Nhục thân kim cương bất hoại của các cao tăng đắc Đạo

Nhục thân kim cương bất hoại của các cao tăng đắc Đạo
Kể từ thời đầu Phật Pháp truyền về phương đông, lịch sử đã nhiều lần chứng kiến sự kỳ diệu của người tu luyện đắc Đạo tại nhân gian. (Ảnh: Vmenkov7, CC BY-SA 3.0)

Kể từ thời đầu Phật Pháp truyền về phương Đông, lịch sử đã nhiều lần chứng kiến sự kỳ diệu của người tu luyện đắc Đạo tại nhân gian.

Ngàn năm rồi lại ngàn năm, biết bao huyền tích và Thần thoại như dòng chảy xuyên suốt nền văn hóa Thần truyền. Vô số câu chuyện về người tu luyện đắc Đạo thành Tiên, tu thành chính quả vẫn luôn được lưu truyền trong dân gian. Nhưng càng đến thời cận đại, con người lại càng mê trong vật chất hiện thực mà phủ nhận thần tích của người xưa.

Cho dù các bậc Thánh nhân trong lịch sử đã hiển hiện biết bao kỳ tích, như: bạch nhật phi thăng, thân hóa cầu hồng, thần thông đại hiển, vũ hóa thăng thiên… thì hậu thế lại chỉ cho là truyền thuyết, là tưởng tượng viển vông hão huyền. Rất ít người suy nghĩ sâu xa: Nếu hoàn toàn là điều hư vô, thì sao có thể truyền thừa suốt mấy ngàn năm không ngưng nghỉ?

Ngắm nhìn những bức bích họa huy hoàng trong hang động, người hiện đại không ngớt lời tán thán: “Cổ nhân thật xuất sắc khi khắc họa hình tượng Phật vĩ đại, thể hiện Phật quốc rực rỡ muôn màu”. Nếu cho đó là tưởng tượng viển vông, vì sao cổ nhân có được sức tưởng tượng và trí sáng tạo phong phú đến như vậy?

Khi xem xét xá lợi tử của Phật Đà, có người đắn đo: Phải chăng xá lợi tử là xương hoặc răng của Phật? Nhưng người bình thường sau trăm tuổi lâm chung, vì sao không có xá lợi tử, mà chỉ riêng những bậc cao tăng đắc Đạo mới có?

Rất nhiều người không quản ngàn dặm xa xôi đến danh sơn thắng địa để chiêm ngưỡng nhục thân bất hoại của các vị cao tăng. Được tận mắt chứng kiến thân thể vẫn như đang còn sống, sắc mặt và da thịt vẫn hồng hào như đang ngủ, người ta không khỏi kinh ngạc và tán thán sự thần kỳ. Tuy nhiên, vì sao nhục thân của những vị cao tăng không bị thối rữa, vì sao không tàn lụi như cây cỏ hoặc hóa thành bụi đất?

Kỳ thực, nếu có thể nhảy thoát khỏi cái khung hạn hẹp của khoa học và nhìn nhận từ góc độ tu luyện, chúng ta có thể lý giải sự tồn tại của những thần tích này, từ đó khám phá ra chỗ ảo diệu lớn nhất của sinh mệnh: Tu luyện có thể cải biến thân thể vật chất của con người.

Như Lai thuyết Pháp (Tranh vẽ thời Bắc Tống)
Như Lai thuyết Pháp (Tranh vẽ thời Bắc Tống)

Nhục thân kim cương bất hoại

Vào những năm cuối thời Tào Ngụy, ở Dĩnh Xuyên có một thiếu niên tên là Chu Sĩ Hành. Chu Sĩ Hành mong cầu thoát tục nên xuất gia làm tăng, lấy Pháp hiệu là Bát Giới. Ông nhất tâm dốc lòng nghiên cứu kinh Phật, trong lúc học tập kinh điển, vì cảm thấy bản dịch có nhiều đoạn tối nghĩa khó lý giải, ông liền quyết chí đi tìm cầu chân kinh. Đường sang tây vô cùng gian nan khó nhọc, bản thân Chu Sĩ Hành đã phải trải qua biết bao gian khổ, ròng rã suốt 20 năm trời mới thực hiện được ý nguyện ban đầu.

Chu Sĩ Hành băng qua sông Lưu Sa đi mãi, đi mãi về phía tây, tới khi đến nước Vu Điền ở Tây Vực thì tìm được bộ kinh thư chính bản bằng tiếng Phạn, tổng cộng có 90 chương. Ông quá đỗi vui mừng, liền phái đệ tử đem kinh thư trở về thành Lạc Dương. Nhưng lúc ấy, các tăng chúng ở Vu Điền đã ngăn cản và tấu lên quốc vương: “Có vị sa môn người Hán đến đây làm loạn kinh điển, xin bệ hạ mau mau ra lệnh cấm”.

Quốc vương nước Vu Điền tin lời cáo trạng nên không còn nghe lời giải thích của Chu Sĩ Hành nữa. Chu Sĩ Hành không còn cách nào khác, đành xin quốc vương cho đốt kinh thư để chứng minh tấm lòng trong sạch của mình. 

Quốc vương đồng ý và hạ lệnh chất đống củi trước đại điện. Trước khi châm lửa đốt, Chu Sĩ Hành ngẩng mặt lên trời khấn rằng: “Nếu Phật Pháp nên lưu truyền sang đất Hán, xin Đức Phật từ bi gia trì để kinh thư không bị lửa thiêu đốt. Nếu không phải Thiên ý, vậy xin Thượng Thiên cứ tùy ý xử trí”. 

Quả nhiên, đến khi lửa đã tắt mà kinh Phật một chữ cũng không tổn hại, vẫn nguyên vẹn như ban đầu. Những người chứng kiến đều cho là thần tích và hiểu rằng Thần đã ưng thuận để Phật Pháp truyền về phương Đông. 

Các đệ tử lĩnh ý sư phụ đem kinh Phật về Lạc Dương, còn Chu Sĩ Hành vẫn ở lại Vu Điền, đến năm 80 tuổi thì viên tịch tại Tây Vực.

Sau khi Chu Sĩ Hành viên tịch, các tăng nhân đem di thể của ông đi hỏa táng. Nhưng mặc dù củi đã cháy hết, di thể của ông vẫn nguyên vẹn như trước. Tăng nhân ai nấy đều kinh ngạc, bèn chắp hai tay hợp thập và niệm rằng: “Ngài dù đắc Đạo thì thân thể cũng nên tan hủy, bất tất phải làm kinh động thế gian như vậy?”.

Sau đó xương cốt và thi thể của Chu Sĩ Hành ứng nghiệm mà tan. Câu chuyện này nhanh chóng truyền về Trung Nguyên, trở thành điển cố “thân Kim Cương bất hoại” lưu truyền suốt ngàn năm.

Nhục thân bất hoại là ý chí của các bậc đắc Đạo, có thể tùy tâm mà biến hóa. Cao tăng Chu Sĩ Hành đã triển hiện thần tích thân Kim Cương, sau đó nghe thấy lời tụng niệm của tăng chúng liền ứng nghiệm mà tan, khiến người ta thán phục sự thần kỳ của tu luyện. 

Thần tích của Phật Đà (Tranh bích họa ở Đôn Hoàng)
Thần tích của Phật Đà (Tranh bích họa ở Đôn Hoàng)

Xá lợi tử Phật Đà

Thời Tam quốc, Phật Pháp thịnh hành ở khu vực phía nam của Giang Đông. Khởi nguồn của câu chuyện ấy chính là cuộc gặp gỡ giữa Tôn Quyền và một tăng nhân tên là Khương Tăng Hội.

Vào niên hiệu Xích Ô năm thứ mười (năm 247), hòa thượng Khương Tăng Hội muốn quảng truyền Phật giáo ở Giang Đông, bèn cầm cây tích trượng đến Kiến Nghiệp – kinh đô của nước Ngô (nay là Giang Tô, Nam Kinh). Ngài dựng một lán nhà nhỏ ở nơi cỏ mọc um tùm, ngày ngày cúng thờ tượng Phật. Người nước Ngô lần đầu tiên thấy trang phục của hòa thượng, cảm thấy rất kỳ quái, liền hoài nghi cho đó là quái nhân.

Có vị quan viên bẩm tấu với Tôn Quyền: “Có quái nhân không rõ từ đâu đến, tự xưng là sa môn, bộ dạng và phục sức của ông ta không giống như người bình thường, xin bệ hạ cho quân lính tiến hành kiểm tra”

Tôn Quyền nói: “Trước đây Hán Minh Đế mộng thấy Thần minh, hiệu xưng là Phật. Sự việc trong bản tấu hôm nay lẽ nào lại là di phong của Ngài chăng?”. 

Sau đó Tôn Quyền triệu kiến hòa thượng Khương Tăng Hội đến và hỏi về Phật Pháp. Khương Tăng Hội đáp: “Như Lai Phật Tổ nhập diệt đã ngàn năm, xá lợi của Ngài không biết đã lưu lạc đến địa phương nào. Năm xưa A Dục Vương cho xây tám vạn bốn nghìn tòa tháp, chùa chiền hưng thịnh, ấy là sự giáo hóa mà Phật Pháp di lưu lại”

Tôn Quyền cho rằng vị sa môn này thốt ra toàn những lời khoa trương, liền nói với ngài: “Nếu quả thật có thể tìm được xá lợi của Như Lai, trẫm nhất định sẽ xây tháp thờ Phật. Nhưng nếu nhà ngươi nói hươu nói vượn, trẫm sẽ trừng trị theo quốc pháp”.

Khương Tăng Hội thỉnh cầu Tôn Quyền cho mình thời hạn bảy ngày, sau đó ngài nói với các môn đệ: “Phật Pháp ở đất Ngô hưng hay phế chính là nằm ở việc này”

Ngài cùng với các môn đệ quét dọn sạch sẽ thiền phòng, sau đó đặt một chiếc bình đồng lên trên bàn và thành kính đốt hương quỳ bái, thỉnh cầu Phật Tổ ban cho xá lợi. Đến kỳ hạn bảy ngày, thiền phòng vẫn lặng yên không có tiếng động. Khương Tăng Hội lại xin được gia hạn thêm bảy ngày, nhưng bảy ngày sau mọi việc vẫn y như trước.

Tôn Quyền tức giận cho rằng vị sa môn kia dối gạt mình, toan định tội. Khương Tăng Hội vẫn bình tĩnh xin nhà vua cho thêm bảy ngày, Tôn Quyền dù không thật sự tin tưởng nhưng vẫn phá lệ đáp ứng cho ngài. Khương Tăng Hội nói với các đệ tử: “Phật Pháp như mây, che phủ hết thảy, vốn nên ứng vận mà giáng. Nhưng chúng ta không cảm thụ được thì sao có thể cầu được khoan dung đây? Ta nguyện lấy cái chết để tỏ rõ lòng mình, nếu như vẫn không được ban cho xá lợi, ta nguyện lấy mệnh bồi hoàn”.

Kỳ hạn bảy ngày lần thứ ba sắp hết, chờ đến lúc chạng vạng tối vẫn không thấy gì ứng nghiệm. Các đệ tử ai nấy đều kinh hoảng sợ hãi, tiếp tục quỳ bái cầu nguyện. Đến canh năm, đột nhiên trong bình có tiếng leng keng, Khương Tăng Hội bước lên xem, quả nhiên là xá lợi của Phật Tổ.

Sáng sớm ngày hôm sau, Tôn Quyền đích thân đến xem xét. Ông nhấc chiếc bình lên và đổ hạt xá lợi ra một chiếc đĩa bằng đồng. Xá lợi vừa chạm vào, chiếc đĩa đồng lập tức vỡ. Tôn Quyền mặt biến sắc, trong lòng không khỏi kính sợ, bèn nói: “Đây là điềm lành hiếm thấy!”. 

Khương Tăng Hội bước lên và nói: “Thần uy của xá lợi không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài. Dùng lửa thiêu đốt cũng không thể khiến nó cháy, dùng chùy lớn làm bằng kim cương mà đập cũng không thể khiến nó vỡ vụn”.

Tôn Quyền lệnh cho người đặt xá lợi trên chiếc bệ sắt, rồi sai đại lực sĩ dùng lực đập mạnh xuống. Cả bệ sắt và chùy sắt đều lún xuống đất, nhưng xá lợi lại không bị tổn hại chút nào.

Tôn Quyền vô cùng thán phục, từ đó luôn cung kính và thành tín trước Thần Phật. Ông lập tức hạ lệnh xây dựng miếu tháp, đó cũng là tòa Phật tự đầu tiên ở Giang Nam, mệnh danh là Kiến Sơ Tự.

Tranh vẽ đại đế Tôn Quyền nước Ngô(Ảnh: Một phần trong bức “Cổ đế vương đồ” của Diêm Lập Bổn, đời Đường)
Tranh vẽ đại đế Tôn Quyền nước Ngô(Ảnh: Một phần trong bức “Cổ đế vương đồ” của Diêm Lập Bổn, đời Đường)

Nhục thân Bồ Tát ở Cửu Hoa Sơn

Núi Cửu Hoa là danh sơn Phật môn trứ danh, nơi đây khí hậu ẩm ướt, nhiều mưa và sương mù. Hàng ngàn năm qua, Cửu Hoa Sơn đã xuất hiện 14 pho nhục thân bất hoại của các vị cao tăng. Vì sao thân thể của các tăng nhân đắc Đạo không hề thối rữa và có thể trường tồn cùng thời gian? Thần tích ấy là điều vượt qua khỏi tri thức nông cạn của người thường chúng ta.

Núi Cửu Hoa vốn là Cửu Tử Sơn, nơi đây có tổng cộng chín tòa núi tạo thành hình dạng như đóa sen. Thế núi khởi lên từ bờ đông sông Trường Giang, cao và dốc như bị dao cắt, đứng sừng sững như vươn ra ngoài bầu trời. Trong vòng hơn ngàn dặm bao quanh đều là núi cao đỉnh lớn, thế núi điệp điệp trùng trùng, trở thành thánh địa của Phật giáo.

Trải qua nghìn vạn năm, nguyên khí ngưng kết, phong thủy hội tụ, Cửu Hoa Sơn đã trở thành tấm bình phong bảo vệ cho thành Nam Kinh, vì thế có sáu triều đại đã chọn vùng đất gần Hoa Sơn làm nơi xây dựng kinh đô. 

Vương tử Hàn Quốc vượt biển đến Cửu Hoa Sơn

Vào những năm Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông, có một vị tăng nhân vượt biển từ Tân La (nay là Hàn Quốc) đến Trung Thổ. Ngài chính là Kim Kiều Giác (Kim Kyo-gak), Pháp hiệu Địa Tạng, xuất thân từ hoàng tộc của vương triều Tân La. Ngài có tấm lòng nhân từ, thiên tư dĩnh ngộ, nhưng tướng mạo lại có vẻ hung dữ, thân cao bảy thước, khí lực mạnh mẽ có thể sánh với sức mạnh của hơn một trăm người hợp lại.

Năm 24 tuổi, Kim Kiều Giác xuống tóc xuất gia, ngài mang theo một con chó trắng, từ nước Tân La vượt biển tới. Dọc đường ngài đã phải vượt mọi chông gai, trèo đèo lội suối, nếm trải mọi gian truân, cuối cùng mới đến được đất Phật. Khi ngắm nhìn những đỉnh núi kỳ vĩ của dãy núi Cửu Hoa, ngài đã quyết định chọn sơn cốc làm nơi tu hành.

Có lần, Pháp sư Địa Tạng bị một con vật có độc cắn làm cho bị thương, nhưng ngài vẫn ngồi ngay ngắn thiền định, trong tâm thanh tịnh, không khởi lên bất cứ ý niệm gì. Bỗng một nữ nhân xinh đẹp, dung mạo như Tiên nga bước về phía ngài và cung kính hành lễ: “Đứa bé trong nhà không hiểu biết nên đã xúc phạm đến tôn nhan, tôi nguyện ý dâng tặng ngài nước suối để bù đắp cho lỗi lầm của cháu nhỏ”

Vị nữ nhân vừa dứt lời, quả nhiên từ khe đá chảy ra tiếng nước róc rách. Tương truyền, Thần Tiên trên núi là một vị nữ Thần, và dòng suối nói trên chính là Long Nữ Tuyền nổi danh ở Cửu Hoa Sơn.

Pháp sư Địa Tạng phát nguyện chép bốn bộ kinh Phật. Ngài đến Nam Lăng đúng lúc có vị Du Đãng Đẳng Nhân đã sao chép xong bốn bộ kinh Phật, Đẳng nhân bèn dâng sách tặng cho ngài. Pháp sư Địa Tạng liền mang những bộ kinh Phật này về núi, từ đó không còn đặt chân vào trần thế nữa.

Một bộ cà sa, chín tòa núi

Đương thời, chủ nhân của Cửu Hoa Sơn là Mẫn Công, còn gọi là Văn Các lão nhân. Mẫn Công yêu thích hành thiện tích đức, thường cúng dường tăng nhân, mỗi lần như thế ông đều làm cơm mời một trăm nhà sư, nhưng lần nào cũng còn một chỗ trống. Thấy vậy, Mẫn Công bèn lên núi mời Địa Tạng pháp sư đến tham dự.

Khi nhân duyên đủ đầy, Pháp sư Địa Tạng bèn thỉnh cầu Mẫn Công bố thí cho một khoảnh đất để tu hành. Mẫn Công đáp ứng, Pháp sư Địa Tạng bèn tung chiếc áo cà sa lên không trung, bóng của chiếc áo cà sa bao phủ tất cả các đỉnh núi của Cửu Hoa Sơn. Mẫn Công vô cùng cảm phục trước Pháp lực vô biên, trong tâm hoan hỉ, liền vui vẻ cúng dường cả vùng núi Cửu Hoa cho ngài.

Vào những năm đầu Chí Đức, một người tên là Gia Cát Tiết dẫn thôn dân lên núi Cửu Hoa. Giữa rừng núi thăm thẳm tịnh không một bóng người, chỉ thấy mây trắng bàng bạc, mặt trời thong dong. Đoàn người tiến vào trong sơn động, họ phát hiện Pháp sư Địa Tạng đang nhắm mắt tĩnh tọa, trên đất có một chiếc đỉnh đã gãy chân, trong đỉnh đựng một ít gạo trắng trộn lẫn với bạch thổ. Thì ra, thường ngày Pháp sư ăn uống đơn sơ đạm bạc đến như vậy.

Bách tính hương thân thấy Pháp sư tu hành gian khổ, trong lòng vừa cảm động vừa hổ thẹn, họ xót xa quỳ xuống đất bái lạy mà nước mắt cứ không ngừng tuôn rơi. Sau đó mọi người kêu gọi bạn bè cùng góp sức xây dựng một thiền tự cho ngài. Trong đoàn, người chặt cây, người xây nhà, người đào suối dẫn nước, người đóng bảng khắc biển hiệu cho chùa. Chẳng bao lâu sau, thiền tự nhờ có hương dân ủng hộ mà sáng rực một góc trời.

Thiên thời địa lợi, mưa gió thuận hòa, thiền tự cuối cùng cũng hoàn thành, ấy cũng là nhân duyên tác hợp cho Pháp sư Địa Tạng phổ truyền Phật Pháp. Các đệ tử theo ngài tu hành càng ngày càng đông. Khi người dân nước Tân La nghe tin, họ cũng lần lượt vượt biển đến Cửu Hoa Sơn, tu hành theo môn hạ của Pháp sư Địa Tạng.

Họ là những môn đệ từ xa lặn lội đến, chỉ mang theo lòng tín Phật, không mang theo tiền tài. Pháp sư Địa Tạng đào lên một tảng đá bên hồ nước rồi nghiền vụn ra thành bạch thổ. Loại đất này có hương vị giống như bột mỳ, cung cấp cho tăng đoàn làm lương thực dự trữ. Mùa hè, sư đồ ăn cơm trộn với bạch thổ, mùa đông, sư đồ cùng kiếm củi đốt lửa để giữ ấm trong tiết trời giá lạnh.

Trong chùa không phân già trẻ, người người cày ruộng, gieo hạt, chẻ củi, mọi nhu cầu sinh hoạt đều cần tự cung tự cấp. Vì cuộc sống tu hành gian khổ, nên những môn đồ nơi đây được thế nhân sùng kính và cảm phục, gọi là “khô cảo chúng” (những người khô héo).

Vào những năm cuối đời, Pháp sư Địa Tạng đích thân bện sợi đay thành áo. Áo sợi đay vô cùng dày và nặng, vừa làm áo mặc, vừa làm chăn đắp. Đồng thời, ngài dựng một đài điện ở bên cạnh hồ nước để thờ bốn bộ kinh thư, trên đài điện ngày ngày đều nghi ngút khói hương, ngài ngồi đó một mình đọc kinh Phật.

Một sớm viên tịch, thân như còn sống

Vào mùa hè năm Trinh Nguyên thứ 19 (năm 803) thời Đường Đức Tông, đại sư triệu tập các đệ tử đến để nói lời từ biệt. Các đệ tử nghe tin, nhất thời bối rối không biết nên làm gì, chỉ nghe thấy đá trên núi phát ra tiếng động, sau đó cự thạch rơi xuống, chiếc chuông lớn trong tự viện cũng lặng lẽ rơi xuống mà không tạo thành tiếng. Pháp sư Địa Tạng ngồi kiết già viên tịch trong chiếc hòm gỗ, năm ấy ngài 99 tuổi.

Ba năm sau, các đệ tử chuẩn bị rước hài cốt của Pháp sư vào điện thờ trong tháp. Nhưng khi vừa mở nắp hòm gỗ, chúng đệ tử kinh ngạc phát hiện diện mạo của Pháp sư vẫn hệt như khi còn tại thế. Nhấc nhục thân của ngài lên, nghe thấy các khớp xương phát ra tiếng động giống như tiếng dây xích bằng vàng. Ngày nay, thân xá lợi Kim Cương bất hoại của Pháp sư Địa Tạng được thờ cúng trong Hộ Quốc Nguyệt Thân Bảo Điện trên núi Cửu Hoa.

Tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát (Ảnh chụp thời nhà Thanh)
Tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát (Ảnh chụp thời nhà Thanh)

Pháp sư Địa Tạng là thái tử tôn quý của nước Tân La, ngài đã ở Trung Thổ tu hành 75 năm, sau này viên tịch ở Cửu Hoa Sơn. Trong cuộc đời tu luyện của mình, ngài đã viết rất nhiều bài kệ, trong đó còn lưu truyền hai tác phẩm là “Thù huệ mễ” và “Tống đồng tử hạ sơn”, được ghi chép trong “Toàn Đường thi”.

Bài thơ thứ nhất “Thù huệ mễ” kể rằng, ngài đã từ bỏ thân phận cao quý, từ bỏ phú quý vinh hoa, mang theo đạo tâm kiên định vượt đại dương đến Trung Thổ tu hành. Đứng trước Phật Pháp, người người đều bình đẳng, vương tử tôn quý cũng không khác gì đại chúng, cuộc đời tu luyện phải chịu đói, chịu rét, trải qua biết bao gian khổ. Cuối bài thơ là lời cảm tạ mọi người mang gạo đến, giúp ngài quên đi những cơn đói trước đây.

Thù huệ mễ

Khí khước kim loan nạp bố y
Tu thân phù hải đáo hoa tây.
Nguyên thân tự thị hoàng thái tử,
Mộ đạo tương phùng hà dụng chi
Vị cảm khấu môn cầu địa ngữ
Tạc thao tống mễ tục thần xuy
Nhi kim xan thực hoàng tinh phạn,
Phúc bão vong tư tiền nhật cơ.

Tạm dịch:

Thù huệ mễ

Bỏ lại kim loan, mặc chiếc áo vải chắp vá
Tu thân, vượt biển, đến Trung Hoa ở phía tây
Bản thân vốn là hoàng thái tử
Mộ đạo tương phùng, còn cần chi
Chưa dám gõ cửa xin người bản địa
Hôm qua được tặng chút gạo, sớm hôm sau thổi cơm
Bữa ăn hôm nay ăn cơm hoàng tinh
Bụng no rồi, không còn nghĩ tới cơn đói ngày kia.

Bài thơ thứ hai “Tống đồng tử hạ sơn” được viết trong lúc ngài đưa tiễn tiểu đồ đệ xuống núi để trở về nhà. 

Tống đồng tử hạ sơn

Không môn tịch mịch nhữ tư gia,
Lễ biệt vân phòng hạ Cửu Hoa.
Ái hướng trúc lan kỵ trúc mã,
Lãn ư kim địa tụ kim sa.
Thiêm bình giản để hưu chiêu nguyệt,
Phanh mính âu trung bãi lộng hoa.
Hảo khứ bất tu tần hạ lệ,
Lão tăng tương bạn hữu yên hà

Bản dịch trong “Hợp tuyển văn học cổ điển Hàn Quốc”:

Vắng vẻ Không môn cháu nhớ nhà,
Bái biệt tăng phòng xuống Cửu Hoa.
Thích cưỡi ngựa tre bên giậu trúc,
Ngại nơi đất Phật đãi kim sa.
Bên khe gánh nước vời trăng đến,
Trong ấm pha trà cợt bóng hoa.
Thanh thản mà đi đừng nhỏ lệ,
Thầy nay bầu bạn với yên hà.

Bản dịch của Văn Minh Chu:

Cửa Không vắng lặng chú nhớ nhà,
Lễ biệt phòng tu xuống Cửu Hoa.
Thích hướng hiên tre phi ngựa trúc,
Lười nơi Đất Phật đãi vàng sa.
Thêm bình khe đáy trăng nằm vẫy,
Hãm nõn trà bình nghỉ ngắm hoa.
Đẹp ruổi đâu cần luôn lệ sạ,
Tăng già bạn với ráng mây cà.

Bài thơ là lời giãi bày tâm tư của Pháp sư dành cho chú tiểu nhỏ tuổi trước giờ chia tay. Mỗi ngày trong chùa đều tịch mịch, tiểu đồ đệ nhớ nhà, quyết định rời khỏi Cửu Hoa Sơn. Tiểu đồ đệ thích những trò chơi con trẻ, thường hay chơi cưỡi ngựa ở hàng rào trúc, vì không chịu được cuộc sống thanh tu nên xin sư phụ cho phép trở về với gia đình.

Địa Tạng pháp sư dặn đi dặn lại đồ đệ rằng: Sau này, khi múc nước ở bên khe suối, con không nên chơi mò trăng trong nước, khi pha trà, cũng không nên khuấy nước trong chén chơi hoa. Con cứ yên tâm xuống núi, đừng khóc nữa, cũng đừng lo cho ta. Ta nào có cô đơn? Mây trời cùng với cảnh đẹp núi non đều có thể cùng ta bầu bạn.

Lời thơ bình hòa dễ hiểu, nhưng chúng ta lại có thể cảm nhận được cuộc sống thường ngày giữa hai sư đồ. Sư phụ từ bi bao dung, đồ đệ ngây thơ tinh nghịch. Đối với những trò nghịch ngợm của đồ đệ, sư phụ không khiển trách, mà chỉ lấy hồi ức hài hước để an ủi lúc chia ly.

Tu luyện là siêu thường, hoàn toàn không hư ảo

Địa Tạng pháp sư là nhục thân Bồ Tát sớm nhất và trứ danh nhất ở Cửu Hoa Sơn. Nhưng vẫn còn rất nhiều vị cao tăng có nhục thân Bồ Tát, ví dụ như Vô Hà hòa thượng, hòa thượng Đại Hưng, hòa thượng Từ Minh, tỳ khưu ni Thích Nhân Nghĩa Sư Thái, Minh Tịnh pháp sư và Ngô Vân Thanh lão nhân, v.v. 

Những nhục thân bất hủ này đều có đặc điểm chung là: không bị hủy hoại, trường tồn bất hủ cùng thời gian. Điều này có nghĩa là, người tu luyện có mang theo năng lượng siêu thường, hoàn toàn không bị giới hạn trong pháp lý của nhân gian.

Từ giác độ tu luyện mà xét, nhục thân của các vị cao tăng được cấu thành từ vật chất cao năng lượng, vì không chịu sự chế ước của thời không ở nhân gian, do đó mới có thể trải qua thời gian lâu dài mà không mục nát. Từ đó có thể thấy: Tu luyện là siêu thường, hoàn toàn không hư ảo.

Nhục thân kim cương bất hoại của các cao tăng đắc Đạo
Chân thân của thiền sư Huệ Năng (Ảnh chụp trước năm 1960)

Trước lúc viên tịch, vị cao tăng Vô Hà hòa thượng niệm bài kệ: 

“Ta đi rồi hình hài hưởng thọ hơn 100 năm,
Thân ảo gầy khô mà pháp thân phình ra.
Tinh thần cao quý trên trời còn với tới được,
Cảnh tượng thế gian con người xa lắm rồi.
Khách đến hỏi ta quy về phương nào,
Hết Đông đến Xuân lại thấy hoa mai nở”. 

Một người bình thường sẽ không thể biết trước sự việc 100 năm sau này, cũng không thể đạt được thân Kim Cương bất hoại. Tu luyện vốn là điều siêu thường, là siêu xuất khỏi cảnh giới của phàm trần để đạt đến cảnh giới của bậc giác ngộ. Nhưng muốn đạt đến cảnh giới đó, thì không thể dựa vào khoa học hay tri thức ở nhân gian, mà chỉ có tu luyện!

Minh Hạnh
Theo Huệ Minh – Sound of Hope

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x