vợ chồng thì liên quan đến những yếu tố bên trong và bên ngoài. Người chồng ở bên ngoài, thì cần “Vi quân giả lệ tinh đồ trì, phú quốc cường dân; vi thần giả tẫn trung chức thủ, phụ tá giang sơn; vi tương giả, nam chinh bắc chiến, bảo gia vệ quốc; vi dân giả, ngư tiều canh độc, tân cần lao tác”; ý tứ là người nam cần phấn đấu lập nghiệp, xây dựng đất nước, làm quần thần thì phải trung thành, tận tụy, cùng đế vương giữ gìn giang sơn cơ nghiệp, làm tướng quân thì nam chinh bắc chiến, bảo vệ biên cương đất nước, làm dân thường thì chăm chỉ, cần lao, không ngừng học hỏi.
Còn người vợ ở nhà, tuân thủ đạo làm vợ, thay chồng dạy dỗ con cái, chăm nom việc nhà, giữ gìn sản nghiệp, phò tá chồng chủ trì các nghi lễ trong gia đình. Trong “Lễ ký” viết rằng: “Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại.” Ý nói rằng người đàn ông không xét hỏi việc nhà thì mới có thể chuyên tâm phát triển sự nghiệp; người phụ nữ không can thiệp việc bên ngoài của chồng mới có thể tập trung quán xuyến gia đình. Nếu người vợ làm tốt việc nhà thì cũng là giảm bớt nỗi lo cho chồng.
Một số người có thể cho rằng, phụ nữ thời xưa chỉ biết sống dựa dẫm vào chồng, còn bản thân không có giá trị nào đáng kể. Nhưng thực ra, trong xã hội truyền thống, người đàn ông gánh trên vai trọng trách vì nước vì dân. Nếu là bậc quân vương thì cần lao tâm vì quốc gia đại sự, phát triển kinh tế, chăm lo cho dân chúng. Nếu là dân thường thì sẽ làm lụng chăm chỉ để nuôi sống gia đình. Người phụ nữ cũng vì thế mà hết lòng tận tâm tận tụy vì chồng vì con. Người đàn ông sức dài vai rộng làm việc lớn, người phụ nữ chân yếu tay mềm, tinh tế, khéo léo phù hợp với việc thêu thùa may vá, vun vén hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình. Điều này đã chứng minh mỹ đức vô tư vô ngã của cả người nam tử và nữ tử trong văn hoá truyền thống.
Cổ nhân cũng thường ví mối quan hệ vợ chồng như quan hệ quân thần. Trong đó, người chồng như vua, là người đứng đầu trong nhà, còn người vợ giống như tể tướng trong nhà phò tá vua. Thế nên thời xưa mới thường gọi người vợ trong nhà là “Chủ mẫu”, chứng minh họ cũng giống như chồng mình, được mọi người trong gia đình kính trọng.
Còn trong việc dạy dỗ con cái, một người vợ hiền lương thục đức sẽ bồi dưỡng ra những người con vừa có tài vừa có đức, giúp ích cho quốc gia. Thế nên mới có câu nói, “có hiền nữ mới có hiền thê, có hiền thê mới có hiền mẫu, có hiền mẫu mới có hiền tử”. Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ. Nói cách khác, người vợ trong nhà giống như vị đại thần, là cánh tay đắc lực nhất của người chồng, cũng là người mà các thành viên khác có thể dựa vào về các phương diện ăn, mặc, ngủ, nghỉ,v.v. Điều này cũng khẳng định, vị thế thực sự của người vợ trong xã hội truyền thống không hề thấp kém mà lại vô cùng quan trọng.
Hôn nhân lấy lễ làm đầu, lấy nữ giáo làm gốc
Kể từ khi Chu Công lập ra hệ thống lễ nhạc, hôn lễ truyền thống có lễ tiết phong phú và mang nhiều nội hàm sâu sắc hơn. Tuy có một số thay đổi qua từng niên đại, nhưng những phong tục tập quán cưới hỏi hầu hết đều không tách rời khỏi nội dung cốt lõi của Tam thư Lục lễ. Những tập tục này để đảm bảo nam nữ danh chính ngôn thuận thành thân với nhau, xác lập danh phận, kính lễ với trưởng bối và ra mắt hậu bối. Thế nên cổ nhân mới coi hôn lễ phải lấy “lễ” làm đầu. Mấy ngàn năm đã trôi qua, đến nay những nghi lễ cơ bản của hôn lễ truyền thống vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Hôn lễ truyền thống có nhiều phân đoạn, mỗi phân đoạn đều phản ánh sự kỳ vọng của cổ nhân đối với người vợ của họ. Ví dụ, Lục lễ bao gồm Lễ nạp thái, Lễ vấn danh, Lễ nạp cát, Lễ nạp trưng, Lễ thỉnh kỳ, Lễ thân nghinh. Vào ngày thành thân, người nam phải đến bàn thời gia tiên của gia đình người nữ, thể hiện sự tôn trọng đối với vợ trước sự chứng kiến của tổ tiên. Khi rước dâu, người chồng phải lái xe đón vợ về, đợi bánh xe lăn được ba vòng mới để tài xế lái tiếp, điều này cũng để biểu thị sự kính trọng lẫn nhau của hai vợ chồng. Tiếp đó, họ dùng một quả bầu khô chia làm hai cái gáo, gọi là “cẩn”, tân lang và tân nương mỗi người cầm một mảnh để uống rượu, nên gọi là “rượu hợp cẩn”. Điều này chứa đựng niềm hy vọng là vợ chồng tuy hai mà một, hết lòng yêu thương nhau.
Vào sáng sớm sau đêm tân hôn, nàng dâu cần thức dậy từ sớm, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉn chu, đến vấn an cha mẹ chồng, thực hiện đầy đủ những lễ nghi bái phỏng để thể hiện sự hiếu thảo, nhu thuận của mình. Hành lễ xong, cha mẹ chồng bước xuống thềm phía tây, còn nàng dâu bước xuống thềm phía đông, biểu thị nàng từ nay về sau sẽ đảm đương quản lý sự vụ trong nhà. Trong “Lễ ký” viết rằng, những lễ nghi này để hy vọng bản thân lấy được nàng vợ hiền dâu thảo, hiếu thuận với trưởng bối, thân thiết với người nhà, thế mới có thể đảm bảo sự nghiệp của gia tộc mãi mãi hưng vượng.
Người xưa đặt nhiều kỳ vọng về người vợ, nên giáo dục nữ đức mới được coi là khoá học bắt buộc đối mới tất cả những người phụ nữ trong xã hội. Nử tử từ năm 10 tuổi bắt đầu được những “phó mẫu” dạy dỗ, học tập cốt cách ôn nhu, ngoan ngoãn, vâng theo lời dạy của người lớn, học thêu thùa may vá, học các quy tắc và lễ nghi khi tế lễ. Trước khi xuất giá ba tháng, họ còn phải trải qua khóa học nghiêm khắc “đào tạo trước hôn nhân”, nắm vững công dung ngôn hạnh, học cách tế bái tổ tiên, trau dồi đức hạnh, rồi mới có thể xuất giá.
Ngoài giáo dục nữ đức, cổ nhân còn lưu truyền rất nhiều cuốn sách dạy về đức hạnh của người phụ nữ. Trong đó, lấy hai cuốn “Liệt nữ truyện”, “Nữ tứ thư” làm đại biểu. Một số người cho rằng đây là sự phân biệt đối xử và giam hãm người phụ nữ. Nhưng thực tế cổ nhân tin rằng, mối quan hệ lý tưởng giữa vợ chồng là “phu nghĩa phụ thuận”.
Trong “Tuân Tử” viết rằng: “Trí công nhi bất lưu, trí lâm nhi hữu biện”. Ý tứ là người chồng phải làm được nỗ lực đạt được công danh sự nghiệp nhưng không phóng túng, dâm loạn, cố gắng gần gũi người vợ nhưng vẫn phải duy trì tôn ti, giữ gìn ranh giới. Nếu làm trọn đạo nghĩa người chồng, thì người vợ tự nhiên sẽ phu xướng phụ tuỳ, trở thành hiền thê dịu dàng, chu đáo.
Có người lại nghĩ tại sao cổ nhân luôn xem trọng phụ đức và ít khi đề cập đến phu đức? Thực ra không phải vậy. Trong kho tàng văn học nghệ thuật truyền thống, phần lớn các tác phẩm kinh điển đều nói về đạo đức, ngôn hành, giới quy đối với người nam tử. Nếu người đàn ông khi ở ngoài đã đạt được Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử thì nhất định cũng sẽ là người chồng tốt, con trai tốt, người cha tốt.
Tuy nhiên, nếu theo nhận định trên thì chẳng phải những kinh sách nói về nữ đức rất ít ỏi sao? Chẳng trách tại sao Từ Hoàng Hậu khi biên tập cuốn “Nội huấn” mới hết lời cảm khái mà rằng “trên đời này không còn cuốn sách hoàn chỉnh nào dạy riêng cho người phụ nữ nữa rồi”. Do đó chúng ta càng cần phải có lòng biết ơn đối với những cuốn kinh điển cổ nhân để lại, giúp những người phụ nữ ngày nay cũng có thể tìm lại những mỹ đức truyền thống tốt đẹp.
Khi tĩnh tâm nghiền ngẫm những lời mà các bậc Thánh hiền để lại, chúng ta sẽ ngạc nhiên mà thốt lên rằng, hoá ra trong đạo đức và văn hoá truyền thống, đạo nghĩa vợ chồng là ngọn nguồn của các quan hệ nhân luân, có vai trò quan trọng trong việc cai trị đất nước. Người vợ là yếu tố không thể thiếu, cũng không thể thay thế trong gia đình. Trong nhà có hiền thê thì nhà đó quả là có phúc khí không nhỏ. Hy vọng bài viết trên giúp bạn đọc hiểu thêm về vị thế và bổn phận của người phụ nữ trong văn hoá truyền thống, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng trong trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với gia đình và xã hội.
Cổ Ngôn biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Đức không xứng với vị thì tất nguy hiểm, ngựa quý cũng cần người có đức
- Không mê quan vị, thích tu Đạo, thi sỹ nhà Đường gặp được kỳ nhân
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!