‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 8: Ngô-Việt tranh bá (Phần 3)

tieu dam phong van minh chan tuong
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Phù Sai tranh bá thất bại, Câu Tiễn dấy binh phạt Ngô.

Lời bạch: Năm 484 TCN, môn đồ của Khổng Tử là Tử Cống đi sứ sang bốn nước Tề, Ngô, Việt, Tấn, khiến vận mệnh của năm quốc gia được cải biến. Lần này nước Ngô phạt Tề cứu nước Lỗ, giành được thắng lợi to lớn, khiến tâm tranh bá của Phù Sai cũng càng bức thiết hơn. Là lão thần tiền triều, Ngũ Tử Tư luôn coi nước Việt là họa lớn trong tâm, thắng lợi lần này ông đánh giá thế nào? Câu Tiễn làm thế nào để chiến thắng nước Ngô hùng mạnh?

Phù Sai từ lâu đã không hài lòng Ngũ Tử Tư. Khi Ngô-Việt chiến tranh, Ngũ Tử Tư đã từng ngăn cản Phù Sai và Câu Tiễn giảng hòa, sau đó ông lại ngăn cản Phù Sai cho Câu Tiễn trở về cố quốc, lại ngăn cản Phù Sai xây đài Cô-Tô, lại ngăn cản Phù Sai nhận Tây Thi, bây giờ lại ngăn cản Phù Sai phạt Tề. Phàm là những việc Phù Sai làm, chưa có việc nào mà Ngũ Tử Tư ủng hộ. Cho nên nói Phù Sai đối với Ngũ Tử Tư cuối cùng đã chán ghét đến mức không thể chịu đựng được nữa.

Khi Câu Tiễn đã có đủ binh khỏe ngựa tốt, chuẩn bị báo thù, còn Phù Sai vì tranh bá Trung Nguyên, đã nhiều lần dùng binh với các nước ngoại bang. Dựa vào ghi chép “Sử ký: 12 nước Chư hầu Niên biểu”, năm 489 TCN Phù Sai thảo phạt nước Trần, năm 487 TCN đánh nước Lỗ, năm 485 phạt Tề, năm 484 lại một lần nữa cứu nước Lỗ phạt Tề. Đây là lần thứ nhất trước khi Phù Sai xuất binh, Ngũ Tử Tư ngăn cản ông rằng, nước Tề là bệnh ghẻ, bệnh nấm, cũng chỉ là bệnh ngoài da. Nước Việt mới là hiểm họa từ bên trong, nhất định phải giải quyết vấn đề nước Việt trước, rồi mới đi chinh phạt nước Tề, bằng không thần e rằng đại họa lập tức giáng xuống nước Ngô.

Phù Sai khi đó nổi cơn thịnh nộ, ông ta nói rằng lão tặc, ngay tại lúc ta muốn xuất binh, lại nói ra những lời xui xẻo như thế! Theo cách nói cổ xưa, già mà chưa chết gọi là “tặc”, từ cách nói trên của Phù Sai, chúng ta nhận thấy Phù Sai đã có tâm muốn giết chết Ngũ Tử Tư.

Ngay khi Phù Sai chuẩn bị động thủ, Bá Bỉ đã ngăn cản Phù Sai. Bá Bỉ hoàn toàn không phải không muốn giết Ngũ Tử Tư. Ông tâu với Phù Sai, Ngũ Tử Tư là lão thần triều trước, từng lập được công lao to lớn cho quốc gia chúng ta, nếu như Đại Vương muốn giết ông ta, sẽ tổn hại rất lớn đến danh dự của Đại Vương.

Bá Bỉ thưa rằng, bây giờ thần có một ý kiến hay, Đại Vương hãy viết một bức thư vô cùng ngạo mạn để sỉ nhục Quốc quân của nước Tề, phái Ngũ Tử Tư mang thư đi sứ nước Tề. Sau khi đọc thư như vậy, Tề Giản Công nhất định sẽ tức giận. Chúng ta mượn tay của ông ta giết Ngũ Tử Tư, chẳng phải là rất tự nhiên sao? 

Phù Sai liền viết một bức thư, phái Ngũ Tử Tư đưa thư đến nước Tề. Ngũ Tử Tư trước khi đi, gọi con trai đến. Con trai của ông gọi là Ngũ Phong. Ông nói với con trai, nước Ngô đã không còn hy vọng nữa rồi, con hãy đi với cha sang nước Tề. Ngũ Tử Tư đem theo con trai Ngũ Phong đến nước Tề. Khi đưa quốc thư cho Tề Giản Công, Tề Giản Công quả nhiên nổi giận, liền chuẩn bị hạ lệnh giết Ngũ Tử Tư.

Một đại phu nước Tề là Bảo Tức, ông là hậu thế của tướng quốc Bảo Thúc Nha hết sức nổi tiếng của nước Tề. Bảo Tức vội thưa với Tề Giản Công, nếu như Đại Vương muốn giết Ngũ Tử Tư, thì đã trúng kế của Ngô Vương. Ông ta chính là mượn đao giết người, nếu Đại Vương đối với Ngũ Tử Tư tốt một chút, cho ông ấy lễ vật lớn mang về nước, sau đó lại viết một bức thư đồng ý quyết chiến để ông ấy đưa về là được rồi.

Bảo Tức vì sao lại nói những lời như vậy? Bảo Tức và Ngũ Tử Tư vốn là bằng hữu tốt, khi Ngũ Tử Tư đến phủ bái kiến Bảo Tức, Bảo Tức hỏi Ngũ Tử Tư chính sự của nước Ngô như thế nào, Ngũ Tử Tư cúi đầu rơi lệ, một câu cũng không nói được. Đợi Ngũ Tử Tư khóc xong, nói với Bảo Tức rằng, tôi muốn đem con trai của mình nhờ cậy vào ông, liệu ông có thể chăm sóc cho nó được không? Ngũ Tử Tư đổi tên của con trai mình từ Ngũ Phong thành Vương Tôn Phong, chính là không mang họ Ngũ nữa, rồi để lại nước Tề, còn mình cầm bức thư mang về nước Ngô.

Phù Sai tiến đánh nước Tề, đại thắng trở về, sau đó mở tiệc mời bá quan, đồng thời cũng mời Việt Vương Câu Tiễn đến nước Ngô. Câu Tiễn nói thưa Đại Vương, bây giờ thực lực của Đại Vương quả thật là quá mạnh rồi, nước Việt nhỏ bé của chúng thần tuyệt đối không có ai dám khiêu chiến nước Ngô.

Phù Sai rất vui, ông ta muốn làm nhục Ngũ Tử Tư: “Đấy khanh xem, ta đánh Tề một trận thắng lớn như thế, khanh còn không muốn ta đi, bây giờ xem ra là khanh thua rồi phải không?” Khi đó Ngũ Tử Tư đã đặt kiếm xuống chỗ ngồi rồi đứng lên thưa với Ngô Vương, Trời muốn diệt vong một quốc gia, nhất định phải khiến cho họ gặp những việc thật vui mừng, rồi đại họa sẽ theo nhau mà tới.Phù Sai rất tức giận, còn Ngũ Tử Tư quay người rời khỏi cung. Chính lúc này, Bá Bỉ đến trước mặt Ngô Vương báo, Đại Vương ngài biết không, khi Ngũ Tử Tư đến nước Tề, ông ta đã đem con trai của mình giao cho đại phu của nước Tề, đồng thời cùng với người này kết nghĩa huynh đệ. Ông ta đã cấu kết với kẻ thù của chúng ta, lẽ nào Đại Vương còn không trách phạt ông ta sao? Ngô Vương Phù Sai liền bọc một thanh bảo kiếm, gọi là Thuộc Lũ, phái người đưa cho Ngũ Tử Tư, muốn Ngũ Tử Tư tự sát.

Khi Ngũ Tử Tư tiếp nhận thanh kiếm trên tay đã than rằng: Trời ơi, năm đó ta phò tá phụ thân ngươi lên ngôi vị, ta giúp nước Ngô thực hiện được nước giàu binh mạnh, là ta đã đánh bại nước Sở, khiến nước Sở phải cắt nhượng biên giới, mở mang bờ cõi nước Ngô. Những lời can gián của ta, đều là những việc theo đạo nghĩa người nên làm, nhưng người chưa bao giờ nghe theo. Bây giờ người muốn ta tự sát! Sau khi ta chết đi, nước Ngô nhất định sẽ bị nước Việt san bằng! Ta hy vọng có thể móc mắt ta treo ở tường thành phía đông nước Ngô, ta muốn tận mắt chứng kiến quân nước Việt tấn công nước Ngô như thế nào.

Nói xong Ngũ Tử Tư liền tự sát. Những lời nói của Ngũ Tử Tư trước khi chết bị Ngô Vương biết được. Ngô Vương rất tức giận, lệnh cho người bỏ thi thể của Ngũ Tử Tư vào một cái bao da, đem vứt xuống sông, gọi là “thả trôi trên sông”.

Phù Sai còn nói một câu, ý tứ là ngươi bây giờ thi thể đã bị cá và ba ba ăn hết rồi, tương lai làm sao có thể nhìn thấy quân nước Việt tiến vào bờ cõi nước Ngô.

Lúc đó, bao da chứa thi thể của Ngũ Tử Tư vừa bị vứt xuống sông, nước sông dâng lên đột ngột, sóng lớn vỗ bờ. Nhân sĩ xung quanh đều rất hoảng sợ. Họ liền chèo thuyền, muốn vớt thi thể của Ngũ Tử Tư từ dưới sông lên. Sau này tại đây hình thành truyền thống đua thuyền rồng. Có người nói tết Đoan Ngọ có liên hệ với Khuất Nguyên, cũng có người nói là có liên hệ với Ngũ Tử Tư.

Sau khi Ngũ Tử Tư chết, Ngô Vương Phù Sai không bao giờ còn nghe được lời can gián đối với ông ta nữa. Hai năm sau đó, năm 482 TCN, quả nhiên như lời của Tử Cống, sau khi nước Ngô đánh bại nước Tề, Phù Sai đem theo đội quân tinh nhuệ nhất đến Hoàng Trì cùng nước Tấn tranh bá, mà tại lúc đó, binh lính của nước Việt cũng đã luyện xong. Khi Việt Vương Câu Tiễn nghe tin Ngô Vương đã điều toàn bộ đội quân tinh nhuệ ra ngoài tranh bá, Câu Tiễn liền dốc hết đại binh tấn công nước Ngô.

Trấn thủ nước Ngô khi đó là Thái tử Hữu con trai của Phù Sai. Trong trận chiến này, Thái tử đã bị quân Việt giết chết. Ngô Vương khi đó đang cùng nước Tấn giao tranh. Trong quá trình rút quân về, quân Ngô nghe nói quốc gia bị tập kích, sợ đến vỡ mật. Một đường xa từ nước Tấn chạy về, sức chiến đấu của binh lính nước Ngô đã rất yếu, một trận đánh với binh lính nước Việt đã khiến Ngô Vương Phù Sai bại trận rồi. 

Sau khi thua trận, Phù Sai cho gọi Bá Bỉ đến trước mặt nói, ngươi không ngừng nói với ta Việt Vương Câu Tiễn sẽ không làm phản, bây giờ Việt Vương Câu Tiễn quả nhiên đã phản lại ta, ngươi mau chóng đến nước Việt, cầu hòa với Việt Vương Câu Tiễn. Nếu như không thể cầu hòa được, năm xưa ta đã ban cho Ngũ Tử Tư thanh kiếm Thuộc Lũ, thì nay ta cũng sẽ lại ban cho ngươi.

Bá Bỉ vội vã đến nước Việt xin cầu hòa, Việt Vương biết bản thân hiện tại còn chưa thể diệt được nước Ngô, lệnh cho rút quân. Cuộc chiến tranh này xảy ra vào năm 482 TCN. Đứng về mặt thường thức mà giảng, chúng ta thấy lần này Phù Sai nên nhận thức được nước Việt sẽ tạo phản đúng không? Ông ta nên gấp rút huấn luyện binh mã, chuẩn bị chiến tranh với nước Việt? Nhưng Phù Sai không làm gì.

Cả cuộc đời của Phù Sai từ trước đến giờ chưa từng thất bại. Khi ông lên ngôi kế vị, nước Ngô ở thời điểm cực thịnh nhất. Ông liên tiếp đánh bại nước Việt, đánh bại nước Trần, đánh bại nước Lỗ, đánh bại nước Tề, và cuối cùng tranh bá với nước Tấn. Cuộc đời của ông quả thật thuận lợi tới mức không có gì cản trở. Ông lại sống ở đài Cô-Tô hoa lệ làm bạn với người đẹp Tây Thi, cho nên ông ta chưa từng chịu bất kỳ sự trắc trở nào. Một khi ông ta gặp phải sự bất lợi nào đó, thì phòng tuyến tâm lý lập tức bị đổ vỡ ngay.

Ông ta trở về nước Ngô, mỗi ngày đều đắm chìm vào tửu sắc, không để ý đến việc chính sự.

Năm 478 TCN, cũng là bốn năm sau đó, nước Việt lại một lần nữa tấn công nước Ngô. Sau khi đánh bại nước Ngô, họ lại một lần nữa rút quân.

Năm 476 TCN, sau 15 năm Việt Vương Câu Tiễn được trở về cố quốc, lại một lần nữa hưng binh phạt Ngô. Trận chiến này từ năm 476 TCN đến năm 473 TCN, thời gian tròn ba năm. Cuối cùng, binh lính nước Việt công phá thành Tô Châu. Ngô Vương Phù Sai thua trận rời khỏi thành Tô Châu, chạy đến một ngọn núi ở gần đó. Câu Tiễn cho binh lính vây chặt quả núi.

Phù Sai đề nghị giảng hòa với Việt Vương. Ông ta nói ta nguyện giống như ông năm xưa đến nước Ngô làm nô lệ, ta cũng có thể đến nước Việt làm nô lệ. Việt Vương Câu Tiễn giả bộ dáng vẻ mềm lòng, định đáp ứng cầu hòa của sứ giả, Phạm Lãi và Văn Chủng đuổi sứ giả ra ngoài. Phù Sai biết Phạm Lãi và Văn Chủng không muốn để Việt Vương Câu Tiễn giảng hòa với mình, liền viết một bức thư, dùng tên bắn vào trong quân của Phạm Lãi.

Phạm Lãi mở bức thư xem, ở trên viết mấy chữ: Phi điểu tận, lương cung tàng, giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh, địch quốc phá, mưu thần vong. Đại khái ý tứ là Chim bay hết, cung tốt bị vứt bỏ; thỏ khôn chết, chó săn bị làm thịt; nước địch phá xong, mưu thần bị giết. Phạm Lãi, Văn Chủng các ông sở dĩ được Việt Vương tín nhiệm như thế, là bởi vì có kẻ địch như ta. Nếu như kẻ địch như ta đây không tồn tại, e rằng sự an toàn của hai ngươi cũng khó mà bảo toàn.

Bức thư này bắn vào trong quân của Phạm Lãi, Phạm Lãi đọc xong đưa cho Văn Chủng xem. Việt Vương Câu Tiễn tuyệt đối không chấp nhận cầu hòa của Ngô Vương. Phù Sai cuối cùng vì để tránh bị làm nhục, quyết định tự sát. Ông đã rút kiếm ra, nhìn khắp xung quanh, mắt trào lệ. Ông than, nhớ năm xưa, Ngũ Tử Tư luôn nói với ta nước Việt là mối họa tâm phúc, sau khi chết, ta còn mặt mũi nào mà xuống dưới đó gặp Ngũ Tử Tư?

Ngô Vương dặn dò những người đi theo rằng, sau khi ta chết nhất định phải dùng ba tấm lưới chồng lên nhau đậy lên mặt của ta. Ngô Vương Phù Sai đã tự sát như vậy, đấy là năm 473 TCN.

(Còn tiếp) 

Do Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x