Họa sỹ người Florence Fra Filippo Lippi khám phá các truyền thống hôn nhân thông qua bức chân dung đôi đầu tiên được sáng tác vào thời Phục Hưng Ý.
Bức tranh “Portrait of a Woman With a Man at a Casement” (Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ) của họa sỹ Fra Filippo Lippi là một bước ngoặt của hội họa Phục Hưng Ý nói riêng và nền nghệ thuật Âu Châu nói chung. Bức tranh đại diện cho một loạt những điều đầu tiên trong nghệ thuật vẽ chân dung ở Ý: Đây là bức chân dung đôi đầu tiên của Ý, là bức tranh đầu tiên khắc họa một người đang ngồi trong nhà, và cũng là bức chân dung đầu tiên có vẽ phong cảnh ở phía sau.
Được cho là để kỷ niệm một cuộc hôn nhân, tác phẩm này có thể được hiểu như một phép ẩn dụ cho tình yêu lãng mạn và là nguồn gốc của nghệ thuật vẽ chân dung.
Họa sỹ sáng tạo người Florence
Lippi (1406-1469) là một trong những họa sỹ Florence vĩ đại nhất thời kỳ Phục Hưng. Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật của ông, bao gồm chuỗi các bức bích họa công phu, những bức chân dung thế tục, và khung cảnh tôn giáo, không được biết đến rộng khắp như tác phẩm của các họa sỹ đương thời.
Lippi là họa sỹ yêu thích của các học giả trong thời đại của ông và cả thời nay. Ông được ca ngợi vì khả năng sáng tạo của mình. Nhà thơ và người theo chủ nghĩa nhân văn thế kỷ 15 Cristoforo Landino đã viết “[Các tác phẩm của] họa sỹ Fra Filippo Lippi mang nét tao nhã, cầu kỳ, và vô cùng khéo léo; ông rất giỏi trong việc vẽ bố cục, thể hiện sự đa dạng, chọn màu sắc, vẽ tranh phù điêu, và [sử dụng] đa dạng các loại họa tiết trang trí.”
Họa sỹ Lippi nhận được sự bảo trợ từ gia tộc Medici quyền lực ở Ý, và những học trò nổi trội trong xưởng của ông bao gồm con trai ông, Filippino Lippi, và họa sỹ lừng danh thế giới Sandro Botticelli.
Sau khi mồ côi cha mẹ, ông Lippi được nuôi dưỡng trong một tu viện và sau đó phát nguyện đi tu. Quá trình đào tạo nghệ thuật của ông có thể đã diễn ra lúc ông ở tu viện, nơi mà cuối cùng ông đã rời đi. Các tác phẩm thuở đầu của ông hé lộ rằng ông đã tiếp xúc với họa sỹ Masaccio, một thiên tài thời Sơ Phục Hưng Ý, nổi tiếng với phong cách nghiêm trang, giản lược, và kỹ năng vẽ không gian cùng phối cảnh vô cùng chuẩn xác.
Các sử gia nghệ thuật cũng liên kết tác phẩm của họa sỹ Lippi với nghệ thuật Hà Lan đương thời, vốn tập trung vào các chi tiết tự nhiên và hiệu ứng ánh sáng. Ngoài ra, ông cũng chịu ảnh hưởng từ điêu khắc gia Donatello, người đồng hương Florence.
Tuy vậy, họa sỹ Lippi vẫn thể hiện sự độc đáo trong các tác phẩm của mình. Dần dần theo thời gian, ông đã khám phá và kết hợp các chi tiết trang trí lộng lẫy, các bố cục không theo quy ước, sự khéo léo, ngẫu hứng và sửa đổi.
Tranh chân dung đôi
Bức tranh “Portrait of a Woman With a Man at a Casement” (Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ) là một tác phẩm cầu kỳ được sáng tác từ năm 1440, trong thập niên mà ông Lippi được xem là họa sỹ xuất sắc ở Florence.
Bức tranh này là một tác phẩm có bố cục sáng tạo, đã ảnh hưởng lớn đến nhiều nghệ sỹ khác vào cuối thế kỷ 15. Bức tranh được vẽ trên gỗ bằng màu keo trứng, một chất liệu mà các sắc tố màu được hòa trộn trong một nhũ tương tan trong nước, thường là lòng đỏ trứng.
Các học giả tạm thời xác định cặp đôi trong tranh là phu nhân Angiola di Bernardo Sapiti và ngài Lorenzo di Ranieri Scolari, kết hôn vào khoảng năm 1436. Người ta cho rằng tác phẩm này là để kỷ niệm lễ cưới, vì bộ y phục bằng nhung gấm sang trọng của người phụ nữ với viền tay áo bằng lông chồn cùng nhiều chiếc nhẫn là loại trang phục và trang sức dành cho cô dâu.
Dòng chữ “lealtà,” hay “lòng trung trinh” được thêu bằng chỉ vàng và hạt ngọc trai trên cổ tay bà, càng khiến các sử gia nghệ thuật tin rằng đây là bức chân dung về một người vợ chung thuỷ. Tuy nhiên, mục đích của tác phẩm cũng có thể là để kỷ niệm ngày sinh của một em bé.
Quý bà Angiola trong bức chân dung của họa sỹ Lippi mặc trang phục lấy cảm hứng từ thời trang Pháp. Trang phục của bà là áo choàng houppelande, một chiếc áo dài thường có thắt lưng với phần tay áo rộng buông xuống.
Áo choàng houppelande của phụ nữ quyền quý thường có viền lộng lẫy; ví dụ chiếc áo trong tranh được xếp ly theo chiều dọc. Một bức chân dung đôi nổi tiếng từ thời đầu Phục Hưng phương Bắc của danh họa Jan van Eyck, “The Arnolfini Portrait” (Chân dung gia đình Arnolfini), được vẽ sớm hơn tác phẩm của họa sỹ Lippi một chút, và bức tranh đó cũng vẽ áo choàng houppelande.
Trên tay hai người phụ nữ trong các bức chân dung này đều đeo nhiều chiếc nhẫn. Bà Angiola đeo ít nhất bốn chiếc nhẫn trên các khớp tay trên và dưới. Cách đeo nhẫn khác thường này sẽ cản trở sự linh hoạt của tay và có thể là một cách thể hiện địa vị giàu có của người phụ nữ đó.
Trong buổi diễn thuyết GemGenève “Trang sức trong tranh Phục Hưng Ý,” sử gia trang sức Amanda Triossi nhấn mạnh rằng nghiên cứu tranh chân dung có vai trò rất quan trọng để chúng ta hiểu biết về đồ trang sức trong lịch sử — cách chúng được đeo và thiết kế — bởi vì [hiện nay] có rất ít mẫu trang sức của thời kỳ đó còn tồn tại. Bà Triossi giải thích rằng mặc dù khó xác định chính xác loại đá quý trong bức chân dung, nhưng trang sức màu đen thường là kim cương, vì cách cắt và đính đá quý trong thời kỳ đó khiến chúng có màu đen.
Một ví dụ như vậy có thể được tìm thấy trong chiếc nhẫn kim cương còn sót lại từ thời Phục Hưng, hiện là một phần của Bảo tàng Nghệ thuật Walters.
Phu nhân Angiola còn đeo thêm các đồ trang sức khác, bao gồm một chiếc vòng cổ ngọc trai, một chùm ghim hoa cài áo được thiết kế theo họa tiết quatrefoil phổ biến, và một phụ kiện tóc đính ngọc trai trên tấm mạng che đầu hình sừng. Kiểu tóc buộc cao thể hiện địa vị của bà là một phụ nữ đã có gia đình.
Trái tim và đôi bàn tay
Chú rể Lorenzo trong bức “Portrait of a Woman With a Man at a Casement” (Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ) mặc trang phục màu đỏ tươi. Chiếc mũ cùng màu “berretta alla capitanesca” biểu thị địa vị xã hội cao quý của ông.
Một ví dụ nổi tiếng về chiếc mũ đội đầu này có thể được tìm thấy trong bức song liên họa (diptych) bằng màu keo trứng của họa sỹ Piero della Francesca, vẽ ngài Federico da Montefeltro và phu nhân Battista Sforza, được thực hiện khoảng 25 năm sau bức chân dung của họa sỹ Lippi.
Tay ngài Lorenzo đặt trên huy hiệu của gia tộc. Các học thuyết gần đây cho rằng chiếc huy hiệu này thuộc về người phụ nữ trong tranh, điều này làm thay đổi danh tính được đề xướng trước đó của hai nhân vật. Sử gia nghệ thuật Katalin Prajda cho rằng họ có thể là phu nhân Francesca di Matteo Scolari và ngài Bonaccorso di Luca Pitti, cặp đôi kết hôn vào năm 1444.
Trong hầu hết thế kỷ 15, vẽ người theo góc nghiêng là phong cách được ưa chuộng ở Florence. Tuy họa sỹ Lippi vẫn tiếp tục truyền thống này, nhưng ông đã vẽ thêm tay của cả hai nhân vật.
Phân tích kỹ thuật của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Met) dưới dạng quang phổ hồng ngoại (infrared reflectography) đã hé lộ số lượng thay đổi mà họa sỹ Lippi thực hiện trong quá trình hoàn thiện bức tranh, đặc biệt là hình dạng bàn tay của nhân vật.
Ban đầu, ngón tay cái của người phụ nữ đặt lên phía trên bàn tay trái và ngón trỏ tay phải của bà dài hơn. Cuối cùng, họa sỹ Lippi đã quyết định vẽ hai tay bà đặt chồng lên nhau, thể hiện rằng đây là một người phụ nữ điềm đạm.
Ban đầu, người chồng nâng một tay lên gần cằm, tạo ấn tượng về một cử động có chủ ý. Tuy nhiên, sự sắp xếp cuối cùng của họa sỹ Lippi nhấn mạnh rằng ông là người quan sát.
Thật vậy, cách bố trí nhân vật của họa sỹ, với người phụ nữ chiếm phần lớn khung tranh trong khi người đàn ông đứng ở vị trí thấp hơn bên ngoài căn phòng, nhìn qua cửa sổ đang mở, là khác thường trong tranh chân dung những năm 1400. Cảnh quan nhìn qua ô cửa sổ thứ hai cho thấy đây có thể là một phần tài sản thực sự của cặp vợ chồng này.
Căn phòng được khắc họa trong bức “Portrait of a Woman With a Man at a Casement” (Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ) gây ấn tượng bởi sự không hợp lý và thể hiện rằng họa sỹ Lippi quan tâm đến kỹ xảo tạo hình.
Keith Christiansen, Chủ tịch đã về hưu của Bộ phận Tranh châu Âu của The Met, viết trong mục danh mục của bức tranh rằng họa sỹ “đặt người phụ nữ vào không gian trong một ngôi nhà, hình dạng giống như chiếc hộp và trần nhà dốc đứng được vẽ rút gọn [theo luật phối cảnh] gợi nhớ đến những tác phẩm về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng (hay chính là tác phẩm Pazzi-Madonna của điêu khắc gia Donatello ở Bảo tàng Bode, thủ đô Berlin).”
Các đường nét trên khuôn mặt của cả hai nhân vật trong bức chân dung của họa sỹ Lippi đều được khái quát hoá. Sự thiếu đi những đặc điểm chi tiết trên gương mặt cùng phần không gian bên trong phi thực tế cho thấy mặc dù các học giả cho rằng chủ nghĩa tự nhiên Hà Lan là nguồn cảm hứng của họa sỹ Lippi, nhưng phong cách của ông vẫn mang dấu ấn rất riêng.
Một ẩn dụ thi ca
Khán giả thưởng thức bức tranh “Portrait of a Woman With a Man at a Casement” (Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ) bị thu hút bởi ánh mắt của từng nhân vật, một yếu tố quan trọng trong thơ tình thời Phục hưng.
Thật vậy, một chủ đề phổ biến trong văn học thời kỳ đó là người đàn ông lần đầu tiên bắt gặp người mình yêu bên cửa sổ. Khung cảnh này cũng thể là một ẩn dụ từ Kinh thánh. Ông Christiansen chia sẻ một câu trong Diễm ca của Solomon (2:9) về một chàng rể, được hiểu là Đấng Christ, “Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.”
Ông Christiansen cũng nhắc đến một điều đáng chú ý về kỹ thuật sử dụng bóng đổ tài tình của họa sỹ Lippi, vì người đàn ông trong bức tranh đổ bóng rõ ràng lên bức tường phía sau.
Các học giả tin rằng đây là sự ám chỉ đến một câu chuyện trong cuốn “Natural History” (Lịch Sử Tự Nhiên) của nhà văn La Mã Pliny the Elder. Trong cuốn sách này, tác giả Pliny liên hệ nguồn gốc của hội họa với [câu chuyện lãng mạn] về một người tình đang lần theo đường nét của cái bóng người mình yêu in trên tường.
Ông Christiansen viết, “Do đó, cái bóng có thể được hiểu không chỉ đơn thuần khắc họa đường nét gương mặt của người đàn ông, mà còn là một lời mời để người xem khám phá bức tranh như một ẩn dụ thi ca.”
Cho dù bức tranh “Chân dung người phụ nữ và người đàn ông bên cửa sổ” là để kỷ niệm lễ đính hôn, hôn lễ, hay sự ra đời [của con cái], thì nó đều đại diện cho khát vọng vĩnh hằng của nhân loại là lưu giữ tình yêu mãi mãi.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!