Câu chuyện thành ngữ: ‘Kết thảo hàm hoàn’, sống chết không quên ân

Kết thảo hàm hoàn Minh Chân Tướng
Kết thảo hàm hoàn, có ơn tất báo. (Ảnh: Pixabay)

Tri ân đồ báo (có ơn tất báo) là một phẩm chất quý giá trong văn hóa truyền thống. Người xưa nói rằng “cảm ân báo đức chí tử bất vong” (cảm ân báo đáp, đến chết cũng không quên)! Ngay cả quỷ ở nơi âm phủ cũng biết báo ơn, điều này đã được ghi chép trong sử sách. Từ một phương diện khác mà nói, những việc tốt, việc thiện mà con người làm đều sẽ không vô ích, vào thời khắc mấu chốt hoặc trong những sự tình quan trọng, sẽ nhận được hồi báo bất ngờ.

Quỷ kết cỏ báo ân

Trong cuốn “Xuân thu tả truyện” của Lỗ Tuyên Công có ghi chép lại một câu chuyện về quỷ kết cỏ báo ân.

Trong 19 năm tha hương của Tấn công tử Trọng Nhĩ, bên cạnh Trọng Nhĩ có vài hiền sĩ đi theo, một trong số họ là Ngụy Thù nổi tiếng dũng cảm. Sau khi Trọng Nhĩ trở về nước đã trở thành Quốc quân, chính là Tấn Văn Công. Ông phong Ngụy Thù là Đại phu, hậu nhân gọi là Ngụy Vũ Tử. Trưởng tử của Ngụy Vũ Tử tên là Ngụy Khỏa, là người hiểu lễ nghĩa và trung hậu, về sau đảm nhiệm chức vị Tướng quân Tấn quốc.

Ngụy Vũ Tử có một ái thiếp tên là Tổ Cơ, mặc dù Tổ Cơ được sủng ái nhưng nàng không sinh được con trai. Vào những lúc bị ốm, Ngụy Vũ Tử thường dặn đi dặn lại trưởng tử Ngụy Khỏa rằng: “Sau khi ta chết, hãy chọn một gia đình phù hợp để gả cho Tổ Cơ. Tổ Cơ là ái thiếp của ta, đừng để nàng phải trôi dạt khắp nơi, như vậy ta ở dưới Cửu tuyền mới có thể an tâm nhắm mắt.” Về sau Ngụy Vũ Tử bệnh tình trầm trọng, trước khi lâm chung, ông lại nói với Ngụy Khỏa rằng: “Hãy chôn cất Tổ Cơ cùng ta, để ta có người bầu bạn nơi địa phủ.”

Sau khi Ngụy Vũ Tử qua đời, Ngụy Khỏa đã tìm đối tượng phù hợp để Tổ Cơ tái giá. Có người hỏi: “Tại sao ngài không làm theo lời phụ thân, sao lại gả Tổ Cơ đi?” Ngụy Khỏa đáp: “Lúc người ta bệnh nặng, đầu óc thường mơ hồ. Vậy nên tôi đã làm theo di ngôn của phụ thân tôi khi đầu óc ông còn minh mẫn.”

Vào đầu mùa thu năm Lỗ Tuyên Công thứ 15, Tần Hoàn Công đem quân đánh Tấn quốc. Quân nước Tần tiến vào đất Tấn, đóng trại ở Phụ Thị (nay là huyện Phụ Ấp, tỉnh Thiểm Tây), thống lĩnh là Đỗ Hồi vốn rất vũ dũng, ít ai thắng nổi. Ngụy Khỏa được lệnh phản kích quân Tần. Hai đội quân giao chiến ở Phụ Thị, kết quả quân Tấn đã thắng trận, lập nên chiến tích đáng kinh ngạc.

Khi đó trên chiến trường, lúc Ngụy Khỏa sắp giao chiến với Đỗ Hồi thì đột nhiên nhìn thấy ở trước mặt có một ông lão đang bện cỏ (kết thảo, tức kết cỏ) trên mặt đất. Khi Đỗ Hồi lao tới trước mặt Ngụy Khỏa thì đột nhiên loạng choạng, ngã xuống mặt đất, lập tức bị Ngụy Khỏa bắt sống. Binh sĩ nước Tần thấy chủ tướng chưa chiến đã bại thì lập tức nản lòng, đội quân tan rã.

Đêm hôm đó, Ngụy Khỏa nằm mộng thấy một ông lão, vừa nhìn thì chính là ông lão ban ngày kết cỏ ngoài chiến trường. Ông lão nói với Ngụy Khỏa: “Tôi là phụ thân của Tổ Cơ, ngài đã dùng di ngôn trước đây của phụ thân mình để cứu mạng con gái tôi. Nay tôi đến để báo ơn ngài.”

Chim sẻ ngậm vòng báo ân

“Hàm hoàn”, tức “ngậm vòng”, là một câu chuyện về việc báo ơn khi còn sống, nó được kết hợp với “kết thảo” để tạo thành câu thành ngữ “kết thảo hàm hoàn” (kết cỏ ngậm vòng), cả hai đều là những câu chuyện về báo ân.

Câu chuyện “ngậm vòng” xảy ra với Dương Bảo, phụ thân của Thái úy Dương Chấn thời Đông Hán. Theo ghi chép trong “Tục tề hài ký” của Lương Ngô Quân thời Nam triều, Dương Bảo là người Hoằng Nông, rất tốt bụng, cũng rất yêu quý động vật. Vào năm Dương Bảo chín tuổi, ở phía Bắc núi Hoa Âm, cậu nhìn thấy một con cú tấn công một con chim sẻ thông vàng. Con chim sẻ bị mổ và rơi xuống gốc cây, không thể bay được, sau đó lại bị kiến ​​lửa bu đốt, bám đầy thân nó.

Dương Bảo ôm con chim sẻ về nhà, đặt nó lên xà nhà để chăm sóc. Đêm đến cậu nghe thấy tiếng chim sẻ kêu thảm thiết, hóa ra là nó bị muỗi đốt. Cậu liền chuyển chim sẻ vào một cái tráp và mỗi ngày cho nó ăn hoa cúc. Sau hơn mười ngày, chim sẻ đã mọc lông và có thể bay được. Nó sáng đi chiều về, ban đêm thì nằm trong tráp, cứ như vậy trong suốt một năm.

Bỗng có một hôm, con chim sẻ bay về cùng một đàn chim. Đàn chim bay quanh nhà của Dương Bảo, vừa bay vừa hót, mấy ngày sau mới rời đi. Đêm ấy, khi Dương Bảo đang đọc sách đến canh ba, bỗng có một cậu bé mặc áo vàng tiến đến nói rằng: “Tôi là sứ giả của Vương Mẫu, ngày đó khi nhận lệnh tới Bồng Lai thì bị cú mèo tấn công, được lệnh quân nhân ái cứu mạng, bây giờ tôi được lệnh đến Nam Hải.” Cậu bé áo vàng từ biệt Dương Bảo, lấy ra bốn chiếc vòng bạch ngọc tặng cho cậu rồi nói: “Hậu duệ của lệnh quân là người cao quý thuần chân, tương lai sẽ làm Tam công (ba chức quan cao nhất thời phong kiến, gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo), những chuyện về sau sẽ giống như bốn cái vòng này.”

Thái Ung, một đại danh sĩ về kinh sử của triều Đông Hán nhận xét rằng “ngày đó chim sẻ báo ân mà tới,” ý là chỉ câu chuyện của Dương Bảo.

Về sau, Dương Bảo ẩn cư, không ra làm quan, danh tiếng hiếu thuận vang xa. Con trai ông Dương Chấn là Thái Úy triều Đông Hán, thống lĩnh quân đội; Cháu trai Dương Bỉnh và chắt trai Dương Bưu đều là bậc danh công triều Đông Hán, bốn đời trong gia tộc đều thanh danh cao quý và được mọi người kính trọng, kết cục quả như bốn chiếc vòng bạch ngọc đó.

Người đời sau có câu rằng “sinh đương hàm hoàn, tử đương kết thảo,” chính là nói khi còn sống thì ngậm vòng báo ơn, khi chết thì kết cỏ đền đáp. Từ hai câu chuyện kể trên mà hợp thành câu thành ngữ “kết thảo hàm hoàn” (kết cỏ ngậm vòng), dùng để ví von với việc dẫu chết cũng không quên báo ơn. Qua đó cho thấy bản chất đáng quý của con người là hiền lành, nhân hậu, thật thà và chất phác, đồng thời một lần nữa minh chứng cho Thiên lý rằng làm việc thiện sẽ đắc phúc báo.

Tài liệu tham khảo: “Xuân thu tả truyện chính nghĩa”, quyển 24; “Tục tề hài ký”.

Lý Mai biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x