Khang Hy đại đế một đời siêng năng, thận trọng, chăm lo quốc sự, với trí tuệ siêu quần và tầm nhìn xa vượt trội, ông đã chấp chính triều chính trong suốt 61 năm. Trong thời gian trị vì, ông đã thực thi một nền chính trị nhân từ, ban bố ân đức rộng khắp bốn biển, khiến cho thiên hạ xuất hiện cảnh tượng thời thịnh thế “vạn dân an khang, thiên hạ thịnh vượng.”
Là một vị Quân chủ anh minh nhất vào thời kỳ cuối của đế chế Trung Quốc, Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng việc giáo dục cho đời sau. Nhờ vậy, các hoàng tử, vương tôn đời sau của ông đều là văn võ toàn tài. Ông thực sự là nhà giáo dục vô cùng thành công trong lịch sử Trung Quốc.
Con trai ông, Ung Chính, là người đã kế thừa những lợi ích to lớn từ phương pháp giáo dục của phụ vương, ông đã đem những lời răn dạy hằng ngày của Khang Hy biên soạn thành “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế đình huấn cách ngôn.” Nhờ vậy, chúng ta hôm nay có thể phần nào thấy được nguồn gốc, trí tuệ cũng như sự thành chính và đạo tu (thân), tề (gia), trị (quốc), bình (thiên hạ) của Hoàng đế Khang Hy, cũng giúp hậu thế có được may mắn lĩnh hội “tâm pháp” dạy con của vị Hoàng đế anh minh này.
Chính kỳ thân (Sửa bản thân trở nên ngay chính)
Khang Hy vô cùng coi trọng ngôn hành cử chỉ và hành vi quy phạm của các hoàng tử, phản đối bậc gia trưởng sủng ái thái quá đối với con cái, vì thế ông có lời răn: “Nếu tiểu nhi được nuông chiều quá mức, chẳng những ăn uống không giữ được lễ tiết, mà còn không thể chịu được sự xâm lấn của nóng lạnh, như thế khi trưởng thành nếu không ngu ngốc thì cũng đần độn.”
Khang Hy cấm việc hút thuốc và uống rượu, ông không nghiện cũng không ham muốn, “Tuy trẫm không phải không biết hút thuốc, khi còn nhỏ ở nhà dưỡng mẫu, hút thuốc cũng khá lắm. Nay cấm người khác mà bản thân lại dùng, thì làm sao khiến người khác phục được? Vậy nên trẫm sẽ không bao giờ hút nữa.”
“Vốn ban đầu rượu được dùng để tế tự Thần linh, để kính dưỡng người già, để tiếp khách, để chúc mừng, công dụng của nó tuyệt đối không ít. Tuy nhiên, trầm mê trong hơi men, chẳng quản đêm ngày là không được.” “Như trẫm, có thể uống rượu mà lại không uống, từ sớm đã thành người không uống rồi. Đại để, nghiện rượu sẽ làm cho tâm chí loạn mà mê muội, hoặc sinh ra bệnh tật, thực sự không phải là thứ có lợi đối với con người.” “Đó là lý do tại sao trẫm không ngừng răn dạy các ngươi, đoạn dứt vui thú rượu chè, chính vì nó hại thân thể, loạn hành vi, chẳng phải như vậy là quá lắm rồi ư.”
Khang Hy sáng suốt chỉ ra rằng, tác dụng của rượu là để cúng tế Thần minh, kính phụng người già, tiếp đãi khách quý, bằng hữu, vì vậy việc uống rượu cần phải có chừng mực và tùy trường hợp. Một khi nghiện rượu sẽ làm tổn thương thân thể, gây họa loạn đến cử chỉ, lời nói của bản thân. Điều này hoàn toàn trái ngược với nội hàm của “văn hóa bàn rượu” đang thịnh hành ở Trung Quốc hiện đại, rất đáng để suy ngẫm.
Về vấn đề ăn mặc, Khang Hy chỉ rõ nên “hằng tự tri túc” (luôn phải tự biết đủ, tức là bằng lòng với hiện tại), đồng thời nói với các con của mình rằng “dù tôn quý như Thiên tử, nhưng y phục chẳng qua chỉ cần phù hợp với cơ thể; giàu có khắp tứ hải, nhưng mỗi ngày cũng chỉ ăn cơm, ngoài các thứ được ban thưởng, thứ dùng được cũng rất ít.”
Không khó để thấy, Khang Hy thường lấy bản thân làm gương để giáo dục các con, dùng lời để truyền dạy, dùng thân làm ví dụ răn đe, tuyệt chẳng phải là nhà lý luận suông.
Ông còn nói với các hoàng tử, “lời nói ô uế xuất ra khỏi miệng rất nhẹ nhàng, nhưng tổn hại rất lớn,” không nên nói lời xấu ác, bởi vì một lời đã nói sẽ tổn hại đức.
Về vấn đề dung mạo, Khang Hy yêu cầu con cháu “phàm đi đứng, nằm ngồi, không được ngoái đầu liếc xéo.” Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thường xuyên liếc xéo sẽ khiến người ta cảm thấy hành vi hèn mọn, không đoan trang.
Khang Hy chỉ dạy con trong từng sự việc rất chu đáo, “Thấy người tàn tật không được chế giễu,” “Gặp lúc mưa lớn có sấm sét không được đứng dưới gốc đại thụ,” “Dù ở nhà hay ra bên ngoài đều phải cẩn thận giữ sạch sẽ.” Đọc những lời này, trước mắt chúng ta bất giác hiện ra hình ảnh một bậc trưởng lão hiền từ ân cần chỉ dạy.
Trị kỳ học (Sắp xếp việc học hành)
Khang Hy rất coi trọng việc học hành của các hoàng tử, ông đích thân chọn lựa những người có nhân phẩm đoan chính làm thầy dạy học cho các hoàng tử. Khang Hy cho rằng, “Làm người đứng trên cao, thì việc dạy con tất phải nghiêm túc từ lúc còn nhỏ mới mong con giỏi.” Các hoàng tử thường thức dậy trước bình minh và học tập đến tận đêm khuya, trời nóng cũng như trời lạnh, một năm chỉ được nghỉ ngơi vài ngày. Nội dung học tập rất đa dạng, ngoài kinh điển của Mãn văn, Hán văn, còn phải học cưỡi ngựa bắn cung, thư pháp, hội họa, âm nhạc, hình học, thiên văn, bơi lội, hỏa khí, v.v.
Khang Hy cho rằng con người có năng lực học tập mạnh mẽ khi còn trẻ, vì vậy ông chủ trương giáo dục ngay từ sớm. “Con người ta lúc còn nhỏ tinh thần chuyên nhất thông lợi; sau khi trưởng thành, suy nghĩ phân tán nhảy loạn khắp.” Ông còn chỉ rõ “đọc sách cần dựa trên cái lý (hiểu biết) sáng suốt. Lý đã tỏ thì trong lòng làm chủ được, lúc đó tự khắc nhận rõ thị phi, chính tà.” Đọc sách không phải để nhồi nhét, mà để hiểu rõ đạo lý trong sách, hiểu đạo lý rồi thì tự nhiên sẽ phán đoán chính xác về thị phi, chính tà. Điều này rất khác với các phương pháp giáo dục được áp dụng phổ biến trong thời hiện đại, đa số nền giáo dục ở các quốc gia phương Tây đã xa rời truyền thống. Các trường học dưới sự kiểm soát của Trung Cộng đã trở thành nhà máy nhồi nhét văn hóa đảng cho học sinh. Điều này khiến học sinh chỉ có thể bị nhào nặn thành những người máy không thể suy nghĩ độc lập, hành động ích kỷ, cực đoan và mất đi những phán đoán cơ bản nhất về đúng sai, thiện ác.
Khang Hy chỉ ra tầm quan trọng của việc đọc cổ thi và kinh sử, đồng thời răn dạy con cháu không được đọc tiểu thuyết tạp nhiễm phù phiếm, “Không được dạy trẻ con đọc tiểu thuyết. Những thứ trong tiểu thuyết đều là phô diễn, không có trong thực tại, khiến cho người đọc tin nó là thật, những học trò hư càng không có cách học hiệu quả.” Điều này thật giống với tình trạng nghiện truyện tranh, hoạt hình và trò chơi điện tử của trẻ em trong xã hội hiện đại.
Về việc rèn luyện kỹ năng, Khang Hy động viên con cháu của mình phải có tâm dũng mãnh tinh tấn. “Nếu một người có chí kiên định không lay chuyển, dũng mãnh tinh tấn, lại trung trinh chung thủy, một chút cũng không lui chuyển, thì phàm kỹ nghệ như thế lại không thành công được sao?”
Thực tiễn đã chứng minh, phương pháp giáo dục của Khang Hy rất thành công, không chỉ bồi dưỡng nên những vị Hoàng đế kiệt xuất như Ung Chính, Càn Long, mà còn khiến cho thời thịnh thế kéo dài hơn trăm năm. Trong số các hoàng tử của ông còn có rất nhiều nghệ thuật gia, khoa học gia, tướng lĩnh và đại thần tài giỏi.
Tu kỳ tâm (Tu sửa tâm tính)
Làm người, quan trọng nhất là Thiện. Khang Hy cho rằng chỉ cần hành thiện đạo tất sẽ được Thiên thượng bảo hộ. “Con người sống trên đời, thứ cần nhất duy chỉ có làm việc thiện. Kinh sách của bậc Thánh nhân để lại vạn lời, duy chỉ mong mọi người làm điều thiện. Giáo pháp của Thần, Phật cũng là dùng thiện để dẫn dắt con người,” “Điều quan trọng nhất đối với người phàm chính là bước trên con đường hành thiện. Nếu đã thực hiện xong trách nhiệm trong ngũ luân (năm mối quan hệ theo đạo đức truyền thống gồm vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bằng hữu), lại dốc lòng hành thiện, thì trời xanh ắt sẽ chở che, ban phát điều lành.”
Khang Hy cũng chủ trương phải nhẫn nại: “Trên đời không có việc gì là không qua được, nhẫn nại một chút, thì sẽ thấy chẳng có chuyện gì.” Công phu nhẫn nại của bản thân ông cũng không hề tầm thường, Khang Hy có thể “không dùng quạt, không bỏ mão miện” trong thời tiết nắng nóng gay gắt vào tháng Sáu. Định lực như thế trong xã hội hiện đại ít ai có thể làm được.
Khang Hy dạy các hoàng tử bất cứ lúc nào cũng phải quy chính tâm niệm của bản thân, ông cho rằng “một niệm đầu nhỏ bé trong tâm, không phải là lý của trời cao, mà là do dục vọng của con người,” vì vậy cần phải “ngăn ngừa niệm xấu lúc mới nảy sinh, lúc tình còn chưa khởi.” Bất cứ lúc nào cũng phải đoạn trừ những tư niệm, dục niệm không tốt, khởi niệm phải phù hợp với đạo, “Chỉ khi tâm không bị tai, mắt, miệng và mũi chi phối, lúc ấy mới có thể an nhiên.” Nếu đã loại bỏ được những ham muốn, vọng tưởng không cần thiết trong lòng thì nội tâm tự nhiên sẽ có được sự bình an, thoải mái thực sự.
“Mọi người nếu nhất tâm khởi niệm, niệm này chính hay không chính chỉ là trong khoảnh khắc. Nếu niệm không chính, khoảnh khắc nhận biết được nó thì nhanh chóng sửa đổi lại, tự thân sẽ không rời xa khỏi Đạo.” Lý luận của Khang Hy về tu tâm tương tự với tu luyện tâm tính trong chính pháp, chính đạo, khiến người ta không khỏi cảm khái.
Chính kỳ tín (Chính lại sự thành thực)
Trong xã hội hiện đại có rất nhiều người bái Phật nhưng tựa hồ chỉ là để cầu xin Phật bảo hộ, tránh nạn trừ họa, thoát được tai ương, đỗ đạt, phát tài và sinh được con trai. Nhiều người thậm chí còn bỏ ra rất nhiều tiền để tranh giành cơ hội thắp hương trong chùa miếu, nhưng trong số ấy không có mấy người thành tâm sùng kính Thần Phật. Cách “kính Phật” như thế so với cách tạo mối quan hệ để đi cửa sau giữa chốn người thường có gì khác nhau? Thử tưởng tượng, nếu một kẻ sát nhân không việc ác nào không làm, bỏ ra hàng trăm triệu quyên cho chùa chiền, liệu Phật có khiến cho anh ta viên mãn, đắc chánh quả hay không?
Trong quá trình phát triển của lịch sử, con người đã dần quên đi nội hàm của việc kính Phật. Đối với chuyện này, Khang Hy đã răn bảo con cháu rằng: “Tâm kính quỷ, Thần, không phải vì chuyện cầu phúc tránh họa, mà để bảo toàn chính khí trên thân,” “Trẫm từ nhỏ đăng cơ, phàm lúc tế tự ở đàn miếu, lễ bái Thần Phật, lòng thành kính luôn ngự ở trong tâm.”
“Phàm nhân tồn thiện niệm, trời ắt sẽ thỏa phước lộc, đáp trả bằng thiện báo. Nay người ta hằng ngày cầm tràng hạt niệm Phật là cố ý muốn hành thiện. Nếu ác niệm chẳng trừ bỏ thì lần chuỗi tràng hạt nào có ích gì?” “Kính trọng Thần Phật, duy là ở trong tâm mà thôi.”
Khang Hy dùng lòng chân thành nhất mực để kính Thần Phật, chẳng phải vì tránh họa cầu phúc, mà để chính lại thân mình vậy. Nếu như tâm còn ác niệm, thì dù tay lần tràng hạt, miệng niệm Phật hiệu cũng có tác dụng gì đâu? Kính Phật chẳng phải là vì để cầu xin Phật mà để tu sửa niệm đầu của bản thân, loại cảnh giới này chỉ những người chân tu mới có thể đạt đến.
Kết luận
Khang Hy đại đế, bên trong là bậc Thánh, bên ngoài là vị Vua. Với trí tuệ phi phàm và lý giải sâu sắc về văn hóa truyền thống, ông đã khai sáng cho hậu thế, dạy họ quy củ, chính lại tâm chí, rèn giũa kỹ năng học tập, tăng cường rèn luyện thể chất, trải qua con đường giáo dục Trung Hoa chính thống. “Tâm pháp” giáo dục mà ông lưu lại cho hậu thế được dung hợp nhuần nhuyễn với văn hóa Thần truyền của Trung Quốc, thực sự là yếu chỉ quý giá mà con người hiện đại tìm kiếm trong giáo dục truyền thống.
(Bài viết chuyển từ zhengjian.org, có trích lược).
Nguồn tư liệu tham khảo: “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế đình huấn cách ngôn.”
Bút Canh thực hiện
Lý Mai biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Hành trình tìm kiếm sự thật
- Con người gặp nhau trên thế gian, phần lớn là sau khi cách biệt trùng trùng
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!
Rất hữu ích, rất ý nghĩa. Xin cảm ơn tác giả bài viết!