‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 1)

‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 7 – Nuôi ngựa ở Thạch Ốc (Phần 1)
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Kỳ trước: ‘Tiếu đàm phong vân’: Tập 6 – Khoái ý ân cừu (Phần 3)

Hạp Lư bại trận mất mạng, Phù Sai lập lời thề trong sân

Ngũ Tử Tư “công thành bất thối, tất hữu hậu hoạn”. Quả nhiên Ngũ Tử Tư ở nước Ngô càng ngày càng không được như ý, cho đến cuối cùng bị buộc tự sát, hết thảy những chuyện này phát sinh như thế nào đây?

Sau khi Ngũ Tử Tư quay về nước Ngô, công danh sự nghiệp của ông đã đạt đến đỉnh điểm. Lúc ấy Ngô Vương Hạp Lư tôn kính và sủng ái ông tới mức độ nào? Là “gọi Tử Tư mà không gọi danh”. Danh (tên) của Ngũ Tử Tư là “Viên”, là Ngũ Viên, còn Tử Tư là tên tự của ông.

Cách xưng hô của cổ nhân tương đối phức tạp. Có người xưng bằng danh, có người xưng bằng tự, cũng có người xưng bằng hiệu. “Danh” là khi đứa trẻ vừa mới ra đời được phụ thân đặt tên cho. “Danh” thường là bề trên gọi bề tôi, hoặc là người lớn gọi người nhỏ, gọi là xưng tên. Như nói Gia Cát Lượng, thì “Lượng” chính là danh của ông. Khi ông tự xưng sẽ nói “Lượng như thế nào như thế nào đó”, nên “Danh” được dùng để tự xưng mình.

“Tự” thì sao, khi một người trưởng thành, người đó phải lấy một tên tự. “Tự” được dùng để xưng hô giữa bằng hữu, là một cách gọi tôn trọng. Như nói Gia Cát Lượng, tên tự là Khổng Minh. Giữa “Danh” và “Tự” của người xưa có mối liên quan với nhau, “Tự” thông thường được dùng để giải thích cho “Danh”, cho nên gọi là biểu tự. Danh của Gia Cát Lượng là “Lượng”,  còn tự là “Khổng Minh”. Ý nghĩa của “Khổng” là lớn, rộng, ý nghĩa của “Khổng Minh” chính là vô cùng sáng (Lượng). Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh; Chu Du, tự là Công Cẩn. Du và Cẩn đều là một loại ngọc, đây gọi là “lặp lại đồng nghĩa”, tỷ như Cát Cẩn, tự là Tử Du; Chu Du, tự là Công Cẩn, như thế gọi là lặp lại đồng nghĩa.

Còn có một cách lấy tên tự nữa, chính là trái ngược với danh, được gọi là “đối lập trái nghĩa”. Như nói thời Tống có một vị đại nho có tên là Chu Hy, “Hy” có nghĩa là ánh lửa, tên tự của ông là “Nguyên Hối”, “Hối” có ý nghĩa chỉ mờ tối tối tăm; hoặc là người có tên Tăng Điểm, thì “Điểm” có nghĩa là hơi đen, một cái gì hơi đen thì gọi là Điểm, và tên tự của người này là “Tử Tích”, “Tích” nghĩa là cực kỳ trắng, đây gọi là đối lập trái nghĩa.

Như vậy còn có một cách lấy tên tự nữa gọi là liên tưởng. Tỷ như nói Tô Thức, tên tự là Tử Chiêm. “Thức” nghĩa là cái xà ngang bằng gỗ ở trước xe dùng để vịn tay. Thông thường vịn xà ngang này được để lên xe nên phải ngước nhìn lên, hướng về phía trước, cho nên ông lấy tên tự là “Tử Chiêm”, “Chiêm” nghĩa là nhìn lên, đây gọi là liên tưởng.

Sau khi đã có “Danh” và “Tự” rồi, chúng ta nhiều khi sẽ biết được tên của một người nên đọc như thế nào. Ví như con trai của Lưu Bị có tên là Lưu Thiện (劉禪), chữ 禪 một âm đọc là “Thiền”, là ngồi thiền trong nhà Phật, cũng có một âm đọc là Thiện nghĩa là nhường, như nhường ngôi, rất nhiều người không biết rốt cục nên gọi ông ta là “Lưu Thiện” hay gọi là “Lưu Thiền” đây? Vậy phải xem tên tự của ông ta, tên tự của ông ta là “Công Tự”. “Tự” (嗣) có ý nghĩa là kế thừa, như vậy chữ 禪 trong tên ông đọc là Thiện, nghĩa là nhường ngôi, là nhường lại, là cách đặt tên tự lặp lại đồng nghĩa, cho nên từ tên tự là “Công Tự” có thể suy đoán ra tên của ông ta gọi là Lưu Thiện, chứ không phải Lưu Thiền.

Khi Ngô Vương Hạp Lư xưng hô với Ngũ Tử Tư, ông “gọi Tử Tư mà không gọi danh”, chính là lấy quan hệ giữa bằng hữu với nhau để xưng hô với Ngũ Tử Tư, không phải lấy quan hệ giữa Quốc quân với thần tử.

 Khi Hạp Lư trở về nước Ngô vào năm 506 TCN, ông cho quân đội nghỉ ngơi gần 10 năm. Trong thời gian ấy, Ngô Vương Hạp Lư vẫn không quên được việc muốn đi đánh nước Việt. Là vì vào năm 511 TCN, khi ông kêu gọi nước Việt xuất binh cùng đánh nước Sở, nước Việt đã không đồng ý phái binh, sau đó phát sinh một cuộc chiến; về sau Phù Khái tạo phản, nước Việt lại giúp đỡ Phù Khái. Cho nên Hạp Lư vẫn muốn đi tấn công nước Việt.

Năm 496 TCN, Việt Vương Doãn Thường mắc bệnh và chết, Ngô Vương Hạp Lư nhân lúc nước Việt đang bận tang sự bèn chuẩn bị quân đội đi chinh phạt nước Việt. Ngũ Tử Tư ngăn cản Hạp Lư và khuyên, lợi dụng khi người khác có tang sự mà đi tấn công là một việc làm bất nghĩa, không thể làm thế. Hạp Lư không nghe. Vì Ngũ Tử Tư không muốn Hạp Lư xuất binh nên lần này Hạp Lư không mang theo Ngũ Tử Tư, tự mình dẫn binh đi tấn công nước Việt. Trận chiến này đã khiến cho Hạp Lư bị mất mạng.

Lúc ấy Câu Tiễn vừa mới đăng vị làm vua của nước Việt. Quân đội hai bên gặp nhau ở Tuy Lí. Tuy Lí là vùng gần thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay. Quân đội nước Ngô đã từng được Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ huấn luyện, sức chiến đấu quả thực rất mạnh mẽ. Quân nước Việt ba lần xông lên, nhưng không đả động được trận tuyến của quân nước Ngô. 

Về sau có một người nói với Việt Vương rằng “Tội nhân khả sử dã” (ý là có thể dùng phạm nhân). Việt Vương bèn phái 300 tử tù trong quân đội đến trước mặt quân nước Ngô. 300 tử tù này cầm kiếm, đặt ở trên cổ của mình rồi nói, Vua của chúng tôi không biết tự lượng sức, đắc tội với thượng quốc, hiện nay chúng tôi nguyện ý lấy cái chết của mình cầu chuộc tội lỗi của Vua chúng tôi. Sau đó từng người từng người lần lượt tự sát. Lúc ấy binh lính nước Ngô chưa từng gặp qua tình huống như vậy, mọi người đều ghé tai xì xào bàn tán, khiến cho đội hình rối loạn.

Câu Tiễn bắt đầu đánh trống. Quân nước Việt bất ngờ xông lên, thoáng chốc đã chọc thủng đội hình trung tâm của quân địch. Hạp Lư nhìn thấy quân nước Việt xông tới, quay xe bỏ chạy, kết quả gặp phải đại tướng của nước Việt là Linh Cô Phù. Linh Cô Phù nhìn thấy Hạp Lư, cầm đao chém một đao, Hạp Lư tránh về phía sau, thân thể tránh được, nhưng chân không tránh được, rốt cục ngón chân cái bị đao chém đứt. Lúc đó Hạp Lư lui binh về không quá bảy dặm, tuổi già lại mất máu nhiều, đau đớn hô to một tiếng rồi chết. Quân đội nước Ngô phải đội tang mà quay về.

Phụ thân đã mất, Phù Sai lên ngôi kế vị trở thành Ngô Vương. Ông lệnh mười người luân phiên đứng ở trong sân của cung đình. Mỗi khi Phù Sai đi qua sân này, những người này phải lớn tiếng hô to một câu rằng, “Phù Sai, ngươi đã quên mất Việt Vương Câu Tiễn giết chết cha của ngươi rồi sao?” Phù Sai liền chảy nước mắt nói “Dụy, bất cảm vong!” (Vâng, không dám quên!) Chữ “Dụy” ở đây nghĩa là vâng, là lời thưa lại. Cứ như vậy ròng rã suốt ba năm, đây được gọi là lời thề trong sân.

Năm 494 TCN, Phù Sai đã để tang xong, liền chuẩn bị báo thù. Trong các chương khác nhau của cuốn “Sử ký”, ghi lại việc ai động thủ trước là không giống nhau. Ở phần “Ngô Thái Bá thế gia” của “Sử ký” đề cập nước Ngô mang quân đánh nước Việt. Dựa theo ghi chép ở phần “Việt Vương Câu Tiễn thế gia”, thì nước Việt “Dục tiên Ngô vị phát, vãng phạt chi”, chính là nhân lúc nước Ngô còn chưa hành động, nước Việt đã động thủ trước. Dĩ nhiên ai động thủ trước đã không còn quan trọng nữa. Quân của hai bên gặp nhau ở núi Phù Tiêu. Núi Phù Tiêu nằm bên trong Thái Hồ. Đang lúc giao tranh, thiên thời gây bất lợi cho nước Việt, đột nhiên nổi lên một cơn gió từ hướng bắc, chính là từ hướng nước Ngô thổi về phía nước Việt.

Ở tập 1 chúng ta đã nói đến rất nhiều chuyện liên quan đến trận gió lớn, lần này là giao tranh trên thủy, thuyền dựa vào sức gió để di chuyển, nên nói gió lớn đối với việc chiến đấu của thủy quân càng thêm bất lợi. Thuyền của quân nước Việt  không thể tiến lên phía trước để tấn công, bị gió thổi phải chạy lui về. Quân Ngô thuận theo chiều gió bắn tên, tên bay dày đặc như châu chấu, kết quả ba vạn quân sĩ của Việt Vương bị giết chết chỉ còn lại năm ngàn người. Việt Vương bại trận tháo chạy đến Cối Kê. Cối Kê thuộc vùng phụ cận thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay.

Việt Vương nhận thấy quân đội của mình đã không còn khả năng giao tranh với quân nước Ngô nữa. Phải làm sao đây? Quan đại phu của nước Việt là Văn Chủng khuyên Việt Vương cầu hòa. Việt Vương hỏi, họ sẽ đáp ứng cầu hòa của chúng ta sao? Văn Chủng đáp, tôi có thể đi thử xem.

Vì sao vẫn còn cơ hội vậy? Bởi vì quan đại phu Bá Bỉ của nước Ngô là người Phù Sai cực kỳ tín nhiệm, Bá Bỉ vô cùng tham lam và giỏi nịnh. Ông ta tham, nên chúng ta có thể dùng tiền để thu dùng ông ta; ông ta giỏi nịnh, “nịnh” chính là rất biết lấy lòng người khác, như thế Ngô Vương Phù Sai rất thích và rất nghe lời ông ta, đây là điểm mấu chốt để chúng ta lợi dụng.

(Còn tiếp)

Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x