‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 15: Hợp tung liên hoành [P3]

tieu dam phong van minh chan tuong 4
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Tô Tần đeo ấn tướng lục quốc

Đúng lúc này Tô Tần lại gọi Trương Nghi vào phòng khách. Sau khi Trương Nghi bước vào, Tô Tần vẫn ngồi ở chỗ đó, mắt không hề nhìn Trương Nghi. Trương Nghi giận dữ kêu một tiếng: “Quý Tử [Quý Tử là tên tự của Tô Tần]. Ta cho rằng có thể trông cậy vào tình nghĩa đồng môn, nên ta mới tìm đến ông, không ngờ hôm nay ông đối xử với ta như thế”.

Tô Tần nói: “Ta vẫn rất muốn giúp ông, nhưng ta thấy ông đã rời khỏi Quỷ Cốc nhiều năm như vậy, lăn lộn cho đến ngày hôm nay, sống đến mức rất thảm. Ta sợ rằng chí hướng của ông đã tiêu tan hết, lại e tài hoa của ông cũng bị hao mòn rồi. Lúc này, ta tiến cử ông làm một chức quan nhỏ thực không thành vấn đề, nhưng ta e rằng ông không thể đảm nhiệm được. Chẳng phải lúc đó biểu hiện ra Tô Tần ta đây không có mắt nhìn người”.

Trương Nghi nói: “Đại trượng phu mưu cầu phú quý, còn phải dựa vào ông sao?” 

Tô Tần hỏi lại: “Ông không dựa vào tôi, vậy ông đến đây làm gì?”. 

Lúc đó Trương Nghi tức giận xoay người bỏ đi. Tô Tần nói: “Ông trước tiên hãy về đi. Thế này vậy, xét tình nghĩa đồng môn, ta đưa ông một lượng vàng làm lộ phí nhé”. Trương Nghi lúc ấy cầm lượng vàng kia ném xuống đất, rồi giận dữ rời phủ tướng quân trở về quán trọ.

Chủ quán trọ cho rằng Trương Nghi gặp được Tướng quốc có thể sẽ thăng quan tiến chức rất nhanh, sẽ mau chóng tới phủ tướng quốc hoặc ngôi nhà lớn nào đó để ở.

Cho nên ông ta đem hành lý của Trương Nghi từ trong quán trọ dọn ra ngoài. Trương Nghi vừa cởi bộ y phục mượn lúc trước trả cho chủ quán trọ, vừa chửi mắng Tô Tần kia không có ý tứ như thế nào, đúng lúc này Giả Xá Nhân lại đến.

Giả Xá Nhân hỏi Trương Nghi đã xảy ra chuyện gì? Trương Nghi đem chuyện này kể lại cho Giả Xá Nhân nghe một lượt. Giả Xá Nhân nói: “Chao ôi, là do tiểu nhân tôi đây xúi ngài đi tới nước Triệu, không ngờ khiến cho ngài phải chịu một trận nhục nhã ghê gớm như vậy, bây giờ ngài muốn đi nơi nào?”

Trương Nghi nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng ông nói: “Trong thiên hạ nếu như có một quốc gia có thể đánh bại được nước Triệu, đó chính là nước Tần. Ta chuẩn bị đi nước Tần, ta nhất định phải nắm được việc quốc chính của nước Tần, sau đó đi đánh nước Triệu”.

Giả Xá Nhân đáp: “Nếu ngài muốn đi nước khác thì tiểu nhân tôi đây không dám phụng bồi, vừa hay tôi cần đến nước Tần thăm một vị bằng hữu, chúng ta tiện đường cùng đi với nhau”.

Lúc đó Trương Nghi vô cùng cảm động, chỉ là bèo nước gặp nhau mà Giả Xá Nhân đã giúp đỡ ông nhiều như thế. Trương Nghi cùng Giả Xá Nhân kết bái làm huynh đệ.

Trên đường đi Giả Xá Nhân không chỉ nói chuyện phiếm với Trương Nghi, mà còn chi tiền mua y phục đẹp, ngựa tốt, người hầu cho ông. Suốt đoạn đường đã chi rất nhiều tiền để Trương Nghi gây dựng danh tiếng, truyền bá thanh danh của mình, cứ như vậy cho đến khi tới nước Tần.

Lúc ấy Tần Huệ Văn Vương đang hối hận vì trước đây đã không dùng Tô Tần, vừa nghe nói Trương Nghi đến, Tần Vương lập tức phong Trương Nghi làm Khách khanh.

Lần này Trương Nghi vừa xuất sĩ đã làm quan lớn, ông muốn hậu tạ Giả Xá Nhân. Giả Xá Nhân thưa: “Ngài không nên cảm tạ ta, kỳ thực hết thảy sự tình đều do Tô Tần an bài. Tô Tần e rằng ngài nghèo túng trong nhiều năm như vậy, sẽ an phận với thành tựu nhỏ.

Muốn giúp ngài một chức quan nho nhỏ, sợ rằng một chút phú quý đó đã có thể khiến ngài hài lòng an phận rồi. Tô Tần ngài ấy cố ý kích ngài tức giận, như thế ngài mới có thể có quyết tâm đạt được quốc chính của nước Tần. Bây giờ ngài đã đạt được mục đích rồi, hết thảy số tiền ta chi ra đều là tiền của Tô Tần, ta làm những việc này cũng đều do Tô Tần giao làm”.

Trương Nghi kêu lên: “Trời ơi, sự giúp đỡ của Tô Tần đối với ta thực sự là quá lớn, ta có thể làm gì cho ông ấy đây?”. Giả Xá Nhân đáp: “Điều Tô Tần lo lắng nhất đó là nước Tần tấn công nước Triệu. Nếu như ngài có thể bảo đảm nước Tần không tấn công nước Triệu, coi như ngài đã báo ân Tô Tần rồi”. 

Trương Nghi nói: “Ông yên tâm, chỉ cần Tô Tần còn sống, ta có thể cam đoan nước Tần tuyệt đối sẽ không tấn công nước Triệu”.

Sau khi Tô Tần nhận được tin tức này đã tâu với Triệu Túc Hầu rằng, quân Tần từ nay về sau sẽ không tấn công nước Triệu. Triệu Túc Hầu lập tức phong Tô Tần làm Tướng quốc, cấp cho Tô Tần rất nhiều tiền để ông đi du thuyết các nước khác, tiến hành sách lược Hợp tung của ông.

Lời bạch: Tô Tần đến các nước Hàn, Ngụy, Tề và Sở, thuyết phục những nước này liên hợp lại với nhau, không nên thần phục dưới nước Tần. Kết quả, sáu nước chư hầu tổ chức đại hội liên minh tại sông Hoàn Thủy, ký kết thệ ước Hoàn Thủy, định ra sách lược Hợp tung chống Tần. Để bảo đảm cho việc có thể thực thi sách lược, sáu nước đều đem ấn tướng của quốc gia mình giao cho Tô Tần.

Họ không chỉ để cho một mình Tô Tần đeo ấn tướng của sáu nước, mà còn phong ông làm “Tung ước trưởng” (người đứng đầu hiệp ước Hợp tung). Thời gian diễn ra việc ký kết thệ ước Hoàn Thủy được ghi lại trong “Sử ký” và “Tư trị thông giám” đều rất mơ hồ, dựa theo “Đông Chu liệt quốc chí” thì đó là vào năm 333 TCN.

Sau thệ ước Hoàn Thủy, Tô Tần theo hướng bắc trở về nước Triệu, trên đường đi ngang qua Lạc Dương. Mỗi lần ông đến một quốc gia nào, chư hầu nơi đó đều phái sứ giả nghênh đón, đưa tiễn ông, hơn nữa còn tặng cho ông rất nhiều tài vật, rất nhiều xe ngựa. Xe ngựa của ông uy nghi giống như xe ngựa của một Quốc Vương. Trong “Sử ký – Tô Tần liệt truyện” ghi rằng: “Tô Tần đi về phía bắc bẩm tấu tin tức đến Triệu Vương, đi qua Lạc Dương, chư hầu phái sứ giả đem xe ngựa ra nghênh tiễn rất đông, sánh ngang bậc vương giả”.

Đoàn xe của Tô Tần phô trương vô cùng lớn, vô cùng phong quang, khi đi qua đô thành triều Chu ở Lạc Dương, Chu Hiển Vương lúc ấy chứng kiến trận thế phô trương to lớn như thế, không biết là ai tới, ông ta đã sớm sai người quét dọn đường sạch sẽ, đích thân nghênh đón Tô Tần.

Lạc Dương là cố quê của Tô Tần, lúc ấy phụ mẫu, huynh đệ, chị dâu và thê tử của ông đều chờ đón ở bên đường. Chị dâu của ông quỳ dưới đất khi nghênh đón ông, Tô Tần ngồi trên xe cúi đầu nhìn chị dâu của mình và hỏi: “Năm đó khi ta nghèo túng về nhà lần đầu tiên, ta muốn xin chị một chén cơm, chị còn không muốn cho, tại sao bây giờ lại cung kính đối với ta như vậy?”. Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ “Tiền cứ hậu cung” (Trước ngạo mạn sau cung kính).

Chị dâu của ông nói: “Thấy Quý Tử chức cao tiền nhiều”, ý là ngươi bây giờ địa vị cao, lại giàu có. Tô Tần thở dài nói: “Tô Tần ta vẫn là Tô Tần, lúc ta nghèo khó mọi người không quan tâm đến ta, lúc ta phú quý mọi người e sợ ta, thân thích còn như thế, huống chi người khác.

Vả lại nếu để cho ta cày cấy hai khoảnh ruộng ở ngoài thành Lạc Dương, ta sao có thể đeo được ấn tướng của sáu nước đây”. Ý nghĩa là nếu như năm đó ta ở nhà an ổn làm ruộng, ta hôm nay sao có thể đeo ấn tướng của sáu nước?

Tô Tần rất hào phóng, ông lấy ra một ngàn cân hoàng kim đưa cho những người trong nhà. Hai người em trai của ông – một người tên là Tô Đại, một người tên là Tô Lệ – thấy huynh trưởng phong quang như vậy, cả hai cũng bắt đầu học thuật du thuyết với Tô Tần. Hai người họ sau này cũng là nhân vật nổi tiếng của phái Tung hoành gia thời Chiến quốc.

Sau khi liên minh Hợp tung thành công, Tô Tần mang thệ ước Hoàn Thủy của hiệp ước Hợp tung này gửi qua ải Hàm Cốc đe dọa Tần Vương

Tần Vương nhìn thấy hiệp ước đã hết sức sợ hãi, lập tức cùng mấy vị đại thần thương lượng: Những quốc gia kia đều đã liên hợp lại với nhau, chúng ta làm sao bây giờ?

Có một vị đại thần tên là Công Tôn Diễn thưa: “Rất đơn giản, người khởi xướng chiến lược này đầu tiên là nước Triệu, giờ chúng ta cứ đánh nước Triệu trước. Chúng ta đánh Triệu xem nước nào dám giúp Triệu, chúng ta sẽ tấn công nước đó”. Xem ra vị Công Tôn Diễn này muốn dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Lúc ấy Trương Nghi đã làm Khách khanh của nước Tần, trong lòng Trương Nghi không muốn nước Tần tấn công nước Triệu. Ông tâu: “Hiện giờ sáu nước vừa mới ký hiệp ước Hợp tung, vết mực còn chưa khô, mối quan hệ chiến lược giữa các nước này đang rất nóng.

Nếu như bây giờ chúng ta tiến đánh nước Triệu, hai nước Hàn, Ngụy dấy binh tấn công ta, vậy các nước Yên, Tề và Sở sẽ hành động thế nào đây? Nếu như sáu nước liên minh lại với nhau tấn công chúng ta, nước Tần sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm”.

Giờ phải làm sao? Trương Nghi tâu tiếp: “Thần có một biện pháp, gần chúng ta nhất là nước Ngụy, cách xa chúng ta nhất là nước Yên. Trước đây chúng ta luôn có chiến tranh với nước Ngụy, đoạt đất của họ. Bây giờ chúng ta đem những vùng đất đoạt được đó trả lại cho nước Ngụy, gả công chúa của chúng ta cho Quốc quân nước Yên.

Như vậy, chúng ta đối với quốc gia gần nhất và xa nhất sẽ có mối giao hảo tốt đẹp, tự động giữa sáu nước sẽ phát sinh nghi kỵ lẫn nhau”.

Trương Nghi nói lời này rất có đạo lý: Nếu như ta không thể biểu hiện cường thế, thì ta mềm mỏng đi vậy, đại trượng phu co được giãn được, các vị không phải muốn liên hợp đối phó ta sao, các vị đều đã sai lầm rồi, ta và các vị ở cùng một phe.

Nước Tần cùng nước Ngụy và nước Yên tạo thành mối quan hệ như thế, quả nhiên giữa sáu nước liền bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau.

Kỳ thực, chúng ta cũng có thể chứng kiến những chuyện như vậy ở thời đại sau này. Trong chiến tranh, những chuyện tạo quan hệ ngoại giao như thế liên tục xuất hiện. Vào cuối thời Đông Hán, khi Tào Tháo tấn công Tôn Quyền và Lưu Bị, cả Tôn Quyền và Lưu Bị đều lo sợ bị Tào Tháo tiêu diệt, hai nhà Tôn – Lưu đã liên hợp lại với nhau chống Tào. Khi Tào Tháo bị đánh bại ở trận Xích Bích, Lưu Bị và Tôn Quyền lập tức quay ra giao chiến.

Năm đó khi Tào Tháo viễn chinh Ô Hoàn, vào năm Kiến An thứ 12, cũng là khi chinh phạt Liêu Đông năm 206, ông ấy cũng gặp phải vấn đề này. Tào Tháo tấn công Ô Hoàn, về sau đã không tiếp tục truy kích. Hai người con trai của Viên Thiệu là Viên Thượng và Viên Hy, đã chạy đến Liêu Đông.

Thái thú của Liêu Đông lúc đó là Công Tôn Khang. Tào Tháo ra lệnh không tấn công Liêu Đông mà rút quân ngay tại Liễu Thành. Thuộc hạ của Tào Tháo không hiểu tại sao phải rút quân, tiếp tục tấn công có thể giết chết con cháu họ Viên là Viên Thượng và Viên Hy.

Tào Tháo nói: “Chỉ cần chúng ta vừa rút quân, Công Tôn Khang sẽ giết chết Viên Thượng và Viên Hy”. Chuyện này quả nhiên đã phát sinh đúng theo dự đoán của Tào Tháo.

Trong phần “Vũ Đế Kỷ” của “Tam quốc chí”, Tào Tháo có nói như thế này: “Bên kia vốn sợ bọn Thượng, ta đánh gấp thì họ ắt hợp sức, ta thong thả thì họ tàn sát lẫn nhau, ấy là cái xu thế tự nhiên vậy”. Ý là, Công Tôn Khang luôn luôn lo sợ Viên Thượng và Viên Hy.

Nếu như ta đánh gấp, ba người bọn họ khẳng định sẽ liên hợp lại với nhau. Nếu như ta trì hoãn, Công Tôn Khang nhất định sẽ tranh chấp với Viên Thượng, Viên Hy, sẽ giết chết hai người họ, vì sao ta muốn rút quân, đây là xu thế tất yếu.

Một chiêu này của Tần Huệ Văn Vương vừa xuất ra, giữa sáu nước trong hiệp ước Hợp tung bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau.

(Còn tiếp)

Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x