Vì sao Tần Cối hại Nhạc Phi? “Thuyết Nhạc toàn truyện” tiết lộ tiền nhân hậu quả

Vì sao Tần Cối hại Nhạc Phi? “Thuyết Nhạc toàn truyện” tiết lộ tiền nhân hậu quả. (SOH tổng hợp)
Vì sao Tần Cối hại Nhạc Phi? “Thuyết Nhạc toàn truyện” tiết lộ tiền nhân hậu quả. (SOH tổng hợp)

“Thuyết Nhạc toàn truyện” đã thay đổi góc độ, lấy quan hệ nhân quả để giải khai những ân ân oán oán. Thì ra, duyên nợ giữa Nhạc Phi và vợ chồng Tần Cối đều là nhân đời trước, quả kiếp này.

“Văn dĩ tải đạo”, văn học cổ điển không chỉ là nghệ thuật mà còn thể hiện nhận thức của người xưa về nhân thế, sinh mệnh, vũ trụ, qua đó truyền tải các thông điệp như “sinh tử luân hồi”, “nhân quả tuần hoàn”, “thiện ác báo ứng”… Thật thật giả giả, thực thực hư hư, người tín tâm đọc sách sẽ ngộ ra đạo lý, còn kẻ không tin thì chỉ cho là chuyện bịa đặt, hão huyền.

“Thuyết Nhạc toàn truyện” kể về cuộc đời người anh hùng trung nghĩa Nhạc Phi, trong đó có các tình tiết đan xen giữa lịch sử và truyền thuyết, giữa dã sử và truyền kỳ. Tác giả đứng từ góc độ nhân quả để lý giải những ân oán giữa các nhân vật, qua đó giúp người đọc vượt lên trên giới hạn thời không, nhảy ra khỏi cái rối ren của xã hội nhân loại để nhận thức từ một góc độ mới.

Sử sách chép rằng, sau khi Bắc Tống diệt vong, quân Kim ồ ạt tràn vào đánh phá khiến sinh linh điêu đứng, dân chúng lầm than. Nhạc Phi tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của trăm họ, ông đã tình nguyện tòng quân và anh dũng chiến đấu. Đội quân của Nhạc Phi liên tiếp giành chiến thắng, đưa tên tuổi của Nhạc Gia quân uy chấn khắp sơn hà. Quân Kim hễ nghe nói đến Nhạc Gia quân đều thở dài ngao ngán: “Bạt núi dễ, đánh quân Nhạc khó”. 

Sau khi Nhạc Phi đại phá trấn Chu Tiên, tin tức thắng trận từ tiền tuyến liên tiếp truyền về, Nhạc Gia quân với uy thế dũng mãnh sắp tiến thẳng vào phủ Hoàng Long nhà Kim. Nhưng khi việc lớn sắp thành, Trung Nguyên sắp được khôi phục thì Tống Cao Tông lại phát liên tiếp 12 lệnh kim bài triệu Nhạc Phi về triều. Chỉ trong chớp mắt, hết thảy mọi nỗ lực của quân đội Nhạc gia đã tan thành mây khói.

Tể tướng Tần Cối tìm cớ tống giam Nhạc Phi vào ngục, sau đó lại sắp xếp cho bề tôi tâm phúc của mình là Vạn Sĩ Tiết lên làm Chánh khanh ở Đại Lý Tự để xét xử. Vạn Sĩ Tiết dùng cực hình tra tấn cha con Nhạc Phi và Trương Hiến hòng ép họ nhận tội, nhưng vẫn không thu được lời khai.

Vạn Sĩ Tiết theo mưu đồ của Tần Cối, lấy tội danh “mạc tu hữu” (không cần có bằng chứng) hại chết Nhạc Phi tại đình Phong Ba. Con trai Nhạc Phi là Nhạc Vân và tướng Trương Hiến cũng bị giết hại.

Người đời sau đọc đến trang sử này đều không khỏi thương tâm rơi lệ, càng tôn kính Nhạc Phi bao nhiêu thì lại càng căm hận bè lũ gian thần Tần Cối bấy nhiêu. Tuy nhiên, “Thuyết Nhạc toàn truyện” đã thay đổi góc độ, lấy quan hệ nhân quả tiền duyên để giải khai những ân ân oán oán. Thì ra, duyên nợ giữa Nhạc Phi và vợ chồng Tần Cối đều là nhân kiếp trước, quả đời này.

Vợ chồng Tần Cối (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 2.0))
Vợ chồng Tần Cối (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 2.0))

Tiền nhân hậu quả

“Thuyết Nhạc toàn truyện” kể rằng, hôm ấy tại chùa Lôi Âm, Phật Tổ Như Lai ngự trên Cửu Phẩm Liên Hoa Đài giảng Pháp. Hai bên có bốn vị Bồ Tát, tám vị Kim Cương cùng năm trăm La Hán và chư vị Hộ Pháp đều chăm chú nghe Phật giảng Diệu Pháp Chân Kinh.

Từ dưới liên đài có một con dơi là Nữ Thổ Bức, chẳng biết vô tình hay hữu ý lại phát ra tiếng trung tiện đầy mùi xú uế. Phật Tổ là bậc đại từ đại bi nên không để tâm, nhưng hành động vô lễ ấy lại chọc giận vị Hộ pháp trên liên đài là Đại Bằng Kim Sĩ Minh Vương.

Đại Bằng thấy không thể tha thứ được, bèn hạ cánh mổ vào đầu Nữ Thổ Bức. Linh hồn Nữ Thổ Bức rời khỏi chùa Lôi Âm và bay thẳng đến Đông Độ, đầu thai làm con gái nhà họ Vương. Người con gái họ Vương ấy tên là Vương Thị, sau này trở thành vợ của Tần Cối.

Phật Tổ Như Lai nhìn Đại Bằng than thở:

– Ngươi đã thọ giáo cùng ta, sao lại hành động như vậy? Giờ ngươi phải xuống hồng trần để trả cái nợ oan trái ấy, rồi mãn kiếp lại tiếp tục tu hành cho thành chánh quả.

Đại Bằng cúi đầu lĩnh pháp chỉ rồi bay ra khỏi chùa Lôi Âm, thẳng đến vùng Đông Độ.

Lại nói, vua Huy Tông nhà Tống vốn là Trường Mi Đại Tiên giáng thế, từ nhỏ đã ưa thích những việc Thần Tiên, sau này xưng hiệu là Đạo Quân Hoàng Đế. Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, nhà nhà an lạc, gươm giáo cất kỹ vào kho, lại nhờ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nên thiên hạ ấm no, dân chúng thái bình.

Vào Tết Nguyên Đán, vua Huy Tông làm lễ tế và viết sớ tâu lên Ngọc Hoàng. Khi viết đến “Ngọc Hoàng Đại Đế”, thay vì chấm vào chữ Ngọc ông lại chấm nhầm vào chữ Đại, nên trở thành bốn chữ “Vương Hoàng Khuyển Đế”. 

Ngọc Hoàng đọc sớ thì vô cùng giận dữ phán rằng: “Vương Hoàng có thể cho qua, chứ Khuyển Đế thì không thể tha thứ”. Ngọc Hoàng liền sai con rồng râu đỏ là Xích Tu Long xuống trần, đầu thai vào Nữ Chân quốc lấy tên là Ngột Truật, sau này xâm phạm bờ cõi Trung Nguyên, phá tan giang sơn nhà Tống. Phật Tổ sợ dưới trần không ai trừ được Xích Tu Long nên mới sai Đại Bằng Điểu xuống để bảo vệ nhà Tống cho đủ mười tám đời vua.

Lúc bấy giờ, Đại Bàng Điểu đã bay đến sông Hoàng Hà. Hoàng Hà là con sông chạy quanh co ước chừng đến chín nghìn dặm. Vào thời Đông Tấn có vị Tiên nhân là Hứa Chân Quân từng trảm con giao long ở đấy.

Con giao long này hoá ra một vị tú tài lấy tên là Thận Lang, làm rể nhà ông Cổ Thứ Sử ở đất Trường Sa, sau lại bị Hứa Chân Quân bắt được, trói vào cây thiết trụ trong cái giếng ở Thành Nam tỉnh Giang Tây. Vợ hắn sau đó xuất gia tại núi Ô Long, sinh được ba đứa con. Hứa Chân Quân đã trảm hai đứa, còn đứa con thứ ba chạy trốn xuống bãi Hổ Nha Than bên sông Hoàng Hà, tu hành đắc đạo xưng là Thiết Bối Cầu Vương.

Thiết Bối Cầu Vương hoá thành một vị tú sĩ mặc áo trắng, thường thống lĩnh binh tôm tướng cá tập trận gần chân núi.

Vừa hay Đại Bằng Điểu bay ngang qua, biết là yêu quái liền đáp xuống mổ vào con mắt phía bên phải khiến Thiết Bối Cầu Vương đầm đìa máu chảy. Thiết Bối đau đớn hét lên rồi lặn xuống đáy sông Hoàng Hà trốn mất. Bản thân hắn ngỡ mình tài ba lỗi lạc, sức lực hơn người, ngờ đâu bị Đại Bằng mổ mù một con mắt, oán khí thấu chín tầng mây không thể nào nguôi được. Vì vậy, hắn thề sẽ không từ thủ đoạn nào để trả mối thù này.

Lũ binh tôm tướng cá thấy chủ soái thua trận thì cả kinh chạy trốn, chỉ riêng có một con cá là Đoàn Ngư Tinh cậy có chút khí lực, múa cặp đinh ba làm ra vẻ anh hùng hét lên một tiếng. Nhưng vừa nói dứt câu đã bị Đại Bằng Điểu mổ ngay giữa đỉnh đầu, linh hồn của Đoàn Ngư Tinh bay đi đầu thai, sau này là Vạn Sĩ Tiết mưu hại Nhạc Phi ở Phong Ba đình.

Thuở ấy có vị Tiên nhân Trần Đoàn Lão Tổ ẩn tu trong núi. Trần Đoàn Lão Tổ thấy Đại Bằng bay đến phủ Tương Châu, đậu trên nóc nhà dân rồi biến mất. Ông bèn hoá thành một tăng nhân chống gậy vào hỏi thăm, mới hay đó là nhà viên ngoại tên là Nhạc Hoà, vợ là Diêu An Nhân. Hai vợ chồng tuổi tác đã cao nay mới được một mụn con trai nên mừng vui khôn xiết, cùng thắp nhang khấn vái tạ ơn trời.

Lão Tổ nhìn thấy đứa bé liền nói:

– Bần tăng xem tướng mạo cháu bé rất khôi ngô, sau này lớn lên sẽ “viễn cử cao phi vạn lý”, nên tôi muốn đặt tên cháu bé là Phi, tự Bàng Cử. Chẳng hay viên ngoại có bằng lòng không?

Ấy là bởi Trần Đoàn Lão Tổ đã biết rõ huyền cơ, sợ Đại Bằng ở nơi phàm gian không có người bảo hộ, nếu có mệnh hệ gì sẽ không còn ai phò trợ giang sơn nhà Tống. Vì vậy ông mới thân hành đến nơi săn sóc cho đứa bé.

Lão Tổ cáo từ ra về, vừa ra khỏi cửa chợt thấy bên giếng nước có hai cái chum lớn. Lão Tổ cầm cây gậy chỉ vào hai chiếc chum và khen:

– Hai cái chum này vẽ vời đẹp quá!

Vừa nói, ông vừa niệm chú họa phù vào hai cái chum ấy rồi quay lại nói với Nhạc Hòa:

– Có điều tôi cần nói cho viên ngoại rõ: Nếu trong ba hôm nữa mà con ông vô sự thì thôi, bằng có điều chi trắc trở, ông hãy bảo bà bồng đứa bé vào trong cái chum này mới có thể bảo toàn tính mạng. Xin hãy nhớ lấy lời tôi!

Ba ngày sau, đứa bé khóc hoài không chịu nín, Nhạc viên ngoại nhớ lại lời nhà sư căn dặn, vội bảo vợ bồng con vào trong chum. Đúng lúc ấy thì trời long đất lở, nước lụt tràn đến mênh mông như biển cả, vạn vật khắp thôn đều trôi theo dòng nước lũ.

Dòng nước này là do Thiết Bối Cầu Vương gây ra. Vì nghe nói Đại Bằng đầu thai vào nhà họ Nhạc nên hắn sai binh tôm tướng cá đến làm mưa làm gió. Vì phạm đến luật trời, Thiết Bối bị Ngọc Hoàng sai Đồ Long Lực Sĩ bắt lên Oa Long Đài xử trảm.

Thiết Bối Cầu Long không nguôi mối thù, liền chuyển thế thành Tần Cối. Đoàn Ngư Tinh vì cứu chủ mà mất mạng nên căm phẫn bất bình, chuyển sinh thành Vạn Sĩ Tiết. Nữ Thổ Bức chỉ vì thất lễ mà phải chết nên không cam lòng, chuyển sinh làm Vương Thị gả cho Tần Cối. Về sau, ba người không từ mọi thủ đoạn hãm hại Nhạc Phi để trả mối thù năm xưa.

(Ảnh: “Trần Hy Di thụy đồ”, hội họa Nhật Bản)nhạc Phi
(Ảnh: “Trần Hy Di thụy đồ”, hội họa Nhật Bản)

Thiện ác luân báo, nhân quả tuần hoàn

Sinh mệnh mang theo ân ân oán oán từ các tầng không gian khác nhau, cuối cùng đến nhân gian để liễu kết. Mỗi cá nhân theo nhân quả tuần hoàn mà hóa thân vào các vai diễn khác nhau, diễn ra một đoạn lịch sử kinh tâm động phách.

Hôm ấy, Tần Cối và Vương Thị ngồi bên lò sưởi dưới cửa sổ phía đông cùng uống rượu, bỗng có kẻ tâm phúc đến báo tin rằng dân chúng đang kêu oan thay cho Nhạc tướng quân.

Vương Thị bèn dùng que cời than viết bảy chữ lên tro bếp: “Phược hổ dung dị túng hổ nan” (Bắt hổ thì dễ, thả hổ mới khó). Tần Cối gật đầu cho là phải. Sau đó, Vương Thị lại xúi giục chồng gửi mật thư cho Vạn Sĩ Tiết, sai người đưa cha con Nhạc Phi và Trương Hiến đi “kết liễu tại đình Phong Ba”.

Nhạc Phi một đời tận trung báo quốc, cuối cùng hào khí hiên ngang ra đi khi mới vừa 39 tuổi. Hôm ấy cuồng phong vần vũ, cát bụi mịt mù, lửa đèn đều bị gió lớn thổi tắt, dường như trời xanh cũng đang khóc người hiền trung liệt. Nhạc Phi cùng Nhạc Vân và Trương Hiến đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đợi chờ Ngọc Đế giáng chỉ khai ân.

Ngọc Đế đang ngự tại Linh Tiêu Bảo Điện, hai bên là Tứ đại Thiên Sư cùng với Văn Võ thánh chúng, dưới thềm là các Tiên quan đứng chầu trông vô cùng uy nghi tề chỉnh. Thái Bạch Kim Tinh phủ phục trước thềm ngọc, dâng lên tấu chương.

Ngọc Đế xem xong liền truyền rằng: “Tần Cối cùng bè lũ gian thần giết hại trung lương, đều phải đả nhập địa ngục chịu tội. Nhạc Phi là Tây Thiên Hộ Pháp giáng phàm, trẫm lệnh cho Kim Tinh đưa về tòa sen, chờ nghe Ngọc chỉ. Còn Nhạc Vân và Trương Hiến vốn là tướng lại của Lôi bộ, nay gia phong làm hai nguyên soái của Lôi bộ phụ trách việc thưởng thiện phạt ác”.

Nhân gian là một trường hý kịch, mỗi vai diễn trên khán đài hoặc là làm việc xấu mà tạo ác nghiệp, hoặc là làm việc tốt mà tích phúc đức. Đời này là nhân nhưng kiếp sau là quả, mỗi người đều cùng diễn trọn vở kịch nhân sinh.

Từ nhân duyên tác hợp, ân oán đan xen trong “Thuyết Nhạc toàn truyện”, chúng ta có thể nhìn ra dòng chính đang quán xuyến hết thảy: Đó chính là thiện ác luân báo, nhân quả tuần hoàn. Mỗi sinh mệnh trải qua 5000 năm luân hồi đã hóa thân vào biết bao vở kịch với đầy đủ hỉ nộ ái ố, bi tráng hào hùng, oanh oanh liệt liệt. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Vở kịch cuối cùng của 5000 năm, liệu có phải chính là hôm nay…

Minh Hạnh

Nguồn: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x