Cảm ngộ Tây Du Ký (P.7): Người tiều phu tiết lộ đáp án

Cảm ngộ Tây Du Ký (P.7): Người tiều phu tiết lộ đáp án
Tranh nhân vật (4) của Hoàng Tăng thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Đường Tăng trải qua khổ nạn ở nước Bảo Tượng, Ngô Không quay về, đoàn thỉnh Kinh lại bắt đầu khởi sắc, thầy trò đồng tâm cùng nhau hướng đến Tây phương. Vì thế, các vị Thần Tiên đã vì thầy trò họ mà tạo nên cảnh sắc mới. Có đoạn thơ miêu tả như sau: 

“Khinh phong xuy liễu lục như ti, giai cảnh tối kham đề.
Thì thôi điểu ngữ, noãn hồng hoa phát, biến địa phương phỉ.
Hải đường đình viện lai song yến, chính thị thưởng xuân thì.
Hồng trần tử mạch, khỉ la huyền quản, đấu thảo truyện chi.”

Tạm dịch: 

Gió nhẹ thổi liễu tơ, phong cảnh đẹp tuyệt trần.
Thời gian giục chim hót, ấm áp khiến hoa tươi, khắp nơi hương thơm ngát.
Hải đường chim Yến đậu, là lúc thưởng thức xuân.
Hồng tía chen đua sắc, Sáo đàn dây the lụa, đấu cỏ truyền rượu vui.

Hoa hồng liễu lục, khèn ca yến múa, chính là dương khí hồi thăng, đến đâu cũng là bừng bừng sinh khí. Đoạn này miêu tả ẩn dụ đoàn thỉnh Kinh sau khi vượt qua ma nạn ở vương quốc Bảo Tượng, đang nhanh chóng đổi mới và trưởng thành, thật là một bầu không khí tươi mát trong lành.

cam ngo tay du ky 2
Bức tranh do Lãnh Mai đời Thanh phỏng theo một phần quyển tranh “Bình minh mùa xuân trong cung điện nhà Hán” của Cừu Anh. (Ảnh: Tài sản công)

Ngộ Không nhắc nhở: Trong tâm quét sạch bẩn, bên tai rửa bụi trần

Trên đường đi, đoàn thỉnh Kinh gặp phải không biết bao nhiêu lần đói ăn khát uống, sư đồ long đong vất vả, lần này đến núi Bình Đỉnh. Đường Tăng nhìn thấy ngọn núi to ngăn chặn đường đi, vội vàng dặn dò đồ đệ: “Các con cẩn thận, phía trước có núi cao, e rằng có hổ sói cản đường.”

Lúc này còn chưa xuất hiện yêu quái, vừa nhìn thấy núi cao sừng sững lởm chởm, Đường Tam Tạng trong lòng đã rất sợ hãi. Lúc đó, Ngộ Không và Công Tào trực nhật (Thần hộ pháp) đều nhìn thấy tâm sợ hãi của Đường Tăng. 

Ngộ Không lập tức cắt ngang lời của Đường Tăng: “Người xuất gia đừng nói lời tại gia. Trong lòng không có trở ngại, không có trở ngại thì sẽ không sợ hãi, tránh xa những lời nói làm điên đảo mộng tưởng? Chỉ cần trong tâm quét sạch bẩn, bên tai rửa bụi trần. Không chịu khổ trong khổ, khó làm bậc thượng nhân”.

Ngộ Không nói rất thấu đáo, tất cả phiền não, lo lắng, sợ hãi và đau khổ cũng giống như vết cáu bẩn trong tâm hay hạt bụi bên tai mà thôi. Không trải qua một số ma nạn, không chịu đựng một chút thống khổ giày vò, thì sẽ không thể nào thoát ra khỏi nhân thế.

Ngộ Không nói “bậc thượng nhân”, không phải ý tứ là nổi trội hơn hẳn mọi người, trở thành phú hào, danh nhân, mà là chỉ cảnh giới tu hành. Chỉ có buông bỏ nhớ nhung trong lòng, rời xa những suy nghĩ điên đảo thị phi, mới có thể từ trong hồng trần mà siêu thoát.

Vạn duyên đều liễu giải, mới có thể thân nhàn

Câu nói tiếp theo của Đường Tăng, lại lần nữa để Ngộ Không nhìn thấy tâm tư của ông.

Đường Tăng nhớ lại năm đó phụng chỉ Đường Thái Tông đi thỉnh kinh. Cùng nhau trải qua phong trần vất vả, dường như đi qua khắp cả núi sông của nhân gian, nhưng vẫn không gặp được Phật Tổ. Lúc này ông cũng mong ngóng, lúc nào thân thể mới được thanh nhàn? Cũng chính là nói, trong tiềm thức của ông, bắt đầu e ngại con đường thỉnh kinh dài dằng dặc, bắt đầu hướng tới sự thanh nhàn của nhân gian.

cam ngo tay du ky 3
Ngộ Không cho rằng, một khi tu thành chính quả, khi đó ma nạn và thống khổ sẽ hết, tự nhiên cũng sẽ thanh nhàn. Tranh “Nhàn rỗi” do Trang Viện đời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Ngộ Không nghe xong, cười ha hả nói: “Sư phụ muốn thân nhàn, có khó gì? Nếu như công thành rồi, vạn duyên đều hết, mọi pháp đều không. Lúc đó, tự nhiên sẽ như vậy, chẳng phải là thân nhàn sao?”

Ngộ Không cho rằng, muốn thanh nhàn có khó khăn gì. Một khi tu thành chính quả, bất kể thiện duyên, ác duyên, cũng mặc kệ nợ nghiệp, phiền phức, đến lúc đó tất cả đều cùng nhau chấm dứt, khi đó ma nạn và thống khổ cũng hết, tự nhiên sẽ thanh nhàn!

Đường Tăng bất đắc dĩ, lại tỏ ra vui vẻ, tạm quên đi sự sợ hãi và lo lắng trong tâm.

Cỏ gai đầy rẫy, Long mã nan hành

Từ khi ra khỏi nước Bảo Tượng, trên đường ăn gió nằm sương, sức chịu đựng của Đường Tăng một lần nữa lại đến hạn độ, khảo nghiệm mới lại sắp giáng xuống rồi.

Lúc đó, trong tiểu thuyết có một loạt miêu tả ngoại cảnh, như phụ họa cho tâm cảnh của Đường Tăng, đó là cảnh giới như thế nào?

Chỉ nhìn thấy “Dê đàn ngựa hoang chạy như thoi, giảo thỏ sơn ngưu như bày trận. Núi cao che chắn nhật đẩu tinh, lúc gặp quái thú cùng sói xám. Cỏ gai rậm rạp ngựa khó xông, làm sao đến Lôi Âm kiến Phật?”

Trong tâm của Đường Tăng đầy rẫy những tạp niệm rắc rối, ngăn trở bước tiến của Long Mã, làm sao có thể nhanh chóng đến Lôi Âm tự, bái kiến Phật Đà đây?

Ngộ Không nhìn thấy nhân tâm của Đường Tăng, Công Tào trực nhật (Thần hộ pháp) cũng nhìn thấy nhân tâm của Đường Tăng. Vì để nhắc nhở ông không nên vì tạp niệm và tâm sợ hãi mà ngăn cản con đường tiến lên, thế là Công Tào bèn biến hóa thành người tiều phu.

Công Tào hóa thành tiều phu, nhắc nhở Đường Tăng tu tâm bỏ chấp trước 

Đúng lúc này, thầy trò vừa tới một chỗ đường rất khó đi, bỗng nhiên nhìn thấy một người tiều phu đang đứng trên sườn đồi, trên tay cầm một chiếc rìu thép sắc bén, đang chặt củi khô.

Công Tào chọc thẳng vào nỗi sợ hãi của Đường Tăng và thẳng thừng cảnh cáo: “Trong núi này có một bầy yêu ma quỷ quái, chuyên ăn thịt những người từ đông sang tây như các ông.”

Thần Hộ Pháp chẳng những đã cảnh báo trước, còn đặc biệt thể hiện rõ một phen, nên vượt quan như thế nào? Bài thơ có câu rằng: “Cầm rìu thép mài mau cho bén, củi khô chặt xong bó gọn gàng.” Hàm ý rằng, nhân tâm mà nặng nề cũng giống như cành củi khô quắt kia, phải lấy dao chặt đứt nó, bó lại thật chặt, rồi sớm làm củi đốt, mới có thể “trong tâm thản đãng”, “bốn mùa thuận hòa”.

Đáng tiếc là Đường Tăng vừa nghe nói có yêu quái muốn ăn thịt mình, thì sợ đến mức hồn bay phách lạc, trong lòng lo lắng, vội vàng kêu đồ đệ đi tìm hiểu tình hình.

Người tiều phu tấm lòng thanh bạch – Ngộ Không tỏ lòng tôn kính

Lần xuất hiện này của Ngộ Không, không giống như trước đây. Lần trước, mỗi lần Ngộ Không xuất hiện đều lộ rõ thần khí trời sinh, cũng mang theo thái độ kiêu ngạo của hậu thiên. Cho nên trên đường Tây Du, Ngộ Không khi chào hỏi mọi người, thường là: “Lão tôn ta”, “Ta là ông ông ngoại ngươi”, “Ta là Tề Thiên Đại Thánh”… rất tự cao tự đại.

Thế nhưng lần này, Ngộ Không lại lịch sự gọi người tiều phu đốn củi là “Đại ca”, điều này trong “Tây Du Ký” quả thực là hiếm thấy.

cam ngo tay du ky 4
Công Tào trực nhật (Thần hộ pháp) cũng nhìn thấy nhân tâm của Đường Tăng. Vì để nhắc nhở ông không nên vì tạp niệm và tâm sợ hãi mà ngăn cản con đường phía trước, thế là Công Tào bèn biến hóa thành một người tiều phu. Tranh nhân vật (4) của Hoàng Tăng trong nhân vật cố sự 6. (Ảnh: Tài sản công)

Trong đối đáp của Ngộ Không và người tiều phu, sẽ cảm thấy rõ ràng phong thái không giống nhau: Ngộ không rắn rỏi khí khái mà hấp tấp, người tiều phu trầm ổn từ tốn. Tinh thần người tiều phu là cao quý thanh bạch, ngay cả Ngộ Không cũng cảm nhận được, không ngăn nổi cảm xúc kính trọng, từ đáy lòng mà gọi ông là “Đại ca”

Người Tiều phu chỉ rõ đáp án vượt quan

Nhìn cách ăn mặc của người tiều phu: 

“Đầu đội nón lá cũ mèm,
Trên thân một chiếc áo đen cũ xì.
Dù là nón lá cũ mèm
Vẫn dùng che nắng quả lạ kỳ;
Áo đen vui với phận rồi quên lo
Người như thế quả hiếm ghê.
Cầm rìu thép mài mau cho bén,
Củi khô chặt xong bó gọn gàng.
Trên đầu gánh cả sắc xuân,
Bốn mùa vẫn cứ thong dong như vầy;
Nhìn kìa dáng vẻ thanh nhàn,
Đúng là chẳng có việc gì bận tâm.
Đến già chỉ thuận tự nhiên,
Thì sao vinh nhục làm gì được ta.”

Người tiều phu đội chiếc mũ cũ nát, thân mặc chiếc áo màu đen cũng đã cũ sờn, nhưng con người của ông toát lên khí chất không màng danh lợi, nhìn thấy trên đầu có cả sắc xuân, dáng vẻ thì thật thanh nhàn.

Nhìn ông, khiến người ta cảm thấy sự thong dong hòa thuận của bốn mùa xuân hạ thu đông; trong tâm của ông thản đãng, cảm giác như tất cả đều vượt trên những ham muốn tầm thường.

Đoạn miêu tả này cũng ẩn chứa câu trả lời về việc vượt quan của Đường Tăng. “Cầm rìu thép mài mau cho bén”, cầm chiếc rìu lên để chặt bỏ những tạp niệm và chấp trước trong tâm, mới nhanh chóng thể hiện được bản tính trong sáng tiên thiên. Tùy kỳ tự nhiên, đừng để vinh nhục ở trong lòng, thì không khó khăn nào có thể ngăn cản bạn tiến về phía trước.

Đáng tiếc là lúc này Đường Tăng đã không hiểu được sự điểm hóa của Thần linh, không kịp thời trừ bỏ tạp niệm và tâm sợ hãi trong lòng. Tiếp theo, Đường Tăng đã bị đại vương Kim Giác, Ngân Giác bắt đi, và việc gặp nạn trên Bình Đỉnh sơn đã trở thành điều không thể tránh khỏi.

Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ 
Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x