Đời người ngắn ngủi chớp mắt liền qua, tỉnh mộng ngộ Đạo về cõi Tiên

Đời người ngắn ngủi chớp mắt liền qua, tỉnh mộng ngộ Đạo về cõi Tiên
Viên Đạo cũng giống như Thuần Vu Phần, cảm thán đời người ngắn ngủi, chớp mắt liền qua, vì thế bắt đầu sinh niệm tu luyện, bỏ cõi hồng trần làm một người ở chốn Bồng Lai.

Khi thời không xảy ra sự sai biệt, tổ kiến nho nhỏ lại trở thành “Đại Hòe An quốc” khổng lồ, một cái vò gốm cũng chứa đựng càn khôn sáng tỏ. Thời không, sinh mệnh, ý nghĩa của việc làm người, đã theo những câu chuyện truyền thuyết và truyền đến con người thế gian.

Thời nhà Đường có một truyền thuyết nổi tiếng tên là “Nam Kha Thái Thú Truyện”. Câu chuyện kể rằng, tháng 9 năm Trinh Nguyên thứ 7 triều Đường, Nam bình hiệp sĩ Thuần Vu Phần cùng với một nhóm hào khách vui vẻ uống rượu thỏa thích vào ngày sinh nhật. Ông say mèm và được người khác đỡ về đến nhà, lập tức ngã xuống hành lang phía đông nhà rồi ngủ thiếp đi.

Mộng nhập tổ kiến, hiểu được đời người ngắn ngủi, tĩnh tâm ngộ Đạo

Trong mộng, Thuần Vu Phần đi đến nước Đại Hòe An, đồng thời may mắn cưới được công chúa làm vợ, trở thành Phò mã. Với sự tiến cử của Công chúa, Quốc Vương phái Thuần Vu Phần làm Thái Thú của Nam Kha, trấn thủ vùng biên cương 20 năm.

Ở nước Đại Hòe An, Thuần Vu Phần được hưởng mọi vinh hoa phú quý. Nhưng vì công cao chấn chủ, ông đã khiến cho quốc vương nghi kỵ. Về sau, người trong nước Đại Hòe An dâng sớ lên cho biết, quốc gia sẽ phát sinh đại nạn. Lúc bấy giờ người ta cho rằng tai họa là do Thuần Vu Phần đưa tới, thế là quốc vương rút đi thị vệ của Thuần Vu Phần, cấm không cho ông đi ra ngoài. Không lâu sau, quốc vương ra lệnh buộc ông trở về nhân gian.

Sau khi Thuần Vu Phần tỉnh lại, phát hiện nước Đại Hòe An chính là tổ kiến dưới gốc cây hòe. Từ điển cố này đã diễn dịch thành câu thành ngữ “giấc mộng Nam Kha”, dùng để ví von đời người như giấc mộng, được mất vô thường.

Nhân sinh như mộng, chớp mắt liền qua, nhưng cũng không phải tất cả mọi người đều bằng lòng với thực tại, trải qua năm tháng cuộc đời. Tác phẩm nổi tiếng “Thanh Tỏa Cao Nghị” của Lưu Phủ triều Tống đã ghi lại một câu chuyện khác, mặc dù cốt truyện có khác nhưng tư tưởng, ý nghĩa là tương đồng với truyền thuyết “Nam Kha Thái Thú Truyện” thời Đường.

Lạc đường tìm bạn, tình cờ gặp vị hòa thượng kỳ lạ

Thời nhà Tống, khi Viên Đạo người vùng Ích Châu vào kinh đi thi thì bị một trận bệnh nặng, suýt mất mạng. Sau khi ông khỏi hẳn thì ngày thi đã qua từ lâu. Vì thế ông buồn chán than thở không thôi. Không lâu sau đó, bạn bè mời ông cùng đi dạo chơi ngắm cảnh Tây Hồ. Nhóm sĩ tử tràn đầy phấn khởi thưởng thức cảnh xuân, cùng nâng cốc uống rượu, ca hát ngâm vịnh thơ phú với nhau, thật là vui vẻ. Trên đường thưởng thức cảnh xuân, Viên Đạo bị lạc khỏi đám bạn bè, ông đành phải một mình dạo chơi.

Viên Đạo đang dạo chơi ngắm cảnh Tây Hồ thì gặp một vị hòa thượng, vị này mời ông cùng đi đến chùa tham quan một chút. Từ Tây Hồ đến chùa không quá trăm bước thì đã đến nơi. Hòa thượng mời Viên Đạo dừng chân nghỉ ngơi ở trong sân. Nói xong, hòa thượng nằm xuống ngủ trước.

Viên Đạo nhìn thấy trong chùa có tổng cộng ba gian nhà, bên trong nhà không có thứ gì, cũng không có mùi khói nhóm lửa nấu cơm. Trong nhà duy chỉ có một cái vò gốm lớn, được một cái nón rộng vành cũ rách đậy lên. Viên Đạo thầm nghĩ: Trong vò nhất định đựng lương thực. Nhưng khi mở ra xem, lại phát hiện trong vò là cảnh một thế giới sáng tỏ, bên trong có lâu đài đình các, người ngựa qua lại giống như nhân gian. Lúc này từ trong vò truyền đến tiếng hô lớn, có người gọi tên của Viên Đạo. Viên Đạo vừa mới lên tiếng trả lời, liền phát hiện bản thân đã ở trong vò.

doi nguoi ngan ngui chop mat lien qua
Đời người ngắn ngủi chớp mắt liền qua. (Ảnh: Tài sản công)

Mộng thấy vào trong vò, trải qua cả một đời

Ở thế giới trong vò, tể tướng Lý Văn Quốc thấy Viên Đạo rất có tài năng và học vấn, nên không chỉ tiếp đón ông làm thượng khách, mà còn gả con gái của mình cho Viên Đạo. Vào kỳ thi Hương năm đó, Viên Đạo đỗ Trạng Nguyên, được triều đình trao cho chức quan to tước lớn.

Thiên Tử chuẩn bị chinh phạt Bắc Địch, Viên Đạo dâng tấu khuyên can Thiên Tử ngừng xuất chinh, cũng dâng kế lấy trung tín kết giao làm thượng sách, phái tướng quân bảo vệ biên quan là thứ sách, phái binh mai phục giám sát là trung sách, dùng Công chúa hòa thân là hạ sách, dùng tiền tài ngọc ngà tơ lụa kết giao với họ là vô sách. Thiên Tử xem xong tấu chương của ông thì rất vui mừng, hạ chiếu phong ông làm Trung Thừa.

Viên Đạo làm bề tôi triều đình, cương trực dám nói, chấn động triều chính, khiến kẻ gian tà ủ rũ khiếp sợ. Sau khi Viên Đạo được phong làm Tể tướng thì dốc lòng phụ tá Thiên Tử, người trong thiên hạ gọi ông là hiền tướng. Thiên tử muốn phế bỏ hoàng hậu, lập con gái của Mã Đắc làm hoàng hậu. Bởi vì chuyện này, ở trên triều Viên Đạo nghịch ý với vua, cạn lời khuyên can, đồng thời đoạt chiếu thư lập con gái họ Mã làm Hậu rồi ném xuống bậc thềm. Thiên Tử giận dữ, ngay ngày hôm đó cách chức Viên Đạo và đuổi đến Quỳnh Châu.

Viên Đạo nói với thê tử rằng: “Ta là một kẻ áo vải, vinh dự trở thành khanh tướng, vậy là đã đủ rồi. Hôm nay có thể may mắn không chết, ngày nào đó trở lại cố hương rồi từ quan ẩn cư, an ổn sống hết quãng đời còn lại.” Có điều, thê tử của ông nghĩ ra một kế sách, bảo ông cho sủng thần của Thiên Tử trình lên ngàn vàng, nhất định có thể trở lại kinh thành. Sau khi Viên Đạo dâng lên ngàn vàng, quả nhiên được như ý nguyện, đã được trở về kinh đô. Khi đã trở về, trên triều đình có các gián thần ngôn quan bẩm tấu với Thiên Tử, nói rằng Viên Đạo làm bề tôi trung thực, thế là triều đình lẫn nữa phong Viên Đạo làm tướng.

Khi Thiên Tử chuẩn bị huy động nhân lực chinh phạt nước Liêu, Viên Đạo lần nữa dâng tấu, lời lẽ vẫn cương trực ngỗ nghịch. Thê tử của ông khuyên ông rút ra bài học lần trước, đừng lại làm Thiên Tử tức giận, tự rước họa vào thân. Nhưng Viên Đạo tâm ý đã quyết. Kết quả, Thiên tử nổi trận lôi đình, lần nữa bãi miễn chức tướng của ông.

Sau khi Viên Đạo bị bãi tướng, chú của Thiên Tử là Ngụy Vương thường xuyên kết giao cùng với ông. Về sau Ngụy Vương làm phản, liên lụy đến Viên Đạo. Có người thừa cơ vu hãm Viên Đạo vì bị bãi chức Tướng mà sinh lòng oán hận, cho nên xúi giục Ngụy Vương làm phản. Thiên tử giận dữ, hạ lệnh chém đầu Viên Đạo. Ông bi thương từ biệt thê tử. Khi đao chém đầu đặt lên cổ ông, Viên Đạo bỗng nhiên tỉnh lại, phát hiện bản thân mình đang ở bên cạnh cái vò lớn. Quay đầu nhìn vị hòa thượng, thì thấy hòa thượng đang dụi mắt, cũng giật mình tỉnh dậy.

Tỉnh mộng ngộ Đạo, thân ở hồng trần nhưng ý niệm tại cõi Tiên

Viên Đạo nói với hòa thượng: “Hiền giả dùng huyễn cảnh này để cảnh tỉnh nhân tâm của tôi, có ý tiêu diệt dục vọng của tôi, gọi tôi sớm trở về.” Nói xong, ông hành lễ vái lạy hòa thượng và nói: “Phú quý với bần hàn, là do mệnh vậy; tâm tính, là thứ vốn có của nhục thân này. Tôi sẽ nghe theo lệnh trời, mà tồn dưỡng tâm tính bên trong.” Hòa thượng nói: “Đúng vậy.” Sau đó hòa thượng tiễn Viên Đạo ra cửa. Viên Đạo vừa đi được vài bước, quay đầu nhìn lại, vị hòa thượng và ngôi chùa đều đã biến mất không còn thấy đâu.

Ngày hôm sau, sau khi Viên Đạo tạm biệt bạn bè thì trở lại Ích Châu, từ đó cạo tóc làm hòa thượng và chuyên tâm tu hành. Ông chân tu kiền thành, cho nên được mọi người tôn trọng và quý mến, các học giả đều tìm gặp ông hỏi Đạo.

Một hôm, sau khi tắm gội thay quần áo, bỗng nhiên ông gõ trống triệu tập mọi người đến và nói: “Ta sắp qua đời, nói lời tạm biệt với các ngươi.” Ông lại viết một bài thơ ly biệt gửi cho Thượng thư Trương Vịnh, thơ rằng:

“Lai tự vô trung lai, khứ tự vô trung khứ.
Tổng thị nhẫm địa khứ, mạc yếu thác khước lộ.
Ái dân dân giai mộ, thận tắc tăng phúc hữu.
Nhược năng hành thử lộ, cộng quân nhất xử trụ.”

Tạm dịch:

Đến từ trong Vô mà đến, đi từ trong Vô mà đi.
Luôn là đi như thế, chớ có sai mất đường.
Yêu dân, dân đều mến, cẩn thận sẽ ban phúc thêm.
Nếu có thể đi con đường này, sẽ cùng ngài ở chung nơi.

Viết xong, ông buông bút rơi trên mặt đất, xếp chân ngồi tọa, lúc sau cứ thế qua đời. Trương thượng thư nghe tin ông viên tịch, đã tự mình đến phúng viếng, rạp đầu xuống đất lễ bái ông, trong lòng không thôi buồn thương than thở.

Viên Đạo được sự dẫn dắt của vị hòa thượng kỳ lạ, đã đến thế giới trong vò dạo chơi một vòng, sau khi tỉnh lại thì tâm đã ngộ Đạo. Viên Đạo cũng giống như Thuần Vu Phần, cảm thán đời người ngắn ngủi, chớp mắt liền qua, vì thế bắt đầu sinh niệm tu luyện, bỏ cõi hồng trần làm một người chốn Bồng Lai.

(Trích từ “Thanh Tỏa Cao Nghị tiền tập” quyển 2).

Đỗ Nhược thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x