Lai lịch Đế Thích Thiên
Theo kinh Phật ghi chép, thời Phật quá khứ – Phật Ca Diếp tại thế, có một cô gái đến chùa lễ Phật. Xưa nay lễ Phật, cô đều chuyên tâm thành kính lễ bái. Hôm đó, lễ Phật xong, cô ngẩng đầu lên nhìn tượng Phật, thấy các lá vàng dán mặt tượng Phật bị phai màu do mái chùa bị nước mưa dột đã lâu. Nhìn quanh, cô thấy chùa cũng đã cũ nát lắm rồi. Bất giác trong lòng cô buồn rầu, thầm nghĩ: “Nếu mình có thể trùng tu lại được ngôi chùa này thì tốt biết bao. Nhưng trùng tu một ngôi chùa cần mời rất nhiều thợ thủ công đến, phải cần rất nhiều tiền, mình làm sao có được số tiền như thế được?”.
Nỗi buồn dâng lên trong tim cô. Khi đó, nhiều bạn bè và người thân quen có gia cảnh tốt hiện lên trong đầu cô. Cô nghĩ: “Đúng rồi, mình sẽ mượn tiền họ, còn có thể xem họ có nguyện ý cùng trùng tu ngôi chùa này với với mình không”.
Thế là tâm trạng cô lập tức vui vẻ trở lại. Nói làm là làm. Cô đến thăm từng nhà bạn bè người thân quen, và nói với họ rằng: “Ngôi chùa mà chúng ta hàng ngày lễ Phật đó đã cũ nát thảm hại rồi, tôi muốn trùng tu, nhưng tôi không có nhiều tiền đến thế, mọi người có thể tài trợ một chút cho tôi được không? Giúp tôi hoàn thành việc thiện này. Hoặc là tìm đến bạn bè người quen nhiều hơn nữa, chúng ta cùng làm việc thiện này”.
Mọi người nghe nói cô muốn trùng tu chùa thì ai nấy đều cảm phục dũng khí của cô, mọi người đều nói: “Đương nhiên là được”.
“Vậy chúng ta cùng nhau hợp tác trùng tu ngôi chùa này đi”.
Thế là mọi người lại tìm đến bạn bè người thân của mình, cuối cùng dưới sự chiêu cảm của cô gái này, mọi người đã tập hợp được 32 người thân bạn bè, đại bộ phận đều là nữ, cộng với cô gái này nữa là 33 người, cùng nhau bỏ tiền ra trùng tu chùa.
Họ dốc hết tiền bạc của cải của mình, dốc hết thời gian cả cuộc đời của họ, cuối cùng cũng đã hoàn thành việc trùng tu chùa. Sau đó, họ còn xây dựng một tháp Phật ở bên chùa để thờ cúng Phật.
Cô gái này sau khi hết thọ mệnh, được thăng lên Thiên giới, trở thành Thiên chủ của Đao Lợi Thiên, cai quản nhân gian và Thiên thượng. Thiên chủ Đao Lợi Thiên chính là Đế Thích Thiên được nói đến trong kinh Phật.
32 người thân và bạn bè của cô sau khi hết thọ mệnh cũng thăng lên Thiên giới, cư trú trong 32 tầng trời bên dưới Đao Lợi Thiên. Đây chính là 33 tầng trời được nói đến trong Phật giáo.
Thiên giới gần nhân gian nhất
Theo thuyết giảng của Phật gia, với núi Tu Di làm trung tâm, Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới cấu thành lên một tiểu thế giới mà Phật giáo nói đến, gọi là Tam giới. Đối ứng với phạm vi thiên thể mà khoa học hiện đại phân chia, chính là hệ mặt trời.
Cái gọi là Dục giới, là do 2 từ Dục lạc, và Giới cấu thành. Trong chữ Phạn, Dục lạc là Kama, còn Giới nghĩa là phạm trù. Từ Kama trong tiếng Anh hiện nay nghĩa là nghiệp lực. Cũng có nghĩa là, Dục giới là một phạm trù thời không chứa đầy nghiệp lực.
Theo thuyết giảng trong kinh Phật, Dục giới là do vật chất cấu thành, chúng sinh trong Dục giới lấy việc truy cầu dục lạc làm mục đích chính, do đó gọi thời không này là Dục giới.
Chúng sinh trong Dục giới chia làm 6 cảnh giới, cao nhất là Thiên nhân Dục giới, dưới là con người, dưới nữa là A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. 6 cảnh giới này cũng được gọi là Lục Đạo.
Ở cảnh giới Thiên nhân Dục giới, cũng được gọi là Dục giới Thiên. Ở trên cảnh giới của con người là Địa cư Thiên và Không cư Thiên.
Địa cư Thiên và Không cư Thiên ở đâu? Theo thuyết giảng của kinh Phật, chính là ở trên núi Tu Di. Địa cư Thiên lại chia thành Tứ Thiên Vương Thiên, và Đao lợi Thiên. Lên trên nữa chính là Không cư Thiên, nằm ở phía trên núi Tu Di, được chia thành Dạ ma Thiên, Đâu suất Thiên, Hóa lạc Thiên, Tha hóa tự tại Thiên.
Trong “Tây Phương Cực Lạc thế giới du ký” từng kể về chuyện Pháp sư Khoan Tịnh đến Thế giới Cực Lạc, khi đi đến Đâu suất Thiên, ông đã gặp sư phụ của ông là Hòa thượng Hư Vân. Mà Đâu suất Thiên chỉ là một cảnh giới trong Không cư Thiên trong Dục giới Thiên.
Trong Tam giới, Dục giới Thiên là một thời không thấp nhất so với các Thiên khác trong Sắc giới và Vô sắc giới, và cũng là tầng trời gần với con người nhất.
Dục giới là cảnh giới mà chúng sinh chưa thoát khỏi thất tình lục dục của thế tục cư trú. Tất cả các chúng sinh trong Dục giới đều có một thân thể vật chất, dùng từ ngữ khoa học nói, chính là nhục thân do các lạp tử phân tử cấu thành, có dục lạc nam nữ ăn uống, Thiên nhân cũng không ngoại lệ. Chỉ là Thiên nhân tầng giới càng cao thì dục niệm càng ít.
Tuy nhiên, nơi này thường có Phật và Bồ Tát đến giảng Pháp độ nhân, và có những người tu hành tu thành chính quả. Do đó, Dục giới còn được gọi là Phàm Thánh cộng cư địa (nơi người phàm và Thánh nhân cùng cư trú).
Nhân đạo ở dưới Địa cư Thiên, chia thành Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hạ Châu, Nam Thiệm Bộ Châu và Bắc Câu Lư Châu. Chúng sinh trong nhân đạo thiện ác song hành, nam nữ ở chung, rất nhiều dục vọng.
Dưới nhân đạo là địa ngục. Địa ngục chia thành Căn bản địa ngục, Cận biên địa ngục và Cô độc địa ngục. Trong Căn bản địa ngục lại chia thành 2 loại lớn ngang dọc: dọc có 8 đại địa ngục, gọi là Bát nhiệt địa ngục; ngang cũng có 8 đại địa ngục, gọi là Bát hàn địa ngục. Những chúng sinh trong địa ngục đều là người phạm tội Ngũ nghịch Thập ác. Chúng sinh trong súc sinh đạo đều là người ngu si đần độn. Chúng sinh trong ngạ quỷ đạo đều là người tham sân vọng niệm.
Phật giáo cho rằng, những chúng sinh có thể làm được không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu thì sẽ được chuyển sinh tứ đại bộ châu, thành người phú quý.
Vị trí mà nhân loại trên trái đất chúng ta cư trú là ở Nam Thiệm Bộ Châu của tứ đại bộ châu dưới núi Tu Di.
Cái gọi là Sắc giới chính là từ Sơ thiền Thiên đến Tứ thiền Thiên. Những chúng sinh ở thời không này do không có hình dạng nữ, và cũng không có sắc dục, nên thân thể thuần tịnh. Chỉ những người ở nhân gian tinh tấn tu hành, có đủ thập thiện mới thăng lên những tầng trời này. Nơi đây, cung điện cao lớn, hết thảy đều thù thắng mỹ diệu.
Cái gọi là Vô sắc giới, chính là thời không mà những chúng sinh không có hình thể vật chất cư trú. Nơi đây không có cung điện, cũng không có thân thể vật chất.
Phật giáo cho rằng, quả báo của Tam giới tuy có sự khác biệt tốt xấu sướng khổ khác nhau, nhưng vẫn thuộc về cõi mê. Chúng sinh trong Tam giới đều ở trong Lục đạo luân hồi, cho dù thăng lên làm chúng sinh Sắc giới hoặc Vô sắc giới, thì sau khi hưởng thụ hết phúc phận của Thiên nhân, vẫn phải tiến vào Lục đạo luân hồi.
Do đó, Tam giới cũng được gọi là biển khổ, cõi khổ. Do đó, các Thánh nhân các thời đại đề khuyên răn chúng sinh rằng, chỉ có thoát khỏi Tam giới thì mới thoát khỏi biển khổ của Lục đạo luân hồi, thì mới có được cuộc sống bất tử.
Đỉnh núi Tu Di chính là Đao lợi Thiên, là tầng trời thứ 2 của Dục giới, cũng là nơi Đế Thích Thiên cư trú.
Đế Thích Thiên là tiếng Phạn, nghĩa là Năng Thiên Đế, là vị Thần của Ấn Độ giáo, cai quản sấm sét và chiến tranh. Sau này, Phật giáo đưa ông làm Thần Hộ Pháp.
Theo thuyết giảng trong “Đại Nhật kinh sớ”, Đế Thích Thiên đầu đội mũ báu, thân đeo chuỗi ngọc, tay cầm chày kim cương, cưỡi voi trắng 6 ngà, cư trú trên núi Tu Di, xung quanh là chư Thiên và các thân quyến.
Bởi vì Đế Thích Thiên cũng trong Dục giới, nên vẫn chưa đoạn tuyệt thất tình lục dục.
Trong Kinh Phật có ghi chép rằng, con gái của Vua A tu la có dung mạo mỹ lệ, Đế Thích Thiên dùng nhiều vàng bạc châu báu để cầu hôn, còn đánh tiếng, nếu không đồng ý sẽ dùng vũ lực. Vua A tu la nghe vậy thì nổi giận lôi đình, liền tiến hành trận đại chiến với Đế Thích Thiên. Sau nhiều lần chiến đấu ác liệt, hai bên có thắng có thua, cuối cùng giảng hòa. Vua A tu la gả con gái cho Đế Thích Thiên. Đế Thích Thiên dùng nước cam lồ đề hồi đáp.
Hiện nay, nhiều phim cổ trang đều diễn về cuộc đại chiến Thần Ma nơi Tiên giới, rất nhiều khán giả cảm thấy nghi hoặc, chẳng phải Thần Tiên đã đoạt tuyệt thất tình lục dục đó sao, tại sao còn lấy vợ sinh con, lại còn xảy sinh chiến tranh đánh nhau nữa?
Những độc giả đã xem các bài viết về cuộc chiến giữa Vua A tu la và Đế Thích Thiên thì tự đã có câu trả lời. Các bạn có thể xem lại 2 bài dưới đây:
- Atula là ai? Tại sao Phật Thích Ca lấy tên của Vua Atula đặt cho con trai
- A Tu La nào có thể chống Thiên đình khiến Thiên Thần cũng e sợ
Đao lợi Thiên chỉ là tầng trời thứ 2 của Dục giới, là tầng trời gần với nhân gian nhất. Chúng sinh ở đây tuy đều là Thiên nhân, có những Thần thông cao hơn con người, nhưng vẫn chưa đoạn tuyệt thất tình lục dục, vẫn còn chưa thoát khỏi bể khổ, chỉ nhờ công đức kính Phật nên được hưởng phúc phận, được thăng làm Thiên chủ của Đao lợi Thiên. Do đó, họ vẫn lấy vợ sinh con, thậm chí tranh đấu, chiến tranh vì thất tình lục dục.
Rất nhiều người cho rằng, Đế Thích Thiên mà Phật giáo Ấn Độ nói đến, chính là Ngọc Hoàng Đại Đế mà các nước Á Đông tín phụng.
Vậy Đế Thích Thiên có phải là Ngọc Hoàng Đại Đế không?
Ngọc Hoàng Đại Đế
Ngọc Hoàng Đại Đế cũng gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Đế, Ngọc Hoàng. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Ngọc Hoàng là vị Thần tối cao cai quản hết thảy mọi thứ trong trời đất, và là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Ngọc Hoàng Đại Đế là một vị Thần Tiên cao cấp cai quản thiên hạ. Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung, quậy phá điện Linh Tiêu của Ngọc Hoàng Đại Đế long trời lở đất, do đó, mọi người đều biết Ngọc Hoàng Đại Đế cư trú ở điện Linh Tiêu.
Điện Linh Tiêu thực ra chính là Điện thứ nhất của cung Di La – Thiên cung trong Đạo giáo, cũng có nghĩa là, thuyết về Ngọc Hoàng Đại Đế là có nguồn gốc từ Đạo giáo, Ngọc Hoàng Đại Đế cũng là nhân vật trong Đạo giáo.
Tại sao mọi người đều cho rằng Đế Thích Thiên chính là Ngọc Hoàng Đại Đế?
Điều này là bởi hai vị Thần trong 2 tôn giáo khác nhau, nhưng lại có những điểm tương tự, nên dễ lẫn lộn.
Ví dụ, bất kể là 33 tầng Trời trong Phật giáo, hay Tam Thanh Thiên trong Đạo giáo, thì Thiên nhân trong các tầng Trời này đều có sự phân biệt nam nữ, đều chưa đoạn tuyệt dục vọng. Trong Phật giáo có Tứ Đại Thiên Vương, trong Đạo giáo có Tứ Đại Nguyên Soái.
Theo ghi chép trong kinh Phật, tuổi thọ của Đế Thích Thiên ở cảnh giới Đao lợi Thiên là 1000 tuổi, tương đương với 36,5 triệu năm ở nhân gian. Hơn nữa, trước khi cô gái trùng tu chùa kia thăng thiên làm Đế Thích Thiên, đã có rất nhiều sinh mệnh thăng thiên làm Đế Thích Thiên rồi.
Chúng sinh ở Đao lợi Thiên đều có tuổi thọ là 1000 tuổi, 1 ngày đêm ở Thiên thượng là 100 năm ở nhân gian. Thiên nhân ở Đao lợi Thiên thân thể cao 1 do tuần, tức 11,2 km ngày nay. Y phục họ mặc dài 2 do tuần, rộng 1 do tuần. Khi Thiên nhân chào đời, đã lớn như em bé 6 tuổi ở nhân gian, sắc thân đầy đủ, sinh ra đã mặc y phục rồi.
Trong Đạo giáo, Ngọc Hoàng được coi là vua của chư Thần, là vị Thần cực cao trong cấp bậc Thần của Đạo giáo, cư trú ở Thiên cung Kim Khuyết Di La của Hạo Thiên. Ngài có tướng mạo trang nghiêm, pháp thân vô thượng, cai quản chư Thiên, làm chúa tể vũ trụ, thi hành Đạo Trời, tạo hóa vạn vật, cứu độ chúng sinh, cân bằng Tam giới, cai quản vạn linh, tổng quản hết thảy âm dương phúc họa thập phương Tam giới. Ngài là vị Thần chí tôn của Thiên giới, là đế vương của vạn Thiên.
Theo ghi chép trong “Cao thượng Ngọc Hoàng bản hành tập kinh” của Đạo giáo, Ngọc Đế sống khoảng mười mấy tỷ năm, rất gần với tuổi vũ trụ ngày nay các nhà khoa học tính ra là 14 tỷ năm. Rất rõ ràng, thọ mệnh của Ngọc Đế vượt xa Đế Thích Thiên. Thực tế, Ngọc Đế cũng có đời này kiếp trước của Ngài.
Theo ghi chép trong “Cao thượng Ngọc Hoàng bản hành tập kinh”, thời viễn cổ có một quốc gia là Quang Nghiêm Diệu Lạc, quốc vương là Tịnh Đức, vương hậu là Bảo Nguyệt Quang. Hai vợ chồng không có con kế thừa. Vua Tịnh Đức trong lòng thầm nghĩ: “Ta ngày một già yếu, lại không có thái tử kế thừa vương vị, sau này xã tắc không có người có thể phó thác, làm thế nào đây?”
Thế là nhà vua mời Đạo sĩ vào cung. Nhà vua cho dọn sạch cung đình, bày các đồ cúng dưỡng, mỗi khi đến thời gian quy định thì thành kính cầu nguyện. Cứ thế liên tục nửa năm, không thay đổi cái tâm ban đầu.
Một đêm nọ, Vương hậu Bảo Nguyệt Quang bỗn nhiên mộng thấy Thái Thượng Lão Quân bế một đứa trẻ, ngồi xe rồng ngũ sắc, thân phát ánh hào quang, từ trên trời giáng hạ. Vương hậu cung kính lễ bái, nói với Thái Thượng Lão Quân rằng: “Đức vua ngày nay không có con trai nối dõi, xin ban cho đứa trẻ này để làm chủ xã tắc. Xin rủ lòng từ bi, xin Ngài đồng ý”.
Thái Thượng Lão Quân nói: “Như nguyện vọng của Vương hậu”.
Sau khi tỉnh dậy, Vương hậu thấy mình đã có thai. 12 tháng sau, vào giờ Ngọ ngày mồng 9 tháng Giêng năm Bính Ngọ, bà đã sinh ra thái tử. Thái tử từ nhỏ đã thông tuệ hơn người, sau khi trưởng thành, Thái tử đã phò tá Quốc vương trị sửa quốc gia. Thái tử chăm chỉ chính sự, yêu thương dân, hành thiện cứu giúp người nghèo khổ.
Sau khi Quốc vương băng hà, Thái tử bỗng cảm thấy đời người khổ và ngắn ngủi, bèn nhường ngôi cho quan đại thần, rồi vào trong núi Phổ Minh Hương Nghiêm tu Đạo, cuối cùng sơ chứng chân Đạo.
Sau khi chứng Đạo, ông làm nghề y chữa bệnh, xả thân cứu người, quảng độ chúng sinh. Trải qua 3200 kiếp, cuối cùng chứng được quả vị Kim Tiên, hiệu xưng Thanh Tịnh Tự Nhiên Giác Vương Như Lai.
Sau này, để cứu độ chúng sinh, ông lại trải qua ức kiếp, chứng được quả vị Ngọc Đế, được chư Thần vạn phương kính mến, để ông cai quản Tam giới, và được tôn là Ngọc Hoàng Đại Đế.
Trong Tây Du Ký, khi Ngọc Đế xin Phật Tổ Như Lai hàng yêu, Phật Tổ Như Lai hỏi Tôn Ngộ Không: “Mục đích ngươi đại náo Thiên cung là gì?”
Tôn Ngộ Không trả lời rằng: “Muốn làm Hoàng Đế của Thiên đình, đoạt ngôi vị của Ngọc Đế”.
Phật Tổ liền quở trách rằng: “Ngươi là con khỉ thành tinh, sao dám dối lòng, muốn đoạt ngôi vị của Ngọc Hoàng Thượng Đế?”
Tôn Ngộ Không liền hỏi: “Tại sao không thể?”
Phật Tổ nói với Tôn Ngộ Không rằng: “Ngọc Hoàng Đại Đế tu trì từ nhỏ, gian khổ trải qua 1750 kiếp, mỗi kiếp là 129600 năm. Ngươi tính xem, ông ấy đã trải bao nhiêu năm mới được thọ hưởng Vô cực Đại Đạo như thế này. Ngươi là đồ súc sinh mới thành người, sao dám nói lời cuồng vọng này?”
Nhưng Tôn Ngộ Không không nghe lời khuyên răn của Phật Tổ, kết quả bị đè dưới núi Ngũ Chỉ.
Điều đó có nghĩa là, Ngọc Hoàng Đại đế cai quản Tam giới, mặc dù là tầng cao nhất của Vô sắc giới, nhưng vẫn còn trong Tam giới. Nếu muốn chứng được chính quả, không còn luân hồi nữa, thì ắt phải nhảy ra khỏi Tam giới.
Đế Thích Thiên thành Ngọc Hoàng Đại Đế
Khi Phật Thích Ca Mâu Ni chứng Đạo, đã thông đạt tất cả diệu Đạo của bản tính vạn vật. Sau khi Đức Phật chứng ngộ vô thượng chính đẳng chính giác, 47 ngày Ngài không giảng kinh thuyết Pháp, bởi vì người thế gian hoàn toàn không biết Phật Đà đã thành tựu, cũng không có người mời Ngài truyền Pháp.
Đại Phạm Thiên Vương và Đế Thích Thiên Tôn sau khi biết chuyện đã từ trên trời giáng hạ, đã dùng hựu toàn pháp la và thiên bức pháp luân để cúng dường Phật Đà, mời Phật Đà chuyển pháp luân. Lúc này, Phật Đà mới tới Lộc Uyển bắt đầu giảng Pháp, truyền thụ cho các đệ tử.
Theo kinh Phật ghi chép, Đế Thích Thiên cư trú ở thành Thiện Kiến ở Đao lợi Thiên trên đỉnh núi Tu Di, thường cùng chư Thiên thảo luận việc thiện ác trong thiên hạ. Ông cũng là vị chủ Thần hộ Pháp của Phật giáo, là vị Thiên Vương thứ 2 trong 20 chư Thiên, là một trong 12 Thiên trấn thủ phương Đông, từng dẫn các Thiên Thần xây dựng lầu các giảng đường cho Phật Đà và các La Hán, và dâng giường chiếu và đồ ăn uống cúng dường Đức Phật và các đệ tử Phật.
Khi Phật Thích Ca Mâu Ni chuẩn bị hạ thế chuyển sinh, Đế Thích Thiên biến hóa bậc vàng thất bảo để Phật Thích Ca từng bậc từng bậc đi xuống. Khi Thế Tôn đi xuống, Đế Thích Thiên luôn ở phía trước bên trái Thế Tôn, tay cầm lọng quý, và Phạm Thiên ở phía trước bên phải cùng nhau dẫn đường cho Thế Tôn.
Sau khi Thế Tôn thành Phật, Đế Thích Thiên trở thành Thần bảo vệ của Thế Tôn. Đức Phật đã từng thăng lên Đao lợi Thiên để thuyết Pháp cho mẫu thân. Khi đó, Đế Thích Thiên tay cầm lọng quý, làm thị tùng của Đức Phật. Nghĩa là, Đế Thích Thiên của Đao lợi Thiên là nhân vật trong Phật giáo.
Trong Thần thoại xa xưa của Ấn Độ, Đế Thích Thiên cưỡi voi trắng 6 ngà, tay cầm chày kim cương, đại biểu cho Thần Sấm. Ông thông minh tài trí, có thể trong nháy mắt nghĩ hàng ngàn sự việc.
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Nguyên, Đế Thích Thiên trở thành Thần Hộ Pháp của Phật giáo, thống lĩnh tất cả Thần tộc. Thế nên dân gian mới cho rằng Ngọc Hoàng Đại Đế chính là Đế Thích Thiên. Đế Thích Thiên và Ngọc Hoàng Đại Đế là 1 vị Thần.
Năm Dân Quốc thứ 39, tức năm 1950, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đến thăm chùa Bích Vân trên núi Quan Tử Lĩnh ở Đài Loan, đi qua cung Thanh Hư, bèn vào lễ bái. Sau đó, ông đích thân viết tấm biển “Lăng Tiêu Bảo Điện” tặng. Tấm biển treo trên phía trên khám Thần. Các tín đồ sau khi nhìn thấy thì 1 truyền 10, 10 truyền 100, nhầm tưởng rằng nơi này là điện đường của Ngọc Hoàng Đại Đế, được chư Thần đến bái kiến.
Theo Xinbuxinyouni
Trung Hòa biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Hành trình tìm kiếm sự thật
- Con người gặp nhau trên thế gian, phần lớn là sau khi cách biệt trùng trùng
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!