‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 15: Hợp tung liên hoành [P4]

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Hợp tung lung lay sụp đổ

Lời bạch: Thệ ước Hoàn Thủy khiến cho Tần Vương hết sức sợ hãi, Đại thần Công Tôn Diễn khuyên Tần Vương dùng phương thức quân sự để giải quyết.

Còn Trương Nghi đã giữ đúng lời hứa với Tô Tần khuyên Tần Vương không nên tấn công nước Triệu, dùng phương thức ngoại giao tạo mối quan hệ với nước Yên và nước Ngụy. Đến lúc này, quả nhiên sáu nước liên kết với nhau nhanh chóng xảy ra mâu thuẫn. Nước Tần ngồi làm ngư ông đắc lợi. Sáu nước này đã xảy ra chuyện gì?

Năm 332 TCN, năm thứ hai của thệ ước Hoàn Thủy, đã xảy ra hai sự kiện: thứ nhất, nước Tề và nước Ngụy liên minh tấn công nước Triệu, Triệu Vương hỏi Tô Tần, mục đích của ngươi đề xướng sách lược Hợp tung vốn chính là để liên kết sáu nước, sao bây giờ nước Tề và nước Ngụy lại liên hợp tấn công chúng ta.

Sự kiện thứ hai là Yên Văn Công, người đầu tiên tán thưởng Tô Tần, bị bệnh qua đời, con trai của ông là Yên Dịch Vương kế vị. Quốc Quân mới của nước Yên vừa kế vị, Tề Tuyên Vương của nước Tề nhân cơ hội khi nước Yên có tang sự, phái binh tiến đánh đoạt được mười tòa thành của nước Yên. Trong năm thứ hai của thệ ước Hoàn Thủy đã xảy ra hai sự kiện này, triển vọng của sách lược Hợp tung kỳ thực quá u ám.

Vì để duy trì hiệp ước Hợp tung và vì hai nước Tề – Ngụy liên minh tấn công nước Triệu, nước Tề lại xuất binh tấn công nước Yên, Tô Tần đã thỉnh cầu Triệu Vương xin được đi sứ sang Tề. Đến nước Tề, Tô Tần gặp Tề Tuyên Vương tâu, nước Tề tấn công nước Yên là việc không thích hợp, hiện nay Yên và Tần có mối quan hệ liên hôn, ngài đánh Yên không chỉ đắc tội với Yên, cũng đắc tội với Tần.

Kế sách tốt nhất là ngài nên trả lại mười tòa thành cho Yên, như thế Quốc Quân của cả nước Yên và nước Tần đều vui vẻ. Mặc dù ngài dường như bị tổn thất mười tòa thành, nhưng ngài lại thiết lập được mối giao hảo tốt đẹp với hai nước Yên – Tần. Tề Tuyên Vương đã nghe theo lời khuyên của Tô Tần mà trả lại mười tòa thành cho nước Yên.

Trong “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” ghi: Tô Tần thưa: “Thần nghe cổ nhân nói người giỏi giải quyết sự việc, sẽ chuyển họa thành phúc, lấy thất bại làm công [đức].

Nếu Đại Vương quả thực có thể nghe theo kế của thần, trả lại cho nước Yên mười tòa thành. Nước Yên tự dưng được mười tòa thành, tất sẽ vui mừng; Tần Vương biết vì mình mà Yên được trả mười thành, tất nhiên cũng vui.

Cái này gọi là bỏ mối thù hằn mà được tình kết giao bền vững. Khi Yên-Tần đều được nhờ nước Tề, lúc đó Đại Vương hiệu lệnh thiên hạ, ai không dám không nghe. Đại Vương dùng lời nói mà có thể nhờ cậy được Tần, lấy mười thành đoạt được thiên hạ, ấy là nghiệp Bá Vương vậy”. 

Tề Vương nói: “Hay”. Tề Vương lệnh trả mười thành về cho nước Yên.

Nếu như chúng ta xem xét những lời này của Tô Tần, chúng ta sẽ phát hiện sách lược Hợp tung này kỳ thực rất khó thành công. Bởi vì cơ sở duy nhất của liên minh hợp tung là lợi ích, mỗi một quốc gia đều vì lợi ích của chính quốc gia mình mới liên hợp với quốc gia khác.

Nhưng lợi ích là thứ không đáng tin cậy nhất. Hôm nay lợi ích của tôi là nơi này, ngày mai có thể lợi ích của tôi lại ở nơi khác. Bởi vậy giữa các quốc gia với nhau việc Hợp tung này xác thực chưa hề được thực hiện.

Khi Tô Tần khuyên Tề Tuyên Vương trả lại mười tòa thành cho nước Yên, ông ta không hề nói giữa các nước liên minh hợp tung không được giao chiến, ông ta nói nước Yên và nước Tần có mối liên kết hôn nhân, để lấy lòng nước Tần mà trả tòa thành về cho nước Yên.

Mục đích của Hợp tung là liên minh chống Tần, nay Tô Tần lại khuyên nên tạo mối quan hệ tốt đẹp với nước Tần. Cho nên vừa nhìn là biết sách lược Hợp tung của Tô Tần từ năm thứ hai đã nhanh chóng tan rã.

Chúng ta lại nói một chút về con người Tô Tần. Tô Tần không có chủ trương cố định gì, lúc đầu ông ta muốn du thuyết Tần Huệ Vương thống nhất thiên hạ, Tần Huệ Vương không để ý đến ông, ông ta mới nghĩ ra sách lược Hợp tung để đối kháng nước Tần. Mạch suy nghĩ của ông ta cũng là đổi tới đổi lui.

Lại nói đạo đức cá nhân của Tô Tần này cũng không tốt, người đầu tiên tán thưởng ông ta là Yên Văn Công. Sau khi Yên Văn Công qua đời, ông ta lại thông gian với thê tử của Yên Văn Công. Trong “Sử ký – Yên Triệu Công thế gia” có ghi: “Mười năm Yên Quân làm Vương, Tô Tần tư thông với vợ của Yên Văn Công, sợ bị giết, nên xin đi sứ sang Tề để tìm kế phản gián, muốn làm Tề rối loạn”.

Quãng thời gian Tô Tần ở nước Yên, Thái hậu, mẫu thân của Yên Dịch Vương, liên tục triệu Tô Tần đến hậu cung. Tô Tần cho rằng chuyện này sớm hay muộn cũng sẽ bại lộ. Ông ta nói với Yên Dịch Vương rằng, thần sẽ vì ngài đi đến nước Tề làm suy yếu nền quốc chính của Tề.

Tô Tần đến nước Tề. Tề Tuyên Vương là người rất thích ở cung điện rộng lớn, Tô Tần đã khuyên Tề Tuyên Vương xây sao cho đẹp, cho thoải mái; Tề Tuyên Vương thích mỹ nữ, Tô Tần nói với ông ta chọn mỹ nữ như thế nào. Kỳ thực ý tưởng của Tô Tần lúc bấy giờ cũng khá là xấu.

Ông ta cho rằng nước Tề quá lớn mạnh, nước Yên quá nhỏ yếu. Ông ta hy vọng có thể làm cho nước Tề trở nên nhỏ yếu như nước Yên, như thế giữa nước Tề và nước Yên sẽ không tồn tại sự uy hiếp. Trong Sử ký – Tô Tần liệt truyện” ghi: “Muốn phá Tề giúp Yên”.

Tô Tần nghĩ trăm phương nghìn kế để phá hoại nền quốc chính của nước Tề. Không lâu sau đó Tề Tuyên Vương qua đời, con trai của Tề Tuyên Vương là Điền Địa kế vị, chính là Tề Mẫn Vương. Tề Mẫn Vương khi vừa mới kế vị còn tương đối chuyên cần, siêng năng xử lý chính vụ. Sau khi kế vị bốn năm, Tề Mẫn Vương có liên kết hôn nhân với nước Tần.

Đương nhiên sách lược Hợp tung của Tô Tần cũng không phải không có tác dụng. Thệ ước Hợp tung được ký kết từ năm 333 TCN cho đến năm 318 TCN, kéo dài trong 15 năm. Nước Tần ngoại trừ có phát sinh vài cuộc xung đột giao tranh nhỏ với nước Ngụy, thì vẫn không dám xuất binh qua khỏi cửa ải Hàm Cốc. Hợp tung quả thật đã tạo ra lực uy hiếp rất lớn đối với nước Tần.

Vào năm 318 TCN lại phát sinh một sự kiện. Quốc Quân nước Sở là Sở Hoài Vương kế vị từ năm 328 TCN. Đến năm 318 TCN, Sở Hoài Vương đột nhiên muốn tấn công nước Tần, ông là người đảm nhiệm chức vụ “Tung ước Trưởng” (người đứng đầu hiệp ước hợp tung). Ông liên lạc với các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Yên và nước Tề.

Sứ giả của nước Sở đến nước Tề muốn thuyết phục nước Tề cùng nhau xuất binh. Lúc ấy Tề Mẫn Vương đã hỏi các đại thần có nên xuất binh hay không. Các đại thần đều nói nước Tần với nước Tề, một nước ở tận cùng phía tây, một nước ở tận cùng phía đông, tốt nhất là không nên xuất binh. Tô Tần lúc đó cũng đang ở nước Tề, vì Tô Tần là người khởi xướng hợp tung, nên ông ta kiên quyết chủ trương xuất binh đánh Tần.

Tề Mẫn Vương có một thuộc hạ là Tướng quốc Mạnh Thường Quân, tên thật là Điền Văn. Tề Mẫn Vương hỏi Mạnh Thường Quân rằng có nên xuất binh hay không? Mạnh Thường Quân tâu, xuất binh với không xuất binh đều là sai cả. Chúng ta nếu không xuất binh, sẽ đắc tội với các nước khác. Họ đều đánh nước Tần mà chúng ta không đánh, chúng ta đều đắc tội với những nước này. Nhưng nếu xuất binh, chúng ta lại đắc tội với nước Tần.

Mạnh Thường Quân kiến nghị, biện pháp tốt nhất với chúng ta là xuất binh, nhưng quân cứ từ từ mà tiến. Chúng ta đã xuất binh, sẽ không có gì khác biệt với năm nước kia, còn có thể quan sát tình thế cuộc chiến.

Nếu như Tần không chống lại được, chúng ta liền đánh Tần, nếu như Tần rất lợi hại, chúng ta không nên chủ động đánh Tần. Tề Mẫn Vương liền nghe theo đề nghị của Mạnh Thường Quân.

Tề Vương để cho Mạnh Thường Quân lãnh binh xuất chinh. Mạnh Thường Quân vừa dẫn binh ra đến vùng ngoại ô của nước Tề lập tức công bố mình bị bệnh, đại quân dừng lại. Trận chiến này diễn ra giữa nước Tần với liên quân của năm nước còn lại là Yên, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy.

Trận chiến này làm cho người ta nhớ đến câu “kiềm lư kỹ cùng” (tạm dịch: chỉ có một chút bản lĩnh nhưng đã dùng hết) của Liễu Tông Nguyên, lập tức bộc lộ nhược điểm của năm nước. Về mặt quân sự, năm nước này không có sự phối hợp cùng nhau.

Khi liên quân năm nước vừa đến ải Hàm Cốc, nước Tần phái đại tướng Xư Lý Tật mở rộng cửa khẩu ải Hàm Cốc, chuẩn bị binh lực tác chiến, hỏi năm nước kia là nước nào nguyện ý đứng ra quyết chiến. Mỗi nước đều hy vọng nước khác xung phong ra đánh trận đầu, đùn đẩy lẫn nhau, ai cũng không dám xông lên trước.

Xư Lý Tật phái quân đi cắt đứt đường vận chuyển lương thực của nước Sở. Lương thực vừa đứt, quân Sở thiếu lương liền phát sinh binh biến. Nước Tần nhân cơ hội công kích quân Sở, quân Sở thất bại thảm hại. Quốc Quân Sở Hoài Vương là người đứng đầu hiệp ước Hợp tung, quân Sở vừa thua, quân lính của bốn nước còn lại đều quay trở về. Lúc này quân binh của Mạnh Thường Quân còn chưa đến tiền tuyến thì chiến tranh đã kết thúc rồi.

Mạnh Thường Quân trực tiếp quay về nước Tề, Tề Mẫn Vương nói, thật may ta nghe lời ngươi, nếu nghe theo Tô Tần, ta chẳng khác nào bị lừa một vố to. Lời này của Tề Vương vừa nói ra, khiến cho những hạ thần vốn ghen tỵ vì Tô Tần được sủng ái ở nước Tề, cảm thấy rằng sự sủng ái của Tề Vương đối với Tô Tần đã bắt đầu suy giảm.

Có rất nhiều kẻ hận Tô Tần, một lần khi Tô Tần vào triều gặp phải thích khách, thích khách dùng cây chủy thủ đâm vào bụng Tô Tần rồi chạy trốn.

Tô Tần thưa với Tề Mẫn Vương rằng, thần gặp phải thích khách, thần không biết thích khách là ai, thần khẳng định là sống không được nữa rồi, thỉnh cầu Đại Vương sau khi thần chết, đem thi thể của thần kéo trên phố cho ngũ xa phanh thây giữa đám đông (tương tự như ngũ mã phanh thây). Một khi ngài làm như vậy, thích khách sẽ cho rằng ngài rất hận thần, hắn sẽ đứng ra nhận tội và đi khoe khoang với người khác.

Tề Vương đã đem thi thể của Tô Tần cho ngũ xa phanh thây ở chợ. Quả thật, có một người đã tới nói, ông thấy chưa, ta biết ông ta sẽ gặp phải kết cục như thế. Hắn nhận đây là chuyện do hắn làm, kết quả cứ như thế mà truy xét ra được kẻ chủ mưu thuê thích khách.

Khi đó, Tề Vương đã ra lệnh chém cả gia tộc của người chủ mưu ám sát Tô Tần. Người đó là ai? Trong các tài liệu lịch sử chúng ta cũng không tìm thấy những ghi chép cụ thể nào về người này cả.

Năm 318 TCN, tin tức Tô Tần bị thích khách đâm chết đã truyền đến nước Tần. Lúc này Trương Nghi là tướng quốc ở nước Tần. Ông ta vui mừng nói: Tô Tần chết rồi, ta rốt cuộc có thể đưa ra chủ trương của ta. 

Khi Tô Tần còn sống, Trương Nghi không tiện nói, bởi vì giữa Trương Nghi và Tô Tần có một ước định. Vậy Trương Nghi đưa ra chủ ý gì cho Tần Vương đây? Mời quý vị xem tiếp tập sau “Trương Nghi lừa Sở”. 

(Còn tiếp)

Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo
 bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x