Tâm sinh một thiện niệm, cải biến muôn vạn kiếp

Thiện niệm
Đề-bà-đạt-đa bắt đầu tuyển chọn 16 sát thủ giỏi nhất từ trong cung để tiến hành kế hoạch ám sát đức Phật. (Wikipedia)

Trong kinh sách giảng rằng: Khi con người không còn Thiện nữa thì toàn thân chỉ còn lại nghiệp lực chuyên làm điều xấu ác, khi đó mới chết thật sự, tất cả đều sẽ bị hình thần toàn diệt không còn có sự chuyển sinh hay luân hồi nữa. Vì vậy, con người trong cõi mê này mà khởi lên một thiện niệm, điều ấy là vô cùng trân quý.

Tâm ganh ghét đố kỵ dẫn dắt con người vào đường tội ác

Phật Thích Ca có một người em họ thông minh vào loại bậc nhất của gia thế, Đề-bà-đạt-đa từng được ca ngợi và hy vọng sẽ trở thành một trong những đệ tử xuất sắc kế thừa Đức Phật. Tuy nhiên, sự ganh ghét đố kỵ với chính người anh họ của mình từ khi còn rất nhỏ đã khiến Đề-bà-đạt-đa từng bước dấn sâu vào con đường tội lỗi.

Sau khi được vua A-xà-thế trọng dụng, Đề-bà-đạt-đa bắt đầu tuyển chọn 16 sát thủ giỏi nhất từ trong cung để tiến hành kế hoạch ám sát đức Phật. Đề-bà-đạt-đa chia 16 sát thủ ra làm 8 cặp, cặp đầu tiên có võ công kém nhất, cặp thứ hai giỏi hơn cặp thứ nhất, cặp thứ ba giỏi hơn cặp thứ hai, cặp thứ tư giỏi hơn cặp thứ ba, cứ như thế đến cặp thứ tám có võ công cao nhất.

Đề-bà-đạt-đa vạch ra kế hoạch rất tỉ mỉ, đầu tiên sai hai sát thủ cặp thứ nhất tiếp cận Đức Phật và ra tay hạ sát Ngài, rồi dặn hai sát thủ chạy ra cánh rừng phía Đông sẽ có người đón đi ẩn trốn. Tại cánh rừng đó, cặp sát thủ thứ hai sẽ thủ tiêu cặp sát thủ thứ nhất; sau đó cặp sát thủ thứ ba sẽ chặn đường để thủ tiêu cặp sát thủ thứ hai; cặp sát thủ thứ tư lại đón đường thủ tiêu cặp sát thủ thứ ba.

Cứ sắp xếp như vậy dọc theo con đường đến kinh thành, đến cặp sát thủ thứ tám sau khi thủ tiêu xong cặp sát thủ thứ bảy thì được giao ước đi vào kinh thành lấy tiền thưởng. Đề-bà-đạt-đa lại sắp xếp để một bình rượu độc tại nơi hẹn lấy tiền thưởng, nếu hai sát thủ này không uống rượu độc thì Đề-bà-đạt-đa sẽ hô quân lính đến bắt và thủ tiêu luôn cặp sát thủ thứ tám này, sau đó sẽ công bố đó là hai sát thủ làm hại Đức Phật.

Một âm mưu được cho là hoàn mỹ mà không thể lộ ra được kẻ chủ mưu bắt đầu được tiến hành. Cặp sát thủ thứ nhất được cải trang thành người dân đến nghe đức Phật giảng pháp. Khi hai sát thủ ngồi nghe đức Phật giảng pháp trong tâm liền khởi lên thiện niệm, minh bạch được thiện ác, họ đã được đức Phật giáo hóa. Cả hai liền vứt bỏ vũ khí, quỳ xuống xin đức Phật tha tội. Thế là kế hoạch tưởng như hoàn mỹ của Đề-bà-đạt-đa đã sụp đổ hoàn toàn.

thiện niệm
Ma vương Mara tìm cách ngăn chặn thái tử Siddhārtha đạt tới giác ngộ. (Ảnh: Miền công cộng)

Tâm sinh thiện niệm cải biến muôn vạn kiếp

Tâm khởi lên thiện niệm, cặp sát thủ thứ nhất không chỉ cứu được bản thân họ, mà còn cứu được 7 cặp sát thủ còn lại và cứu được cả Đề-bà-đạt-đa. Bởi vì con người trong vô minh mà dám sát hại Phật thì hậu quả không thể tưởng tượng được, có thể trong vô lượng kiếp đau khổ mà hoàn trả tội nghiệp. Hai sát thủ chỉ vừa thức tỉnh lương tri, buông đao theo thiện vậy mà đã tích được đại đức rồi.

Người xưa nói: “Dù xây chín cấp Phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”, mà ở đây là cứu hơn mười người thoát khỏi sự thủ tiêu và tránh cho họ được tội sát sinh, vậy là tích được công đức rất lớn. Không có ghi chép về sau họ ra sao, nhưng có thể dự đoán được phần còn lại của cuộc đời và đời sau của hai người này sẽ có phúc phận lớn.

Còn về phần Đề-bà-đạt-đa, nhiều năm về sau sống trong bệnh tật và đau ốm liên miên, phải nằm một chỗ, không thể đi lại được. Đến khi thấy bản thân không thể chịu đựng thêm được nữa, liền sai người hầu đưa đến gặp đức Phật. Trước mặt Đức Phật Thích Ca, Đề-bà-đạt-đa gắng hết phần sức còn lại của mình để nói một câu: “Đệ tử quy y Phật” rồi tắt thở, kết thúc cuộc đời của một đệ tử tài năng nhưng lầm lạc.

Ở trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, Đề-bà-đạt-đa là kẻ đã phạm vào trọng tội, đủ cả năm tội lớn (Ngũ nghịch: 1. Giết cha; 2. Giết mẹ; 3. Giết một vị La Hán; 4. Làm thân đức Phật chảy máu; 5. Chia rẽ tăng đoàn), phản bội Phật giáo, một nhân vật phản diện tuyệt đối. Do quả báo của ác nghiệp, Đề-bà-đạt-đa đã sau khi chết bị tái sinh vào địa ngục A Tỳ, chịu khổ hình rất lâu dài. Nhưng trước khi chết, Đề-bà-đạt-đa đã nói lời sám hối với Phật Thích Ca, và Phật Thích Ca đã tiên tri rằng sau 100.000 đại kiếp trái đất nữa, Đề-bà-đạt-đa sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác.

Còn trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh của Phật giáo Bắc Tông thì ghi rằng Đề-bà-đạt-đa cũng từng được các vị Phật quá khứ thụ ký cho, tương lai sẽ thành Phật. Theo kinh này thì thật ra Đề-bà-đạt-đa đến đóng vai nhân vật phản diện, để cho chúng sinh hiểu được toàn bộ quả báo đọa vào địa ngục do gây ra năm tội nghịch lớn. Theo Đại Phương Tiện Phật Báo Ân kinh thuyết rằng mỗi vị Phật quá khứ đều có một nhân vật chống lại họ giống như Đề-bà-đạt-đa.

thien niem minh chan tuong 1
Thiện niệm là hạt giống, thiện tâm là đóa hoa, thiện hạnh là trái chín ngọt. (Ảnh : Tân Sinh)

Cho dù là do bản thân sa ngã mà tạo ra năm tội nghịch lớn hay do an bài của quá khứ mà đóng vai phản diện, thì sau khi chịu thống khổ do bị quả báo mà khởi lên Thiện niệm muốn “quy y theo Phật” từ đó Đề-bà-đạt-đa vẫn có một tương lai tốt đẹp, tu thành Phật. Tất nhiên trước khi tu thành Phật thì vẫn phải hoàn trả tất cả tội nghiệp đã gây ra.

Con người quý ở thiện tâm. Trong kinh sách giảng rằng: Khi con người không còn Thiện nữa thì toàn thân chỉ còn lại nghiệp lực chuyên làm điều xấu ác, khi đó mới chết thật sự, tất cả đều sẽ bị hình thần toàn diệt không còn có sự chuyển sinh hay luân hồi nữa. Vì vậy, con người trong cõi mê này mà khởi lên một Thiện niệm, điều ấy là vô cùng trân quý.

Khi một niệm thiện xuất ra có thể trước mắt không nhìn thấy, nhưng đã có phúc báo ở tương lai rồi; còn hiện tại có thể còn thống khổ bởi vì nghiệp lực của tự thân cần được hóa giải, cần phải có thời gian hóa giải nghiệp lực đó đi, có câu “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” chính là ý nghĩa đó.


Tham khảo nguồn vi.wikipedia.org

Vân Hải

Theo NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x