Tổ tiên tích đức hành thiện, con cháu được hưởng phúc báo

tích đức hành thiện đắc phúc báo Minh Chân Tướng
Cổ ngữ nói “tích thiện dư khánh” là chỉ những nhà tích đức làm việc thiện thì phúc báo sâu dày, con cháu đều được hưởng ân trạch. (Ảnh: Tài sản công)

Cổ ngữ nói “tích thiện dư khánh” là chỉ những nhà tích đức làm việc thiện thì phúc báo sâu dày, con cháu đều được hưởng ân trạch. Dưới đây là những câu chuyện ghi chép trong cổ tịch liên quan đến đường thi cử và công danh.

Đối đãi với người khác hết lòng, đời sau được hưởng phúc ấm  

Thời Tống có một thư sinh tên Tiêu Ái Đường, bởi vì sinh kế khó khăn nên không thể đi thi lấy công danh, bèn dựng một trường tư ngay tại phố thị gần đó, tập hợp một số trẻ nhỏ và dạy chúng đọc sách. Tiêu Ái Đường còn biết y thuật, cũng thường thường xem bệnh cho người ta, có khi gặp phải người nghèo khó tìm đến chữa bệnh, anh chẳng những không thu tiền xem bệnh mà còn xuất tiền cho người ta mua thuốc. Bởi vậy, mọi người ở gần đó đều rất tán thưởng anh, khen anh không chỉ là một “người thầy giáo tốt” mà còn là “một thầy thuốc giỏi”.

Có một năm, vùng này mất mùa, trường học phải đóng cửa, Tiêu Ái Đường sau khi dọn dẹp xong chỉ mang theo bảy lượng bạc về nhà. Trên đường, anh nhìn thấy một người đàn bà ôm con khóc rất thương tâm, hỏi một chút mới biết được họ đã ba ngày không ăn thứ gì rồi. Đúng lúc cùng đường mạt lộ, anh liền đem toàn bộ bảy lượng bạc cho người đàn bà này.

Nghèo khổ Minh Chân Tướng
Tiêu Ái Đường đem toàn bộ bảy lượng bạc cho người đàn bà nghèo khổ này. (Ảnh: Epoch Times)

Tiêu Ái Đường về đến nhà, lúc này trong nhà chỉ còn lại ba thăng đậu nành để duy trì sinh hoạt. Đang lúc định nấu cơm, một cụ già họ Trương sát vách nghe nói anh trở về, liền đến mượn lương thực, nói rằng trong nhà đã ba ngày không nấu gì rồi. Tiêu Ái Đường lập tức đem phân nửa đậu nành đưa cho cụ già. Tiêu Ái Đường an ủi người nhà, nói: “Nếu như mệnh chúng ta không đến con đường chết, tự có trời trợ giúp, giữ lòng tốt, làm việc thiện, nhất định sẽ có kết quả tốt”. Quả nhiên, ngày hôm sau có người giàu có nọ lo lắng bệnh tình nghiêm trọng đi tìm thầy thuốc, Tiêu Ái Đường liền chữa trị cho họ. Người giàu có liền mang chút bạc đến, thế là nhà họ Tiêu vượt qua được cửa ải khó khăn.

Đến năm sau, Tiêu Ái Đường có được một người con, đặt tên là Tiêu Quản, anh đích thân dạy con đọc sách. Tiêu Quản thiên tư mẫn tuệ, thông hiểu nhiều thứ, 16 tuổi tham gia thi hương, đạt được hạng nhất, 22 tuổi đậu Trạng nguyên. Người trong thôn tới Tiêu gia chúc mừng, đều nói: “Tiêu Ái Đường cả đời làm việc thiện, quả nhiên thiện có thiện báo”. Tiêu Ái Đường vô tư trợ giúp người khác, vỏn vẹn bảy lượng bạc cũng đem giúp người khác; ba thăng đậu nành, chia phân nửa cho người ta; thuốc tốt cách hay, tùy duyên cứu người, có thể thấy được là dùng một tấm lòng thành đối đãi với người khác hết lòng hết dạ.

Rộng tích việc thiện, tên đề bảng vàng 

Bành Định Cầu sống vào thời Thanh, người Trường Châu (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô), thích đọc sách Thánh hiền, kính tín Thần Phật, chú trọng phẩm hạnh tu dưỡng. Ông từ nhỏ thường đọc các sách hay liên quan đến việc tu hành và nhân quả, ngày thường thích làm việc thiện, không chỉ có bản thân làm việc thiện, còn khuyên những người chung quanh làm theo. Về sau, ông còn đem loại sách hay này đề là “Nguyên Tể tất đọc thư”, không phải vì đọc cuốn sách này có thể làm Trạng nguyên, Tể tướng, mà là Trạng nguyên và Tể tướng không thể không đọc loại sách này.

Tu dưỡng tích đức Minh Chân Tướng
Bành Định Cầu thích đọc sách Thánh hiền, kính tín Thần Phật, chú trọng phẩm hạnh tu dưỡng. (Ảnh: Epoch Times)

Cha của Bành Định Cầu là Bành Lung, đảm nhiệm chức Tri huyện Trường Ninh (nay là Tân Phong, Quảng Đông), Bành Định Cầu ở nhà chăm sóc mẹ. Bành Lung làm quan thanh chính, vì bách tính làm rất nhiều việc thiết thực, khiến dân chúng rất cảm phục. Bởi vì ông bản tính liêm chính, trung thực, không chịu a dua nịnh hót, khiến Tri phủ tức giận, cuối cùng bị bắt giam oan uổng. Bành Định Cầu năm đó 23 tuổi, trèo non lội suối hơn bốn mươi ngày mới đến được Trường Ninh thăm cha. Anh đi khắp nơi, tìm cách giải oan cho cha, mọi người chung quanh đều cảm động trước tấm lòng hiếu thảo thành thực này. Bành Lung nhờ đó có thể bình an mà rửa sạch oan uổng.

Bành Định Cầu thi đậu Hội nguyên, vào năm Khang Hy thứ 15 lại đỗ Trạng Nguyên. Không lâu sau, ông đảm nhiệm chức quan cư chú, theo hầu Khang Hy Hoàng đế giảng kinh luận sử, hộ tống hoàng đế tham gia các hoạt động lớn, ghi chép sổ sách. Ông học thức uyên bác, chú tâm nghiên cứu ý nghĩa đạo lý trong tu luyện, nghiêm ngặt phụng giữ quy phạm đạo đức truyền thống, giảng thuật sự tích Thánh hiền tam giáo Nho, Phật, Đạo, dẫn dắt mọi người hướng thiện. Ông thường cùng người khác đàm luận đạo lý và nhân quả báo ứng, đề xướng rộng khắp, truyền bá hữu ích để nhân tâm hướng thiện, khiến rất nhiều người nhận được lợi ích. Bành Định Cầu sau khi thi đậu Trạng Nguyên ra làm quan, vẫn ngày ngày đọc sách Thánh hiền, giúp thể xác lẫn tinh thần đều đoan chính, đền đáp thánh điển quốc gia, tạo phúc bách tính.

Về sau, cháu trai Bành Định Cầu là Bành Khải Phong lại lần nữa lần lượt thi đậu Hội nguyên, Trạng nguyên, nhận chức Hàn Lâm viện Tu soạn, sau nhậm chức Tả Đô Ngự Sử, Binh bộ Thượng thư .v.v. Ông tuân theo chí hướng tiên tổ, đề xướng văn giáo, dùng lời nói thẳng để can gián, cứu tế nạn dân. 

Nhà họ Bành thiện báo chẳng dứt, nhiều người trúng cử, mấy đời phú quý hiển vinh. Người lúc ấy nói rằng đây là báo ứng nhờ Bành gia mấy đời tích lũy việc thiện, cũng lấy hành động của mình để khuyên người khác làm việc thiện. Lễ bộ Thượng thư Kê Hoàng tán thưởng ông cháu Trạng nguyên của Bành gia: “Nhân gian văn phúc vô song phẩm, Chiêu đại khoa danh đệ nhất gia” (ý là phúc về đường văn trên chốn nhân gian không có nhà thứ hai, đây là nhà đệ nhất làm rạng danh đại khoa).

Giữ vững lương tri, trong lòng còn có thiên lý 

Diêu Văn Điền thời Thanh, là người Hồ Châu, Chiết Giang. Tết Nguyên Đán năm Kỷ Mùi niên hiệu Gia Khánh, một người đồng hương của ông mộng thấy đến chỗ quan phủ, nghe được lời truyền nói: “Trạng Nguyên trên bảng vàng ra rồi!”. Lúc này cửa son mở ra, hai quan lại mặc trang phục màu đỏ, trong tay cầm cờ vàng đi ra, đuôi cờ có bốn chữ : “Nhân tâm dị muội, thiên lý nan khi” (lòng người dễ mê mờ, thiên lý khó coi thường). Người này sau khi tỉnh lại, không hiểu ý nghĩa của giấc mơ là gì.

Không lâu sau, Diêu Văn Điền thi đậu Trạng nguyên, có người đem giấc mộng này nói cho ông. Diêu Văn Điền trầm tư hồi lâu, đột nhiên bừng tỉnh nói: “Đây là lời nói của cao tổ đã qua đời của ta rồi!”.

Tích đức hành thiện Minh Chân Tướng
Diêu Văn Điền trầm tư hồi lâu, đột nhiên bừng tỉnh nói: “Đây là lời nói của cao tổ đã qua đời của ta rồi!”. (Ảnh minh họa: Bảo tàng cố cung Đài Bắc/Epoch Times)

Năm đó cao tổ nhậm chức Đề hình ở Hoàn Giang, trong ngục có hai người bị người khác vu cáo, hãm hại mà phán tội chết, cao tổ tra ra chuyện này không có chứng cứ, chuẩn bị phóng thích hai người, lúc này người vu cáo đưa cho ông hai ngàn lượng bạc, thỉnh ông nhất thiết phải phán hai người kia án tử hình. Cao tổ nói: “Lòng người dễ mê mờ, thiên lý khó coi thường. Nếu như ta cầm tiền tài mà giết oan người vô tội, thiên lý bất dung!”. Thế là kiên quyết cự tuyệt việc nhận tiền tài, cuối cùng đem hai người nhận tội oan kia phóng thích. Chữ trên đuôi cờ, chẳng lẽ là chuyện này sao?

Sau khi Diêu Văn Điền thi đậu Trạng nguyên kế nhiệm chức Hàn Lâm viện Tu soạn, Tả Đô Ngự Sử, Lễ bộ Thượng thư .v.v., ông tự đề câu đối trong thư phòng viết: “Thế thượng kỉ bách niên cựu gia, vô phi tích đức; Thiên hạ đệ nhất kiện hảo sự, hoàn thị độc thư”. (Nghĩa là: Trên thế gian gia phong mấy trăm năm một mực tích đức; Khắp thiên hạ chuyện tốt nhất vẫn là đọc sách). Hai từ “cựu gia” ở đây là để chỉ nhà có gia phong, nhà có gia phong đọc sách cũng được người đời xưng là “thư hương môn đệ”, “không tham xa xỉ, có nền nếp thanh sạch”. Diêu Văn Điền thường xuyên đảm nhận vị trí quan chủ khảo trong các kì thi cử, mà mỗi lần ông đều dán lên hai bên cổng lớn trường thi câu đối bắt mắt: “Khoa trường vũ tệ giai hữu thường lộng, cáo tiểu nhân vô quyến pháp võng; Bình sinh liễn tiết bất thông nhất tự, giới chư sinh hốt thính phù ngôn”. Ý là: “Chốn trường thi việc gian lận thường xảy ra, bảo cho kẻ tiểu nhân không được phạm vào phép tắc; Ngày thường câu cú không thông một chữ, răn các học trò chớ nghe lời phù phiếm”, thể hiện làm quan thanh liêm, một thân chính khí.

Tổ tiên của Diêu Văn Điền không chỉ vì đời sau tích nhiều phúc đức, cũng vì đời sau lưu lại gia phong liêm chính, trong sạch, ngay thẳng và truyền thống làm việc thiện. Ông trước lợi ích không hề động tâm, không hại oan người vô tội, quả nhiên “ngẩng đầu ba thước có Thần minh”, thiên thượng cho phép con cháu ông có được phúc báo hiển đạt, khiến đời sau được hưng thịnh, cũng di phúc trăm năm về sau. 

Quả thực, Thiên lý đang cân nhắc hết thảy, đạo đức và lương tri mới là điều quan trọng nhất để làm người.

Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch từ: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x