Người mẹ hiền đức có cách dạy con trở thành rường cột của nước nhà

Mẹ hiền dạy con giỏi, từ xưa đến nay, có rất nhiều chí sĩ đầy lòng nhân ái nhờ người mẹ hiền đức ngậm đắng nuốt cay dạy bảo mới trở thành rường cột nước nhà. Một phần bức tranh “Nhị thập tứ hiếu sách” do Cừu Anh thời Minh vẽ, lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)
Mẹ hiền dạy con giỏi, từ xưa đến nay, có rất nhiều chí sĩ đầy lòng nhân ái nhờ người mẹ hiền đức ngậm đắng nuốt cay dạy bảo mới trở thành rường cột nước nhà. Một phần bức tranh “Nhị thập tứ hiếu sách” do Cừu Anh thời Minh vẽ, lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

Mẹ hiền dạy con giỏi, từ xưa đến nay, có rất nhiều chí sĩ đầy lòng nhân ái nhờ người mẹ hiền đức ngậm đắng nuốt cay dạy bảo, mới dưỡng thành phẩm cách tốt đẹp, lòng mang khát vọng to lớn, biết “lo trước cái lo của thiên hạ”, có tài năng dùng lời ngay chính can gián giữa triều, trở thành kẻ sĩ hiên ngang và nhân tài rường cột của triều đại. 

Những câu chuyện được nhiều người biết đến như Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà, Nhạc mẫu khắc chữ… Nhưng đây cũng chỉ là giọt nước trong biển cả lịch sử văn minh năm ngàn năm Hoa Hạ.

Yên ổn lòng quân, mẹ Lý Cảnh Nhượng hiểu rõ đại nghĩa

Lý Cảnh Nhượng (khoảng 789 – 860), là đại thần giữa thời nhà Đường, cũng là nhà thư pháp. Ông đậu Tiến sĩ vào năm Nguyên Hòa thứ 10 thời Đường Hiến Tông (năm 815), làm quan đến chức Thái tử Thiếu bảo, Phân ti Đông Đô, được phong làm Tửu Tuyền huyện nam, lúc mất được tặng Thái tử Thái bảo, thụy hiệu là “Hiếu”.

Chính trị gia Lưu Hu thời Ngũ Đại bình luận: “Cảnh Nhượng có chí lớn, phụng sự cha mẹ hiếu thảo, nghiêm lời can gián, nói không kiêng kị”. Và thành tựu cả đời của ông chính là nhờ vào sự dạy bảo của mẫu thân.

Mẹ của ông là Trịnh thị, lúc còn trẻ đã thủ tiết, lúc đó gia đạo suy sụp, ba đứa con tuổi đều còn nhỏ. Trịnh thị phải một mình gánh vác nuôi dạy các con, còn xử lý việc nhà nghiêm cẩn.

Lúc đầu gia cảnh nghèo khó, một ngày, tường thành bên ngoài trạch viện của họ Lý sụp đổ bởi vì trời mưa, tường bên trong lộ ra rất nhiều tiền không biết được cất giấu vào lúc nào. Tỳ nữ rất vui chạy đi nói cho Trịnh thị.

Trịnh thị đi vào bên cạnh tường ngoài, đốt hương cầu nguyện nói: “Con nghe nói không làm mà hưởng sẽ dẫn đến tai họa cho bản thân, Thiên thượng nhất định là bởi vì người chồng quá cố lúc còn sống đã tích được đức hạnh nên chiếu cố mà ban số tiền này cho chúng con. Chỉ mong những đứa con mất đi phụ thân ngày sau có thể học hành đỗ đạt, đây cũng là chí hướng của chúng. Nhưng số tiền này con không dám lấy dùng”. 

Thế là bà sai người đem tiền chôn dưới đất, rồi xây bức tường lại.

Người mẹ hiền
Trịnh thị cho người đem tiền chôn dưới đất, rồi xây bức tường lại (Ảnh minh họa: fotolia)

Được Trịnh thị dạy bảo, ba người con trai của bà là Cảnh Nhượng, Cảnh Ôn, Cảnh Trang đều đậu Tiến sĩ cập đệ, đặc biệt Lý Cảnh Nhượng là người nối dõi sáng giá. Nhưng cho dù con trai đã trưởng thành, Trịnh thị vẫn không quên dạy con vô cùng nghiêm khắc, lúc bọn họ phạm sai lầm vẫn sẽ đánh đòn.

Lúc Lý Cảnh Nhượng đảm nhiệm chức Quan Án sứ Chiết Tây, một nha tướng chống lại mệnh lệnh của ông, dưới cơn nóng giận, Lý Cảnh Nhượng phạt đánh trượng đến chết. Các tướng sĩ trong quân bởi vậy tức giận bất bình, ý đồ binh biến.

Trịnh thị sau khi biết chuyện, ngồi trên đại sảnh tự mình tra hỏi chuyện này, cũng trước mặt mọi người trách cứ Lý Cảnh Nhượng: “Thiên tử trao quyền lực cho con, là để con giữ gìn một phương an ổn, tại sao con có thể dựa vào sự vui giận của bản thân để lạm sát kẻ vô tội? Nếu như dẫn đến một phương không yên, con không chỉ phụ thiên tử, cũng làm mẹ già xấu hổ nơi cửu tuyền, lấy gì đi gặp phụ thân của con?” 

Dứt lời, bà sai người hầu cởi bỏ quần áo Lý Cảnh Nhượng, dùng roi đánh lên lưng của ông.

Các tướng sĩ thấy như vậy, tiến đến xin thay. Trịnh thị không cho phép, các tướng sĩ lại cầu xin, Trịnh thị mới tha cho Lý Cảnh Nhượng. Bởi vì việc này, sự phẫn nộ trong quân mới bình ổn lại.

Cần cù thanh liêm, mẹ Trịnh Thiện Quả tự thể nghiệm

Trịnh Thiện Quả có cha là Trịnh Thành, vốn là tướng quân Bắc Chu. Lúc Trịnh Thiện Quả chín tuổi, cha ông hy sinh trên chiến trường, Trịnh Thiện Quả tập phong tước vị. Khai Hoàng năm đầu thời Tùy Văn Đế, ông được tiến phong làm Võ Đức quận công. Năm 14 tuổi, ông làm Thứ sử Quan Bái Nghi Châu, lại chuyển làm Thái thú Lỗ Quận.

Thời Tùy Dương đế, ông cùng với Thái thú Võ Uy là Phàn Tử Cái làm đệ nhất quan khảo hạch. Thời nhà Đường, ông làm quan đến chức Thái tử Tả thứ tử, được phong làm Huỳnh Dương quận công, sau nhậm chức Kiểm hiệu Đại Lý khanh, kiêm nhiệm Thượng thư Dân bộ, ông thi hành việc công theo pháp điển, rất có uy danh.

Mẹ của ông là Thôi thị 20 tuổi đã thủ tiết, là người hiền đức thông minh, làm việc kiên trì nguyên tắc, bởi vì đọc qua rất nhiều sách, cho nên hiểu được phương pháp xử lý các việc.

Lúc Trịnh Thiện Quả 14 tuổi sau khi nhận chức Thứ sử Quan Bái Nghi Châu, mỗi lần Trịnh Thiện Quả đến sảnh đường xử lý chính vụ, bởi vì lo lắng con trai còn nhỏ tuổi xử sự không thỏa đáng, Thôi thị an vị sau tấm bình phong bên cạnh lắng nghe.

Nếu như nghe được con trai phân tích hợp lý, Thôi thị vui vẻ trở lại nội đường. Nếu như nghe được xử lý công việc không công bằng hoặc tùy ý nổi giận, Thôi thị trở lại nội đường sẽ quấn chặt chăn mền và khóc, cả ngày không ăn. Lúc ấy, Trịnh Thiện Quả sẽ quỳ trước giường thỉnh tội, không dám đứng dậy.

Nhìn thấy thái độ con trai, Thôi thị liền từ trên giường, dạy bảo con: “Mẹ không phải giận con, mà là hổ thẹn với Trịnh gia thôi. Mẹ sau khi đến Trịnh gia, một mực lo liệu việc nhà, bởi vậy hiểu rõ phẩm hạnh người nhà họ Trịnh.

Người cha đã mất đi của con là một chí sĩ trung thành cần mẫn, làm quan thanh chính, chưa từng vị tư, cuối cùng dùng thân báo đền ơn nước. Mẹ hy vọng con phải giống như cha con, có phẩm hạnh như vậy. Con tuổi còn nhỏ đã thành cô nhi, mẹ lại là một quả phụ, từ ái có thừa nhưng thiếu khuyết uy nghiêm, nếu như bởi vậy khiến con không biết lễ huấn, vậy sao có thể thừa kế được phẩm chất trung thần của cha?

Mà con tuổi nhỏ đã kế thừa tước vị, làm quan đến chức Đại tướng nơi biên cương, đây chẳng lẽ là hoàn toàn dựa vào năng lực tự thân của con sao? Con sao có thể không suy nghĩ việc này mà hàm hồ chuốc thêm sự tức giận vậy? Tùy hứng mà làm, kiêu ngạo hưởng lạc, sẽ chậm trễ chính sự”.

Người mẹ hiền
Thôi thị còn thường tự mình dệt vải, mãi đến nửa đêm mới nghỉ ngơi. Một phần bức “Canh chức đồ sách” của Lãnh Mai người thời Thanh, lưu giữ tại Viện Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

Vì để con hiểu được đạo lý, Thôi thị còn tự thể nghiệm để dạy bảo. Bà thường tự mình dệt vải, mãi đến nửa đêm mới nghỉ ngơi. Lúc đối mặt với chất vấn không hiểu của con trai, Thôi thị nói cho con biết, hiện tại bổng lộc của anh ta có được là vì thiên tử báo đáp công lao vì nước quên thân của cha, cho nên phải đưa cho thân thích, để hiển lộ rực rỡ ân trạch mà cha được thưởng, không phải để một mình vợ con hưởng lấy.

“Vả lại, dệt vải xe sợi là bổn phận của phụ nữ, trên từ hoàng hậu, dưới đến là thê tử của đại phu, kẻ sĩ, đều là việc phải làm của bản thân mỗi người. Nếu như lười biếng, sẽ kiêu ngạo phóng túng. Mẹ mặc dù không hiểu biết lễ, chẳng lẽ tự làm bại hoại thanh danh của mình sao?”

Thôi thị từ lúc bắt đầu thủ tiết, thường xuyên mặc quần áo may từ lụa thô, chưa từng tùy tiện đi ra đại môn. Trong sinh hoạt cũng mười phần tiết kiệm, trừ khi tế tự tổ tiên, Thần linh, hoặc mở tiệc chiêu đãi tân khách, rượu thịt không thể tùy tiện bày lên bàn. Tất cả mọi thứ, nếu như không phải mình tự tay làm hoặc trang viên mình sản xuất, hoặc là Hoàng thượng ban cho, thì cho dù là thân thích đưa, đều một mực không cho phép đưa vào đại môn nhà mình.

Dưới sự dạy bảo của mẹ, Trịnh Thiện Quả một đời làm quan thanh liêm, không truy cầu xa hoa. Ông trong nhiều lần nhậm chức, bữa ăn đều là trong nhà mang đến, những trợ cấp do quan phủ cung cấp thì ông một mực không nhận, đều dùng để sửa chữa nha môn, phòng ốc bị hư hại và gửi đến cho đồng sự, thuộc hạ cần dùng. Tùy Dương Đế phái Ngự sử đại phu Trương Hành Tiến đến thăm hỏi, kiểm tra đánh giá công tích của ông là “thiên hạ đệ nhất”, cũng bởi vậy được trao tặng chức Quang Lộc khanh.

Văn võ song toàn, Trần Nghiêu Tư vẫn bị mẹ răn dạy

Trong khảo thí khoa cử hơn 1,300 năm ở Trung Quốc, tất cả lấy được hai vạn bốn ngàn tiến sĩ, trong khi một nhà Trần Tỉnh Hoa ở Xán Trung, Tứ Xuyên thời Bắc Tống đã có bốn vị tiến sĩ, hai người trong đó làm Trạng nguyên, ba người làm đến chức tướng.

Chủ nhân nhà này là Trần Tỉnh Hoa, từng làm quan đến chức Tả Gián nghị đại phu, khi mất được tặng chức Thái tử Thiếu sư, Tần Quốc công. Vợ là Phùng thị, được phong làm Yến quốc phu nhân. Con trai lớn của ông là Trần Nghiêu Tẩu, là Trạng nguyên đỗ năm Đoan Củng thứ 2 (năm 989) thời Tống Thái Tông, về sau làm quan đến chức Đồng Bình chương sự, Xu mật sứ, trở thành tể tướng quyền cao chức trọng.

Con trai thứ hai Trần Nghiêu Tá, là tiến sĩ xuất thân, về sau trở thành Hàn Lâm học sĩ, làm quan đến chức Xu mật phó sứ, tham gia chính sự, còn được gia phong làm Thái tử Thái sư, cuối cùng trở thành Trung thư môn hạ Đồng Bình chương sự (Tể tướng). Con trai thứ ba Trần Nghiêu Tư, là Trạng nguyên khoa Canh Tý niên hiệu Hàm Bình năm thứ 3 (năm 1000) thời Tống Chân Tông, về sau giữ chức Thiên Hùng Tiết độ sứ. Trong ba người con trai, Trần Nghiêu Tư là người nổi danh văn võ song toàn.

Ba anh em và cha trong chức vị của mỗi người đều chuyên cần chính sự, hết lòng trung thành với nước, có được thành tích không nhỏ. Chính trị gia, văn học gia Tư Mã Quang thời Bắc Tống khen ngợi một nhà Trần thị: “Ba người con trai nối gót làm tướng, cháu con đông đúc, thường dùng tài năng để khiến chức quan thêm cao quý, sắp xếp ổn thỏa trong ngoài, cho nên đương thời được xưng tụng thịnh đạt về đường hoạn lộ chính là nhà Trần thị.”

Người mẹ hiền
Ba người con trai nhà Trần thị có thành tựu như thế này, là nhờ Trần Tỉnh Hoa cùng Phùng thị phu nhân dạy bảo nghiêm cẩn, một chút không rời. Tranh vẽ “Tống Cao Tông thư hiếu kinh mã hòa chi hội đồ sách – Gián tranh chương”. (Ảnh: Tài sản công)

Ba người con trai nhà Trần thị có thành tựu như thế này, là nhờ Trần Tỉnh Hoa cùng Phùng thị phu nhân dạy bảo nghiêm cẩn, một chút không rời. Tương truyền, Phùng thị “dạy con có uy quyền kỷ cương, lúc ở nhà chính trực như băng tuyết”.

Lúc các con còn nhỏ, Phùng thị mỗi đêm đều theo các con đọc sách, nghiêm khắc đốc thúc việc học của các con. Lúc các con lớn lên có địa vị cao, Phùng thị vẫn quản giáo chặt chẽ như cũ, lấy tiết kiệm làm gốc, không cho phép bọn họ xa hoa lãng phí, phản đối việc truy cầu danh lợi. Phùng thị còn mỗi ngày dẫn đầu làm gương, mang theo ba nàng dâu xuống bếp nấu cơm.

Giữa năm Cảnh Đức thời Tống Chân Tông, Trần Nghiêu Tư nhậm chức Kinh Nam Tiết độ sứ, sau khi mãn kỳ trở về nhà, Phùng thị hỏi ông ấy có chiến tích nào ở đó nổi bật không. Bởi vì Trần Nghiêu Tư giỏi việc bắn cung, bách phát bách trúng, người đời đều cho là Thần, thường tự mình xưng nói là “Tiểu Do Cơ” (Chú thích: Thời Chiến quốc, người Sở nuôi dưỡng Do Cơ, bắn tên bách phát bách trúng), cho nên liền trả lời: “Kinh Nam là nơi giao thông trọng yếu, mỗi ngày đều có yến hội, con có lúc sẽ giương cung bắn tên làm vui, khách nhân trong lầu đều thán phục”.

Phùng thị nghe xong, khiển trách: “Phụ thân dạy bảo con phải lấy trung hiếu trợ giúp nước nhà, nhưng con lại không lấy việc nhân chính làm nhiệm vụ của mình, mà lấy chút tài lẻ khoe khoang làm vui, như vậy làm sao xứng đáng với lời dạy bảo của phụ thân khi còn sống?” 

Dứt lời, bà còn giơ quải trượng lên đánh con trai, trong lúc vô tình cũng đánh nát “kim ngư đại” do Hoàng đế ban thưởng.

Từ ba câu chuyện trong lịch sử kể trên, chúng ta không khó để thấy được rằng, trong quá trình trưởng thành của con cái, người mẹ đóng vai trò vô cùng trọng yếu. Dưới sự đồng hành của người mẹ nghiêm khắc và coi trọng việc giáo dục đức hạnh, người con làm sao có thể không ra gì?

Tư liệu tham khảo:
Liệt nữ truyện
Tùy thư – Trịnh Thiện Quả truyện
Cựu Đường Thư
Tống sử

Tác giả: Chu Hiểu Huy
Lý Tịnh Thành biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x