[Radio] – Những tên cướp thấy một ông lão tuổi chừng bảy tám mươi cho rằng già yếu, có thể bắt nạt được. Nhưng không ngờ, ông lão này tay không mà đánh gục tất cả bọn chúng hơn trăm tên.
Mời tỉ võ kỳ lạ
Một ngày nọ, vào những năm Gia Tĩnh đời Minh, ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc, có mấy thanh niên luyện võ thuật đã lừa một ông lão đến một nơi và khóa cổng lại. Ông lão này gầy gò yếu ớt, dường như ngay cả y phục cũng không nhấc nổi. Còn mấy thanh niên này, ai nấy đều lưng dài vai rộng, lẽ nào họ lại ức hiếp ông lão sao?
Không phải vậy, mà họ chỉ muốn thi võ với ông lão này. Ông lão tên là Trương Tùng Khê. Đừng lầm tưởng dáng vẻ thư sinh nho nhã yếu đuối của ông, ông là võ sư nổi tiếng cả một vùng.
Những những thanh niên này cảm thấy, danh hiệu võ sư này của ông chỉ là hư truyền. Nhìn cái bộ xương này, quả thực không thể nào tưởng tượng nổi tại sao ông lão có thể thành danh được mọi người kính sợ đến vậy.
Hơn nữa, họ đều từng này tuổi rồi, chưa từng thấy Trương Tùng Khê đánh nhau hay tỉ võ với ai bao giờ. Thế nên trong tâm họ ngứa ngáy khó chịu, cảm thấy, nhất định phải thử sức với ông lão này mới được. Nếu không phân định được cao thấp thì ăn không ngon, ngủ không yên.
Nhưng năm lần bảy lượt hẹn Trương Tùng Khê tỉ võ, ông lão cũng chẳng hồi âm. Thế là lần này, họ lừa ông lão đến rồi khóa cổng lại, không đánh thì không cho ông lão về.
Muốn đánh cũng được, trước tiên đánh cái này
Trương Tùng Khê biết, quyết tâm tỉ võ của những thanh niên này rất lớn, biết rằng, nếu không thử sức một phen thì những anh bạn trẻ này sẽ không cam lòng. Thế là, ông đưa ra yêu cầu, rằng trước tiên ông muốn chơi với mấy tảng đá, sau đó mới đọ chiêu thức. Ông bảo họ đem mấy tảng đá trăm cân xếp chồng lên nhau.
Vì hy vọng được tỉ võ, những thanh niên này đã tốn nhiều công sức, cuối cùng khiêng được 3 tảng đá lớn về, và đặt chồng lên nhau.
Trương Tùng Khê nói: “Tôi là ông lão thất thập vô dụng, lần này để các anh chê cười vậy”.
Nói rồi, ông lão giơ bàn tay trái lên và chém xuống chồng đá. Những thanh niên này nhìn, bỗng sợ hãi toát mồ hôi lạnh, mãi không lấy lại được thần thái. Chỉ thấy 3 tảng đá lớn, tảng nào tàng ấy bị bổ đôi ở giữa bằng chằn chặn. Lúc này, những thanh niên này mới biết, họ quả là muốn múa đại đao trước mặt Quan Công rồi. Nếu không phải là lão tiên sinh từ bi, e rằng họ còn thê thảm hơn cả những tảng đá này.
Lúc này, Trương Tùng Khê vuốt râu và hỏi: “Bây giờ các vị có thể thử chiêu thức”.
“Không, không, không muốn nữa” – Mấy thanh niên vội vàng tạ tội.
Trương Tùng Khê mặt mũi hiền từ, mỉm cười.
Tăng nhân Thiếu Lâm đòi tỉ võ
Thực ra, không phải chỉ những thanh niên này, mà thậm chí cả các cao tăng Thiếu Lâm cũng không chịu nổi một chiêu của Trương Tùng Khê.
Có một lần, Trương Tùng Khê trông thấy một nhóm tăng nhân Thiếu Lâm luyện võ, ông không nén nổi, bật cười. Các hòa thượng Thiếu Lâm biết ông là Trương Tùng Khê, liền yêu cầu tỉ võ. Từ chối không được, ông bày tỏ: “Nếu nhất định phải tỉ võ, thì phải có hương lại làm chứng, hẹn định rằng, nếu xảy ra mất mạng thì cũng không truy cứu”.
Các hòa thượng Thiếu Lâm đồng ý.
Trương Tùng Khê vẫn còn kéo tay áo ngồi ở đó, một hòa thượng liền nhảy lên tung một cú đá bay. Trương Tùng Khê hơi nghiêng người, giơ tay phẩy một cái. Chỉ một động tác đơn giản, tăng nhân kia bay đi như một viên đạn, ngã xuống đất thở thoi thóp. Các tăng nhân kinh hãi, đành chịu thua.
Những câu chuyện này được ghi chép trong sách “Ninh Ba phủ chí” vào những năm Gia Tĩnh triều Minh.
Trương Tùng Khê lợi hại như thế này, ông luyện loại công phu gì? Đó chính là Thái Cực Quyền
Có thể bạn sẽ hỏi: “Thái Cực Quyền thần kỳ như vậy sao? Các buổi sáng hàng ngày đều có rất nhiều người luyện Thái Cực Quyền ở công viên, cũng chỉ có chút hiệu quả chữa bệnh khỏe người mà thôi”.
Đúng vậy, đó bởi vì tâm pháp của Thái Cực Quyền đã thất truyền rồi. Ngày nay, người ta cũng chỉ học được nhiều nhất là các động tác quyền, luyện quyền giống như là quảng bá thể thao, còn tâm pháp của Thái Cực Quyền thì hoàn toàn không biết gì. Mà tâm pháp mới là căn bản của Thái Cực Quyền.
Nói đến tâm pháp, thì cần phải nói đến sư tổ của Thái Cực Quyền là Trương Tam Phong.
Ông lão tuổi bảy tám mươi một mình đánh bại trên trăm tên cướp
Trương Tam Phong là Chân nhân đắc Đạo trải qua các triều Tống, Nguyên, Minh, tuyệt học nổi tiếng nhất của ông là Thái Cực Quyền. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thường có viết về Trương Tam Phong là tổ sư sáng lập phái Võ Đang. Tuy nhiên, những trải nghiệm chân thực của ông còn truyền kỳ và đặc sắc hơn tiểu thuyết võ hiệp rất nhiều.
Trong lịch sử, Trương Tam Phong là người tài năng lớn thành công muộn. Năm ngoài 30 tuổi, ông mới từ biệt vợ con đi cầu Tiên phỏng Đạo, đi khắp các danh sơn cổ tự, trải qua khắp muôn núi ngàn sông. Mãi đến năm 67 tuổi, thấy thân thể đã dần dần già yếu, vẫn thấy con đường phía trước mờ mịt, vẫn chưa tìm thấy bất cứ thứ gì. Ông đã viết một bài thơ nói nên tâm tình của mình lúc bấy giờ:
Tâm mệnh hoàng hoàng diệc khả liên
Phong đăng vũ điện bức hoa niên
Bất đăng lãng uyển chung vi quỷ
Hà xứ vân phong thử ngộ Tiên
Tạm dịch:
Tâm mệnh bàng hoàng cũng đáng thương
Như đèn trước gió kiếp vô thường
Vườn Tiên chẳng đến thì thành quỷ
Chẳng biết nơi nào mới gặp Tiên
Tương truyền, Trương Tam Phong thắp một nén hương, cầu khấn Thần linh khai thị. Nén hương đó chỉ cho ông nên đi về hướng núi Chung Nam.
Năm Diên Hựu thứ nhất (năm 1314), Trương Tam Phong leo lên núi Chung Nam, thấy Hỏa Long Chân nhân đang đợi ông ở đó. Trương Tam Phong cảm kích vô vàn.
Hỏa Long Chân nhân là ai? Không ai biết về cuộc đời và lai lịch của ông. Ông mai danh ẩn tích, thế nhân chỉ biết ông là một vị Tiên cổ đại. Hỏa Long Chân nhân để lại tuyệt cú, nói rõ ông chỉ đến để độ hóa Trương Tam Phong:
Đạo hiệu ngẫu đồng Trịnh Hỏa Long
Tính danh ẩn tại Thái hư trung
Tự tòng độ đắc Tam Phong hậu
Quy đáo Bồng Lai Nhược Thủy đông
Tạm dịch:
Đạo hiệu ngẫu cùng Trịnh Hỏa Long
Danh tính ẩn trong Thái hư không
Sau khi độ được Tam Phong ấy
Trở về Bồng Lai tận biển Đông
Trương Tam Phong gặp được Hỏa Long Chân nhân ở núi Chung Nam, từ đó đắc được Đại Đạo chân truyền. Sau đó, ông đi đến núi Võ Đang, và sáng tạo ra Thái Cực Quyền.
Về quá trình sáng tạo ra Thái Cực Quyền, có 2 thuyết. Một thuyết được đệ tử đời sau của ông ghi chép trong “Vương Chinh Nam mộ chí minh” (Bài văn bia mộ Vương Chinh Nam), viết rằng: Khi Trương Tam Phong tu Đạo ở núi Võ Đang, mộng thấy vị chủ Thần của núi Võ Đang là Huyền Vũ Đại Đế đích thân truyền thụ cho ông quyền pháp thượng thừa. Thuyết thứ 2 là, Trương Tam Phong tự sáng tạo ra Thái Cực Quyền.
Sau đó không lâu, quyền pháp của Trương Tam Phong đã có chỗ sử dụng. Khi đó, Trương Tam Phong trên đường gặp trên trăm tên cướp. Những tên cướp thấy một ông lão tuổi chừng bảy tám mươi cho rằng già yếu, có thể bắt nạt được. Nhưng không ngờ, ông lão này tay không mà đánh gục tất cả bọn chúng hơn trăm tên.
Bọn chúng cũng không nhìn rõ ông lão xuất chiêu như thế nào, chỉ cảm thấy, động tác của ông lão rất mềm mại chậm rãi, nhưng những tên cướp cường tráng như bọn chúng hoàn toàn không chống đỡ nổi, tên nào tên ấy ngã nhào nằm lăn dưới đất.
Đây chính là uy lực của nội gia quyền. Võ thuật truyền thống có phân thành nội gia và ngoại gia. Ngoại gia quyền tiêu biểu là Thiếu Lâm, vang danh thiên hạ. Chùa Thiếu Lâm do có 13 vị tăng nhân dùng gậy xông vào trận cứu được Đường Vương, từ đó quyền thuật Võ Lâm được truyền bá rộng rãi. Quyền Thiếu Lâm nổi tiếng về sức mạnh cương cường dũng mãnh, ra quyền nhanh mạnh, lực lớn chiêu nặng, chủ yếu dùng để đối kháng, chiến đấu.
Nội gia quyền hoàn toàn khác quyền Thiếu Lâm, nó coi trọng hoãn, mạn, viên (từ từ, chậm rãi, tròn trịa), lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, xuất quỷ nhập thần. Kẻ tấn công vừa muốn ra tay thì đã bị ngã lăn ra đất rồi, và đều không biết là xảy ra chuyện gì, thì đã bị văng đi rồi. Đó chính là Thái Cực Quyền do tổ sư Thái Cực Trương Tam Phong sáng lập.
Đệ tử hậu thế của Trương Tam Phong là Hoàng Bách Gia đã viết trong “Nội gia quyền pháp” rằng:
Trương Tam Phong tinh thông cốt yếu của công phu Thiếu Lâm, Thái Cực Quyền của ông hoàn toàn tương phản với quyền Thiếu Lâm, và đặt tên là nội gia. Người đắc được quyền nội gia này chỉ 1, 2 phần, là cũng đủ thắng Thiếu Lâm rồi.
Bí mật Thái Cực Quyền: Bốn lạng địch ngàn cân
Tại sao Thái Cực Quyền lại uy lực vô song như vậy? Động tác của Thái Cực Quyền là hoãn mạn viên (từ từ, chậm rãi, tròn trịa), xem ra phát quyền, phát chưởng đều rất chậm, nhưng trên thực tế, bất kể là đối phương nhanh thế nào, thì Thái Cực Quyền vẫn nhanh hơn đối phương. Thoắt ẩn thoắt hiện, huyền diệu khôn lường.
Trương Tam Phong đã viết trong “Thái Cực Quyền ca quyết” rằng: “Không phải vì nhanh tay, cũng không phải vì chậm tay, mà là Thái Cực Quyền đã luyện ra được công năng Thái Cực”.
Chúng ta đều biết, trong Kinh Dịch viết rằng: “Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh 64 quẻ”. Có nghĩa là, Thái Cực là mẹ của vạn vật. Vạn vật thế gian đều từ Thái Cực mà ra.
Trương Tam Phong đặt tên cho quyền pháp này là Thái Cực, đủ thấy nội hàm của nó không tầm thường, chứa đựng Thiên cơ Đại Đạo cao xa, không phải là công phu đấu sức mạnh của người thường, mà là công năng do tu nội mà tu ra được.
Thời cổ đại gọi là pháp thuật thần thông, người hiện đại gọi là siêu năng lực, hoặc công năng đặc dị. Thế nên, Thái Cực Quyền là ý niệm chỉ huy công năng Thái Cực ở không gian khác đánh quyền. Nhìn thì có vẻ là hoãn mạn viên, thực tế nó nhanh như ý niệm của con người.
Người luyện Thái Cực Quyền có vẻ không có chút sức mạnh nào, nhưng lại dễ dàng, nhẹ nhàng đánh bật đối phương ra xa, khiến người ta thấy có hiệu quả “bốn lạng địch ngàn cân”.
Thái Cực Quyền dùng để đánh nhau thì không ai có thể địch nổi. Nhưng thực chất đó là một loại công pháp nội ngoại kiêm tu, dùng để tu luyện. Luyện được Thái Cực Quyền, thì vừa có thể chiến đấu, lại vừa có thể trường sinh, thậm chí có thể đắc Đạo thành Tiên.
Căn bản của tu nội là tu tâm. Đó chính là lý do khi bị những thanh niên khóa cổng, ép buộc ứng chiến, Trương Tùng Khê vẫn không oán trách họ, cũng không thể hiện bản sự đánh cho họ ngã lăn ra đất. Ông không những không so đo với họ, mà còn nghĩ đến khả năng chịu đựng của họ, nên chỉ giở một chiêu nhỏ, vừa đủ để họ thấy là thôi. Đó chính là bởi vì ông có tâm tính tốt, có hàm dưỡng.
Đơn truyền qua các đời
Sau này, Trương Tam Phong rời khỏi núi Võ Đang đi vân du khắp thiên hạ, Thái Cực Quyền lưu truyền trong dân gian.
Bởi vì loại quyền pháp này có yêu cầu về tâm tính người luyện quyền rất cao, hơn nữa còn cần có sư phụ khẩu truyền tâm thụ. Đạo gia không giảng phổ độ chúng sinh, mà giảng tu chân dưỡng tính, tính mệnh song tu, luyện những thứ thần thông, thuật loại, đơn truyền qua các đời. Do đó, người được chân truyền rất ít.
Trong số đó, có một nhánh truyền đến Vương Chinh Nam đời Thanh Sơ (thời kỳ đầu nhà Thanh). Vương Chinh Nam là người nhanh nhẹn nhạy bén, nhưng sau khi luyện Thái Cực Quyền, ông ẩn tàng sâu không để lộ ra. Nếu không phải gặp hoàn cảnh khốn cùng thì ông quyết không ra tay.
Trong bài văn bia “Vương Chinh Nam mộ chí minh” có ghi chép 2 câu chuyện ông đã dùng Thái Cực Quyền đẩy lùi quân địch.
Thuở trẻ, Vương Chinh Nam tòng quân. Một lần đi trinh sát ban đêm, ông bị quân địch bắt, bị trói quặt cánh tay vào chiếc cột ở hành lang. Trong điều kiện có mấy chục binh linh canh giữ, Vương Chinh Nam không biết bằng cách nào có được một mảnh gốm vỡ, ông lén cắt đứt dây trói, lấy ra nắm bạc từ trong người và ném lên trời.
Binh lính canh giữ trông thấy bạc, thì không còn để ý đến gì khác nữa, tranh nhau chạy ra nhặt. Đúng lúc đó, Vương Chinh Nam thừa cơ chạy trốn. Binh lính canh giữ vội vàng đuổi theo. Kết quả là hơn chục người ngã gục xuống đất không đứng dậy nổi, đành phải mở mắt nhìn ông chạy trốn thoát.
Còn có một lần, Vương Chinh Nam một mình đi xa, gặp 7, 8 tên lính, chúng bắt ông phải gánh đồ cho chúng. Mặc cho ông khổ sở cầu xin chúng bỏ qua cho ông, nhưng toán lính này hoàn toàn không để tâm. Đi đến trên cầu, Vương Chinh Nam vứt gánh đồ đi, bọn lính cầm đao xông đến chém ông.
Vương Chinh Nam tay không tấc sắt, nhưng vừa xuất chiêu thức ra thì bọn lính đột nhiên ai nấy ngã nhào, đao kiếm rơi xuống mặt cầu leng keng. Vương Chinh Nam cầm đao kiếm của toán lính vứt ra rất xa. Sau khi toán linh đi nhặt đao kiếm, thì Vương Chinh Nam đã chạy xa rồi.
Những năm cuối đời, Vương Chinh Nam kết giao với một trong ba nhà tư tưởng lớn thời cuối nhà Minh là Hoàng Tông Hi, và trở thành bạn thân. Cả cuộc đời, Vương Chinh nam thu nhận đồ đệ cực kỳ nghiêm khắc. Tinh túy của nội gia quyền, ông chỉ truyền thụ cho con trai của Hoàng Tông Hi là Hoàng Bách Gia.
Nhưng Hoàng Bách Gia cho đến cuối đời vẫn không tìm thấy truyền nhân thích hợp, ông khóc và nói rằng: “Ta đã phụ tuyệt kỹ của Chinh Nam tiên sinh rồi, thuật này đã trở thành khúc ‘Quảng Lăng tán’ rồi”.
Đáng tiếc thay, Thái Cực Quyền giống như khúc Quảng Lăng tán, trở thành một tuyệt kỹ đã bị thất truyền rồi.
Thái Cực chân truyền: Tìm chốn nao?
Thế nên nói rằng, Thái Cực Quyền ngày nay, các chi phái nhiều như rừng, người luyện rất nhiều, danh tiếng truyền khắp thế giới, nhưng chẳng thấy anh hùng vô địch thiên hạ nào. Điều này là bởi vì, Thái Cực Quyền lưu truyền đến ngày nay, chỉ còn lại ít chiêu thức mà thôi, trên thực tế, so với Thái Cực Quyền mà Trương Tam Phong truyền ra, thì đã khác xa một trời một vực rồi.
Bởi vì mọi người không biết rằng, Thái Cực Quyền liên quan đến tu luyện, và cũng không biết tâm pháp của nó. Ngoài ra, còn có những người thích mới lạ khác người, tùy tiện thay đổi quyền pháp chiêu thức của Thái Cực Quyền. Điều này càng nói rõ, họ hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa đích thực của Thái Cực Quyền.
Do đó Thái Cực Quyền ngày nay, mặc dù vẫn còn một số công hiệu dưỡng sinh, khỏe người và phòng ngự tự vệ, nhưng đó cũng chỉ là một chút vỏ ngoài nông cạn của Thái Cực Quyền mà thôi, không thể hiện ra được bao nhiêu uy lực, càng không thể nào đạt được hiệu quả mà Trương Tam Phong đã dùng để tu chân dưỡng tính, thậm chí đại trí đại huệ, nâng cao mục đích và cảnh giới của sinh mệnh.
Cũng có nghĩa là, trên thế giới ngày nay, Thái Cực chính tông đã hoàn toàn thất truyền rồi, đây quả là sự việc đáng tiếc, nhưng sự huy hoàng của nó một thời, khiến chúng ta cảm khái và ghi nhớ mãi, rằng trên thế giới đã từng có một câu chuyện truyền kỳ như thế này.
Trung Hòa
Theo Vườn văn sử
Nguồn: NTD Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
- Truyền thuyết dân gian: Thần Thổ Địa đứng dậy
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!